Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la

Đăng lúc: Thứ sáu - 31/07/2015 02:21 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục. Lễ nhớ.

"Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?"

 

Sinh năm 1491 tại Lôiôla miền Can-ta-bơ-ri-a. Lúc còn thanh niên, Inhaxiô theo binh nghiệp, phục vụ trong triều đình. Khi đã trở lại, người học thần học ở Pari. Tại đây, cùng với mấy người bạn, người đã sáng lập dòng Chúa Giêsu, thường gọi tắt là Dòng Tên (1534). Nhưng chính tại Rôma, người nỗ lực làm cho dòng lan rộng khắp châu Âu và hăng hái truyền giáo, nêu gương phục vụ Hội Thánh, hết lòng tuân phục Đức Giáo Hoàng. Phương pháp linh thao của người vạch ra một con đường cho ai muốn hiến thân để làm cho vinh quang Thiên Chúa ngày một sáng ngời hơn. Người qua đời ở Rôma năm 1556.

 

Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: "Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?" Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: "Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình". Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

 

Suy Niệm 1: Tâm Thức Thời Ðại

Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.

Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.

Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?

Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Nghĩa Vụ Ngôn Sứ (Mt 13,54-58)

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu về sứ vụ ngôn sứ của Chúa Giêsu mà các tín hữu Kitô đều tham dự vào. Sau một thời gian rao giảng làm phép lạ, Chúa Giêsu đã được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, khi trở về làng cũ, những người quen biết với Ngài lại chỉ dành cho Ngài một sự tiếp đón lạnh nhạt. Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng là ở chính quê hương mình và gia đình mình. Ðây là lần đầu tiên áp dụng cho mình tước hiệu ngôn sứ; vị ngôn sứ mà Ngài tự đồng hóa là một ngôn sứ bị ngược đãi.

Ý niệm về ngược đãi và ngay cả bị bách hại được Chúa Giêsu nhiều lần nhắc tới trong những cuộc tranh luận với nhóm biệt phái. Nêu bật tư cách bị ngược đãi và bách hại ấy, Chúa Giêsu muốn chứng tỏ rằng Ngài vẫn tiếp tục truyền thống ngôn sứ trong Cựu Ước. Ðược Thiên Chúa sai đến để thay cho Ngài nói lên sự thật, các ngôn sứ trong Cựu Ước không chỉ nói bằng lời nói mà còn bằng cả cuộc sống của mình. Ðộc đáo nhất hẳn phải là cung cách của một Giêrêmia. Không biết phải dùng lời lẽ nào để tố cáo sự bất trung và phản bội của cả một dân tộc, ông đã đeo một cái gông vào cổ và đi giữa phố chợ. Với cử chỉ ấy, vị ngôn sứ này muốn nói với mọi người rằng chính vì đã xé bỏ giao ước với Thiên Chúa mà họ phải bị xiềng xích trong gông cùm của ngoại bang.

Riêng tiên tri Hôsê thì lại triệt để hơn trong sứ mệnh của mình khi ông đi cưới một cô gái điếm về làm vợ. Với hành động này ông cũng muốn nói với dân Do Thái rằng họ đã bất trung với Thiên Chúa. Không thể chọn lựa thái độ thinh lặng, thỏa hiệp hay sợ hãi, ông đã lên tiếng tố cáo bất công, tội ác hay bạo quyền và hành động của ông đã gây nên phẫn nộ trong dân.

Chính vì thế và cũng như các ngôn sứ trong Cựu Ước; cũng như thánh Gioan Tẩy Giả, vị tiên tri cuối cùng của Cựu Ước, và nhất là cũng như chính Chúa Giêsu, tất cả những ai dám lên tiếng nói lên sự thật cũng đều được liên kết chung với nhau trong cùng một số phận là bị khinh rẻ, ngược đãi, oán ghét, sỉ vả và khai trừ.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 3: Vẫn chỉ có từ chối.

Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được nhiều phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Gio-xép, Simon và Giu-đa sao?” (Mt. 13, 54-55)

Người ta không còn cảm thấy giật mình khi nghe tư tưởng này: “Giả như hôm nay Chúa Giêsu trở lại với chúng ta…”

Tôi nghĩ rằng, nếu hôm nay Chúa Giêsu trở lại, thì Người cũng sẽ chẳng có được may mắn hơn với những người đồng hương của Người đâu.

Chẳng có được may mắn đâu.

Giả như hôm nay Người trở lại làm người Do-thái? Liệu Người có được những đồng bào của mình ở Giê-ru-sa-lem hay ở Tel-Aviv lắng nghe không? Liệu Người có được các thành viên Liên Hiệp Quốc hay các nghị viện trong các thượng hạ viện của chúng ta lắng nghe không?

Liệu Người có phải dành một chỗ ở sân thế vận hội để công bố sứ điệp của Người không. Còn chúng ta, những người có đức tin, những người tin vào Chúa Giêsu liệu chúng ta có chấp nhận để cho Người thôi thúc ta, chấp nhận sống triệt để sứ điệp của Người chăng?

Chúa có cần đến một bộ máy tuyên truyền để thu hút quần chúng? Có lẽ Người phải làm những phép lạ hoàn toàn “giật gân” như có người nói. Rồi sau màn “trình diễn” và những phép lạ, người ta có nghe Chúa không?

Bởi vì có lẽ Chúa sẽ nói cho ta hay, dù rằng chúng ta chọn sống chế độ nào: tư bản, dân chủ, độc tài, quân phiệt, thì Người cũng sẽ nói: “Lệnh truyền của tôi là anh em hãy yêu thương nhau” Dù anh em là người Phật Giáo, Tin Lành, Hồi Giáo, Công Giáo “Anh em hãy yêu thương nhau”

Dù anh em là công nhân của một nghiệp đoàn nào đó, hay dù là ông chủ của xí nghiệp “Anh em hãy yêu thương nhau.” Rồi có lẽ Người sẽ nhắc nhở ta nhớ đến Mười Điều Răn y như Người đã dạy ta vậy.

Giả như Người trở lại.

Người có trở lại không? có lẽ người ta sẽ gọi vấn đề này là một Xì-căng-đan! Ngay trong chúng ta, có nhiều người không tin điều này, họ muốn chúng ta sống trung thực.

Đức Kitô đã chết và đã sống lại, Người đã gửi Thần Khí Người đến với ta để nhắc nhở ta tình yêu Cha Người dành cho ta! Như vậy mà còn không đủ thúc đẩy ta sống yêu thương, thì giả như Chúa Kitô có trở lại, Người cũng chẳng hoán cải nổi chúng ta đâu.

 

 

 

********************************************************************

Thứ sáuLc 9, 23-26

Thứ sáu 31/07/2015 – Tinh thần đồng trách nhiệm.

31/07 – Thứ sáu tuần 17 thường niên – Thánh Phêrô Đoàn Công Quý và thánh Emmanuel Lê Văn Phụng. Lễ nhớ.

Bổn mạng HĐMVGX / Giáo Phận Long Xuyên.

Bổn mạng Liên đoàn TNTT / Giáo Phận Long Xuyên.

"Ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".

 

* Thánh Phêrô Đoàn Công Quí

Ngài là con của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Trường, sinh năm 1826, tại họ đạo Búng, Thủ Dầu Một ( Bình Dương).

Ngay từ nhỏ, cậu Phêrô đã có lòng ước ao dâng mình cho Chúa. Sau khi đã nhập vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse (Thị Nghè), Thầy Phêrô được gởi đi tu học tại đại chủng viện Thừa Sai Paris ở Pénang (Malaysia), năm 1848; hoàn tất chương trình đào tạo, trở về quê hương vào ngày 11/04/1855.Lúc bấy giờ các vua triều Nguyễn, nhất là vua Tự Đức, đang cấm đạo rất gắt gao. Vào tháng 9 năm 1858, Thầy được chịu chức một cách âm thầm tại Thủ Dầu Một; sau đó, được cử đi phục vụ tại các giáo xứ Lái Thiêu, Gia Định, Kiến Hòa, làm Cha Phó họ đạo Cái Mơn (Vĩnh Long), và là Cha Sở họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng, An Giang), từ ngày 27/12/1858, trú ngụ tại nhà ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Cùng với lòng nhiệt thành tông đồ, hăng hái phục vụ bổn đạo, Cha còn có lòng yêu mến Đức Mẹ một cách đặc biệt. Nhờ có tài hát xướng, Cha đã sáng tác những bài thánh ca để phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ. Ngoài ra, Cha luôn khao khát tử đạo để làm chứng cho Chúa. Bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu, khi có dịp là cha sẵn sàng dâng hiến mạng sống, để làm chứng cho Chúa. Và Cha đã thực hiện được ý nguyện khi được Bề Trên cử về Cù Lao Giêng làm Cha Sở.

Về nhiệm sở mới được 10 ngày, Cha bị bắt cùng với ông Câu Emmanuel Lê Văn Phụng, và 32 giáo dân khác, vào ngày 07/01/1859 và bị giam giữ tại nhà tù Châu Đốc cho đến ngày 31/07/1859.

* Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng

Ngài sinh năm 1796, tại họ đạo Đầu Nước (Cù Lao Giêng), làng Tấn Đức, tổng An Bình, tỉnh An Giang, thuộc Trấn Châu Đốc.

Là một gia đình gương mẫu, cùng với vợ là bà Anna Của, ông đã nuôi dạy 9 người con và 2 người con nuôi nên những người đạo đức, tốt lành. Với lòng bác ái cao quý, ông thường chia sẻ, giúp đỡ những người nghèo khổ, túng thiếu,… nhất là trong thời dịch bệnh và ngay cả khi bị giam tù ở Châu Đốc.

Với tinh thần tông đồ cao, ông hăng say hy sinh, phụng sự Chúa và phục vụ anh em. Trong thời giancấm đạo rất gắt gao, ông vẫn âm thầm dâng đất cất nhà thờ, chủng viện và nhà các dì phước. Trong nhà ông, thường xuyên có các linh mục trú ngụ. Có thời gian, có 5 linh mục cùng một lúc; trong đó có các vị tha sai nước ngoài (Tây dương đạo trưởng).

Ngoài ra, ông còn có tài ngoại giao rất đặc biệt. Ông có mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương, cụ thể là Quan Huyện. Nhờ đó, mà giáo dân Cù Lao Giêng vẫn được an bình trong thời điểm cấm đạo rất khó khăn.

 Vì có người tố cáo, ngày 07 tháng 01 năm 1859, Ông bị bắt cùng với cha Phêrô Đoàn Công Quí và 32 giáo dân khác. Các ngài bị điệu về Châu Đốc giam giữ.

Gương sáng tử đạo

Trong suốt 7 tháng trời, Tổng trấn và quan quân Triều đình ra sức dụ dỗ Cha Phêrô và ông Emmanuel bỏ đạo, để được thăng quan, tiến chức và tưởng thưởng. Nhưng các ngài vẫn một mực yêu mến Đức Kitô, nhiệt tình với Tin Mừng Phúc âm và trung thành với Giáo Hội.

Không thuyết phục được, Tổng Trấn gởi sớ về triều đình xin án lệnh. Vua Tự Đức châu phê và gởi về Châu Đốc ngày 30/07/1859. Ngày hôm sau, 31/07/1859, tại Bến Chà Và (Bến Cây Mét), các ngài đã hiến dâng mạng sống để làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng Phúc âm.

Để tuyên dương công trạng, nhân đức và tinh thần tông đồ đầy nhiệt huyết, vào ngày 02/05/1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong các ngài lên bậc Chân phước (Á thánh).

Sau đó, vào ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nâng các ngài lên bậc Hiển Thánh cùng với 115 vị tử đạo khác tại Việt Nam.

Các ngài đã nêu gương sáng về Đức Tin kiên vững, Đức Mến nồng nàn, Đức Cậy vững vàng, nhất là lòng nhiệt thành loan báo cho mọi người Tin Mừng tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Đây còn là mẫu gương sống động về tinh thần đồng trách nhiệm giữa linh mục và giáo dângiữa Cha sở và Hội Đồng mục vụ giáo xứ mọi thời và mọi nơi.

Cũng còn đúng với đường hướng xây dựng giáo phận theo mô hình của một Hội Thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

 

Lời Chúa: Lc 9, 23-26

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì? Bởi lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".

 

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng: chứng nhân đời thường của Đức Kitô

Lúc sinh thời, thánh Emmanuel Lê Văn Phụng giữ chức Lý trưởng, là chức thứ nhì trong làng. Vì thế, ngài được gọi là ông Lý Phụng. Đồng thời, ngài coi sóc việc đạo cho cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc), gọi là Câu Phủ; cho nên, người đương thời cũng quen gọi ngài là Ông Câu Phụng. Với những chức vụ đạo, đời khá quan trọng như thế, ngài đã làm việc hết mình để đem lại hạnh phúc cho mọi người. Cuộc đời của thánh nhân có những nét đặc biệt sau đây.

Trước hết, là một tín hữu ngoan đạo, ngài luôn luôn tỏ ra là một gia trưởng gương mẫu. Dù rất bận chuyện làng-xã và họ đạo, thế nhưng, cùng với người vợ rất đảm đang là bà Anna Của, ngài đã nỗ lực sinh dưỡng, dạy dỗ một cách tốt đẹp tất cả 9 người con, năm trai, bốn gái, ngoài ra còn có hai người con nuôi cũng được ngài đùm bọc, cưu mang, giáo dục đầy đủ. Ngài quan tâm đặc biệt đến vấn đề giáo lý, đạo đức, học hành của con cái. Ngài lưu ý chỉ dạy cách ăn nết ở theo luân thường, đạo lý từ ngàn xưa. Thật là gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Điều đó đã được các linh mục lưu trú trong nhà khẳng định và ca ngợi.

Thứ đến, ngài có một tinh thần tông đồ rất nhiệt thành, hăng hái. Với tư cách là người đứng đầu trong họ đạo, ngài luôn luôn sống hết mình với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với bà con bổn đạo, ngài rất hăng say trong việc mở mang Nước Chúa, cho dù phải gặp nhiều khó khăn, gian nan, thử thách.

Trong thời gian cấm đạo gắt gao nhất, ngài vẫn âm thầm dâng hiến đất đai, xây dựng nhà thờ, nhà xứ và nhà các nữ tu. Mái ấm của ngài là nơi lưu trú  thường xuyên của các linh mục, kể cả các vị thừa sai nước ngoài.. sinh hoạt đạo đức của họ đạo, với các lễ nghi phụng vụ, với các bí tích được trao ban đều đặn, hầu như luôn luôn được diễn biến bình thường, là nhờ ở sự khôn khéo và tài đức của ngài.

Đồng thời, nhờ lòng đạo đức sâu sắc và sự am hiểu giáo lý một cách vững vàng, ngài đã được Bề trên chọn làm giảng viên giáo lý của họ đạo Cù Lao Giêng, và sau đó, của cả tỉnh An Giang.Với vai trò đặc biệt này, ngài ra sức dạy giáo lý cho các thiếu nhi, thanh niên và cả những người lớn tuổi. Ngài thường xuyên thăm hỏi, khuyên nhủ, giải thích và giúp đỡ những người khô khan, nguội lạnh trở về với Chúa. Ngài nhiệt tình lo lắng cho những người hấp hối, nguy tử được lãnh nhận các bí tích sau cùng, chuẩn bị chu đáo trước khi ra trình diện với Chúa.

Ngoài ra, lòng bác ái của ngài cũng là một nhân đức nổi trội. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngài vẫn tỏ ra tâm hồn nhân ái đặc biệt. Gặp thời  dịch bệnh hoành hành, ngài đã sắm ghe, mua thuốc, phân phát, cứu giúp những người bệnh, cách riêng là những người nghèo khổ… trong thời gian tù đày, ngài cũng sẵn lòng chia sẻ những gì mình có cho các bạn tù, cho lính canh và cai tù… Ngay cả với kẻ thù, ngài cũng tỏ ra tấm lòng quảng đại, bao dung. Sở dĩ ngài bị bắt và bị  giam giữ, cùng với cha sở Phêrô Quí là do hai tên bất lương tố cáo, hãm hại. thế nhưng, khi hai tên này đến xin bà vợ của ngài giúp đỡ tiền bạc, từ trong tù, ngài đã khuyến khích và yêu cầu bà thực hiện… Nhìn vào cung cách sống đó, tất cả mọi người đều thán phục người tông đồ của Chúa.

Sau cùng, với sự khôn khéo, tế nhị đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao độ của người đứng đầu với những phương tiện vật chất mà Chúa trao ban, ngài đã xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả những người chung quanh, kể cả quan quyền lúc bấy giờ. Ngài sẵn sàng hy sinh, dâng hiến những gì mình có để làm sáng danh Chúa, để loan báo Tin Mừng cho mọi người. Nhờ đó, mà ngài đã giúp cho họ đạo được bình yên, ngay cả trong thời buổi khó khăn nhất.

Và như thế, với tình yêu son sắt với Chúa và anh em, với sự trung tín kiên vững của người môn đệ, với niềm xác tín vào ơn cứu độ của thiên chúa, ngài đã hiến dâng mạng sống, để xứng đáng là sứ giả của Chúa Kitô tại quê hương thân yêu của ngài. Ngài đã trở nên một mẫu gương chứng nhân tiêu biểu của Đấng Cứu Thế cho đồng bào của ngài.

Noi gương của Thánh nhân, chúng ta hãy nỗ lực sống tin Mừng mỗi ngày trong cuộc sống đời thường, một cách cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Hãy sống trọn vẹn ơn gọi mà Chúa trao ban trong gia đình. Hãy là những người cha có trách nhiệm, người mẹ đảm đang, người con hiếu thảo để tạo bầu khí yêu thương, hạnh phúc trong mái ấm. những lời nói, cử chỉ, việc làm thắm đượm tình bác ái sẽ giúp đem lại bình an, niềm vui và hy vọng. Sự quan tâm, chăm sóc cho nhau sẽ đan dệt nên những tâm tình yêu thương, liên đới, chia sẻ, hy sinh và phục vụ…

Nên nhớ rằng, qua bí tích rửa tội, mỗi người đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Đức Ki-tô cho những anh em chung quanh. Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng ta có thể chu toàn sứ mạng đó bằng đời sống gương mẫu của chúng ta qua nhữn việc làm cụ thể. Chính nhờ đời sống đầy tình yêu thương bác ái của chúng ta mà người ta có thể nhận ra Chúa, yêu mến Chúa, tin Chúa và đến với Chúa.

Ngoài ra, tinh thần tông đồ cũng mời gọi chúng ta nhiệt tình cộng tác với Đức Giám Mục giáo phận, với các linh mục phụ trách giáo xứ, với các thành phần dân Chúa, để giúp mọi người thăng tiến về mọi mặt, nhất là trưởng thành trong đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy dùng tất cả những phương tiện mà Chúa trao ban, hãy biết chia sẻ những gì mình có, như: tài năng, thời giờ, sức khỏe, công ăn việc làm, tiền của vật chất… để làm vơi nhẹ những khổ đau, đem lại niềm an ủi, nâng đỡ tinh thần, tạo nên sự phấn khởi, lạc quan… cho những người đang gặp khó khăn, thử thách. Không ai nghèo túng đến nỗi không có gì để chia sẻ cho người khác. Một nụ cười tươi tắn, một sự đón tiếp niềm nở, một lời nói động viên hay một lời khen ngợi chân thành, một cái bắt tay thân tình, một sự giúp đỡ nho nhỏ… tất cả đều có một giá trị vô cùng lớn lao và cao quí. Tất cả đều là dấu chỉ chắc chắn loan báo hạnh phúc đích thực, sung mãn và vĩnh viễn của Nước trời. Sống được như thế, chúng ta sẽ là những chứng nhân đời thường của Đức Kitô, theo gương của thánh Emmanuel Lê Văn Phụng, và sẽ được chung hưởng hạnh phúc viên mãn với ngài, trong vinh quang Thiên Chúa.

 

Suy Niệm 1: Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng & thánh Phêrô Đoàn Công Quý: Tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Hội Thánh

(Đức cha Giuse Trần Xuân Tiếu 31-07-2010)

Thật tự hào cho giáo phận Long Xuyên, khi mô hình Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm đã được thực hiện trước công đồng Vaticanô II cả trên 100 năm tại họ Đầu Nước, nay là Cù Lao Giêng, một trong những họ đạo cổ kính và điển hình của giáo phận, do cha sở họ đạo là linh mục Phêrô Đoàn Công Quí, và đại diện giáo dân là ông câu Emmanuel Lê Văn Phụng.

Thật vậy, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm trong sự cộng tác với nhau để điều hành sinh họat của họ Đầu Nước - Cù Lao Giêng. Đặc biệt là ông câu Phụng đã dâng hiến tài sản của gia đình mình cho Giáo Hội, để xây cất cơ sở vật chất như chủng viện, nhà dòng. Hơn nữa, cha sở Phêrô và ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự đoàn kết với nhau trong chức linh mục của Chúa Kitô, để mỗi người theo sứ mạng của mình, phục vụ nhiệm thể Chúa Kitô. Riêng ông câu Phụng đã biến gia đình mình trở thành một Hội thánh tại gia, nơi mà trong thời bách hại, hàng giáo sĩ thường lui tới để trú ngụ, để ẩn náu và thi hành tác vụ linh mục, cụ thể là cử hành các bí tích cho giáo dân trong vùng. Nhất là cha sở Phêrô cùng với ông câu Phụng đã thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm bằng sự hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Kitô trong cuộc tử đạo của mình. Máu của hai thánh đã hòa trộn với Máu Thánh của Chúa Kitô, cùng thấm đẫm tại phần đất của vùng Châu Đốc, An Giang. Như vậy, sự cộng tác, sự đoàn kết và hiệp thông là những bài học cho giáo phận Long Xuyên, cho hàng giáo sĩ cũng như giáo dân, về tinh thần đồng trách nhiệm được biểu hiện từ cuộc đời và cuộc khổ nạn của hai thánh Quí - Phụng.

Thực ra, không phải là do hai thánh Quí - Phụng, cũng không phải là do công đồng Vaticanô II đưa ra những bài học về tinh thần đồng trách nhiệm trong cộng đoàn Kitô hữu. Chính Chúa Kitô đã sống và đã dạy bài học này cho những người theo Chúa trong bầu khí của cộng đoàn các Tông đồ. Chúa đã muốn các ông cộng tác với nhau và với mọi người nên sai các ông đi từng hai người một. Chúa muốn các ông đoàn kết với nhau và với mọi người nên đề ra chương trình hành động chung là làm chứng và loan báo Tin mừng bình an. Và Chúa muốn các ông hiệp thông với nhau và với mọi người trong lý tưởng của Mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.

Chúa Kitô đã dạy bài học tinh thần đồng trách nhiệm. Công đồng Vaticanô II và Liên Hội đồng Giám mục Á Châu trở về nguồn với tinh thần tham gia và hiệp thông. Như vậy, giáo phận Long Xuyên không có con đường nào khác ngoài con đường trở về xây dựng giáo phận thành một Hội thánh tham gia và hiệp thông trong tinh thần đồng trách nhiệm.

Sẽ rất hài lòng cho hai thánh tử đạo nếu giữa anh chị em và cha sở đã có những hợp tác chặt chẽ trong mục vụ, và đã có những nỗ lực giải quyết những chia rẽ, những bất hòa, để tránh tình trạng kình chống nhau trong họ đạo. Và ước mơ rằng họ đạo Cù Lao Giêng sẽ là nơi hành hương cấp giáo phận để tinh thần đồng trách nhiệm của hai đấng Thánh được suy tư, chiêm ngưỡng và được tiếp tục học hỏi như bài học cho các cộng đoàn Kitô hữu trong và ngoài giáo phận.

Xin hai thánh tử đạo là cha sở Phêrô và ông câu Phụng chúc lành cho chúng con, và tiếp tục giúp chúng con biết học bài học xây dựng Nước Thiên Chúa bằng tinh thần đồng trách nhiệm. Amen.
 

SUY NIỆM:

1. Yêu mến Đức Giê-su

Hôm nay, hiệp thông các anh em Dòng Tên trên toàn thế giới (khoảng hơn 17 ngàn) và nhất là các anh em Dòng Tên Việt Nam (216 anh em), chúng ta cử hành lễ nhớ thánh I-nha-xiô, còn được gọi là thánh I-nhã (1491-1556), vị sáng lập Dòng Tên. “Dòng Tên”, nghĩa là “Dòng Giê-su” (tiếng La-tinh: Societas Jesu, tiếng Anh: Society of Jesus, tiếng Pháp: Compagnie de Jesus; chữ SJ thường được ghi phía sau tên của các tu sĩ Dòng Tên đến từ tiếng La-tinh, Societatis Jesus, nghĩa là “thuộc Dòng Chúa Giê-su”). Người Việt chúng ta vì tôn trọng Thánh Danh Giê-su, nên gọi là Dòng Tên. “Thánh I-nhã sáng lập Dòng Tên”, điều này có thể làm cho chúng ta thắc mắc: tại sao không phải là Dòng I-nhã, như các Dòng Biển Đức, Dòng Đa-minh hay Dòng Phan-xi-cô?

Không cần biết nhiều về cuộc đời của thánh nhân, chúng ta cũng có thể đoán ra lí do một cách dễ dàng: đó là vì lòng yêu mến Chúa Giêsu. Thực vậy, vì lòng yêu mến chính ngôi vị của Đức Giê-su, mà thánh I-nhã đã không lấy một nhân đức (chẳng hạn bác ái, hèn mọn), không lấy một sứ vụ (chẳng hạn giảng thuyết hay thừa sai), và ngài cũng không lấy một tước hiệu cao quí của Đức Ki-tô (chẳng hạn “Ki-tô Vua”, hay “Chúa Cứu Thế”), và ngài cũng không lấy tên mình, hay không cho người ta lấy tên mình, đặt cho Hội Dòng mà chính Chúa mời gọi ngài và các bạn sáng lập.

Thật ra, cũng có nhiều người nêu ra vấn nạn: khi nghe “Dòng Giê-su”, người ta sẽ hiểu lầm rằng Đức Giê-su đã lập ra cái Dòng này! Nhưng thánh I-nhã vẫn kiên quyết lấy Thánh Danh Giê-su để đặt tên cho Hội Dòng do ngài và các bạn sáng lập, với xác tín rằng chính Chúa Giê-su đã qui tụ ngài và các bạn trong một Hội Dòng, và với lòng ước ao để cho một mình Đức Giê-su, chứ không phải bất cứ ai hay điều gì khác, nối kết anh em nên một trong yêu thương và hiệp nhất, và để cho một mình Người sai đi, ngang qua đức vâng phục, để phục vụ cho sứ mạng của Người trong Giáo Hội và trong thế giới bao la.

Để diễn tả lòng yêu mến Đức Giê-su, thánh I-nhã đã đi hành hương Đất Thánh bằng cách đi bộ và đi bằng tàu, trong sự phó thác và khó nghèo tột bậc để nên giống Chúa Giêsu. Ngài đã ước ao ở lại Đất Thánh luôn để lúc nào cũng được kính viếng những nơi thánh (Tự Thuật, số 45). Nhưng vì lí do chiến tranh, nên ngài không được phép ở lại. Trên đường về, ngài đã phải đi qua các chiến tuyến của những nhóm lính đang đánh nhau; vì thế, ngài đã bị một bên bắt, vì người ta tình nghi ngài là người do thám của phe địch: ngài bị khám xét, bị lột trần, bị dẫn đi, bị tra khảo…. Nhưng trong lòng ngài tràn đầy niềm vui thiêng liêng, vì xác tín rằng mình được ơn trở nên giống Đức Giê-su trong cuộc thương khó (Tự Thuật, số 51-52).

Thánh I-nhã yêu mến Đức Giê-su và muốn thông truyền lòng yêu mến cháy bỏng của Ngài đối với Đức Giê-su cho chúng ta qua việc đề nghị chúng ta cầu nguyện với Tin Mừng hằng ngày và nhất là qua việc tĩnh tâm theo phương pháp Linh Thao; và “Linh Thao” có nghĩa là thao luyện thiêng liêng. Trong bài Tin Mừng của ngày lễ thánh I-nhã, Đức Giê-su nói:

Thầy đã đem lửa đến trần gian, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bùng lên. (Lc 12, 49)

Đức Giê-su đã khởi dậy lòng mến dành cho Ngài nơi thánh Phê-rô và các môn đệ đầu tiên (x. Ga 21, 15), nơi thánh Phao-lô (x. Pl 3, 8-14), thánh Phanxicô, thánh Đa-minh và nơi thánh I-nhã mà chúng ta kính nhớ trong Thánh Lễ hôm nay; và Đức Giê-su vẫn tiếp tục làm bùng lên ngọn lửa yêu mến nơi con tim của mỗi người chúng ta, ngang qua gương sống và con đường thiêng liêng (linh đạo) của thánh I-nhã.

2. Hiểu biết Đức Giê-su

Đến với Đức Giê-su, tin vào Ngài và yêu mến Ngài, đó là ơn sủng Thiên Chúa ban, như chính Đức Giê-su nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy” (Ga 6, 43). Chính vì thế, với lời kinh Dâng Hiến trong sách Linh Thao, thánh I-nhã mời gọi chúng ta xin ơn yêu mến: “Xin Chúa ban cho con tình yêu và ân sủng Chúa, đối với con thể là đủ”.

Tuy nhiên, Chúa không thể làm cho chúng ta yêu mến Ngài, mà lại không làm cho chúng ta hiểu biết Ngài; bởi vì, vô tri thì bất mộ. Và càng yêu mến Chúa, chúng ta lại càng ước ao hiểu biết Ngài. Thế mà, theo kinh nghiệm của thánh Phao-lô, và chắc chắn cũng là kinh nghiệm của thánh I-nhã, hiểu biết Đức Ki-tô là điều quí giá hơn hết mọi sự: 
Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người.(Pl 3, 8-9)

Ngay sau khi được ơn hoán cải, thánh I-nhã đã dành ra thời gian gần 1 năm để sống trong bầu khí cầu nguyện và chay tịnh. Ngài cầu nguyện 7 giờ một ngày và chủ yếu là chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô. Vì thế, sau thời gian này, ngài hiểu biết Đức Ki-tô sâu sa và trở nên một với Ngài đến độ, Ngài kể lại: “Rất thường xuyên và trong thời gian lâu, ông nhìn thấy bằng con mắt nội tâm, nhân tính của Đức Kitô; và hình ảnh xuất hiện cho ông như thể một thân thể màu trắng, không lớn lắm, cũng không nhỏ lắm, nhưng ông không phân biệt rõ được chân tay. OÂng ta đã thường thấy điều đó ở Manresa; nếu nói là hai mươi hoặc bốn mươi lần, ông không dám nghĩ là mình nói dối. Một lần khác, ông ta nhìn thấy điều này khi ông ở Giêrusalem và một lần khác nữa trên đường đi gần Padova… Những điều mà ông đã nhìn thấy đây củng cố ông khi đó và luôn cho ông một xác tín mãnh liệt về đức tin đến nỗi ông thường tự nhủ: giả như không có Kinh Thánh dạy chúng ta về những tín điều này, thì ông cũng sẵn sàng chết vì những tín điều ấy chỉ vì điều mình đã trông thấy” (Tự Thuật, số 29).

Và để giúp chúng ta mở tâm trí ra đón nhận ơn hiểu biết Đức Ki-tô, thánh I-nhã mời gọi chúng ta, trong Linh Thao, sau khi đã đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh, chúng ta được mời gọi dành trọn thời gian tĩnh tâm để chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, để hiểu biết và yêu mến Ngài hơn.

3. Đi theo Đức Giê-su

Khi hiểu biết Đức Ki-tô và yêu mến Đức Ki-tô, chúng ta được mời gọi đi theo Ngài; như chính Đức Ki-tô phục sinh mời gọi thánh Phê-rô. Thật vậy, sau khi tuyên xưng ba lần lòng mến Chúa, thánh Phê-rô được Đức Ki-tô mời gọi: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 19). Và tất cả chúng ta, với tư cách là người Ki-tô hữu, chúng ta tự bản chất, là người đích thân đi theo Đức Ki-tô, trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta.
Với sự hiểu biết Đức Ki-tô sâu xa và lòng yêu mến Ngài nồng nàn, thánh I-nhã đã muốn suốt đời theo thật sát Đức Ki-tô và chỉ tìm thực hiện điều đẹp lòng Ngài, phù hợp với Tin Mừng và ngôi vị của Ngài. Ngài xác tín rằng điều Chúa muốn không chỉ giới hạn ở những những luật lệ (x. LT 23), nhưng còn là những lời mời gọi, được nhận ra ngang qua những chuyển động nội tâm, khi chúng ta phải thực hiện những lựa chọn lớn bé của cuộc sống, của từng ngày sống. Như ông Môsê nói trong sách Đệ Nhị Luật nói: “Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, ngay trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30, 14). Chính vì thế, ngài đã đi học, học đi học lại, nhiều năm dù đã lớn tuổi, lập nhóm bạn trong Chúa, và sau cùng, lập ra Dòng Tên, để cùng nhau đi theo Đức Ki-tô và phục vụ cho sứ mạng của Ngài, dựa trên nền tảng hiểu biết và yêu mến đích thân Đức Ki-tô.
Trong Linh thao, thánh I-nhã mời gọi chúng ta đi theo Đức Ki-tô ngang qua việc nhận định (hay làm mới lại) ơn gọi, tu trì hay hôn nhân và nhận định ý Chúa trong những lựa chọn và những vấn đề của đời sống.

* * *

Hành trình đi theo Đức Ki-tô đến cùng, khởi đi từ kinh nghiệm thiêng liêng hiểu biết và yêu mến Đức Ki-tô của thánh I-nhã, thật đáng cho chúng ta ước ao, nhưng lại có điểm khởi đầu là một “tai họa”: từ một hiệp sĩ can đảm, hào hoa phong nhã, ngài đã bị thương trong một trận đánh và suốt đời “đi cà nhắc”. Đó chính là cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ:

Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Người rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài.
(Tv 77, 20)

Và đó cũng là cách hành động của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Vượt Qua, là mầu nhiệm làm cho hoàn tất lịch sử cứu độ, mà trong bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su gọi là “phép rửa” Ngài phải chịu. Xin cho chúng ta cũng nhận ra cách Chúa mở lối cho chúng ta đi như thế hôm nay.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận