Thứ bảy tuần 23 thường niên.

Đăng lúc: Thứ bảy - 10/09/2016 01:29 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ bảy tuần 23 thường niên.

“Tại sao các con gọi Thầy 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà không thi hành điều Thầy dạy bảo?”

 

Lời Chúa: Lc 6, 43-49

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu, và cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái trái vả nơi bụi gai, và người ta cũng không hái trái nho nơi cây dâu đất. Người tốt phát ra điều tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, và kẻ xấu phát ra điều xấu từ kho tàng xấu của nó, vì lòng đầy thì miệng mới nói ra. Tại sao các con gọi Thầy: 'Lạy Chúa, lạy Chúa', mà các con không thi hành điều Thầy dạy bảo? Ai đến cùng Thầy, thì nghe lời Thầy và đem ra thực hành. Thầy sẽ chỉ cho các con biết người ấy giống ai. Người ấy giống như người xây nhà: ông ta đào sâu và đặt nền móng trên đá. Khi có trận lụt, dù nước ùa vào nhà, cũng không làm cho nó lay chuyển, vì nhà đó được đặt nền trên đá. Trái lại, kẻ nghe mà không đem ra thực hành, thì giống như người xây nhà ngay trên mặt đất mà không có nền móng. Khi sóng nước ùa vào nhà, nó liền sụp đổ, và nhà đó bị hư hại nặng nề”.

 

 

Suy Niệm 1: Căn Nhà Ðức Tin

Một người giàu có nọ muốn thưởng cho người quản lý của mình. Ông cho biết ông sắp đi xa và giao cho người quản lý đứng ra xây cho một căn nhà sang trọng, với những vật liệu đắt giá và những nhân công tài giỏi nhất. Người quản lý xem đây là cơ hội để làm giàu: ông tính toán từng đồng trong việc mua sắm vật liệu cũng như chỉ mướn những thợ xoàng nhất với giá rẻ mạt. Dĩ nhiên, căn nhà cũng được hoàn thành một cách tương đối tốt đẹp.

Khi người giàu có trở về, người quản lý đem tất cả chìa khóa của căn nhà đến cho ông và báo cáo đã làm đúng như chỉ thị của ông. Ông chủ hài lòng, khen người quản lý và thưởng cho ông căn nhà đó. Trong những năm kế tiếp, khi phải chi tiền để tu sửa căn nhà, người quản lý không ngừng hối tiếc: giả như tôi biết trước, đây căn nhà ông chủ tặng cho tôi, thì tôi đã không xây cất nó một cách xoàng xĩnh như thế.

Ðức tin có thể ví như một căn nhà Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho con người. Tuy nhiên, đón nhận và xây dựng căn nhà ấy là phần của con người; căn nhà ấy có bền vững và đẹp đẽ hay không là tùy ở con người; căn nhà ấy có làm cho con người được hạnh phúc hay không là tùy ở việc xây dựng của con người. Chúa Giêsu đã nói: Ngài đến để con người được sống và sống dồi dào. Sự sống dồi dào ấy không chỉ ở đời sau; hạnh phúc thật không chỉ được hứa hẹn cho mai sau, nhưng ngay từ đời này, khi con người đón nhận và sống đức tin một cách sung mãn, con người sẽ cảm nếm được hạnh phúc. Chính Chúa Giêsu đã hứa cho các môn đệ và những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài sẽ được gấp trăm ngay từ đời này. Và nhận được gấp trăm ngay từ đời này là gì, nếu không phải là niềm vui và bình an trong tâm hồn. Niềm vui và bình an ấy, con người chỉ có được khi sống cho đến tận cùng những cam kết của niềm tin.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đặt lại câu hỏi nền tảng: Chúng ta có thực sự an vui, hạnh phúc và hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Kitô không? Niềm tin của chúng ta có được diễn tả cụ thể bằng những hành động bác ái yêu thương chưa? Những giá trị của Tin Mừng có thực sự thấm nhập vào tâm hồn và hướng dẫn cuộc sống chúng ta không?

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thách Ðố Của Người Tín Hữu

Một nhóm truyền đạo của một giáo phái đến ngay trước cửa một nhà thờ để chiêu dụ các tín đồ, họ giảng thao thao bất tuyệt về giáo lý của họ. Vị mục sư cai quản nhà thờ rất kiên nhẫn, ông đứng nghe giảng một hồi lâu rồi đưa tay ra hiệu và nói với các nhà truyền đạo:

- Thưa quí ông, tôi xin được đưa ra một đề nghị: tôi hiện đang có một ly thuốc độc, nếu các ông uống ly thuốc độc này mà vẫn còn sống thì không những tôi mà tất cả mọi người giáo dân đang có mặt ở đây cũng sẽ bỏ đạo của chúng tôi để gia nhập vào giáo phái của các ông; nhưng nếu các ông không uống ly thuốc độc này thì tôi chỉ có thể kết luận là các ông chỉ là những nhà truyền đạo giả hiệu của Tin mừng bởi vì các ông không tin tưởng ở Chúa là Ðấng, như các ông vừa mới loan báo, sẽ không bao giờ để các ông phải chết.

Nghe thế, các nhà truyền đạo không biết phải làm như thế nào. Họ liền kéo nhau đến một góc và bàn bạc với nhau: Chúng ta phải làm sao đây?

Cuối cùng, sau một lúc họ đã quyết định, họ trở lại trước mặt vị mục sư và nói: chúng tôi vừa nghĩ ra một kế hoạch, xin mời ông cứ uống thuốc độc, chúng tôi sẽ cầu nguyện xin Chúa cho ông sống lại.

Giữa những điều chúng ta tuyên xưng và những gì chúng ta sống; giữa những gì chúng ta rao giảng và những gì chúng ta làm chứng luôn có khoảng cách. Ðạt được thống nhất giữa lời nói và hành động, giữa tin và sống, giữa nhà thờ và cuộc sống không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày chúng ta vấp phạm đến bao nhiêu lần, mỗi ngày chúng ta chối bỏ đức tin của chúng ta biết bao nhiêu lần.

Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn nhắc nhở chúng ta điều ấy, mượn hình ảnh của cây và trái, của ngôi nhà và nền móng Ngài kêu gọi chúng ta sống điều chúng ta tin, thực hành điều chúng ta rao giảng. Thánh Giacôbê tông đồ đã diễn đạt một cách tuyệt hảo lời dạy của Chúa Giêsu khi ngài nói: "Ðức tin không có thực hành là đức tin chết". Tin mà không sống điều mình tin thì cũng chẳng khác nào không có đức tin.

Trong thông điệp Rao Giảng Tin Mừng, ban hành vào năm 1975, Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã trình bày giáo huấn của Giáo Hội về việc rao giảng Tin Mừng. Trong số 14 của thông điệp, ngài viết: "Rao giảng Tin Mừng là ân sủng và ơn gọi riêng của Giáo Hội, là bản sắc sâu xa của Giáo Hội. Giáo Hội hiện hữu là để rao giảng Tin Mừng, nghĩa là để rao truyền và giảng dạy để trở thành máng thông ân". Như vậy, mục đích của rao giảng Tin Mừng là thay đổi tấm lòng của con người, việc công bố Tin Mừng phải được thực thi trước tiên bằng chứng từ của cuộc sống. Ðức Phaolô VI khẳng định: "Con người thời đại thích nghe các chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu họ có nghe thầy dạy thì cũng bởi vì những thầy dạy này là các chứng nhân".

Chúng ta đang sống trong thời đại của bùng nổ thông tin. Con người thời đại đang choáng ngộp vì lượng thông tin, họ mệt mỏi vì những lời nói suông. Thời đại của thông tin cũng là thời của khủng hoảng về lời nói, đây chính là thách đố của người tín hữu Kitô. Nếu cuộc sống của họ không là một thể hiện của niềm tin của họ, nếu cuộc sống đời thường của họ hoàn toàn cách biệt và xa lạ với những gì tuyên xưng trong nhà thờ thì cộng đồng của họ dù có được tập trung trong một nhà thờ dù nguy nga đồ sộ đến đâu cũng vẫn là một đám ma buồn tẻ hơn là một cộng đồng có sức sống.

Sống đạo và truyền đạo là một ơn và là một nghĩa vụ của người tín hữu Kitô. Chúng ta cảm tạ Chúa đã trao phó cho chúng ta một nhiệm vụ cao cả như thế.

Nguyện xin Ngài ban ơn giúp sức cho cuộc sống mỗi ngày của chúng ta trở thành lời tuyên xưng và rao giảng sống động cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Nói hay làm dở

Tại sao anh em gọi Thầy: Lạy Thầy, Lạy Chúa! mà anh không làm điều Thầy dạy?

“Ai đến với Thầy, và nghe những điều Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em người ấy ví được như ai. Người ấy được ví như một người khi xây nhà, đã cuốc đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây cững chắc. Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá hủy tan tành.” (Lc. 6, 46-49)

Những bài thuyết trình càng hay, càng đáng thở dài, hứa nhiều làm ít: Lạy Chúa, lạy Chúa, kêu dễ dàng và bao nhiêu cũng được, nhưng vào việc lại chậm trễ ươn hèn chẳng làm điều cam kết chi cả. Đức Kitô phải khó chịu khi nói ra điều này và không nhịn được nên kêu gọi người ta phải chú ý đến nó.

Nói hay làm dở, ai trong chúng ta cũng không nhiều thì ít, rất đơn giản, có đầy trong thực tế hằng ngày. Chúa đã chỉ cho chúng ta thấy rõ điều đó khi so sánh nói mà không làm giống như xây nhà trên cát không có nền chắc chắn. Mưa sa lũ lụt và bão làm nhà sụp đổ. Nói và làm, thì như người xây nhà trên đá, nước dâng lên, sóng vỗ, nhà vẫn không lay chuyển. Cũng như trồng cây trên đất tốt, sẽ gặt được mùa bội thu hoa trái tốt đẹp.

Chỉ đến nghe Đức Kitô giảng thì không đủ. Phải sống lời Chúa. Cầu nguyện nhiều không đủ, phải cải tạo cách nghĩ và cách làm. Chỉ chấp nhận những đòi hỏi vác thập giá Đức Kitô xuông chưa đủ. Phải biết kết hiệp với Người khi gặp gian nan, thử thách, gặp đau khổ, nghịch cảnh. Phải biết đón nhận những đau khổ trong mầu nhiệm sự chết để hy vọng tràn trề được sống lại vui mừng.

Chỉ nhận biết cần thiết phải hy sinh vì lý do đức tin đòi chấp nhận sự vô lý, thì không đủ, còn phải sẵn lòng hy sinh liên lỉ, dầu phải chiến đấu cam go để giải thoát những tấn công của những khuynh hứng xấu xa tàn bạo.

Chỉ kêu gào công lý và bác ái không đủ, phải chính mình đương đầu với những bất công, bất nhân, dù biết rằng mình không luôn luôn chiến thắng. Như thế, chúng ta có thể nuôi hy vọng trở nên người không nói hay, nhưng làm hay.
 

SUY NIỆM:

1. Lời của Đức Giêsu là lời khuyên?

Lời của Đức Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Luca, mà chúng ta đã nghe trong những ngày vừa qua (x. Lc 6, 20-42), thường hay được coi là những “lời khuyên” dành cho số ít người, cụ thể là những tu sĩ và linh mục. Vì vậy, đời tu cũng còn được hiểu là sống theo các lời khuyên Tin Mừng, phân biệt với giáo dân, sống theo các giới răn. Hiểu như vậy, đơn giản là vì Lời của Đức Giêsu quá đòi hỏi, quá triệt để, quá khó. Chúng ta hãy nhớ lại những gì Ngài nói trong Bài Giảng Trên Núi về sự giận ghét, về ngoại tình, về việc không chống lại kẻ dữ, và nhất là Ngài dạy phải yêu kẻ thù (x. Mt 5, 17-48).

Tuy nhiên, Đức Giêsu nói những lời này cho tất cả các môn đệ và cùng với các môn đệ cho cả đám đông! Vì thế, lời của Đức Giêsu liên quan cả đến số phận của đám đông. Lời của Đức Giê-su, long trọng kết thúc Bài Giảng mà chúng ta nghe hôm nay, cho thấy rõ điều này

Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành. (c. 49)

Như thế, xây dựng trên điều gì khác với những lời vừa được công bố, chính là tự đẩy mình vào tình huống bị “sụp đổ tan tành” khi thử thách xẩy ra. Hình ảnh ở đây là nguyên căn nhà chứ không phải cái chòi chỉ có một mình hoặc hai mình. Cái nhà là nơi ở của cả nhà, cả cộng đoàn. Chúng ta thử tưởng tượng, căn nhà chúng ta đang ở, nếu xây trên mặt đất không có nền móng vững chắc, thì cơn gió to như những ngày mưa to gió lớn vừa qua, thì điều gì sẽ xẩy ra? Và Lời Đức Giêsu được công bố nhằm tránh khỏi bị tiêu vong cho cả nhà, cả cộng đoàn, thì không thể gọi là những lời khuyên được; trái lại, đó là những điều kiện không thể không có để hoàn tất Lề Luật của Thiên Chúa[1]

 2. Nghe và thực hành Lời Đức Kitô

Như vậy, chúng ta phải nghe và sống lời Chúa, và không có con đường nào khác. Thực ra, chúng ta vẫn đang nghe và sống Lời của Đức Kitô.

Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: chúng ta cố gắng sống theo Lời Chúa, sống hoàn thiện như Cha trên trời, sống khác với người khác, nhưng chúng ta cố gắng một hồi là đuối sức, vì chúng ta rất giới hạn và yếu đuối, hơn nữa chúng ta còn bị chi phối bởi hoàn cảnh và môi trường sống nữa, bị chi phối bởi sức mạnh của ma quỉ nữa. Như vậy phải chăng là bế tắc: một đàng nghe mà không thực hành thì giống như người xây nhà trên mặt đất không nền móng, đàng khác thực hành Lời Chúa sao mà khó quá?

Nhưng chính khi chúng ta đuối sức, chúng ta giới hạn, chúng ta yếu đuối và phạm tội nữa, chúng ta lại nghiệm được Chúa yêu thương, cảm thông và bao dung chúng ta, như thánh Phao-lô nói: không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện ở nơi Đức Ki-tô. Và đây là điều lạ lùng và kì diệu: chúng ta càng nhận ra Chúa yêu thương và bao dung chúng ta, con tim của chúng ta càng được biến đổi để yêu thương và bao dung người khác, và trước hết là những người thân cận và những người thân yêu của chúng ta. Hơn nữa, Chúa dạy chúng ta yêu kẻ thù, thì chẳng lẽ Chúa không yêu chúng ta?

 3Khởi đi từ “nguồn gốc”

Trong bài Tin Mừng Đức Giê-su nói: “Lòng có đầy, thì miệng mới nói ra”. Xin cho lòng chúng ta đầy Lời Chúa, như Đức Maria Mẹ của chúng ta, vì Người hằng ghi nhớ Lời Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đó chính là cách tốt nhất để Lời Chúa không còn là nguyên tắc áp đặt từ bên ngoài và chúng ta phải ép mình tuân giữ, nhưng Lời Chúa trở lành lương thực, trở thành sự sống và sức sống nơi chúng ta.

Và Lời Chúa mời gọi chúng ta phải khởi đi từ “nguồn gốc”: nguồn gốc là ơn huệ sáng tạo, ơn huệ sự sống Chúa ban cho chúng ta không chỉ lúc khởi nguyên hay lúc khởi đầu sự sống của chúng ta, nhưng còn là ơn huệ sáng tạo và ơn huệ sự sống hôm nay (x. Tv 104), và nguồn gốc còn đặc biệt là tình yêu đến cùng Đức Giê-su dành cho từng người chúng ta, như thánh Phao-lô xác tín: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8, 38-39).

Và như Đức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: “Ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14). Và nước uống Đức Giêsu ban, chúng ta vẫn uống hằng ngày, đó là Mình và Máu Đức Kitô, để cho không còn là chúng ta sống nữa, nhưng chính Ngài sống trong chúng ta. 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

[1] Tầm mức tất yếu của những lời mà Đức Giêsu công bố trong Mt 5 còn được làm rõ bởi bối cảnh gợi nhớ bối cảnh Sinai và bởi chính những vấn đề được Đức Giêsu đề cập, đó là những vấn đề liên quan đến toàn xã hội, đến Nước Trời, đến chính sứ mạng của Ngài (x. Mt 5, 17).

Từ khóa:

môn đệ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận