Lịch sử cứu độ, bài số 10

Đăng lúc: Thứ sáu - 22/12/2017 22:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Bài 10

THÔNG PHẦN VÀO ƠN CỨU ĐỘ

 

Thánh Augustinô đã nói: “Để dựng nên con Thiên Chúa không cần con, nhưng để cứu độ con Chúa cần con đáp lời”. Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu độ của Chúa Cha với vũ trụ và nhân loại qua cuộc sống, lời rao giảng, cái chết cứu độ của Ngài. Đón nhận ơn cứu độ là đáp trả tự do của mỗi người. Bài này thảo luận những phương cách hiệp thông vào ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô; cũng thảo luận hiệu quả của sự hiệp thông và, sau cùng là nhìn vào Hội Thánh như mầu nhiệm của hiệp thông trong Chúa Kitô.

 

1. Đức Kitô và ơn cứu độ của Ngài

Ơn cứu độ là chính sự sống thần linh của Thiên Chúa. Được cứu độ là được thông phần vào sự sống của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Chúa Cha là nguồn mạch mọi phúc lành mà không qua Chúa Giêsu. Ngài là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, cách đặc biệt qua việc Ngài hiến mình làm giá chuộc cho nhiều người (x. 1 Tm 2,5). Hội Thánh sơ khai cũng khẳng định vai trò trung gian cứu độ duy nhất của Chúa Giêsu: “Hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa vì dưới gầm trời này, không có một DANH nào khác đã được ban xuống cho nhân loại, để phải nhờ vào đó mà chúng ta trông được cứu thoát (Cv 4,12). Chúa Giêsu khẳng định: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Cũng vậy, tác giả thư Do Thái viết: “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13,8).

 

2. Hiệp thông với Đức Kitô

Chúng ta được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa nhờ Đức Kitô bởi lòng tin, tình yêu và các bí tích.

 

a. Tác giả Tin Mừng thứ tư xác định cách rõ ràng mục đích của cuốn sách: “Những điều đã viết ra ở đây là để anh em tin rằng: Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, con Thiên Chúa và bởi tin thì anh em được sự sống nhờ Danh Ngài” (Ga 20,31).

 

Chính Chúa Giêsu, trong cuộc sống công khai, đã không ngừng nhắc nhớ mọi người tầm quan trọng của đức tin như là điều kiện để được cứu độ và giải thoát độ “đức tin của con đã cứu chữa con”.

 

Thánh Phaolô cũng khẳng định: “Nếu miệng ngươi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng ngươi tin rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu. Vì tin trong lòng sẽ được công chính, còn tuyên xưng ngoài môi miệng thì được ơn cứu rỗi” (Rm 10,9-10).

 

b. Thánh Gioan liên kết ơn cứu độ không chỉ với lòng tin mà cả tình yêu: “Sự sống đời đời chính là nhận biết Cha là Thiên Chúa và Đức Kitô là Đấng Cha sai đến”. Nhận biết, theo thánh Gioan, không chỉ thuộc lãnh vực tri thức, nhưng trên và trước hết, chính là tình yêu. Người yêu mến Chúa Giêsu sẽ được ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa cũng sẽ ở lại trong họ cùng với sự sống của Người: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại nơi người ấy” (Ga 14,21-26). Người yêu mến Chúa Kitô phải có và giữ những điều răn của Người: “Thầy truyền cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (x. Ga 13,31-35). Như thế, hiệp nhất với Đức Kitô đòi buộc chúng ta phải hiệp nhất với anh em.

 

c. Con người còn được hiệp thông với Thiên Chúa qua các bí tích – những dấu chỉ hữu hiệu do Chúa Giêsu thiết lập để ban ân sủng của Ngài cho những người tin tưởng và yêu mến.

 

- Bí tích Thánh Tẩy đưa con người vào mối liên hệ hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với nhau trong tư cách con Thiên Chúa.

- Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng sự sống thần linh qua việc con người được kết hiệp và bổ dưỡng bởi Mình và Máu Chúa Kitô.

- Bí tích Thêm Sức kiện cường và tăng trưởng sự sống thần linh bởi Chúa Thánh Thần và các ân huệ của Người.

- Bí tích Hòa Giải phục hồi sự sống thần linh mà con người đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng Thiên Chúa.

- Bí tích xức dầu bệnh nhận giúp bệnh nhân chiến đấu và chiến thắng trong trận chiến nhằm bảo vệ sự sống thần linh cho đến giây phút cuối cùng.

- Hai Bí tích có chiều kích xã hội (Hôn Phối và Truyền Chức) mở rộng tầm mức và sức tác động của sự sống thần linh đối với thế giới.

 

3. Hiệu quả của sự hiệp nhất

Bởi sự sống thần linh được ban tặng nơi cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, nên con người được trở thành những người con trong CON. Qua bí tích Thánh Tẩy, người được rửa tội được gọi và thực sự là Con Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu, Thánh Tử và trong Chúa Thánh Thần.

 

Chúa Giêsu phục sinh đã nói với các tông đồ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em” (x. Mt 20,17). Như thế, trong Đức Kitô và qua Hội Thánh của người, tất cả chúng ta anh em của nhau. Họ được hiệp thông với Hội Thánh, Thân Thể Chúa Kitô và Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

 

Con người được thừa hưởng gia nghiệp vinh quang thiên quốc muôn đời với Thiên Chúa, với các thánh và những người Chúa chọn.

   

4. Giáo Hội, mầu nhiệm của sự hiệp thông trong Chúa Kitô

Mầu nhiệm hiêp thông của Hội Thánh được diễn tả bằng những hình ảnh như: Thân Thể Chúa Kitô mà Ngài là Đầu; là Hiền Thê của Người; là cây nho trong đó Chúa Kitô là thân còn chúng ta là cành; là tòa nhà có Chúa Kitô là Đá Góc còn chúng ta là những viên đá sống động xây ngôi nhà ấy. Con người chỉ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa Ba Ngôi trong và qua Hội Thánh mà Người đã thiết lập.

 

Kết luận

 

Đối với Chúa Giêsu, mọi sự đã hoàn tất với cái chết của Ngài trên thánh giá. Ơn cứu độ ấy phải được hoàn thành nơi mỗi chúng ta qua đáp trả cách tự do trước ân huệ của Thiên Chúa. Lòng tin, tình yêu và các bí tích trong Hội Thánh như những phương tiện hữu hiệu làm cho sự hiệp thông của ta với Chúa, với Hội Thánh và anh chị em ngày càng được củng cố, lớn lên và đạt tới tầm vóc viên mãn cho đến ngày chúng ta ra trước tòa Chúa để được lãnh nhận sự sống đời đời.

 

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi

 

Từ khóa:

khẳng định

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận