Hiểu thêm: "Đàn gảy tai trâu"

Đăng lúc: Thứ bảy - 17/09/2016 20:22 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 

Hiểu thêm: "Đàn gảy tai trâu"


Ngày xửa ngày xưa, ở Trung Quốc có một nhạc sĩ nổi tiếng tên là Công Minh Nghĩa rất giỏi về đàn tranh. Một hôm, Công Minh Nghĩa thấy trên thửa ruộng gần nhà mình có một chú trâu đang gặm cỏ, ông bèn tức cảnh sinh tình, liền đi lấy đàn ra gảy cho trâu nghe. 
 
Khúc nhạc mà Công Minh Nghĩa đàn vô cùng gợi cảm, bản thân ông cũng hoàn toàn bị nó làm cho mê hoặc. Song, trâu ta chẳng thèm đếm xỉa gì tới khúc nhạc tuyệt vời, chỉ chú ý gặm cỏ… trên cánh đồng. 
 
Tên câu chuyện ngụ ngôn trên từ lâu đã trở thành một thành ngữ (Đàn gảy tai trâu) sử dụng rộng rãi trong đời sống. Quan sát từ thực tế, xét về bản tính loài trâu cũng như yếu tố “trâu” trong nhân tính loài người, chúng ta dễ lầm tưởng rằng, trâu không biết nghe nhạc hay chẳng hiểu gì về âm luật trong giai điệu tri thức sống. Có lần đi trên con đê giữa hai bên cánh đồng bát ngát, phía trước có một chiếc ô tô đang gióng còi tiến đến, tôi cứ ngỡ trâu sẽ tránh đường cho xe vượt qua, nhưng sự thực chẳng phải vậy, trâu vẫn đi thủng thẳng giữa con đê trật hẹp, mặc cho người lái xe liên tục bấm còi trong sự chờ đợi kiên nhẫn. 
 
Xét về nhân tố “trâu” trong nhân tính đa số ám chỉ thói quen bất cẩn, bất cần, vô trách nhiệm trước vai trò và trách nhiệm xã hội. Loài người sinh ra vốn có hai tai và một cái miệng. Tai mở thường trực, còn miệng khép lại. Song, hầu như người ta thường hay làm ngược lại, miệng mở nhiều hơn vểnh tai lắng nghe. Tai vốn là cơ quan thính giác, tiếp nhận thông tin bằng âm thanh, song không phải mọi thứ âm thanh tai đều hấp thu. Bản chất của tai hết sức chủ quan. Tai thích nghe những lời đường mật, nịnh nọt, giả dối… thay vì những lời khuyên bảo chân thành, đặc biệt như góp ý, phê bình... Đây có lẽ là sự khiếm khuyết trong nhân tính, chứ không chỉ riêng ai. Bởi vậy, bi kịch mới nảy sinh từ câu chuyện trên. 
 
Nạn kẹt xe ở nhiều đô thị nước ta chẳng đợi tới những năm gần đây mới trở thành vấn nạn. Môi trường tự nhiên cũng không phải chờ đến thế kỷ XXI mới gióng lên hồi chuông cảnh báo… Cùng với nhiều vấn đề xã hội khác thực tế đều đã được dự báo từ rất sớm, từ bài học rút ra ở những quốc gia phát triển đi trước. Vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nhiều chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước đã đề cập tới Những vấn nạn trên con đường phát triển của nước ta, trong đó vấn đề giao thông đô thị, môi trường đô thị được nhắc đến khá nhiều. Tiến sĩ Trần Du Lịch (Viện trưởng Viện kinh tế thành phố Hồ Chí Minh khi đó) trong bài nói chuyện tại Văn phòng Đại diện của Bộ văn hóa tại thành phố Hồ Chí Minh từng hài hước dự báo về tốc độ di chuyển của phương tiện giao thông ở thành phố Hồ Chí Minh sau 5 năm (tính từ năm 2000) rằng, khi ấy phương tiện di chuyển tiện lợi nhất là bằng đôi chân! Nhưng, “khúc dạo đầu” cho một tiến trình dang sắp sửa diễn ra cách đây hơn 10 năm đã bị rơi vào thinh không! 
 
Chẳng thể nói rằng, nhiều nhà lãnh đạo, các tổ chức quan phương hữu trách của ta không tiên đoán hay dự liệu trước tình hình trên. Họ đâu phải hạng không hiểu gì về “âm luật”? Vậy chỉ có thể lý giải hiện trạng dưới góc độ bi kịch xuất phát từ hệ quả của câu chuyện. Nhân quả nhãn tiền của thói vô trách nhiệm đã khiến cho bản tình ca “công nghiệp hóa”, “đô thị hóa” vốn mang giai điệu rực rỡ, xán lán trở thành điệp khúc “phiền” ám ảnh người dân thành phố. Hệ quả tương ứng của nạn kẹt xe kéo theo môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong thực tế, “khúc nhạc dạo” cảnh báo về môi trường xuống cấp từng được nhiều quốc gia công nghiệp tấu lên từ nửa đầu thế kỷ XX (sớm nhất là sau thế chiến thứ 2), đặc biệt với trường hợp của Nhật Bản. Người dân Nhật Bản từng khốn khổ trước tình trạng nhiều nhà máy công nghiệp xả nước thải ra các con sông, con kênh dẫn đến môi trường bị hủy hoại, nguồn nước ô nhiễm nặng… từ đó hàng loạt bệnh nan y liên quan tới đường hô hấp phát sinh. Có nhà triết học từng tiên liệu: “tất cả vì sự tăng trưởng kinh tế tất yếu sẽ phải trả giả, nhưng nếu nhìn xa trông rộng, cái giá của sự lạc hậu càng lớn hơn”. Nói cách khác, thành quả kinh tế đạt được bất chấp nhu cầu an sinh xã hội, môi trường sẽ chẳng thấm vào đâu so với nhân lực, vật lực, tài lực đổ ra để khắc phục hậu quả. Bản đàn với hai khía cạnh của một hình tượng này đã vang lên rất sớm bằng sự phẫn nộ của thiên nhiên và sự xuống cấp của sức khỏe, nhưng với sự phát tác của virus “trâu”, nên đã khiến đôi tai của nhiều nhà chức trách trở thành “tai của Betthoven”!
 
Công nghiệp bản thân mới chỉ nói lên được tính chất của phương thức sản xuất, còn việc “hóa” như thể nào mới chỉ ra phẩm chất của nền công nghiệp. Đô thị cũng thế, vấn đề nằm ở chỗ “hóa” như thế nào? Sài Gòn từng là Hòn ngọc Viễn Đông từ mấy thế kỷ trước, nay bỗng dưng trở thành trung tâm của nẹn kẹt xe, triều cường (đi kèm với cống cường), môi trường ô nhiễm (ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, thực phẩm…). Mỗi ngày, một người bình thường nói chung chỉ ăn vài bữa, nhưng ai cũng phải hít thở 24/24. Điểm khu biệt giữa người sống và người chết nằm ở hơi thở, nên khi bầu không khí kém chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp 24/24 đến tất cả người dân sống nơi đó. Chẳng cần vào bệnh viện, chúng ta có thể thấy được “khúc nhạc” của sức khỏe xuống cấp đã tấu lên ở khắp mọi nơi. Nó đã trở thành “nhạc hiệu” của thành phố này. Xung quanh ta, trong số những người thân có đầy rẫy nạn nhân mắc bệnh ung thư, còn loại bệnh về đường hô hấp nhiều chẳng thấm tháp vào đâu. Thiết tưởng, chẳng cần phải có thính giác tốt lắm ta cũng nghe được khúc nhạc trên. Nhưng, có đôi khi, với bản tính phớt lờ, bàng quan – chằng thèm nghe - cộng với thói vô trách nhiệm về thính giác, người ta tuyệt nhiên chẳng nghe thấy gì, càng khó thể nói rung động, cảm động, kinh động trước âm thanh bi thiết ấy. Để rồi hậu quả của nó đem lại đã biến câu truyện từ hài sang bi!
 
Nước ta vốn là một quốc gia nông nghiệp, con trâu gắn bó mật thiết với đời sống người nông dân. Nếu trút mọi thói hư tật xấu lên “đầu trâu” hay “tai trâu” e rằng thiếu công bằng. Lẽ ra trâu đã chiếm giải quán quân trong bảng xếp hạng 12 con giáp. Trước thời gian thi đấu, trâu từng tham gia huấn luyện về kỹ năng điền kinh với thầy thỏ, mặc dù cần cù, chịu khó, dẻo dai… nhưng vì tiên thiên bất túc, thân hình thô kệch, nên kết quả bị chú chuột ranh ma cướp mất ngôi vị “number one” bằng thủ đoạn ngồi lén lên đầu, rồi chờ tới giờ phút quyết định, khi cánh cửa nhà trời vừa mở bèn nhảy vọt lên trước. Chiến thắng của chuột tuy chẳng hề vinh quang gì, song chí ít cũng giúp trâu rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân mình. Ở đời, chỉ có lòng kiên trì, cần cù thôi chưa đủ, mà còn phải có thêm trí thông minh nữa. 
 
LÊ HẢI ĐĂNG
(Nguồn: hoinhacsi.org)

Từ khóa:

tức cảnh

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận