Các hình thức tu trì Kitô giáo

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/08/2016 19:59 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CÁC HÌNH THỨC TU TRÌ KITÔ GIÁO
Ơn gọi tu trì - Đời sống thánh hiến - Giới thiệu dòng tu
        
            Dẫn nhập
            Năm nay Ban Ơn Gọi Giáo Phận có sáng kiến tổ chức ngày gặp gỡ các anh chị em phụ trách ơn gọi tại các họ đạo. Đây là một hoạt động thiết thực nhằm khuyến khích vai trò quan trọng của việc vun trồng Ơn Gọi Sống Thánh Hiến, dấn thân theo Đức Kitô để phục vụ con người. Vai trò quan trọng này đã được Công Đồng Vatican II minh định:
"Toàn thể cộng đoàn ki-tô giáo có bổn phận cổ vũ ơn thiên triệu, mà trước hết phải tiến hành nghĩa vụ ấy bằng một đời sống ki-tô giáo trọn vẹn; các gia đình và các giáo xứ góp phần lớn: những gia đình sống tinh thần đức tin, đức mến và đạo hạnh trở nên như chủng viện sơ khởi, còn những giáo xứ là nơi các thanh niên tham dự vào đời sống phong phú của mình" (OT 2; x. PDV 41; x. Ratio 140-142).
            Vậy, ơn gọi Sống Thánh Hiến quan trọng như thế nào mà Giáo hội, qua Công Đồng Vatican II và các văn kiện khác quan tâm cách đặc biệt đến như vậy ? Có các hình thức nào của Đời Sống Thánh Hiến để cho ban ơn gọi có thể giới thiệu và hướng dẫn cho những mầm non ơn gọi tại các họ đạo ?
I. Tầm quan trọng của Đời Sống Thánh Hiến
            Ngày 25-3-1996, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã ban hành Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, Vita Consacrata. Từ ngay những dòng đầu tiên, ĐTC đã nêu bật tầm quan trọng của Đời Sống Thánh Hiến:
"Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Ki-tô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giê-su - khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục - trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời.
Qua các thời đại, luôn có những người nam nữ, sẵn sàng nghe theo tiếng gọi của Chúa Cha và sự thúc đẩy của Thánh Thần, đã chọn con đường đặc biệt để bước theo Đức Ki-tô, sequela Christi, để tự hiến cho Chúa với một trái tim "không chia sẻ" (x.1Cr 7,34). Như các thánh Tông Đồ, họ cũng đã từ bỏ mọi sự để ở với Người và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ, và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội." (Số 1)
            Vẫn luôn luôn có các người trẻ, nam cũng như nữ, sẵn sàng dấn thân theo Đức Ki-tô. Họ từ bỏ mọi sự để nên giống Thầy Chí Thánh Giêsu, để phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Đây là những nét đẹp bền vững làm nên tầm quan trọng quý giá của Đời Sống Thánh Hiến trong lòng Giáo hội.
            Trong khuôn khổ nội dung và thời gian của buổi gặp gỡ, xin điểm qua một vài nét lịch sử của Giáo hội để cho ta thấy sự thăng trầm của Đời Sống Thánh Hiến, qua sự phát sinh, lý tưởng và linh đạo của các Dòng Tu.
 
II. Các hình thức tu trì trong Giáo hội
1. Sự tiến triển của các hình thức tu trì theo dòng lịch sử:
            Thời các Giáo phụ
            Trong thời các Giáo phụ đã có xuất hiện các hình thức sơ thuỷ của đời sống tu trì Ki-tô Giáo nơi các Nhà Khổ Hạnh và các Trinh Nữ, tiếp đến là sự phát triển của đời sống Đan tu. Nếu như các nhà khổ hạnh đi tu cách cá nhân riêng lẻ thì đời sống Đan tu đã sống theo nếp sống cộng đoàn.
            Theo những nghiên cứu của Cha Giuse Phan Tấn Thành{C}[1], Dòng Đa-minh, thì đây là giai đoạn quan trọng trong lịch sử tu trì trong Giáo hội, bởi vì nếu xét về hình thức thì vẫn còn rất sơ khai, nhưng những nét chính yếu của đời tu đã được khai triển nơi các tác phẩm của các giáo phụ, chẳng hạn qua các khảo luận về Khiết Tịnh vì Nước Trời, về các hình thức cầu nguyện và khổ chế, về con đường dẫn tới kết hiệp với Chúa… Các tác phẩm của Thánh Augustino và Luật của Thánh Benedicto xuất hiện trong thời kỳ này.
            Vào cuối thời giáo phụ, luật của Thánh Augustino được sử dụng như quy chuẩn trong việc định hình cho đời sống các giáo sĩ; một cách tương tự, luật Thánh Benedicto được áp dụng cho các đan sĩ.
            Thời Trung Cổ
            Thời Trung Cổ xuất hiện một hình thức tu trì mới, đó là "Dòng Hành Khất". Đa số các tu sĩ thuộc phẩm trật giáo sĩ và tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Các tu viện được xây dựng giữa các thành thị và làng mạc chứ không phải là nơi sa mạc hoặc núi rừng như thời các nhà khổ hạnh. Bốn dòng hành khất lớn đều đã đặt chân đến Việt Nam: Dòng Đa-minh; Dòng Phanxico, Dòng Augustino, Dòng Cát-minh.
            Lý tưởng tu trì được Thánh Tôma Aquino nói đến như là "hàng ngũ trọn lành" với ba lời khấn. Tuy vậy, không phải hết mọi người tuyên khấn bước vào hàng ngũ trọn lành đều nên trọn lành. Thực tế đã cho thấy có sự sa sút trong tâm tình của các tu sĩ, đặc biệt là cuộc khủng hoảng của các dòng hành khất, đến nỗi đã xuất hiện hai hướng chính của đời sống tu trì là "cải cách" và "bảo thủ" ngay trong cùng một dòng tu.
            Thời cận đại
            Hầu hết các dòng tu ra đời từ thế kỷ XVI, nổi bật nhất là sự ra đời của Dòng Tên, hướng về các hoạt động tông đồ. Thêm vào đó, đời sống tu trì cũng được phong phú thêm bởi sự ra đời của các "Hội Dòng" của nữ giới từ khoảng thế kỷ XIX. Vào hậu bán thế kỷ XX, giáo luật nhìn nhận thêm một hình thức tu trì mới, đó là các "Tu Hội Đời". Đa số các dòng tu hoạt động ở Việt Nam thuộc về thế hệ này.
            Tóm lược
            Thoáng điểm lại lịch sử của Đời Sống Thánh Hiến trong Giáo hội, ta nhận ra có sự hiện diện của các Giáo sĩ, các Hội Dòng (Nam cũng như Nữ) và các Tu Hội Đời. Đây chính là sự đa dạng phong phú của những tông đồ bước theo Đức Giêsu Ki-tô để phục vụ Thiên Chúa và con người.
III. Các Hội Dòng đang phục vụ trong Giáo phận Cần Thơ
            Theo quyển Kỷ Yếu 60 Năm Thành Lập Giáo Phận Cần Thơ 1955-2015, hiện có 8 hội dòng và tu hội chính thức phục vụ trong giáo phận:
            1. Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ
            2. Dòng Con Đức Mẹ Cần Thơ
            3. Dòng Chúa Quan Phòng Portieux
            4. Tu hội Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn
            5. Tu hội Đời Sống Tông Đồ Nhập Thể-Tận Hiến-Truyền Giáo
            6. Dòng Đa-minh
            7. Dòng Phanxico
            8. Dòng Thánh Gia
            Thay lời kết
            Đức Thánh Cha Phanxico quan tâm cách đặc biệt tới Đời Sống Thánh Hiến. Ngài đã mời gọi toàn thể Giáo hội hướng về đời sống đặc biệt này với việc mở năm thánh "Đời Sống Thánh Hiến (29/11/2014 – 02/02/2016). Đoạn cuối của tông thư gửi cho tất cả những người sống đời thánh hiến, một cách nào đó cũng là gửi cho toàn thể cộng đoàn Dân Chúa. Trong đoạn cuối của tông thư, Đức Thánh Cha nhắn nhủ cách đặc biệt cho các mục tử, những vị có trách nhiệm trong việc vun trồng ơn gọi, mà Ban Ơn Gọi chúng ta đây là những người cộng tác trực tiếp với các vị ấy. Chúng tôi xin được dùng đoạn trích ấy thay cho lời kết, như chút tâm tình gởi tới quý anh chị em đang dốc lòng dốc sức chăm lo cho Ơn Gọi Đời Sống Thánh Hiến. Đoạn trích ấy như sau:
"… Cha mời gọi Anh Em, các Mục Tử của các Giáo Hội địa phương, có một sự lo lắng ân cần đặc biệt trong việc cổ võ trong các cộng đoàn của Anh Em các đặc sủng riêng biệt, hoặc là các đặc sủng đã có trong lịch sử, hoặc các đặc sủng mới, nâng đỡ, linh hoạt hóa, trợ giúp trong việc phân định, làm cho Anh Em gần gũi với lòng hiền dịu và tình yêu thương cho các hoàn cảnh đau khổ và yếu đuối trong đó có thể có một số các người thánh hiến, và nhất là soi sáng với việc giáo huấn của Anh em Dân Thiên Chúa về giá trị của Đời sống Thánh hiến, làm như thế để làm cho sáng ngời ra vẻ đẹp và sự thánh thiện của Giáo Hội.
Cha trao phó nơi Đức Maria, Trinh Nữ của việc lắng nghe và chiêm ngắm, môn đệ đầu tiên của Người Con yêu quý của Mẹ, Năm của Đời sống Thánh hiến này. Mẹ, người con yêu quý hơn của Chúa Cha và mặc lấy mọi ơn điển, chúng ta nhìn vào Mẹ, như là mẫu gương không ai vượt qua được của việc đi theo trong tình yêu của Thiên Chúa và trong việc phục vụ người thân cận."
Phaolô Lê Hoàng Thanh
Tắc Sậy, 23-07-2016
 

[1]{C} Phần nghiên cứu lịch sử của bài viết dựa trên các khảo cứu của Cha Giuse Phan Tấn Thành.
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận