Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! – Suy niệm ngày 08.3

Đăng lúc: Thứ ba - 08/03/2016 01:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! – Suy niệm ngày 08.3

I. SUY NIỆM: St 2, 4b – 9. 15-24

5 Ngày ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai.6 Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất.7 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.8 Rồi ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra.

9 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác…16 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn;17 nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết.”

18 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.19 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, thì tên nó sẽ là thế.20 Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng.21 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào.22 ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.

23 Con người nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” 24 Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.

II. SUY NIỆM:

Về mầu nhiệm sự sống và sáng tạo, chúng ta có thể cầu nguyện với nhiều bản văn Kinh Thánh: St 1, Tv 139 và 104, và Hc 16, 24-17, 10. Tại sao phải có nhiều bản văn nói về cùng một điều? Bởi vì đó là mầu nhiệm! Tương tự như mầu nhiệm Đức Ki-tô cần được làm sáng tỏ bởi bốn sách Tin Mừng, phần Tân Ước và toàn bộ Kinh Thánh.

Chính vì thế, chúng ta sẽ tiếp tục chiêm ngắm mầu nhiệm sự sống và sáng tạo với trình thuật II về ơn tạo dựng trong sách Sáng Thế, St 2 sau đó St 3. St 2 nêu bật lên hai chiều kích rất thực tế và rất thời sự của đời sống con người: tương quan nam nữ và thử thách.

a. Tương quan nam nữ

Trình thuật Sáng Tạo Bảy Ngày trong St1 nói về tương quan nam-nữ một cách rất lý tưởng, nhưng trong thực tế không đơn giản, cụ thể là có vấn đề “bất bình đẳng”, thậm chí người nam và người nữ còn coi nhau là “khác loại”! Lời Chúa trong St 2 đón nhận sự bất bình đẳng này (sáng tạo nam, rồi mới tới nữ, người nữ là trợ tá, người nữ “được rút từ đàn ông ra” – toàn là ngôn ngữ bất bình đẳng), nhưng một cách kín đáo, tôn vinh người phụ nữ, để tái lập sự quân bình, như mặc khải của St 1: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (c. 27).

Và như chúng ta đều biết, Thiên Chúa coi trọng người phụ nữ cách đặc biệt trong lịch sử cứu độ (x. Gia Phả của Đức Giê-su trong Mt 1, 1-17); đặc biệt với Đức Maria, Thiên Chúa không chỉ coi trọng, mà còn tôn vinh. Chính Đức Giê-su cũng có tương quan rất ưu ái đối với các phụ nữ.

b. Thử thách

Trình Thuật về mầu nhiệm Sáng Tạo trong St 2 còn nêu bật lên chiều kích thử thách của cuộc sống, đặc biệt thử thách dưới dạng lệnh truyền. Thật ra, khi lắng nghe Lời Chúa trong các bản văn Kinh Thánh trong những ngày qua, chúng ta đã nhận ra rằng, được tạo dựng làm người là một ơn huệ, nhưng đồng thời cũng là một thử thách.

- Tv 139: Thế giới sáng tạo, môi trường sống là ơn huệ Chúa ban để chúng ta nhận ra và gặp gỡ Chúa, để chúng ta ca tụng Chúa, nhưng chúng ta lại biến những ơn này thành nơi ẩn nấp, chạy trốn và ngẫu tượng; và chúng “hài lòng” với chúng: “ước gì bóng tối bao phủ tôi, và ánh sáng quanh tôi thành đêm tối”. Nói theo “Nguyên lý và nền tảng”, chúng ta đã không sống theo qui tắc “trong mức độ”, đã không bình tâm trước khi sử dụng hay lựa chọn, thậm chí biến phương tiện trở thành cùng đích, nghĩa là như thể không có Chúa.

- St 1: Được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nghĩa là được dựng nên là một như Thiên Chúa là một. Nhưng để sống ơn huệ đặc biệt và duy nhất này, khó biết bao. Loài người chúng ta trong thực tế sống theo thế giới loài vật nhiều hơn, nghĩa là coi nhau như những “loài” khác nhau, để rồi tranh đua, thi đua, ham muốn, thống trị, loại trừ thậm chí tiêu diệt. Chúng ta sống theo thú tính nhiều hơn là nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

- Tv 104: Là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi đón nhận sự sống, hơi thở, hiện tại, lương thực hằng ngày trực tiếp từ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta thích làm chủ hơn, thích tự lập hơn, chúng ta không thích đón nhận sự sống từ chính Chúa, nhưng từ chính mình.

- Hc 16, 24 – 17, 1-10: Cho dù được Chúa sáng tạo cách đặc biệt, nhất là có một tương quan thiết thân với Thiên Chúa (hình ảnh Thiên Chúa, lòng kính sợ, con mắt Chúa…), nhưng sách Huấn Ca nhắc nhớ thân phận bi đát của con người: “Đức Chúa lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất. Ngài ban cho nó một số ngày và một khoảng thời gian” (17, 1-2).

* * *

Bản văn Kinh Thánh, trích sách Sáng Thế mà chúng ta sẽ cầu nguyện, cũng có cấu trúc đối xứng, giống như nhiều bản văn chúng ta đã cầu nguyện (Mt 11, 28-30: nghỉ ngơi bồi dưỡng, học với tôi, nghỉ ngơi bồi dưỡng; Tv 139: không gian lớn, không gian bé (c. 13-18), không gian lớn; Tv 104: ca tụng, sinh vật (c. 10-30), ca tụng):

(A) Ơn huệ sự sống (c. 4b-9)

(B) Thử thách (c. 15-17)

(A’) Ơn huệ “Người Trợ Tá Tương Xứng” (c. 18-24)

Thử thách được bao bọc bởi ân huệ, chính là để chúng ta hiểu và sống thử thách một cách bình an; và ngay trong thử thách cũng có ân huệ (được đặt vào vườn Eden và được phép ăn hết mọi trái cây trong vườn); và xét cho cùng, thử thách cũng là ân huệ, trong mức độ giúp chúng ta lớn lên, biết tín thác, giúp chúng ta làm chủ lòng ham muốn, vốn là đặc điểm của thú tính, để trưởng thành và đi vào tương quan với Thiên Chúa trong tự do, nhưng không và tình yêu.

Và với mầu nhiệm Thương Khó của Đức Ki-tô, thử thách và đau khổ trở thành một ơn đặc biệt, ơn trở nên giống Đức Ki-tô chịu đóng đinh (ơn Chúa ban cho thánh Phanxicô).

1. Ơn huệ sự sống (c. 4b-9)

Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh vũ trụ và trái đất trước khi con người xuất hiện. Khoa học cũng cho chúng ta biết rằng phải mất rất nhiều thời gian và phải có rất nhiều điều kiện để cho con người xuất hiện. Sách Sáng Thế chương 1 cho chúng ta biết rằng, tất cả là công trình của Thiên Chúa nhằm tiến đến việc tạo dựng con người.

Cũng vậy, trước khi chúng ta được sinh ra trong gia đình, trước khi chúng ta sống ơn gọi Ki-tô hữu trong Giáo Hội, trước khi chúng ta bước vào đời sống dâng hiến trong một Hội Dòng, tất cả đã được chuẩn bị sẵn từ rất lâu rồi. Vì thế, lúc khởi đầu, luôn luôn là ơn huệ nhưng không tuyệt đối. Chúng ta được mời gọi ghi nhớ những ơn huệ thủa ban đầu này, để không ngừng tạ ơn và ca tụng, để định hướng đời mình, để sống ơn gọi từng ngày theo tâm tình tạ ơn và ca tụng và nhất là để hiểu đúng thử thách, là điều không thể không có, và sống thử thách một cách bình an.

Con người được Thiên Chúa tạo dựng từ bùn đất và từ hơi thở của Thiên Chúa. Trong chúng ta, có phần từ cát bụi: “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, có phần từ “hơi thở” của Thiên Chúa. “Hơi thở” của Thiên Chúa là gì? Chúng ta hãy cảm nhận hơi thở của Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta; và cho dù là cát bụi, nhưng là do bàn tay Thiên Chúa nhào nắn mới có thể trở thành thân xác con người, một kì quan và đỉnh cao của thế giới sinh vật, như tác giả Tv 139, 13-14 cảm nghiệm:

Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo,
dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.
Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,
công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!

Sau khi tạo dựng con người, Thiên Chúa còn trồng một vườn cây đầy hoa trái xinh đẹp và ngon ngọt (tương đương với ơn lương thực); tiếp theo, Thiên Chúa cầm tay dẫn con người vào vườn. “Vườn cây” là hình ảnh tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp của môi trường sống. Dù thiên nhiên có giới hạn, nhưng thiết yếu cho sự sống và đầy những điều kì diệu, gợi lên tâm tình tạ ơn và ca tụng. Vườn cây còn tượng trưng cho “mái ấm”, mái ấm dân tộc, gia đình, Hội Dòng… Chúng ta không thể sống thiếu “mái ấm”.

2. Thử thách (c. 15-17)

Đầy ơn huệ, nhưng cùng nhiều thử thách. Như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm: được sinh ra làm người vừa là ơn huệ, và vừa là thử thách.

- Thử thách đầu tiên, đó là sứ mạng “canh tác và gìn giữ”. Trước khi phạm tội, đã có việc làm và đã phải canh giữ khỏi những nguy hiểm. Nói cách khác đã đầy thử thách. Sứ mạng được trao cho Adam, nhưng ông đã gìn giữ làm sao mà để cho con rắn nó vào cám dỗ bà Evà!

- Thử thách thứ hai là thử thách “lệnh truyền”; chúng ta đừng quên, ngay trong lệnh truyền của Chúa, Ngài ban ơn trước, rồi mới đưa ra lệnh cấm: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết” (c. 16-17). “Lệnh truyền” tượng trưng cho tất cả những giới hạn thuộc về thân phận con người: có hai giới hạn căn bản, đó con người biết, nhưng không biết hết, và con người sống, nhưng không sống mãi; và còn nhiều giới hạn khác thuộc về cuộc đời và thân phận của từng người: đó những thua kém, những tai họa, bệnh tật, những khổ đau, những điều không may mắn… Và khi đối diện với thử thách của phận người, loài người chúng ta, ngay từ nguồn gốc, đã tin vào lời của con rắn, tượng trưng cho Satan, cho Sự Dữ, thay vì tin vào Lời Chúa.

Nhưng tại sao lại thử thách? Trước khi ban lệnh truyền và Lề Luật, Thiên Chúa đã đầu tư rất nhiều cho tương quan ân huệ và tình yêu giữa Ngài và con người. Ngài làm như thế là để chúng ta nhận ra rằng, khi ban cho con người sự sống giới hạn, đó không phải là vì muốn đầy đọa con người hay không tin tưởng con người, nhưng :

- Tv 8 giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa sâu xa của sứ mạng thống trị muôn loài, mà Thiên Chúa đã trao cho con người từ thủa ban đầu : « Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất. » (St 1, 28). Đó là sứ mạng chế ngự thú tính ; và chính trong mức độ con người chế ngự thú tính, hiện diện ngay trong nội tâm của mình, con người sống ơn gọi làm người, nghĩa là ơn gọi trở nên hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 27); và nhờ “kính sợ” Chúa, mà con người hoàn tất sứ mạng thống trị thú tính của mình, như sách Huấn Ca nói: “Người phú bẩm cho mọi xác phàm lòng kính sợ Người, để chúng thống trị muông chim cầm thú.” (17, 4). Lệnh truyền “cấm ăn” trong vườn Eden cũng là để giúp con người làm chủ lòng ham muốn, vốn là nét đặc trưng của thú tính, như Thánh Phao-lô đã tóm tắt Lề Luật trong công thức sau đây: “Ngươi không được ham muốn” (Rm 7, 7).

- Đó là cách thức, là con đường gìn giữ chúng ta trong tương quan ơn huệ và tình yêu, tương quan Giao Ước, tương quan thuộc về Chúa ; đó là để giúp chúng ta lớn lên trong tương quan này, và chuẩn bị chúng ta đón nhận những ơn huệ lớn hơn, là chính Chúa (trong ơn lương thực, chất chứa lời hứa ban ơn lương thực thần linh là chính Chúa). Ngoài ra, đó cũng là cơ hội để tương đối hóa mọi sự và chỉ gắn bó với một mình Chúa.

- Đó là cách thức Thiên Chúa tiếp tục sáng tạo chúng ta (với tất cả ý nghĩa của hành động sáng tạo : soi sáng, phân rẽ, sắp xếp, ban căn tính, nuôi dưỡng, mang lại ý nghĩa) bằng ơn huệ lệnh truyền và Lề Luật của Ngài (x. Tv 19).

- Và Thiên Chúa ban sự sống giới hạn (thân phận con người), chính là để chúng ta khát khao sự sống viên mãn, khát khao sáng tạo thứ hai, chứ không ham muốn; luật được ban là để ngăn chặt lòng ham muốn, vốn thuộc về thú tính; như Thánh Phao-lô đã tóm tắt Lề Luật trong công thức sau đây: “Ngươi không được ham muốn” (Rm 7, 7). Và khi chúng ta ước ao, tin tưởng và hi vọng, Chúa sẽ ban tặng. Niềm hi vọng này được làm rõ nơi Đức Giê-su-Ki-tô. Nhưng tại sao Thiên Chúa không ban ngay? Vì như thế, sẽ không có khát khao, quà tặng mất ý nghĩa, không có phó thác và tin yêu.

Chúng ta được mời gọi nhận ra và ghi nhớ ơn huệ Thiên Chúa ban để hiểu đúng lệnh truyền và Lề Luật, và để sống Luật như Lời dặn dò yêu thương, như cách thức để diễn tả lòng tín thác nơi sự Quan Phòng của Chúa, tình yêu chúng ta dành cho Chúa, và như lời tạ ơn và ca tụng. Quên ơn huệ Thiên Chúa ban, Lề Luật sẽ trở thành tai họa, như thánh Phao-lô nói : « Thành thử điều răn lẽ ra phải đưa đến sự sống, lại dẫn tôi đến chỗ chết » (Rm 7, 10). Đó là điều Con Rắn, hình ảnh của sự dữ, muốn con người sa vào.

Chúng ta có khuynh hướng chú ý đến những cái thiếu, những điều không được phép. Trong khi, những điều chúng ta có, những điều được phép rất phong phú và rất nhiều. Chính vì thế, chúng ta không tự do, không vui và không thể tạ ơn và ca tụng. Để sống lề luật và thân phận con người, phải dựa vào ơn huệ. Quên ơn huệ, sẽ là tai họa. Trong cuộc sống, lề luật và nhất là luật cấm, là không thể tránh khỏi, trong gia đình, nơi trường học, xã hội, Giáo Hội, trong đời tu, trong ơn gọi gia đình. Nếu không có kinh nghiệm về ơn huệ, chúng ta sẽ không hiểu đúng và sống “những giới hạn” một cách bình an!

Khi Đức Giê-su sinh ra, thì ngài đã chọn để sinh ra giữa thử thách, sống trong thử thách và chết cũng trong thử thách, thử thách tận cùng. Xin cho chúng ta hiểu Đức Giê-su một cách sâu xa và khát khao mặc lấy những tâm tình của Ngài (nên đọc Phil 2, 5-11).

3. Ơn huệ người “người trợ tá tương xứng” (c. 18-24)

“Con người ở một mình thì không tốt”. Sau khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa vẫn còn quan tâm đến con người, nếu không sẽ là “đem con bỏ chợ”: Thiên Chúa ban lương thực để con người duy trì sự sống; nhưng con người còn sống bằng tương quan nữa, nhất là tương quan tình bạn và tình yêu, vì thế cần một “trợ tá tương xứng”. Nói là trợ tá, nhưng kết quả còn hơn cả trợ tá:

- Đó là cả một cuộc tìm kiếm công phu của Thiên Chúa lẫn con người, bao gồm hai bước. Trong khi trước đó, việc sáng tạo ra Adam đã diễn ra nhanh và đơn giản.

- Trợ tá tương xứng khác với toàn thể loài vật, nghĩa là hoàn toàn “tương xứng”.

- Phát xuất từ tinh hoa của sáng tạo, từ xương thịt, thay vì từ bùn đất, như Adam và loài vật. Chính vì thế, phái nữ là phái đẹp và dịu dàng; và phái nam là phái mạnh bạo, gần với thú tính hơn.

- Được tuyển chọn bằng lời giao ước tình yêu: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” Đây chính là lời nói đầu tiên của con người; và lời nói đầu tiên là lời tuyển chọn, được phát biểu bằng lời giao ước tình yêu. Và Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ trong mọi Lời Giao Ước tình yêu, bởi vì Ngài là tình yêu, là sự thật và là sự sống.

- “Là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”. Người nam có thể dựa vào nguồn gốc người phụ nữ để bắt nàng phục tùng, nhưng sức hút của nàng đủ mạnh để con người lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Như thế, sự quân bình được thiết lập trong tương quan nam – nữ.

Trong đời sống gia đình, đúng là vợ chồng chọn nhau, đúng ra con cái do mình sinh ra, nhưng để đời sống gia đình được bền vững, nhất là trong những lúc “sóng to gió lớn”, phải xác tín rằng Chúa ban người này cho người kia, con mình sinh ra, nhưng cũng là con Thiên Chúa, và Chúa đóng ấn giao ước vĩnh viễn. Đời dâng hiến của chúng ta cũng vậy, chúng ta cần xác tín rằng, Chúa ban chúng ta cho nhau để làm nên Cộng Đoàn; nếu quên đi sự kiện người kia là ơn huệ Chúa ban, đời sống chung sẽ gặp khó khăn và có nguy cơ đổ vỡ.

Đức Giê-su đến là để nối kết chúng ta nên một, khi mời gọi chúng ta đón nhận nhau là con một Cha, là anh em của cùng một Thầy, và nhất là cùng được nuôi dưỡng bởi cùng một “lương thực”, là Lời và Mình thánh của Ngài. Như thế, trong Đức Ki-tô, tất cả chúng ta đều cùng “một xương một thịt” với Đức Ki-tô và do đó, cùng “một xương một thịt” đối với nhau. Vì thế, có thế với nhau trong Chúa:

“Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi !”

Ngày Quốc tế Phụ Nữ 2016
Mến tặng Quí Soeurs và Quí Chị Em
Là Hình Ảnh của Thiên Chúa và là Tinh Hoa của công trình sáng tạo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận