Tình yêu và đức khiết tịnh

Đăng lúc: Thứ năm - 18/08/2016 01:36 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Tình yêu và đức khiết tịnh

Tình yêu luôn là tâm điểm, là khát khao, là một phần trong tâm hồn và là cả một cuộc sống của con người, khiến con người luôn luôn tìm kiếm để lấp đầy những khát vọng của con tim. Con tim nồng cháy tình yêu này đã được Thiên Chúa đặt vào lòng con người khi Người sáng tạo ra họ. Họ mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1,27), Đấng được mệnh danh là Tình Yêu (x. 1Ga 4,8). Vì vậy, tình yêu ấy nằm sâu trong lòng mỗi người, và nó trỗi dậy rất mạnh, khiến cho người ta có thể bỏ tất cả mọi sự để theo đuổi cái mình thích hay người mình yêu, thậm chí có thể chết vì tình yêu. Nhất là tình yêu nam nữ, tình yêu đôi lứa, tình yêu đó đã thức dậy cách mạnh mẽ khi con người bước vào tuổi dậy thì, và nó sẽ đeo đuổi họ trong suốt quãng đời còn lại. Và cũng từ đây, họ sẽ lắng nghe tiếng nói của con tim, để bước theo tiếng gọi đó, rằng họ sẽ dành  riêng cho một ai đó cách đặc biệt, hay dành cho một nhóm người nào đó. Thông thường, họ sẽ đi tìm tình yêu nơi một người khác phái. Có thể nói đó là quy luật, là điều tất yếu để con người duy trì nòi giống, vì chính Thiên Chúa cũng đã nói: “Con người ở một mình không tốt”, nên đã trao Eva cho Adam (x. St 2, 24 ). Vậy tình yêu là gì mà khiến cho tất cả mọi người đều phải tìm kiếm, khát khao như thế? Với những người muốn sống độc thân vì Nước Trời qua lời khấn giữ khiết tịnh thì sao, họ sẽ phải thể hiện tình yêu đó như thế nào ?

1. Bản chất của tình yêu trong mỗi người

a. Tình yêu Eros

Theo ngôn ngữ thông thường Eros là tình yêu hoàn toàn nhân linh. Nó thường được qui về tình yêu theo dục tính. Một tình yêu “đi xuống”, tình yêu “ham muốn”. Ý tưởng căn bản trong Eros là có được điều gì đó cho bản thân. Ta có thể có tình cảm đích thực với người khác, thứ tình cảm được nhen nhúm lên nhờ sự hấp dẫn của người khác, nhờ sự phấn khích, hài lòng, thoả mãn mà ta tin rằng người khác sẽ ban cho ta. Eros có vẻ như là tình yêu đối với người khác, nhưng thực ra là tình yêu đối với bản thân. Người ta thường nói: “Anh yêu em, vì em làm cho anh hạnh phúc”. Nền tảng của tình yêu này là một vài đặc điểm nơi người khác, những cái làm cho ta hài lòng, chẳng hạn như vẻ đẹứngự duyên dáng, nồng ấm, dễ thương hay tài năng. Loại tình yêu này trước tiên tìm kiếm điều ta có thể đạt được. Ta có thể cho đi một ít, nhưng mục tiêu thường là đạt được điều gì đó đổi lại cái ta đã trao ban. Nếu ta không đạt được cái ta muốn, nó có thể trở thành oán giận, cay đắng hay hận thù.

Chính vì thế, Kitô giáo trong quá khứ đã bị kết án là thù ghét thân xác. Đã có những trường phái tu đức cho rằng những biểu lộ của trái tim là một mối nguy cơ, là một cái gì “nhân loại” và “tự nhiên”, do đó không hoàn hảo. Người ta cho mọi niềm vui phát xuất từ con tim sẽ làm mất đi công phúc của một tình yêu siêu nhiên, và vì thế sẽ tìm cách “vô hiệu hoá” tình cảm của mình và làm cho nó bạc nhược đi. Theo những trường phái này, tình yêu siêu nhiên được quan niệm như một thực thể khác biệt một cách căn bản với tình yêu tự nhiên, và nó cũng không cần nhờ đến những phương tiện tự nhiên thông thường để diễn tả ra bên ngoài.

Thực ra, niềm tin Kitô giáo đúng bản chất luôn nhìn con người như là một hữu thể gồm cả hồn lẫn xác. Nơi họ, tinh thần và vật chất nối kết chặt chẽ với nhau và cả hai cảm nghiệm được sự cao quí mới: “Con người thực sự là chính mình, khi hồn xác tìm được sự hiệp nhất nội tại; thách đố của Eros chỉ có thể vượt thắng, khi sự hiệp nhất này được thành tựu. Nếu con người chỉ muốn mình là tinh thần và hạ giá thân xác như gia sản động vật, thì hồn xác sẽ mất đi phẩm giá của mình. Và nếu như họ phủ nhận tinh thần và nhìn vật chất, thì họ cũng lại đánh mất sự vĩ đại của mình”[1]. Vậy, không phải chỉ có hồn hay chỉ có xác mới yêu. Con người, một nhân vị, yêu như một thụ tạo duy nhất và đơn nhất, bao gồm cả hồn lẫn xác. Tình yêu theo nghĩa Eros, được Ðấng Tạo Hoá đặt vào trong bản chất con người, cần nhờ đến những kỷ luật, cần được thanh luyện và cần trưởng thành, để không đánh mất phẩm giá nguyên thủy của nó, để không bị hạ thấp xuống thành “tình yêu đơn thuần phái tính”, để không bị trở thành như món hàng “mua bán”. Ðức Tin Kitô đã luôn luôn nhìn con người như một hữu thể, trong đó tinh thần và vật chất hoà lẫn vào nhau, và nhờ đó mà có được nét cao cả mới. Sự thăng hoa của tình yêu Eros được thực hiện, khi thể xác và linh hồn con người được tái lập trong sự hoà hợp trọn vẹn.

b. Tình yêu Agape

Là tình yêu của một con người không tìm vui thú cho chính mình, nhưng vui sướng khi trao ban. Nó không được cháy bùng lên do công trạng hay giá trị của đối tượng, nhưng phát sinh từ bản tính do Thiên Chúa trao ban. Agape vẫn tiếp tục yêu thương khi đối tượng không đáp trả, không tử tế, không dễ thương hay hoàn toàn không xứng đáng. Nó chỉ ao ước điều thiện cho người mình yêu. Mục đích cuộc đời người ấy là làm cho người yêu được hạnh phúc, dầu phải trả giá hay hi sinh, nó không trao ban 50% và chờ đợi được đáp trả 50%. Nó trao ban 100% và không mong chờ đền đáp lại. Đức Kitô đã là mẫu mực cho loại tình yêu này. Ngài đã sống và đã chết cho người mình yêu, để người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu này là đích đến của niềm tin Kitô giáo.

c. Sự tương quan giữa Eros và Agapê

Trong thực tế, tình yêu theo nghĩa Eros và tình yêu theo nghĩa Agapê không bao giờ được tách rời khỏi nhau hoàn toàn; nhưng ngược lại, bao lâu mà cả hai tình yêu này, dù trong những chiều kích khác nhau, có được tương quan quân bình đúng cách với nhau, thì bản chất đích thật của tình yêu càng được thực hiện. Cho dù lúc khởi đầu, tình yêu theo nghĩa Eros có nặng phần ước muốn chiếm hữu. Nhưng rồi từ từ trong tương quan với kẻ khác, tình yêu Eros này ít tìm về chính mình hơn, nó càng ngày càng mưu tìm hạnh phúc cho người khác, càng ngày càng cho đi chính mình và càng ao ước “sống” cho tha nhân. Lúc này, tình yêu theo nghĩa Agapê được nhập vào trong tình yêu Eros và được xác định trong đó. Thật vậy, con người cũng không thể sống đơn thuần trong tình yêu ban tặng và đi xuống, nghĩa là không thể cho mãi, họ cũng phải đón nhận. Ai muốn ban tặng tình yêu, thì chính họ cũng được lãnh nhận tình yêu.[2]

Thiên Chúa yêu thương con người “và người ta có thể xem tình yêu của Người là Eros, nhưng cũng đồng thời là Agape”[3]. Hai vị ngôn sứ Hôsê và Edêkien đã đặc biệt diễn tả đam mê của Thiên Chúa đối với dân của mình bằng những hình ảnh tình ái táo bạo: hình ảnh hôn ước và hôn nhân. Thiên Chúa yêu thương con người đến độ trở thành con người, chạy theo họ cho đến độ đi vào cõi chết, nhưng Eros của Thiên Chúa đối với con người cũng hoàn toàn là Agape. Không phải chỉ vì Eros này được ban tặng cách hoàn toàn nhưng không, không do một công trạng nào trước đó, mà còn vì đó là tình yêu tha thứ. Tình yêu này cao cả đến độ Thiên Chúa chống lại chính mình, tình yêu của Người chống lại công lý của Người.

Đồng thời, trong Chúa Giêsu Kitô, Ðấng là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể, hai tình yêu – tình yêu Eros và tình yêu Agapê – lại gặp nhau trong hình thức tận căn nhất. Trong cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu trao ban chính mình để nâng dậy và cứu rỗi con người, và như thế Ngài diễn tả tình yêu trong hình thức cao cả nhất. Chúa Giêsu đã bảo đảm cho hành động hiến tế trên thập giá được hiện diện mãi mãi qua việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Nơi đó, trong hình bánh và hình rượu, Chúa trao ban chính mình như là Manna mới, có sức kết hiệp chúng ta với Chúa. Nhờ tham dự vào bí tích Thánh Thể, chúng ta được thu hút vào trong sức mạnh của hành động hiến thân của Chúa. Chúng ta vừa được kết hiệp với Chúa, vừa đồng thời đuợc kết hiệp với tất cả mọi anh chị em được Chúa trao ban chính Ngài cho. Nhờ đó, tất cả chúng ta trở thành “một thân thể”. Trong cách thức này, tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với anh chị em được thật sự hoà nhập chung lại. Chính nhờ cuộc gặp gỡ với tình yêu Agapê của Thiên Chúa như vừa giải thích trên đây, mà mệnh lệnh Yêu mến Thiên Chúa và Yêu mến con người không còn chỉ là một đòi buộc mà thôi, nhưng là một món quà từ Thiên Chúa. Tình yêu chỉ là một đòi buộc, bởi vì, trước đó, tình yêu đã được trao ban cho chúng ta. Sự kết hiệp giữa con người với Thiên Chúa, đó là giấc mơ nguyên thủy của con người, nhưng sự kết hiệp này không phải là sự tan biến, chìm sâu vào một đại dương vô danh của thần tính, nhưng là sự hiệp nhất tạo nên tình yêu, trong đó cả hai – Thiên Chúa và con người – ở lại trong tình yêu và hoàn toàn trở thành một. Thánh Phaolô nói: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,17).[4]

Vậy, trong con người luôn có hai loại tình yêu này, và nó sẽ thật sự được thành toàn khi nó quân bình và hòa quyện với nhau, để hướng dẫn con người trong tương quan với tha nhân, luôn biết nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tuông, không vênh vang tự đắc, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác (của tha nhân). Tình yêu thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1Cr 13,4-8). Đó là đặc tính của tình yêu đích thực, tình yêu trao ban hay là đặc tính của Đức Ái. Nhưng làm sao để ta quân bình được nó, nhất là với những người tu sĩ sống trong một cộng đoàn chỉ toàn là nữ hoặc là nam, họ không được san sẻ tình yêu, hạnh phúc cho người bạn đời để quân bình  tâm lý và tình cảm của mình?

2. Đức khiết tịnh

Trên thực tế ta thấy có biết bao nhiêu người nam và nữ đã sống độc thân để hiến mình cho Thiên Chúa, cho Nước Trời. Nói cách khác, họ đã sống Đức Ái một cách hoàn hảo. Làm sao họ có thể sống tuyệt vời như thế giữa xã hội đầy cạm bẫy này? Phải chăng họ có bí quyết gì đó? Họ là những người đã thiết lập mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, và “Đức Khiết Tịnh sẽ là kim chỉ nam” hướng dẫn tình yêu của họ đi đúng đường, đó là chỉ dành tình yêu cho riêng mình Thiên Chúa qua việc yêu thương hết mọi người như họ là. Hiến Pháp của Chị Em Đaminh số 8 có viết như sau: “Đức khiết tịnh là ân huệ cao cả của ơn thánh, giúp giải thoát con người để yêu mến Chúa và tha nhân hơn. Đó cũng là dấu chỉ của kho tàng trên trời, là phương tiện thích hợp nhất cho việc hiến thân phụng sự Chúa và làm việc tông đồ; là dấu chỉ và sự tham dự trước vào thế giới vĩnh cửu, thế giới ấy đã có ngay từ bây giờ, đang hoạt động và biến đổi con người nên trọn vẹn.”

a. Ảnh hưởng trên bản năng tính dục của con người

 Đức khiết tịnh, một cách sâu xa, nó đụng trực tiếp vào bản năng tính dục của người tu sĩ, nếu người đó không có một đời sống tương quan tốt với Thiên Chúa và tha nhân, hẳn họ sẽ gặp khó khăn trong việc chiến đấu với chính bản năng của mình. Bởi, khi khấn khiết tịnh, người tu sĩ đã hiến dâng trọn vẹn con tim mình cho Chúa, yêu Ngài với một trái tim không chia sẻ, nhưng lại yêu hết mọi người. Tuy nhiên, người tu sĩ cũng vẫn là một con người nam hoặc nữ, họ hoàn toàn bình thường như bao người khác, nghĩa là cũng hướng đến một người khác phái, cũng có một trái tim biết rung động và yêu thương. Trên hành trình tìm kiếm và hiến dâng mình cho Thiên Chúa, Đấng mà họ đã từng nghe thấy tiếng gọi của Ngài, dường như nhiều khi khuất bóng, ẩn mặt, nên họ thấy hoàn toàn cô đơn; trong họ lúc này lại dâng lên khao khát một tình yêu mãnh liệt, một ai đó vỗ về, một ai đó ủi an và một ai đó cảm thông … Chúa của họ đâu rồi, phải chăng Ngài đang biến hình hay đang chơi trò trốn tìm với họ? Nhìn vào trong tâm hồn cô đơn quạnh hiu đó, họ chợt nhìn thấy một sợi dây màu hồng đang nằm dưới lớp bụi, vẫn còn rất sáng và mới. Ôi! Đó là sợi dây giao kết giữa họ với Thiên Chúa, họ đã dâng hiến trái tim của họ cho Ngài, mà họ lại mơ ước và đi tìm một tình yêu nào đó không phải là Ngài, họ đã lầm đường và phải quay về với Thiên Chúa ngay tức khắc. Nếu không, họ sẽ bị trật hướng và không bao giờ có thể đi đến cuối con đường mình đã chọn. Nghĩa là, họ sẽ không tìm được tình yêu đúng nghĩa theo con tim và lý trí của họ, có thể họ đã hoàn toàn bị chệch hướng về Eros chăng? Và như thế họ đánh mất Đức khiết tịnh mà họ đã khấn giữ với Thiên Chúa từ thuở nào.

b. Chiến đấu để đạt được đức khiết tịnh

Sống khiết tịnh ngày hôm nay là đi trên con đường xa lạ, khó khăn, “con đường chẳng mấy ai đi”. Chính vì thế mà mỗi người, khi dấn bước trên con đường đó, phải biết mình đi đâu và tại sao lại đi. Không phải biết cách chung chung nhưng là biết cách chính xác, rõ ràng, và còn phải can đảm sống điều mình biết, phải bạo dạn dấn thân và chấp nhận hy sinh từ bỏ. Vì theo sự thường “lựa chọn là hy sinh”, không lập lờ, nước đôi. Điều đó có nghĩa là mỗi người phải trưởng thành, không chỉ trên bình diện pháp lý, mà tất yếu còn phải trưởng thành về tâm cảm. Có như vậy, khi người tu sĩ khấn khiết tịnh, lời khấn mới đem lại những giá trị đích thực cho họ. Người khiết tịnh minh chứng rằng, mọi mối tình đều có phẩm chất và chiều sâu của nó, nhất là khi yêu thương như Thiên Chúa yêu là khước từ mọi quyền hành, mọi kiểu cách thống trị để chịu đóng đanh bởi tình yêu. Khi dấn thân trong đời sống khiết tịnh, người tu sĩ hiến thân cho ba đối tượng: Thiên Chúa, Hội Thánh và tha nhân. Thánh Phaolô khuyên: “Tôi nài xin anh em hãy hiến thân như của lễ sống động, thanh sạch đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1). Thiên Chúa không thèm khát chiên bò, nhưng vui mừng khi nhận lễ vật tình yêu, đó là một trái tim không chia sẻ, không bớt xén. Tu sĩ khước từ tình yêu xác thịt để chiếm hữu tình yêu Thiên Chúa và trở thành hy lễ hiến dâng Người. Và một khi người tu sĩ quảng đại, quyết tâm dâng hiến trái tim của mình cho Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ ban cho họ được tràn ngập tình yêu trong tâm hồn để yêu thương mọi người, một tình yêu trong sáng và đong đầy vị tha. Khi đó, dĩ nhiên, họ đã cân bằng được hai thứ tình yêu trong họ và họ đã đạt được Đức Ái. Nhưng người tu sĩ cũng nên nhớ rằng, Đức khiết tịnh là một ân ban của Thiên Chúa để giúp họ dễ định hướng tình yêu của mình sẽ dành cho ai cũng như trao ban tình yêu của mình cho tha nhân. Được như thế, họ phải chiến đấu hằng ngày, hằng giờ để gìn giữ trái tim của mình để chỉ dành riêng cho Thiên Chúa qua việc trao ban Đức Ái đến với tha nhân.

3. Đức khiết tịnh, phương thế hướng dẫn tình yêu của người tu sĩ đạt tới Đức Ái trọn hảo.

Khiết tịnh giúp thanh luyện quả tim bằng thịt. Chọn sống độc thân khiết tịnh vì Nước Trời không phải là từ chối tình yêu con người, nhưng là chấp nhận đáp trả một “tình yêu lớn hơn”. Người tu sĩ đã gặp thấy tình yêu nơi Đức Kitô, họ đang sống với Ngài, nhờ Ngài, cho Ngài. Đối với họ, như thế là quá đủ! Tuy nhiên, họ vẫn là người như bao nhiêu người khác, họ cũng có thể xúc phạm tới tình yêu đã dành cho Chúa, vì tình yêu này quá cao cả và xa vời, còn con tim họ chỉ là con tim bằng thịt còn rung động. Vì thế, đức khiết tịnh mời họ chiến đấu đôi khi với cả mạng sống để trung thành với tình yêu duy nhất đó. Nhờ vậy, họ có thể thanh luyện trái tim để có được sự tự do khi yêu thương bè bạn, mọi người bằng một tình yêu không dự vào xác thịt hay giác quan, nhưng dự vào sự thật của mỗi người.

Bên cạnh đó, người tu sĩ sống khiết tịnh sẽ mở rộng khả năng yêu mến, phục vụ người khác trong tinh thần huynh đệ. Họ sống đức mến một cách tròn đầy hơn, họ cũng quảng đại hơn để yêu mến mọi người và từng người, họ sống như anh chị em và bạn hữu của nhau trong Đức Kitô. Nhờ đó, người tu sĩ sống chan hòa trong cộng đoàn, tình yêu huynh đệ triển nở và đích thực ngự trị giữa cộng đoàn. Việc nuôi dưỡng đức mến và sự hiệp nhất giúp họ mang gánh nặng cho nhau. Và cuối cùng, đức khiết tịnh thúc bách người tu sĩ khiêm tốn ý thức về tình yêu thánh hiến của họ phải thường xuyên lớn lên và đạt tới mức trưởng thành. Có như vậy, mới giúp cho họ biết cậy dựa vào những trợ lực thiêng liêng, các nhân đức vững chắc từ Thiên Chúa, để họ có thể cởi mở và đơn sơ trước mặt Thiên Chúa và mọi người.

Nói tóm lại, hiểu sâu xa về tình yêu với lời khấn khiết tịnh sẽ mang lại những giá trị đặc biệt cho người tu sĩ, giúp họ sống mãnh liệt để dấn thân vì Nước Trời, vì con người, vì phẩm giá và sự tăng trưởng thiêng liêng của nhân loại. Vì thế, lời khấn khiết tịnh xuất phát từ trái tim của người tu sĩ chứ không chỉ bởi luật lệ và sự cấm kỵ. Tình yêu lại là động lực để thúc đẩy người tu sĩ hăng say sống trọn vẹn cho lời khấn khiết tịnh dưới sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nói cách khác, khi người tu sĩ biết sống Đức Ái với tha nhân thì khi đó tình yêu Thiên Chúa đang hiện nơi họ và lan tỏa cho tất cả mọi người.   

Tê-rê-sa Nguyễn Vân (HVTT)

………………………………………………………………….

[1] ĐGH BÊNÊDICTO XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 5

[2] ĐGH BÊNÊDICTÔ XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu , số 7

[3] ĐGH BÊNÊDICTÔ XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu, số 9

[4] ĐGH BÊNÊDICTÔ XVI, Thông Điệp Thiên Chúa Là Tình Yêu , số 10

Từ khóa:

tu sĩ, tình yêu, như thế

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận