Cha Xứ Và Giáo Dân Hôm Nay

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/10/2016 16:11 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CHA XỨ VÀ GIÁO DÂN HÔM NAY

Trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội được quan niệm theo mô hình “Giáo Hội kim tự tháp” và “Giáo Hội – xã hội hoàn hảo”, nên tương quan giữa cha xứ và giáo dân là tương quan bất bình đẳng, giữa ‘chủ’ và ‘tớ’, giữa những người có quyền và những người không có quyền. Như Công Đồng Vatican I đã nêu:

Giáo Hội của Đức Kitô không phải là một xã hội bình đẳng… trong Giáo Hội, Chúa đã thiết lập một quyền bính mà một số người đã lãnh nhận được để thánh hoá, dạy dỗ, cai quản, trong khi những người khác không có quyền ấy.[1]

Hay như Đức Giáo hoàng Leô XIII trong một bức thư gửi cho Tổng Giám mục Giáo phận Tours năm 1888 cũng viết:

…Giai cấp thứ nhất (chủ chăn) có nhiệm vụ dạy dỗ, cai quản và hướng dẫn các sống cho mọi người và đặt ra lề luật. Giai cấp thứ hai (giáo dân) phải phục tùng giai cấp thứ nhất: vâng lời họ, thi hành lệnh và tôn vinh họ.

Dưới ánh sáng của Tin Mừng, Công Đồng Vatican II đã đặt lại tương quan giữa cha xứ và giáo dân, khi quan niệm “Giáo Hội là Dân Thiên Chúa”, nghĩa là tất cả các kitô hữu đều là thành phần Dân Chúa, được kết hợp trong một Giáo ước mới và được ký kết bằng chính máu Đức Kitô.[2] Và “Giáo Hội là Nhiệm Thể Chúa Kitô”, nên trong Đức Kitô và trong Giáo Hội, tất cả các thành viên đều bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi.[3] Các Giám mục Á Châu cũng khẳng định:

Giáo dân không phải là tay hay chân của giáo sĩ, cũng chẳng phải là thành phần tham dự vào chức vụ Tông Đồ của hàng giáo phẩm, nhưng là những thành phần đầy đủ tư cách trong Giáo Hội với quyền và bổn phận.[4]

Tuy nhiên, Công Đồng cũng khẳng định tính đặc thù của ơn gọi:

Tuy tất cả các thành phần đều bình đẳng về phẩm giá, về ơn gọi nên thánh và hoạt động chung để xây dựng thân mình Đức Kitô, nhưng trong Giáo Hội không phải mọi người đều cùng đi một con đường như nhau, cũng như không phải tất cả các chi thể đều có cùng một chức năng (Rm 12, 4). Bởi vì, theo ý Đức Kitô, một số người được cắt cử làm thầy dạy, làm người phân phát các mầu nhiệm và làm chủ chăn vì những người khác.[5]

Như vậy, từ những khẳng định trên cho thấy, tất cả mọi thành phần kitô hữu đều là chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, và mỗi chi thể đều thực thi phận vụ của mình theo ân huệ được Thiên Chúa trao ban vì lợi ích của Giáo Hội.[6] Vì thế, tương quan giữa cha xứ và giáo dân không còn như là ‘chủ’ và ‘tớ’, ‘người ra lệnh’ và ‘kẻ vâng lời’, nhưng là tương quan giữa cha và con, giữa mục tử và đoàn chiên, giữa anh em với nhau.

Trước hết, cha xứ là người cha của đàn chiên

Tại sao cha xứ được giáo dân gọi là cha? Khi tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này, chính là thấy được mối tương quan căn bản thứ nhất giữa cha xứ và đàn chiên của ngài.

Theo Thánh Kinh, giáo xứ là một cộng đoàn gia đình, trong đó, Thiên Chúa là Cha, Đấng thiết lập và chăm sóc. Chính Đức Giêsu dạy các môn đệ gọi Thiên Chúa là Cha, khi dạy họ cầu nguyện (Mt 6, 9), Ngài là Cha nhân từ dang rộng vòng tay đón đứa con tội lỗi trở về (Lc 15), và là Người Cha sẵn sàng đón nhận tất cả những lời con cái kêu xin (Mt 18, 19).

Khi Đức Giêsu đang giảng dạy trong hội đường, thì mẹ và anh em đến tìm Ngài… Nhưng Đức Giêsu trả lời: Ai thi hành ý muốn của Chúa Cha, tức là những lời Ngài rao giảng, người ấy chính là anh em, là mẹ Ngài (Mt 12, 46-50). Câu trả lời này của Đức Giêsu có nghĩa là nếu ai sinh ra Chúa (Đức tin) trong tâm hồn người nào, thì người người ấy được gọi là mẹ, là cha của người đó. Vì thế, bởi chức vụ và bổn phận rao giảng Lời Chúa của mình, nên cha xứ được giáo dân gọi là cha. Và vì là chủ chăn, là người đứng đầu giáo xứ,[7] nên được gọi là mục tử. Vậy, tương quan cha và con, mục tử và đàn chiên cần phải được ‘sống’ như thế nào?

Đương thời, Đức Giêsu đã dạy các mộn đệ gương của người mục tử: “Ta là mục tử tốt lành. Ta biết các chiên Ta, và các chiên ta biết Ta, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha, và Ta hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10, 14-15). Với cách dùng động từ ‘biết’ thay vì ‘tình yêu’, bởi vì ‘tình yêu’ hệ tại việc ‘biết’ riêng, nên Đức Giêsu đã cho thấy tương quan giữa người mục tử và đàn chiên phải như là tương quan giữa Ngài với Chúa Cha. Chúa Cha và Chúa con biết nhau sâu xa trong tình hiệp thông, sống một cuộc sống tin tưởng lẫn nhau, trân trọng nhau, yêu thương nhau cách nồng nàn, say mê và bừng cháy.[8]

Vì thế, là người cha-mục tử của đàn chiên, cha xứ cần phải biết nên giống như Đức Giêsu-Mục Tử: biết lo lắng chăm sóc đoàn chiên, sống gắn bó thân mật với chúng, biết tên từng con chiên, biết rõ đặc điểm từng con để có phương pháp chăm sóc phù hợp. Khi người mục tử chăm sóc đoàn chiên có trách nhiệm và đúng nghĩa mục tử của nó, chắc chắn chiên sẽ nghe tiếng, yêu mến và đi theo người mục tử đó. Người mục tử chăm sóc đàn chiên theo Đức Giêsu muốn, phải là người luôn luôn sẵn sàng chết cho đoàn chiên, để cho chiên được sống và sống dồi dào, không để chết hoặc mất một con chiên nào (Ga 10, 1-6).

Khi nói về tương quan giữa cha xứvà giáo dân, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV nói: “Làm thế nào mà khi sống giữa đoàn chiên, cha xứ phải thật sự là một người cha ở giữa đoàn con cái mình”. Để sống vai trò của người cha, Công đồng Vatican II và Giáo Luật đã dạy rõ:

Vì là người cha của gia đình giáo xứ, nên cha xứ cần phải biết yêu thương, lo lắng cho hết mọi người giáo dân của mình, những người ở gần cũng như những người ở xa, những người đang sống cũng như những người đã qua đời; ngài hãy đi thăm viếng các gia đình để biết rõ giáo dân và hãy thông phần với những nỗi lo lắng của giáo dân, nhất là khi họ gặp những đau khổ và tang tóc; ngài hãy khuyên giáo dân vững lòng trông cậy vào Chúa, và nếu giáo dân có lầm lỗi điều gì thì ngài hãy sửa dạy họ một cách khôn ngoan và yêu thương; ngài hãy đặc biệt yêu thương những giáo dân đau yếu, nhất là săn sóc những ai đang hấp hối để họ được chịu các phép bí tích; ngài hãy đặc biệt lo lắng cho những giáo dân nghèo khổ, bệnh tật, đau đớn, neo đơn, tù đày và tất cả những giáo dân nào đang gặp khó khăn; ngài tìm cách chôn cất những ai chết quá túng thiếu; ngài lo lắng cho các trẻ em, chuẩn bị kỹ càng cho giới thanh niên nam nữ bước vào đời; ngài hãy nhìn nhận và giúp đỡ vai trò của các giáo dân trong sứ mạng của họ đối với Giáo Hội bằng cách nâng đỡ các hội đoàn thiêng liêng của họ; ngài hãy đối xử với tất cả mọi giáo dân trong xứ bằng tình yêu thương tha thứ, ngay cả những người tội lỗi, những kẻ vô đạo, nghịch đạo, chống đạo… để không một giáo dân nào trong xứ cảm thấy họ bị cha xứ bỏ rơi, loại trừ.[9]

Là người cha, cha xứ phải biết giáo dân cần những gì nơi mình? Thường những người con trong gia đình luôn cần cha của họ quan tâm đến mọi công việc và sinh hoạt của họ. Họ rất cần người người cha biết và lo lắng đến từng người một, khi họ có biến cố gì, người cha cần đồng hành, thông cảm và chia sẻ, tâm sự để mang lại bình an và ủi an cho họ. Vì thế, cha xứ cần phải như Đức Giêsu-Mục Tử: sống gần gũi, thân mật và biết rõ từng con chiên của mình, để yêu mến, để quan tâm và để đối xử phù hợp (Ga 10, 14-15). Nhất là những người lạc lối, mất đức tin, thiếu tình thương của Chúa, sống xa luật Ngài, cha xứ cần phải đi tìm để đưa họ về với giáo xứ trong bình an và tình yêu của Đức Kitô. Tình mục tử này phải được cụ thể hoá trong những hành động đầy lòng nhân hậu và yêu thương. Đó là cha xứ cần phải siêng năng giải tội và luôn quan tâm chăm sóc cho người nghèo, hàn gắn những gia đình đổ vỡ, gặp gỡ những người nghiện rượu, đối thoại những người bạo lực, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn, bênh vực những người cô thế cô thân trong giáo xứ… Để làm được như vậy, cha xứ cần phải có cho mình nhiều đức tính như từ tâm, chân thành, dũng cảm, kiên trì, yêu chuộng công lý, hòa nhã, chân thật, tinh tuyền, thánh thiện, khả ái.[10]

Là người cha, cha xứ cần có đời sống đạo đức thánh thiện và siêng năng chu toàn việc bổn phận của tác vụ, để làm gương sáng cho giáo dân. Nhất là thông ban cho họ sự sống đức tin và ân sủng của Thiên Chúa qua thánh lễ, cầu nguyện, cử hành các Bí Tích, để giáo dân được sống thánh thiện hơn, mạnh mẽ trong đức tin, phấn khởi trong đức cậy và sốt sắng với lòng mến. Ngài phải biết tôn trọng tự do chính đáng của giáo dân, trong tư cách họ là những người con của Chúa, được Chúa Thánh Linh hướng dẫn. Và cha xứ cũng phải luôn biết sẵn sàng lắng nghe ý kiến và cứu xét các nguyện vọng của giáo dân trong tinh thần huynh đệ, và tin tưởng trao cho giáo dân các công tác phục vụ Giáo Hội, dành cho ho quyền tự do và quyền hạn để hoạt động cũng như tìm mọi cách để họ tự ý đảm nhận các công việc phục vụ giáo xứ.[11]

Thứ đến, cha xứ là người anh em của đàn chiên  

Vì, tuy bởi Bí tích Truyền Chức Thánh, linh mục thi hành nhiệm vụ làm ‘cha’ và làm ‘thầy’ trong Dân Chúa, nhưng đồng thời cùng với mọi kitô hữu, các ngài cũng là môn đệ của Chúa Kitô, và bởi Bí tích Rửa Tội, các linh mục là anh em giữa các anh em, như chi thể của cùng một Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô.[12] Bởi thế, là linh mục, là giáo dân thì tất cả đều là môn đệ của Đức Kitô là Đầu, nghĩa là bình đẳng với nhau trong tương quan huynh đệ. Chính Đức Giêsu đã dạy các môn đệ rằng: giữa anh em không có ai là thầy, là cha cả, nhưng tất cả anh em đều là anh em với nhau (Mt 23, 8). Trong ý nghĩa đó, thánh Augustino cũng đã nói: “Cho anh em tôi là Giám mục, cùng với anh em tôi là kitô hữu”. Công Đồng Vatican II cũng dạy:

Được tuyển chọn giữa loài người và được đặt làm đại diện cho con người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em,[13]…và nhờ lòng ưu ái của Thiên Chúa, giáo dân được làm anh em Chúa Kitô… Cũng vậy, họ là anh em với những người đã lãnh nhận thừa tác vụ thánh…[14]

Vì cũng là anh em với giáo dân, cha xứcần phải biết sống đối nhân xử thế với giáo dân trong tình huynh đệ bình đẳng, không quan liêu trịch thượng, tránh thái độ mệnh lệnh cha chú… Với vai trò anh cả trong Đức tin, cha xứcần phải luôn đồng hành với giáo dân trên mọi bước đường, hướng dẫn họ trong mọi việc và cùng chia sẻ với họ trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống đạo đời.  

Vậy, nếu giữa cha xứ và giáo dân biết sống trong tương quan cha-con và anh-em: người cha-anh biết yêu thương, chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ con-em qua việc giáo dục đức tin, cử hành các bí tích và bác ái phục vụ; người con-em biết lắng nghe, vâng lời, ngoan hiền và hiếu thảo… thì gia đình giáo xứ sẽ tràn ngập niềm vui, an bình và hiệp nhất yêu thương.

Paul Vũ Văn Triều

___________

[1] CĐ VATICAN I, Lược đồ Supremi Pastoris, chương X, Mansi 51, 543.

[2] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 9-14 .

[3] Ibidem, 7.

[4] FABC-BILA II, “Letter of the Participants of the Second Bishops’ Institute for the Laity Apostolate”, in FAPA-1, số 9.

[5] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 32.

[6] Ibidem, 7.

[7] BGL, 519.

[8] FX VŨ PHAN LONG, Các Bài Tin Mừng Gioan Dùng Trong Phụng Vụ, NXB Văn Hoá Thông Tin, 2010, 235.

[9] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, chương 2; BGL, 529.

[10] CĐ VATICAN II, Presbyterorum Ordinis, chương 1.

[11] Ibidem, 9; Lumen Gentium, 37.

[12] Ibidem.

[13] Ibidem3.

[14] CĐ VATICAN II, Lumen Gentium, 32.

 

CHA XỨ và GIÁO DÂN

 
Người ta ít nhận lỗi nhưng hay đổ lỗi, như ông A-dong đổ tội cho bà E-va và bà đổ tội cho ma quỉ dưới hình con rắn. Nay lớn tuổi rồi, 66, tôi xin có đôi lời nhắn gởi giáo dân khắp nơi sau bài viết “Giáo dân Việt Nam tốt thật”.

 

Cha xây dựng:
Có cha chủ trương đến xứ nào thì cũng cố gắng xây một cái gì đó như dấu ấn để lại khi mình ra đi tới xứ khác. Thế là ngài xây ở xứ nầy một nhà xứ khang trang, ở xứ kia một nhà Giáo Lý bề thế, hoành tráng…
Tôi đến Thanh Hải năm 2006 và ra đi năm 2012. Trong gần 6 năm, tôi không xây một cái gì, ngoại trừ sân khấu ngoài trời dài 8 mét, rộng 4 mét và cao 1 mét rưỡi vì tôi thấy nhà xứ của tôi còn khá hơn nhiều nhà giáo dân.
Nhưng khi ở Thanh Hải, tôi đã viết 2 sách chia sẻ lời Chúa cho giáo dân, một cho các cha, 190 bài ca Lời Chúa để hát các ngày Chúa Nhật. Không biết giáo dân Thanh Hải nghĩ gì khi tôi không để lại một cơ sở nào.
Về GX. Ngọc Thủy, sau 2 tuần, tôi bắt đầu xin tiền sửa nhà thờ vì âm thanh quá dội nên khó nghe, sửa nhà xứ vì nền chỗ cao chỗ thấp, xây phòng Giáo Lý vì chưa có phòng Giáo Lý. Tóm lại, tôi chỉ xây để có mà dùng, không sang trọng, miễn là có chỗ để đào tạo tâm hồn: Số các em học Giáo lý tăng từ 110 lên 265 em.
 
Cha dạy dỗ:
Không cha nào mà không mang tiếng khó tính, la rầy giáo dân. Tôi cũng nằm trong số đó.
Ông Gerdil nói: “Giáo dục gồm 3 phần: Dạy dỗ, theo dõi và thưởng phạt.”
- Dạy dỗ: Người đời nói “ăn cơm Chúa múa tối ngày”.  Giáo dục bao gồm dạy và dỗ.
- Theo dõi: Sau khi dạy và dỗ, cha xứ có bổn phận theo dõi xem con cái có sống tốt lời Chúa không? Hay là như nước đổ lá môn.
- Thưởng phạt: Nếu giáo dân tốt mình khích lệ, khen thưởng; ai không tử tế mình phải nhắc bảo nhiều lần…nhắc nhiều lần quá thành ra như la rầy…giáo dân sẽ không thích, nhưng đó là bổn phận vì “ăn cơm Chúa thì phải múa tối ngày.” Giáo dân không vô tội đâu. Đúng ra là họ phải cám ơn các cha đã ra công dạy và dỗ, nhưng thực tế là các cha bị mang tiếng khó tính, la rầy giáo dân. Oan uổng! vì người ta không hiểu lời cha.
Sách dạy rằng con gái khi chưa lấy chồng thì tiếng nói nghe thánh thót, ngọt ngào. Nhưng khi có con thì tiếng bỗng rè rè, gắt gõng…vì la rầy dạy dỗ con cái đến độ rè tiếng. Hai vợ chồng hai đứa con mà giọng rè như thế. Còn các cha coi hai ba ngàn, hoặc hơn nữa…thì giọng không bể là may lắm rồi.
 
Cha không tạo sân chơi cho giới trẻ:
Lời trách móc xem ra rất thực tế, nhưng người nói lời trách móc chưa thấu hiểu sự tình, chưa nằm trong cuộc. “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Đây tôi kể vài ví dụ đã trãi qua để giáo dân nghe cho biết:
- Bóng bàn:
Khi ở một xứ kia, tôi bỏ bàn ping pong trong lớp học thoáng mát, ít gió để giới trẻ giải trí. Và giới trẻ giải trí thì ít mà phá phách thì nhiều: Phá cửa sổ, giành nhau chơi rồi chưởi nhau, đánh nhau…rồi phóng uế nữa… Giáo dân có dám mở phòng bóng bàn cho giới trẻ chơi nữa không…?
- Sân banh:
Cha xứ kia làm sân banh cho giới trẻ giải trí. Giới trẻ chơi thì ẩu và chưởi thề thì to. Cha xứ gọi lại nhắc nhở: Chúng con chơi nhưng không được chưởi thề. Có giới trẻ lẫm bẫm rằng: Đá banh mà không chưỡi thề thì còn gì là hứng thú… Nghe vậy, giáo dân có dám làm sân banh cho giới trẻ chơi nữa không?
Nếu nói đến thư viện cho giáo xứ…hoặc bất cứ cái gì khác thì tình trạng vẫn oái oăn như thế. Đừng vội trách các cha.
 
Cha mở khóa Thánh Kinh, Phụng vụ, đàn nhạc cho giáo dân…mở thêm các Hội đoàn như Phan sinh, Thiếu Nhi Thánh Thê, Hùng Tâm Dũng chí…
Giáo dân xứ kia trách cha xứ không mở các khóa để giáo dân học hỏi. Cha mở khóa Thần học giáo dân và Phụng vụ. Cha mời các cha giáo ĐCV, các nhà chuyên môn để giáo dân học hỏi. Lúc đầu thì giáo dân khoảng 50-60, rồi dần dần còn 30, 20… rồi chỉ còn cha giáo và vài trò leo ngoeo…Buồn ơi là buồn…Giáo dân còn trách cha nữa không?
Ở xứ, tôi mở lớp đàn nhà thờ: Lúc đầu, có ít em học…rồi bây giờ đờn nằm buồn xo…Có em nói với thầy giúp xứ xin được học đàn Ghi-ta. Thầy thích lắm, tưởng dân nầy hiếu học. Tôi nói với thầy là đừng lấy làm vui, cứ coi chúng học đàn nhà thờ thì biết chúng học đàn Ghi-ta như thế nào…Dẹp đi là vừa…Giáo dân còn trách cha xứ nữa không? Giáo dân cứ thế mà suy ra các chuyện khác…như thành lập các Hội đoàn…
 
Cha xứ mình và cha xứ người:
Có người khen cha xứ nơi khác hết lời… Cha kia thế nầy, thế kia, hay lắm, phấn khởi lắm, giáo dân thích lắm…Kiểu nói nầy giống kiểu nói “Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay.” Tôi nghe giáo dân xứ kia cũng không mấy bằng lòng với cha xứ của họ. Giáo dân không nên bỏ hình bắt bóng, đứng núi nầy trông núi nọ, vì chưa ở thì chưa biết: “Đi lâu mới biết đường dài, ở lâu mới biết con người phải chăng.” Hãy thông cảm, góp ý xây dựng may ra tình nghĩa cha con đậm đà hơn.
 
Khi tôi ở xứ cũ, một ít bạn Sinh viên hoặc một số bạn Tân tòng nói với tôi (tôi không hỏi họ vì hỏi thì lời nói sẽ không trung thực): Con thấy cha khéo nói trong nhà thờ, cha nói ít làm mất lòng người ta…Nhưng cũng có thể có giáo dân khác nghĩ rằng ông cha nầy gốc Vinh nói khô như “dân Vinh”.
Khi tôi mới về xứ, tôi có trích câu nầy: “Chúng ta chỉ hiểu nhau khi chúng ta xa nhau.” Bây giờ tôi đi rồi, giáo dân cũ hiểu tôi hơn, thông cảm hơn và cho tôi nhiều tiền hơn khi tôi đi xin tiền. Hãy thông cảm nhau khi chúng ta đang ở với nhau.
Bài viết cũng đã dài so với các bài khác, nhưng tôi xin nói hai điều nữa cho tôi, cũng như cho các cha anh em của tôi: Luật lệ thì tốt, nhưng áp dụng luật như thế nào cho tốt?
 
Luật bỏ áo vô quần:
Khi tôi ở xứ cũ, tôi khuyên các em đi lễ phải bỏ áo vào quần. Tôi giải thích thế nầy:
Chúng con đi học, chúng con bỏ áo vô quần. Đi nhà thờ, chúng con nên bỏ áo vô quần cho trang nghiêm.
Con gái không có nhiều áo dài để thay, hơn nữa mặc áo dài thì cũng có nhiều điều bất tiện nên cha không buộc chúng con mặc áo dài. Cha mong chúng con mặc đồ Tây cho gọn. Chúng con bỏ áo vô quần nữa thì cha càng thích…
Luật đã ban hành thì phải thi hành…cách nghiêm minh…
Một hôm, có em trai đứng lấp ló ngoài nhà thờ và không bỏ áo vô quần, đang khi các bạn khác đã vào nhà thờ áo bỏ vô quần đàng hoàng.
Tôi hỏi em “Sao cha nói nhiều lần mà con không bỏ áo vô quần?”.  Nó trả lời là con không có dây nịt quần. Tôi hỏi con làm sao mà giữ quần không tụt xuống. Nó nói con lấy dây điện làm nịt. Tôi dỡ áo và thấy dây điện màu vàng. Tôi im lăng, thông cảm, chảy nước mắt vì không ngờ lại có chuyện như thế. Tôi nói với em “thôi con vô nhà thờ đi.”
Một lần khác, có em lên rước lễ, không bỏ áo vô quần. Tôi hỏi và em trả lời là cái phẹc cài quần của con hư rồi. Tôi lặng im, thông cảm vì không ngờ có người nghèo khổ đến thế. Phẹc cài quần hư rồi mà bỏ áo vô quần thì cái khác lòi ra. Tội nghiệp.
 
Luật học Giáo Lý:
Muốn học Giáo lý, phải đăng ký trước, phải đi học chuyên cần, không được nghỉ linh tinh rồi xin dạy bù. Luật thế cũng đúng thôi. Nhưng khó là thế nầy: Khi có ai nghỉ thì mình phải dạy bù. Dạy một bài cho 20-30 người mất một giờ. Dạy bù một bài cho một người cũng mất một giờ. Thật rắc rối và mệt.
Tôi dạy đã nửa khóa, có cô gái dẫn bạn trai tới xin học tân tòng. Bụng có vẽ khó chịu: Sao con không đăng ký học với người ta cho cha đỡ vất vã và tôi giảng cho hai người một bài dài…Lập luận rất sít sao…
Đêm nằm nghĩ lại: Trên nguyên tắc thì mình nói đúng, nhưng thực tế thì không đơn giản như thế. Con gái biết khóa Giáo Lý bắt đầu ngày nào, nhưng bạn trai chưa có ý theo đạo nên không thể đến học…Cô gái phải thuyết phục bạn trai và thật may là 2 tháng sau, bạn trai mới đồng ý đi học thì mình trách sao được.
Và từ đó, tôi có qui định cho chính tôi: Đến trước đến sau không là vấn đề. Hễ bài nào chưa học thì tìm giờ học bù và tôi sẵn sàng dạy bù…
 
Những điều tôi viết trên đây là thật 100%. Tôi mong muốn qua sự thật mà giáo dân không ngờ đó, cha con thông cảm hơn, nâng đỡ nhau hơn, nói tốt cho nhau nhiều hơn thì đời con Chúa thật đẹp, thật đáng sống.
 
Lm. Mi Trầm, GX Ngọc Thủy, Nha Trang.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận