Thứ Năm tuần 5 thường niên.

Đăng lúc: Thứ năm - 09/02/2017 03:49 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
 Thứ Năm tuần 5 thường niên.

"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái"

 

Lời Chúa: Mc 7, 24-30

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-Phênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó". Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái". Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi". Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

 

 

 

Suy Niệm 1: Ơn cứu độ đại đồng

Trong nhật ký của mình, Mahatma Gandhi cho biết khi còn theo học ở Nam Phi, ông rất say mê đọc Kinh Thánh, nhất là Bài Giảng Trên Núi, đến nỗi ông xác tín rằng Kitô giáo chính là câu trả lời cho nạn kỳ thị giai cấp đã từng hành hạ dân Ấn suốt bao thế kỷ, thậm chí ông còn muốn trở thành Kitô hữu nữa. Thế nhưng, một ngày nọ, khi đến nhà thờ dự lễ, ông bị người giữ cửa chặn lại và bảo ông phải đi lễ ở nhà thờ dành cho người da đen, kể từ đó, ông không bao giờ quay trở lại nhà thờ nữa.

Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra kỳ thị con người như thế. Tin Mừng hôm nay là một bằng chứng. Cũng như các tác giả Tin Mừng khác, thánh sử Marcô cho thấy phần lớn hoạt động và thời giờ của Chúa Giêsu được dành cho người Do thái; chỉ sau khi sống lại, Ngài mới chính thức sai các Tông đồ truyền giảng Tin Mừng cho mọi người, bất luận là Do thái hay không Do thái. Thật ra ngay những năm rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã hé mở cho thấy chiều kích phổ quát của giáo lý và của ơn cứu độ mà Ngài mang lại. Ngoài những giáo huấn về tình huynh đệ đại đồng và thái độ không bài ngoại của Chúa Giêsu, Tin Mừng còn thuật lại các chuyến đi của Ngài tới vùng đất ngoại giáo, tại đây, Ngài cũng đã làm nhiều phép lạ, như trừ quỷ cho một thanh niên ở Gêrasa, cho một người câm ở miền Thập tỉnh nói được, và lần này trừ quỷ cho con gái của một phụ nữ Hy lạp gốc Phênixi.

Dựa vào những yếu tố trên, câu nói của Chúa Giêsu: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con" không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Ngài đối với người khác đạo và khác tổ quốc; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do thái nhiều đến đâu, Chúa Giêsu cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Ngài vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.

Chúng ta chấp nhận sự tự do của Thiên Chúa trong việc ban phát ơn huệ và tình thương của Ngài. Dù ý thức mình chẳng là gì, chúng ta hãy tin rằng mình luôn là đối tượng yêu thương của Thiên Chúa. Với một Ðấng vô biên như Thiên Chúa, thì bất cứ hành vi nào của Ngài cũng có chiều kích vô hạn và quà tặng của Ngài cũng tràn trề sung mãn. Xin cho chúng ta cảm nhận được rằng Chúa đang yêu thương chúng ta và như thế là đủ cho chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Thế giới tha nhân

Thật vậy, một người đàn bà có đứa con gái nhỏ bị quỷ ám, vừa nghe nói đến Người, liền vào sấp mình dưới chân Người. Bà ta là người Hy-lạp, gốc Phê-ni-xi thuộc xứ Xy-ri-a. bà xin Người trừ quỷ cho con gái bà. (Mc. 7, 25-26)

Để hiểu rõ câu chuyện gặp gỡ này, đừng quên rằng Chúa Giêsu là người Do thái. Theo tâm thức của người Do thái, chuyện gặp gỡ một người ngoại là điều không ổn, cũng giống như ta gặp một người nào đó không cùng chủng tộc với ta vậy.

Nhưng ở đây lòng khiêm tốn tháo gỡ tất cả, bởi lẽ lòng khiêm tốn là cánh cửa mở rộng. Trước tấm lòng cởi mở của người phụ nữ này, tâm hồn của Chúa Giêsu cũng mở rộng ra. Bà ta không phải là thành phần của dân giao ước, nhưng lòng tin của bà tiếp nối lòng tin của Áp-ra-ham. Bà ta đã đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, đã làm thay đổi hoàn cảnh lịch sử lúc đó mà trở thành con cái của Chúa Cha. Nhờ Chúa Giêsu, Chúa Cha nhậm lời bà cầu xin. Thiên Chúa mở đường cho việc rao giảng tin mừng sau này.

Và để loan báo tin mừng này, chỉ cần yêu thương, trung thực cho đến cùng. Chỉ cần sống say mê nhiệt tình: khi người ta thực tâm thực tình để chỉ lo cho một chuyện, mọi chuyện khác đều thấy là tương đối thôi.

Qua bai Phúc âm hôm nay, Chúa muốn mở mắt mở lòng ta để hướng về thế giới những người ngoại. Họ là những con người biết thu lượm những mảnh vụn từ bàn ăn khi họ đòi hỏi ta phải tôn trọng sự thật, công bằng, khi họ lo lắng cho việc phục vụ những người nghèo, khi họ muốn dỡ đi những hàng rào ngăn cách do những đặc quyền đặc ân của ta đã dựng lên.

Cuộc sống của ta có loan báo điều mới lạ này không, một điều làm cho ta có được trái tim nhân lành, thực nhân lành, theo đúng nghĩa của lời “không có ai nhân lành cả trừ một mình Thiên Chúa”?

 

Suy nim 3:

Để có được cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu với người phụ nữ, 
hai bên đã phải vượt qua nhiều đường ranh, nhiều rào cản. 
Đức Giêsu đã bỏ đất Ítraen để đến vùng Tia, vùng đất ô uế của dân ngoại. 
Người đàn bà dân ngoại đã vượt qua sự ngăn cách với người đàn ông Do thái. 
Qua câu đáp của bà, bà cũng vượt qua được sự lụy phục thường gặp nơi phụ nữ 
sống trong một nền văn hóa do đàn ông làm chủ ở thế kỷ đầu.

Trong Tin Mừng Máccô, đây là phép lạ duy nhất nhắm đến dân ngoại. 
Rõ ràng Đức Giêsu không có ý làm phép lạ trừ quỷ này, 
Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu từ chối giúp bà ta, rồi lại đổi ý. 
Nhiều người không tin đây là cách cư xử vốn có của Đức Giêsu 
trước nỗi đau của trái tim người mẹ có đứa con bị quỷ ám.         
Tuy nhiên, nên nhớ rằng sứ vụ của ngài không bao gồm dân ngoại. 
Ngài chỉ được sai đến với dân Ítraen, 
để rồi chính môn đệ ngài sẽ chịu trách nhiệm đến với dân ngoại.

Hãy lắng nghe cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người phụ nữ. 
Bà nài xin ngài đuổi quỷ ra khỏi con gái của bà, 
nhưng bà đã phải nghe một câu trả lời rất khó chịu và có thể gây tổn thương. 
Hãy để con cái ăn trước, 
 vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con” (c. 27). 
Đức Giêsu ví dân Do thái với những đứa con trong nhà, 
còn dân ngoại là mẹ con bà, được ví với những chó con. 
Con cái dĩ nhiên là có quyền ưu tiên rồi, được ăn bánh trước. 
Bánh của con cái đương nhiên không nên ném xuống đất cho chó con. 
Với người khác, câu trả lời gây sốc của Đức Giêsu có thể khép lại mọi hy vọng. 
Nhưng đối với bà, chính câu này lại mở ra niềm hy vọng mới. 
Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn
cũng được ăn những mảnh vụn của lũ trẻ nhỏ
” (c. 28). 
Bà khiêm tốn nhận mình là chó con, 
được nuôi trong nhà, nằm dưới gầm bàn lúc mọi người ăn uống, 
nên thỉnh thoảng cũng được đám con cái cho ăn những mảnh bánh vụn. 
Như thế những đứa con cũng chẳng giữ riêng tấm bánh cho mình. 
Chúng cũng biết chia sẻ, thậm chí cho mấy chú chó con. 
Hôm nay bà chẳng xin ngài cho tấm bánh trên bàn dành cho con cái, 
Bà chỉ xin ngài cho vụn bánh dành cho chó con nằm dưới bàn.

Đức Giêsu hẳn hết sức bất ngờ với câu trả lời này, 
vừa tin tưởng, hy vọng, vừa khiêm tốn, khôn ngoan. 
Chính câu trả lời này đã chinh phục và làm cho Đức Giêsu đổi ý. 
Vì bà nói thế, bà cứ về đi, quỷ đã xuất khỏi con gái bà rồi” (c. 29). 
Phép lạ này rất “lạ” vì Đức Giêsu đã đuổi quỷ từ xa, 
và ngài cũng chẳng đưa ra một lời uy quyền nào để đuổi quỷ. 
Khi người mẹ này về nhà, thì thấy con gái mình đã được bình an.

Chúng ta học được gì nơi cách cư xử của người phụ nữ? 
Chúng ta học được gì nơi thái độ của Đức Giêsu?

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu, 
có những ngày con cảm thấy 
đời sống thật nặng nề ; 
có những lúc con muốn buông trôi, 
để mặc cho dòng đời đưa đẩy ; 
có những khoảng thời gian dài, 
con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa 
để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa 
để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa 
để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa 
để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn, 
niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu, 
con thấy mình cần Chúa 
trong mỗi giây phút của cuộc đời. 
Ước gì ai gặp con 
cũng gặp được sự hiện diện của Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
 

SUY NIỆM:

1. Người Mẹ

Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về một người mẹ. Vậy, trước hết chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho từng người chúng ta quà tặng tuyệt vời là mẹ của chúng ta, là tất cả các phụ nữ trong cuộc đời của chúng ta, và nhất là Đức Maria. Nhận ra người này là ơn huệ Thiên Chúa ban cho người kia, sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn để sống yêu thương và hiệp nhất, ngay trong những lúc khó khăn nhất, thử thách nhất.

Chúng ta được mời gọi hình dung ra nỗi khổ của người mẹ được bài Tin Mừng hôm nay kể lại: bà là người Hi-lạp, gốc Phê-ni-xi, thuộc xứ Xy-ri, có đứa con gái bị quỉ ám; nhưng chắc chắn, không chỉ có người mẹ đau khổ, nhưng là cả nhà và những người thân quen. Dường như thời xưa, ma quỉ không có nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp hay mặt nạ hóa thân, nên hay ám người ta cách trực tiếp. Nhưng ngày nay, lối sống của loài người chúng ta đang cung cấp cho ma quỉ quá nhiều phương tiện, chỗ ẩn nấp và mặt nạ hóa thân: trò chơi đủ loại, phim ảnh, khoái lạc, bạo lực, gian dối, tiền bạc, danh vọng, phương tiện hưởng thụ… Vì thế, hơn bao giờ hết, trong hoàn cảnh hiện nay, có rất nhiều cha mẹ đau khổ vì con cái, không phải vì bị ma quỉ ám, nhưng bị ám trong tâm trí bởi những điều xấu, những năng động xấu thuộc về ma quỉ, đó là lối sống vô trách nhiệm, vô ơn, đam mê phương tiện và thú vui, hưởng thụ, bạo lực, tự do luyến ái, vô kỉ luật, không có lí tưởng cao quí, mất hướng đi, không thao thức đi tìm ý nghĩa cuộc sống….

Cách ma quỉ ám người ta như thế còn nghiêm trọng hơn, là khi dằn vặt thân xác ở bên ngoài, nghĩa là bị quỉ ám trực tiếp như một số trường hợp mà các Tin Mừng kể lại hay như chúng ta thỉnh thoảng vẫn còn nghe nói ngày nay. Chúng ta, những người con, có bao giờ chúng ta thật sự đặt mình vào những những âu lo, những nỗi khổ của cha mẹ chúng ta chưa? Chúng ta, những người trẻ đang được huấn luyện, chúng ta có bao giờ cảm thông với những trăn trở và bận tâm của những người huấn luyện và những người các trách nhiệm chưa?

2. Lòng tin của Người Mẹ

Trở lại với người mẹ đau khổ trong bài Tin Mừng, chúng ta chắc chắn rất ngạc nhiên, khi nghe lời đáp của Đức Giê-su, khi bà mẹ xin Ngài trừ quỉ cho con gái bà:

Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con. (c. 27)

Thái độ của Đức Giê-su làm cho chúng ta ngạc nhiên, nhưng lòng tin mạnh mẽ và khôn ngoan của bà mẹ cũng phải làm cho chúng ta ngạc nhiên:

  • Lòng tin mạnh mẽ, vì bà kiên trì kêu xin (x. Mt 15, 21-28).
  • Lòng tin khôn ngoan, vì bà dựa vào chính Lời Chúa để diễn tả lòng ước ao của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”! (c. 28)

Trong lời nói tuyệt vời khiến Đức Giê-su phải động lòng này, chúng ta còn nhận thấy thái độ khiêm tốn không ghen tị: bà tự nhận mình là thân phận dân ngoại và không ghen tị với dân được chọn là Israel.

Khiêm tốn không ghen tị, đó chính là tâm tình sâu xa mà Chúa chờ đợi và lời Ngài muốn khơi dậy nơi bà, nơi mọi người chúng ta, khi trong lịch sử cứu độ, Chúa ưu tiên đi vào tương quan với một dân tộc, với một số người được tuyển chọn, để qua đó bày tỏ cho chúng hiểu, thế nào là tình yêu Thiên Chúa. Bởi lẽ tình yêu chỉ có thể được diễn tả và được hiểu trong tương quan một-một. Và vì đó là tình yêu Thiên Chúa, nên mọi người được mời gọi “khiêm tốn không ghen tị”, mở lòng ra để đón nhận cũng một tình yêu thương xót như thế, được ban cho từng người, vốn là “những người ngoại”, như người phụ nữ có lòng tin mạnh mẽ. Kế hoạch yêu thương như thế của Thiên Chúa được hoàn tất nơi Đức Ki-tô, nơi Người, không còn phân biệt Do thái và dân ngoại, tự do và nô lệ, người nam và người nữ… Những gì Đức Giê-su thực hiện cho người mẹ đã loan báo sự hoàn tất này, sự hoàn tất mà chính Đức Giê-su sẽ thực hiện ngang qua mầu nhiệm Vượt Qua.

3. “Bà cứ về đi”

Cuối cùng, vẫn còn một điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên nữa: lòng tin của người mẹ cứu được người con. Đức tin của người này cứu được người kia; chính vì thế chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho nhau, cho người còn sống, cũng như cho người đã chết. Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta. Vì Chúa là tình yêu, Ngài cũng mến thương những người chúng ta thương mến trong Chúa.

Chân lí này được kể lại khắp nơi trong các Tin Mừng. Đó là trường hợp bà góa thành Na-in có đứa con nhỏ chết sớm : vì thương người Mẹ đau khổ, mà Chúa đã cứu người con ; đó là trường hợp những người khiêng kẻ bại liệt từ trên mái nhà thả xuống trước mặt Chúa : nhìn thấy lòng tin của họ, Ngài đã cứu chữa người bệnh ; và còn nhiều trường hợp khác nữa, như người cha có đứa con gái nhỏ bị bệnh nặng sắp chết, như người chủ có anh đầy tớ bệnh liệt giường ; và ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình đến với Đức Giê-su và tin vào Ngài của một mình ông Gia-kêu : « Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này ». Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Gia-kêu.

*  *  *

Có thể nói, đây chính là một tin vui, là NIỀM VUI TIN MỪNG (Evangelii Gaudium). Và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng khi chúng ta cầu nguyện cho nhau, nhất là cho những người thân yêu đã qua đời. Mỗi người chúng ta hãy khát khao và xin Chúa ban cho chúng ta ơn huệ lớn lao này, đó là xin Chúa cũng công bố rằng, ơn cứu độ đã đến cho gia đình và Gia Quyến của chúng ta, cho cả cộng đoàn, cho cả Hội Dòng. Và ơn cứu độ chính là ơn được giải thoát khỏi sự chết, để sống sự sống mới và sống sự sống mới này mãi mãi với Chúa và với nhau, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời.

 

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận