Bí tích của niềm vui

Đăng lúc: Thứ bảy - 04/06/2016 19:46 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
BÍ TÍCH CỦA NIỀM VUI

Chào bạn!
Nhân dịp lễ kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô vừa qua, và hướng tới tháng Sáu là một thời gian đặc biệt đưa bạn đến Thánh Tâm Chúa Giêsu như minh họa đỉnh cao của niềm vui, tình yêu và lòng thương xót Chúa, mình xin chia sẻ với bạn về Bí tích Thánh Thể, Bí tích của Niềm Vui. Có thể bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng khi mình nói về điều ấy, bởi bạn sẽ liên tưởng ngay đến biến cố Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể. Trong bữa tiệc ly, trước khi chịu khổ nạn, Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và truyền cho các môn đệ hãy làm việc này mà nhớ đến Chúa. Như thế, làm sao có thể vui được khi Bí tích Thánh Thể gợi lên trong bạn về sự chia ly và cuộc khổ giá đau thương của Chúa Giêsu.

Quả thật, bạn phải xác tín rằng, thập giá Đức Kitô chói sáng rạng ngời luôn mời gọi bạn hướng đến niềm vui, một niềm vui Phục Sinh[1]. Bạn hãy nhớ lại lời hứa của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ, cách riêng cho bạn: “Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16, 20). Đó là niềm vui khi gặp lại Thầy Giêsu, niềm vui không gì sánh bằng và không ai có thể lấy mất được (x. Ga 16, 22). Khi mình nói đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc và tự hỏi rằng: Đó là niềm vui của các môn đệ Chúa Giêsu ngày xưa khi gặp lại Thầy, chứ bây giờ làm gì gặp được Chúa Giêsu thực sự, làm gì có được Niềm Vui giữa một thế giới đầy dẫy khổ đau, bởi Chúa Giêsu đã về Trời và dường như xa rời nhân thế ?
Bạn hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu đã nói: “Thầy sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Và cách thức Chúa ở với nhân loại là: Ngài trao ban chính Thịt Máu Ngài, nơi Bí tích Thánh Thể, làm của ăn của uống dưỡng nuôi nhân loại. Bạn có tin Chúa Giêsu hiện diện cách thực sự trong Bí tích Thánh Thể ? Bạn có tin, nhờ Bí tích Thánh Thể, Chúa ở lại với con người mọi ngày cho đến tận thế ? Và nếu bạn tin, thì ngày hôm nay, bạn đừng sống như ngày hôm qua nữa; hôm nay, bạn phải sống tốt hơn hôm qua. Hôm nay, bạn phải sống tương quan mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn nữa, qua việc tham dự Thánh lễ và Rước lễ cách sốt sắng, để Chúa ở lại trong bạn và bạn ở lại trong Chúa.

Bạn hãy ở lại trong tình yêu của Chúa (x. Ga 15, 1-17). Và nếu bạn giữ điều răn Chúa truyền, bạn sẽ ở lại trong tình yêu của Chúa. Và điều răn của Chúa là: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Như thế, sống tương quan với Chúa Giêsu Thánh Thể là “ở lại” trong Chúa, ở lại trong tình yêu của Chúa, là “tuân giữ” điều răn yêu thương, để bạn được hưởng niềm vui của Chúa, và niềm vui của bạn được nên trọn vẹn (x. Ga 15, 11). Bạn có thực sự cảm được niềm vui khi Chúa ở lại trong bạn, và bạn ở lại trong Chúa qua việc bạn rước lễ mỗi ngày ?
Có một nhân vật nổi tiếng khi được hỏi về: “Giây phút nào là hạnh phúc nhất trong cuộc đời bạn ?” Ông đã không ngần ngại trả lời: Giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi, là khi tôi được rước lễ lần đầu. Quả thật, câu trả lời khiến mọi phóng viên đều cảm thấy bỡ ngỡ, bởi họ có thể nghĩ rằng, ông sẽ trả lời về những khoảnh khắc vinh quang trong sự nghiệp, hay về những gì ông đang có: vợ đẹp, con ngoan, bạn hiền, tiền tài….Trái lại, ông đã cho mọi người thấy được niềm vui khi lần đầu tiên được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn được Rước lễ không ?
Đến đây, khi nói về đời sống tương quan giữa bạn với Bí tích Thánh Thể, thiết nghĩ không thể không nói tới đời sống tương quan với Giáo Hội, bởi Thánh Thể làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Thánh Thể[2]. Giáo Hội là Thân Thể của Đức Kitô bởi vì Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Kitô! Có người đã đồng hóa cách riêng và đơn sơ Thân Thể Chúa Kitô là Giáo Hội với Thân Thể Chúa Kitô là Thánh Thể; bởi không có Giáo Hội và không có Thánh Thể, Chúa Kitô sẽ không có một “Thân Thể” trong thế giới[3]. Và như bạn đã biết, Chúa Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất trong Giáo Hội, và nguyên lý hiệp nhất được tỏ lộ qua dấu chỉ bên ngoài là Bí tích Thánh Thể. Nếu Giáo Hội cử hành Thánh Thể, thì cũng chính Thánh Thể làm nên Giáo Hội, và vì chia sẻ cùng một tấm bánh, bạn cho thấy rõ ràng là bạn thuộc về Giáo Hội. Bạn có đang thuộc về Giáo Hội, hay bạn đã tự tách lìa ra khỏi Giáo Hội ? Bạn có thực sự cảm thấy vui khi thuộc về Giáo Hội ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Năm Thánh Lòng Thương Xót được khai mở, để tất cả mọi tín hữu đã được Rửa tội trải nghiệm được niềm vui khi thuộc về Giáo Hội – Thân Thể và Hôn Thê của Đức Kitô”[4].
Quả thật, Giáo Hội không những là chủ thể, mà còn là đối tượng của Đức Tin. Giáo Hội không chỉ là nơi khai sinh đức tin cho bạn, mà còn là nơi bạn đặt vào đó niềm tin trọn vẹn của mình[5]. Thế làm sao bạn có thể biết mình đang sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Chỉ có một Chúa, một Đức Tin, một Phép Rửa…(x. Ep 4, 4-6), một khi bạn cùng tuyên xưng một đức tin với Giáo Hội, cùng sống và cử hành các Bí tích, cùng tuân phục một vị chủ chăn, Đấng kế vị Thánh Phêrô, thì đó là bạn đang sống hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Chúa Kitô. Xét về cấp độ Giáo Hội địa phương hay giáo xứ cũng thế: Đức tin, Bí tích và vâng phục vị chủ chăn của mình từ trong lý trí lẫn ý chí, tạo nên mối hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội. Về cách thức thể hiện đời sống hiệp thông với cộng đoàn ra bên ngoài, thì có lần mình đã nói đến trong bài “môi trường sống đích thực dành cho các bạn trẻ”– đó là sống mối tương quan “ở trong”, “cảm thức với”“thuộc về” cộng đoàn, chi thể của Thân Thể Đức Kitô[6].
Về việc sống tương quan với Giáo Hội được thể hiện ra bên ngoài, mình chỉ xin chia sẻ về đời sống tương quan với anh chị em đồng loại. Bạn có thực sự cảm được niềm vui khi dấn thân phục vụ anh chị em đồng loại trong môi trường và cương vị của mình ? Bạn có thể nói được như Đức Giáo Hoàng Phanxicô: Niềm vui đẹp nhất và bất ngờ nhất mà tôi gặp được trong cuộc đời mình là niềm vui của những người rất nghèo, niềm vui ra đi dấn thân phục vụ tha nhân, đặc biệt là những anh chị em cần đến tình yêu và lòng thương xót Chúa[7]. Quả thật, có việc phục vụ, bác ái nào cao cả hơn việc mang Chúa đến cho người khác. Không có hành động nào có tính bác ái hơn là hành động nuôi dưỡng tha nhân bằng lời Chúa và sẻ chia với họ những Tin Vui của Phúc Âm, giới thiệu cho họ đi vào mối tương quan với Thiên Chúa: rao giảng Tin Mừng chính là sự thăng tiến nhân bản cao cả nhất và đầy đủ nhất[8]. Chính Mẹ Maria đã cảm được niềm vui khi cưu mang và đem Chúa đến cho nhân loại, đến nỗi Mẹ đã thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Đó là niềm vui của người có Chúa và mang Chúa đến cho người khác, để người khác cũng cảm được niềm vui “bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này” (Lc 1, 43).
Tóm lại, Chúa Cha vì yêu thương bạn, đã ban Con Một cho bạn, có nghĩa là hy sinh Thiên Đàng, hy sinh Niềm Vui, hy sinh Hạnh Phúc cho bạn[9]. Và Chúa Giêsu cũng vì yêu thương bạn, đã hy sinh mạng sống làm giá chuộc cho bạn. Chúa đã ban chính Thịt Máu làm thần lương mỹ vị dưỡng nuôi bạn trên đường lữ hành dương thế. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa ở cùng bạn mọi ngày cho đến tận thế. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Mình gồm nhiều người cùng ăn một tấm bánh, là Thân Mình Đức Kitô, cùng chia sẻ một Niềm Vui, niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Bạn có thực sự cảm thấy vui khi thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, khi được đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể là sự sống và nguồn vui của bạn? Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho con yêu mến Chúa! Amen.

Chào bạn!

Chúc bạn một ngày đầy tràn niềm vui và bình an của Chúa

hoahướngdương
 
 

[1] X. ĐGH. Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, số 5.
[2] Tư tưởng của cha Henri de Lubac trích trong Thần học về Bí tích Thánh Thể của ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc và tgk, nxb. Tôn giáo, Tp. HCM, 2009, tr. 112-131.
[3] X. Bài suy niệm Mùa Vọng 2016 của cha Raneiro Cantalamessa trước Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma, Đức Kitô, Ánh Sáng muôn dân: Một lối đọc Lumen gentium theo hướng Kitô học, http://www.vietcatholic.org, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương. dịch 12/17/2015.
[4] X. Sứ điệp của ĐTC Phanxicô cho ngày quốc tế cầu nguyện cho ơn gọi thứ 53, “Giáo Hội là Mẹ của các ơn gọi”, Chúa nhật IV Mùa Phục Sinh, 17/04/2016.
[5] X. Nt.
[6] X. hoahướngdương, Môi trường sống đích thực dành cho các bạn trẻ, http://www.gpphanthiet.com.
[7] X. Niềm Vui Tin Mừng, số 7.
[8] X. ĐTC. Bênêđictô XVI, Sứ điệp Mùa Chay 2013, Tin trong đức mến khơi dậy tình bác ái, số 3.
[9] ĐGM. Phaolô Bùi Văn Đọc, Sđd, tr. 9.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận