Thứ sáu tuần 15 thường niên.

Đăng lúc: Thứ sáu - 17/07/2015 02:33 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ sáu tuần 15 thường niên.

"Con Người cũng là chủ ngày sabbat".

 

Lời Chúa: Mt 12, 1-8

Khi ấy, vào ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi ngang cánh đồng lúa. Các môn đệ của Người đói, liền bứt bông lúa mà ăn. Thấy vậy, các người biệt phái thưa với Người rằng: "Kìa, các môn đệ của Ngài làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat". Người nói với các ông rằng: "Các ông không đọc thấy Đavít và những người đi với ông đã làm gì khi đói lả sao? Các ông cũng không đọc thấy Đavít vào đền thờ Chúa ăn bánh trưng hiến, bánh mà ông và các kẻ theo ông không được phép ăn, chỉ trừ các tư tế được ăn mà thôi sao? Hay các ông không đọc thấy trong luật rằng: Ngày Sabbat, các tư tế trong đền thờ vi phạm ngày Sabbat mà không mắc tội đó sao? Tôi bảo cho các ông biết, đây có Đấng còn trọng hơn đền thờ nữa. Vì nếu các ông biết được điều này là, "Ta muốn lòng nhân từ, chứ không muốn hy lễ", chắc các ông không bao giờ lên án những người vô tội, vì chưng Con Người cũng là chủ ngày Sabbat".

 

Suy niệm 1: Ngày Hưu Lễ

Chương 12 Tin Mừng Mátthêu qui tụ những tranh luận giữa Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái giáo thời Chúa Giêsu về những đặc tính của nếp sống tôn giáo. Cuộc tranh luận hôm nay liên quan đến việc thực hành đạo đức căn bản của người Do thái, đó là việc giữ ngày Hưu lễ. Ðây là một thực hành quan trọng đến độ người Biệt Phái đã dùng việc Chúa Giêsu không tuân giữ luật Hưu lễ để lý luận và nói với dân chúng rằng Chúa Giêsu không phải là Ðấng đến từ Thiên Chúa, không phải là Ðấng Mêsia.

Việc dành riêng một ngày nghỉ cho Thiên Chúa đã bị lạm dụng đến mức việc tuân giữ ngày Hưu lễ không còn là do tình yêu mến tôn thờ đối với Thiên Chúa, nhưng là một hình thức ràng buộc con người. Qua cuộc tranh luận với những người Biệt Phái về việc giữ ngày Hưu lễ, Chúa Giêsu mở rộng cho chúng ta thấy giá trị tôn giáo đích thực của ngày Hưu lễ, và do đó phải sống tinh thần ngày Hưu lễ đó như thế nào?

Cuộc tranh luận của Chúa Giêsu đều được trình thuật đầy đủ trong các Tin Mừng Nhất Lãm, nhưng nơi Tin Mừng Mátthêu, tác giả lưu ý hai điểm: thứ nhất, quyền hành của Chúa Giêsu trên các việc thực hành đạo đức; thứ hai, lòng nhân từ có ưu tiên trên việc thực hành đạo đức. Trả lời cho thắc mắc của những người Biệt Phái tại sao các môn đệ Ngài không giữ luật Hưu lễ, Chúa Giêsu nhắc lại việc xẩy ra trong Cựu Ước liên quan đến Ðavít và những người tùy tùng khi đói, tức khi khẩn thiết, đã làm điều không được phép làm, hoặc việc các tư tế trong Ðền thờ không nghỉ ngày Hưu lễ mà cũng không mắc tội. Rồi Chúa kết luận: "Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân từ, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông sẽ chẳng lên án kẻ vô tội". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của chúng ta đối với anh em; cần phải hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ xét đoán anh em theo những việc bên ngoài.

Vả lại, những việc đạo đức và việc nghỉ ngày Hưu lễ, là để con người đến gần Thiên Chúa, thế mà Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã hiện diện giữa họ, thì lòng đạo đức không còn là một cái gì tuyệt đối phải thi hành nữa. Các tư tế làm việc trong Ðền thờ ngày Hưu lễ mà không lỗi luật, thì các môn đệ Chúa Giêsu lỗi luật thế nào được, vì đã có Chúa Giêsu bên cạnh họ. Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng hơn Ðền thờ. Chúa Giêsu muốn nhân dịp này để mạc khải chính Ngài là Ðấng Mêsia cao trọng hơn Ðền thờ và làm chủ cả ngày Hưu lễ; nhưng các người Biệt Phái không nhìn nhận điều này.

Xin Chúa giúp chúng ta vượt qua tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin cho chúng ta tâm hồn nhân từ như Chúa để biết đối xử với người khác mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 2: Tinh Thần Vụ Hình Thức (Mt 12,1-8)

Cuộc tranh luận trên của Chúa Giêsu với những người biệt phái được tường thuật cách đầy đủ trong cả bốn Phúc Âm, nhưng nơi Phúc Âm thánh Mátthêu này thì tác giả xem ra muốn lưu ý độc giả hai điểm: thứ nhất là lòng nhân từ ưu tiên trên việc thực hành những việc đạo đức và thứ hai là quyền hành của Chúa Giêsu vượt lên trên những việc đạo đức.

"Ta ưa thích lòng nhân từ chứ không ưa thích của lễ". Lòng nhân từ phải là căn bản cho những phán đoán của ta đối với anh chị em. Cần hành xử theo lòng nhân từ này hơn là chỉ lo xét đoán anh chị em theo những việc bề ngoài. Hơn nữa, những việc đạo đức trong đó có việc nghỉ ngày sabát là để con người đến gần Thiên Chúa. Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đang hiện diện giữa các tông đồ, Người làm cho những việc đạo đức khác trở thành thứ yếu, bởi vì một khi đã đạt đến mục tiêu là sống hiện diện với Chúa rồi, thì những phương tiện, những việc đạo đức phải nhường chỗ. Nếu các biệt phái chấp nhận rằng các thầy tư tế làm việc trong đền thờ vào ngày nghỉ sabát sẽ không lỗi luật nghỉ sabát, thì những đồ đệ của Chúa Giêsu lỗi luật ngày sabát sao được vì đã có Chúa bên cạnh họ rồi.

"Ðây có Ðấng cao trọng hơn đền thờ". Chúa Giêsu dùng việc tranh luận để mạc khải về chính mình là Ðấng cao trọng hơn đền thờ, là Ðấng Thiên Sai, Ðấng dĩ nhiên có quyền trên ngày sabát. Ước chi chúng ta đừng xét xử anh chị em qua những việc đạo đức bên ngoài. Những việc làm này là điều tốt, đáng làm, nhưng không phải là tiêu chuẩn tuyệt đối để ta dựa vào mà xét xử anh chị em. Lòng nhân từ thì quan trọng hơn.

Lạy Chúa,

Xin giúp con vượt qua được tinh thần vụ hình thức trong đời sống đức tin. Xin thương ban cho con tâm hồn nhân từ yêu thương như Chúa, để biết cảm thông và đối xử với anh chị em chung quanh mỗi ngày một tốt đẹp hơn.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy niệm 3: Những Luật Phải Vi Phạm.

Khi ấy vào ngày sa bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pha-ri-sêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa bát!” (Mt. 12, 1-2)

Các môn đệ đói.

Các môn đệ Chúa bị cơn đói dày vò. Luật ngày sa bát không cho phép các ông bứt lúa mà ăn trong ngày ấy. Các môn đệ vẫn cứ bứt lúa ăn. Các người Pha-ri-sêu cho đó là xì-căng-đan. Đức Giêsu dùng sự cố này để bày tỏ quan điểm của Người về ngày sa bát.

Quan điểm đó của Chúa, chúng ta biết rõ rồi. Ngày sa bát phải phục vụ con người… ngày sa bát được phép làm điều lành. Nếu những luật chi phối ngày sa bát đã nén cản trở yêu thương, ta không được làm nô lệ cho những luật ấy và ngần ngại vi phạm. Nhưng thực tế không phải là phạm luật, bởi lẽ có môt luật được đặt lên hàng ưu tiên và làm lu mờ mọi luật khác: Luật tình yêu. Để yêu thương để giúp người đang túng đói, ta đừng phải sợ thay đổi nội quy, tập tục và luật lệ.

Có những người đang đói.

Theo thói quen ta vốn nghĩ là mình không còn nô lệ cho những luật lệ bất công vốn ngăn trở ta phục vụ tha nhân. Ta lầm rồi đấy. Những luật ấy tuy không áp dụng cho việc tuân giữa này sa bát hoặc ngày chúa nhật, nhưhg nó vẫn tồn tại.

Trên thế giới có những người đang đói ăn. Có nhiều người đang đói ăn. Cónhững người đang chết đói. Cần phải cho họ ăn. Cần phải có đủ trí tưởng tượng và con tim mới giúp họ sống được. Những điều gì đang xảy ra. Có những luật ngăn cản người ta chừng nào hay chừng ấy trong công việc cứu giúp những con người đói khổ kia.

Những luật này, chính các nước giầu tự ấn định cho mình, không những để cho mình vẫn là những nước giầu có mà muốn khuếch trương thêm sự giầu có của họ. Những luật ấy chính chúng ta tự đặt ra cho mình để tiếp tục sống trong tiện nhgi xa hoa.

Ngày nào chúng ta mới dám vi phạm tất cả những luật lệ này để có được một con tim rộng mở biết yêu thương hơn nữa.

J.Y.G
 

SUY NIỆM 4

1. Vi phạm lề luật

Đi băng qua cánh đồng lúa, các môn đệ đói bụng và bứt lúa ăn. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu chất vấn Đức Giê-su : « Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sa-bát ! » Trước hết, chúng ta ta hãy cảm thương Đức Giê-su, vì trò phạm lỗi, nhưng người ta lại đi chất vấn Thầy, như thể Thầy phải chịu trách nhiệm. Sau này, trong cuộc Thương Khó và trên Thập Giá Đức Giê-su sẽ nhận vào mình tất cả mọi tội lỗi, dưới sự phán xét của Lề Luật, không chỉ của các môn đệ, nhưng là của cả loài người chúng ta.

Xét về luật, những người Pha-ri-sêu thật có lý để lên án các môn đệ, vì, để ăn hạt lúa, họ phải « gặt và xay » cây lúa. Như thế, họ đã phạm luật cấm lao động trong ngày Sa-bát ! Tuy nhiên, lỗi này là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì mấy ; có lẽ Đức Giê-su chỉ cần nhắc nhở các môn đệ là xong chuyện. Nhưng có điều gì đó thật nghiêm trọng và không hề là chuyện nhỏ ; Đức Giê-su sẽ mặc khải cho chúng ta điều này.

2. Dò xét và tố cáo

Thật vậy, chúng ta có thể tự hỏi : làm sao, ở ngoài đồng bao la như thế, những người Pha-ri-sêu lại biết được việc này ? Chắc họ đã phải kín đáo nhiều ngày đi theo, rình mò, theo dõi và quan sát thật kĩ nhóm của Đức Giê-su, giống như khi người ta muốn bắt quả tang người phụ nữ ngoại tình (x. Ga 8, 2-11). Hành động này hàm chứa thái độ không tin tưởng, thậm chí thái độ lên án, và chỉ cần chờ hoặc tìm kiếm dịp mà thôi. Và, như chúng ta thấy, khi không có dịp, chính họ sẽ tạo ra dịp để Đức Giê-su và các môn đệ phạm luật ; các Tin Mừng gọi hành động này là thử hay giăng bẫy.

Thế mà, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta biết rằng, ý muốn lên án cho dù chưa có lý do, vốn thuộc về Satan (x. St 3, 1-7 ; Dcr 3, 1; Gi 1, 11 ; 2, 6; Kh 12, 7-10 » ; xem bài đọc thiêng liêng « Sự Dữ). Là thuộc về Satan, nhưng hành động này lại không hiếm thấy trong cuộc sống của chúng ta. Thật vậy, những người hành động theo Satan, cho dù không nhận ra mình đang hành động theo Satan, là những người có ý muốn lên án và để lên án, thì phải dựa vào lề luật để tìm kiếm, rình mò, thậm chí gài bẫy hay ngụy tạo nhằm có bằng chứng hành vi vi phạm lề luật. Vì thế, một đàng thật hợp lý khi người ta dựa vào lề luật để lên án hành vi vi phạm, như trường hợp các môn đệ bứt lúa ăn vào ngày sa-bát, nhưng đàng khác, ý muốn lên án, vốn là đặc điểm của Satan và tự nó là xấu xa, đã luôn có đó rồi. Biết như thế, nhưng không ai làm gì được, vì có lề luật là chỗ dựa, thậm chí, là chỗ ẩn nấp thật kín đáo, kín đáo nhất của Sự Dữ. Và đó chính là cách người ta lên án chết Đức Giê-su trong cuộc Thương Khó. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su là Đấng Vô Tội tuyệt đối (chúng ta thì không, vì bị rình mò một hồi là ra tội), vì thế kẻ kết án chỉ có thể là Satan, hành động nơi những con người cụ thể ; và khi kết án Đấng Vô Tội tuyệt đối, nhân danh Lề Luật : « Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết » (Ga 19, 7), Sự Dữ bị lộ ra nguyên hình.

Hơn nữa, và điều này còn nghiêm trọng hơn, ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ ơn huệ sự sống được cứu khỏi sự chết của cả một dân tộc trong biến cố Xuất Hành, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa (x. Đnl 5, 12.15). Nhưng trong thực tế, ngày Sa-bát đã biến thành một bộ luật phức tạp bao gồm những qui định chi li, dùng để dò xét và lên án. Ngày Sa-bát là ngày được lập ra để tưởng nhớ sự sống, nhưng đã biến thành phương tiện để lên án và giết chết chính Đấng Ban Sự Sống, là Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa. Điều này sẽ được khởi động rất sớm : « Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su ». Và mưu đồ này sẽ đi đến cùng trong cuộc Thương Khó, khi người ta nhân danh Lề Luật để giết Đấng Vô Tội tuyệt đối.

3. Sự sống và lề luật

Như các môn đệ, không ai trong chúng ta không vi phạm luật ; và như những người Pha-ri-sêu, không ai trong chúng ta tránh được sức mạnh của Sự Dữ thúc đẩy chúng ta dùng lề luật để dò xét và tố cáo bản thân mình và người khác. Vậy, « tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! » (Rm 7, 24-25)
Thật vậy, Đức Giê-su đã đứng về phía các môn đệ, những « bị cáo », và qua các môn đệ, Ngài đứng về phía chúng ta. Ngài biện minh cho họ bằng những lời mạc khải có tầm mức hết sức rộng lớn. Trước hết, Ngài dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh. Trong sách Samuel quyển 1, chương 21, kể lại chuyện vua Đa-vít và những người tùy tùng của ông, lúc đói đã vào nhà Thiên Chúa ăn bánh dùng để dâng tiến, thứ bánh chỉ có tư tế mới được ăn.
Khi nêu ra một biến cố lịch sử, được kể lại trong Sách Thánh, Đức Giê-su muốn nói cho người Pha-ri-sêu, và qua họ, cho chúng ta về chính khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa :

- Sự sống ưu tiên hơn lề luật. Vì Thiên Chúa thông truyền sự sống trước khi ban lề luật (x. St 2-3). Và xét cho cùng, mọi lề luật được đặt ra để phục vụ cho sự sống. Sự sống chính là cùng đích của lề luật. Dùng lề luật để kết án, cho dù có lý, vẫn là hành động không phù hợp với cùng đích của lề luật, thậm chí thuộc về hành động của Satan.

- Luật đúng là thánh, như thánh Phaolo nói trong thư Roma (Rm 7). Nhưng ngôi vị cũng là thánh, vì vốn được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Vì thế, trong hành vi phạm luật, phải chú ý đến hoàn cảnh, quá khứ, giáo dục, môi trường, những vấn đề và vết thương của nội tâm… Như Đức Chúa nói với ngôn sứ Samuen : « Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng » (1Sm 16, 1)

- Con Người, nguồn sự sống, là chủ ngày Sa-bát, như Người nói trong bài Tin Mừng : « Con Người làm chủ ngày sa-bát ». Mặc khải này của Đức Giê-su phải làm cho chúng ta tin tưởng và bình an, vì Đấng ban luật cũng là Đấng thương xót, bao dung, không lên án, nhưng cứu vớt. Không phải Chúa bao che chúng ta, những là vì chỉ có lòng thương xót mới có sức mạnh biến đổi và chữa lành tận căn con tim của chúng ta (x. dụ ngôn « Người Cha nhân hậu » trong Lc 15, 11-32).

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận