Thứ năm tuần 16 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 21/07/2016 01:52 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ năm tuần 16 thường niên.

"Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết".

 

Lời Chúa: Mt 13, 10-17

Khi ấy, các môn đệ đến gần thưa Chúa Giêsu rằng: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?" Người đáp lại: "Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai, và nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành". "Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe".

 

 

 

 

Suy Niệm 1: Tại Sao Dùng Dụ Ngôn

Kitô giáo là đạo từ trời xuống, vì những giáo lý và niềm tin Kitô do chính Thiên Chúa truyền xuống. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa chính là mạc khải về Thiên Chúa cho con người.

Trong lời rao giảng của Ngài, Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để nói về Nước Trời, một thực tại không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này, hay nói như thánh Phaolô, đó là thực tại mà mắt con người chưa từng thấy, tai chưa từng nghe, lòng người chưa từng cảm nghiệm được. Thực tại ấy không thể thu hẹp trong một vài câu định nghĩa, mà phải diễn tả bằng dụ ngôn, vì cách diễn tả này không giới hạn, nhưng tạo thuận lợi cho việc tìm hiểu sâu xa hơn.

Dụ ngôn là một thứ ngôn ngữ nói với những người trong cuộc, những người sống trong tình thân với nhau. Ðể hiểu được dụ ngôn, cần phải có hai đức tính quan trọng, đó là tâm hồn rộng mở và ước muốn tìm hiểu. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Về phần các con đã được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không". Nói khác đi, các môn đệ đã được chấp nhận vào cộng đoàn của những kẻ tin vào Chúa Giêsu, vì thế, các ông có thể hiểu rõ những mầu nhiệm. Còn những kẻ ở bên ngoài, nhất là những kẻ ở bên ngoài vì kiêu hãnh, vì khép kín, vì định kiến, như các Luật sĩ và Biệt phái, thì khi nhìn vào các mầu nhiệm họ chỉ thấy bí ẩn và khó hiểu. Chính cách trả lời của Chúa là tiêu chuẩn để biết được ai là người thuộc về Chúa và ai là người ngoài cuộc: "Nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe. Còn các con, mắt các con thật có phúc vì được thấy, tai các con có phúc vì được nghe".

Ước gì chúng ta được vào số những người mà Chúa Giêsu cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Cứng Đầu

Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìm mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu.” (Mt. 13, 11-13)

Nếu những người Pha-ri-sêu không hiểu biết gì (về mầu nhiệm Nước Trời) thì không phải lỗi tại Thiên Chúa, hay tại Đức Kitô. Chính họ không muốn hiểu, không muốn thấy. Chính họ không không ưa Đức Kitô, cũng chẳng thích giáo huấn của Người. Sự “họ không muốn” ấy là điều rất quan trọng, bởi đó là vấn đề con người hoàn toàn tự do đối với Thiên Chúa, vấn đề mà chúng ta đều có kinh nghiệm.

Luôn luôn vịn cớ.

Đây là một sự kiện: Khi ta nhất định cóthái độ cố chấp người khác có thể nói hoài, cũng chẳng làm thay đổi được quyết định của ta. Dù trong trường hợp bình thường hoặc trong những lúc quan trọng của đời sống, ta cởi mở khá được bao lâu để thực sự lắng nghe người khác. Nhất là khi người khác ấy là người yêu thương ta. Nhưng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì, chẳng nghe được gì, bởi lẽ ta dã để cho dục vọng làm mù quáng, tiếng mời gọi xôn xao của cám dỗ lấn át, bất kể cám dỗ nào, vì cám dỗ thì vô vàn vô số…

Ta hãy thành thực với chính mình! Biết bao lần ta đã có thể trở thành kẻ mù lòa, điếc lác, bởi vì dục vọng và cám dỗ đã điều đình với ta, đã thỏa mãn cái tôi của ta. Sau đó, ta sẽ chẳng bao giờ tố cáo mình, vì đã không cố gắng lắng nghe (người ta). Ta đổ cho người khác đã gây lên thất bại cho ta. Hoặc giả nếu ai ngăn cản ta làm những chuyện điên rồ, thì ta nổi khùng la ó là bất công.

Còn Chúa thì …

Vì những người Pha-ri-sêu không khá hơn ta, họ đã làm y hệt như ta, họ đã không muốn nghe lời Đức Kitô, vì lời Người không làm cho hứng thú. Không phải Thiên Chúa không chịu cho họ yêu mến, hiểu biết Lời Người, mà chính họ từ chối đó thôi.

Phần chúng ta cũng vậy. Kìa Chúa đã dùng miệng ngôn sứ I-sai-a mà phán:

“Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn cũng chẳng thấy.

Vì lòng dân này đã ra đần độn…”

Thiên Chúa không có dính líu gì trong chuyện này, mà bởi chúng ta không muốn mà thôi.

Chúng ta đã tố cáo Chúa đã ban bố mười điều răn để đè nén tự do của ta. Nhưng vì lạm dụng tự do mà ta phải chuốc lấy tai họa, thì ta cũng lại tố cáo Người đã đổ những tai họa lên đầu ta, mà không nghĩ rằng chính ta đã tự gây nên cho mình, chứ đâu phải Chúa.

Suy niệm 3: XIN ĐƯỢC BIẾN ĐỔI

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe xem ra có vẻ khó hiểu. Vì khó hiểu,  nên các môn đệ đã hỏi Đức Giêsu: "Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?".  Sự khó chịu và thắc mắc này đã được chính Đức Giêsu trả lời cho các ông biết nguyên do:

Nghe mà không chú ý, suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối, sửa sai, thì cũng như người có tai mà không nghe.

Thật vậy, có nhiều người miệng thì đọc “lỗi tại tôi mọi đàng”, nhưng tay thì lại “đấm ngực người khác”.Những người như thế thì chẳng khác gì: “Vịt nghe sấm”; hay “nước đổ lá khoai”, nên có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, trố mắt nhìn cũng chẳng thấy. Họ là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Lời Chúa đến rồi lại đi như “khách bộ qua đường”,  không để lại nơi tâm hồn họ điều gì cả, nên họ đâu có thấy điều gì sai lỗi mà phải sửa! Vì thế, chúng ta không lạ gì vẫn còn đó những người: “Bên ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao”.

Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế, hẳn không bao giờ và không thể nhận ra Lời Chúa như là vị mật ngọt ngào hay như dòng suối mát cho tâm hồn. Ngược lại, họ coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa, khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận, chỉ “vì lòng dân này đã ra chai đá”, nên không còn có chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.

Khi nói như thế, Đức Giêsu muốn mặc khải rằng: Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến. Vì họ là những người bé mọn, đơn thành nên đã có thì lại được đầy dư. Còn kẻ không có nghĩa là không tin như Kinh sư và Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm đều trở nên vô ích.

Với nhiều người ngày nay, có lẽ đức tin không đến nỗi quá cứng lòng như những Kinh sư và Pharisêu! Nhưng con người đang rơi vào tình trạng thờ ơ, dửng dưng, vô cảm với chính Lời Chúa và những nghĩa vụ liên quan đến đức ái qua anh chị em đồng loại. Đây có lẽ là điều nguy hiểm không nhỏ đến ơn cứu độ, bởi vì có thể nói: đây là căn bệnh “ung thư” thời đại mới nơi tâm hồn rất nhiều người.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con được trở nên đơn sơ, bé nhỏ để đáng được hiểu Lời Chúa mặc khải cho chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến Lời Chúa và mau mắn thi hành để đáng được hưởng ơn cứu độ. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển
 

Suy niệm: 

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đoạn Tin Mừng gây không ít thắc mắc cho người đọc vì nó khiến chúng ta nghĩ rằng Chúa Giêsu cố ý dùng dụ ngôn khó hiểu để người ta không hiểu được và không được cứu rỗi.

Thực ra ở đây Chúa Giêsu trích một câu của ngôn sứ Isaia. Mà Isaia nói đến một thực tế (chứ không phải ý muốn của Thiên Chúa) là sự cứng lòng của dân, đến nỗi dù họ có tai có mắt mà cũng như điếc như mù, cho họ nghe và xem cái gì cũng vô ích. Một số người thời Chúa Giêsu cũng thế.

Bởi vậy, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta: “Ai có tai thì nghe”, nghĩa là ai cũng có khả năng hiểu dụ ngôn (ai cũng có tai), nhưng điều quan trọng là dùng khả năng đó để thực hiện những điều mình đã nghe. Càng thực hiện thì càng hiểu Nước Trời hơn, càng sống lời Chúa thì càng hiểu Lời Chúa hơn.

B- Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì”: rất nhiều lần tôi nghe Lời Chúa nhưng cũng như vịt nghe sấm. Lời Chúa được ban dư tràn cho tôi nhưng chẳng khác gì nước đổ lá môn. Tại vì tôi nghe mà không chú ý, không suy gẫm, không có thiện chí tìm lương thực thiêng liêng cho mình.

2. “Vì lòng dân này đã ra chai đá”: muốn nghe Lời Chúa cho có hiệu quả thì phải nghe bằng tấm lòng, như đứa con nghe tiếng của cha mẹ, như những người yêu nhau lắng nghe tiếng của nhau.

3. Có 3 cách đọc Lời Chúa:

  • Coi Lời Chúa như dầu gió: Khi bạn nhức đầu nóng lạnh, bạn xức dầu vì biết nó tốt cho sức khoẻ của bạn.

  • Coi Lời Chúa như chiếc bánh bông lan: tuy khô khan khó nuốt nhưng cũng ngon và bổ.

  • Coi Lời Chúa như quả đào, vừa mát vừa ngọt vừa bổ dưỡng. (Góp nhặt)

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

 

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Thánh Thể Chúa là nguồn sức mạnh nâng đỡ tâm hồn chúng con. Qua bí tích Thánh Thể chúng con được sống bằng sức sống của Chúa. Chúa đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa ở lại để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết sống xứng đáng với ơn trời cao cả mà Chúa đã dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã chúc phúc cho những ai nghe và thực hành lời Chúa. Chúa còn nhận những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa vào gia đình của Chúa. Ước gì chúng con được vào số những người được Chúa chúc phúc. Ước gì chúng con luôn là thành viên của gia đình Chúa để được Chúa yêu thương, chăm sóc và ủi an. Xin giúp chúng con luôn mặc lấy tâm tình đơn sơ ngoan hiền để dễ dàng đón nhận lời giáo huấn của Chúa. Xin dạy bảo chúng con những lời cao quý để chúng con luôn đi trong đường ngay nẻo chính.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được lắng nghe tiếng Chúa trong từng biến cố vui buồn của cuộc đời. Xin giúp chúng con biết phó thác đời mình trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận