Thứ Hai tuần 2 mùa vọng

Đăng lúc: Thứ hai - 07/12/2015 02:05 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Thứ Hai tuần 2 mùa vọng – Thánh Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.

"Hôm nay chúng tôi đã thấy những việc lạ lùng".

 

Thánh Amrôxiô chào đời ở Trêvêrô khoảng năm 340 trong một gia đình người Rôma. Thánh nhân theo học ở Rôma và bắt đầu sự nghiệp hiển hách ở Xiếcmiô. Năm 374, lúc đang ở Milanô, thánh nhân bất ngờ được bầu làm giám mục và được tấn phong ngày 7 tháng 12. Người trung thành thi hành bổn phận, nổi bật nhất về lòng bác ái đối với mọi người. Đối với các tín hữu, người vừa là mục tử, vừa là tôn sư. Người đã can đảm bênh vực các quyền của Hội Thánh, người vừa viết lách, vừa hoạt động để bênh vực giáo lý đức tin chân thật, chống lại những người theo phái Ariô. Người qua đời thứ bảy tuần thánh, ngày 07 tháng 04 năm 397.

 

LỜI CHÚA: Lc 5, 17-26

Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!"

Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: "Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?" Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: "Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: "Các tội của ngươi đã được tha", hay nói: "Ngươi hãy đứng dậy mà đi", đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất". Người nói với người bất toại rằng: "Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà".

Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: "Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng".

 

Suy Niệm 1: Tâm hồn bình an.

Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa kỳ, một người đàn ông đã đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm, tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với người Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về nghĩa vụ này lại càng tha thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội khẩn khoản kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng sinh, Chúa của Hòa bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta?

Có lẽ, vì muốn nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết của Bí tích giao hòa, mà hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe việc Chúa Giêsu chữa lành một người bất toại. “Này anh, tôi anh đã được tha rồi”. Lời khẳng quyết của Chúa Giêsu với người bất toại cho chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của niềm tin được tuyên xưng bởi chính miệng anh và đám đông khiêng anh đến trước mặt Chúa. Thật thế, tuyên xưng niềm tin trước tiên là nhìn nhận thân phận tội lỗi bất toàn của mình. Ngày nay, nhiều người đã có lý để liên kết cơn khủng hoảng đức tin với việc đánh mất ý thức tội lỗi. Quả thực khi con người không còn ý thức về tội lỗi nữa, thì điều đó cũng có nghĩa là trong sâu thẳm của tâm hồn, con người cũng không còn cảm nhận được mối liên kết của mình với Thiên Chúa nữa. Đánh mất ý thức về tội lỗi cũng có nghĩa là gạt bỏ Thiên Chúa và chối bỏ những giá trị siêu việt trong cuộc sống.

Tuyên xưng đức tin không những là nhận ra thân phận tội lỗi, bất toàn của mình, nhưng còn là nhìn nhận quyền năng cứu rỗi của Thiên Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa Đấng tạo dựng con người mới có thể tái tạo, nghĩa là tha thứ cho con người. Tha thứ đối với con người là tái lập một quan hệ đã bị phá vỡ. Còn đối với Thiên Chúa, tha thứ chính là tái tạo, là ban lại một sức sống mới đã bị đánh mất. Quyền năng tái tạo ấy của Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã muốn thể hiện qua các phép lạ của Ngài, nhất là các phép lạ chữa bệnh tật con người. Qua các phép lạ ấy, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ cho con người, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tái tạo con người. Đó là lý do tại sao trong phép lạ chữa người bất toại, Ngài đã nói đến hành động tha thứ của Thiên Chúa.

Được Thiên Chúa tha thứ, được Thiên Chúa cứu rỗi, được Thiên Chúa tái tạo để biến thành một tạo vật mới, đó là sứ điệp quan trọng nhất mà Chúa Giêsu đã mang đến cho con người. Ngày nay, qua Giáo Hội, Chúa Giêsu cũng không ngừng nói với chúng ta sứ điệp ấy. Qua Giáo Hội, Ngài không ngừng nói với chúng ta như Ngài đã từng nói với các bệnh nhân và những người tội lỗi đương thời của Ngài: “Hãy can đảm lên, tôi con đã được tha”. “Ta cũng không kết án con”.

Mùa Vọng, tâm hồn chúng ta cảm thấy rạo rực hân hoan vì bầu khí chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh. Những chuẩn bị bên ngoài là cần thiết để gợi lên cho chúng ta ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu đã Giáng sinh là để chúng ta được sinh lại, được tái sinh. Chúng ta cần được Ngài tha thứ và tái tạo, do đó không có chuẩn bị nào cần thiết hơn là đến với Ngài trong Bí tích giải tội để được ơn tha thứ. Vào cuối đời, Đức Gioan XXIII đã ghi lại trong nhật ký của Ngài: “Có hai ngõ dẫn chúng ta vào thiên đàng: một là tấm lòng trong sạch, hai là sự thống hối. Là những con người yếu đuối mỏng dòn, không ai trong chúng ta dám nghĩ đến ngõ thứ nhất, tuy nhiên chúng ta có thể tin chắc vào ngõ thứ hai, Chúa Giêsu đã đi qua ngõ ấy”. Ngài đã mang lấy Thập giá để đền bù tội lỗi chúng ta và mời gọi chúng ta bước theo Ngài. Nhưng theo Ngài cũng có nghĩa là sám hối, chấp nhận mỗi ngày cần được thanh tẩy thêm.

Ước gì Bí tích giải tội mà chúng ta sốt sắng lãnh nhận trong mùa vọng này đem lại cho chúng ta bình an đích thực, bình an mà các Thiên thần loan báo trong đêm Giáng sinh:

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

 

Suy niệm 2 :VÌ GHEN TỨC MÀ TRỞ THÀNH BẤT NHÂN!

Ghen ăn tức ở hay không ăn được thì đạp đổ vốn là thói xấu thường trực trong xã hội mọi thời. Vì thế, chúng ta không lạ gì vào thời Đức Giêsu, tình trạng này lại càng rõ nét nơi những người Pharisiêu và các Luật sĩ khi họ thấy Đức Giêsu được lòng dân và uy tín của Ngài ngày càng lan rộng. Vì thế, họ sinh ra căm phẫn và tức tối, nên muốn loại bỏ Đức Giêsu ra khỏi cuộc sống và xã hội.

 

Tuy nhiên, họ khó lòng kết tội cho Đức Giêsu khi Ngài làm việc thiện, việc tốt hay đứng lên bảo vệ công lý, công bình, giúp đỡ người nghèo, người không nơi nương tựa... Bởi lẽ, nếu họ chống đối ra mặt những việc Đức Giêsu đã làm trên thì họ sẽ bị dân chúng phản đối và đương nhiên, khuôn mặt giả hình nhân đức của họ bị bại lộ... Như thế, hoàn toàn không có lợi cho bản thân và mưu kế của những người này. Chỉ có một cách là họ ghép Đức Giêsu vào tội lộng ngôn hay phản động thì sẽ dễ dàng hơn.

 

Thua keo này, họ bày keo khác... Và hôm nay là cơ hội để họ thực thi điều ác tâm đó với Đức Giêsu.

 

Tin Mừng hôn nay thuật lại câu chuyện Đức Giêsu chữa người bất toại cách công khai và nhân đây Ngài cũng mặc khải Thiên Tính của mình khi nói: "Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!". Khi nói như thế, Đức Giêsu bị những nhà lãnh đạo tôn giáo kết án Ngài nói lộng ngôn vì tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa khi tha tội cho người ta. Theo quan niệm của người Dothái thì những người mắc bệnh tật là do bị Thiên Chúa phạt vì tội lỗi của họ. Và đương nhiên, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Khi họ không tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, thì hẳn là họ phủ nhận quyền tha tội của Ngài, và như thế, họ có lý do để loại trừ Đức Giêsu bằng cái chết.

 

Về phía Đức Giêsu: khi Ngài bày tỏ uy quyền của mình bằng việc tha tội, ngay lập tức, người bất toại được lành, điều này cho thấy quyền năng và lòng thương xót của Đức Giêsu đã chứng minh sứ vụ Thiên Sai Con Thiên Chúa nơi Ngài, Ngài đến là để cứu chữa và ban ơn cứu độ cho mọi người.

Mặt khác, niềm tin của những người khiêng anh bại liệt cũng như niềm tin của chính người bại liệt đã để lại cho chúng ta bài học:

Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, vì Ngài làm được mọi chuyện và Ngài biết điều gì tốt nhất cho ơn cứu độ của ta thì Ngài sẽ ban ơn.

Đức tin cần phải đi đôi với việc làm. Nếu người bại liệt đã tin vào Chúa, và khi được giải phóng khỏi tội lỗi là quyền lực của Ma Quỷ, anh ta đã cất tiếng ngợi ca Thiên Chúa, thì chúng ta, khi cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trên cuộc đời, hãy có tâm tình tạ ơn.

 

Đức tin cần được biểu lộ qua đức ái. Vì thế, noi gương những người Dothái khi xưa, hãy sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Nhất là những người cô thế, cô thân, để tăng thêm niềm tin nơi họ ngang qua những việc thiện chúng ta làm.

 

Tránh những kiểu kỳ thị như những người Pharisiêu và Luật sĩ. Đừng vì ích kỷ hay hình thức bề ngoài mà ngăn cản ơn Chúa đến với mọi người, cũng như căm tức những người vì lòng tốt mà làm được nhiều việc thiện hơn ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con ơn đức tin để chúng con biết tin tưởng vào Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh và sống đức ái với nhau cách chân tình. Amen.

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Suy niệm 3 

I- GƯƠNG THÁNH NHÂN

Thánh Ambrôsiô sinh năm 339 tại Trêve, trong một gia đình công chức cao cấp thuộc đế quốc Rôma. Tới lúc trưởng thành, với trí khôn minh mẫn, tâm hồn ngay thẳng và tài hùng biện, ngài được ông hoàng Probus đề cử giữ chức tổng đốc hai miền Liguria và Êmilia phía Bắc nước Ý.

Sau khi Ðức Giám Mục thành Milan qua đời, hàng giáo phẩm và giáo dân họp lại để chọn một vị Giám Mục kế vị, nhưng vì bất đồng ý kiến nên đã chống đối nhau kịch liệt. Trong bầu không khí hỗn độn ấy, Ambrôsiô với tư cách là chính quyền địa phương đã đến để hòa giải. Bỗng nhiên có một em bé la to lên: "Ambrôsiô Giám Mục" và lạ thay mọi người đều đồng thanh bầu Ambrôsiô làm Giám Mục năm 374. Nên sau đó, ngài được Rửa Tội (vì còn là dự tòng), và lần lượt lãnh các chức thánh để rồi cuối cùng lên làm Giám Mục Milan.

Trong chức vụ chủ chăn, thánh Ambrôsiô đã mạnh dạn đứng lên bệnh vực chân lý và kỷ luật của Giáo Hội, chống lại Ariô và các bè rối khác. Qua lời giảng thuyết cũng như các văn thư, ngài đưa nhiều người lạc giáo trở về làm con cái Giáo Hội, trong số đó ta phải kể đến thánh Augustinô.

Thiên Chúa đã gọi ngài về hưởng triều thiên công phúc ngày 04/4/397, hưởng thọ 58 tuổi.

II- LỜI CHÚA

A. Phân tích  (Hạt giống...)

Đoạn Phúc Âm này tường thuật phép lạ của Chúa Giêsu chữa một người bại liệt:

- Người bại liệt này gặp rất nhiều cản trở khiến khó mà tới gần Chúa Giêsu được: liệt không đi được, thân nhân khiêng thì bị đám đông dầy quá không vào nhà được. Nhưng thân nhân anh đã giúp anh vượt qua tất cả những cản trở đó: khiêng anh trên chõng, leo lên gỡ mái nhà, thòng anh xuống. Chúa Giêsu đánh giá những cố gắng ấy là những thể hiện của lòng tin.

- Trước khi chữa bệnh, Chúa Giêsu tha tội: vì theo Chúa Giêsu, tội còn nguy hại hơn bệnh tật phần xác nữa.

- Mà vì tha tội là độc quyền của Thiên Chúa, cho nên việc này cũng chứng minh Đức Giêsu là Thiên Chúa.

B. Suy gẫm (...nẩy mầm)

1. Một buổi sáng tháng 7/1971, tại một thành phố bên Hoa Kỳ, một người đàn ông đến nộp mình tại một trạm cảnh sát gần nhà. Ông thú nhận đã giết một người đàn bà cách đó 21 năm. Ông cho biết trong 21 năm qua, ông không bao giờ chợp mắt được mỗi khi màn đêm phủ xuống. Ông nói: “Chỉ vì một phút say sưa, tôi đã biến 21 năm qua thành một cơn ác mộng. Giờ đây sau khi thú nhận tội lỗi, tôi cảm thấy thanh thản trong lương tâm. Tôi cảm thấy như được tái sinh”.

Những câu chuyện nộp mình và thú nhận tội lỗi như trên đây không phải là chuyện hiếm có trong lịch sử nhân loại. Riêng với Kitô hữu, đó là một phần của cuộc sống đức tin. Trong những cao điểm của năm phụng vụ, lời nhắc nhở của Giáo Hội về ý nghĩa này lại càng khẩn thiết hơn. Đặc biệt mỗi khi Mùa Vọng về, Giáo Hội tha thiết kêu mời chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh, Chúa của hoà bình. Làm sao chúng ta cảm nhận được bình an trong tâm hồn, nếu tội lỗi vẫn còn đè nặng lương tâm của chúng ta? ("Mỗi ngày một tin vui")

2. Tội lỗi làm hại con người hơn bệnh tật phần xác. Thế mà khi mắc bệnh, tôi rất lo lắng và tìm đủ cách để chữa trị; còn khi có tội, tôi không mấy quan tâm sám hối để được tha.

3. Có lẽ câu chuyện Phúc Âm này cũng muốn nói rằng tội lỗi làm cho người ta bị bại liệt. Mà thật vậy, chẳng hạn tội ích kỷ khiến người ta bại liệt không đến được với tha nhân, tội ham mê vật chất khiến người ta bị bại liệt phần tinh thần, tội xác thịt làm bại liệt phần thần khí v.v...

4. “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo “Này anh, anh đã được tha tội rồi”(Lc 5,20)

Trên đường về nhà, tôi đã nhìn thấy những người không nhà, không cửa, không cơm ăn áo mặc, nhưng vẫn vui tươi, lạc quan và hy vọng. Còn tôi, có đủ mọi thứ cho một cuộc sống hạnh phúc, vậy mà cứ trách mình, cứ như một kẻ bất đắc chí. Gặp khó khăn là chán nản buông xuôi, và lòng tin cũng chẳng còn. Tôi ngày càng xa Chúa.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho con, để con có thể đến với Chúa với niềm hân hoan và vượt mọi thử thách với lòng dũng cảm (Epphata).

(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,

Vì yêu thương chúng con, Chúa đã Giáng Sinh làm người để cứu độ trần gian. Chúa đã rong ruổi đường đời để thi ân giáng phúc cho nhân trần. Ðôi tay Chúa đã xoa dịu biết bao mảnh đời khốn khổ lầm than. Ðôi chân Chúa đã vượt qua mọi trở ngại để đến với những con người nghèo khổ, bệnh tật đang bị xã hội loại trừ. Xin cho chúng con biết họa lại tình yêu Chúa trong cung cách sống phục vụ của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu mến yêu, bệnh tật thể xác là nỗi khổ của con người, nhưng bệnh tật về tâm hồn không chỉ giết chết mình mà còn làm khổ tha nhân. Xin Chúa hãy chữa lành bệnh tật tâm hồn chúng con là tội lỗi, là những đam mê mù quáng, là những tham lam vô độ đã gây nên biết bao nỗi đau cho tha nhân và hủy diệt hồn xác chúng con. Xin lôi kéo chúng con ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi. Xin chữa lành những thương tích do tội lỗi gây ra trong tâm hồn chúng con bằng ơn tha thứ của Chúa. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng đón nhận ơn Chúa để sửa mình mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, Chúa đã động lòng xót thương những cảnh đời bất hạnh. Xin xót thương linh hồn tội lỗi chúng con. Xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Chúng con xin dâng gia đình chúng con cho Chúa. Xin gìn giữ mọi người trong ơn lành của Chúa. Chúng con xin tín thác cuộc đời trong sự quan phòng của Chúa. Amen.

(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận