Thánh Anphong Maria Ligôri

Đăng lúc: Thứ bảy - 01/08/2015 01:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh Anphong Maria Ligôri, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".

 

Thánh nhân sinh năm 1696 tại Napôli. Người từ bỏ nghề luật sư để làm linh mục, rồi sau lại nhận trách nhiệm giám mục để loan báo tình yêu của Chúa Kitô. Người đi giảng không mỏi mệt, siêng năng giải tội và rất nhân từ với các hối nhân. Người đã lập Dòng Chúa Cứu Thế nhằm mục đích loan báo Tin Mừng cho dân các miền quê (1732). Người đã giảng dạy luân lý và viết nhiều tác phẩm về đời sống thiêng liêng. Người qua đời năm 1787.

 

Lời Chúa: Mt 14, 1-12

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

 

Suy Niệm 1: Tương Quan Giữa Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu

Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.

Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại.

"Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.

Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".

Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.

Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Chết Cho Sự Thật (Mt 14,1-12)

Lịch sử nhân loại lúc nào cũng có chiến tranh, lúc nào cũng có hận thù. Khi thánh Gioan Tẩy Giả bị chém đầu cách đây hai ngàn năm, người ta cũng xôn xao bàn tán về cái chết của ngài. Trong Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu đã ghi lại hoàn cảnh cái chết của vị tiền hô. Ngài chết vì đã nói lên sự thật. Ngài chết cho sự thật. Tín hữu Kitô là những người đã đi theo Ðấng đã từng tuyên bố: "Ta là sự thật". Họ phải là những người sẵn sàng chết cho sự thật ấy.

Trong một cuộc thăm dò do viện Galup thực hiện, sáu mươi chín phần trăm người dân Mỹ cho biết họ tin là không có những chuẩn mực luân lý tuyệt đối. Trong một cuộc thăm dò khác, bảy mươi mốt phần trăm nói rằng không hề có một chân lý tuyệt đối. Không có chân lý tuyệt đối, cho nên theo họ chỉ có chân lý của số đông. Tiêu chuẩn của chân lý là số đông. Ðiều gì đám đông nghĩ, đám đông tin, đám đông bỏ phiếu, đám đông tán thành, là đúng. Chính vì tiêu chuẩn của chân lý là đám đông, nên có biết bao nhiêu hành động tội ác được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã tán thành. Còn gì độc ác dã man cho bằng hành động phá thai, nhưng nó đã được hợp pháp hóa bởi vì đám đông đã đồng tình.

Ðấng là sự thật đã chết trơ trụi một mình trên thập giá. Tuyên xưng mình là sự thật, sống cho sự thật, thường cũng đòi hỏi người tín hữu Kitô phải lội ngược dòng. Sự thật không có tính vụ lợi. Sự thật không được đánh giá bằng những lợi lộc hay đổi chác. Sự thật đòi hỏi con người phải hy sinh tất cả để nói lên sự thật và trung thành với sự thật. Sống chết cho sự thật, không có phần thưởng nào khác hơn là chính sự thật, bởi lẽ vì sống cho sự thật có thể mất hết mọi sự nhưng không đánh mất chính mình.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Chân Lý

Thời ấy tiểu vương Hê-rô-đê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gio-an Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết chỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” (Mt. 14, 1-2)

Đoạn này kề về cuối đời của thánh Gio-an Tiền Hô, một con người bảo vệ chân lý. Ngài đã trung thành sống với Lời Ngài giảng. Đó chính là đức tính của vị ngôn sứ.

Ngôn sứ là ai?

Ngày nay quá nhiều kẻ tuyên bố sự thật. Họ rêu rao sự thật đến rát cổ mỏi miệng.

Có kẻ tách khỏi Giáo Hội và xỉ nhục điều này điều kia của Giáo Hội, phỉ nhổ vị này vị kia. Kẻ đó không phải là kẻ chân chính.

Gio-an Tiền Hô thành chướng ngại vật, là lời khiển trách sống động đới với Hê-rô-đê và với chúng ta nữa. Ngài không nói: “Hãy làm như tôi!” nhưng Ngài nói: “Đó là huấn lệnh của Chúa!” Thính giả nghe Ngài, nhưng còn phải nhìn kỹ Ngài sống thế nào! cần phải chiêm ngắm chân lý của sứ ngôn và đời sống của Ngài, thì họ sẽ không còn dám sống ích kỷ nữa.

Ngày nay thì sao?

Ngày nay có nhiều ngôn sứ không?

Ngôn sứ là người loan báo Đức Giêsu Kitô. Ông phải làm chứng về Đức Kitô.

Đức Giêsu là ai? Ngôn sứ phải nói về Người như thế nào cho thế hệ hiện tại: trước hết chúng ta phải nói đến quá khứ, kể lại Tin Mừng: nói về sự sống lại của Người, về con người mới mà Người đã làm chúng ta trở lên con người mới đó.

Ngôn sứ không được vì mình, nhưng phải là chứng nhân cho thế hệ hiện tại.

J.M
 

Anphongsô – vị thánh chạnh lòng thương (chuacuuthe.com)

Thánh Anphongsô có nhiều họa ảnh, thế nhưng, chắc có lẽ họa ảnh để lại nhiều tâm tư, nhiều suy nghĩ nhất có lẽ là họa ảnh có ánh mắt chạnh thương như ánh mắt chạnh thương trong họa ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Cũng dễ hiểu, có lẽ từ cái hồn, cái lòng, cái sống của Giêsu đã truyền, đã chảy, đã thấm vào cuộc đời của Anphongsô để rồi cả đời Anphongsô đã rập đời mình theo khuôn mẫu đời Giêsu.

 

Đang sống trên đỉnh vinh quang của cuộc đời, chỉ mới 16 tuổi đời thôi nhưng Anphongsô đã nắm 2 bằng đạo và đời về Luật. Con đường tương lai, con đường vinh quang, con đường sáng lạn đang vẽ ra trước mắt cuộc đời của Anphongsô. Thế nhưng, chẳng ai học được chữ ngờ ngay cả Anphongsô.

Vụ kiện mà Anphongsô đang đối diện tưởng chừng nắm chắc trong tay phần thắng nhưng rồi lại vụt mất khỏi tay Anphongsô. Và, từ ngày đó, cuộc đời Anphongsô đã thay đổi.

Đứng về phía công lý, đứng về sự thật nhưng “sự thật” theo kiểu người đời đã bẻ gãy sự thật của Anphongsô.

Anphongsô đã như một Phaolô ngã ngựa trên đường Damas và rồi Người đã nhận ra tiếng Chúa gọi. Thanh bảo kiếm đặt dưới chân Đức Mẹ chuộc kẻ làm tôi nói lên sự từ bỏ danh vọng, quyền hành, địa vị, chức tước. Thánh Anphongsô đã nhận ra cái phù phiếm của cuộc đời:” Phù vân. Tất cả đều là phù vân”. Thánh Anphongsô chọn Chúa làm gia nghiệp cho cuộc đời mình. Lời thánh Kinh” Hãy đi, bán hết những gì con có. Đem cho kẻ khó. Và sau đó đến đây theo Thầy”( Lc 18, 22 ; Mt 19, 21 ). Lời của Chúa nói với người thanh niên giàu có hôm nay thúc bách thánh Anphongsô thực sự, Người đã quyết định, một quyết định, một sự chọn lựa làm cho cha mẹ của Người rất đau lòng vì ông bà chưa nhận ra ý Chúa…

Lòng chạnh thương của Chúa Giêsu đã đi vào lòng của Anphongsô để rồi cả cuộc đời, sau biến cố ngã ngựa cho đến khi nhắm mắt lìa đời, Anphongsô chỉ sống chạnh thương và chạnh thương.

Lần mò, tìm đến với những con người bị xã hội và cả Giáo Hội nữa đẩy ra bên lề. Anphongsô phải chấp nhận những sự hiểu lầm, sự khinh khi và cả sự loại trừ ngay từ phía Giáo Hội. Nhưng, tiếng Chúa gọi, lòng chạnh thương thôi thúc Anphongsô để có những nguyện đường về đêm.

Thánh Anphongsô đã luôn sống với những gì mà Ngài đã thề hứa với Thiên Chúa. Thánh nhân đã sống như ngày hôm nay là ngày cuối cùng của đời mình để rồi Ngài không bỏ phí bất cứ một giây phút nào trong cuộc đời. Thật sự, để sống tâm tình như Cha Thánh Anphongsô không phải là chuyện đơn giản.

Ta thấy suốt cuộc đời của Ngài là một cuộc chiến không ngừng. Ngài làm việc không biết mệt mỏi. Ngay từ lúc làm linh mục, Ngài đã miệt mài, chuyên chăm làm việc. Tất cả cho các linh hồn, tất cả cho những người nghèo khó, bơ vơ…Ngài dạy học các lớp học về đêm cho kẻ chăn dê, chăn cừu, những kẻ khốn cùng đầu đường xó chợ. Ngài cử hành thánh lễ, ban các bí tích, đi thăm người nghèo, người đau ốm bệnh tật.

Ngoài việc đạo đức cho giáo dân trên toà giảng, cha thánh Anphongsô còn đem lại an bình cho bao tâm hồn trong toà giải tội. Chính ngài đã nói: “Một linh hồn càng đi sâu vào nết xấu và càng bị giây tội lỗi trói buộc, thì càng phải cố gắng nhẫn nại đem họ ra khỏi nanh vuốt ma quỷ, và đặt họ vào cánh tay nhân lành của Chúa”.

Chính ý tưởng đó, cha thánh Anphongsô đã dùng làm kim chỉ nam cho hành động của ngài mỗi lần gặp một tội nhân muốn hối cải. Thái độ nhân từ của một người cha hằng thương yêu con cái tội lỗi của ngài, đã lôi cuốn không biết bao nhiêu người thuộc mọi giới, mọi giai cấp trong xã hội đến với ngài, để rồi nhờ ngài, họ sẽ quyết tâm chừa tội và sống một đời sống giáo hữu hoàn hảo. Riêng đối với giới lao động, ngài tổ chức cho họ những lớp giáo lý ban tối. Nhiều linh mục tận tâm và nhiều giáo hữu sốt sắng đã vui lòng cộng tác với cha để giúp đỡ những người lao động đó. Chẳng bao lâu, từ một vài nhóm nhỏ đã nẩy nở ra được hơn tám mươi tổ học tập, mà mỗi tổ gồm chừng một trăm ba mươi đến một trăm rưởi học viên. Ai nấy đều đua nhau học tập để được sống đời sống công giáo xứng đáng.

Với lòng chạnh thương sẵn có trong mình, cha thánh Anphongsô muốn ôm ấp mọi linh hồn trên thế giới, và vì thế, đã có lần ngài định đi truyền giáo ở các nước phương xa. Thế nhưng, khi đó, một đàng vì cha linh hướng của ngài không tán thành ý định ấy, đàng khác chị dòng Maria Cêlêsta Costarôsa được Chúa soi sáng, đã quyết chắc với cha là Chúa muốn cha lập một hội dòng thừa sai, để giúp đỡ các linh hồn không được giảng dạy đạo lý.

Với những lời lẽ ấy, cha thánh Anphongsô rất sợ hãi. Ngài bắt đầu ăn chay cầu nguyện để được biết ý Chúa, và cuối cùng ngài biết thánh ý Chúa muốn ngài đảm nhiệm công việc nặng nề đó. Nhưng việc lập một dòng mới của ngài ngay từ đầu đã vấp phải nhiều khó khăn. Rất nhiều người phản đối, và hầu hết các bạn hữu đã bỏ không cộng rác với cha nữa.

Với tài viết lách, Ngài đã viết sách không ngơi nghỉ. Chỉ nhìn vào các pho sách Ngài để lại, không ai có thể tưởng tượng nổi sức làm việc của Ngài bền bỉ đến thế nào và trí óc của Ngài thông minh đến mực nào.

Và rồi đến khi lập dòng, Ngài lập Dòng với bao khó khăn từ mọi phía, Ngài kiên trì cầu nguyện và chấp nhận mọi khó khăn như ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời Ngài.

Trên Tòa Giám Mục, Ngài điều khiển địa phận, lo cho Dòng và viết sách. Ngài làm việc cả ngày từ sáng sớm đến tận khuya. Thời gian ngủ nghỉ đối với Ngài chẳng còn là bao nữa vì tận tụy với công việc. Chắc có lẽ thánh Anphongsô thấm thía lời của thánh Phaolô tông đồ: ” Không làm việc thì đừng ăn”. Và có lẽ Ngài cảm nghiệm sâu xa lời Chúa : “Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như cha Ta”. Lời Chúa, tâm tư của Chúa đã chạm lòng chạnh thương của Anphongsô để rồi Ngài luôn thực hiện thánh ý Chúa trong cuộc đời của Ngài.

Nhìn lại cuộc đời cha thánh Anphongsô, ta thấy cuộc đời không như là mơ và cũng không như người ta tưởng. Những năm cuối cùng cuộc đời là những năm ngài phải chịu thử thách rất nhiều: nào là bị bách hại, chịu sỉ nhục, nào là bị cám dỗ, bị lo âu…

Bi đát nhất là Ngài đã bị chính anh em trong dòng do Ngài sáng lập gạt ra khỏi dòng. Nhưng đứng trước nghịch cảnh bi đát đó, thánh Anphongsô vẫn một lòng thương, một lòng yêu thương anh em của mình.

Lòng chạnh thương, điểm son của cuộc đời cha thánh Anphongsô là ở chỗ đó. Dù thế nào đi chăng nữa nhưng vẫn thương yêu và thương cho đến cùng như Thầy Chí Thánh Giêsu.

Bất cứ thời đại nào, không gian nào, hoàn cảnh nào … ai ai cũng cần đến lòng thương xót, lòng chạnh thương của Chúa. Cần ! Đơn giản và dễ hiểu vì con người vẫn mang trong mình thân phận của kẻ hèn mọn, người yếu đuối.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đang chuẩn bị mở năm Thánh Lòng Thương Xót để diễn tả lòng chạnh thương của Chúa Giêsu. Lòng chạnh thương của Chúa Giêsu đã được các thánh nhân, trong đó có cha Thánh Anphongsô cũng như nhiều vị thánh nữa đã đi theo chọn lựa, đi theo lòng chạnh thương đặc biệt thương những con người bị bỏ rơi.

 

Tạ ơn Chúa đã ban cho Giáo Hội những khuôn mặt có lòng chạnh thương như cha thánh Anphongsô. Ta cũng hãy cầu xin Thiên Chúa thêm ơn trên các tu sĩ linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế để các tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế chuyển tải, chia sẻ lòng chạnh thương của Chúa đến với mọi người, cách riêng những người bị bỏ rơi như Cha Thánh Anphongsô đã từng chạnh thương và chia sẻ.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận