Các Con Bảo “Thầy Là Ai ?”

Đăng lúc: Thứ năm - 23/06/2016 14:34 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CÁC CON BẢO “THẦY LÀ AI ?”

(Sau đây là bài nói chuyện trước và sau Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha Phanxicô với những khách hành hương đang tập trung tại quảng trường thánh Phêrô vào Chúa Nhật XII Thường Niên, ngày 19/06/2016)
Anh chị em thân mến!
Trích đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Lc 9,18-24), một lần nữa, nói cho chúng ta biết mình đang ở đâu[1], ấy là nói như vậy, khi chúng ta diện đối diện với Chúa Giêsu. Một trong những khoảnh khắc hiếm thấy của sự yên tĩnh, khi một mình Chúa Giêsu với các môn đệ, Người hỏi các ông: “Dân chúng nói Thầy là ai ?”. Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại”.
Do đó chúng ta thấy, người ta đã quí mến Chúa Giêsu, và xem Người như là một vị đại Ngôn Sứ, nhưng họ vẫn không có một nhận thức đúng đắn về căn tính đích thực của Người – Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến trần gian để cứu độ chúng ta. Sau đó, một cách trực tiếp, Chúa Giêsu nhắm đến các Tông Đồ – bởi đây là mối quan tâm hàng đầu của họ dành cho Chúa Giêsu, và Người đã hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” Ngay lập tức, một người trong họ là ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Điều này có nghĩa, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng Thánh của Thiên Chúa; Người được sai đến để cứu độ nhân loại, theo đúng Giao ước và Lời hứa của Người. Do đó, Chúa Giêsu nhận thấy rằng, Nhóm Mười Hai, cách riêng là ông Phêrô, đã đón nhận từ Chúa Cha món quà của đức tin; và bởi điều này, Chúa Giêsu bắt đầu mở cho họ thấy về điều đã chờ đón Người ở Giêrusalem. “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”.
Những câu hỏi như vậy lại được hỏi mỗi người trong chúng ta. “Chúa Giêsu là ai cho chúng ta lúc này ?”“Chúa Giêsu là ai đối với mỗi người trong chúng ta ?” Chúng ta được mời gọi để có câu trả lời như ông Phêrô, một cách vui vẻ, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngôi Lời hằng sống của Chúa Cha đã trở nên người phàm để cứu chuộc nhân loại; Người tuôn đổ tràn trề trên nhân loại lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Thế giới đang cần đến Đức Kitô hơn bao giờ hết, cần đến ơn cứu độ, tình yêu và lòng thương xót của Người. Nhiều người nhận ra một sự trống vắng xung quanh cuộc đời, và trong thâm tâm của họ; một số khác thì sống trong sự lo âu, bồn chồn vì tính tạm bợ và những mâu thuẫn trong cuộc sống hiện tại. Tất cả mỗi người chúng ta cần có những câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi của cuộc sống hiện sinh. Trong Đức Kitô, và chỉ trong Người, chúng ta mới có thể tìm được câu trả lời ổn thỏa và đáp ứng niềm được khát vọng của mỗi người. Chúa Giêsu biết được tâm hồn của con người và như không ai khác có thể biết được. Đó là lý do Người có thể chữa lành nó, ban cho nó sự sống và niềm an ủi.
Kết thúc cuộc đối thoại với các Tông Đồ, Chúa Giêsu nhắm đến tất cả mỗi người chúng ta, Người nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Điều này không ám chỉ đến một thập giá dùng để trang trí hay chỉ là một thập giá trong ý tưởng, nhưng là thập giá của bổn phận mỗi ngày, của việc hiến dâng phục vụ cho người khác với trọn cả tình yêu, của sự vui tươi dấn thân cho người nghèo, của sự cố gắng, nổ lực hy sinh cho công lý và hòa bình. Trong việc đón nhận những thái độ sống này, chúng ta đừng bao giờ quên rằng, “Ai liều mất mạng sống mình vì Chúa, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”. Vì thế, chúng ta hãy từ bỏ chính mình, để buông mình tin tưởng vào Chúa Giêsu, là Anh Cả, là Bạn và là Đấng Cứu Độ của chúng ta. Nhờ Chúa Thánh Thần, Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để bước đi trên con đường làm nhân chứng cho đức tin. Và trên con đường ấy, Đức Mẹ luôn che chở, phù giúp chúng ta. Chúng ta hãy để cho Mẹ dẫn dắt chúng ta vượt qua những thời khắc đen tối và khó khăn của cuộc đời.
Sau  Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về Ngày thứ hai là Ngày Thế Giới Người Tỵ Nạn, được Liên Hiệp Quốc công nhận, với chủ đề “Đồng hành với những Người Tỵ Nạn”. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng, “Những người tỵ nạn, trước đó, thì cũng giống như chúng ta, nhưng vì chiến tranh đã lấy đi nhà cửa, công việc, những người thân thích và bạn bè của họ”. Những câu chuyện bi đát và gương mặt bi quan của họ mời gọi chúng ta không ngừng làm mới lại lòng nhiệt thành xây dựng hòa bình và công lý. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Chúng ta muốn ở với họ, gặp gỡ, đón nhận họ để trở nên như khí cụ của bình an như Chúa muốn”.

Hoahướngdương, dịch, nguồn zenit.org.
 

[1] Biết mình đang ở đâu là khởi đầu cho một cuộc hành trình tâm linh. Chúng ta cần biết mình đang ở đâu, không chỉ về mặt thể lý, nhưng trước hết về mặt tâm linh, đặc biệt khi chúng ta sắp sửa làm một quyết định lớn trong cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm nghiệm một nhu cầu về những điểm qui chiếu cho cuộc đời và hỏi: Bây giờ tôi đang ở đâu ? Và tại sao tôi đang ở đây ? X. ĐHY Carlo Maria. Martini, Biết mình đang ở đâu, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2015, tr. 6.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận