Dâng Chúa trong Đền Thánh

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/02/2018 02:35 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH (Lễ nến). Lễ kính.

"Mắt tôi đã nhìn thấy ơn cứu độ".

 

* Dâng Chúa trong Đền Thánh, Chúa Kitô gặp gỡ dân thánh nơi con người cụ già Simêon, Đức Maria được thanh tẩy theo luật Môsê, lễ Nến, đó là những tên gọi khác nhau để chỉ ngày lễ hôm nay, bốn mươi ngày sau lễ Giáng Sinh, kết thúc những ngày lễ trọng mừng việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người nơi Ngôi Lời mặc xác phàm.

 

Lời Chúa: Lc 2, 22-40

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy, hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giêrusalem, có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết, trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

"Lạy Chúa, giờ đây, Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an theo như lời Chúa đã phán: vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là Ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo Luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Dâng con trẻ

Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta mừng kính hai biến cố: đó là việc thanh tẩy của Đức Maria và việc dâng Chúa Giêsu nơi đền thờ.

Trước hết là việc thanh tẩy của Đức Maria.

Theo luật Maisen, người đàn bà sau khi sinh nở, thì bị coi là uế tạp... Suốt 40 ngày, người ấy không được lên đền thờ tham dự vào những nghi lễ đạo đức. Sau đó người ấy phải đến trình diện trước thầy cả để được thanh tẩy.

Trên nguyên tắc Mẹ Maria không cần phải giữ luật Maisen vì Mẹ là Đấng trong sạch tuyệt vời. Nhưng cũng như Đức Kitô, Mẹ muốn hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, nên hôm nay Mẹ đã chịu thanh tẩy theo như đã quy định.

Tiếp đến là việc dâng Chúa nơi đền thờ.

Kể từ khi thiên thần đã giết các con đầu lòng của người Ai cập, còn dân Do Thái lên đường, ra khỏi đất nước này với kiêp sống nô lệ lầm than, thì những con đầu lòng của người Do Thái được coi như là thuộc về Thiên Chúa và có bổn phận lo việc phụng tự Ngài. Thế nhưng sau đó, công việc phụng tự này được trao lại cho chi họ Lêvi. Vì vậy, những người con trai đầu lòng phải được cha mẹ chuộc lại bằng một số tiền nhỏ.

Ngày hôm nay Mẹ Maria cũng tuân giữ điều luật này khi dâng hài nhi Giêsu nơi đền thờ.

Hiện giờ tại nhiều xứ đạo, người ta tổ chức nghi lễ dâng những người mẹ và những đứa con cho Đức Maria. Đây không phải là một nghi lễ thanh tẩy của người Do Thái, vì bí tích Hôn nhân là một cái gì thánh thiện, và khi sinh sản con cái, cha mẹ tham dự vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng nghi lễ này có mục đích tôn vinh người mẹ.

Cũng như Mẹ Maria không tới đền thờ một mình, nhưng tới với hài nhi Giêsu. Người mẹ hôm nay đến nhà thờ với những đứa con nhỏ của mình. Vị linh mục mặc áo các phép, tiến đến cửa nhà thờ để chào đón các bà. Ngài cầm cây nến, tượng trưng cho tình trạng ơn sủng mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép Rửa tội. Rồi sau đó những người mẹ và những đứa con tiến vào nhà thờ trong tiếng hát tạ ơn của lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa và thần trí tôi hoan hỉ trong Đấng cứu độ tôi”.

Vị linh mục dâng lên Thiên Chúa và Mẹ Maria lời cầu nguyện:

- Lạy Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria, xin cho những người mẹ và những đứa con này, sau cuộc sống trần gian, được đạt tới niềm hạnh phúc vĩnh cửu.

Sau đó, ngài cầu xin Chúa Giêsu, Đấng đặt biệt yêu thương các trẻ nhỏ, chúc lành và gìn giữ những em nhỏ này khỏi mọi sự dữ, để các em được lớn lên trong sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa, hầu ngày sau cùng được Chúa đón nhận vào quê hương Nước Trời.

Linh mục rảy nước thánh và ban phép lành:

- Xin Thiên Chúa là Cha, và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.

Nghi thức và những lời kinh thập đẹp. Ước chi mỗi bà mẹ cũng hãy cảm tạ Thiên Chúa vì thiên chức cao cả mà Ngài đã dành cho chúng ta. Đồng thời hãy noi gương bắt chước Mẹ Maria dâng con mình cho Chúa để Chúa nâng đỡ và phù trợ chúng luôn mãi, hôm nay và sau này, trên vạn nẻo đường đời.

 

SUY NIỆM 2: Trinh nữ hiến dâng

Mừng kính biến cố Mẹ dâng Chúa vào đền thờ, chúng ta cùng nhau chia sẻ về tâm tình dâng hiến của Mẹ. Thực vậy, trong tông huấn “Marialis Cultus”, bàn về lòng tôn sùng kính mến Mẹ, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã gọi Mẹ là “Trinh nữ hiến dâng Virgo offerans”. Chỉ cần nhìn vào cuộc đời của Mẹ, chúng ta sẽ thấy ngay được sự dâng hiến ấy.

Trước hết, theo truyền thuyết thì năm lên ba, Mẹ đã theo cha mẹ lên đền thờ, rồi  ở lại đó một thời gian. Trong thời gian này, Mẹ đã học hỏi Kinh thánh, tập luyện các nhân đức và khấn giữ mình đồng trinh, một nhân đức rất hiếm người Do thái hiểu và giữ lúc bấy giờ. Mẹ đã dâng hiến trọn vẹn tâm hồn và thể xác cho Thiên Chúa.

Tiếp đến trong hoạt cảnh truyền tin, Mẹ đã dâng hiến cõi lòng của Mẹ, làm thành như một chiếc nôi hồng cho Ngôi Lời giáng thế. Và hôm nay, Mẹ đã dâng hiến người con yêu dấu của Mẹ cho Thiên Chúa theo như lề luật qui định, để rồi sự dâng hiến này đạt tới cao điểm  của nó trên đỉnh đồi Canvê, khi Mẹ đứng dưới chân cây thập giá nhìn Chúa chịu sát tế làm của lễ đền tội cho nhân loại.

Nhìn vào mẫu gương của Mẹ, chúng ta rút ra được một kết luận như sau:

Dâng hiến và đau khổ luôn đi liền với nhau.

Thực vậy, không một sự dâng hiến nào mà lại không có khổ đau. Và hơn thế nữa, chính những khổ đau này sẽ làm cho việc dâng hiến trở nên cao cả và có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tại sao thế?

Tôi xin thưa vì dâng hiến là gì nếu không phải là lấy đi phần cao quí nhất để trao cho người mình thương mến. Mà đã cho đi thì phải mất mát. Mà mất mát thì phải tiếc xót. Chính vì thế, sự dâng hiến nào cũng đòi buộc phải chấp nhận hy sinh và khổ đau.

Nhìn vào Mẹ, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy.  Một khi đã cúi đầu xin vâng, Mẹ cũng sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau sẽ xảy đến.

Chúng ta hãy nghĩ tới bàu khí ngột ngạt và căng thẳng trong gia đình, khi thánh Giuse nhận ra Mẹ đã mang thai không bởi hành động của mình. Mẹ đã âm thầm chịu đựng, mặc cho Thiên Chúa hành động và làm sáng tỏ vấn đề.

Chúng ta hãy nghĩ tới việc Mẹ lên đường trở về Bêlem để đăng ký hộ khẩu giữa lúc bụng mang dạ chửa, việc sinh Chúa trong cảnh nghèo túng của máng cỏ giữa nơi đồng vắng, việc trốn chạy giữa đêm khuya và những cực nhọc nơi đất khách quê người bên Ai Cập cũng như những lao động vất vả tại Nagiarét.

Rồi trong ngày hôm nay, Mẹ đã phải đón nhận lời tiên báo đầy cay đắng của ông già Simêon:

- Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu qua lòng bà…

Lời tiên báo này đã được thực hiện qua từng biến cố cuộc đời và đã trở nên trọn vẹn trên đỉnh đồi Canvê. Tại đây, sự dâng hiến trở nên tuyệt hảo nhất, thì hy sinh và đau khổ cũng đáng cay và chua xót nhất. Mẹ đã kết hiệp với Đức Kitô trong máu và nước mắt, để dâng hiến cho Thiên Chúa một của lễ cao cả nhất.

Nhìn vào Chúa, chúng ta lại càng thấy rõ sự thật này hơn nữa.

Thực vậy, mục đích của việc xuống thế làm người là gì nếu không phải là để cứu chuộc nhân loại. Nhưng đâu là giây phút quan trọng nhất trong chương trình cứu độ, nếu không phải là giây phút Ngài hiến dâng trên bàn thờ thập giá. Tất cả cuộc đời của Ngài chỉ là một sự chuẩn bị cho giây phút trọng đại này. Mọi tư tưởng, lời nói và việc làm của Ngài đều hướng tới đỉnh cao thập giá, chính tại đây Ngài đã chấp nhận những đớn đau và tủi nhục. Ngài đã sinh ra trong khó nghèo, lớn lên trong vất vả và chết đi trong nhục nhã. Thế nhưng, chính nhờ việc tự hạ này, mà Thiên Chúa đã nâng Ngài lên và tôn vinh Ngài.

Còn chúng ta thì sao?

Nếu muốn sống tâm tình dâng hiến như Chúa và Mẹ, chúng ta cũng phải chấp nhận hy sinh và khổ đau trong cuộc sống hằng ngày. Đúng thế, chúng ta vốn thường ngại hy sinh và chạy trốn đau khổ, nhưng làm sao có thể lẩn tránh vì chúng được chất đầy trong cuộc sống chúng ta, chi bằng hãy can đảm chấp nhận.

Hy sinh va khổ đau không phải là một cái gì làm cho chúng ta sợ hãi, những là một phần của đời sống chúng ta. Nếu biết đón nhận, nó sẽ thanh tẩy và làm cho chúng ta trở nên tinh ròng, như tục ngữ cũng đã nói: lửa thử vàng, gian nan thử đức.

Hơn thế nữa, nếu chúng ta biết chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, thì những hy sinh và khổ đau ấy sẽ trở nên công phúc cho chúng ta, bởi vì lòng yêu mến là như chiếc đũa thần biến những hy sinh và khổ đau trở thành những sợi chỉ vàng, dệt nên tấm vải cuộc đời và làm cho cuộc đời chúng ta thực sự có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

 Chính vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ: Anh em hãy hiến dâng thân xác anh em làm của lễ đẹp lòng Thiên Chúa, bởi vì Ngài yêu thích những ai trao ban một cách vui vẻ.

 

SUY NIỆM 3: Tiến Dâng Cho Chúa

Sống là chấp nhận thuộc về. Mở mắt chào đời là thuộc về một gia đình, một đất nước. Càng sống con người càng thấy mình thuộc về nhiều hơn. Thuộc về một nhóm, một giáo xứ, một nơi làm việc...

Khi đôi bạn trẻ yêu nhau, họ muốn trái tim của họ thuộc về nhau. Thuộc về nhau là nền tảng của sự chung thủy.

Đối với Do thái giáo, bé trai đầu lòng mới sinh ra thì thuộc về Chúa, được thánh hiến dành riêng cho Chúa. Cha mẹ cậu phải bỏ ra một món tiền tượng trưng để chuộc cậu về cho mình (x. Ds 18,15-16; Xh 13,13)

Bài Tin Mừng hôm nay không nói đến chuyện chuộc con, nhưng lại nói đến việc bà Maria và ông Giuse tiến dâng con trai đầu lòng cho Chúa.

Đức Giêsu đã sống nghiêm túc sự tiến dâng này suốt đời. Ngài thuộc về Thiên Chúa Cha một cách trọn vẹn. Từ khi vào đời làm người, Ngài đã nói: "Này tôi xin đến để thực thi ý Chúa." (Dt 10, 9)

Năm 12 tuổi, cậu Giêsu đã cố ý ở lại Đền Thờ, mà cậu gọi là nhà Cha của cậu (x. Lc 2, 49).

Khi chịu phép rửa ở sông Giođan, Đức Giêsu ý thức rõ hơn mình là Con, thuộc về Cha, được Cha sai vào giữa lòng nhân loại (x. Mc 1,11).

Có biết bao cám dỗ trong những năm rao giảng, cám dỗ từ ma quỷ, từ đám đông, từ môn đệ. Cám dỗ lôi kéo Ngài sống cho mình, và không muốn thuộc về Cha, Đấng sai Ngài đi.

"Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra" (Ga 14,10).

"Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì ngoại trừ điều Con thấy Chúa Cha làm" (Ga 5,19).

Đức Giêsu không tự mình nói, tự mình làm, vì Ngài đã vượt qua được cái tôi, và để cho Cha chiếm hữu toàn bộ cuộc sống.

Nếu chúng ta dám nói và làm theo ý Cha, chúng ta sẽ giống Đức Giêsu: thuộc trọn về Thiên Chúa.

Thuộc về Thiên Chúa phải là nền tảng chi phối mọi tương quan của ta với thụ tạo khác.

Cậu bé Giêsu được đưa lên Đền Thờ lần đầu tiên.

Chúng ta thấy một đôi vợ chồng nghèo với đứa con nhỏ, đứng lẫn trong đám đông, chờ đến phiên mình. Ai có mắt để thấy được sự lớn lao của mầu nhiệm?

Si-mê-on: một người công chính và mộ đạo, một người đầy Thánh Thần và sống trong chờ đợi. An-na: một góa phụ già nua phụng thờ Chúa đêm ngày, trong ăn chay và cầu nguyện.

Để thấy Chúa trong cái đều đặn, bình thường, buồn tẻ, cần có một đời sống đạo đức sâu xa.

Chúa có thể gặp ta như một sự tình cờ, nhưng thật ra lại là kết quả của những năm dài chuẩn bị.

Gợi Ý Chia Sẻ

Bạn hãy chia sẻ cho biết hiện nay bạn đang thấy mình "thuộc về" những người nào hay những tập thể nào. Sự thuộc về mạnh nhất của bạn hiện nay đặt ở đâu? Bạn thấy có nguy hiểm gì không?

Thuộc về Thiên Chúa, thuộc về tha nhân: có khi nào bạn cảm nghiệm điều đó một cách mãnh liệt không? Xin chia sẻ.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Sống cho Chúa thật là điều khó. Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình, ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng trước khi con tập sống cho Chúa và thuộc về Chúa thì Chúa đã sống cho con và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

SUY NIỆM 4: Đức Giêsu hay Đức Maria: Lễ Dâng Con

Cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem để dâng Hài Nhi Giê-su trong đền thờ là tục lệ sau này, thời Abraham và Môisê chưa có đền thờ! nhưng lễ dâng con thực sự có từ thời cắt bì, đó là lúc dâng con trẻ và lễ hy sinh đền tội và lễ tạ ơn.

Của lễ Đức Ma-ri-a dâng hoàn toàn hợp luật Môisê. Đức Ma-ri-a dâng mình trong đền thờ, Ngài vào đền thánh xin tư tế dâng lễ hy sinh lên trước Giavê Thiên Chúa để đền tội và thanh tẩy.

Điều đó dạy tôi gì? tôi phải hiểu sứ điệp đó thế nào? vì luôn luôn Tin Mừng nói với tôi một sứ điệp qua những câu kinh thánh. Tôi phải suy niệm, mới giúp tôi hài lòng về những đợt sóng lời Chúa, xem ra bên ngoài có vẻ vô dụng, nhưng đó là những tiếng nói linh ứng cho ai biết tự cầu nguyện tự phát.

Sứ điệp đó là sứ điệp sống dịu hiền, vui mừng trung thành theo luật dạy một cách đơn sơ chân thành. Bài ca của cụ già Simêon rất đẹp, lời tiên tri của bà Anna gợi lên một hình ảnh huyền diệu tô điểm thêm cho ngày dâng con.

Hai chứng nhân này nói với chúng ta rằng những kẻ nhỏ bé, khiêm tốn, nghèo khó cầu nguyện Thánh Thần trong con tim của họ. Chúa Thánh Thần mặc khải rằng Thiên Chúa ở đó với họ, và khi Chúa tự tỏ mình ra, thì chẳng còn gì bên ngoài thế giới lay chuyển được họ. Vinh quang của Thiên Chúa tỏ ra trong sự thấp hèn và tối tăm như Hài Nhi tỏ vinh quang nơi hang lừa máng cỏ.

“Cháu còn là dấu hiệu gây chia rẽ...”. Lời tiên tri này là tiếng vang của lời Chúa sau này nghe như xé nát tâm can: Ai yêu mến cha mẹ mình... hơn tôi, không đáng làm môn đệ tôi”. “Ai không thuận với tôi, là chống lại tôi”. “Ai muốn theo tôi, phải tự bỏ mình, vác thập giá mình mà theo tôi”.

Môn đệ không trọng hơn Thầy. Không thể cứu mình khi còn nắm lấy những chuỗi xích khoái lạc và những tư tưởng riêng tư của mình.

Cần hoàn toàn đơn sơ chân thành yêu mến Đấng ban ơn hơn là xin ơn.

J.M

 

SUY NIỆM 5: Ánh sáng và vinh quang

Suy niệm:

“Thứ bốn thì ngắm, Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh,

ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”

Đức Mẹ đã muốn giữ Luật Chúa một cách nghiêm chỉnh.

Luật trong sách Lêvi (12, 2-8) đòi buộc người mẹ 40 ngày sau khi sinh con trai

phải lên đền thờ để được thanh tẩy và phải dâng lễ vật nữa.

Nếu không đủ khả năng dâng một con chiên và một bồ câu non

thì phải dâng một cặp bồ câu non hay một đôi chim gáy.

Ngày nay chúng ta không thể hiểu tại sao Đức Mẹ phải dâng lễ tạ tội

và phải được thanh tẩy sau khi sinh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.

Tại sao việc sinh nở lại bị coi là ô uế?

Dù sao Mẹ Đấng Cứu Thế đã vâng theo Luật dạy.

Hơn nữa, cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Con cho Chúa trong đền thờ.

Điều này Luật không buộc, nhưng Mẹ đã làm vì lòng sốt sắng.

Thật ra để chuộc lại con trai đầu lòng,

chỉ cần trả cho tư tế gần 60 gam bạc (Ds 18, 15-16).

Mẹ sung sướng đem Con lên đền thờ dâng cho Thiên Chúa

vì hơn ai hết Mẹ biết rằng Hài Nhi Giêsu này là quà tặng Chúa ban cho mình.

Dâng Con là nhìn nhận Con mình mãi mãi thuộc trọn về Chúa,

ở với Chúa và làm việc cho Chúa suốt đời,

dù mình đã chuộc Con về bằng một số bạc được ấn định theo Luật dạy.

Bài Tin Mừng hôm nay có 4 lần nói đến “Luật” (cc.23.24.27.39).

Về việc giữ Luật, Đức Maria đã không đòi một ngoại lệ hay đặc ân nào.

Hãy nhìn ngắm Thánh Gia lên đền thờ.

Một đôi vợ chồng nghèo bồng một đứa con còn rất nhỏ.

Ai có thể nhận ra đứa bé này là Đấng Kitô, là ơn cứu độ cho muôn dân?

Đó là cụ Simêon, một người đạo hạnh, luôn mong chờ điều Chúa hứa.

Hơn nữa cụ là người có Thánh Thần hằng ngự trên (c.25),

người được Thánh Thần linh báo (c. 26), và thúc đẩy lên đền thờ (c. 27).

Chính Thánh Thần làm cụ nhận ra điều mắt thường không thấy,

Và cụ sung sướng, mãn nguyện bồng Hài Nhi trên tay.

Cụ bà ngôn sứ Anna cũng nhận ra Đấng Cứu chuộc đến với mình.

Cụ là người đạo đức, ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.

Cụ bà Anna đã công khai giới thiệu Hài Nhi cho những người chung quanh.

Để gặp được Chúa trong đời thường, chúng ta cần có lòng mong ngóng,

cần sống đời sống đẹp lòng Chúa và cần được Thánh Thần mách bảo.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

1. Theo Luật Chúa truyền (c. 21-24)

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Luca, khi kể lại mầu nhiệm Hài Nhi Giê-su được cha mẹ đem đến Đền Thánh để dâng cho Thiên Chúa, nói đến Lề Luật nhiều lần (c. 22, 23, 24, 27 và 39):
Bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. (c. 22-24)

Theo Lề Luật được ghi lại trong các sách Xuất Hành, Lê-vi và Dân Số, có ba nghi thức dành cho người mẹ sinh con trai đầu lòng: lễ cắt bì (St 17 và Lv 12, 3), dâng của lễ thanh tẩy người mẹ (Lv 12, 6-8), và thánh hiến cho Đức Chúa mọi con đầu lòng (Xh 13, 2). Về lễ thanh tẩy người mẹ sau khi sinh, luật buộc phải dâng một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu, nếu nhà nghèo thì dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Như thế, Thánh Gia thuộc diện gia đình nghèo, như thánh sử Luca kể lại: “Và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.”

Về người con trai đầu lòng, Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay là thú vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13, 2) Tuy nhiên, vì lòng thương cảm, ông Mô-se đã cho chuộc lại:

Mọi con đầu lòng của giống lừa, ngươi sẽ lấy một con chiên mà chuộc lại; nếu ngươi không chuộc lại, thì đánh gãy ót nó đi. Còn mọi con đầu lòng của loài người trong số con cái ngươi, thì ngươi sẽ chuộc lại. Vậy mai ngày con của ngươi có hỏi: “Điều đó nghĩa là gì?” Thì ngươi sẽ nói với nó: “ĐỨC CHÚA đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa chúng ta ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ…” (Xh 13, 13-15; có thể đọc thêm Xh 34, 20 và Ds 18, 15-16)

Như thế, Luật không buộc dâng tiến con trai cho Đức Chúa, nhưng Đức Maria và thánh Giuse vẫn tiến dâng hài nhi Giêsu cho Đức Chúa. Như thế, các ngài đã “hoàn tất” lề luật bằng cách “vượt qua” lề luật, nghĩa là chu toàn lề luật bằng lòng biết ơn và lòng mến (chứ không phải vì bị ép buộc), và được thúc đẩy bởi lòng biết ơn và lòng mến; vì thế, các ngài đã làm hơn cả sự đòi hỏi của luật. Đó chính là cách mà sau này Đức Giê-su mời gọi chúng ta “hoàn tất” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48).

Trong cuộc sống, nhất là trong đời sống dâng hiến, chúng ta luôn được mời gọi không chỉ sống theo lề luật những còn chọn sống theo một năng động, năng động qui về Chúa hay năng động qui về mình hoặc “những sự khác”, bởi vì Luật không thể qui định hết mọi việc phải làm hay phải tránh. Vì thế, trong truyền thông đời tu, ngày lễ Dâng Hài Nhi Giê-su cho Thiên Chúa, thường được chọn để tổ chức lễ khấn; hoặc bài Tin Mừng này thường được chọn cho ngày lễ khấn.

Trong mầu nhiệm Truyền Tin, Đức Maria đã nói lên lời xin vâng: « Tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như như lời sứ thần nói ». Lời này của Đức Maria phát xuất từ năng động của lòng biết ơn và yêu mến; vì thế, Mẹ ước ao những gì xẩy ra cho mình không còn theo ý mình, chương trình của mình nữa, nhưng là theo ý muốn của Thiên Chúa. Và chính trong tâm tình của lời “xin vâng”, mà Mẹ được mời gọi dâng lại cho Thiên Chúa chính người con mình sinh ra, giống như Abraham, người con từ xương thịt máu huyết của mình, để cho người con thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chứ không phải của mình; và nếu theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì Mẹ phải chịu thử thách và đau khổ nhiều, như cụ Si-mê-on tiên báo: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (c. 35) Như thế, Mẹ Maria đã học biết dâng con mình cho Đức Chúa ngay lúc sinh ra. Và phải sống điều này từng ngày (biến cố 12 tuổi là dấu chỉ). Thế mà, Đức Giêsu đối với mẹ là yêu quí nhất, thiết thân nhất, gắn bó nhất, và như là chính bản thân mình.

Còn chúng ta, dĩ nhiên chúng ta không có « người con duy nhất », nhưng chúng ta luôn có những điều yêu quí, thiết thân, gắn bó như chính bản thân mình. Luật không buộc chúng ta phải dâng tiến đời mình trong đời tu, dâng tiến những gì mình có và mình là, dâng tiến ý riêng, quyền làm cha làm mẹ, quyền sở hữu. Nhưng chúng ta, giống như Đức Maria, chúng ta dâng tiến tất cả vì lòng biết ơn và yêu mến. Nếu không có lòng biết ơn và lòng yêu mến, chúng ta không thể sống đời tu, còn được gọi là « đời sống thánh hiến ».

2. Ngôn sứ Si-mê-on và ngôn sứ An-na (c. 25-38)

a. Ngôn sứ Si-mê-on (c. 25-35)

Chính trong hành động dâng tiến điều quí giá nhất, là Hài Nhi Giê-su, mà ơn cứu độ được nhận ra và tuyên xưng bởi ngôn sứ Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, mong chờ niềm an ủi của Israen, và cũng là của chính ông (được diễn tả qua lời chúc tụng). Đặc biệt « Thánh Thần ngự trên ông » (« Thánh Thần » được nói tới 3 lần), ông là con người thiêng liêng. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :
Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con được nhìn thấy ơn cứu độ.

Chắc chắn ông đã phải chờ đợi biến cố này rất lâu. Chúng ta cũng cần học ở nơi ông sự kiên nhẫn chờ đợi ơn an ủi. Như chúng ta đều biết, lời chúc tụng của ngôn sứ Si-mê-on trở thành lời kinh tối hằng ngày của chúng ta, bởi vì mỗi tối nhắc nhớ chúng ta thời điểm cuối cùng của cuộc đời chúng ta, tất yếu sẽ đến và không biết đến lúc nào ; và chúng ta được mời gọi như ngôn sứ Si-mê-on, cũng nói lên niềm vui được nhìn thấy ơn cứu độ.

Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, lòng ước ao của chúng ta và Thánh Thần làm cho chúng ta nhận ra, gặp gỡ, lắng nghe, học tập để hiểu biết và yêu mến Chúa, ngang qua những gì rất « nhỏ bé và đơn sơ », đó là Lời Kinh Thánh.

Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tương phản : một bên là em bé mới sinh, yếu đuối, nhỏ bé, bất lực ; một bên là niềm tin thật lớn và niềm vui cũng thật lớn : ông nhìn thấy ơn cứu độ nơi Đức Giêsu bé nhỏ. Ơn cứu độ mà ông nhìn tận mắt là gì, là ai: một em bé, trong tay vợ chồng trẻ đơn sơ bình dị (bố là thợ mộc, mẹ là nội trợ; giống như cha mẹ nhiều người trong chúng ta). Nhưng niềm vui đến từ xác tín thật là lớn. Chúng ta chứng kiến và đón nhận nhiều hơn thế, nhưng chúng ta ít vui bằng.

Các mục đồng được các thiên thần loan báo tin trọng đại, nhưng điều mà họ nhìn thấy, chỉ là một hài nhi bọc tả. Sau này, các môn đệ, và cả loài người chúng ta được mời gọi nhìn ra ơn cứu độ nơi Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, cũng yếu đuối, nhỏ bé và bất lực. Nhưng điều chúng ta tin, lại là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vị ngôn sứ cũng loan báo khó khăn của Đức Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là cuộc “thương khó” của Đức Maria: “Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Con tim của Mẹ sẽ tan nát, khi mất đi người con. Nhưng mẹ đã học để mất từ từ rồi và ngay ở đây, khi dâng Người Con yêu dấu và duy nhất cho Đức Chúa. Nhưng chính khi cho là lãnh nhận, lãnh nhận gấp trăm ; thực vậy, Mẹ sẽ nhận lại Người Con rạng ngời trong mầu nhiệm Phục Sinh cùng với « một đàn con đông đúc ».

b. Nữ ngôn sứ An-na (v. 36-38)

Vị nữ ngôn sứ ở tuổi tám mươi, không nói gì cả, chỉ sống hi sinh âm thầm mà thôi. Trong khi đó ông Simon thì nói nhiều! Bà sống như một nữ tu kín thật lâu: cứ cho là bà lấy chồng lúc 20 tuồi, 7 năm sau thì ở góa, và đến nay đã ở góa được năm mươi bảy năm! Bà là hình ảnh sống động của sứ điệp mà trình thuật Tin Mừng muốn truyền đạt cho chúng ta: đó là dâng lại cho Đức Chúa tất cả. Thật vậy, như bài Tin Mừng diễn tả, “bà không rời bỏ đền thờ, những ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa”. Chính vì thế mà bà cũng được ơn nhận ra ơn cứu độ nơi hài nhi Giêsu.

Và sau khi gặp gỡ hài nhi, bà “nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem”.

3. Hoàn tất Lề Luật (v. 39-40)

Sau khi hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, Thánh Gia trở về cư ngụ ở làng Nadarét, miền Galilê. Tiếp theo là đời sống ẩn dật kéo dài suốt 30 năm, và các Tin Mừng hầu như không kể lại gì về thời gian này. Tại sao? Đơn giản là vì, đời sống này rất đỗi bình thường, như cuộc đời của chính chúng ta. Chẳng có gì đặc biệt để có thể viết thành sách hồi kí với những tình tiết và giai đoạn sóng gió, li kì.

Bình thường, nhưng cũng rất lạ lùng, vì sự kì diệu của ngôi vị Đức Giêsu trong lời nói và việc làm sau này được chuẩn bị từ thời gian âm thầm này. Chẳng hạn, cách Ngài nói về Chúa Cha, cách Ngài giảng bằng các dụ ngôn, cách Ngài tiếp xúc với những người bệnh tật, thấp hèn, tội lỗi, nhỏ bé… chắc chắn xuất phát từ kinh nghiệm sống sâu xa và sự học hỏi bền bỉ trong những năm tháng dài của đời sống ẩn dật. Theo gương Đức Giê-su Hài Đồng và Niên Thiếu, chúng ta được mời gọi đón nhận tối đa thời gian chuẩn bị, huấn luyện, học tập, thực tập… thay vì để lãng phí, và nhất là thời gian tĩnh tâm cầu nguyện.

Và trong thời gian này, “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (c. 40). Ngài đầy khôn ngoan, nhưng là sự khôn ngoan nào? Chúng ta được mời gọi cảm nhận nơi Ngài sự khôn ngoan thần linh, được tỏ bày trong lời nói và việc làm của Ngài, và nhất là nơi Thập Giá. Thập Giá dưới mắt của con người là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với chúng ta, những người được Chúa kêu gọi, lại là Khôn Ngoan thần linh (x. 1Cr 1, 24).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận