Con Chíp

Đăng lúc: Thứ tư - 01/07/2015 20:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
CON CHIP

1.  Món quà vô giá.
Đứa bé là mơ ước của cả hai bên nội ngoại, vì bố mẹ nó, cả hai anh chị Hoàng, Lan đều là con một. Trong tiềm thức tập thể của hai gia đình, cái thành kiến trọng nam khinh nữ: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” chưa chết hẳn, vẫn thấp thoáng đâu đó, nên dù không nói ra, ai cũng mong đứa bé là con trai. Đó là một gánh nặng tâm lý làm cho chị Lan sợ, đến nỗi mỗi lần khám thai, chị không dám hỏi tới giới tính đứa bé. Khi ông giáo Xuân, bố chồng hỏi, chị thẹn thùng:
-Bộ Y tế đã cấm các cơ sở y tế, phòng khám siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, bố ạ! Con làm sao biết được?
Ông giáo cười hóm hỉnh, nửa đùa nửa thật, mà nửa đùa thua nửa thật:
-Cái quy định ấy của bộ Y tế phá sản từ lâu rồi. Chỉ cần cái phong bì năm, bảy chục ngàn đồng thôi, các vị “lương y như từ mẫu” xé rào ngay. Đây, con xem.
Ông đưa cho con dâu phiếu kết quả siêu âm còn thơm mùi mực in:
-Con khám ở phòng khám Vuông Tròn phải không? Bệnh nhân: Lê Thị Ngọc Lan, 27 tuổi. Giới tính thai nhi: Nữ. Con biết không? Chồng con mất có năm mươi ngàn để có tờ giấy này đấy.
Chị Lan lí nhí điều gì đó, ông nghe không rõ, phải hỏi lại:
-Con nói gì vậy?
Chị lí nhí hơn nữa, nhưng lần này vì để tâm, ông nghe rõ mồn một:
-Con hỏi: Bố có buồn không?
Ông giáo cười ha hả, nhưng ở đuôi mắt, hình như có hai giọt nước rỉ ra. Ông an ủy chị, nhưng tự an ủy mình nhiều hơn:
-Sao lại buồn? Con nào cũng là con, gái hay trai cũng vậy, đều là món quà vô giá Chúa ban tặng, phải không?
2. Tường Vi
Nhà thêm một người, thêm nhiều niềm vui. Đứa bé, cái sinh linh nhỏ bé, yếu ớt, mong manh ấy trở thành trung tâm điểm của mọi sinh hoạt của mọi người trong nhà. Nhưng đến gần ngày Chúa Nhật đầu tháng, ngày rửa tội cho trẻ sơ sinh trong giáo xứ, phải đặt tên cho nó thì không ngờ lại phiền toái đến thế. Từ ngày xây nhà thờ tổ, cả họ có những quy định mới về hiếu hỉ, về giỗ chạp, về sự tương thân tương ái, về khuyến học, và cả về việc đặt tên cho con cháu. Vì thế, anh Hoàng phải về quê mãi tận ngoài Hải Dương, lễ nhà thờ họ, xin cụ trưởng tộc cho phô-tô co-py gia phả từ ông cố năm đời đến nay. Anh lại còn phải cậy cục, quà cáp, nhờ một ông thầy giáo dạy Hán Nôm ở Hà Nội phiên dịch sang chữ quốc ngữ, lại phải soi từng chữ để tránh kỵ húy. Ngày về, cụ trưởng tộc móm mém chào tiễn anh:
-Giấy rách phải giữ lấy lề, kỵ húy thì phải giữ, ít ra về trực hệ. Nhưng thời buổi văn minh rồi, phiên phiến đi một tí, chắc là liệt tổ liệt tông cũng chẳng chấp đâu… À, mà này, anh có biết cây mai trắng không? Ở bên Tàu người ta làm ô mai (còn gọi là xí muội) bằng quả của nó đấy. Quả mai cũng là quả mơ. Tôi cho đứa bé một cái tên, anh về thưa với bố anh xem sao. Tên nó là Mai Nhiên (nghĩa là nó đương nhiên là ước mơ vậy), được không?
Anh Hoàng mừng rỡ cúi gập người xuống:
-Con cảm ơn cụ trưởng tộc.
Suốt từ giáo xứ Ngọc Lý quê anh, ra sân bay Nội Bài, tới sân bay Tân Sơn Nhất, về đến nhà, lúc nào anh Hoàng cũng lẩm bẩm: Mai Nhiên, con gái Mai Nhiên của ba.
Chị Lan vừa tắm cho con xong, đon đả:
-Ba con về kìa, con chào ba đi.
Anh Hoàng quên hết mệt nhọc sau chuyến đi có đến cả ngàn rưỡi cây số. Anh hí hửng bồng con:
-Ứ ừ! Ngoan nào, con gái Mai Nhiên của ba!
Con bé vặn mình, ọ ọe, phẹt một tiếng. Có cái gì đó văng đầy người anh. Anh thấy mùi phân trẻ con chua loét. Hình như nó muốn nói:
-Chuyến đi của ba vô tích sự, tên con đâu phải Mai Nhiên.
Ông giáo Xuân từ trên gác nói vọng xuống:
-Hoàng về rồi đấy à? Ngoài ấy có an lành không? Mọi người có khỏe mạnh không? Cụ trưởng tộc nhà mình còn minh mẫn không?
-Ơn Chúa, mọi sự đều tốt lành cả! Cụ trưởng tộc còn sáng suốt lắm. Cụ còn cho tên con bé nhà mình nữa. Tên nó là Mai Nhiên, bố ạ!
Ông giáo bước xuống cầu thang, vỗ vỗ tay lên trán:
-Cái tên dung dị, dân dã, dễ thương, lại có ý nghĩa… Ơ, ơ… Nhưng mà, không được.
Chị Lan nhanh nhảu:
-Cái tên đẹp như thế, sao lại không được hả bố?
-Mai Nhiên nói lái là miên nhai. Cả cơ nghiệp có được đứa cháu nội, lại để cho Miên nó nhai à! Bố nói không được là không được.
Có tiếng con Mi Mi sủa dồn. Ông giáo đưa mắt ra cổng:
-Giời ơi! Chuyện lạ: ‘‘Rồng đến nhà tôm’’, cha xứ với thầy xứ tới thăm. Hoàng ơi! Mau ra mở cổng.
Ông vội khoác lên người chiếc áo sơ mi cũ, màu trắng đã ngả sang màu nước xáo lòng, bước ra. Ông khoanh tay cúi gập người, chào như ngày xưa, thuở những năm 1960-70:
-Con xin phép lạy cha ạ! Con lạy thầy sáu ạ!
Thầy xứ có vẻ ngượng:
-Con không dám đâu, thưa cụ giáo.
Vì ông giáo là thầy dạy tiểu học của ông cố, bà cố của thầy xứ. Ông còn lớn tuổi hơn cả ông bà cố của cha xứ nữa. Cha xứ vô tình, không rào đón, vào thẳng mục đích cuộc viếng thăm:
-Cha nghe nói ông giáo vẫn giữ được cuốn Từ Điển Danh Từ Triết Học của cha Trần Văn Hiến Minh; và cuốn Triết Lý Cái Đình của cha Kim Định, phải không? Ông giáo có thể cho cha mượn để thầy xứ sao ra, làm tài liệu cho thư viện nhà xứ, được không?
Không hiểu sao ông giáo xịu mặt xuống, dứt khoát:
-Rất không may, thưa cha! Con có đấy, nhưng không thể cho mượn được. Không ai lại dại dột cho mượn sách bao giờ.
Suy nghĩ một lát, ông thay đổi nét mặt, phì cười mà không ai biết vì sao:
-Nếu thư viện nhà xứ cần, con chỉ có thể xin dâng cúng thôi.
Cha xứ xuýt xoa:
-Quý hóa quá! Cha cám ơn ông giáo lắm.
Ông giáo đứng lên, bước về phía tủ sách. Cha xứ lơ đễnh nhìn ra ngoài ngõ:
-Dàn hoa trước cổng nhà ông giáo đẹp quá, nhỉ?
Ông giáo thổ lộ tâm can:
- Vâng, con trồng hơn một năm, chẳng được bông hoa nào; nhưng hơn tháng nay, từ khi mang cháu bé từ bệnh viện về, nó nở rộ, chi chít những hoa, cha ạ! Con cũng chẳng biết nó là hoa gì.
-Thật không, ông giáo? Nó là hoa tường vi đấy.
-Thế thì đúng là Ý Chúa. Xin cảm ơn cha, con đặt tên con bé nhà con là Tường Vi được đấy, phải không, thưa cha?
Anh Hoàng tra lại gia phả, không có ông cố bà cố nào tên Vi. Thế là đứa bé được đặt tên là Tường Vi.
3. Con Chip
Anh Hoàng, vốn là kỹ sư tin học, nói với vợ:
-Con mình là Tường Vi. Vi làm anh liên tưởng tới vi mạch, gọi tắt là IC, hay còn gọi là ‘‘chip’’ theo tiếng Anh. Từ nay, trong nhà, mình gọi con là con Chip, em có chịu không?
Chị Lan ngúng nguẩy:
-Không chịu cũng chẳng được với anh. Anh lại còn hỏi em cơ à?
Con Chip được bú sữa mẹ. Ngoài ra nó còn được bổ sung nào là sữa tăng trọng, tăng chiều cao, lại còn DHA+ tăng trí thông minh… Nó lớn nhanh như thổi. Kinh nghiệm dân gian bảo rằng: ‘‘Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi’’. Được ba tháng, nó biết lẫy. Vài tháng sau, nó ngồi dậy được, nhưng đến tháng thứ tám, nó vẫn chưa biết bò. Anh chị Hoàng, Lan lo lắm. Một hôm chị Lan đặt con ngồi dưới chân bàn ăn với một đống đồ chơi:
-Chip, Chip! Ông nội cao tuổi rồi khó ăn khó uống. Con ngồi chơi ngoan nhé, để mẹ muối xổi cho ông mớ cà pháo, nấu cho ông bát canh cua đồng.
Chị cắm cúi làm. Đột nhiên, con Chip vịn chân bàn, đứng lên, cười khanh khách, bước nhào tới, ôm chầm lấy cổ chị. Chị thét lên như bị cháy nhà:
-Ông nội ơi! Anh Hoàng ơi!
Hai người hốt hoảng chạy xuống. Chị Lan mừng rỡ:
-Con Chip biết đi rồi, đây nè!
Chị đặt con đứng bám vào chân bàn, đi giật lùi, vỗ vỗ tay gọi. Con Chip buông tay, chập chững bước tới mấy bước, ôm chân mẹ.
Anh chị Hoàng, Lan mừng lắm. Ông giáo cũng mừng, nhưng ông cảm thấy một nỗi lo sợ mơ hồ, mà lại hình như rất thực:
-Con bé chưa biết bò đã biết đi. Không biết sau này ra sao, chứ những đứa trẻ trốn bò khó nuôi, khó dạy lắm. Rồi xem...
4. Thần đồng
Con Chip cực kỳ thông minh. Vào trường mầm non, nó đã dạn dĩ hát hay, múa giỏi, vẽ đẹp. Học lớp lá thôi, nó đã biết đọc, biết viết. Vào lớp một, nó thuộc lòng bản cửu chương, làm được toán lớp hai. Ba lần làm trắc nghiệm IQ cho nó, kết quả đều trên 140, anh Hoàng hãnh diện khoe:
-Con Chip nhà mình thuộc 2% số người thông minh nhất, có thể nói là cận-thiên-tài đấy, bố ạ!
Ông giáo Xuân lo âu hơn vui mừng:
-Có mấy thiên tài có một cuộc sống suôn sẻ, hạnh phúc đâu?!
Con Chip thông minh như thế, nhưng hai năm đầu bậc tiểu học, nó chỉ đạt loại khá. Kín đáo dò hỏi, chị Lan tìm ra lý do: con bé không chịu “tự nguyện” học thêm ở nhà cô chủ nhiệm. Từ năm lên lớp ba, nó được (bị thì đúng hơn) đi học thêm. Ngày thường, mỗi buổi chiều, vì trái đường, chị Lan phải mang bữa ăn đên trường, cho con ăn vội vội vàng vàng ở ghế đá ngoài sân, chở con tới nhà cô chủ nhiệm, ngồi chờ nó học xong, đón về. Những ngày nghỉ cuối tuần, nó chưa bao giờ được nghỉ: Thứ Sáu: Chiều học vẽ, tối học Giáo lý khai tâm. Thứ Bảy: Sáng học thể dục ở nhà Thiếu nhi, chiều học Anh Văn mãi trên Sài Gòn, cách nhà có đến hai chục cây số, tối học đàn ở trung tâm Suối Nhạc. Chúa Nhật: Bảy giờ đi lễ thiếu nhi rồi đi học bơi, chiều học vi tính, tối học thanh nhạc ở trung tâm Đô Rê Mi. Như một thần đồng, môn học nào nó cũng học rất nhanh, luôn luôn đạt danh hiệu xuất sắc. Ba năm trời, giấy khen nó mang về, phòng khách không còn chỗ treo. Anh chi Hoàng, Lan vui lắm, nhưng ông giáo Xuân ái ngại:
-Sức người có hạn. Cho con học vừa vừa thôi, phải cho nó nghỉ ngơi chứ!
Anh Hoàng ngắt lời bố:
-Con Chip nhà mình phải là một con người xuất sắc toàn diện, bố ạ.
Ông giáo lắc đầu, ngán ngẩm.
Cuối năm lớp năm, con Phượng bạn thân nhất của con Chip bị xe đụng chết. Con Phượng nhà nghèo. Nó chết, bố mẹ nó không mua được đất chôn, phải mang hỏa thiêu. Con Chip ngồi hàng giờ trước nắm tro cốt của bạn trong nhà Chờ Phục Sinh của giáo xứ. Nó suy tư lung lắm, như một người lớn:
-Phượng ơi! Mày cũng như mọi người, rồi tao nữa, chỉ là một dúm tro bụi kia hay sao?
Con Chip bị khủng hoảng, nó co rút lại trong cái vỏ ốc cá nhân của nó. Nó sợ chết quá, hóa ra sợ sống. Trừ ông nội nó ra, nó sợ mọi người, kể cả bố mẹ nó. Nó sợ chính nó những khi một mình. Nó sợ sách vở, nhạc, họa, vi tính, sợ ăn uống, sợ mọi thứ. Giữa đêm, tiếng thét của nó xé lòng ông giáo Xuân và anh chị Hoàng, Lan.
Đưa con Chip đi mấy bệnh viện, các bác sĩ không tìm ra bệnh của nó. Họ kết luận vu vơ rằng nó bị trầm cảm gì đó. Nó suy sụp hoàn toàn, phải nghỉ học tất cả mọi môn, suốt ba tháng hè.
5. Chiếc xuồng ba lá
Ông giáo Xuân ngồi một mình bên chiếc điếu cày và ấm trà Thái Nguyên nóng hổi. Ông đăm chiêu nhớ về thời trai trẻ, cái thời mà ông đã phạm một lỗi lầm không thể tha thứ được. Hôm ấy nhà ông tát đìa, chú Hạ, em út ông bị rắn hổ mang đất cắn, phải chở đi cấp cứu. Chiếc xuồng ba lá hai chục giạ, đặt chiếc Kohler 4 thì vừa, nhưng muốn cho nhanh, ông đặt hẳn chiếc BS 9. Chiếc xuồng xé nước, lướt trên mặt sông như bay, rung lên bần bật. Tới đầu kênh, phải cua gấp, nó không chịu nổi, vỡ toang hoác, nước ào vào, chìm nghỉm. “Muốn nhanh, hóa chậm”, sự đời vốn thế. Vớt được chú Hạ lên, đưa tới bệnh viện, thì quá trễ, nọc rắn độc đã ngấm vào tim, không cứu được. Nhớ chuyện cũ, gẫm chuyện mới, ông thở dài:
-Con Chip dù sao cũng chỉ là một đứa trẻ. Làm sao nó chịu được áp lực học hành ghê khiếp kia mà không suy sụp?! Như chiếc xuồng ba lá mỏng manh ngày ấy không chịu nổi cỗ máy chín mã lực, đã chìm nghỉm giữa sông nước, con Chip không đang chìm giữa sóng đời cuồn cuộn đó sao?
Ông giáo lấy tay áo lau mắt, chép miệng:
- Ôi! Gánh nặng thiên tài, gánh nặng thiên tai!
Rồi ông nhìn lên bàn thờ, làm dấu Thánh Giá:
-Chúa ơi! Con biết: Thế giới này có bảy tỷ người thì Chúa có bảy tỷ kế hoạch, mỗi kế hoạch riêng cho từng người. Nhưng Chúa đã gởi con Chip tới nhà này, xin cho chúng con biết phải làm gì, làm thế nào với con bé, cho hợp theo Thiên Ý.

lãongu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận