Thánh nữ Mácta.

Đăng lúc: Thứ tư - 29/07/2015 02:11 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thánh nữ Mácta. Lễ nhớ.

"Con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống".

 

* Mácta là chị của cô Maria và ông Lagiarô ở Bêtania. Trong sách Tin Mừng, thánh nữ xuất hiện ba lần: lần thứ nhất trong bữa ăn ở Bêtania, khi cùng với cô em là Maria tiếp đãi Đức Giêsu; lần thứ hai khi ông Lagiarô được Chúa cho phục sinh, lúc đó thánh nữ đã tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giêsu; và lần cuối trong bữa tiệc đãi Chúa Giêsu sáu ngày trước lễ Vượt Qua.

Trong cả ba câu chuyện, ta luôn thấy thánh nữ đóng vai trò chủ nhà.

 

Lời Chúa: Ga 11, 19-27

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy". Chúa Giêsu nói: "Em con sẽ sống lại". Martha thưa: "Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại". Chúa Giêsu nói: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?" Bà thưa: "Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian".

 

Hoặc đọc: Lc 10, 38-42

"Martha đã đón Chúa vào nhà mình, Maria đã chọn phần tốt nhất".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Martha rước Người vào nhà mình. Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. Martha bận rộn với việc thết đãi khách. Bà đứng lại thưa Người rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với". Nhưng Chúa đáp: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất, và sẽ không bị ai lấy mất".

 

SUY NIỆM 1: Chiêm Niệm Và Hoạt Ðộng

"Mácta, con lo lắng chi nhiều việc chỉ có một điều cần mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất rồi". Câu trả lời của Chúa Giêsu cho Mácta đáng cho chúng ta suy nghĩ thêm. Các nhà chú giải đề ra hai điểm:

Trước hết Chúa Giêsu không có ý định giảm giá trị của việc đón rước Chúa mà Mácta đang làm, nhưng Ngài trực tỉnh Mácta về nguy hiểm mà chị đang lao vào đó là thái độ ganh tị. Kế đến Chúa Giêsu làm nổi bật một điểm tốt mà Maria đã rút ra từ hoàn cảnh, đó là đến ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Người nói.

Việc lắng nghe có ưu tiên hơn "vì con người không chỉ sống nguyên bởi bánh mà thôi nhưng còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. Vì thế hãy tìm Nước Thiên Chúa trước, rồi mọi sự khác sẽ được ban cho dư đầy" (Mt 4,4). Tuy nhiên, Chúa Giêsu không đề ra một sự chọn lựa giữa một trong hai điều hoặc thái độ làm việc của Mácta hoặc thái độ chiêm niệm của Maria để rồi chỉ chấp nhận có một thái độ duy nhất của Maria thôi.

Không có sự đối nghịch giữa hoạt động và chiêm niệm trong đời sống của người Kitô, bởi vì cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch là Lời Chúa và cùng hướng đến một việc, một mục tiêu là phục vụ Nước Chúa. Việc lắng nghe Lời Chúa được hướng đến hành động và hành động cần được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Ðây là hai khía cạnh của mối phúc thật "lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa". Ðó là khi trả lời cho người phụ nữ trong dân chúng cất tiếng chúc tụng Mẹ Chúa cũng như khi trả lời cho những kẻ báo tin cho Chúa biết là có Mẹ và anh em Chúa đang chờ, nhưng Chúa trả lời "những kẻ nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành, kẻ đó mới là Mẹ Ta và anh em Ta" (Mt 12, 50).

Hai chị em Mácta và Maria nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô cũng như cho mọi người Kitô qua mọi thời đại về hai thái độ luôn bổ túc cho nhau. Ðể tiếp nhận Lời Chúa hiện diện nơi chính Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ cầu nguyện chiêm niệm mà thôi, cũng không phải chỉ có hoạt động vì hoạt động. Nhưng chiêm niệm và hoạt động phải là hai chiều kích luôn được kết hợp với nhau của cùng một chức vụ, đây là hai yếu tố không thể nào thiếu vắng đi được trong việc theo Chúa.

Trong những hoàn cảnh cụ thể và tùy theo hoàn cảnh ấy, người đồ đệ Chúa có thể hòa hợp việc làm một cách cụ thể giữa cầu nguyện và hoạt động theo một chương trình riêng. Nhưng thật là sai lầm nếu chúng ta muốn canh tân Giáo Hội mà không cầu nguyện, nghĩa là không lắng nghe Lời Chúa, không đối thoại với Ngài, ngõ hầu để hoạt động của chúng ta có thể trổ sinh kết quả. Người đồ đệ của Chúa cần dành thời giờ im lặng để lắng nghe Lời Chúa và đối thoại với Ngài. Trong ý nghĩa này chiêm niệm là phần tốt nhất mà Maria đã chọn, nhưng không phải tách rời ra khỏi việc làm. Ðức tin phải có sức tác động qua đức bái ái. Ðàng khác, cầu nguyện không làm cho người đồ đệ xa lạ với cuộc sống và những vấn đề của con người, nhưng ngược lại cầu nguyện làm cho người đồ đệ có thêm sức mạnh hoạt động biến đổi xã hội, ngõ hầu Thiên Chúa được tôn vinh và con người được hạnh phúc.

Lạy Chúa,

Xin giúp chúng con hiểu và thành công hòa hợp được hai yếu tố không thể tách rời của đời sống Kitô đích thực là làm việc và cầu nguyện. Ước chi việc chúng con làm đều phát xuất từ lời cầu nguyện là việc lắng nghe Lời Chúa và được nâng đỡ bởi sức mạnh của Chúa, sức mạnh trao ban trong những giây phúc chúng con trở về lắng nghe Chúa nói.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 2: Thánh Martha

“Đức Giêsu yêu quý Mácta, Maria và Lagiarô”. Câu nói độc đáo này trong Phúc Âm của Thánh Gioan cho chúng ta biết về sự tương giao đặc biệt giữa Ðức Giêsu và Mácta, người em Maria, và người anh Lagiarô của thánh nữ.

Hiển nhiên, Ðức Giêsu là người khách thường xuyên đến nhà Mácta ở Bêtania, một ngôi làng nhỏ bé cách Giêrusalem chừng hai dặm. Chúng ta thấy ba lần đến thăm của Ðức Giêsu được nhắc đến trong Phúc Âm Luca 10,38-42, Gioan 11,1-53, và Gioan 12,1-9.

Nhiều người dễ nhận ra Mácta qua câu chuyện của Thánh Luca. Khi ấy, Mácta chào đón Ðức Giêsu và các môn đệ vào nhà của mình, và ngay sau đó Mácta chuẩn bị cơm nước. Sự hiếu khách là điều rất quan trọng trong vùng Trung Ðông và Mácta là điển hình. Thử tưởng tượng xem ngài bực mình biết chừng nào khi cô em Maria không chịu lo giúp chị tiếp khách mà cứ ngồi nghe Ðức Giêsu. Thay vì nói với cô em, Mácta xin Ðức Giêsu can thiệp. Câu trả lời ôn tồn của Ðức Giêsu giúp chúng ta biết Người rất quý mến Mácta. Ðức Giêsu thấy Mácta lo lắng nhiều quá khiến cô không còn thực sự biết đến Người. Ðức Giêsu nhắc cho Mácta biết, chỉ có một điều thực sự quan trọng là lắng nghe Người. Và đó là điều Maria đã làm. Nơi Mácta, chúng ta nhận ra chính chúng ta -- thường lo lắng và bị sao nhãng bởi những gì của thế gian và quên dành thời giờ cho Ðức Giêsu. Tuy nhiên, thật an ủi khi thấy rằng Ðức Giêsu cũng yêu quý Mácta như Maria.

Lần thăm viếng thứ hai cho thấy Mácta đã thấm nhuần bài học trước. Khi ngài đang than khóc về cái chết của anh mình và nhà đang đầy khách đến chia buồn thì ngài nghe biết Ðức Giêsu đang có mặt ở trong vùng. Ngay lập tức, ngài bỏ những người khách ấy cũng như gạt đi mọi thương tiếc để chạy đến với Ðức Giêsu.

Cuộc đối thoại của ngài với Ðức Giêsu chứng tỏ đức tin và sự can đảm của ngài. Trong cuộc đối thoại, Mácta khẳng định rõ ràng là ngài tin vào quyền năng của Ðức Giêsu, tin vào sự phục sinh, và nhất là tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa. Và sau đó Ðức Giêsu đã cho Lagiarô sống lại từ cõi chết.

Hình ảnh sau cùng của Mácta trong Phúc Âm đã nói lên toàn thể con người của ngài. Lúc ấy, Ðức Giêsu trở lại Bêtania để ăn uống với các bạn thân của Người. Trong căn nhà ấy có ba người đặc biệt. Lagiarô là người mà ai cũng biết khi được sống lại. Còn Maria là người gây nên cuộc tranh luận trong bữa tiệc khi cô dùng dầu thơm đắt tiền mà xức lên chân Ðức Giêsu. Về phần Mácta, chúng ta chỉ được nghe một câu rất đơn giản: "Mácta lo hầu hạ." Ngài không nổi bật, ngài không thi hành những việc có tính cách phô trương, ngài không được hưởng phép lạ kỳ diệu. Ngài chỉ hầu hạ Ðức Giêsu.

Thánh Mácta được đặt làm quan thầy của các người hầu hạ và đầu bếp.

Lời Bàn

Các nhà chú giải Kinh Thánh nói rằng trong đoạn văn diễn tả việc Lagiarô sống lại, Thánh Gioan có ý nhắn nhủ chúng ta phải coi lời của Mácta nói với Maria (trước khi Lagiarô sống lại) như tóm lược những gì một Kitô Hữu phải vâng theo. "Thầy có mặt ở đây và đang hỏi đến em." Chúa Giêsu kêu gọi mọi người chúng ta đến sự phục sinh -- mà sự phục sinh ấy hiện có trong đức tin khi rửa tội, được chia sẻ vĩnh viễn sự chiến thắng của Người đối với sự chết. Và tất cả chúng ta, cũng như ba người bạn của Chúa Giêsu, được mời gọi kết tình bằng hữu với Chúa trong một phương cách độc đáo.

(Trích trong nguoitinhuu.com)
 

THÁNH NỮ MARTHA

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ kính thánh Martha.

Hôm nay tôi xin nói về tình thương của Chúa đối với gia đình này.

A. Sự kiện:

Chúa thương gia đình này cách đặc biệt. Tình thương của Chúa được biểu lộ ra trong những việc rất cụ thể này:

1. Đây là một gia đình mà mỗi khi Chúa có dịp lên Giêrusalem Chúa hay lui tới.

Đọc trong Tin Mừng chúng ta thấy Chúa đã tuyên bố rất rõ: "Con chim có tổ, con cáo có hang. Con người không có nơi gối đầu" (Mt 8,20). Cả cuộc đời công khai của Chúa, dường như Chúa sống ở ngoài đường hơn ở trong nhà. Việc Chúa ghé nhà nọ nhà kia quả là một việc rất họa hiếm: Thí dụ ghé nhà bà nhạc mẹ vợ ông Phêrô, ghé nhà Giakêu lùn, ghé nhà để chữa con gái ông Giairô. Khi lập Bí tích Thánh thể Chúa ghé một nhà sang trọng.

Vậy mà chúng ta thấy địa chỉ của Martha - Lazarô - Maria đã trở thành địa chỉ quen thuộc với Chúa và các Tông Đồ. Đó là một ưu ái Chúa dành cho gia đình này.

2. Chúa thương gia đình đình này cách đặc biệt bằng cách Chúa dành cho mấy chị em những tình cảm nhiều khi được bộc lộ ra cả bên ngoài....đến mức dân chúng cũng ngạc nhiên về điều đó. Thí dụ như khi nghe tin Lazarô chết, Chúa đã xúc động....Rồi khi đứng trước mộ Lazarô Chúa đã bật khóc.

3. Đặc biệt nhất là Chúa đã làm cho Lazarô sống lại từ cõi chết. Đọc lại câu chuyện này chúng ta thấy thật lạ lùng. Chính Martha và cả gia đình cũng không bao giờ dám tin vào điều đó. Vậy mà nó đã xẩy ra.

B. Lý giải: Tại sao thế?

1. Phải chăng vì gia đình này đã có đóng góp vào việc truyền giáo của Chúa?

Cắt nghĩa như thế tôi tưởng không ổn bởi vì trên con đường truyền giáo của Chúa, còn có những người đóng góp nhiều hơn. Thí dụ như trường hợp bà Chusa vợ của ông quản lý của Vua Hêrôđê. Không những Bà dâng cúng mà bà con đi theo để phục vụ Chúa nữa. Vậy mà không có chỗ nào trong Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa ghé thăm gia đình bà.

Hơn nữa lấy lý do tiền bạc ra mà đánh giá một hành động của Chúa thì quả là không đẹp tí nào. Chúa đâu cần đến mức độ như thế.

2. Hay vì Martha khéo xử. Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ?

Tôi cho là cũng không phải. Tầm cỡ như Chúa thì có thiếu gì người mời. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp của ông Giakêu... Chúa vừa mới ngỏ ý thôi là ông ấy đã cảm thấy hạnh phúc như chưa bao giờ mơ thấy. Trong bữa tiệc ông đã biểu lộ niềm vui ấy ra bên ngoài như thế nào thì mọi người chúng ta đều biết.

3. Tôi cho là hoàn toàn do lòng Chúa yêu thương. Vâng! Tất cả là vì lòng Chúa yêu thương. Bởi vì Ngài là tình yêu. Chúa yêu thương và Chúa cứu gia đình này. Tại sao tôi dám nói như thế? Có nhiều giả thuyết cho rằng: Maria em của Martha chính là Maria Madalena, người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Đàng khác chúng ta thấy cả ba chị em đều không có gia đình. Đây là một sự kiện bất thường trong xã hội Do thái lúc đó. Lý do là vì lúc đó người ta có một quan niệm rất khắt khe về vấn đề gia đình. Người con trai lớn lên thì phải lấy vợ. Người con gái lớn lên thì lấy chồng. Trai lớn, gái đến tuổi mà không có gia đình thì  người coi đó như là bị Thiên Chúa phạt.

Chính vì những lý do đó mà chúng ta có thể coi đây là một gia đình có vấn đề. Đối với xã hội con người thì không thể chấp nhận được nhưng với Chúa thì sự thể lại khác.

Chúa làm thế vì Người có lý do của Người.

Một em bé gái mồ côi sống với bà ngoại trên một căn gác nghèo nàn. Một đêm nọ, căn gác bị hỏa hoạn, bà ngoại đã thiệt mạng khi cố gắng cứu đứa cháu. Chẳng mấy chốc, lửa lan xuống tầng dưới của căn nhà những người láng giềng. Em bé gái xuất hiện trên cửa sổ của căn gác và kêu cứu, nhưng đội cứu hỏa vẫn chưa tới. Đột nhiên có một người đàn ông xuất hiện với một chiếc thang, ông leo vào căn gác và một lúc sau ông trở ra với em bé gái trên cánh tay, ông trao đứa bé cho đám đông rồi biến mất.

Qua một cuộc điều tra, người ta biết rằng đứa bé không biết có bất cứ một thân nhân nào. Một tuần lễ sau đó, ông trưởng khu phố cho tổ chức một cuộc họp để xem có ai nhận em bé về nuôi nấng dưỡng dục không? Một cô giáo đã giơ tay xin nhận em bé về nhà và hứa sẽ dạy dỗ em nên người. Một người chủ nông trại giàu có cũng ngỏ ý nhận em làm con nuôi. Nhiều người khác cũng giơ tay biểu lộ cùng một ý tưởng. Cuối cùng, người giàu có nhất của khu phố phát biểu: “Tôi có thể mang lại cho em bé này tất cả những tiện nghi mà quí vị vừa nêu lên, cộng với tiền bạc và tất cả những gì tiền bạc có thể mua được”.

Em bé gái lắng nghe tất cả những lời hứa hẹn trên đây, nhưng không để lộ một phản ứng nào, mắt em chỉ muốn cúi nhìn xuống đất. Cuối cùng, người chủ trì lên tiếng hỏi:

 - Còn có ai muốn nói điều gì nữa không?

Lúc bấy giờ, từ cuối hội trường có một người đàn ông từ từ tiến lên, đến gần em bé, ông giang cánh tay ra, mọi người đều thấy những vết cháy xám trên hai cánh tay của ông. Em bé gái bỗng thét lên:

 - Đây là người đã cứu tôi.

Và em nhảy lên bá lấy cổ người đàn ông, áp mặt vào vai ông và thổn thức, rồi ngước mắt nhìn lên mỉm cười với ông. Chứng kiến cảnh tượng đó người chủ trì phiên họp tuyên bố giải tán.

Xin được kết thúc bằng một tư tưởng từ Internet: "Không biết, ai đó đã từng nói, tình yêu thực ra rất đơn giản, có nhiều lúc đơn giản giống như rót một ly nước. Bây giờ ngẫm lại mới thấy, tình yêu thực ra rất bình dị, chỉ cần có tình yêu thì người ta không còn so đo tính toán những chuyện này chuyện nọ. Với những người còn đưa ra yêu cầu với tình yêu, chắc hẳn họ vẫn chưa thực sự thương yêu nhau."
 

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ tưởng nhớ thánh nữ Mác-ta rất quen thuộc với chúng ta ; quen thuộc, nhưng luôn thu hút, vì hình ảnh đầy ý nghĩa của hai người phụ nữ hiện diện chung quanh Đức Giêsu. Hình ảnh thật năng động của cô Mác-ta và hình ảnh, có thể nói, thật bất động của cô Maria.

Câu chuyện được đặt ở giữa dụ ngôn “Người Samari tốt lành” và sự kiện Đức Giêsu cầu nguyện và dạy các môn đệ cầu nguyện. Nếu dụ ngôn Người Samari mời gọi thực hành : “hãy đi và anh, anh cũng hãy làm như thế” (10, 37), câu chuyện ở làng Bêtania đặt “việc làm” trong một chiều kích sâu xa hơn.

Có một “việc làm” khác, và việc làm này không đòi phải làm gì cả, chỉ ngồi đó nghe Đức Giêsu nói thôi. Cầu nguyện không phải là việc làm, theo nghĩa lao động, nhưng còn hơn cả việc làm. Và như chúng ta có kinh nghiệm, cầu nguyện là một “công trình” của Chúa và của chúng ta. Như chính Đức Giêsu nói : “công trình của Thiên Chúa là anh em tin nơi Đấng Ngài sai đến” (Ga 6, 29).

Lao mình vào những công việc phục vụ người khác là điều tốt, nhưng vẫn chưa đủ, còn một điều khác nữa nền tảng hơn, đó là chúng ta làm việc, phục vụ trong tâm trạng nội tâm nào. Và để có được sự bình an và niềm vui trong hành trình đi theo Đức Ki-tô, ngang qua ơn gọi được ban cho chúng ta, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện trong những lúc dành riêng và sống tâm tình cầu nguyện trong mọi sự, nghĩa là giữ tương quan mật thiết với Chúa.

 1. Cô Maria

Maria ngồi gần như bất động, bên chân Đức Giêsu để lắng nghe Lời của Ngài. Cô Maria bất động, nhưng đối những ai sống đời cầu nguyện hau khát khao cầu nguyện, lại thu hút sự chú ý hơn là cô Mác-ta năng động.

- Vì hình ảnh cô Maria đã, đang và sẽ còn được tái hiện lại cách đặc biệt nơi tất những ai đang cầu nguyện, trong đó có các đan sĩ, các tu sĩ, những người sống đời dâng hiến, và chính chúng ta, là những người ước ao đặt mình bên chân Chúa như cô Maria mỗi ngày, để lắng nghe Lời của Ngài, để chiêm ngắm ngôi vị “hiền lành và khiêm nhường” của Ngài.

- Và còn vì hình ảnh cô Maria còn đánh động tất cả mọi người chúng ta ở chiều sâu, dù chúng ta là ai, đang sống trong ơn gọi nào, bởi lẽ chỉ khi chúng ta, trút bỏ mọi lo âu gánh nặng, để đến bên Chúa, ở lại và lắng nghe Lời của Ngài, chiêm ngưỡng dung nhan rạng ngời của Ngài, thì tâm hồn của chúng ta mới được nghỉ ngơi bồi dưỡng.

- Và sự nghỉ ngơi trong Chúa, chính là cùng đích của đời người. Bởi vì, con người được dựng nên cho Thiên Chúa, và chỉ tìm thấy an nghỉ trong Thiên Chúa mà thôi, thánh Augustinô nói như thế.

Xin cho chúng ta mở lòng ra đón nhận thời gian cầu nguyện mỗi ngày như ơn huệ Chúa ban, để cảm nếm và thưởng thức sự nghỉ ngơi mà Chúa rộng ban cho chúng ta, ngay trong cuộc đời đầy thách đổ và sầu khổ này.

 2. Cô Mác-ta

Chúng ta chú ý đến Maria, nhưng không thể bỏ qua chị Mác-ta ; hơn nữa, hôm nay là ngày chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội cử hành lễ nhớ Thánh Nữ. Những gì chị Mác-ta thực hiện cách quảng đại để tiếp đón Đức Giê-su, trong thực tế, không kém quan trọng.

- Bởi vì để tiếp khách, nhất là khách vừa qúi vừa thân như Đức Giêsu, thì phải chuẩn bị cái gì đó, phải làm cái gì đó. Và trong trường hợp trong nhà chỉ có hai chị em, thì mỗi người mỗi việc.

- Chúng ta không thể bỏ qua Mác-ta, còn là vì trong nhà chúng ta luôn phải có ai đó làm công việc của Mác-ta; và thậm chí, ai trong chúng ta cũng phải là Mác-ta, vì chẳng lẽ mình cứ ngồi nghe bên chân Chúa suốt ngày và suốt đời ?

- Ngoài ra, nơi chị Mác-ta, chúng ta như gặp lại được những người phụ nữ chúng ta từng gặp thấy trong cuộc đời : đầy lòng tin, quảng đại, hiếu khách, và đảm đang. Chị Mác-ta thật đảm đang : tay làm việc, nhưng con mắt lại chú ý đến những việc khác trong nhà, chú ý đến những người khác trong nhà. Tuy nhiên, cũng chính ở điểm này mà chị Mác-ta cần được lời Đức Ki-tô biến đổi ở mức độ sâu xa nhất.

Thật vậy, Đức Giêsu không phủ nhận giá trị của việc phục vụ mà Mác-ta đang thực hiện cách quảng đại, nhưng vấn đề là con tim của chị: “băn khoăn và lo lắng”. Sống và làm việc, nhưng đôi mắt lại nhìn bên này, nhìn bên kia, nhìn ở đây, nhìn ở trên kia và rốt cuộc “bỏ bếp đi lên”! Đôi mắt diễn tả sự không bình an của tâm hồn, nhất là diễn tả sự ghen tị không chấp nhận sự khác biệt. Đức Giêsu nói: “Chỉ có một điều cần thiết thôi”, đó là việc mình đang làm, hãy nhìn vào đó và xác tín rằng đó là ơn huệ Chúa ban và là điều tốt nhất.

“Chỉ có một điều cần thiết”, còn có nghĩa là thái độ nội tâm “biết lắng nghe Lời Chúa” trong mọi sự, dù chúng ta đang ở đâu, hay đang làm công việc nào, đang cầu nguyện hay đang làm việc, đang đọc kinh hay đang học tập, đang làm việc thiêng liêng hay đang phục vụ.

Nếu đặt trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca như khởi điểm của hai trình thuật tiếp theo trong Tin Mừng Gioan (Ga 11, 1-44 và 12, 11), chúng ta có thể nhận ra sự “lớn lên” của chị Mác-ta trong tương quan với Đức Kitô, với những người khác và với công việc: chị quan tâm đến công việc của mình, nên trách em và trách Thầy; tiếp đến chị thương em Lazarô của chị đến độ trách “yêu” Đức Giêsu: “Nếu Thầy ở đây em con đã không chết” (Ga 11, 32); và sau cùng, ngay trước ngưỡng của cuộc Thương Khó của Đức Giêsu, chị chẳng nói gì nữa, tác giả Tin Mừng chỉ kể lại: “cô Mác-ta lo hầu bàn” (Ga 12, 2). Như thế, chị đã như đạt được ơn bình an sâu thẳm trong tâm hồn:

- Bình an, nghĩa là tự do với mọi sự để yêu mến và phục vụ Đức Giêsu vẫn với và ngang qua công việc phục vụ nhỏ bé không tên của mình.

- Bình an, nghĩa là tôn trọng sự khác biệt nơi những ngôi vị khác và đi vào hiệp thông dẫn đến hiệp nhất, thay vì ghen tị giản lược người khác vào chính mình hay ngược lại giản lược chính mình vào người khác, nghĩa là người khác phải giống như mình, hoặc mình phải giống như người khác.

 3. Anh Lazarô

Theo Tin Mừng Gioan, hai chị em Mác-ta còn có người em trai út, tên là Lazarô. Trong trình thuật của chúng ta, Lazarô không được nhắc tới, vì có lẽ anh được tự do, muốn làm gì thì làm (giống như trong nhiều gia đình, khi em trai nhỏ có hai người chị lớn, thì chẳng phải làm gì cả !). Anh chẳng làm gì cả, nhưng Đức Giê-su lại thương mến anh cách đặc biệt (x. Ga 11, 3). Các Tin Mừng không hề nói gì về anh, nhất là không nói lí do tại sao anh lại được Đức Giê-su thương mến : anh không quảng đại phục vụ như chị Mác-ta, anh không để hết tâm hồn lắng nghe lời Đức Giê-su, như chị Maria, và anh cũng chẳng bỏ hết mọi sự để đi theo Đức Giê-su, như các môn đệ.

Vì thế, tình yêu Đức Giê-su dành cho anh là một tình yêu hoàn toàn nhưng không. Và Thiên Chúa là như thế đó, Thiên Chúa là tình yêu, mà tình yêu thì nhưng không. Xin cho chúng ta nhận ra và cảm nếm tình yêu nhưng không này của Đức Giê-su dành cho từng người chúng ta, dù chúng ta là ai, đang ở trong tình trạng nào.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 


 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận