Thứ Tư tuần 6 thường niên.

Đăng lúc: Thứ tư - 15/02/2017 02:25 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thứ Tư tuần 6 thường niên.

"Người mù khỏi hẳn và thấy được mọi vật rõ ràng".

 

Lời Chúa: Mc 8, 22-26

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ đến Bếtsaiđa, người ta dẫn tới Chúa một người mù và xin Chúa đặt tay trên người ấy. Chúa cầm tay người mù, dắt ra khỏi làng, Chúa phun nước miếng vào mắt anh và đặt tay trên anh mà hỏi: "Ngươi có thấy gì không?" Anh nhìn lên và trả lời: "Tôi thấy người ta như những cây cối đang đi". Chúa lại đặt tay trên mắt người mù, anh liền thấy rõ và khỏi hẳn, thấy được mọi vật rõ ràng. Chúa Giêsu cho người ấy về nhà và căn dặn: "Ngươi hãy về nhà, và nếu có vào làng thì đừng nói với ai".

 

 

Suy Niệm 1: Ðôi mắt đức tin

Có một người đàn bà đạo đức nọ suốt đời chỉ có một khát vọng, đó là được thấy dung nhan Chúa trước khi chết. Một đêm kia, trong giấc mơ, Thiên Chúa cho biết Ngài sẽ đến thăm bà nội đêm mai. Thế là ngày hôm sau, người đàn bà dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa tiệc thịnh soạn để đón vị khách quý. Thế nhưng suốt buổi tối người đàn bà chờ đợi vẫn không thấy Chúa đến, bà thiếp ngủ đi trong chán nản. Bỗng có tiếng nói với bà rằng:

- Tại sao Ta đến mà con không đón tiếp Ta"

Người đàn bà giải thích cho Chúa là bà đã chờ Ngài ở trước cổng nhà. Người đàn bà ngạc nhiên khi Chúa nói là Ngài đã đến ở cửa sau.

Thế là cả ngày hôm sau, người đàn bà lại chuẩn bị với hy vọng sẽ gặp được Chúa. Ðêm đến, bà hết chạy ra cửa trước lại vào cửa sau, nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy Chúa. Lần này trong giấc mơ, Chúa lại hiện đến và trách người đàn bà. Ngài cho biết là Ngài đã đến qua cửa sổ. Ngài giải thích cho bà hiểu như sau:

- Nếu con chỉ muốn thấy Ta ở một nơi nào đó mà thôi, con sẽ không bao giờ có thể thấy Ta ở mọi nơi. Ta muốn cho con thấy Ta, nhưng không phải một lần trước khi con chết, mà là mỗi giây phút cuộc đời con. Và điều kiện để được thấy Ta là con hãy từ bỏ khát vọng được thấy Ta bằng con mắt xác thịt, vì con mắt ấy qua yếu ớt để có thể nhìn thấy sự vô biên của Ta. Con chỉ có thể xem thấy Ta bằng đôi mắt của quả tim mà thôi.

Con người chỉ có thể thấy Chúa bằng đôi mắt của quả tim, và đôi mắt này chính là đôi mắt đức tin mà chỉ Thiên Chúa mới có thể ban cho con người.

Tin Mừng theo thánh Marcô mà chúng ta lắng nghe hôm nay, thuật lại việc Chúa Giêsu cho một người mù được thấy. Ðặt câu truyện này vào bối cảnh cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu với nhóm Biệt phái cũng như với các môn đệ, thánh Marcô muốn cho chúng ta thấy rằng đức tin tức ơn sáng mắt là một ơn nhưng không của Thiên Chúa. Những người Biệt phái đã tự giam hãm trong sự mù quáng tức trong ánh sáng riêng của họ để khước từ Chúa, đồng thời chối bỏ chính ánh sáng của Thiên Chúa; trong khi đó, các môn đệ lại lơ đễnh đến độ không thể thấy được ý nghĩa các phép lạ của Chúa Giêsu. Chữa lành cho người mù, Chúa Giêsu vừa tỏ quyền năng của Ngài, vừa cho thấy chỉ mình Ngài mới có thể ban cho con người ánh sáng mới, nhờ đó con người có thể thấy được Thiên Chúa.

Qua phép Rửa, chúng ta nhận được ánh sáng của Thiên Chúa, Ngài ban cho chúng ta chính đôi mắt của quả tim để có thể nhìn thấy Ngài trong mọi sự và trong từng phút giây cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa, để chúng ta có thể vượt thắng mọi gian nan thử thách trong cuộc sống và luôn tin vững nơi tình yêu của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Một sự chữa lành công phu

Người cầm lấy tay anh mù đưa ra khỏi làng, và nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh và nói: “Anh có thấy gì không?” Anh ngước mắt lên và thưa: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại.” (Mc. 8, 23-24)

Trang Phúc âm này của Maccô là độc nhất. Không có một thánh sử nào đã kể lại phép lạ được thực hiện từng giai đoạn này. Thực vậy, phần lớn các phép lạ của Phúc âm đều xảy ra ngay tức khắc; một số khác đòi hỏi một tiến trình từ phía những người được hưởng phép lạ, như trường hợp mười người phong hủi được lành khi đang trên đường đi trình diện với tư tế. Ở đây, trái lại, trình thuật nhấn mạnh đến vẻ từ từ, tiệm tiến và hơi công phu của việc làm cho anh mù dược sáng mắt. Bước đầu, Chúa nhổ nước miếng vào mắt người mù và đặt tay trên anh. Đoạn Chúa hỏi anh cho biết tình trạng mắt thế nào, thì được anh trả lời khoái chí: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối đi đi lại lại”. Khi thấy cái nhìn của anh còn lờ mờ và không rõ nét, Chúa làm lại cử chỉ đặt tay trên mắt anh, tức thì anh được khỏi hẳn và trong rõ.

Khía cạnh biểu tượng của phép lạ

Việc khỏi bệnh này cũng nêu lên một khía cạnh biểu tượng, vì ngoài sự việc nhãn tiền, không gì thực hơn, nó còn để cho thấy một ý nghĩa kín đáo. Nói khác đi, ở đây không chỉ đơn thuần là việc làm sáng mắt người mù, mà chính là một mạc khải về Chúa Giêsu: Người là Đấng ban ánh sáng, giải thoát con người khỏi cảnh tối tăm. Thánh sử nhấn mạnh đến khía cạnh kín đáo của phép lạ này: Chúa Giêsu đưa anh mù ra khỏi làng, ở một nơi riêng, chữa anh khỏi mà không để cho những con mắt tò mò dòm ngó, và một khi anh đã thấy rõ rồi, Người dặn anh đừng có vào làng. Người không khua chiêng gõ mõ để phô trương như những kẻ làm được đôi ba điều lạ và những pháp sư. Việc chữa khỏi được diễn ra từ từ còn làm nổi bật tính thận trọng và kín đáo này. Âu đó cũng là một cách để nói không cho những người đòi được xem những dậu lạ từ trời. Đừng kêu gọi con mắt, nhưng hãy kêu gọi tâm hồn.

Việc chữa lành người mù một cách công phu cũng là dấu chỉ việc làm sáng mắt thiêng liêng cho các môn đệ, đồng thời làm nổi bật những nỗ lực của Chúa giúp cho các ông mở mắt ra. Chúa Giêsu vừa mới tố cáo các ông có mắt mà chẳng thấy, y hệt như người mù. Chịu khó và mất thời giơ một chút, Người đã trả lại cho người mù này ý thức về thị giác, về sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng thế, Người sẽ dẫn đưa các tông đồ tới tin vào Người, mặc dầu trí tuệ các ông lúc này còn kém cỏi.Chỉ cần một điều là chính các ông cũng phải để cho Người cầm tay dẫn đi, và ở một nơi riêng biệt, gặp gỡ Đức Giêsu Kitô.

Chúng ta thường sống đức tin như những kẻ chỉ nhìn thấy lờ mờ. Cái nhìn và hiểu biết của ta về thế giới mới, về những thực tại siêu nhiên lại lu mờ và không rõ nét, nên càng trở nên xa lạ đối với ta. Ta đừng xao xuyến, đừng ngạc nhiên, cũng đừng quyết định ngớ ngẩn. Đúng hơn ta hãy cố gắng gặp gỡ Chúa Giêsu. Hãy để cho Người là Đấng có khả năng làm sáng mắt cầm tay dẫn dắt chúng ta.

 

Suy nim 3:

Trong phong trào hướng đạo có ngành Ấu.
Các em thuộc ngành này được gọi là sói con.
Các em sói con qua hai giai đoạn huấn luyện : mở một mắt, rồi mở hai mắt.
Sau khi được mở hai mắt, các em đã tiến bộ về kỹ năng hơn trước nhiều.

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Thầy Giêsu đã phàn nàn về sự mù lòa của môn đệ :
“Anh em có mắt mà không thấy sao ?” (Mc 8, 18).
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa anh mù ở vùng Bết-sai-đa.
Chuyện này có một số nét giống chuyện Chúa chữa người câm điếc (Mc 7, 31-37).
Cả hai anh đều được người ta đem đến cho Đức Giêsu và xin ngài đụng đến.
Cả hai anh đều được dẫn đến một nơi riêng và được chữa lành bằng bôi nước miếng.
Chỉ mình Máccô kể lại hai câu chuyện lý thú trên.

Đức Giêsu đã không chữa người mù khỏi ngay lập tức.
Ngài phải chữa lần thứ hai anh mới thấy rõ hẳn.
Đây là chuyện lạ, vì nơi các sách Tin Mừng, chẳng bao giờ có chuyện như thế.
Đặc biệt nơi Tin Mừng Máccô, mọi sự đều xảy ra rất nhanh.
Trong chương 1, có 8 từ lập tức(euthus) ở các câu 12, 18, 20, 23, 28, 29, 30, 42.
Sau khi được Đức Giêsu bôi nước miếng trên mắt và đặt tay lần đầu 
anh mù mới chỉ thấy lờ mờ, thấy người ta như những cái cây biết đi (c. 24).
Sau khi được Đức Giêsu đặt tay lần thứ hai trên mắt
anh mới thấy tỏ tường mọi sự (c. 25).

Đức Giêsu phải chữa đến hai lần, chắc không phải vì trường hợp này khó hơn.
Nhưng vì chuyện anh mù được sáng mắt ở đây
tượng trưng cho hành trình mở mắt đức tin của các môn đệ. 
Họ sẽ phải đi từng bước một để nhận ra con người của Thầy Giêsu.
Lúc đầu họ chỉ thấy một phần con người ngài, thấy không rõ như anh mù.
Phải đợi sau này, khi Thầy Giêsu được phục sinh, họ mới thấy ngài trọn vẹn.

Anh có thấy gì không ?” 
Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta như vậy.
Hãy để tay ngài nắm lấy tay ta mà dắt vào chỗ riêng tư kín đáo.
Hãy để ngài chạm đến sự mù lòa của ta để ta được sáng mắt,
nhờ đó ta thấy được ngài, thấy được sự thật về mình và về tha nhân.
Nhưng ta cũng cần kiên nhẫn vì con đường giác ngộ là con đường dài.
Chỉ mong hôm nay tôi sáng hơn hôm qua, và ngày mai hơn hôm nay.

Cầu nguyn:

Như thánh Phaolô trên đường về Ðamát,
xin cho con trở nên mù lòa
vì ánh sáng chói chang của Chúa,
để nhờ biết mình mù lòa mà con được sáng mắt.
Xin cho con đừng sợ ánh sáng của Chúa,
ánh sáng phá tan bóng tối trong con
và đòi buộc con phải hoán cải.

Xin cho con đừng cố chấp ở lại trong bóng tối
chỉ vì chút tự ái cỏn con.

Xin cho con khiêm tốn
để đón nhận những tia sáng nhỏ
mà Chúa vẫn gửi đến cho con mỗi ngày.

Cuối cùng, xin cho con hết lòng tìm kiếm Chân lý
để Chân lý cho con được tự do.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM:

Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta về đôi mắt. Chúng ta tạ ơn Chúa, vì đã ban cho chúng ta đôi mắt sáng.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho đôi mắt của chúng ta, nhờ lòng tin, không chỉ nhìn mọi sự như những sự vật để hưởng thụ, nhìn người ta không như “cây cối đi đi lại lại”, nhưng như những dấu chỉ nói cho chúng ta về những kì công của Thiên Chúa, về sự hiện diện của Thiên Chúa, về tình yêu và lòng thương xót của Chúa, và nhìn người khác như anh chị em của mình, vì tất cả chúng ta đều là con của Cha trên trời, như chúng ta cầu nguyện mỗi ngày: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

1.Người cầm lấy tay anh mù…”

Người ta dẫn một người mù đến, và nài xin Đức Giê-su đụng vào anh ta, để anh được sáng mắt ; nhưng Đức Giê-su đã phải làm rất nhiều điều cho anh, một cách vừa công phu và vừa thiết thân, để anh có thể sống trong ánh sáng :

  • Ngài cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng. Chúng ta nên hình dung ra hình ảnh này, vì vừa đẹp và vừa giàu ý nghĩa, vì Người ước ao chữa lành anh trong mối tương quan liên vị và thiết thân.
  • Sau đó, Ngài nhổ nước miếng vào mắt anh, đặt tay trên anh. Mắt anh thấy được, nhưng chưa được tỏ tường, như anh nói : « Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại »
  • Và sau cùng, Ngài lại đặt tay trên anh một lần nữa, nhưng lần này trên chính đôi mắt của anh. Và kết quả là anh thấy tỏ tường mọi sự.

Đó là ơn chữa lành đôi mắt ở bình diện thể lí; tuy nhiên, ơn chữa lành thể lí này lại được Đức Giê-su thực hiện một cách rất công phu và thiết thân. Đó chính là để chúng ta nhận ra rằng, chúng ta được Chúa ban cho đôi mắt sáng, nhưng chúng ta vẫn mù quáng, cần được Chúa chữa lành một cách công phu và thiết thân. Như chính Đức Giê-su trách các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm qua: “Anh em có mắt mà không thấy!”

2. Bệnh mù quáng

Thật vậy, chúng ta được Chúa ban cho đôi mắt sáng, nhưng chúng ta vẫn mù quáng, khi chúng ta chỉ nhìn thấy mọi sự như những sự vật để khai khác và hưởng thụ, chứ không như những dấu chỉ, như những quà tặng cần bảo tồn và nâng niu, vì mọi sự được ban để bày tỏ cho chúng ta sự hiện diện, tình người và tình Chúa, vốn có sức mạnh khơi dậy nơi chúng ta lòng biết ơn và một cách sống được thúc đẩy bởi lòng biết ơn. Như cha ông chúng ta nói: “uống nước nhớ nguồn”. Xin Chúa chữa lành đôi mắt của chúng ta.

Chúng ta được Chúa ban cho đôi mắt sáng, nhưng chúng ta vẫn mù quáng, khi chúng ta nhìn người khác chỉ theo vẻ bề ngoài, chỉ theo ngoại hình, nhìn người khác như “cây cối đi đi lại lại”, như đối tượng để thỏa mãn nhu cầu và lòng ham muốn, chứ không như những ngôi vị tự do, có lòng ước ao và có ơn gọi riêng cần tôn trọng, có quá khứ và những vấn đề riêng cần cảm thông. Và chúng ta còn mù quáng hơn nữa, khi không nhìn nhận người khác là anh chị em của mình, vì tất cả chúng ta đều là con của Cha trên trời, như chính lời ánh sáng của Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta. Xin Chúa chữa lành đôi mắt của chúng ta.

Cuối cùng, chúng ta được Chúa ban cho đôi mắt sáng, nhưng chúng ta mù quáng, khi chúng ta sống trong đêm đen sự chết, chúng ta đi trong bóng tối sự dữ, thay vì đi trên con đường vĩnh hằng của Chúa (x. Tv 139, 24). Người mù sáng mắt rồi, nhưng đâu phải để đứng đó mà nhìn, nhưng còn phải bước đi nữa, còn phải lựa chọn đường đi nữa. Và anh sẽ phải lựa chọn và bước đi trên con đường nào : con đường của Chúa dẫn đến sự sống hay những con đường khác, dẫn đến đau khổ cho mình và cho ngưới khác, và cuối cùng là sự chết đời đời ? Sáng mắt rồi, nhưng đôi mắt sáng của anh có đi tìm Chân, Thiện, Mỹ là chính Chúa hay không, có nhận ra Đức Ki-tô là Ánh Sáng hay không, hay lại đi tìm những điều gì khác chóng qua, gian dối, sự dữ, sự xấu, làm cho mình trở nên mù quáng?

3. Đức Kitô là Ánh Sáng

Chúng ta hãy trở lại hình ảnh ban đầu của ơn chữa lành: “Người cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng”. Hình ảnh này thật là đẹp và đầy ý nghĩa, vì diễn tả chính tương quan của chúng ta với Chúa : Đức Ki-tô là Ánh Sáng, còn chúng ta thì mù lòa, thậm chí mù quáng ; và chúng ta cần phải để cho Ngài cầm tay dẫn đi, xa khỏi đám đông, xa khỏi nơi ở quen thuộc, để đi vào tương quan thiết thân với Ngài, và nhất là để cho Ngài chữa lành đôi mắt của chúng ta; như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Nhờ ánh sáng của Ngài,
chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

(Tv 36, 10)

Lm.Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận