Thứ ba tuần 17 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 28/07/2015 01:50 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ ba tuần 17 thường niên.

"Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy".

 

Lời Chúa: Mt 13, 36-43

Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

 

SUY NIỆM 1: Bài học kiên nhẫn

Ngày 13/5/1917 Ðức Mẹ hiện ra với ba trẻ mục đồng tại Fatima và cho biết Nước Nga sẽ trở lại. Cũng chính năm đó, Lénine đã thực hiện cuộc cách mạng tháng mười để xóa bỏ mọi bất công của chế độ quân chủ và xây dựng thiên đàng tại thế. 80 năm trước đây, lắng nghe và tin vào những lời tiên báo của ba trẻ Fatima thật là phi lý. Nhưng thời giờ của Thiên Chúa không phải là thời giờ của con người. Lucia, một trong ba trẻ đã được diễm phúc chứng kiến sự ứng nghiệm của lời tiên báo; các bức tường đã sụp đổ, bạo động và máu nhường chỗ cho sự tha thứ, lòng nhân từ, tinh thần hòa giải.

Kiên nhẫn là một trong những bộ mặt của niềm hy vọng Kitô giáo. Con người làm lịch sử, nhưng chính Thiên Chúa mới là Ðấng hướng dẫn mọi nẻo đường về với Ngài. Ðó là bài học mà có lẽ Giáo Hội muốn nhắn gửi chúng ta qua bài Tin Mừng hôm nay.

Dụ ngôn về cỏ lùng thoạt tiên gợi lên cho chúng ta một trong những thảm kịch lớn của nhân loại. Ở thời đại nào cũng có những người muốn thanh tẩy xã hội bằng các cuộc sàng lọc không tiếc xót: từ Tần Thủy Hoàng đến Hitler, Pônpốt qua các cuộc chiến hiện nay. Khi người ta muốn loại bỏ cỏ lùng, thì người ta cũng nhổ đi cả cây lúa tốt tươi.

Qua dụ ngôn cỏ lùng, có lẽ Chúa Giêsu còn muốn nói đến một thảm kịch khác sâu sắc hơn, đó là thảm kịch của lòng người. Trong đáy thẳm tâm hồn, ai trong chúng ta cũng cảm nghiệm được sự giằng co xâu xé giữa một bên là khả năng hướng thiện và một bên là sức mạnh của tối tăm. Cỏ lùng vẫn cố gắng vươn lên trong cánh đồng tâm hồn chúng ta. Thánh Phaolô đã diễn tả chân lý ấy một cách chính xác khi Ngài nói: "Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, còn sự ác không muốn thì tôi lại làm". Sức mạnh của tội ác, của ma quỷ, của sự dữ trong tâm hồn mỗi người chúng ta là một thực tại không thể chối cãi được. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã chẳng dạy chúng ta cầu nguyện: Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ đó sao?

Cảm nghiệm sâu sắc về nỗi yếu hèn và khốn khổ của mình, con người mới cảm thấy cần cảm thông, kiên nhẫn và tha thứ cho người khác hơn. Ðó là bài học thực tiễn mà có lẽ mỗi người chúng ta cần đào sâu, đồng thời cầu xin để mỗi ngày chúng ta phát hiện ra những tia sáng tình thương của Chúa và chia sẻ tình yêu với những người xung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Kiên nhẫn chờ đợi

Sách Xuất Hành chương 33,7-11; 34,5-9 nhắc đến việc ông Môsê nói chuyện trực tiếp với Thiên Chúa như người với người, đó là mẫu gương cho việc cầu nguyện của mọi người Kitô hôm nay. Cầu nguyện là nói chuyện trực tiếp với Chúa. Chúng ta có thể xét mình xem đời sống cầu nguyện của tôi hiện nay ra sao? Cái gì giúp tôi dễ dàng cầu nguyện tiếp xúc với Thiên Chúa?

Một người Kitô mà mất liên lạc với Thiên Chúa thì giống như là sống nơi ngõ hẽm cụt, giống cùng hoàn cảnh như kẻ chối bỏ Thiên Chúa. Hơn nữa, càng cầu nguyện chúng ta càng được biến đổi, trở nên giống như Chúa, nhất là bắt chước được thái độ kiên nhẫn và nhân từ của Thiên Chúa đối với từng tật xấu của anh chị em chung quanh. Thái độ kiên nhẫn nêu gương của Thiên Chúa được Chúa Giêsu mạc khải qua dụ ngôn Cỏ Lùng trong ruộng lúa được kể lại nơi Phúc Âm thánh Mátthêu hôm nay.

Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho tới ngày cuối cùng Ngài mới ra tay phán xét phân biệt kẻ lành người dữ trong khi đó thì các tôi tớ không có đủ kiên nhẫn chờ đợi, muốn nhổ bỏ cỏ lùng ngay khi vừa phát hiện ra chúng. Phải, mỗi người chúng ta cần noi gương kiên nhẫn của Thiên Chúa và người Kitô học được sự kiên nhẫn đó nhờ qua việc cầu nguyện.

Lạy Chúa,

Chúng con chúc tụng Chúa là Thiên Chúa nhân từ và kiên nhẫn bởi vì Chúa tuy là Ðấng toàn năng nhưng lại phán xét con người một cách đại độ, nhân từ. Chúa dạy chúng con sống nhân từ, kiên nhẫn như Chúa, lúc nào cũng sẵn sàng yêu thương tha thứ những sơ sót lỗi lầm của anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa,

Xin dạy chúng con biết chấp nhận những giới hạn của chính mình cũng như của anh chị em chung quanh như chính Chúa đã chấp nhận chúng con. Xin dạy con biết dấn thân làm việc cho Chúa nhưng đồng thời biết kiên nhẫn chịu đựng chờ đợi tới ngày hạt giống Lời Chúa trổ sinh hoa trái tốt lành nơi chính chúng con và trong xã hội chung quanh.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 3: Màn chung cuộc vĩ đại

“Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cò lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các Thiên Thần. Vậy như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế thì cũng xảy ra như vậy.” (Mt. 13, 36b. 37-40)

Phúc Âm trình bày cho ta màn chung cuộc vĩ đại của Tấn Tuồng Nhân Loại. Lần cuối cùng người ta được gặp lại Con Người, các người lành và kẻ dữ. Các Thiên Thần được phái xuống ngay để thi hành lệnh chọn lựa!

Tôi mừng vì biết rằng nếu tôi thi hành đúng từng chữ một mà bài học Phúc Âm dạy tôi thì tôi chẳng phải dục lòng tin về thực tại những hình ảnh thánh sử dùng.

Lại nữa tôi không thể sử dụng Phúc Âm mà áp đặt những phạm trù của tôi để phân loại người lành kẻ dữ, làm như vậy có lẽ sẽ gây những ngạc nhiên, vả lại, nhiều nơi trong Phúc Âm, Chúa cũng lưu ý tôi về điều này:

Tôi nhớ hai điều Chúa gợi ý cho chúng ta.

Điều thứ nhất.

Chúa Giêsu nói: “Ai có tai hãy nghe!” không phải là lần đầu, Chúa nhắc nhở chúng ta điều này. Chúng ta có tai nghe để nghe, có mắt để nhìn, có trí khôn để hiểu biết! Chúa ngỏ lời với những người nghèo khó của Nước Trời. Người không để mình chìm đắm trong những suy nghĩ trừu tượng và không và không hiểu nổi. Ta không viện cớ biện minh cho sự ta không biết. Bởi lẽ, hết thảy chúng ta đều biết Chúa đòi hỏi nơi ta điều gì, chúng ta hiểu biết cả đấy. Nhưng ta cũng giống những người Do-thái xưa nói rằng: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi.” Hoặc giống như những người Co-rin-tô nói với thánh Phao-lô: “Thôi để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói”

Điều thứ hai.

Chúa Giêsu nói: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta sa ngã”. Người không sợ hãi gương xấu, không tôn trọng lề luật họ sẽ nhận ra những nỗi khủng khiếp của hành động chối từ tình yêu Thiên Chúa. Bởi vì làm gương xấu là hành động phản bội tình yêu, đi ngược với sự thật, và ai không tôn trọng luật pháp, người ấy chối bỏ những giới răn của Chúa, những giới răn của tình yêu! Một tình yêu cũng gây tổn thương như tình yêu Đức Kitô đối với ta vậy. Một tình yêu vốn tra vấn ta trong từng giây phút cuộc đời ta. Nếu yêu mến, ta không thể sống lì trong gương xấu làm cớ cho người khác sa ngã; nếu yêu mến Chúa, ta tuân giữ lệnh truyền của Chúa.
 

SUY NIỆM 4

Đức Giê-su trở nên thật gần gũi với chúng ta, khi Ngài dùng dụ ngôn mà giảng dạy; bởi vì những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể, luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn mười cô mang đèn đi đón chàng rể, dụ ngôn những yến bạc, dụ ngôn chiên và dê, dụ ngôn người cha nhân hậu, dụ ngôn nắm men và dụ ngôn hạt cải (bài Tin Mừng hôm qua, thứ hai thường niên), dụ ngôn đồng lúa có cỏ lùng, trong bài Tin Mừng hôm nay, và nhất là dụ ngôn Hạt Giống và Người Gieo Giống.

Dụ ngôn là những câu chuyện đến từ kinh nghiệm đời thường, nhưng khi được Đức Giê-su kể, lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Và chúng ta nên biết rằng kể dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu, bởi vì theo các tác giả Tin Mừng: “Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn” (Mt 13, 34 và Mc 4, 34).

*  *  *

Chúng ta đã nghe Đức Giê-su kể dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa trong bài Tin Mừng của ngày thứ bảy sau Chúa Nhật XVI thường niên (Mt 13, 24-30; năm nay ngày này trùng vào ngày lễ kính Thánh Gia-cô-bê tông đồ); và trong bài Tin Mừng hôm nay, Người giải thích dụ ngôn này cho các môn đệ. Dụ ngôn nói về thế giới chúng ta đang sống giống như cánh đồng lúa, trong đó có lúa, nhưng cũng có cỏ, cỏ ở khắp nơi; hay giống như cá ở dưới biển : có đủ thứ cá, cá tốt và cá xấu (Mt 13, 47-50).

Nghe lời giải thích của chính Đức Giê-su về dụ ngôn cỏ lùng, chúng ta cần ghi nhận rằng, chính kẻ thù đã gieo điều xấu. Điều này có nghĩa là, điều xấu không đến từ chúng ta, nhưng đến từ bên ngoài, từ Quỉ Dữ, từ Con Rắn (x. St 3). Sự thật này phải giải phóng chúng ta khỏi mặc cảm tội lỗi chết chóc, và cởi bỏ khỏi lòng chúng ta trách nhiệm hoàn toàn đối với sự dữ và tội lỗi. Sự dữ đến từ bên ngoài và mạnh hơn chúng ta ; vì thế, chúng ta là nạn nhân cần được thương cảm hơn là lên án. Nhưng nếu Sự Dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn Sự Dữ. Lịch sử cứu độ, mà điểm tới là Mầu nhiệm Vượt Qua, nói cho chúng ta chân lí này.

Dụ ngôn này nói cho chúng ta biết rằng cây lúa, nghĩa là sự thiện, vẫn được bảo vệ và gìn giữ cho đến cùng, nghĩa là cho đến mùa gặt. Vì thế, chúng ta không cần phải đối đầu với sự dữ để chống chọi với sức của chúng ta, bởi vì Đức Giê-su mời gọi chúng ta “Đừng chống lại kẻ dữ” (5, 39) ; trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã sống lời này của Ngài, và sống cho đến cùng. Hơn nữa, chúng ta đâu có chống lại được Sự Dữ (x. St 3, 1-7). Nhưng chúng ta được mời gọi nhận ra “phần đất tốt” vốn có nơi chúng ta, bởi vì, chúng ta được dựng nên bởi Ngôi Lời (x. St 1 và Ga 1, 3), theo hình ảnh của Ngôi Lời và cho Ngôi Lời, nhận ra “hạt giống” tốt lành đã được gieo, và vẫn được gieo cách quảng đại mỗi ngày, và để cho hạt giống tốt Chúa đã gieo lớn lên, có sức mạnh lấn át những điều xấu đến từ Ma Quỉ, và sinh hoa kết quả gấp trăm.

*  *  *

Sự phân loại sau cùng là điều tất yếu, vì sẽ đến lúc ánh sáng, sự sống và sự thiện sẽ phải tách rời tuyệt đối khỏi bóng tối, sự chết và sự dữ ; đó là lúc chúng ta phải trở về với Chúa hay vào ngày tận thế ; và thời điểm này có thể làm cho chúng ta sợ hãi, bởi vì chúng ta hay tự xếp bậc, xếp loại mình, hoặc xếp bậc, xếp loại nhau.

Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người… Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. (c. 41 và 43)

Chúng ta hãy để cho Chúa “xếp loại” chúng ta : chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được sinh ra và được tái sinh làm con Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Vì thế, trong Ngài, không còn lên án nữa (x. Rm 8, 1) : chúng ta là giống tốt sinh ra lúa tốt, chúng ta là “cá tốt” chứ không phải cá xấu, là chiên chứ không phải là dê (x. Mt 25) !.

Chắc chắn, chúng ta sẽ là những “người công chính” (c. 43) vào thời điểm tận cùng của cuộc sống và của thời gian, vào thởi điểm mà chỉ còn một mình Thiên Chúa mới có thể hành động mà thôi. Chúng ta là những người công chính không phải là do nỗ lực của chúng ta, vì chúng ta không thể tự tạo cho mình đức công chính của Nước Trời xuất phát từ con tim (x. Mt 7, 17-48), nhưng là đức công chính đích thực mà Đức Ki-tô chết và phục sinh ban cho chúng ta, như thánh Phao-lô nói :

Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang. (Rm 8, 30)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc


 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận