Thứ Ba tuần 3 thường niên.

Đăng lúc: Thứ ba - 23/01/2018 02:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Thứ Ba tuần 3 thường niên.

"Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".

 

LỜI CHÚA: Mc 3,31-35

Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.

Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: "Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy".

Người trả lời rằng: "Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?"

Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: "Ðây là mẹ Ta và anh em Ta. Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta".

 

 

 

 

 

Suy Niệm 1: Ai là Mẹ Ta

Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:

- Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?

Khổng Liệt trả lời:

- Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.

Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.

Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:

- Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.

Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử.

Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy". Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta".

Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.

Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Ôi thân nhân!

Mẹ và anh em Đức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mc. 3, 31-35)

Mấy bữa trước đây, trong một trích đoạn Phúc âm, thánh Maccô đã cho ta biết thái độ của đám bà con thân thích của Chúa Giêsu: họ muốn cách ly Người, bởi cho rằng Người đã mất trí, ngộ đạo và họ bị phiền hà vì danh tiếng này. Vậy mà hình như họ đã thay đổi ý kiến, bởi lẽ hôm nay họ muốn xin được gặp Người, nhắc nhở cho Người quyền lợi gia dình, tình thân thương và lòng kính nể mà thông thường họ có quyền được hưởng. Giữ liên hệ tốt đẹp với bà con họ hàng chẳng phải là điều tự nhiên sao?

Chúa Giêsu có vẻ như không chia sẻ ý kiến này.

Một sự rạn nứt của tình bà con

Khi đọc bản văn này, ta rất mau mắn vin ngay vào những lời cuối cùng: “Người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”. Chúng ta lấy làm vui sướng vì được kết nạp vào gia đình này. Nhưng chúng ta cũng vội làm mất đi ý nghĩa khác mà những lời đó gợi nên, tức là sự rạn nứt trong mối quan hệ tự nhiên của gia đình.

Nếu ta đem liên hệ thái độ này của Chúa Giêsu với lời Người phán trước đây: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không đáng làm môn đệ Thầy”, ta càng ngạc nhiên. Chúa Giêsu chống lại gia đình và những mối liên hệ gia đình chăng? Phải chăng Người muốn ta hiểu biết điều căn bản gì?

Thực ra tin mừng của Chúa không có ý xếp những liên hệ gia đình vàò hàng cuối cùng, mà muốn dạy ta kính nể mọi người cũng như ta vẫn thường kính nể anh chị em cha mẹ ta vậy.

Xét cho cùng, con người từ rất lâu đã quen với những tập tục là phải dành những ưu đãi cho gia đình ruột thịt của mình, phải yêu mến và có trách nhiệm hơn đối với những người cùng chung máu mủ, thì Tin mừng của Chúa hôm nay là một điều mới mẻ: tin mừng đó đòi hỏi ta đối xử với mọi người như nhau và hỏi ta tại sao điều ta làm được cho cha mẹ ta, mà lại không làm cho “tha nhân” được.

 

Suy Niệm 3: THI HÀNH LỜI CHÚA LÀ THÂN NHÂN CỦA NGÀI (Mc 3, 31-35)

Không có bà mẹ nào mà lại không tương con, nhất là những đứa con bị khiếm khuyết cách này hay cách khác!

Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về, vì có tin đồn đoán rằng Đức Giêsu bị điên!

Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, và, đứt dây đương nhiên đụng đến rừng, tức là nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa không khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn khả tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên!

Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.

Tuy nhiên, khi thấy Mẹ và anh em đến tìm mình, Đức Giêsu đã thốt lên và chỉ vào những người đang ngồi quanh Ngài mà nói rằng: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Thưa chính là những người thực hành ý muốn của Cha tôi, người đó là mẹ tôi và anh chị em tôi.

Một câu nói nhằm mặc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc thực thi Lời Chúa hơn là những chuyện bề ngoài. Khi đã thực thi thánh ý Chúa, chúng ta không quan trọng chuyện người ta nói này hay nói kia để bêu dếu, làm mất thanh danh tiếng tốt của ta. Ngược lại, chỉ có một điều đáng làm cho chúng ta sợ, đó là khước từ Lời Chúa và chạy đua những thứ mau qua, chóng hết ở đời, làm cho chúng ta xa dời hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, dù có phải chịu khốn khổ vì Lời Chúa thì vẫn một mực trung thành. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Đây là mẹ tôi

Suy niệm :

Các thân nhân của Đức Giêsu nghĩ Ngài bị mất trí,

vì họ nghe tin Ngài và các môn đệ làm việc nhiều đến nỗi không có giờ ăn.

Các kinh sư từ Giêrusalem xuống

thì kết luận rằng Ngài đã thông đồng với tướng quỷ để trừ quỷ.

Còn đám đông dân chúng lại ngồi nghe Ngài giảng trong nhà.

Hơn ai hết, họ biết Đức Giêsu là ai.

Chính lúc ấy mẹ và anh em của Ngài đến và đứng ngoài.

Họ không vào được, có thể vì đám đông ngồi chật cứng.

Nhưng họ đã nhờ người nhắn với Đức Giêsu.

” Mẹ Thầy và anh em Thầy đang ở ngoài, tìm gặp Thầy đó.”

Rốt cuộc chắc ai cũng biết là Thầy có người thân đến thăm.

Người ta tưởng Ngài sẽ bỏ dở bài giảng để ra ngay gặp họ.

Nhưng Đức Giêsu lại muốn dùng cơ hội này

để nói với đám đông đang ngồi nghe một điều quan trọng.

Ngài đặt cho họ một câu hỏi tưởng như vô nghĩa:

” Ai là mẹ tôi và là anh em tôi?”

Dĩ nhiên là những người đang đứng ngoài kia rồi.

Nhưng không, Ngài đảo mắt nhìn những người đang ngồi,

và nói với họ: “Đây là mẹ tôi và anh em tôi.”

Với lời khẳng định này, Đức Giêsu loan báo về gia đình mới của Ngài.

Có những người thân yêu cùng máu mủ đứng ngoài kia.

Có một gia đình mới đang ngồi trong này.

Đức Giêsu không coi thường hay loại bỏ gia đình ruột thịt.

Nhưng Ngài cho thấy Ngài còn có một gia đình lớn hơn nhiều,

một gia đình gồm những người rất khác nhau về nhiều mặt,

nhưng lại có một mẫu số chung, một điểm giống nhau,

đó là cùng muốn thi hành ý Thiên Chúa trong cuộc sống.

Đức Giêsu đã rời bỏ gia đình để lên đường loan báo Tin Mừng.

Và Ngài cũng đã mời gọi các môn đệ của mình như thế.

Đức Giêsu để lại người mẹ, Phêrô để lại người vợ,

Gioan và Giacôbê để lại người cha.

Tương quan gia đình ruột thịt là điều cao quý thiêng liêng.

Nhưng nó lại không được trở nên một cản trở cho sứ vụ.

Đức Giêsu đã khai mở một đại gia đình mới cho mọi người:

” Bất cứ ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa

người ấy là mẹ tôi, là anh em và chị em tôi.”

Khi thực thi ý Thiên Chúa muốn, người ta trở nên có họ với Đức Giêsu.

Người kitô hữu chúng ta vui sướng được thuộc về gia đình này,

có người Mẹ là Đức Maria suốt đời tín trung sống ý Chúa,

có Đức Giêsu là Anh Trưởng, người Con luôn sống đẹp lòng Cha,

và có bao anh chị em khác đã dám đặt ý Chúa lên trên mạng sống.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,

những hạt cải Chúa gieo vãi cách đây hai ngàn năm

nay đã trở thành cây cao

cho chim trời rủ nhau trú ngụ.

Nhúm men nhỏ bé được Chúa vùi vào khối bột,

đã làm bột dậy lên,

để trở nên tấm bánh thơm ngon cho thế giới.

Sau hai mươi thế kỷ,

các môn đệ Chúa không còn là nhóm Mười Hai bé nhỏ.

Hôm nay, các kitô hữu chiếm gần một phần ba,

người công giáo chiếm hơn một phần sáu dân số thế giới.

Chúng con được mời gọi xây dựng Nước Chúa trên trần gian,

cho đến khi tất cả mọi người nhận biết và tin yêu Chúa.

Xin cho chúng con đừng mặc cảm

vì người công giáo chỉ là thiểu số trên quê hương Việt Nam,

nhưng xin cho chúng con mạnh dạn làm chứng cho Chúa

trong việc xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ.

Hôm nay chúng con phải tiếp tục làm việc như Chúa,

gieo hạt giống để làm nên những cánh rừng,

trở nên chất xúc tác để biến đổi môi trường mình sống.

Và chúng con biết rằng sớm muộn cũng sẽ thành công

vì tin Chúa vẫn cần cù làm việc với chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

Suy niệm: 
A. Phân tích (Hạt giống...)
 
Các đoạn Tin Mừng từ ngày Thứ Ba này đến ngày Thứ Năm đều nói về việc nghe Lời Chúa. Ý tưởng mỗi ngày một tiến thêm:
 
- Thứ Ba (Mc 3,31-35): đề cao những người nghe Lời Chúa.
 
- Thứ Tư (Mc 4,1-20): Nghe Lời Chúa chưa đủ, còn phải sống Lời đó nữa.
 
- Thứ Năm (Mc 4,21-25): Và còn phải loan báo Lời Chúa cho những người khác.
 
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đang giảng Lời Chúa cho những kẻ khao khát nghe. Đúng lúc đó những người bà con đến xin gặp Ngài. Chúa Giêsu tỏ ra coi trọng những người đang nghe Lời Chúa hơn những người bà con: chẳng những Ngài không bỏ việc giảng để ra ngoài gặp bà con, mà còn nói những kẻ đang nghe Ngài giảng mới là gia đình thật của Ngài.
 
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
 
1. "Mẹ và anh em Chúa Giêsu đứng ở ngoài, cho gọi Người ra": Văn mạch phía trước có kể rằng khi hay tin Chúa Giêsu say mê giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến nỗi không có thời giờ ăn uống, "thân nhân của Người liền đi bắt Người vì họ nói rằng Người đã mất trí" (Mc 3,21). Chuyến đó họ không "bắt" (nghĩa là không ngăn cản) Chúa Giêsu được. Có lẽ vì thế mà hôm nay, họ mời thêm Đức Maria. Khi Đức Mẹ đến, hẳn Người không hề có ý cản trở sứ mạng Chúa Giêsu mà chỉ đến để xem xét sự thể ra sao. Dù sao, câu chuyện cũng cho thấy Đức Mẹ chưa hiểu nhiều về sứ mạng của Chúa Giêsu. Đã nhiều lần Mẹ phải ghi nhớ và suy nghĩ trong lòng về những việc lạ lùng nơi con của mình. Cuối cùng, dưới chân Thập giá, Mẹ mới hiểu hết và còn kết hợp sự đau khổ của mình với sự đau khổ của Chúa Giêsu.
 
Chúng ta hãy học nơi Đức Mẹ thái độ ghi nhớ và suy gẫm trong lòng những điều chưa hiểu.
 
2. Theo cách viết của Thánh Mác cô, mẹ và anh em Chúa Giêsu "đứng ở ngoài", còn đám đông nghe Ngài giảng thì "ngồi chung quanh". Như thế nghĩa là những kẻ nghe Lời Chúa còn gần gũi và thân thiết với Ngài còn hơn những người bà con ruột thịt.
 
3. Đối với bản thân mình, Chúa Giêsu coi trọng việc rao giảng Lời Chúa hơn việc gặp bà con; đối với người khác, Ngài coi trọng những người nghe Lời Chúa hơn cả bà con của Ngài.
 
4. Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh đến việc nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Thí dụ: "Đừng lo cho mạng sống lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc… Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiến Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người (nghĩa là thi hành ý Người), còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho" (Mt 6,25-33); "Ai nghe mà không thực hành thì ví được như người xây nhà ngay trên mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào thì nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành" (Lc 6,49).
 
5. "Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em, chị em, là mẹ tôi" (Mc 3,35)
 
Tài xế tắc-xi, một tông đồ NIỀM TIN
 
Một ngày kia, tôi đón tăc-xi ở thành phố Đài Bắc, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bên trong cửa băng ghế sau của xe một dòng chữ "Bạn có thể tìm thấy một vài quyển sách nói về tôn giáo phía sau ghế bạn ngồi, trong lúc xe chạy xin mời bạn đọc chúng. Nếu bạn thích, khi rời xe, bạn có thể mang theo".
 
Tôi thấy đàng trước bác tài cũng đặt một tượng thánh nhỏ. Tôi hỏi bác:
 
- Bác tài ơi, xin vui lòng nói cho tôi biết, các hành khách có thật sự quan tâm đến những cuốn sách đạo của bác không ?
 
- Ồ, có chứ. Có người đọc, có người lấy đi luôn nữa.
 
Tôi hỏi tiếp:
 
- Bác cảm thấy thế nào ?
 
- Thật sung sướng anh à. Anh biết không, tôi không có nhiều giờ để đi nhà thờ, tôi luôn chạy trên đường phố. Đây là cách làm việc tông đồ của tôi. Tôi rất sung sướng được làm hai việc một lúc: tài xế, và loan báo Tin mừng, không cần phải làm thêm giờ. Đây là một nghề tuyệt vời.
 
Một vài người công giáo đã phân phát cho các tài xế tăc-xi ở Đài Bắc những băng dán ở cửa xe có in hình thánh giá và những lời sau đây: "Chúa cùng lái xe với chúng ta", mặt sau là lời cầu nguyện của những bác tài xế: "Lạy Chúa, khi con lái xe, xin giúp con biết yêu thương tha nhân như chính mình, để con không làm gì xúc phạm hoặc gây thiệt hại cho con cái Chúa. Xin giữ mắt con được sáng suốt tay chân được khéo léo. Xin giúp tâm trí con được an bình và thân xác được thư thái. Xin đừng để con nhiễm thói cạnh tranh và mọi bực bội về việc làm của những người khác, xin giúp con được thượng lộ bình an".
 
Bản thân là một kitô hữu, tôi đã thuộc về Đức Kitô. Biết và thi hành ý muốn của Chúa, tôi sẽ là mẹ, là anh chị em của Người. Vâng, Chúa đã nói với những kẻ ngồi xung quanh Người như thế.
 
Hôm nay, Chúa cũng tha thiết nói với tôi, với những người xung quanh tôi như vậy, từ những người trí thức đến những người thấp kém trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ đón nhận và làm cho lời Chúa thấm nhuần cả đời sống của ta, gia đình và xã hội, để Chúa Giêsu không ngừng lớn lên trong ta và trong mọi người. Như thế đó, ta vừa là mẹ vừa là anh chị em của Người.
 
Nhiều lần tôi đã từ chối chức vụ cao trọng ấy, vì còn miệt mài cạnh tranh, dành giật những địa vị khá hơn, cao hơn ; mong cho cuộc sống được "sung túc".
 
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin cho con biết trọng địa vị cao sang Chúa dành cho con là được làm mẹ và làm anh chị em Người, khi lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa. (Epphata
 
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Từ khóa:

làm theo, thiên chúa

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận