Lịch sử cứu độ, bài số 11

Đăng lúc: Chủ nhật - 28/01/2018 02:20 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Bài 11

ƠN CỨU ĐỘ LAN RỘNG

 

Các Tin Mừng Nhất Lãm kết thúc với việc Chúa Giêsu Phục Sinh truyền cho các tông đồ mang tin vui cứu độ đến tận cùng thế giới (Mt 28,18-20; Mc 16,15). Sách Công Vụ Tông Đồ giúp chúng ta hiểu thế nào lệnh truyền ấy được thực hiện. Trong bài cuối cùng này, chúng ta sẽ thảo luận thế nào ơn cứu độ trong Đức Kitô được bắt đầu tại Giêrusalem, các vùng miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng thế giới.

 

  1. “Anh em sẽ là chứng nhân cho thầy tại Giêrusalem” (Cv 1,8).

Vai trò chứng nhân đầu tiên của những người tin vào Chúa Giêsu tại Giêrusalem được thực hiện bằng việc họ tụ họp lại thành cộng đồng theo lệnh truyền và lời hứa của Ngài (Cv 1,4). Một cộng đồng có tổ chức bên ngoài[1] và sự hiệp nhất bên trong bởi lòng tin[2]; có sự khác biệt với các cộng đoàn Do Thái (sự hiện diện của Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu và các anh em của Người) nhưng vẫn giữ sự nối kết với Do Thái qua việc chọn Matthia thay Giuđa để duy trì nhóm 12.

 

Vai trò chứng nhân của họ sau khi nhận được Thánh Thần – Đấng được hứa ban – khiến những người Do Thái sùng đạo từ khắp nơi sửng sốt kinh ngạc (Cv 2,1-13), tin tưởng vào lời chứng[3] (kerygma) của thánh Phêrô và gia nhập nhóm của họ qua phép rửa (Cv 2,37-41).

 

Sự xuất hiện và ngày càng lớn mạnh của cộng đồng những người tin vào Chúa Kitô (Cv 2,42-47) qua lời chứng của các tông đồ, quyền năng và những dấu lạ điềm thiêng được thực hiện nhân danh Chúa Kitô (Cv 3,1-26) đã dẫn đến những xung đột và những bách hại của các nhà lãnh đạo Do Thái. Như một kết quả, họ phải rời khỏi Giêrusalem và nhờ vậy, cơ hội làm chứng của họ cho Chúa Kitô được mở rộng hơn.

 

2. …khắp các miền Giuđêa, Samaria.

Cái chết chứng nhân của Stêphanô được Luca khắc họa như cái chết của Chúa Giêsu: (a) tuyên bố “tuyên bố trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Mt 26,64-66 // Cv 7,56), (b) lời cầu xin tha thứ “Lạy Chúa xin đừng chấp tội họ” (Cv 7,60 // Lc 23,34.48) và (c) hiệu quả (Mt 27,51-45 // Mc 15,39 // Lc 23,47-48 // Cv 8,1-8).

 

Thánh Luca ghi lại hai chi tiết đáng chú ý sau cái chết anh dũng của Stêphanô và trong cái nhìn của tác giả, nó góp phần làm cho Tin Mừng cứu độ lan rộng khắp nơi như ý muốn của Chúa Giêsu phục sinh. Chi tiết liên quan đến Saolô, một nhân chứng trong cuộc ném đá Stêphanô sẽ được đề cập sau.

 

Thánh Luca ghi lại chi tiết thứ hai: “Trong ngày ấy đã xảy ra một cơn bách hại dữ dội cho Hội Thánh ở Giêrusalem. Mọi người đều phải tản mác về những vùng quê ở xứ Giuđê và Samaria, chỉ trừ các tông đồ” (Cv 8,1). “Những người bị phân tán vì cơn bách hại nhân vụ Stêphanô, đã đi đến tận Phênixia, Cypro và Antiochia… trong số những người này, khi đến Antiochia, họ đã rao giảng cho cả những người Hy Lạp nữa, loan báo cho họ Tin Mừng về Chúa Giêsu. Và có cánh tay Chúa ở cùng họ; một số đông đã tin theo và trở lại cùng Chúa” (x. Cv 11,9-21). Như vậy, cái chết của Stêphanô, như một hành động “làm chứng” cho Chúa Kitô, đã làm cho Tin Mừng vươn đến các miền vùng Giuđê và Samaria, mà còn mở rộng đến các vùng dân ngoại.

 

3. …đến tận cùng thế giới.

Trước khi nói đến tông đồ dân ngoại Phaolô, chúng ta không quên nhắc tới Phêrô, người được Thánh Thần hướng dẫn, đã đem Tin Mừng tới dân ngoại qua việc ông rửa tội cho Cornêliô, một người không phải Do Thái. Thị kiến đã giúp Phêrô hiểu rằng, đối với Thiên Chúa, những gì Thiên Chúa đón nhận thì không thể là ô uế nữa. Cái chết của Chúa Giêsu đã xé tung bức màn, phá đổ bức tường ngăn cách giữa người Do Thái với người Hy Lạp và cả người ngoại nữa. Như vậy, bằng việc làm này, Phêrô đã mở đầu cho việc thu nhận những người dân ngoại vào trong Hội Thánh. Thánh Luca đặc biệt chú ý vai trò của Thánh Thần trong việc giúp Hội Thánh mở ra với dân ngoại: “Các tín hữu thuộc giới cắt bì, những người đã đến làm một với Phêrô đều kinh ngạc vì ơn Thánh Thần đã đổ xuống dân ngoại… Và Phêrô đã ra lệnh thanh tẩy họ (những người dân ngoại) nhân danh Đức Kitô” (x. Cv 10,44-48) và quan trọng hơn, họ (những người Do Thái) đã tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Thiên Chúa đã ban cho cả dân ngoại nữa ơn hối cải để được sống” (Cv 11,17-18).

 

Nhưng nổi bật nhất trong việc đem Tin Mừng đến với dân ngoại chính là thánh Phaolô.

 

Như đã nói ở trên, khi muốn người đọc chú ý tới thanh niên Saolô mà những người hành quyết Stêphanô đã để áo dưới chân người thanh niên này và việc ông tán thành việc giết chết Stêphanô, Luca muốn chuẩn bị người đọc tiếp cận “biến cố Đamát”, khiến cuộc sống của người thanh niên mang tên Saolô hay Phaolô thay đổi hoàn toàn hướng đi niềm tin và cuộc sống của ông. Từ thù ghét Giêsu và bách hại những người tin vào Người, ông trở nên tôi tớ phục vụ Người. Chính nhờ ông, Tin Mừng Chúa Giêsu vươn tới dân ngoại và khắp cùng bờ cõi trái đất. Qua những chuyến hành trình truyền giáo, Phaolô không chỉ rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Kitô cho người Do Thái trong các diaspora[4] và cách đặc biệt cho các dân ngoại mà còn thiết lập và củng cố các cộng đoàn đức tin qua các thư của ngài.

 

Thánh Luca đã kết thúc tác phẩm thứ hai của mình với sự hiện diện của Phaolô ở Rôma, đang “rao giảng Nước Thiên Chúa và dạy về Chúa Kitô, một cách rất mạnh dạn, không gặp ngăn trở nào” (Cv 28,26). Luca muốn cho người đọc thấy không chỉ là kết quả tốt đẹp của công cuộc truyền giáo của Hội Thánh cho cả người Do Thái và dân ngoại mà còn chỉ ra một viễn cảnh tốt đẹp của việc loan báo Tin Mừng nữa, dẫu vẫn đã, đang và sẽ đối diện với những bách hại cản trở bởi vì Hội Thánh hoạt động không bởi ý muốn của phàm nhân nhưng trong sự hướng dẫn và sức năng động của Thánh Thần.

 

Kết luận

Ý định yêu thương của Thiên Chúa đã được hoạch định và thực hiện qua một chương trình cứu độ mà Đức Kitô là trọng tâm của kế hoạch yêu thương họ. Bất chấp những bất trung bội phản của con người làm nhiễm bẩn không gian mà Thiên Chúa muốn thiết lập, Thiên Chúa, bằng tình yêu thương và lòng nhân lành của mình, đã từng bước một qua Abraham – lời hứa về một không gian (đất), một dòng dõi và phúc lành – được chuẩn bị và thành hình. Lời hứa ấy lớn dần qua Môsê khi ông đưa đoàn dân thoát khỏi Ai Cập tiến vào Đất Hứa để rồi với Saul, dân Chúa chiếm hữu được Đất mà Thiên Chúa hứa. David và Salomon làm cho nó thành một vương quốc thống nhất và hùng mạnh trước khi nó bị suy đồi vì tội lỗi của toàn dân. Hình phạt lưu đày trở nên một thử thách hữu ích cho dân Chúa trước khi họ được trở về quê hương xây dựng thành một cộng đoàn vững mạnh sau lưu đày đủ sức đương đầu với cuộc bách hại của những người Hy Lạp.

 

Thời gian chuẩn bị dường như viên mãn để Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu Độ trần gian đến để hoàn tất chương trình cứu độ qua cuộc Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Thời gian của Hội Thánh chính là dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần mở rộng không gian cứu độ đến tận cùng thế giới cho đến khi mọi loài mọi vật quy tụ dưới quyền của Đức Kitô. Đức Kitô sẽ dâng lại cho Thiên Chúa để Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự.

 

MARANATHA, LẠY CHÚA GIÊSU XIN HÃY ĐẾN.

 

 


[1] Ngoài trừ Giuđa Iscariot, tên của nhóm 12 dù vẫn giữ nguyên nhưng thứ tự đã thay đổi thay vì Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan bây giờ là Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê. Theo các nhà kinh thánh, thứ tự này nói lên chức vụ và vai trò của các tông đồ trong cộng đoàn mới.

[2] Chúa Giêsu căn dặn họ “chớ rời khỏi Giêrusalem trước khi nhận được điều được hứa ban (Thánh Thần).

[3] Đức Giêsu Nagiareth, Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng anh em đã dùng tay dân ngoại mà đóng đinh và giết chết Ngài trên thánh giá nhưng Thiên Chúa đã cho Ngài được sống lại và đặt làm Đức Chúa (x. Cv 2,22-24).

[4] Cộng đồng Do Thái ly hương

 

Lm Augustinô Nguyễn Đức lợi

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận