Thứ năm tuần 32 thường niên

Đăng lúc: Thứ năm - 10/11/2016 01:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ năm tuần 32 thường niên - Thánh Lêô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Nước Thiên Chúa ở giữa các ông".

 

* Thánh nhân sinh tại Ê-tru-ri-a. Năm 440, người làm giáo hoàng. Với tầm nhìn xa trông rộng và nghị lực phi thường, người đã đương đầu với nguy cơ xâm lăng của dân man di và lạc giáo của Êu-ti-khê đang đe dọa niềm tin về mầu nhiệm Nhập Thể. Nhưng trong tư cách một mục tử, người ý thức sâu sắc trách nhiệm của mình và không ngừng nhắc nhở các tín hữu thể hiện đức tin trong cuộc sống hằng ngày.Người qua đời năm 461.

 

Lời Chúa: Lc 17, 20-25

Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".

 

 

 

Suy Niệm 1: Sống sung mãn giây phút hiện tại

Hiện nay, con số các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Năm 1968, không có hoạt động khủng bố nào liên hệ đến tôn giáo, nhưng ngày nay có rất nhiều nhóm tự xưng là Kitô giáo, Do thái giáo, Ấn giáo, Hồi giáo. Mẫu số chung của các nhóm này là niềm tin vào một ngày thế mạt, họ chủ trương bạo động, vì tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, hay nhờ một thiên tai nào đó, họ sẽ được đưa vào Thiên Ðàng. Các giáo phái mong mỏi ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ. Tuy nhiên mới đây một số đã cáo chung vì bạo động: cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều tín đồ đến chỗ tự vẫn và đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi đã không đến. Vụ phun hơi ngạt do giáo phái "Chân Lý Tối Thượng" chủ trương tại Nhật Bản dạo tháng 3/1995 cũng cho thấy sự khởi sắc bất ngờ của niềm tin vào ngày thế mạt nơi người Nhật bản.

Tin vào ngày thế mạt, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một trong những điểm nòng cốt của Kitô giáo. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu khi tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". "Chúa lại đến", đó là niềm xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải là năm 2000, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.

Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa Ðến, các tín hữu phải luôn tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. Một trong những nét cao cả của con người chính là khả năng vượt qua thời gian, chỉ con người mới có thể hồi tưởng quá khứ và dự phóng tương lai, chỉ con người mới có khát vọng được trường sinh bất tử. Thiên Chúa quả thực đã đặt để trong lòng con người hạt giống của sự sống vĩnh cửu, hạt giống ấy chỉ có thể nẩy mầm trên thửa đất của hiện tại mà thôi: không thể đi vào vĩnh cửu mà không bước qua hiện tại, không thể yêu mến vĩnh cửu mà lại khước từ hiện tại.

Qua cuộc sống của Ngài, Chúa Giêsu đã vạch ra cho con người đường đi vào vĩnh cửu, đó là sống sung mãn trong từng giây phút hiện tại. Chính trong cuộc sống mỗi ngày mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu. Sống như thế là sống tỉnh thức theo tinh thần mà Chúa Giêsu hằng nhắc nhở trong Tin Mừng của Ngài; sống như thế, con người mới có thể nhận ra ý nghĩa của cuộc sống. Một cuộc sống có đáng sống và có ý nghĩa hay không, là tùy ở thái độ trân trọng và tích cực của con người đối với mỗi giây phút hiện tại.

Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để chúng ta không ngừng đón nhận Chúa qua từng biến cố và gặp gỡ mỗi ngày.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Mầu nhiệm Nước Chúa

Tìm kiếm Thiên Chúa vẫn luôn là thao thức của con người. Nhiều người Do Thái nôn nao chờ đợi Nước Thiên Chúa nhưng dù có thao thức, có chờ đợi họ cũng không gặp dẫu rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ. Chúa Giêsu đã giải thích lý do: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được". Tìm kiếm Thiên Chúa chỉ để thỏa mãn hay để biện minh cho hành động của mình thì chẳng bao giờ có thể gặp được Ngài.

Trọng tâm của bài giảng của Chúa Giêsu là mầu nhiệm nước Chúa. Mầu nhiệm ấy không thể nắm bắt được bằng mắt trần hay bằng lý luận của con người. Chúa Giêsu mời gọi mọi người đi vào mầu nhiệm Nước Chúa. Nước Chúa không ở chỗ này hay chỗ kia. Nước Chúa chỉ đến bằng cái chết của Chúa Giêsu mà thôi. Chúa Giêsu đã hé mở cho các môn đệ thấy cuộc khổ nạn của Ngài và các cuộc bách hại mà Giáo Hội sẽ trải qua. Chính qua các cuộc bách hại mà hạt giống đức tin được gieo vãi, Giáo Hội được thanh luyện, củng cố và lớn lên. Do đó, không phải cái vẻ hào nhoáng với các cơ cấu tổ chức và biểu dương bên ngoài rầm rộ của Giáo Hội thể hiện mầu nhiệm Nước Chúa, nhưng là chính ở sức mạnh tinh thần của niềm tin, một niềm tin sẵn sàng mất tất cả, ngay cả sự sống của mình để được trung thành với những giá trị của Tin Mừng. Chính niềm tin ấy mới thể hiện được mầu nhiệm thâm sâu của Nước Chúa.

Nguyện xin Chúa cho chúng ta biết cởi bỏ cái nhìn hẹp hòi ích kỷ để nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta. Xin cho chúng ta luôn tâm niệm rằng chúng ta chỉ gặp được Thiên Chúa trong yêu thương và phục vụ mà thôi.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Tin dổm về tận thế

Người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. (Lc. 17, 20-21)

Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Đức Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên biệt phái muốn hỏi Đức Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến.

Triều đại Thiên Chúa đã đến rất êm ái

Câu trả lời của Đức Giêsu làm sửng sốt: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến và biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ đóng kín, câm lặng, chính hành động của Đức Giêsu cho thấy và cho hiểu về nước Chúa đã đến vì Người nhờ ngón tay Thiên Chúa để trừ quỷ, và lời Người đang sưởi nóng con tim của những kẻ khốn cùng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng ai không đón tiếp Đức Giêsu, không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.

Khi trả lời những kẻ không tin, Đức Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Đức Giêsu đã đến phục hưng lại nước Thiên Chúa và Người phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Người đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.

Người đến như ánh chớp chói lòa chiếu sáng.

Con Người đến trong vinh quang sáng chói hơn cả tia sáng bom nguyên tử, bom khinh khí và chiếu sáng khắp nơi không gì che lấp được. Con Người đến thình lình đột ngột như các tai họa đổ xuống loài người và luôn luôn sẵn sàng đến bất cứ lúc nào.

Trước khi biến cố này xảy đến, Đức Giêsu phải chịu xỉ vả, hạ nhục, phản bội bởi thế hệ này và các thế hệ kế tiếp. Tình yêu chắc chắn chiến thắng. Nhưng trước khi chiến thắng hận thù và chia rẽ, Người phải hành động để thuyết phục chứ không dùng bạo lực. Giáo hội cũng phải chịu khổ nhục một thời và các Kitô hữu phải biết kiên trì giữ vững đức tin luôn luôn sẵn sàng đón tiếp Con Người đến.

RC

 

SUY NIỆM:

1. Lòng tin và dấu lạ

Trong lịch sử cứu độ, và tiêu biểu nhất là trong hành trình đi trong sa mạc, cũng như vào thời của Đức Giê-su, người Do Thái luôn đòi hỏi dấu lạ. Đức Giê-su cũng đã làm nhiều dấu lạ, giống như Đức Chúa trong biến cố xuất hành và trong sa mạc, nhưng họ vẫn cứ đòi hỏi dấu lạ. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ đòi hỏi Đức Giê-su: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng tôi thấy, chúng tôi tin” (Mt 27, 42).
Vấn đề của người Do Thái cũng là vấn đề của con người thuộc mọi thời: người ta luôn bị lôi cuốn bởi các dấu lạ, và dấu lạ có nguy cơ trở thành đối tượng của lòng ham muốn, vì thế sẽ không bao giờ là đủ, thay vì dấu lạ là dấu chỉ dẫn đến việc trao ban lòng tin. Bởi vì, dấu lạ xẩy ra một lần và một nơi, nhưng lòng tin được trao ban ở mọi lúc mọi nơi, vào những ngày có dấu lạ cũng như những ngày bình thường và cà những ngày đầy thách đố nữa. Và như kinh nghiệm cho thấy, những ngày bình thường và những ngày sóng gió mới là nhiều. Như chính lịch sử Dân Chúa cho thấy:

Tôi tự bảo: điều làm tôi đau đớn
là Đấng Tối Cao chẳng còn ra tay nữa.
(Tv 77, 11)

Và đó chính là hình ảnh nói lên lịch sử của mọi dân tộc và của từng người trong chúng ta. Nhưng khi tin, chúng sẽ thấy mọi sự đều lạ, như chính Đức Giê-su đã nói: “Lòng tin của con đã cứu con” (Lc 7, 50), và “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em” (Lc 17, 6).

2. Triều Đại Thiên Chúa

Về mầu nhiệm Triều Đại Thiên Chúa, người ta cũng cho rằng, đó phải là những gì cả thể và phi thường. Nhưng, Đức Giê-su nói rằng thực tại thần linh này không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Thế mà, không hiển nhiên và không quan sát được, thì không thể ngoại thường hay lạ lùng xét theo bề ngoài được! Thực vậy, Đức Giê-su nói, một đàng, Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên để có thể quan sát được:

Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: “Ở đây này!” Hay “Ở kia kìa!” (c. 20-21)

Nhưng đàng khác, Đức Giê-su nói: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”; và quả thực, Người đang hiện diện ở giữa họ, và Người là Đấng làm cho Nước Thiên Chúa đến và đồng thời, Người là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Thực vậy, sự hiện diện, lời nói và hành động của Người, một khi được đón nhận, sẽ có sức mạnh tái sinh chúng ta trở thành những người con đích thật của Thiên Chúa, và trở thành anh chị em đích thật của nhau. Và đó chính là Triều Đại Thiên Chúa.

Như thế, Triều Đại Thiên Chúa cũng đang ở giữa chúng ta, ở đây và lúc này, vì Đức Ki-tô cũng đang hiện diện, ban lời hằng sống nuôi dưỡng và tái sinh chúng ta.

3. Ngày của Con Người

Tuy nhiên, về Ngày của Con Người, theo Đức Giê-su, đó sẽ là biến cố cả thể:

Vì ánh chớp chói lòa chiếu sáng từ phương trời này đế phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người.(c. 24)

Như thế, Ngày của Con Người có tầm mức sáng tạo, và sẽ là sáng tạo mới. Tuy nhiên, con đường dẫn đến sáng tạo mới, lại là con đường của Thập Giá, nghĩa là con đường của thân phận con người, một thân phận bi đát nhất, như chính Đức Giê-su loan báo:

Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ. (c. 25)

Có thể nói, cách đến của Triều Đại Thiên Chúa và của Con Người, là cách của các “dụ ngôn”; vì:

– Đó là con đường của những thực tại sáng tạo: của hại lúa mì, của hạt cải, của nắm men…

– Đó là con đường của sự sống: phải cho đi sự sống của mình, để sự sống mới phát sinh, như thánh Giuse, như Đức Maria và như mọi người mẹ; để phục vụ sự sống, phải cho đi sự sống.

– Và đó là con đường của chính thân phận phải chết của con người.

Nhưng chính ngang qua con đường của các dụ ngôn mà những điều lạ lùng và kì diệu sẽ diễn ra, và những điều lạ lùng và kì diệu đã loan báo mầu nhiệm Vượt Qua rồi: Thiên Chúa có thể làm phát sinh sự sống từ sự chết, từ nơi ngõ cụt, bế tắc, từ những điều không thể; như lời Thánh Vịnh đã nói:

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.
(Tv 77, 20)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận