Thứ bảy tuần 16 thường niên

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/07/2016 02:09 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ bảy tuần 16 thường niên – Thánh Birgitta, tu sĩ. Lễ nhớ.

"Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt".

 

* Chào đời năm 1303 tại Thuỵ Điển, Bi-ghít-ta lập gia đình với một người Kitô hữu, sinh được tám người con.

Sau khi chồng chết, bà vẫn tiếp tục cuộc sống ngoài đời, nhưng với tư cách một thành viên dòng Ba thánh Phanxicô. Thánh nữ được nhiều ơn mặc khải về cuộc thương khó của Chúa Ki-tô, và đã viết nhiều sách tường thuật lại những kinh nghiệm thần bí của mình. Thánh nữ qua đời ở Rôma năm 1373.

 

Lời Chúa: Mt 13, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu phán một dụ ngôn khác cùng dân chúng rằng: Nước trời giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo cỏ lùng vào ngay giữa lúa, rồi đi mất.

Khi lúa lớn lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lộ ra. Đầy tớ chủ nhà đến nói với ông rằng: "Thưa ông, thế ông đã không gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng từ đâu mà có?" Ông đáp: "Người thù của ta đã làm như thế". Đầy tớ nói với chủ: "Nếu ông bằng lòng, chúng tôi xin đi nhổ cỏ". Chủ nhà đáp: "Không được, kẻo khi nhổ cỏ lùng, các anh lại nhổ luôn cả lúa chăng. Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Và đến mùa, ta sẽ dặn thợ gặt: Các anh hãy nhổ cỏ lùng trước, rồi bó lại từng bó mà đốt đi, sau mới thu lúa lại chất vào lẫm cho ta".

 

 

Suy Niệm 1: Cỏ lùng và lúa

Chứng kiến những tiêu cực trong Giáo Hội xét như là một cơ cấu, nhiều người trong chúng ta dễ rơi vào cơn cám dỗ nổi loạn và tìm những giải pháp cực đoan. Chúng ta muốn rời bỏ Giáo Hội, vì chúng ta không muốn thấy những tệ đoan trong Giáo Hội. Như dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay gợi lên, chúng ta không muốn để cho cỏ lùng được mọc lên bên cạnh lúa tốt, chúng ta muốn phân cách rạch ròi người lành với kẻ dữ.

Truyện thánh Jean d'Arc vào thế kỷ 15 có thể đem lại cho chúng ta bài học thích đáng. Cảm nhận được tiếng gọi đặc biệt của Chúa, cô gái quê 13 tuổi đã đứng lên lãnh đạo quân đội Pháp chống lại cuộc xâm lăng của nước Anh. Nhưng cô bị người Anh bắt giữ và đem ra xử tử như một người lạc giáo. Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó cấu kết với thế quyền để tiêu diệt cô; họ tìm đủ cách để đe dọa và thị oai cô gái; họ buộc cô phải đặt tay trên Phúc Âm và thề rằng cô chỉ nói sự thật mà thôi. Một viên thẩm phán của tòa án tôn giáo lúc bấy giờ đặt câu hỏi: "Cô có nghĩ rằng cô đang ở trong tình trạng sạch tội không?". Cô gái trả lời: "Nếu tôi không ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa cho tôi được sạch tội; còn nếu tôi đang ở trong tình trạng ân sủng, thì xin Chúa giữ tôi luôn ở trong tình trạng ấy".

Không bắt bẻ được cô gái, các viên chức của tòa án tôn giáo gồm 1 Hồng y, 6 Giám mục, trên 30 nhà thần học, 7 bác sĩ, hàng trăm nguyên cáo cảm thấy tức tối vô cùng. Họ bảo rằng họ là Giáo Hội, còn cô chỉ là một thứ cỏ lùng. Jean d'Arc trả lời: "Ðối với tôi, ở đâu có Chúa Kitô, thì ở đó có Giáo Hội, không thể có mâu thuẫn giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài".

Tuy không chứng minh được sự lạc giáo của cô gái, tòa án tôn giáo lúc bấy giờ vẫn kết án tử hình cô và ra lệnh thiêu sống cô. Hai mươi lăm năm sau, một tòa án của Giáo Hội đã đảo lộn phán quyết của tòa án tôn giáo nói trên, và năm 1920, Jean d'Arc đã được Giáo Hội tôn phong hiển thánh và được đặt làm quan thày của Nước Pháp. Thánh nữ Jean d'Arc đã hiểu được thế nào là cỏ lùng trong cánh đồng Giáo Hội.

Giáo Hội vốn không phải là một xã hội hoàn hảo. Giáo Hội tự bản chất là thánh thiện, nhưng lại gồm những con người tội lỗi, đó là ý nghĩa của dụ ngôn mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe và suy niệm hôm nay. Chúng ta có một Giáo Hội gồm nhiều vị thánh, nhưng cũng có vô số tội nhân. Những tội nhân vẫn có thể trở thành các thánh trong giây phút, còn các vị thánh thì trở nên thánh thiện hơn; các tội nhân cần sự tha thứ của chúng ta; còn các thánh thì khơi dậy sự cảm phục và quyết tâm cải hóa của chúng ta. Người Pháp thường nói: "Ðể hiểu mọi sự, thì cần phải tha thứ mọi sự". Chúng ta luôn được mời gọi để nhìn Giáo Hội như một đoàn người đang lữ hành, trong đoàn người này, có người đang cố gắng tiến đến gần Chúa, có kẻ lại xa rời Ngài.

Làm người Kitô hữu chính là nhập cuộc vào đoàn người lữ hành ấy với cố gắng, với thiện cảm và nhất là với cảm thông. Những kẻ cuồng tín cũng giống như một vụ cháy rừng. Lửa bốc cháy và tiêu diệt cả những mầm non: lửa cần thiết cho cuộc sống, nhưng lửa cần phải được làm chủ và sử dụng vào mục đích. Yêu mến Giáo Hội là luôn thức tỉnh để nhận ra những tiêu cực và tệ đoan trong Giáo Hội. Ðó là sự thức tỉnh của thánh Phanxicô Assisiô thời Trung cổ. Thế nhưng, con đường canh tân mà thánh nhân đã chọn không phải là nổi loạn hoặc lìa bỏ Giáo Hội, mà là canh tân chính bản thân bằng cuộc sống hy sinh, từ bỏ, và nhất là cảm thông. Ðó là cách thế tốt nhất để đương đầu với cỏ lùng chen lẫn lúa tốt trong cánh đồng Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa hướng dẫn chúng ta trên đường của các thánh, đó là con đường của yêu thương, cảm thông và tha thứ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Rửa Sạch Tội Lỗi (Mt 13,24-30)

Qua Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã thực hiện tất cả những gì có thể cứu chuộc con người, nhưng ơn cứu độ đó không thể phát sinh hiệu năng, nếu mỗi chúng ta không mở lòng ra để đón nhận. Chúa Giêsu đã đến và giải thoát con người, Ngài cũng ban cho con người biết bao phương thức để con người duy trì và thăng hoa tình trạng ân sủng của mình. Vậy, tại sao tội lỗi vẫn ngập tràn? Thưa, đó là tự do của con người, chúng ta không thể trách Chúa là không cứu con người khỏi tình trạng tội lỗi, nhưng hãy tự trách mình sao không muốn đứng dậy để đưa tay cho Chúa và Chúa sẽ dẫn ta thoát ra khỏi vũng bùn đen của tội lỗi.

Thế giới quanh ta có biết bao những cơ hội, phương tiện giúp chúng ta sống và thăng tiến, nhưng nếu chúng ta không muốn thì cơ hội vẫn chỉ là cơ hội như một chuyện tình cờ, một biến cố chợt đến và chợt đi, mọi sự vẫn hoàn nguyên. Cần phải có nỗ lực của bản thân thì mới thoát khỏi những gì là xấu xa, hèn kém, khi đó mọi vật, mọi sự trên thế giới quanh ta mới phát huy tính năng của nó, để giúp ta thăng tiến bản thân cũng như cuộc sống của mình và anh chị em chung quanh. Chúng ta hãy dùng sức mạnh và tình yêu của Chúa để rửa sạch tội lỗi, sự thánh thiêng sẽ lộ rõ trên khuôn mặt tràn đầy ân sủng. Như hạt giống đức tin đã được gieo vãi trong lòng con người cứ âm thầm mọc lên, nó không thể trổ hoa và kết hạt tốt nếu chúng ta không để ý chăm sóc vun trồng.

Nhìn lại tình trạng tội lỗi của con người dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta không thể không thốt ra lời tạ ơn vì tình thương và lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đối với con người. Ngài luôn kiên nhẫn, chờ đợi và mời gọi con người hãy trở về với Ngài để sống sung mãn trong ân sủng, cho dẫu con người cứ giả điếc làm ngơ. Thiên Chúa luôn ở với con người. Tiếng gọi thì thầm của Ngài sẽ có lúc vọng lên nơi thẳm sâu tâm hồn của mỗi người, khơi dậy và làm bừng lên ngọn lửa yêu mến Ngài đã gieo trong lòng ta. Ðó là ước mơ và thao thức của Ngài. Chớ gì đừng có một ai trong chúng ta tạo ra bất cứ một ranh giới cản trở hay khó khăn nào để chôn chặt Lời Chúa. "Hãy để cho cả hai mọc lên", với sự tin tưởng và sức mạnh của Lời Chúa, chúng ta hãy để cho Lời Người thấm nhập và hoán cải tâm hồn mình và thế giới chúng ta đang sống, và đừng hỏi vì sao thế giới vẫn ngập tràn tội ác, nhưng hãy tự hỏi: Tôi có thể làm gì với những điều tôi đang có tại đây và ngay trong lúc này, để ơn cứu độ và tình thương của Chúa được lan rộng và lớn lên trong tâm hồn tôi cũng như anh chị em quanh tôi?

Lạy Chúa,

Xin cho chúng con luôn hân hoan ra đi gieo rắc Lời Chúa một cách quảng đại như Chúa đã nêu gương.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Bao giờ mới hết sự ác.

Đức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất.” (Mt. 13, 24-25)

Ông chủ và các người đầy tớ đã không cảnh giác chăng? Nhưng, ngay cả thời buổi này, ai đòi phải tính đến chuyện canh chừng cho thuở ruộng vừa mới gieo vãi chăng? Chẳng có gì để cho người ta ăn trộm cả… Khi lúa mọc lên và trổ bông thì cỏ lùng cũng xuất hiện, mọc chung, lớn lên cùng lúc với cây lúa, nhưng không làm cho lúa chết. “Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy?” Cứ sự thường người ta đều muốn phải nhổ cỏ, phải diệt cỏ xấu để bảo vệ cho lúa tốt. Nhưng ông chủ lại bảo “Đừng, sợ rằng khi nhặt cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.” Phải biết kiên nhẫn và đợi chờ…

Sự ác

Một khi điều xấu được gieo rắc rồi, thì người xấu không phải ở đó mà chờ đợi. Thực vậy, điều xấu sẽ mau chóng phổ biến. Thực vậy điều xấu sẽ chẳng giấu mặt ẩn mình, ai nấy sẽ dễ dàng nhận ra được cái xấu. Một cách nào đó, sự xấu còn dương dương tự đắc là sẽ thắng thế, nên sẽ trà trộn với cái tốt.

Còn sự thiện …

Ông chủ biết rõ rằng điều tốt ông gieo cũng sẽ lớn lên. Ông có cả một thời gian là quá trình lịch sử nhân loại để thực hiện điều này. Điều ta cần lưu ý là trong dụ ngôn, Chúa không bảo sự ác sẽ lấn lướt và thay thế cho sự thiện. Trái lại, đến ngày tận thế kẻ lành, điều tốt sẽ nắm phần chiến thắng.

Thế nhưng chẳng lễ ta sẽ phải đợi cho đến ngày tận thế, ngày chấm dứt cuộc sống này thì sự ác mới không xuất hiện, và những sự xấu xa của nhân loại mới chấm dứt chăng?

Không, thời gian này cũng chính là thời kỳ gặt lúa rồi đó. Chúng ta đang sống trong những thời điểm cuối cùng, không phải cuối cùng của trần gian, mà theo ngôn ngữ của thơ gởi tín hữu Do-thái, thì đó là thời điểm của Phục Sinh.

Nếu mỗi ngày và trải dài cuộc sống ta đều nhìn thấy sự ác, điều xấu và dễ dàng nhận ra điều tốt, điềuxấu, thì bổn phận của mỗi người chúng ta phải góp nhặt lấy cho thật nhiều điều tốt việc lành, chứ không phải là những điều xấu việc xấu. Ta đừng viện cớ mình không biết hoặc đổ lỗi cho những tập tục của xã hội hay nhún vai phân bua! tôi biết làm sao hơn? quyền chọn lựa là của ta. Ta chọn sự thiện hay sự ác, chọn làm người lành hay kẻ dữ.

J.M

Suy niệm 4: TRỞ NÊN THỬA ĐẤT NÀO CHO HẠT GIỐNG?

Đức Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy một chân lý nào đó. Tuy nhiên, dụ ngôn người gieo giống hôm nay không những được Đức Giêsu kể, mà chính Ngài còn đích thân giải thích ý nghĩa của nó. Khi giải thích dụ ngôn, Đức Giêsu nhắm vào trọng tâm các đối tượng trong việc lắng nghe Lời Chúa.

Đức Giêsu đã dùng hình ảnh các thứ đất và số phận của những hạt giống, để nói lên sứ điệp cho các môn đệ và những người nghe giảng cũng như cho mỗi chúng ta hôm nay.

Hạt giống rơi bên vệ đường, chính là ám chỉ đến những người nghe mà chẳng hiểu, hay dửng dưng với Lời Chúa, hoặc tách biệt Lời Chúa ra khỏi cuộc sống.

Hạt giống rơi vào sỏi đá là dấu hiệu của một tâm hồn nông nổi, rất vui vẻ, sẵn sàng đón nhận Lời. Nhưng không có chiều sâu nội tâm, nên khi ra khỏi nơi chốn, vị trí hay với thời gian là quên hết, họ không quan tâm lưu giữ và thực hành Lời Chúa.

Hạt rơi vào bụi gai chính là những người có quan tâm đến Lời Chúa. Nhưng họ đã để cho sự đời chèn ép, chiếm thế. Nền kinh tế thị trường đã làm cho họ không còn chú trọng đến Lời Chúa, vì Lời Chúa làm cho họ phải đi ngược dòng với con người và xã hội.

Cuối cùng là hạt rơi vào đất tốt. Ấy là những người có lựa chọn ưu tiên cho Lời Chúa chiếm vị trí quan trọng trong mọi chiều kích của cuộc đời họ. Họ để cho Lời Chúa trở thành kim chỉ nam hướng dẫn mọi hành vi, vì thế, hệ quả chính là được một vụ mùa bội thu...

Mong sao, Lời Chúa hôm nay là dịp để chúng ta xác định lại chiều kích sống đạo của mình, nhằm hiệu chỉnh trong cuộc sống. Đừng vì hình thức, vụ luật như hạt rơi bên vệ đường. Hay hời hợt, giỗng tuếch như hạt rơi vào sỏi đá. Hoặc đừng để những lợi lộc trần gian, ăn chơi trác táng mà quên phần thưởng Nước Trời như hạt rơi vào bụi gai. Nhưng hãy như thửa đất tốt để Lời Chúa trở nên phong phú và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

SUY NIỆM

Ngày ấy, vào khoảng những năm 1984-85 gì đó, đất nước còn nghèo lắm. Nhà nhà có cơm ăn đã là hạnh phúc. Ở quê, người ta sống chủ yếu bằng nghề nông, nên nhà nào cũng có đất, ít cũng vài xào để trồng lúa, hay canh tác thời vụ ngắn : khoai, sắn, bắp…, để tăng thêm lương thực cho cả nhà, còn thức ăn cũng tự trồng những loại rau : Dền, mồng tơi, rau lang, mướp, bầu bí, cây chua hay lá giang…ngoài ra, còn trồng một số cây ăn quả : chôm chôm, dừa, xoài hay mít…vv, rồi lại trồng ở vại nước cây chanh, cây đu đủ hay các loại rau thơm, gừng, riềng, lá mơ…để dùng làm gia vị cho các món ăn.

Quê tôi không có ruộng chỉ có rẫy để tỉa lúa mà thôi. Cách tỉa lúa trên đất khác với cấy lúa ở ruộng. Tôi may mắn được trải nghiệm công việc này. Nhìn có vẻ dễ nhưng lại chẳng dễ chút nào. Người ta có thể tỉa lúa bằng tay, hoặc sử dụng ống tre tàu, chọn ống tre vừa tay, cắt chừa hai mắt, một đầu đục lỗ sao cho khi cầm ống tre vẫy nhẹ nhẹ thì lúa rớt xuống vài hạt(ba bốn hạt gì đó), đầu còn lại, làm thành nắp mở ra, đóng vào. Tôi không quen cách này, vì nếu vẫy mạnh quá lúa sẽ rớt ra nhiều, bụi lúa dày quá cũng phải nhỗ bớt thì phí giống. Người chuyên tỉa lúa, họ làm rất nhanh và đều đặn. Tôi chọn cách dùng tay, cứ mỗi lỗ bỏ vài hạt. Nếu đông người làm thì cứ người cuốc lỗ người bỏ lúa. Nếu ít người thì hai người cuốc một người bỏ lúa, người còn lại đi bỏ phân rồi lấp lỗ. Lấp có thể sử dụng chân gạt đất sao cho lúa được che an toàn để khỏi bị cuốc lủi ăn hết lúa hoặc chim mổ. Cách khác là sử dụng cào đất tự làm. Cách này nhanh hơn. Phần này có thể làm ngay hoặc là sau khi tỉa lúa rồi lấp cũng được. Nghề rẫy vẫn là nghề cực nhất trên đời : Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời… Chúa Giêsu dạy chúng ta cách trồng lúa có phần khác với những gì tôi được trải nghiệm.

Trước hết, cây lúa và cỏ lùng cùng mọc lên trong ruộng. Người ta không được phép nhổ cỏ lùng đi vì sợ chạm vào cây lúa làm bong gốc rễ của cây lúa. Nên Chúa Giêsu bảo cứ để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt. Lúc này, người ta mới sai thợ nhổ cỏ lùng cột thành bó để khô và đốt làm phân, tro, còn lúa thì thu hoạch để cất vào kho lẫm. Hình ảnh rất đời thường này giúp chúng ta hiểu vấn đề cốt yếu không phải là không biết có cỏ lùng trong ruộng mà là chấp nhận nó lớn lên cùng với cây lúa, để cả hai cùng trưởng thành, cùng sinh hoa kết trái. Lúc này, người ta phân biệt dễ dàng hơn không sợ nhìn lầm, đồng thời có cơ hội diệt cỏ tận gốc. Cũng theo lời của Chúa Giêsu : Cây nào quả nấy.

Nước Trời cũng được ví như thế. Thiết nghĩ, Chúa Giêsu dùng hình ảnh này để người ta dễ hiểu và cũng dễ khép góc phạm vi sứ điệp của Ngài. Nước trời là tổng thể con cái Thiên Chúa ở khắp nơi. Ai nấy đều có cơ hội phát triển và hoàn thiện. Nhưng kết quả là rất khác, do sự chọn lựa, cách nhìn và lối sống khác nhau. Khả năng mỗi người khác nhau, nhưng lúa thì phải sinh ra lúa không thể là cỏ lùng. Khi còn nhỏ cây lúa rất yếu vì chưa hoàn thiện bộ rễ. Nên khi nhổ cỏ không khéo sẽ bong rễ lúa. Nhưng cỏ lùng là thực vật dễ thích nghi nên nó rất khoẻ dù thời tiết hay đất như thế nào nó vẫn có thể tồn tại. Chính vì thế, sự khác biệt này cần đi sâu hơn vào tâm hồn của mỗi chúng ta. Chúng ta nhận ra chúng ta là bình sành dễ vỡ, là cây lúa dễ bong gốc. Chúng ta cần được quan tâm chăm sóc đúng mực bằng Lời Chúa, bằng Thánh Thể và các Bí Tích. Chúng ta không thể ỷ lại mà hãy tin tưởng, hãy cậy trông nơi Chúa để Người giúp chúng ta tăng triển mạnh mẽ hơn trong Nước Người.

Nước trời cũng áp dụng cho cộng đoàn giáo xứ, giáo họ, giáo khu, đoàn thể công giáo và các tổ chức thiện nguyện, ngay cả dòng tu, chủng viện. Mục đích, ý hướng là đúng đắn, nhưng cách thức tổ chức, phương thế hoạt động, nhất là con người luôn có sự khác biệt, khó hiệp nhất, nên thường sinh ta bất đồng, ghen tương, đố kỵ và mất căn tính công giáo của mình. Mất nền tảng cần thiết này, chúng ta cũng dễ mất đi luôn điều thiết yếu nhất của bản thân là chính Chúa. Lúc đó, các sinh hoạt tôn giáo và tổ chức thiện nguyện không còn vinh danh Chúa mà phô trương công đức trước mặt người đời.

Chúng ta nhận ra điều gì qua bài Tin Mừng hôm nay


Lm. Vinhsơn Kiều Duy Tân

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận