Thứ sáu tuần 24 thường niên

Đăng lúc: Thứ sáu - 16/09/2016 02:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ sáu tuần 24 thường niên – Thánh Cornêliô, giáo hoàng, và thánh Cyprianô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.

“Có mấy phụ nữ đi với Người và họ đã lấy của cải mình mà giúp Người”.

 

* Thánh Conêliô làm giám mục giáo phận Rôma năm 251. Người đã chống lại giáo phái Novaxianô. Chưa được bao lâu, người bị hoàng đế Ganlô bắt đi đầy ở Xivitavéckia và đã qua đời ở đây (253). Người đã được thánh Síprianô kính trọng và quý mến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ IV, Hội Thánh Rôma đã mừng lễ thánh Conêliô trong chính hang mộ của người vào ngày lễ thánh Síprianô.

Thánh Xíprianô sinh tại Cácthagô quãng năm 210, trong một gia đình ngoại giáo. Người lãnh nhận đức tin, làm linh mục, rồi làm giám mục năm 249. Trong cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Valêrianô, người bị lưu đày, rồi ngày14 tháng 9 năm 258, người chịu chết để làm chứng cho Chúa Kitô. Các thư từ và các tác phẩm của người viết ra cho thấy người có tâm hồn của một vị mục tử đích thực, luôn đứng ở chỗ nguy hiểm nhất để nâng đỡ các anh em đang phải chịu bách hại và để duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Trong mọi việc, người lo nêu gương sáng về lòng trung thành với Chúa Giêsu Kitô.

 

Lời Chúa: Lc 8, 1-3

Khi ấy, Chúa rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: là bà Maria cũng gọi là Mađalêna, người đã được trừ khỏi bảy quỷ ám, bà Gioanna vợ của Chusa, viên quản lý của Hêrôđê, bà Susanna và nhiều bà khác; những bà này đã lấy của cải mình mà giúp Người.

 

 

SUY NIỆM 1: Sự Bình Ðẳng Của Phụ Nữ

Vào thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế với phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, người phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới. Thời Chúa Giêsu, dĩ nhiên cách đối xử với nữ giới còn tệ hơn. Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài.

Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cách đối xử của Chúa đối với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến có người đã từng bị quỉ ám, bởi vì họ là đối tượng của những sức mạnh huyền bí gây xáo trộn trong cuộc sống và chức năng của họ: không những họ phải mang nặng đẻ đau mà còn bị nguyền rủa khi son sẻ. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.

Ðể nói sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của Nhóm Mười Hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai chứng tỏ rằng trong Giáo Hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông Ðồ trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin Mừng, đây là thể hiện cao độ nhất của sự bình đẳng của nữ giới.

Chúa Giêsu đã đến để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài tái lập con người trong tước phẩm cao trọng của con cái Chúa. Chính tước phẩm ấy là nền tảng sự bình đẳng của con người: nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, tất cả đều có một phẩm giá cao trọng như nhau. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy trong thư Galata: "Không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, bởi vì tất cả là một trong Chúa Giêsu Kitô".

Chúa Giêsu đã khẳng định sự bình đẳng của nữ giới không bằng tuyên bố suông, Ngài đã chứng minh điều đó khi để cho các phụ nữ gia nhập vào nhóm mười hai Tông đồ của Ngài. Sự bình đẳng, hay đúng hơn, phẩm giá của con người được thể hiện trước tiên qua hành vi phục vụ: càng phục vụ, con người càng chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình. Thật ra, đây cũng chính là nghịch lý chạy xuyên suốt Tin Mừng: càng đi tìm bản thân, con người càng đánh mất bản thân; trái lại, càng quên mình phục vụ, con người càng tìm lại bản thân và chứng tỏ phẩm giá cao trọng của mình.

Xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá nơi mỗi người, nhất là biết cố gắng thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại phục vụ và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Vai Trò Của Người Phụ Nữ

Thánh nữ tiến sĩ Hội Thánh Edith Stein trước khi trở lại công giáo đã từng là một triết gia nổi tiếng. Thánh nữ đã trở lại công giáo sau khi đọc tiểu sử của thánh nữ Têrêsa Avila. Và mười hai năm sau khi chịu phép rửa đã vào tu trong dòng Kín. Không giống như thánh nữ Têrêsa, Edith Stein vốn là người đàn bà vụng về trong công việc nội trợ trong nhà dòng. Tuy nhiên, theo chứng từ của những người còn sống sót trở về từ các trại tập trung Ðức quốc xã, thánh nữ Edith Stein đã luôn giữ vững được tinh thần và là người đứng ra chăm sóc cho các thiếu nhi cùng bị giam giữ với mẹ chúng trong các trại tập trung Ðức quốc xã.

Bí quyết để thánh nữ có thể giữ vững được tinh thần và nâng đỡ những người chung quanh chính là luôn sống giây phút hiện tại và đặt cả niềm phó thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Cũng giống như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, thánh nữ Edith Stein luôn sống một cách sung mãn từng giây phút hiện tại.

Tin Mừng hôm nay nhắc tới tên của một số người phụ nữ đã được Chúa Giêsu chọn làm cộng tác viên của Ngài trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, đây không phải là một sự tình cờ hay phụ thuộc trong chương trình của Ðấng cứu thế. Tuy không được chọn làm tông đồ nhưng sự hiện diện và công việc âm thầm của những người phụ nữ này cũng quan trọng chẳng kém gì công tác tông đồ. Vai trò của họ lại càng quan trọng và nổi bật hơn nữa bởi vì trong những giây phút đau thương nhất của Chúa Giêsu họ là những người duy nhất đứng kề bên Ngài. Sự hiện diện của một số người phụ nữ trong công cuộc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu và nhất là trong những giây phút cuối đời của Ngài cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chứng tá âm thầm của cuộc sống đức tin. Chứng tá ấy nói với chúng ta rằng trong thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô dù có âm thầm và vô danh đến đâu mỗi người đều có một chỗ đứng quan trọng và không thể thay thế được.

Nguyện xin Chúa ban đức tin để chúng ta luôn biết tôn trọng phẩm giá con người, nhất là thể hiện phẩm giá của mình bằng cuộc sống quảng đại, phục vụ và yêu thương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Những người giúp vô vị lợi

Sau đó Đức Giêsu rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người có nhóm mười hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la người đã được giải thoát bảy quỷ. (Lc. 8, 1-2)Người ta nói, không tiền và không giúp đỡ, chẳng làm được gì. Ngay trong việc rao giảng Tin Mừng cũng thế. Đó là lý do chung quanh Đức Kitô để giúp việc truyền giáo, ngoài các tông đồ ra, còn có các bà tận tâm đi theo giúp đỡ, một thứ giúp đỡ vô vị lợi. Nhờ đó Chúa rảnh tay hoàn toàn hiến thân cho công việc cốt yếu nhất. Những người giúp đỡ này chính là các phụ nữ. Thánh Lu-ca hơn các Thánh viết Tin Mừng khác, nói đến vai trò các bà đóng góp vào việc chung quanh Thầy chí thánh và trong đoàn truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Lu-ca nhấn mạnh đến công việc nặng nhọc của các bà đã lấy của cải mình giúp đỡ các Ngài.Thánh Lu-ca chắc hẳn lưu tâm đến thời cựu ước và trong nhiều nền văn minh khác, phụ nữ bị coi là thứ cấm kỵ, đối tượng của sức mạnh bí ẩn, bị khuất phục dưới thảm trạng bi đát bên lề. Người phụ nữ Samaria kêu lên ngạc nhiên khi Đức Kitô dám nói chuyện với mình. Tận nền vấn đề, Đức Kitô là Người bảo vệ đầu tiên vĩ đại, là người khởi động đầu tiên thăng tiến giải phóng phụ nữ. Các thầy khác thời người đã loại bỏ phụ nữ khỏi ảnh hưởng các đồ đệ của họ và tổ chức Do-thái giáo lúc đó không chấp nhận phụ nữ tham dự cộng đồng. Chỗ đứng của phụ nữ ở giữa dân ngoại và dân Is-ra-el!

Vậy mà truyền thống kể lại những lần hiện ra đầu tiên của Đức Giêsu sống lại là hiện ra với các bà. Đức Giêsu rất tín nhiệm các bàvà các bà đã chứng tỏ lòng trung thành đặc biệt đối với Người, như: cung cấp nuôi dưỡng các Ngài suốt thời gian truyền giáo, các bà theo Chúa trên đường vác thánh giá lên đồi Can-vê, đứng dưới chân thánh giá, đi ra thăm mồ từ sáng sớm. Khi người ta nhớ đến vai trò mà Đức Giêsu đã dành cho phụ nữ, và so sánh với Giáo Hội xuyên suốt các thời đại, người ta ngạc nhiên thấy rằng vai trò của phụ nữ bị chìm vào quên lãng, khác hẳn với cách cư xử của Đức Kitô đối với phụ nữ.

GF
 

SUY NIỆM:

1. Tin Mừng Nước Thiên Chúa

Bài Tin Mừng theo thánh Luca, chúng ta vừa nghe, thật là ngắn, nhưng nói với chúng ta thật nhiều điều, và những điều này rất là sống động, sống động đến độ chúng ta có thể chiêm ngắm được.

Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. (c. 1)

Hình ảnh này chắc chắn đã trở nên rất thân quen và giàu ý nghĩa đối với chúng ta, nhất là hoàn toàn tương hợp với hình ảnh “Người Gieo Giống ra đi gieo giống”: Đức Giê-su, Ngôi Lời Thiên Chúa, ra khỏi cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa đến với thế giới loài người chúng ta để rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa là nơi chốn Thiên Chúa hiện diện và nuôi dưỡng “công dân” của Người bằng Lời và bằng chính Sự Sống của Người. Vì thế, để cho Nước Thiên Chúa trị đến, Đức Giê-su không chỉ gieo Lời Thiên Chúa, nhưng gieo luôn chính mình, như hạt lúa mì, trong cuộc Thương Khó.

Chính vì thế, hình ảnh này đã và đang làm say mê các Ki-tô hữu ở mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, và khơi dậy lòng ước ao dâng hiến để trở nên những nữ tì, những tôi tớ phục vụ cho sứ mạng “rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa”. Xin cho chúng ta thấm nhuần Tin Mừng của Đức Ki-tô, để cuộc sống và cách sống của chúng ta là một lời rao giảng và loan báo Tin Mừng trong môi trường sống của chúng ta, giống như Đức Giê-su.

2. Nhóm các phụ nữ

Và Ngài không đi một mình. Thật vậy, có Nhóm Mười Hai cùng đi với Người; như chúng ta biết, Nhóm Mười Hai được Đức Giê-su chọn trong số các môn đệ; và sau này, Ngài sẽ lập thành nhóm Bảy Mươi Hai môn đệ; và đặc biệt, có nhóm các phụ nữ, và trong bài Tin Mừng, các bà được nêu ngay sau Nhóm Mười Hai!

Chúng ta hãy dừng lại để chiêm ngắm nhóm các bà đi theo Đức Ki-tô, vì đó chính là hình ảnh mà bài Tin Mừng muốn chúng ta chú ý. Các bà được nêu đích danh, chứ không phải là một “đám đông” vô danh, không phân biệt:

Bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na…(c. 2-3)

Dĩ nhiên, bài Tin Mừng chỉ kể tượng trưng tên của ba bà; nhưng đủ để chúng ta nhận ra rằng, xuất xứ và vị trí xã hội của các bà rất khác nhau. Mỗi bà đều có một tương quan đích thân với Đức Giê-su, bởi vì tất cả đều được Ngài “trừ quỉ và chữa lành”. Trong nhóm các bà, nổi danh nhất là thánh nữ Maria Magdala (lễ nhớ ngày 27/7); bà được Đức Giê-su trừ khỏi bảy quỉ. Khỏi 7 quỉ, nghĩa là bà được Đức Giê-su chữa lành khỏi mọi mưu chước của ma quỉ; khỏi bảy 7 quỉ, còn nghĩa là khỏi hết mọi loại quỉ. Có hai hai loại quỉ:

  • Loại ma quỉ phá phách ở bên ngoài, hoặc nhập vào và làm khổ sở một người, như chúng ta thỉnh thoảng nghe kể lại. Thứ quỉ này làm cho chúng ta sợ, nhưng xét cho cùng, không nguy hiểm trên bình diện đức tin, vì chỉ làm cho chúng ta tin cậy vào Chúa nhiều hơn mà thôi.
  • Còn có một thứ ma quỉ khác, chuyên môn giả dạng thiên thần, để gợi ra ở bên trong tâm trí chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh, những cách hiểu và giải thích, những hướng đi lệch lạc, những năng động xấu, chẳng hạn vô ơn, nghi ngờ, ghen tị, ham muốn. Thứ quỉ này mới thực sự nguy hiểm, và hiện đang hoành hành mạnh mẽ trong thế giới và xã hội chúng ta đang sống, nhất là nơi giới trẻ. Và như Tin Mừng và lịch sử Giáo Hội cho thấy, chỉ có Đức Ki-tô và Tin Mừng Ngài mới có năng lực giải thoát mà thôi.

Thánh nữ Maria Magdala được Đức Giê-su trừ khỏi 7 quỉ. Ơn huệ lớn lao này giúp chúng ta hiểu được tại sao thánh nữ yêu thương và gắn bó với Đức Giê-su một cách đặc biệt và đến cùng như thế, trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất, đau thương nhất, khi mà Đức Giê-su chỉ còn là một thân xác nát tan và bất động trên Thập Giá và trong huyệt mộ (x. Ga 20, 1-2 và 11-18).

3. Đi theo Đức Ki-tô

Ơn gọi Ki-tô hữu của chúng ta cũng phải khởi đi và đặt nền tảng trên ơn chữa lành mà Đức Giê-su ban cho chúng ta một cách đích thân. Xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sâu đậm được Đức Giê-su “chữa lành và trừ quỉ”, vì đó chính là kinh nghiệm làm cho chúng ta hiểu, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi riêng, nghĩa là cách chúng ta đi theo Đức Ki-tô.

Khi đi theo Đức Ki-tô, các bà không bỏ hết mọi sự như các tông đồ, nhưng đem theo của cải để giúp Đức Giê-su và các môn đệ. Ở đây, chúng ta có thể nghiệm ra được cách Đức Giê-su tôn trọng hành trình của mỗi người, hay mỗi giới. Hành trình mà ngày nay chúng ta gọi là “ơn gọi”. Theo Đức Kitô, trở nên môn đệ của Ngài, nhưng mỗi người mỗi cách, mỗi ơn gọi mỗi khác.

*  *  *

Xin Chúa soi sáng và dẫn dắt để chúng ta khám phá ơn gọi của mình và xin Ngài củng cố niềm xác tín về ơn gọi, mà Chúa đã và đang ban cho mỗi người chúng ta. Trong thực tế, nếu chúng ta lập gia đình hay sống độc thân vì hoàn cảnh, trong cầu nguyện, nhất là trong những kì tĩnh tâm, khởi đi từ lòng ước ao đi theo Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi xin ơn bình an đón nhận hoàn cảnh sống hiện tại của mình và xác tín đó là ơn gọi đời mình.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận