Lịch sử cứu độ,bài số 6

Đăng lúc: Thứ tư - 23/08/2017 20:41 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Bài 6       

HIỂU BIẾT VỀ NGÔN SỨ TRONG KINH THÁNH

 

Trước khi thảo luận về thời gian lưu đày của dân Chúa trên đất Babylon, chúng ta cùng nhau thảo luận một vài vấn đề liên hệ đến ngôn sứ: Cái gì là ngôn sứ? Sứ điệp của họ, và vai trò của họ trong lịch sử dân Chúa?

 

1. Ngôn sứ là ai?

Trước hết, ngôn sứ “navi’”, không có nghĩa là một ai đó nói trước về tương lai cũng không bao hàm một ai đó nói trước[1]. Đúng hơn, ngôn sứ là một ai đó được gọi để nói cho hay nói đại diện của một ai đó. Thường thì họ xác tín chính thần linh đã gọi họ và trao cho họ sứ mạng làm phát ngôn viên cho Ngài. Nghĩa này thích hợp hơn với chức năng của các ngôn sứ trong Israel bởi vì, họ là người có kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa; Nhận mạc khải về chính Thiên Chúa, những mệnh lệnh và thánh chỉ của Ngài; Phê phán hiện tại và nhìn thấy tương lai trong ánh sáng của Thiên Chúa như những phát ngôn viên hay những đại diện cho Thiên Chúa. Được Thiên Chúa sai đi để nhắc nhở loài người về những đòi hỏi của Thiên Chúa. Dẫn loài người trở lại con đường yêu mến và vâng phục Thiên Chúa. Họ nói với các vua, các nhà lãnh đạo tôn giáo, toàn thể những người tin và thỉnh thoảng với cá nhân.

 

2. Sứ điệp (đạo lý) của ngôn sứ.

Dù là nói cho người ở đây lúc này, nghĩa là trong những hoàn cảnh cụ thể, sứ điệp của họ vẫn mang tính thời sự vì “cho dù trời đất có qua đi nhưng lời Thiên Chúa vẫn luôn vững bền”. Một vài chủ đề chính yếu trong số các sứ điệp của họ:

 

a. Niềm tin độc thần

Một trong những ưu tiên của các ngôn sứ là xây dựng, củng cố và bảo vệ niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất và chân thật (Is 44:6-8) qua việc chống lại các hình thức thờ ngẫu tượng và các thần ngoại.

 

b. Giáo thuyết về đời sống luân lý

Đối với các ngôn sứ Israel, đời sống luân lý cốt yếu là sự thánh thiện trong tâm hồn chứ không ở việc tuân giữ các nghi lễ bên ngoài bởi Thiên Chúa là Tinh Thần và Chân Lý. Tội, vì thế, không chỉ xúc phạm đến Thiên Chúa thánh thiện (Isaia), tình yêu (Hôsê), công bình (Amos) mà nó cũng bao hàm việc xúc phạm đến phẩm giá con người, nhất là những người nghèo khổ bất hạnh.

 

c. Sự công bình xã hội

Các ngôn sứ kêu gọi dân Chúa thực hiện một cuộc cải cách tôn giáo, chú trọng tới chiều sâu bên trong hơn là các nghi lễ hời hợt bên ngoài; sự công bình xã hội, nhất là từ bỏ gian tà, bất công, áp bức và kêu gọi chia sẻ giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh, yếu thế và cô thân.

 

d. Lòng mong đợi ơn cứu độ

- Tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa không phải là hình phạt nhưng là sự tha thứ và làm cho nên tốt hơn. Bởi đó, trong khi loan báo hình phạt của Thiên Chúa dành cho dân bất trung, bội tín vào “Ngày của Chúa,” các ngôn sứ vẫn không quên loan báo niềm hy vọng.

- Các ngôn sứ cũng loan báo về “số còn lại, số sót,” những người sẽ thoát khỏi hình phạt sắp đến trong hiện tại và chung cuộc trong ngày cánh chung. Họ là mầm mống của một dân mới sẽ được hưởng kỷ nguyên hạnh phúc mà Đấng Cứu Thế (Messiah) mang lại.

- Một trong những đóng góp quan trọng của các ngôn sứ trong lịch sử ơn cứu độ chính là loan báo về niềm hy vọng cứu thế, trong đó hình ảnh Đấng Cứu Thế được hình thành, thay đổi và phát triển cho phù hợp với hoàn cảnh chính trị, xã hội và tôn giáo. Đấng Cứu Thế, con Vua Đavid trong thời quân chủ; khi quốc gia đứng trước hình phạt lưu đày, các ngôn sứ công bố Đấng Messiah như là Emmanuael: Thiên Chúa ở cùng chúng ta; Xidquenu “Thiên Chúa sử xự công chính với chúng ta”. Sau lưu đày là hình ảnh của Đấng Messiah-mục tử đi quy tụ đàn chiên tản mác khắp nơi về một đàn để chăm sóc những chiên đau bệnh và bảo vệ những chiên khỏe mạnh. Ngài đến để cho chiên được sống và có sự sống dồi dào. Ngài đến trong hình ảnh của một Đấng Messiah khiêm cung ngồi trên lưng của một con lừa con và như người Tôi Tớ Khiêm Hạ. Và sau cùng là hình ảnh Con Người xuất hiện trong Sách Đaniel. Chúa Giêsu dùng hình ảnh Con Người và người tôi tớ khiêm hạ để chỉ về mình.

 

3. Các ngôn sứ trong lịch sử Israel.

Các học giả liệt kê những cuốn sách của các tiên tri Isaia, Giêrêmia, Êdêkiel và trong truyền thống Kitô giáo, còn bao gồm sách của Đaniel là những ngôn sứ lớn vì những cuốn sách này có chiều dài hơn những cuốn sách của 12 ngôn sứ nhỏ như Hôsê, Giôel, Amốt, Ôvađia, Giôna, Mikha,  Nakhum, Khabacuc, Xôphônia, Khacgai, Zacaria, Malakhi.

 

Những liên hệ đến ngôn sứ tương đối hiếm thấy trong khoảng thời gian tiền quân chủ.            

- Trước thời vương quốc: Trong bộ ngũ thư chúng ta tìm thấy chỉ 5 đề cập tới những ngôn sứ cách riêng rẽ: Abraham (St 20,7), Miriam (Xh 15,20), bảy mươi kỳ lão, Endad và Medad (Ds 11,24-30), và Môsê. Trong Đnl 34,10 sự xác định rõ ràng duy nhất Môsê như một ngôn sứ trong Ngũ thư. Môsê là vị tiên tri vĩ đại trong lịch sử dân Chúa. Trong 2 cuốn sách Giosuê và Thẩm phán, các ngôn sứ cũng hầu như không được tìm thấy ngoài trừ nữ tiên tri Debora và một ngôn sứ vô danh khác (Thp 4,4; 6,8). Tuy nhiên “kỷ nguyên của các tiên tri (1050-150) thật sự bắt đầu với Samuel và sự chỗi dậy của vương quyền – cả hai dường như xuất hiện cùng nhau trong lịch sử Israel. Vua đại diện cho Thiên Chúa hướng dẫn dân và phục vụ dân Chúa. Tiên tri hướng dẫn, khuyên răn và cảnh báo Vua khi xa lạc đường lối Thiên Chúa.

 

­- Thời vương quốc nổi bật với Samuel và Nathan. Samuel đem sứ điệp Thiên Chúa đến truất phế Saul; xức dầu tấn phong Đavid; Nathan can đảm chỉ thẳng tội của Đavid vì giết chết Uria để cướp vợ của anh ấy.

 

- Sau khi vương quốc chia đôi.

+ Thời vương quốc phía Bắc (931 – 721)

  • Êlia và Êlisa thi hành sứ mạng dưới thời vua Akhab, con của vua Omri.
  • Amos và Hôsê, cả 2 vị ngôn sứ này đã để lại những lời sấm và giáo huấn của họ bằng những quyển sách có chữ viết mang tên họ. Cả hai có nhiều điểm giống nhau bởi vì sứ mạng của họ đều ở vương quốc Israel vào khoảng 750 TCN khi mà Israel đang ở giai đoạn phồn thịnh dưới thời Jeroboam II.

 

+ Thời vương quốc phía Nam (931 – 587)

  • Isaia và Mikha (740) kêu gọi dân Chúa từ bỏ ngẫu tượng bởi vì chỉ có một Thiên Chúa; phải đối xử công bình với người khác và xây dựng đời sống nội tâm hơn là các nghi lễ bên ngoài. Họ loan báo ơn cứu độ phổ quát cho số sót và những ai trung thành với Thiên Chúa khi Đấng Cứu Thế như chồi non Đavid xuất hiện.
  • Giêrêmia thi hành sứ mạng ngôn sứ dưới triều đại Vua Giosia (622-609), Gioiakha (609), Gioiakin (609-598), Gioiakin (598) và Xêdêkia (598-587). Ông kêu gọi Dân Chúa phải từ bỏ ngẫu tượng và việc sát tế trẻ em cho thần; Phải cắt bì bên ngoài nhưng là cắt bì tai mũi họng. Quan trọng hơn cả, ông loan báo về Giao ước mới trong đó bao gồm: Thiên Chúa chủ động tha thứ; Sự thưởng phạt cá thể và đạo nội tâm chứ không phải là hình thức.
  • Xôphônia vị ngôn sứ được mệnh danh là vị tiên tri của ngày của Yahweh (1,7.14-18) xét xử các dân tộc và toàn thế giới đồng thời kêu gọi sự sám hối quay về với Thiên Chúa duy nhất và quyền năng, trong khi Nakhum lại được mệnh danh là vị ngôn sứ chống lại Assyria và cách đặc biệt thủ đô của nó là Ninivê (Nk 2,3-3,19). Giữa hai vị ngôn sứ này là Khabacuc – vị tiên tri của tháp canh. Ông thấy sự trỗi dậy của Babylon và sự lưu đầy của dân Chúa nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về Thiên Chúa của dân Người.

 

+ Thời lưu đày (587 – 538)

  • Êdêkiel: Trước lưu đày ông loan báo hình phạt trên dân. Tuy nhiên, trong cảnh lưu đày, ông an ủi dân để giữ vững tinh thần trên đất mới dựa trên xác tín: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc làm của họ. Sau cùng, ông loan báo một cuộc xuất hành mới dưới sự hướng dẫn của Đấng Messiah là mục tử.
  • Isaia 2 (40-55): Được gọi là cuốn sách của niềm an ủi. Cuốn sách nổi bật với 4 ca khúc nguời tôi tớ loan báo một Đấng Cứu Thế, một ngôn sứ có sứ mạng dạy dỗ muôn dân dù gặp chống đối, khó khăn vẫn tin vào Chúa.

 

+ Thời phục hưng

  • Khacgai (520): Vị ngôn sứ cho việc tái thiết đền thờ. Ông khuyến khích và bảo đảm với những người lãnh đạo và dân chúng về một tương lai sáng lạn hơn nếu họ tin vào Chúa. Ông trợ giúp niềm hy vọng về việc tái thiết lập của nhà Đavid.
  • Zacaria, vị tiên tri của nhánh cây, tiếp tục triển khai những chủ đề trong Khacgai với một cái nhìn rộng lớn hơn về các thành viên trong cộng đoàn phục hưng: mọi người trên khắp thế giới sẽ đến với Giêsusalem được tái thiết để tôn thờ Thiên Chúa Giavê (Zc 8,20-23).
  • Isaia (56-66) tập trung vào Giêrusalem được tái thiết: Nó là nơi thánh của Israel (60,9.14), sự hiện diện của một dấu chỉ (66,19) và là “trời mới đất mới” (65,17; 66,22), công trình được thực hiện bởi Giavê Thiên Chúa.

 

Kết luận:

Ngôn sứ được Thiên Chúa chọn gọi để nói thay Ngài với dân Chúa và những người lãnh đạo. Sứ điệp của họ để giúp dân hiểu biết Thiên Chúa và ý muốn của Ngài, đồng thời, giúp dân Chúa sống niềm tin, yêu và hy vọng vào Thiên Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của họ. Trong một lời, các ngôn sứ giúp dân Chúa điều chỉnh và làm vững chắc mối quan hệ của con người với Thiên Chúa và với nhau.

 

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi


[1] Bài viết này dùng từ “ngôn sứ: người nói thay, nói đại diện cho Thiên Chúa” thay vì “tiên tri: người nói trước về tương lai”.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận