Thứ bảy tuần 33 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/11/2016 01:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ bảy tuần 33 thường niên.

"Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống".

 

Lời Chúa: Lc 20, 27-40

Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"

Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".

Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.

 

 

 

Suy Niệm 1: Có sự sống lại

Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.

Ðó cũng là sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi. Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.

Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin vào sự sống lại và kiên trì hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chân lý của đời sống đức tin

Vào cuối kinh Tin Kính, những đồ đệ của Chúa Giêsu tuyên xưng: "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen". Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin và có thể có trường hợp xảy ra như đã xảy ra vào thời Chúa Giêsu, và cả những kẻ có niềm tin cũng bị vấp phạm không tin vào sự thật này nữa bởi vì nó không thể nào giải thích cặn kẽ được. Bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên, con người có thể chất vấn Thiên Chúa như những người Sađốc ngày xưa đã chất vấn Chúa Giêsu.

Có thể nói chúng ta cám ơn những người Sađốc vì nhờ vào vấn nạn của họ, mà chúng ta có được lời xác định rõ ràng của Chúa Giêsu về sự sống lại. Những người theo phái Sađốc là những kẻ thuộc hàng quí tộc và tư tế. Danh gọi Sađốc phát sinh từ tên riêng của vị thượng tế trong đền thờ thời vua Salômôn. Bộ luật duy nhất mà những người thuộc phái Sađốc chấp nhận là bộ Tora của Môisen, được ghi lại trong năm cuốn sách đầu tiên của Kinh Thánh mà thôi. Trong bộ Ngũ Thư thời Môisen, sự thật về sự sống lại và về sự sống đời đời chưa được mạc khải rõ ràng. Mãi về sau, tức là vào thời của Maccabê và tiên tri Daniel, tức khoảng thứ kỷ thứ 2 trước Chúa giáng sinh, thì sự thật về sự sống lại mới được quả quyết rõ ràng. Một đàng thì chưa được mạc khải rõ ràng, và đàng khác lại có luật nối dòng của Môisen cho trường hợp cưới vợ của anh khi anh mình chết đi mà không có con, nên chúng ta không lạ gì khi thấy các nhà thông luật, trưởng giả và tư tế không tin có sự sống lại, đã dùng luật Môisen chống lại sự sống lại. Trong dòng lịch sử cũng không thiếu những người chối bỏ chân lý về sự sống lại. Vào thời đại của chúng ta hiện nay cũng vậy, cũng có những triết gia và đôi khi tệ hơn nữa, những thần học gia lại tuyên bố không tin hay ít ra là nghi ngờ sự thật về sự sống lại.

Trên bình diện này, mọi lý luận chỉ dựa trên công sức trí khôn con người, thì không thể nào dẫn dắt đến sự nhìn nhận niềm tin vào sự sống lại. Chúa Giêsu đã quả quyết mạnh mẽ về sự thật có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích cho biết sự việc sẽ xảy ra như thế nào và cũng không nói về thời gian khi nào sẽ xảy ra biến cố sống lại. Có thể là hai câu hỏi: như thế nào và vào lúc nào, là hai điều không quan trọng cho ơn cứu rỗi, nên Chúa Giêsu đã không giải thích, không mạc khải gì thêm. Không phải chỉ có lời quả quyết suông của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng chúng ta còn có sự kiện cụ thể khác nữa, đó là chính sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô Phúc sinh là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về cái chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.

Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong niềm tin này.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Kiếm cớ gây chuyện

Đức Giêsu đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại.” (Lc. 20, 34-36)

Những thượng tế, luật sĩ và các thủ lãnh dân chúng tìm cách tiêu diệt Đức Giêsu. Trước tiên, họ phải làm Người mất tín nhiệm trước mặt dân chúng. Vì Đức Giêsu hay dậy dỗ trong đền thờ, đây là dịp thuận tiện để họ đặt hàng chuỗi câu hỏi nóng bỏng để Người trả lời đưa đến chỗ gây chia rẽ thính giả và làm Người mất tín nhiệm.

Câu hỏi cạm bẫy

Phái Sa-đu-sê đại diện giai cấp quý tộc và chính trị, họ xa cách dân chúng và chỉ dựa vào Ngũ kinh. Họ không tin sự sống lại do sách Đa-ni-en đề xướng ra. Cuộc tranh luận về vấn đề này khá gay gắt. Ba mươi năm sau Đức Giêsu, thánh Phao-lô đã dùng vấn đề sống lại làm tấm bình phong gây hỏa mù giữa biệt phái và Sa-đu-sê.

Đức Giêsu dạy về nước trời và sự khẩn thiết phải ăn năn trở về để được sống đời đời. Giáo huấn này mất giá trị nếu người ta chết là hết. Sa-đu-sê đặt vấn nạn có ý chế nhạo kẻ tin vào sự sống lại và họ hy vọng đánh bại giáo huấn của Đức Giêsu.

Đó chỉ là trái pháo tịt ngòi

Đức Giêsu luôn luôn từ chối lối trả lời theo khôn ngoan thế gian, nhưng Người đứng trên bình diện khác để trả lời. Câu chuyện của Sa-đu-sê đặt ra là giả tưởng, không có thật. Sự sống đời sau khi sống lại không như nhiều người Do thái tưởng là sự nối tiếp sự sống đời này. Nhưng, “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ gả chồng, quả thật họ không thể chết nữa, vì họ được giống như thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa”.

Đức Giêsu còn trưng dẫn sách Ngũ kinh như ông Mô-sê đã gọi: “Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-sa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp, Ngài không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống”. Thiên Chúa là sự sống, Ngài ban và duy trì sự sống, ngay cả sau khi chết.

Kết luận thật rõ ràng để xác nhận có sự sống lại, vì ngay từ đầu cuộc sống công khai, Đức Giêsu đã lập đi lập lại: “Hãy trở về với Thiên Chúa và hãy ăn năn sám hối để Ngài ban cho anh em sự sống đời đời”.

RC
 

SUY NIỆM:

Trong tháng cầu nguyện cho các linh hồn, thật là an ủi cho chúng ta, khi Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay:

Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống. (c. 38)

Xin cho lời này của Đức Giê-su cũng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại; và ước gì niềm tin này đem lại ý nghĩa và hướng đi cho chúng ta trong cuộc đời chóng qua này, nhất là trong tương quan của chúng ta đối với những gì thuộc về đời này.

Và xin cho các linh hồn, nhất là linh hồn của những người thân yêu của chúng ta được Chúa thứ tha, thương xót và cho sống lại để cùng nhau xum họp và mãi mãi thuộc về Chúa, là Đấng hằng sống.

 1. Cầu nguyện cho các linh hồn và sự sống lại

Chúng ta đang ở vào tuần đầu tiên của tháng cầu cho các linh hồn đã qua đời. Vì thế, thật là ý nghĩa, khi Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta vào sự sống lại. Bởi lẽ, chính vì niềm tin vào sự sống lại mà chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời. Như chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin Kính: « Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau ».

Và tất cả chúng ta những người đang có mặt trong Thánh Lễ này, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng sẽ lần lượt qua đi với niềm hi vọng được sống lại với Chúa và với nhau. Vì thế, ngay hôm nay, khi chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta được mời gọi hướng về sự sống lại của chúng ta rồi, đã sống cho sự sống lại của chúng ta rồi, ngay khi còn đang sống trong cuộc đời chóng qua này.

Tuy nhiên, cũng giống như những người thuộc nhóm Xa-đốc, không tin có sự sống lại, chúng ta cũng có những câu hỏi, những vấn nạn, những thắc mắc nan giải về sự sống lại, khiến cho niềm tin của chúng ta bị lung lay.

 2. Niềm hi vọng sống lại

Chắc chắn, mãi mãi chúng ta sẽ không hiểu hết được về sự sống lại, bởi vì đó là quyền năng sáng tạo và tái sáng tạo thuộc về kế hoạch cứu độ của riêng một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cứ tin, bởi vì tin thì không cần phải biết hết. Và thật bi đát cho loài người chúng ta, khi sống cuộc đời chóng qua này mà không có niềm hi vọng sống mãi.

Thật vậy, chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa hằng sống, nên chúng ta tự trong cõi lòng, dù ý thức hay không ý thức, luôn khao khát được hằng sống. Và thật là bất hạnh cho chúng ta, khi khao khát mà không được ban tặng, không được làm cho no thỏa. Và Đức Giê-su, phát xuất từ Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Ngài đến để xác chuẩn cho chúng ta về lời đáp của Thiên Chúa, là sẽ ban tặng sự sống đời đời của Thiên Chúa cho chúng ta : « Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống » (Ga 11, 25). Và đó là lí do, chúng ta luôn cầu nguyện cho các linh hồn ; và chính chúng ta một ngày nào đó, cũng sẽ được cầu nguyện như thế.

Hơn nữa, loài người chúng ta luôn khao khát sự sống đời đời, nhất là khi thương yêu nhau: khi thương yêu nhau, chúng ta luôn ước ao thương yêu nhau mãi, và để thương yêu nhau mãi, thì phải sống mãi. Bởi vì tình thương phát xuất từ Thiên Chúa hằng sống và hướng về Thiên Chúa hằng sống. Tình thương tự bản chất hướng về vô biên và sẽ tồn tại mãi mãi, như Thánh Phaolo nói: « Lòng mến không bao giờ mất được » (1Cor 13, 8). Bởi vì Thiên Chúa là lòng mến, là tình thương.

Ngoài ra, niềm tin vào Thiên Chúa hằng sống và ơn huệ sống lại, sẽ làm cho chúng ta được bình an và tự do đối với sự sống này và những gì thuộc về sự sống này, đó là của cải, tiện nghi vật chất, sức khỏe, vẻ bề ngoài, thành công, danh vọng. Niềm tin vào sự sống lại giúp chúng ta tương đối hóa những điều này và không biến những điều này thành cùng đích, thành chủ nhân, thành ngẫu tượng. Như bài đọc 1, trích sách Ma-ca-bê, quyển thứ hai, kể lại cho chúng ta: bảy anh em và cả người mẹ nữa, sằn sàng chịu chết, nghĩa là từ bỏ hết tất cả, kể cả mạng sống mình, chứ không vi phạm luật của Chúa truyền, vì tin vào tình thương của Chúa và ơn huệ Chúa sẽ ban tặng là sự sống lại.

Cuối cùng, cuộc đời này có rất nhiều người bất hạnh do số phận, sinh ra đã bệnh tật hay tật nguyền, hay bất hạnh do thiên tai, như ở miền Trung trong những ngày này, có những em bé bị giết hại khi chưa được sinh ra, có những con người hi sinh đời mình để sống cho Chúa và cho người khác, trong đời tu cũng như trong đời sống gia đình. Vì thế, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, Chúa sẽ an ủi mãi mãi những người này một cách quảng đại và nhưng không.

 3. « Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết »

Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng, để lắng nghe và cố gắng hiểu câu trà lời của chính Đức Giê-su về sự sống lại. Chắc hẳn, chúng ta cũng có những thắc mắc liên quan đến sự sống đời sau và sự sống lại, tương tự như những người thuộc nhóm Xa-đốc. Tuy nhiên trong đức tin, chúng ta được mời gọi vượt qua lòng ham muốn biết tất cả, để nói như thánh I-nhã qua miệng cha Karl Rahner: « Hãy thả mình vào trong cung lòng của Thiên Chúa » một cách vô điều kiện. Và đó chính là lời gọi mà chúng ta có thể nghe ra được trong câu trả lời của Đức Giê-su.

Theo Đức Giê-su, niềm tin phục sinh của chúng ta được đặt nền tảng tận cùng ở trên chính bản tính của Thiên Chúa, đó là bản tính hằng sống; và vì Ngài là hằng sống, nên Ngài tình yêu của Ngài cũng sẽ là muôn đời, là mãi mãi; như Tv 136 tuyên xưng:

Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Thế mà Thiên Chúa là tình yêu, nên tình yêu của Chúa không thể là vắn vỏi, không thể là chóng qua. Do đó, chúng ta tin mạnh mẽ rằng, chính tình yêu muôn đời của Thiên Chúa hằng sống làm cho chúng ta được sống lại và sống mãi, cho dù chúng ta có phải chết. Bởi vì, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, đang yêu thương chúng ta và sẽ yêu thương mãi mãi. Như chính Đức Giê-su nói một cách rất mạnh mẽ và thuyết phục về sự sống lại: « Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng Người là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống ».

*  *  *

Trong Thánh Lễ, sau khi truyền phép, chúng ta tuyên xưng: « Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến ». Ước gì mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô chết và phục sinh trở thành lẽ sống và niềm hi vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời này.

 

 Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận