Lịch sử cứu độ. Bài 7

Đăng lúc: Thứ bảy - 23/09/2017 20:12 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Bài 7

THỜI KỲ LƯU ĐÀY Ở BABYLON

 

Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận về những liên quan tới biến cố lưu đày: ý nghĩa của thuật ngữ, hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa thần học và niềm hy vọng vào một cuộc xuất hành mới đang đến gần.

 

1. Thuật ngữ lưu đày “exile” liên hệ đến khoảng thời gian vào thế kỷ thứ 6 TCN khi một bộ phận lớn những người thuộc vương quốc Giuđa (Miền Nam) bị đưa đi lưu đày ở Babylon. Lưu đày như một chính sách đã được thực hành bởi các chính quyền cổ xưa. Assyria đã trục xuất một phần dân chúng của vương quốc phía bắc (Israel) vào năm 722/ 721 TCN (2 V 17,6; 18,11). Những người lưu đày này, vì một lý do nào đó, đã biến mất khỏi lịch sử. Những chính sách tương tự cũng được chứng thực đối với những người Ba Tư và sau đó là người Hy Lạp và chính quyền Roma. Tuy nhiên, trong nghiên cứu Kinh Thánh, thuật ngữ lưu đày luôn luôn liên hệ tới cuộc lưu đày của những người Giuđa bởi Babylon, những người này đóng một vai trò nền tảng trong việc định hình văn chương và thần học của Cựu ước trong khi những người hồi hương đã trở thành bộ phận lãnh đạo của cộng đoàn hậu lưu đày.

 

2. Hoàn cảnh lịch sử

Sau 300 năm làm chủ cận đông, năm 622 TCN, người Babylon tấn công và hủy diệt thủ đô của đế quốc Assua là Ninive. Năm 605, Nabucodonosor lên ngôi và bắt nước Giuđa triều cống. Ban đầu họ tuân thủ nhưng dần dà trở nên bất tuân. Cuộc lưu đày diễn ra trong 3 giai đoạn. Năm 598/597, vua Babylon bắt vua Giuđa là Jehoiachin. Dưới thời vua Zedekiak, ông liên minh với Ai Cập và các nước khác chống lại Babylon. Do đó, năm 588, Nabucodonosor đem quân tiến đánh Jerusalem. Năm 587, Jerusalem thất thủ và khoảng 30.000 người bị đưa đi lưu đày.

 

Theo các nhà nghiên cứu có 3 cuộc lưu đày đã được thực hiện:

- Lần 1 vào khoảng năm 598/597 khi Nabucodonosor của Babylon lưu đày vua Jehoiachin, những thành viên của gia đình, cùng với những viên chức triều đình, những đại diện của tầng lớp thượng lưu, quân đội, thợ điêu khắc… và đặt Matthaniah làm vua bù nhìn và đổi tên thành Zedekiak (2 V 24,14-17).

 

- Lần 2 vào năm 587/586 khi Nabuzadan, một viên chức của Nabucodonosor đáp trả lại một cuộc nổi loạn của Zedekiak bằng việc tàn phà đền thờ và nhiều thứ ở Jerusalem. Bắt Zedekiak và phần còn lại của dân Giuđa ở Jerusalem (2 V 25,11).

 

- Giêrêmia ghi lại cuộc lưu đày lần 3 vào năm 582, Nabuzadan lại đưa thêm một số người Giuđa đi lưu đày (Gr 52,30).

 

3. Lưu đày, một hình phạt tội lỗi của Israel

- Một hình phạt nặng nề

Kế hoạch của Thiên Chúa và lời hứa của Ngài với tổ phụ Abraham về một dân đông đúc, một vùng đất rộng lớn và một phúc lành giờ như bị phá sản hoàn toàn. Đoàn dân Chúa bị trục xuất khỏi Đất Hứa để thay vào đó dân ngoại; dòng dõi đông đúc kẻ thì bị giết người thì đầy biệt xứ không biết đến tương lai. Cũng thế, còn đâu nữa lời hứa về Đấng Cứu Thế xuất thân từ dòng dõi Đavit khi vua và các thành viên hoàng tộc cũng bị chung số phận của kẻ lưu đày. Tuy nhiên, hình phạt lớn nhất đối với dân chính là đền thờ - trung tâm sinh hoạt tôn giáo, dấu chỉ sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa ở giữa dân Người - bị phá hủy. Thiên Chúa dường như bỏ rơi dân Người cho dân ngoại chà đạp, xâu xé và tiêu diệt. Nhưng chính trong nỗi đau tột cùng ấy, dân Chúa nhận ra rằng không phải Thiên Chúa bỏ rơi họ mà chính họ đã bỏ rơi và phản bội giao ước với Thiên Chúa của họ.

 

- Lưu đày bày tỏ bộ mặt thật của tội

Lưu đày là hậu quả của tội của các nhà lãnh đạo không tin vào Thiên Chúa và lời hứa của Thiên Chúa nhưng cậy dựa vào thế lực trần gian và bản thân họ. Các tư tế cũng bị kết án vì họ đã thất bại trong việc kiện cường ranh giới giữa sự thánh thiện và tội lỗi, thanh sạch và ô uế. Đó cũng là tội của những người quyền thế tham lam, gian trá và bất công. Nó cũng là tội của toàn dân vì cuộc sống vô luân, thờ thần ngoại và làm ô uế Jerusalem. Tất cả không những đã phớt lờ lời cảnh cáo của các ngôn sứ mà còn bách hại họ, những tôi trung của Thiên Chúa. Hậu quả vì thế, Israel như vườn nho bị phá hủy, hiền thê bị trừng phạt. Dân phản bội và cứng cổ nên bị đuổi ra khỏi Đất Hứa.

 

4. Lưu đày một thử thách hữu ích

Chính trong bối cảnh bi thương, dân Chúa có dịp nhìn lại mình và nhận ra được lỗi lầm của họ để sám hối ăn năn.

 

Dân chúng, giờ đây, thấy lời của các ngôn sứ được chứng nghiệm và do đó, ngôn sứ giờ đây được đón nhận và quý trọng. Lời của các ông được lắng nghe, đón nhận và thực hành.

 

Các ngôn sứ, cách đặc biệt Êdêkiel và Isaia (Is 30-45) trong khi chỉ rõ, lưu đày là một hình phạt do tội của mọi tầng lớp trong dân, vẫn an ủi khích lệ và loan báo một tương lai tốt đẹp, một cuộc xuất hành mới bởi vì Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn trong đền thờ ở Jerusalem. Ngài hiện diện khắp nơi, ngay cả nơi đất khách quê người để đích thân tìm kiếm kẻ lưu đày như mục tử tìm chiên lạc và đem chúng về đàn (Ed 34,11; Is 40,11), băng bó thương tích và ban cho nó một trái tim mới (Ed 32,26) và thiết lập một giao ước mới với nó (Ed 37,26). Lưu đày bởi thế là một liều thuốc đắng chứ không phải là thuốc độc.

 

Đức tin vào Thiên Chúa ngay trong cảnh khốn cùng của dân trên đất lưu đày hình thành dân mới, số sót. Cũng ở đất lưu đày, trong hoàn cảnh không có đền thờ và lễ nghi, dân Chúa, theo lời các ngôn sứ, đã tập chú vào một nền phụng tự trong tâm hồn chứ không ở những nghi lễ bên ngoài.

 

5. Một tương lai mở ra cho dân Chúa: Cuộc xuất hành mới

Lời ngôn sứ được ứng nghiệm khi sắc chỉ của Vua Cyprus được ban hành năm 539/538 cho phép mọi người được về quê quán của mình và đem theo các thần. Dân Do Thái, với ý thức về đất cần được tu bổ sau chiến tranh, đã lên đường hồi hương. Các ngôn sứ như Edêkiel, Isaia và cách đặc biệt các vịnh gia cho thấy cuộc xuất hành này kỳ diệu và trổi vượt hơn cuộc xuất hành khỏi Ai Cập (Tv 126; Is 52,12 // Xh 14,19; Is 35,6; 42,8 // Xh 17,1-7 và Is 11,5 // Xh 19,4).

 

Kết luận, lưu đày và hồi hương một lần nữa chứng tỏ Thiên Chúa không dung túng tội lội của dân Người. Tuy nhiên hình phạt của tội không phải là tiếng nói cuối cùng của Thiên Chúa mà là tình yêu. Tình yêu và lòng từ ái luôn lớn hơn tội lỗi nhân loại và mở ra cho họ một cơ hội, một tương lai mới. Đền thờ đã được tái thiết, đất đai được trả lại, tuy nhiên, nhu cầu để tái thiết một cộng đồng “dân mới” sau thời gian lưu đầy vẫn còn ở phía trước. Chúng ta sẽ thảo luận về chủ đề này trong bài kế tiếp.

 

Lm Augustino Nguyễn Đức Lợi

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận