Lịch sử cứu độ, bài số 5

Đăng lúc: Thứ hai - 24/07/2017 23:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Bài 5:  

VƯƠNG QUỐC

 

Bài này sẽ thảo luận tiến trình lịch sử theo đó, sự liên minh lỏng lẻo giữa các chi tộc Israel trong đất Hứa trở thành một quốc gia, một vương quốc dưới sự lãnh đạo của vua Saul. Vua Đavit, người kế vị Saul, thống nhất đất nước và biến quốc gia này thành vương quốc hùng mạnh. Kế vị vua cha, Salomon làm cho vương quốc trở nên phồn thịnh hơn về kinh tế và về tôn giáo với Đền thờ Giêrusalem được xây dựng. Vương quốc suy vong, chia làm đôi sau thời hoàng kim với vương quốc phía Bắc gọi là Israel với thủ đô Samaria (933-721) và vương quốc phía Nam gọi là Giuđa với thủ đô Giêrusalem (933-587). 

 

1. Nhu cầu phải có và một vương quyền được thiết lập: (đọc 1 Smuel) 

 

Sự xuất hiện của quân Philitinh đã thực sự trở nên một đe dọa thường xuyên và cụ thể đến sự tồn vong của các chi tộc Isarel trong đất Hứa. Cần phải có một quyền bính lãnh đạo để biến sự liên kết lỏng lẻo giữa các chi tộc Israel thành một quốc gia đủ sức đương đầu với những dân lân bang trở nên cấp thiết. Nhưng ai là người lãnh đạo của quốc gia này? Hai khuynh hướng xuất hiện là tiên tri và quân chủ.

 

Samuel, một nhân vật lý tưởng, một tư tế, một thẩm phán và một tiên tri, đại diện cho một giải pháp mang tính cải cách tôn giáo. Ông cho rằng, thất bại của Israel là hậu quả của việc dân vi phạm những điều khoản giao ước, cách đặc biệt, dân bỏ Chúa chạy theo thần ngoại. Trở về với Chúa là giải pháp cho cuộc khủng hoảng. Ông khước từ vương quyền vì chủ trương rằng Thiên Chúa là Vua duy nhất của Israel (Thẩm phán 8, 22-23).

 

Saul, một nhà lãnh đạo quân sự địa phương thành công, chủ trương một quyền bính phàm trần để lãnh đạo các chi tộc và tạo nên một quân đội chuyên nghiệp hùng mạnh đủ sức đương đầu với quân đội Philitinh.

 

Samuel cuối cùng, theo sự hướng dẫn của Chúa, ông đã nhượng bộ và Saul được chọn làm vua qua sự xức dầu của Samuel nhờ chiến thắng của ông ấy trên người Ammon đang bao vây Jabesh-gilead. Isarel chính thức trở thành một quốc gia với triều đại quân chủ mà Saul là vị vua đầu tiên của phần lớn các chi tộc Israel.

 

2. Bắt đầu vương quốc với Samuel và Saul (1060 – 1010) 

 

Samuel được trình bày như một nhân vật quan trọng trong giai đoạn này vừa như một người “làm ra vua” (a king-maker) vừa như một người truất phế vua “king-breaker”. Được Thiên Chúa hướng dẫn và chỉ định, chính Samuel xức dầu phong vương Saul và kế đó, là Đavit sau khi truất phế vua Saul vì ông này không còn nghe theo lời Thiên Chúa.

 

3. Vương quyền của Đavit (1010 – 970): đọc 2 Sm, 1 Vua 1-2 và Thánh vịnh 132 

 

Đavit đã là nhân vật nổi danh trong Isarel khi còn là một thiếu niên thuộc chi tộc Giuđa: ông đã tuyên chiến và giết chết Goliad. Tuy nhiên, vì ghen tỵ, ông bị Saul truy đuổi và tìm diệt. Đavit chạy trốn sang phía quân Philitinh và khôn khéo chờ đợi thời cơ phục vụ đất nước.

 

Cơ hội đến khi đất nước rơi vào nguy cơ bị tiêu diệt bởi thảm họa Philitinh. Vua Saul và con trai ông là Gionathan tử trận, quân Philitinh chiếm đóng phía Bắc và đe dọa cả quốc gia. Isbaal tiếp tục quyền cai trị các chi tộc phía Bắc dưới sự bảo hộ của Philitinh và sau đó, bị truất phế trong một cuộc cách mạng triều đình.

 

Đavit trở về và các chi tộc dưới quyền của Isbaal tôn ông lên làm vua. Theo nghĩa này, không phải Saul là vua đầu tiên của ISRAEL vì ông chỉ là vua các chi tộc Miền Bắc, mà chính Đavit mới là vua đầu tiên của ISRAEL (cả các chi tộc Miền Nam và Miền Bắc).

 

Lợi dụng tình hình: bên trong có sự thống nhất giữa các chi tộc, bên ngoài các nước láng giềng đang phải đối diện với khủng hoảng nội bộ, Đavit tập trung binh lực quét sạch quân Philitinh khỏi bờ cõi. Ông cũng mở rộng biên giới đến Canaan, Edom, Moab và Ammon. Trong một lời, dưới sự lãnh đạo của Đavit, Israel vào năm 990 TCN trở thành một quốc gia độc lập và thống nhất. 

 

Không chỉ dừng lại ở đó, Đavit muốn xây dựng sự thống nhất của đất nước, bởi đó, ông đã đánh chiếm Giêrusalem, một pháo đài kiên cố của bộ lạc Giêbuxi và biến nó thành thủ đô của đất nước sau khi đã rước HÒM BIA GIAO ƯỚC về đặt trong lều nhà vua đã dựng sẵn (1 Sm 6). Đây là việc làm khôn ngoan bởi Giêrusalem không thuộc về chi tộc nào của Israel và với việc đặt Hòm Bia Thiên Chúa ở Giêsusalem, Đavit đã biến nó không chỉ thành trung tâm chính trị mà trên và trước hết thành trung tâm tôn giáo quốc gia. Thiên Chúa mới là vua của Israel còn ông là tôi trung của Ngài.

   

4. Vương quyền của Salomon (970 – 933): 1 V 1-11 và Thánh Vịnh 89 

 

Salomon kế vị vua Cha và tiếp tục đưa đất nước phát triển tới đỉnh cao của nó. Trước hết, để phá tan nguy cơ chia rẽ và kiện cường sự thống nhất, ông đã xóa bỏ ranh giới giữa các chi tộc để thiết lập lại các hành tỉnh mới (1 V 4). Salomon cũng thực hiện chính sách bang giao với các nước lân bang phía Bắc (Damas, Syria), phía Nam (Aicập, Êđom) để giúp đất nước yên bình và phát triển. Quan trọng hơn cả, Salomon đã hoàn thành ước nguyện của vua cha là xây dựng đền thờ Giêrusalem – biểu tượng cho niềm tin và sự đoàn kết thống nhất của dân tộc.

 

Tuy nhiên, vinh quang của ông sớm bị lu mờ vì chính sách cải tổ hành chính với những biện pháp gắt gao đã làm mất đi sự ủng hộ của người dân. Việc xây dựng đền thờ khiến người dân phải chịu đựng sưu cao thuế nặng và tốn nhiều công sức. Chính sách bang giao với các nước lân bang bằng các cuộc hôn nhân dị giáo của Salomon đã làm cho Giêrusalem, trung tâm tôn giáo thành nơi tràn đầy sự sùng bái ngẫu tượng.

 

Đất nước lâm nguy bởi cả thù bên trong lẫn giặc ngoài. Sự đổ vỡ chỉ còn là thời gian.

 

5. Vương quốc chia đôi (933): 1 V 12 - 2 V 14  

 

Sau cái chết của Salomon, vương quốc ngay lập tức bị chia đôi với Judah ở phía Nam được cai trị bởi Roboam (928-911), một người con của Salomon, và Israel ở phía Bắc dưới quyền của Giêrôôam (928-907), một trong những nhân viên chính quyền của Salomon – người đã trốn sang Ai cập và được Ai cập trợ giúp sau khi nổi loạn chống Salomon bất thành. 

 

Cuộc chia ly về chính trị dẫn đến cuộc phân ly về tôn giáo khi Giêrôôam xây một đền thờ ở Bêthel để ngăn cản những người Do Thái từ phía Bắc về Giêrusalem ở phía Nam để cử hành các đại lễ quan trọng – những cơ hội để nối lại sự thống nhất và sự đoàn kết quốc gia trên nền tảng niềm tin vào Thiên Chúa.

 

Kết luận 

 

Để thực hiện lời hứa với Abraham, Isaac và Giacop, Thiên Chúa qua các trung gian của Ngài đã làm cho dân tộc Ngài tuyển chọn thành một vương quốc hùng mạnh. Tuy nhiên, chính dân Ngài đã làm cho vương quốc ấy thành nơi của hận thù, chia rẽ và bất trung. Để thanh luyện và tạo nên một không gian mới cho dân Ngài, Thiên Chúa sẽ phá hủy nó bằng cuộc chia ly và thanh luyện nó bằng cuộc lưu đày. Đây là nội dung sẽ được thảo luận trong bài tới. 

 

Lm Augustinô Nguyễn Đức Lợi

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận