Thánh Phaolô Tông Đồ Trở Lại

Đăng lúc: Thứ năm - 25/01/2018 00:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI. Lễ kính.

Kết thúc tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất.

“Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian”.

 

* Trên đường đi Đamát, ông Saolô quê thành Tácxô đã khám phá ra hai điều: Trước hết, Đức Giêsu Nadarét là Đấng đã phục sinh, cũng là Đấng được Thiên Chúa ban phúc lành; thứ đến, Đấng phục sinh với các Kitô hữu là các anh em người, chỉ là một.

Khám phá này là nguồn ánh sáng soi chiếu cả cuộc đời thánh nhân.

 

Lời Chúa: Mc 16, 15-18

Khi ấy, Chúa Giêsu (hiện ra với mười một môn đệ và) nói: ”Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những dấu lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân được lành mạnh”.

 

 

 

SUY NIỆM 1: Tông Đồ Phaolô Trở Lại

Người ta gọi Ngài một biệt danh như thế, nhưng Ngài không được hân hạnh như nhóm 12 các ông, đã được trông thấy Người, được nghe, được đi theo sau khi được Người chọn các ông. Đối với 12 vị, Đức Ki-tô không phải là người xa lạ, đó là người cùng làng xóm. Một người cùng chi họ. Còn Phaolô, ông không bao giờ trông thấy Đức Ki-tô. Nếu ông là kẻ bắt bớ các tông đồ và các môn đệ, không phải vì các ông này tuyên xưng danh Đức Ki-tô, nhưng các ông cũng như Đức Ki-tô, đã làm rối trật tự, Phaolô là người biệt phái, công dân Rôma, môn sinh của các thầy nổi tiếng thời đó. Ong không đấu tranh chống lại một bóng ma, nhưng chống lại những kẻ theo một giáo lý mới làm điên cuồng.

Một thế hệ mới...

Phaolô đã là một người thuộc thế hệ mới của các tông đồ. Công vụ tông đồ kể lại một cách tóm tắt cho chúng ta đoán được Phaolô chắc chắn đã tiêu hao nhiều năm đi bắt bớ các tín hữu, trước khi bị té ngựa trước ánh sáng Đức Ki-tô. Sứ điệp của Đức Ki-tô đã ban bố và được đón nhận khắp xứ Giuđa. Trước khi Phaolô xuất hiện. Phêrô đã làm cho nhiều người ngoài Do Thái trở lại rửa tội.

Phaolô, một người thuộc thế hệ mới, vì ông sống trong nền văn hóa Hy lạp, được giáo dục Rôma. Và cuộc trở lại của ông là nhờ ơn Chúa biến đổi ông tận gốc.

Cho tới ông, Tin Mừng còn hạn chế chỉ giảng cho người Do Thái, trừ Phêrô mới giảng một lần cho dân ngoại. Nhưng khi đến thời giảng Tin Mừng cho dân ngoại, thì Phaolô trở thành một Tarrê, một bổn đạo mới đã được trao trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho muôn dân.

Thánh Thần đổi mới.

Phải trông cậy vào Thánh Thần, Ngài đến canh tân mọi sự, Thánh Thần muôn đời tươi trẻ. Ngài không bảo chúng ta phải chiều theo những tính hay thay đổi của tuổi trẻ, bắt chước những tính đó là làm trò hề và ngu muội, Ngài bảo chúng ta phải biết lắng nghe những gì cao đẹp và tươi trẻ, và thi hành trọn vẹn những đòi hỏi của chân lý của chân thành, của ân huệ và hướng dẫn những tính tự nhiên đó sống theo Thánh Thần.

Ước mong những người đạo lâu đời trở nên những người đầu trong tình yêu và tái sinh thành trẻ trung và đổi mới theo Thánh Thần.

J.M

 

SUY NIỆM 2: Thánh Phaolô Trở lại

Hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của Thánh Phaolô.

Theo Sách Công Vụ các sứ đồ, quyển sử ký ghi lại trong giai đoạn tiên khởi của Giáo Hội, Saolê, tên gọi Do Thái của Phaolô, là một thanh niên phong thái và đầy nhiệt huyết đối với Ðạo. Vừa thụ huấn xong với một thầy Rabbi nổi tiếng trong nước, Saolê xung phong đi săn lùng những người môn đệ của Ðức Kitô mà anh cho là một bè phái đi ngược lại với Ðạo giáo.

Một hôm, đang trên đường đi Damascô để lùng bắt các môn đệ của Chúa Giêsu, anh đã bị một luồng Sáng đánh quật té xuống khỏi ngựa và từ trong ánh sáng ấy, anh đã nhận ra tiếng nói của Chúa Giêsu: "Ta là Giêsu mà ngươi đang bắt hại".

Từ đó, sự hăng say bách hại các Kitô hữu đã biến thành lòng nhiệt thành phụng sự Giáo Hội của Ðức Kitô. Thiên Chúa đã sử dụng Phaolô làm khí cụ Truyền Giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại, tức là các dân tộc ở ngoại Do Thái Giáo.

Cuộc trở lại của Thánh Phaolô đã đánh dấu một khúc quan trọng nhất trong lịch sử của Giáo Hội tiên khởi. Tin Mừng không chỉ giới hạn trong ranh giới của Do Thái cũng như lề luật Maisen, Tin Mừng còn là một nối dài của Do Thái Giáo, nhưng chính là một Tôn Giáo mới cho mọi dân tộc, mọi văn hóa.

Giáo Hội tưởng niệm biến cố trở lại của thánh Phaolô như cao điểm của tuần lễ cầu cho hiệp nhất. Nơi thánh Phaolô, con người đã dám vượt ra khỏi ranh giới của dân tộc, của Ðạo Giáo của mình, để tuyên bố: Hãy trở thành Hy Lạp với người Hy Lạp, La Mã với người La Mã, nô lệ với người nô lệ. Giáo Hội nhận ra kiểu mẫu đích thực của hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể thực hiện được, nếu mỗi người môn đệ của Chúa Giêsu có đủ can đảm ra khỏi chính mình. Phải chăng đó không là đòi hỏi đầu tiên của sự trở lại?

Theo từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa Học Xã Hội, "trở lại" nghĩa là về nơi mình ra đi.

Nơi mình đã xuất phát, nơi mình đã ra đi đối với người Kitô chúng ta là gì nếu không phải là Thiên Chúa. Như vậy, trở lại chính là quay trở về với Thiên Chúa.

Sự quay trở lại ấy đòi hỏi một sự từ bỏ tận căn và một thái độ sẵn sàng tuyệt đối. Chúng ta phải đọc lại sự trở lại của Thánh Phaolô: Phaolô là một người thanh niên hăng say với lý tưởng. Lý tưởng của anh chính là phụng sự Chúa hết mình bằng cách tiêu diệt những kẻ mà anh cho là Tà Ðạo. Nhưng trong phút chốc, lần ngã ngựa đau điếng cả người hôm đó đã buộc anh phải xoay chiều hoàn toàn: Những gì anh cho là Tà Ðạo trước kia nay anh phải xem lại Chính Ðạo. Phaolô phải quay ngược đường trở lại. Từ bỏ tất cả những gì mình hằng ôm ấp từ trước đến nay, từ bỏ con đường mình đang đi, Phaolô đã trở thành một khí cụ mềm nhũn trong tay Chúa.

Ra khỏi chính mình, từ bỏ chính mình để trở thành khí cụ trong tay Chúa: đó là đặc điểm của sự trở lại trong Kitô giáo chúng ta.

Sự trở lại đó không chỉ là sự quay về với Chúa của những người không tín ngưỡng, của những người từ chối Giáo Hội khác, nhưng là đòi hỏi từng ngày của người Kitô. Mỗi lúc một đến gần với cùng đích của chúng ta là chính Chúa: đó là lý tưởng của người Kitô chúng ta.

Càng đến gần với Chúa càng sẵn sàng trở nên khí cụ của Chúa, chúng ta càng đến gần với tha nhân.

Xin Thánh Phaolô mà chúng ta tưởng niệm biến cố trở lại hôm nay, giúp chúng ta hiểu được sự trở lại đích thực mà người Kitô chúng ta phải theo đuổi mỗi ngày.

(Trích trong ‘Lẽ Sống’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 3: Con phải làm gì?

Suy niệm :

Bài sách Công vụ Tông đồ hôm nay kể về một cuộc gặp gỡ lạ lùng

giữa Đức Giêsu Nadarét với anh Saun, kẻ đang bách hại các Kitô hữu.

Chính Ngài muốn gặp anh trên con đường anh đang đi.

Dưới mắt Saun, Kitô hữu là những kẻ bỏ đạo Do Thái chính thống,

để chạy theo một tà phái của ông Giêsu nào đó mà họ tin là đã phục sinh.

Trong tư cách là một người Pharisêu nhiệt thành và nghiêm túc (c. 3),

Sa-un thấy mình có bổn phận phải trừng trị những kẻ phản đạo,

bằng cách bắt bớ, xiềng xích, tống ngục, thậm chí thủ tiêu (cc. 4-5).

Chính lúc đang say sưa đến gần thành Đamát thì anh bị quật ngã.

Cuộc gặp gỡ bắt đầu, đời anh từ nay giở sang một trang mới.

Khi anh đang tự tin và hiên ngang tiến bước,

thì ánh sáng chói lòa từ trời làm anh ngã quỵ (c. 7).

Khi Saun nghĩ mình là người sáng mắt,

thì ngay giữa trưa, anh trở nên mù lòa (c. 11).

Khi anh định chỉ đạo cho những kẻ lầm đường lạc lối,

thì bây giờ anh lại cần một người cầm tay dắt đi (c. 11).

Cuộc đối thoại bắt đầu giữa anh với người mà anh chỉ nghe tiếng nói.

Ngài âu yếm gọi tên anh hai lần và tự giới thiệu:

“Saun, Saun, tại sao ngươi bắt bớ Ta?

Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ” (c. 8).

Bắt bớ các Kitô hữu là bắt bớ chính Đức Giêsu.

Đức Giêsu và các Kitô hữu là một.

Bài học đầu tiên này Saun sẽ chẳng thể nào quên.

“Lạy Chúa, con phải làm gì?” (c. 10).

Lần đầu tiên Saun gọi người mà anh không hề tin là Chúa.

Khi tuyên xưng Đức Giêsu Nadarét là Chúa,

anh lập tức phó thác cho Ngài, để Ngài chỉ bảo điều mình phải làm.

Nhưng Chúa Giêsu phục sinh đã không nói gì.

Ngài trao anh cho ông Khanania, một người chưa phải là Kitô hữu.

Chính ông này cho mắt anh thấy lại và cho anh biết

anh được chọn để làm chứng nhân cho Ngài trước mặt mọi người.

Đamát là nơi Đức Giêsu tỏ mình cho Saun, cũng được gọi là Phaolô,

là nơi ông nghe tiếng gọi trở nên tông đồ cho dân Ngoại,

và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc hoán cải tận căn của ông.

Chính mặc khải của Đấng phục sinh dẫn đến ơn gọi và hoán cải.

Từ nay cuộc đời của Phaolô đi sang một hướng mới.

Giêsu đã trở nên trung tâm của đời ông.

“Tôi coi tất cả như đồ bỏ, để chiếm được Đức Kitô” (Ph 3, 8).

Biến cố trên đường đi Đamát đã chia đời ông làm hai.

“Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua,

để lao mình về phía trước” (Ph 3, 13).

Chúng ta cũng có những kinh nghiệm như Phaolô:

ngã ngựa, mù lòa, nghe và gặp Đức Kitô, rồi hoán cải.

Như Phaolô, mong chúng ta để cho Đức Kitô Giêsu chiếm lấy mình,

và trở nên người tông đồ nhiệt thành cho thế giới.

 

Cầu nguyện :Xin hãy dẫn dắt con đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ thất vọng đến hy vọng, từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an trong trái tim chúng con, trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM:

Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba phần như sau:

(A) Nghe lời chứng (c. 9-13)

(B) Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

(A’) Đi làm chứng (c. 15-18)

1. Nghe lời chứng (c. 9-13)

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của những người đã từng sống với Đức Giê-su đang buồn bã khóc lóc (x. Mc 16, 9). Chắc chắn, Đức Ki-tô phục sinh cũng cảm thông với họ, như đã cảm thông với bà Maria Mác-đa-la và hai môn đệ trên đường Emmau.

Nhưng tại sao họ lại buồn bã khóc lóc ? Giống như bà Maria và hai môn đệ trước khi gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, họ chỉ nhìn vào các biến một cách khách quan và cục bộ : là chết rồi, là thất bại, là ngõ cụt, là thất vọng, là không khởi đi từ đâu và cũng không dẫn tới đâu. Vì thế, họ buồn rầu khóc lóc, không thấy hướng đi, ý nghĩa cuộc đời, « ngũ quan » khép kín, bị ngăn chặn không nhớ lại ơn huệ sáng tạo, lịch sử cứu độ và nhất là không nhớ lại lời dạy của Đức Giê-su về mầu nhiệm Vượt Qua; vì không nhớ lại, nên họ cũng không thể mở ra với lời chứng của các chứng nhân, với sự hiện diện vô hình của Đấng Phục Sinh, với sự sống sau sự chết.

Chúng ta hãy lắng nghe các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, với tất cả niềm xác tín, niềm vui và niềm hi vọng. Chúng ta có thể nhớ lại kinh nghiệm cầu nguyện của chúng ta với hai biến cố :

– Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho bà Maria Mác-đa-la (x. Mc 19, 9)

– Biến cố Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho môn đệ trên đường Emmau (x. Mc 16, 12).

Chúng ta hãy lắng nghe và đi vào tâm tình của các chứng nhân chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh : hai môn đệ đã chia sẻ với tất cả niềm xác tín và niềm vui như thế nào ? Và các ông đã ước ao thông truyền kinh nghiệm của mình như thế nào ? Nhưng rốt cuộc, các ông đã « hụt hẫng » như thế nào, khi những người nghe không tiếp nhận chứng từ của họ ? Và chúng ta đã có kinh nghiệm làm chứng nhân chưa ? Phải chuẩn bị mình thế nào để làm chứng ; và khi người nghe không tin, lúc đó, sẽ phải phản ứng ra sao ? Chúng ta có thể tự hỏi tại sao những người nghe lại không tin ?

Các môn đệ đóng kín cửa phòng, hình ảnh của việc đóng kín tâm hồn, không chịu ra khỏi mình để nhớ lại lời loan báo của Đức Ki-tô, và nhất là lời loan báo của Kinh Thánh, và đọc các biến cố Đức Ki-tô và những biến cố liên quan đến đời mình dưới ánh sáng của lời Kinh Thánh. Đức tin và ơn gọi của chúng ta dựa trên lời chứng của Giáo Hội và của rất nhiều người xa gần. Chúng ta đã từng ở trong tình trạng không tin như thế chưa ?

2. Đích thân gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh (c. 14)

Đức Giê-su tỏ mình ra đang khi các ông dùng bữa. Tại sao Đức Giê-su lại chọn lúc này, chứ không vào lúc khác, chẳng hạn đang cầu nguyện, đang hội họp, hay như chúng ta, đang đọc kinh hay chầu Thánh Thể ? Lắng nghe lời khiển trách của Đức Giê-su : không tin và cứng lòng, đối với các chứng nhân. 
Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. (c. 14)

Chúa coi trọng việc chúng ta làm chứng cho nhau biết bao : lời của của người khác dành cho chúng ta, lời chứng của chúng ta dành cho người khác. Tại sao Chúa coi trọng lời chứng như thế ? Đức Ki-tô mời gọi chúng ta, trước khi trở thành chứng nhân, chúng ta được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe các chứng nhân. Và điều này phải làm chúng ta ngặc nhiên : kinh nghiệm này cũng phải có, ngay cả đối với các tông đồ, vốn là các chứng nhân ưu tuyển ! Thật vậy, trước khi trở thành chứng nhân, chính các tông đồ cũng đã phải trải qua kinh nghiệm lắng nghe các chứng nhân khác, vốn đã được ban ơn nhận ra Đức Ki-tô phục sinh trước. Đó là chứng từ của bà Maria Mác-đa-la (x. Mc 16, 11 và Ga 20, 18), chính vì thế bà được Truyền Thống Giáo Hội tặng ban tước hiệu « Tông đồ của các Tông Đồ » ; và đó cũng là chứng từ của hai môn đệ từ Emmau trở về :
Bấy giờ, hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. (Lc 24, 35)

Tuy nhiên, để trở thành chứng nhân, lắng nghe lời chứng vẫn chưa đủ, bởi vì đó mới chỉ là lời mời gọi hướng đến, chứ không thay thế được, kinh nghiệm đích thân nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô phục sinh ; nhưng niềm tin mà chúng ta đặt để lời chứng của các chứng nhân là điều kiện không thể thiếu dẫn chúng ta đi vào kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Đấng Phục Sinh.

3. Đi làm chứng (c. 15-18)

Đức Ki-tô phục sinh vẫn tin tưởng các môn đệ của mình, ngang qua việc trao sứ mạng. Chúng ta hãy dừng lại suy gẫm từng lời của Đức Ki-tô:

– “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Như thế, Tin Mừng của Đức Giê-su Ki-tô có tầm mức sáng tạo, bởi vì sứ điệp của Tin Mừng và sứ điệp của sáng tạo là một, vì cả hai đều có cùng một nguồn gốc là Ngôi Lời Thiên Chúa. Để hiểu điều này chúng ta có thể đọc Rm 10, 18 dưới ánh sáng của Tv 19, 5.

– « Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án ». Khi không tin, người ta đã tự kết án chính mình, như Đức Giê-su nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an : « kẻ không tin, thì bị kết án rồi » (Ga 3, 18). Và thực tế cuộc sống cho thấy, khi không tin vào sự sống, người ta sẽ chẳng mấy chốc làm việc cho sự chết, sống cho sự chết và thuộc về sự chết, bởi vì đối với họ chết là mạnh nhất, là cùng đích. Ngược lại, lòng tin mang lại cứu độ, như Đức Giê-su hay tuyên bố : « Lòng tin của con đã cứu con ».

– « Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ. »

Thế hệ dầu tiên đã được ơn đặc biệt như thế, để khai sinh ra Giáo Hội. Còn chúng ta, những ơn này bây giờ vẫn được ban, nhưng dưới những hình thức khác, tuy không ngoạn mục, nhưng sâu xa và bền vững hơn :

– Nhận định thần loại, nghĩa là phân biệt và nhận ra cách hành động của Chúa và các hành động của Sự Dữ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, và nhất là ngôi vị của Đức Ki-tô trong mầu nhiệm Vượt Qua.

– Thông truyền đức tin và kinh nghiệm, cho dù có rất nhiều khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa… (kinh nghiệm của các nhà truyền giáo)

– Con rắn, thuốc độc, biểu tượng của sự dữ và bạo lực. Chúng ta có thể chiến thắng nhờ Thập Giá Đức Ki-tô ; như lời Tv 8 : « Chúa cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan ».

– Hiện diện, quan tâm chăm sóc bệnh nhân, là điều không thể thiếu bên cạnh các biện pháp chữa trị y khoa, và sẽ là điều còn lại sau cùng giúp người bệnh tín thác vào tình yêu Thiên Chúa ngay trong thử thách bệnh tật và sự chết.

Nhưng trên hết là, chúng ta được mời gọi thi hành sứ mạng « nhân danh Đức Ki-tô », chúng ta chỉ là tôi tớ, là nữ tì ; và vì thế, phải để cho Chúa hành động.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Từ khóa:

kết thúc, tuần lễ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận