Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

Đăng lúc: Thứ năm - 18/01/2018 01:47 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.

"Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người".

 

LỜI CHÚA: Mc 3, 7-12

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm.

Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

 

 

 

Suy Niệm 1: Hiểu biết Chúa Giêsu

Có một giai thoại về Trang Tử như sau:

Một hôm, Trang Tử cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: "Tại sao cây này không dùng được?", Trang tử liền nói: "Cây này vì bất tài mà được sống lâu".

Về đến nhà, nguời thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang Tử:

- Hôm qua, cái cây trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy xử trí thế nào?

Trang Tử cười và nói:

- Tài và bất tài đều là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.

Ðông Phương đề cao sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi vào tri giao mật thiết.

Trong Tin Mừng hôm nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với tri giao, mà chỉ là thù hận.

Ðặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi".

Ước gì tâm tình và xác tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 2: Khi người ta quá nhiệt tình

Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giêsu, thì xấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa.”(Mc. 3, 10-11)

Phúc âm Maccô như ta đã biết, có nhiều chi tiết rất ý vị, tỏ ra ngài có một con mắt tinh tường khi nhìn những sự việc bình thường. Hôm nay Maccô kể lại rằng Chúa Giêsu muốn để khỏi bị đám đông chen lấn, nên đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để Người ngồi ở đó mà giảng dạy và chữa bệnh cho dân. Maccô đã tả lại cảnh huyên náo của đám đông bằng những lời giản dị mà sắc bén: “Họ đổ xô đến để sờ vào Người”. Các thánh sử khác chỉ viết nôm na rằng: dân chúng đến với Người; trái lại thánh Maccô nhấn mạnh đến việc người ta chen lấn xô đẩy nhau mà đến.

Những thái độ này có thể giúp ta phân tích lối cư xử của chúng ta. Thực ra chúng ta có nhiệt tình đến với Đức Kitô không?

Hoảng hốt và vội vã

Ta hãy thử phân tách những lúc ta sống vội vã, để biết ta đang đồng hội đồng thuyền với ai, đang chạy theo thần tượng nào.

Chúng ta vội vã để kịp mua được món có lời, để kịp chuyến xe buýt, để mua được tấm vé đi coi tuồng, để làm qua loa cho xong công chuyện của ngày. Chúng ta hối hả đi xem cho được trận đá banh, hay đi nghỉ cuối tuần.

Điều khiến Chúa Giêsu lo lắng bồn chồn ngày nay, hẳn không phải là chuyện người ta hồ hởi đổ xô đến với Người như xưa. Chắc chắn là Người sẽ không sợ bị ngộp thở vì lòng nhiệt thành sốt sắng của các tín hữu.

Cõi lòng ngổn ngang

Không, điều khiến Chúa Kitô phải lo láng buồn phiền, có lẽ vì Người thấy chúng ta đến với Người mà lòng ngổn ngang trăm mối. Vì lo hưởng thụ, mà ta xốn xang chạy khắp đó đây để thỏa mãn cơn đói khát ấy, cả ngày chỉ bận rộn về cái gọi là “những nhu cầu của đời sống hiện đại”! Nói cho cùng, chúng ta đi tới chỗ giống như một cửa tiệm sưu tầm đồ cổ, mà trên quầy đã chất đống những món đồ. Và để quên đi cảm tưởng bị ngộp thở vì cảnh bộn bề ngổn ngang này, ta vội chạy đến vớí những cuộc “săn tìm” mới lạ khác.

Nếu Chúa Giêsu không muốn để người ta chen lấn, xô đẩy Người trong những điều kiện này, thiết tưởng cũng là chuyện thông thường thôi.

 

Suy Niệm 3: ĐI THEO CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ? (Mc 3, 7-12)

Có nhiều thái độ đi theo Đức Giêsu. Có người đi theo Đức Giêsu chỉ vì hiếu kỳ; có người vì trục lợi; lại có người theo vì hiệu ứng đám đông; nhưng cũng có người theo Đức Giêsu vì lòng mến. Tuy nhiên, con số này chỉ là thiểu số, đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa số họ theo Ngài vì thực dụng.

Hôm nay, Bài Tin Mừng thánh Máccô thuật lại việc Đức Giêsu được đám đông lũ lượt đi theo Ngài, đến nỗi Ngài phải ngồi trên một chiếc thuyền mà giảng dạy.

Họ đến với Ngài vì nghe danh tiếng và việc làm của Ngài khá nhiều. Thấy họ, Đức Giêsu lại một lần nữa chạnh lòng thương và ra tay tế độ cho họ bằng việc chữa lành nhiều thứ bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ Ma Quỷ.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Chúa để được Ngài chữa lành bệnh tật thiêng liêng và nhất là kín múc được nguồn ân sủng phong phú từ tình yêu của Ngài. Đồng thời cũng biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống của cuộc đời, chứ không chỉ thực dụng trước mắt mà thôi.

Hơn nữa, ngang qua những hành động của Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi chạnh lòng thương đến người anh chị em chúng ta như chính Chúa đã chạnh lòng thương đến ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống và mục đích của cuộc đời. Xin trái tim của Chúa luôn là sự cuốn hút chúng con đến say mê, để chúng con luôn biết rung động trước sự khốn cùng của anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 4: Chữa lành nhiều bệnh nhân

Suy niệm :

Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược

những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.

Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),

nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.

Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem

kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),

giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.

Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).

Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !

Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.

Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.

Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền

để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám đông.

Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.

Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).

Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.

Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.

Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,

họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.

Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,

nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.

Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành

khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.

Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.

Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,

đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.

Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,

và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công giáo.

Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu

không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa”,

nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.

 

Cầu nguyện :

Lạy Chúa,

xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin

để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,

nơi khuôn mặt khốn khổ

của tất cả những người bị thử thách :

những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,

nhưng vì thiếu Lời Chúa;

những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,

nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;

những kẻ vô gia cư,

không chỉ tìm kiếm một mái nhà,

nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;

những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,

không chỉ trong thân xác,

nhưng còn trong tinh thần nữa,

bằng cách thực thi lời hy vọng này :

“Điều mà ngươi làm

cho người bé mọn nhất trong anh em

là làm cho chính Ta”. Amen.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 SUY NIỆM:

1. Ý định loại trừ

Một loạt bất đồng của “họ” với Đức Giê-su (Mc 2, 1 – 3, 6) đã dẫn tới ý định thuần túy, nghĩa là vô cớ, loại trừ Người. Thật vậy, lúc đầu họ nhân danh lề luật để chất vấn Đức Giê-su: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2, 7) Sau đó, tiếp tục dựa vào lề luật để dò xét, họ nêu ra nhiều thắc mắc: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” (c. 16); “Sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” (c. 18); “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép” (c. 24).
Và sau cùng, như bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua kể lại, “họ làm thinh” (3, 4). Sự thinh lặng của họ diễn tả lựa chọn sự chết trong nội tâm: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su” (c. 6).

2. “Người lánh về phía Biển Hồ”

Tuy nhiên, Đức Giê-su không đối đầu với họ bằng sức mạnh, nhưng lánh đi cùng với các môn đệ:

Đức Giê-su cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. (c. 7)

Điều này loan báo cách Ngài đối đầu với họ trong cuộc Thương Khó; nghĩa là, Ngài không dùng sức mạnh chống lại sức mạnh, bạo lực chống lại bạo lực, vì sức mạnh biểu hiện dưới dạng bạo lực không phù hợp với căn tính đích thật của Ngài, nhưng dùng sự hiền lành và sự tín thác nơi Thiên Chúa, là Nguồn Sự Sống mạnh hơn sự chết, như Tv 8 loan báo:

Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, 
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, 
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan. (Tv 8, 3)

Nhưng chính khi Ngài lánh đi, chính khi Ngài “vượt qua” họ, Ngài trở thành điểm qui tụ muôn người: 
Và từ miền Giu-đê, từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người. (c. 7-8)

Và từ nơi Ngài lan tỏa năng lực chữa lành khỏi bệnh tật và thần dữ, nghĩa là năng lực phục hồi sự sống cho con người:

Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để đụng vào Người. Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” (c. 10-11)

Chúng ta thường bị ấn tượng và ưa thích những phép lạ chữa bệnh, vì bệnh tật làm cho con người khốn khổ. Tuy nhiên, bệnh tật lại thuộc về thân phận con người, đã là người thì phải trải qua, không tránh được: sinh lão bệnh tử; nhưng sự sống của con người bị quấy phá, bị chi phối bởi ma quỉ, bởi thần dữ mới là bi đát hơn, trong mức độ ma quỉ gieo vào lòng con người và vào tương quan giữa người với người sự nghi ngờ, loại trừ, bạo lực, ham muốn, ghen tị, dục vọng… Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những sự dữ này còn phá hoại sự sống của chúng ta hơn cả bệnh tật. Và chỉ có Lời Chúa, và tuyệt đỉnh là “Lời Thập Giá” (1Cr 18, 1) mới có thể chữa lành, giải thoát chúng ta khỏi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ.

3. Mầu Nhiệm Vượt Qua

Những gì thánh sử Mác-cô kể lại ở đây đã loan báo cho chúng ta mầu nhiệm Phục Sinh rồi, nghĩa là mầu nhiệm Đức Ki-tô chiến thắng sự dữ và sự chết và Ngài chia sẻ sự sống viên mãn mạnh hơn sự dữ và sự chết của Ngài cho chúng ta ngay từ cuộc đời này. Hình ảnh Đức Giê-su ngồi trên thuyền ở Biển Hồ, diễn tả Đức Ki-tô Phục Sinh chiến thắng sự chết, được tượng trưng bằng khía cạnh hủy diệt của Biển Cả.
Như thế mầu nhiệm Vượt Qua được ghi khắc khắp nơi trong cuộc đời của Đức Giê-su, cũng như đã được ghi khắc khắp nơi trong sáng tạo: đó là ơn lương thực hướng tới Lương Thực Hằng Sống, hạt lúa mì nói lên hành trình Vượt Qua; và trong lịch sử: đó là lịch sử cứu độ được Thư Do-Thái nhắc lại (Dt 8, 6-13) nhắc lại, đó là tương quan giữa Gô-li-át với vua Đa-vít; sau đó giữa vua Sa-un và vua Đa-vít, được kể lại trong 1Sm 17-18.

Xin cho chúng ta cũng nhận ra những dấu vết của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời và hành trình ơn gọi của chúng ta, vì đó là niềm hi vọng, và cũng là lời hứa, hướng chúng ta đến mầu nhiệm Vượt Qua viên mãn của Đức Ki-tô.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận