Ca sĩ vĩnh hằng của Thiên Chúa

Đăng lúc: Thứ năm - 03/03/2016 02:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Ca sĩ vĩnh hằng của Thiên Chúa

QUẢNG KHÊ

Sài thành phồn hoa dễ cuốn mọi người vào guồng quay bất tận của công việc, học tập và những cuộc vui, nhất là với giới trẻ. Song, đâu đó vẫn có những bóng dáng trẻ trung, mỗi tháng hai lần, dành thời gian cùng tham gia buổi cầu nguyện Taizé…

Chặng đường ban đầu

Hình thức cầu nguyện Taizé du nhập vào TGP.TPHCM từ năm 2000 và được khởi xướng tại Đại Chủng viện Thánh Giuse. Mấy năm sau, các thầy thuộc cộng đoàn Taizé (Pháp) đã đến một số nước Đông Nam Á mời gọi các bạn trẻ sang địa điểm khởi nguồn phong trào Taizé làm tình nguyện viên trong ba tháng để trải nghiệm đời sống cầu nguyện, chia sẻ Kinh Thánh, tinh thần cộng đồng đại kết, hòa hợp liên tôn. Đến khi về lại nước mình, các bạn có thể làm lan tỏa hình thức cầu nguyện này cho mọi người, nhất là giới trẻ.

Buổi cầu nguyện tại nhà thờ Mactynho có sự tham dự của các thầy ở Pháp

Ở Việt Nam, hằng năm có khoảng sáu bạn trẻ được gởi qua Pháp, chia đều cho ba giáo tỉnh. Tại TGP.TPHCM, ĐHY G.B Phạm Minh Mẫn lúc còn là TGM.TGP.TPHCM và cha G.B Lê Quang Việt, đặc trách Giới trẻ TGP rất hoan nghênh ý tưởng ấy nên mỗi năm đều đề cử hai người sang ngôi làng Taizé học tập. Khi quay về, các bạn phổ biến tinh thần cầu nguyện Taizé bằng nhiều cách thức khác nhau như thuyết trình, chia sẻ, dịch tài liệu cầu nguyện... Riêng Lê Thị Xuân Hân (nay đã trở thành nữ tu) lại chọn cách “lan tỏa” cụ thể và có tính lâu dài hơn: tổ chức cầu nguyện Taizé. Được sự động viên và hỗ trợ từ cha Việt, chị quyết định lập nhóm cầu nguyện Taizé đầu tiên cho giới trẻ Sài Gòn tại nhà thờ Mactynho (Q.1 - TPHCM) vào tháng 11.2008 với số lượng chưa tới 10 người.

Nhóm gặp gỡ Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt nhân dịp mừng 7 năm thành lập

Các thành viên ban đầu chủ yếu là bạn bè thân quen xuất thân từ những ca đoàn chứ chưa phổ biến rộng ra ngoài. Lâu dần, nhận thấy hoa trái thật sự qua từng buổi cầu nguyện, cha Việt khuyến khích nhóm mở rộng phạm vi để những sinh viên, người đi làm cũng có thể tham gia. Vì sau những giờ phút học tập, làm việc căng thẳng, được “thả” hồn theo từng tiếng đàn, câu ca sẽ giúp họ tạm vơi đi mệt mỏi thường nhật, mang lại sự bình an cho tâm hồn. Song song đó, các cha Dòng Tên ở Tu viện Đắc Lộ (Q.3 - TPHCM) vô tình biết đến nhóm nên nhờ các thành viên tổ chức thêm một buổi Taizé hằng tháng tại đây. Do vậy hiện tại, vào các tối thứ Tư đầu tiên của tháng đều có buổi cầu nguyện ở giáo xứ Mactynho và tối thứ Tư tuần thứ ba là tại Tu viện Đắc Lộ, từ 19 giờ 30 đến 20 giờ 30.

Rễ đắng và hoa thơm, quả ngọt

Giữa ánh nến lung linh, dìu dịu, tiếng ghita, violon và sáo vang lên ngân nga, du dương, nhiều mái đầu hướng về nơi bày trí nến, ảnh Chúa, cất cao các bài ca cầu nguyện, suy niệm, Thánh vịnh. Tuy nhiên, để có được thành quả như hôm nay, nhóm không tránh khỏi những khó khăn. “Chúng tôi muốn giữ trọn “nguyên mẫu” của kiểu cầu nguyện Taizé là sử dụng các bài hát dành riêng cho Taizé. Nhưng hầu hết những bài hát này đều sáng tác bằng tiếng Latinh, Anh, Pháp hoặc Ý, Ba Lan, Tây Ban Nha... Trong khi đó, có rất ít bài tiếng Việt nên việc chuyển ngữ sang tiếng mẹ đẻ làm sao để cộng đoàn có thể hiểu, cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa ca từ nhưng vẫn giữ đúng các hòa âm, phối bè êm dịu, sâu lắng của nhạc Taizé từng là thách thức lớn với nhóm”, chị Trần Phương Quyên - phụ trách nhóm hiện nay chia sẻ.

Cầu nguyện Taizé là cách gọi tắt của cách cầu nguyện theo phương pháp bắt nguồn từ cộng đoàn Taizé (Pháp). Trong giờ cầu nguyện, cộng đoàn được mời gọi để cho Lời Chúa dẫn đi qua những bài hát nhẹ nhàng, ngắn gọn được lặp lại nhiều lần, lắng nghe đoạn Phúc Âm, các gợi ý cầu nguyện, đọc hoặc hát Thánh vịnh. Diễn tiến buổi cầu nguyện từ nhanh đến chậm và sau mỗi phần có ít phút thinh lặng để mọi người suy niệm, cầu nguyện riêng.

Qua sự trợ giúp của các linh mục, tu sĩ, nhóm bạn Taizé khắp nơi, dần dà mọi người vượt qua trở ngại. Nhiều bài hát được chuyển ngữ thành công, người tham dự bớt lọng cọng, lúng túng khi hát. Mặt khác, để những buổi cầu nguyện diễn ra tâm tình, sốt sắng, từng thành viên đều chịu khó hy sinh thời gian và bỏ ra công sức chuẩn bị. Tối thứ bảy hằng tuần, nhóm cùng nhau tập hát, soạn chương trình cầu nguyện bao gồm chủ đề, đoạn Tin Mừng, lời nguyện, Thánh vịnh. Thay vì vui chơi, thư giãn cuối tuần, các bạn đến giáo xứ Mactynho dành thời gian cho Chúa, luyện hát phục vụ cộng đoàn. Nhóm luôn nghĩ điều đó là “được” chứ không là “phải”, bị bắt ép hay coi như gánh nặng. Bởi thế, những giờ tập diễn ra nhẹ nhàng, thoải mái, ai nấy đều vui vẻ, thích thú.

Cha Việt đồng hành với nhóm qua mỗi chặng đường

Theo năm tháng, hình thức cầu nguyện đơn sơ bằng âm nhạc với nhiều khoảng trống thinh lặng được giới trẻ nhiệt tình đón nhận. Hiện có thêm một vài người lớn tuổi hoặc người nước ngoài tới tham dự. Tính chất tự do suy tưởng, không quá khuôn khổ hay nghe nhiều giảng giải, phân tích, trái lại luôn được “sống” trong không gian dịu êm, tâm tình của âm nhạc đã lôi cuốn mạnh mẽ cộng đồng. Mỗi đêm cầu nguyện giờ đây có khoảng 50-70 người tham gia. Sự phản hồi tích cực này phần nào tiếp thêm ngọn lửa hăng say để nhóm vững tin và vững bước vào công việc bấy lâu. Vừa từ trường Đại học ở quận 5 chạy sang, Đỗ Trâm Anh chia sẻ: “Mình tình cờ biết buổi cầu nguyện qua lời rủ của một người bạn. Lúc ấy, mình không rõ cầu nguyện Taizé là như thế nào nên rất tò mò muốn tới cho biết, kết quả liền “kết” ngay. Là sinh viên từ Bắc vào đây học nên tham dự được một nhóm sinh hoạt thế này thật sự rất hữu ích. Ba mẹ ở quê cũng an tâm hơn khi biết mình không lơ là việc đạo”.

Nhìn ngắm lại chặng đường hơn 7 năm đã đi, hiện tại và trong tương lai, mỗi thành viên đều mong ánh nến thắp lên trong các đêm cầu nguyện sẽ ngày càng chiếu sáng đến muôn nơi. Cách riêng, mỗi người luôn khắc ghi chọn lựa mình là “ca sĩ vĩnh hằng ca khen Thiên Chúa”.


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận