Thứ sáu tuần 33 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 18/11/2016 02:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ sáu tuần 33 thường niên.

"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".

 

 

Lời Chúa: Lc 19, 45-48

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

 

 

Suy Niệm 1: Nơi gặp gỡ Chúa

Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt đầu giảng dạy ở đó.

Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế; giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống tràn đầy cho các môn đệ.

Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa. Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.

Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ðền thờ của Chúa

Chúng ta thường thấy Chúa Giêsu là người ôn hòa và tế nhị. Ngài luôn có thái độ khiêm tốn và kính trọng trong cách đối xử với mọi người. Nhưng trong đoạn Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Ngài đã không hành động như thường lệ nữa, Ngài đã nổi giận và xua đuổi những kẻ buôn bán trong đền thờ. Riêng trong Phúc Âm theo thánh Máccô và thánh Mátthêu còn diễn tả một cách chi tiết hơn hình ảnh Chúa Giêsu lật đổ quầy bàn đổi tiền và xô ngã ghế của những người buôn bán trong đền thờ và la mắng họ: "Ðã có lời chép rằng: nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp". Khi hành động như thế, Chúa Giêsu đã có ý sửa chữa những thói hư tật xấu của những kẻ gian manh lạm dụng người khác để làm giàu cho chính mình như những kẻ đổi chác tiền bạc trong đền thờ chẳng hạn. Họ làm giàu bằng cách bóc lột những người lương thiện phải trả tiền nhiều hơn so với giá phải chăng. Khi hành động bất lương như thế họ cũng đã xúc phạm luôn cả Thiên Chúa nữa.

Lời khiển trách của Chúa nhấn mạnh đến tính cách thiêng liêng của đền thờ vì đó chính là nhà Chúa, là nhà cầu nguyện, nơi Chúa thực sự hiện diện và lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa trách cứ vì lòng yêu mến con cái Người, vì muốn chúng ta sửa đổi để trở nên trong sạch, thánh thiện hơn trong sự thờ phượng Người. Chúa giảng dạy trong đền thờ mỗi ngày và dân chúng say mê lắng nghe lời Người. Họ lắng nghe Lời Chúa với trái tim rộng mở và đơn sơ, và tiếp nhận từ nơi Người tất cả sự ngọt ngào, bình an và ánh sáng đức tin đến độ không muốn rời bỏ Người. Lời Chúa mang đến cho người nghe sự bình an và hân hoan sâu xa trong tâm hồn chúng ta như bài thánh vịnh hôm nay:

"Tuân theo thánh ý Chúa,

Con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể

Con sẽ ngẫm suy huấn lệnh Chúa truyền

Ðưa mắt nhìn theo đường lối Chúa

Con vui thú với thánh chỉ Ngài

Chẳng quên lời Người phán dạy."

Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đền thờ đem lại cho nhà Chúa một sự sống động và sức mạnh thiêng liêng. Thiên Chúa đã ngự xuống giữa trần gian, Người không xa cách hay mơ hồ nhưng gần gũi với con người. Nhà Chúa không phải chỉ là một công trình kiến trúc vô tri vô giác, nhưng là nơi mà Thần Khí của Chúa ngự trị tuy vô hình nhưng có khả năng truyền đạt sức sống, tình yêu và hy vọng cho những tâm hồn khao khát tìm đến với Người. Ðền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Người để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Người răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Người.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con biết thờ lạy Người với tình yêu mến và lòng biết ơn về những hồng ân mà Người đã rộng lòng ban phát cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và thực hành thánh ý của Chúa bằng với lòng tin và sự vâng phục.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Đuổi con buôn trong đền thờ

Đức Giêsu vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc. 19, 45-46)

Sắp đến hồi kết thúc cuộc đời, Đức Giêsu không thể tránh được cuộc đối đầu giữa lời mời gọi trở về với tình yêu Thiên Chúa, với lối giải thích khắt khe về lề luật. Đức Giêsu muốn làm sáng tỏ: giữa án phạt đời đời với sự sống đời đời.

Cách dùng bất chính

Đức Giêsu long trọng vào Giê-ru-sa-lem và đi thẳng vào đền thờ, chính là nhà Người, nhà Cha của Người. Ngôn sứ Ma-la-ki-a đã tiên báo: “Bất thần, Ngài vào đền thờ của Ngài, Người Chủ mà họ tìm kiếm, thiên sứ của giao ước mà họ ước mong”. Và Người vào để thanh tẩy đền thờ, đuổi những kẻ buôn bán súc vật để dâng hy tế hay để đổi tiền La mã lấy tiền đền thờ: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”.

Theo ngôn sứ I-sai-a, Chúa nói: Đền thờ của Ngài là nhà cầu nguyện cho muôn dân. Thiên Chúa không thay đổi quan niệm về cách dùng nơi Ngài ngự, người ta đến đền thờ để thờ phượng Ngài, ngợi khen và lắng nghe Ngài. Đó là nơi mọi người đàm đạo với Thiên Chúa, không chỉ dành riêng cho người Do thái.

Nhưng, theo Giê-rê-mi-a, đền thờ đã bị tục hóa bởi những kẻ phạm những điều ghê tởm và lại dám ra trước mặt Thiên Chúa tuyên dương rằng: “Chúng tôi được cứu thoát”. Cũng thế, những kẻ lợi dụng đền thờ để kiếm lợi, họ bỏ cách thờ phượng chân chính lên Thiên Chúa bằng tôn thờ tiền bạc.

Đức Giêsu phục hưng đền thờ làm nơi gặp gỡ Thiên Chúa. Người đuổi con buôn để vào dạy dỗ lời Chúa trong đền thờ. Lời Người chính là Thiên Chúa tự mặc khải cho dân Người. Người không chỉ đến để dâng lễ hy sinh, mà còn để nuôi mình bằng lời ban sự sống đời đời.

Những kẻ lợi dụng buôn bán trong đền thờ không nhìn Người bằng con mắt thiện cảm vì Người đang cất mất mối lợi của họ. Họ hiểu sự thách thức của Đức Giêsu. Nhưng họ biết dân chúng dễ thay đổi. Nếu lúc này dân theo Đức Giêsu, lúc khác họ có thể làm cho dân phản bội lại Đức Giêsu. Đó là lý do tại sao những ngày kế tiếp, họ làm cho dân nghi ngờ quyền thế của Đức Giêsu và giương bẫy bắt Người.

RC
 

SUY NIỆM:

1. Giải thoát khỏi sự dữ

Hình ảnh Đức Giê-su bừng bừng nổi giận đánh đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, có thể làm chúng ta bị sốc; cái sốc này có thể so sánh với cái sốc gây ra bởi những lời nguyền rủa chống lại kẻ dữ trong các Thánh Vịnh (chẳng hạn Tv 69 ; Tv 139, 19-22 ; Tv 141, 10).
Tuy nhiên, sự nổi giận của Ngài mang tính giải phóng, chứ không phải loại bỏ : giống như những lời nguyền rủa của các Thánh Vịnh, Đức Giêsu làm bật sự dữ khỏi chỗ ẩn nấp của nó, để chúng ta nhìn thấy, và khi nhìn thấy, chúng ta không thể chấp nhận được, vì nó không tương hợp với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta. Đó chính là cách Người chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ trong cuộc Thương Khó và mầu nhiệm Thập Giá.
Về biến cố này, trong ba Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng theo thánh Luca kể nhẹ nhàng nhất, đó là bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay ; hai Tin Mừng còn lại kể lại cùng một biến cố với nhiều chi tiết hơn : kẻ mua người bán, các bàn đổi tiền, các sạp bán bồ câu… Nhưng Tin Mừng theo thánh Gioan tường thuật biến cố cách đặc biệt nhất : Đức Giê-su đi Giê-ru-sa-lem và vào Đền Thờ ngay từ đầu thời gian rao giảng Tin Mừng (Ga 2, 13-22), và hành động của Ngài rất mạnh mẽ : Ngài tự bện cho mình cái roi đánh đuổi mọi người và hất tung tất cả ra khỏi Đền Thờ : súc vật, tiền bạc, bàn ghế, những người buôn bán. Các môn đệ chứng kiến cảnh tượng, liền trích lời nguyện Thánh Vịnh:  Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân !(Tv 69, 10)

2. Nhà Thiên Chúa và sào huyệt bọn cướp

Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta hiểu ra và nhất là cảm nhận hành vi mạnh mẽ của Ngài : « Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp! ». Thật là lạ lùng, khi Đức Giêsu nhìn ra « sào huyệt của bọn cướp » ở nơi người ta buôn bán. Đó là vì, như chính chúng ta có kinh nghiệm, trong việc buôn bàn thường hay xẩy ra sự gian dối, lọc lừa, làm thiệt hại, thậm chí làm hại người khác (chẳng hạn ngày nay, người ta bỏ chất độc vào trong thực phẩm, làm giả thuốc tây…).

Như thế, dưới cái nhìn của Chúa, có một tương phản rất lớn, nếu không muốn nói là tuyệt đối, giữa Nhà Chúa Cha và nơi buôn bán : một đàng, nhà của Thiên Chúa là nhà cầu nguyện, nghĩa là nơi Dân Chúa diễn tả và sống tương quan Giao Ước với Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa hiện diện và nói với dân của Ngài ; một đàng là « sào huyệt của bọn cướp ». Hai thực tại quá khác biệt, quá tương phản, quá đối lập, và có thể nói, trái ngược nhau tuyệt đối : nơi chốn của nhưng không, hiệp thông, của sự thật, của ý nghĩa, của ánh sáng, của hiền lành, của sự sống, trở thành nơi của loại trừ, nơi của gian dối, của vô nghĩa, nơi của bóng tối, nơi của bạo lực, nơi của sự chết. Sào huyệt của bọn cướp chính xác là như vậy.

Chứng kiến cảnh tượng Đền Thờ như thế và hiểu ở mức độ tuyệt đối như Đức Giêsu đã hiểu, làm sao Ngài không nổi giận cho được ?

3. Biểu tượng « Đền Thờ »

Chúng ta được mời gọi đọc tình trạng của Đền thờ như biểu tượng diễn tả, nhưng chính xác hơn phải nói là mặc khải, sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về Giáo Hội, về cộng đoàn, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Bởi vì đó cũng là những nơi « tôn nghiêm » như đền thờ, nhưng đã bị biến dạng.

Hiểu như vậy, chúng ta được mời gọi tự nguyện xin Chúa nổi giận và làm như Ngài đã làm xưa kia nơi Đền Thờ Giê-ru-salem, với con người của chúng ta, với nội tâm của chúng ta, để tái tạo con người chúng ta như ơn gọi ban đầu : nghĩa là để cho Lời của Ngài vang vọng mỗi ngày trong nội tâm và trong ngày sống của chúng ta, như xưa « hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ » (c. 47).

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

nhà cầu, sào huyệt

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận