Lịch sử cứu độ, bài số 9

Đăng lúc: Thứ năm - 23/11/2017 21:30 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Bài 9

 

HỒNG ÂN CỨU ĐỘ

 

Trong bài này, dựa vào các tác phẩm Tân Ước, đặc biệt các Tin Mừng và những nghiên cứu về thế giới của Tân Ước thời Chúa Giêsu, chúng ta thảo luận thế giới của Tân Ước vào thời của Chúa Giêsu và thế nào ơn cứu độ được thực hiện trong Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.

 

1. Những khuynh hướng chính ở Palestine thời Chúa Giêsu

Tân ước đề câp nhiều đến những người thuộc những những khuynh hướng (trường phái) khác nhau: Pharisiêu, Saduceo, Hêrôđê, Zelot, Samaritano và lương dân, tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra 3 khuynh hướng chung nổi bật liên quan đến lòng mong đợi Đấng Cứu Thế: đám đông dân chúng mong chờ một Đấng Cứu Thế đến giải phóng đất nước khỏi ách thống trị Rôma bằng quân sự; giới lãnh đạo cộng đoàn Do Thái lại chỉ tập chú vào các lễ nghi tôn giáo và lề luật; những người Essience lại sống tách biệt thành cộng đoàn với lối sống khổ chế để chờ đợi sự phán xét đến gần và sự cứu thoát của Thiên Chúa dành cho họ – con cái ánh sáng. Ngoài ra, Luca còn cho chúng ta thấy những tâm hồn công chính, những người nghèo (anawim) của Thiên Chúa như Simeon, Anna, Giacaria, Elisabet, Giuse – người công chính và nổi bật hơn cả là Trinh Nữ Maria – họ là số còn lại được hưởng kỷ nguyên của Đấng Cứu Thế.

 

2. Tin Mừng ơn cứu độ

Thánh Phaolô trong lá thư gởi tin hữu Galata (4,4) đã chỉ ra sự kiện “Con Thiên Chúa sinh làm con của một người đàn bà sống dưới chế độ lề luật” là thời viên mãn. Thánh Matthêu trong trình thuật về gia phả của Chúa Giêsu không chỉ muốn minh chứng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế thuộc dòng Đavit mà con kín đáo chỉ ra sự sinh hạ của Chúa Giêsu là khởi đầu của thời viên mãn. Thư Do Thái trình bày Chúa Giêsu, Người Con của Thiên Chúa chính là điểm đến, đỉnh cao, sự hoàn thành và sự viên mãn của mạc khải của Thiên Chúa (Dt 1,1). Thánh Luca, cũng muốn làm sáng tỏ điều này khi đặt biến cố truyền tin cho Đức Maria vào một thời điểm chính xác “tháng thứ sáu” sau sự kiện truyền tin cho Giacaria. Xa hơn nữa, Luca đã chỉ ra sự giáng sinh của Đấng Cứu Độ, Đấng Kitô và là Đức Chúa là Tin Mừng không chỉ cho một loại người hay một dân tộc nào nhưng là cho toàn dân. Chính Chúa Giêsu của Luca cũng khẳng định Ngài vừa là người được sai đi để loan báo Tin Mừng vừa là chính Tin Mừng của Thiên Chúa cho những người bất hạnh.

 

3. Hồng Ân Cứu Độ

a. Rao Giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa

Chủ đề nổi bật nhất trong lời rao giảng của Chúa Giêsu là “Nước Thiên Chúa”. Một thuật ngữ dùng để diễn tả lãnh vực ảnh hưởng và quyền lực của Thiên Chúa, một hiện tượng không thể bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Theo Chúa Giêsu, vương quốc của Thiên Chúa không chỉ ở trên trời hoặc trong tương lai nhưng đúng hơn là một thực tại được trải nghiệm ở đây lúc này.

 

Khi Chúa Giêsu nói: ”Nước Thiên Chúa đã đến gần anh em”. Nó tương tự như ta nói rằng “Thiên Chúa đã sẵn sàng và đang sẵn sàng để làm chủ cuộc sống của chúng ta ngay ở đây, lúc này. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Nước Thiên Chúa cũng mang chiều kích tương lai, và Tân Ước trình bày Chưa Giêsu như đang nói về điều này. Sẽ có một cuộc phán xét cuối cùng trong đó, chính Người sẽ chủ tọa và con người hoặc được ban hạnh phúc hoặc bị kết án đời đời do mối liên hệ của họ với Thiên Chúa và chính Chúa Giêsu. Phúc lành tương lai, như Chúa Giêsu dạy, dành cho những người tin vào Ngài và những người trung tín với Ngài trong lời và trong hành động.

 

Ngoài ra một số chủ đề nổi bật khác cũng xuất hiện trong giáo huấn và lời rao giảng của Chúa Giêsu: 1) một lời mời gọi tới lòng trung tín không thỏa hiệp với Thiên Chúa và tin tưởng tuyệt đối vào Ngài; (2) một lời hứa về sự tha thứ dẫn đến sự giao hòa của những tội nhân và một sự bao gồm mới của những người bị loại trừ giữa dân của Thiên Chúa; (3) một đạo đức yêu thương mới tuyên bố tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân là bản toát yếu của tất cả giới răn của Thiên Chúa, và hối thúc con người yêu mọi người kể cả kẻ thù của mình; (4) một sự đảo ngược về giá trị những phán quyết mà khẳng định rằng Thiên Chúa yêu thương người nghèo hơn những người giàu và người yếu thế hơn người quyền thế.

 

b. Thực hiện hồng ân cứu độ

Các tác giả Tân Ước đặc biệt các Tin Mừng đều chỉ ra cuộc vượt qua của Chúa Giêsu là đỉnh cao và nguồn mạch của hồng ân cứu độ.

 

Thánh Marcô cho thấy mọi bí mật về Đấng Cứu Thể chỉ được tỏ lộ nơi cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá: bức màn ngăn cách Thiên Chúa và con người, Do thái và dân ngoại bị xé toang và người đầu tiên, một sĩ quan ngoại giáo đã đón nhận đức tin và ơn cứu độ (Mc 15,33-39). Thánh Matthêu thêm vào khung cảnh cái chết của Chúa Giêsu sự kiện đất rung đá vỡ và xác của nhiều vị thánh đã an nghĩ được trỗi dậy để chỉ ra ơn cứu độ như một sự giải thoát con người, kể cả người công chính, khỏi sự kiềm tỏa của sự chết và đưa vào sự sống (Mt 27,45-56). Thánh Luca là tác giả duy nhất nhận dạng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ ngay trong biến cố nhập thể và chiều kích “hiện tại của ơn cứu độ” cũng không phủ nhận hành động cứu độ đạt tới đỉnh cao nơi cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá. Xa hơn Marcô và Matthêu, Luca thêm vào hiện trường dưới chân thánh giá “toàn thể đám đông dân chúng đã kéo đến xem cảnh tượng ấy, khi chứng kiến sự việc xảy ra, đều đấm ngực trở về” (Lc 23,48) – sám hối là khởi đầu của niềm tin và nhờ tin, họ được cứu thoát. Thánh Gioan đi xa hơn khi trình bày cộng đoàn dưới chân thập giá như một cộng đoàn mới được sinh ra từ cái chết của Chúa Giêsu, nơi Thần Khi được trao ban và trong một liên hệ mới với Thân Mẫu Người và môn đệ Người yêu mến. Cuối cùng, theo thánh Phaolô, nhập thể hướng về cứu độ (Gal 4,4), được thực hiện qua cái chết vâng phục và tự nguyện của Chúa Giêsu trên thánh giá (Plip 2,2-11), nhờ đó, con người được thứ tha tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, được tinh tuyền thánh thiện, được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa, nên những người con trong Người Con, Đấng quy tụ tất cả vạn vật lại với Người và trong Người và cuối cùng để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.  

 

Kết luận

Lịch sử cứu độ hướng về Đức Kitô và hoàn tất nơi con người, cuộc sống, lời rao giảng, cái chết và sự phục sinh của Người. Một không gian của tình yêu và sự sống được mở ra cho cộng đồng nhân loại mà đã khởi đầu dưới chân thập giá – nơi những người tin vào Chúa Kitô được Thần Khí hướng dẫn. Trong bài tới đây, chúng ta sẽ thảo luận về cách thức thông phần vào ơn cứu độ, vào cộng đoàn Hội Thánh mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập.

 

Lm Augustino Nguyễn Đức Lợi

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận