Suy tư về mầu nhiệm Thập giá (2)

Đăng lúc: Thứ ba - 15/04/2014 14:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ (2)
 
 
“Nếu con người biết…rằng cùng với chúng ta và còn hơn cả chúng ta Thiên Chúa “đau khổ” vì mọi thứ ác xấu vẫn hủy hoại trái đất, chắc chắn rằng sẽ có nhiều điều thay đổi, và biết bao linh hồn sẽ được giải thoát” (J. Maritain). Những nét chấm phá phác họa cho thấy dung mạo tam vị của Thiên Chúa như được mặc khải ra trong lịch sử của biến cố thụ nạn và cái chết của Đức Giêsu quê làng Nadaret, kêu gọi con người hãy sống như những con ngưới tự do và bước theo dấu chân thập giá.

 
a) Thập giá là hiện trường nơi Thiên Chúa nói trong thinh lặng : thinh lặng của cõi hữu hạn nhân sinh mà nhờ tình yêu trở thành cõi hữu hạn của Ngài !

Mầu nhiệm ẩn dấu trong cõi tối tăm của thập giá là mầu nhiệm của sự khổ đau của Thiên Chúa và của tình yêu của Ngài. Cái nầy đòi hỏi cái kia : vị Thiên Chúa kitô đau khổ vì Ngài yêu, và Ngài yêu trong mức độ mà Ngài đau khổ. Thiên Chúa đầy lòng trắc ẩn bởi vì là vị Thiên Chúa vì chúng ta, Đấng trao ban chính mình đến độ hoàn toàn đi ra khỏi mình, tha hóa mình đi qua cái chết, để đón nhận chúng ta cách trọn vẹn trong Ngài khi cho đi mạng sống của mình. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu đã đi đến cái “tận cùng” (la fin) của con người, đến tận cõi thẳm sâu là tình trạng nghèo hèn, sự  buồn sầu, và nỗi cô đơn của con người. Và chỉ nơi đó thôi mới là nơi mà Ngài mới hoàn toàn có được kinh nghiệm về thân phận làm người của chúng ta : ở nơi trường học khổ đau, Ngài mói trở nên con người đến tận hạn giới cuối cùng khả thể của nó. Nhưng, cả Cha nữa,  Ngài cũng đã  biết đến khổ đau : nơi giờ của thập giá, Cha cũng đã trở thành lịch sử ! Cha đã khổ đau vì Đấng Vô tội bị giao nộp cho sự chết cách bất công : tuy nhiên, Cha đã chọn lựa giải pháp hiến dâng Con, Đấng Vô tội, để trong khiêm hạ và trong kinh hoàng của thập giá mặc khải ra tình yêu tam vị của Thiên Chúa đối với loài người, và cả khả thể Cha cũng có thể tham dự vào đó nữa. Còn về phần Thần Khí, đã được Đức Giêsu khi sắp chết “giao nộp” cho Cha, cả Ngài nữa cũng hiện diện trong giờ khắc bóng tối nầy : là Thần Khí của cõi lặng thinh tột đỉnh, Ngài cũng tự dâng hiến mình như một nhát cắt đầy đau đớn tách lìa Cha ra khỏi Con của mình, để mở ra một lối băng ngang qua giữa vực sâu thăm thẳm và để con đường của Đấng Nghèo hèn được mở ra cho những người nghèo khổ. Nhưng, cái chết trong Thiên Chúa nầy không có nghĩa là cái chết của Thiên Chúa, như Nietzche vẫn rêu rao : không có và sẽ không bao giờ có Ngôi Đền Thờ nào mà trong đó quả thực người ta có thể hát lên ca khúc “Requiem aeternam Deo” (Cầu chúc Thiên Chúa an nghỉ đời đời !) ! Sự đồng nhất căn tính lạ lùng giữa Đấng chịu đóng đinh thập giá và Đấng được phục sinh khiến trở thành hiển nhiên điều được mặc khải ra trên thập giá “trên cơ sở luận chứng phản đề”, và bảo đảm rằng cái cùng tận nầy là một khởi đầu mới : chén thụ nạn của Thiên Chúa được biến đổi thành thức uống mang lại sự sống, tuôn chảy mãi không thôi (Ga 7, 37-39). Ađam cũ chết, Ađam mới sinh ra, đó là Đức Kitô và con người nào, với Ngài và trong Ngài, chiến thắng tội lỗi và sự chết. Thiên Chúa chết, nhưng mầu nhiệm nầy được hiến dâng cho tất cả mọi người : Cha, khi đón nhận Đấng bị đóng đinh thập giá trong giờ vinh quang, cùng với Đấng ấy, Cha cũng đón nhận luôn mỗi người trong chúng ta. Thần Khí an ủi của Đấng bị đóng đinh thập giá được tuôn tràn trên mọi xác phàm để là đấng an ủi của tất cả mọi người bị đóng đinh thập giá trong lịch sử loài người; và để trước mỗi một thập giá mặc khải ra sự hiện diện có khả năng tạo ra sự sống và biến đổi của Vị Thiên Chúa kitô. “Ngôn ngữ thập giá” (1 Cr 1, 18) chứng tỏ cho thấy rằng chính trong nghèo hèn, trong yếu đuối và trong khổ đau của thế giới mà chúng ta gặp thấy được Thiên Chúa. Không phải những hoàn hảo hào nhoáng bên ngoài của trần thế, mà chính là cái đối nghịch với những điều đó – sự bé nhỏ và sự ô nhục – mới trở thành hiện trường nơi Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, trở thành sa mạc nơi Ngài sẽ ngõ lời với trái tim chúng ta. Sự hoàn hảo của Vị Thiên Chúa kitô được tỏ bày ra trong những cái không hoàn hảo mà Ngài đã đón nhận lấy vì chúng ta : vì hữu hạn nên phải khổ đau, tình trạng bị xé rách bởi cái chết, sự nghèo hèn yếu đuối, gánh nặng và mờ tối của những ngày mai – và còn biết bao hiện trường trong đó Thiên Chúa tỏ bày ra tình yêu của Ngài vì chúng ta. Chính trong những cái không hoàn hảo đó mà vang vọng lên lời vốn ghi đậm dấu ấn của biến cố thập giá : “Mọi sự đã hoàn tất !” (Ga 19, 30). Từ nay, mọi người đều có thể nhận ra thập giá của Thiên Chúa-Ba Ngôi trong cuộc đời của mình : trong khổ đau, mọi người đều trở nên có thể tự mở toang lòng mình ra cho Vị Thiên Chúa đang tự hiến dâng mình cùng với chúng ta, và có thể biến đổi khổ đau thành tình yêu, khổ đau thành của lễ hiến dâng. Chỉ Thần Khí của Đấng Bị đóng đinh thập giá mặc khải ra cho chúng ta thấy sự biến đổi nầy : Ngài là Đấng An ủi trong mọi cuộc thụ nạn nơi thế gian nầy. Cùng với chúng  ta và trong chúng ta, Thần Khí ấy sống những cơn hấp hối trong cuộc đời chúng ta, khiến cho sự đau khổ của Con và của Cha hiện diện nơi khổ đau của chúng ta, và vì thế khai mở ra cho chúng ta một khả thể sống sự sống vĩnh hằng. Sự “tự hủy” (kénose) của Thần Khí trong những bóng tối của loài người tuôn chảy ra từ sự “tự hủy” của Ngôi Lời trong lịch sử nơi cuộc thụ nạn và của cái chết của Đức Giêsu quê làng Nadaret.

 
b).Đâu là chỗ đứng của Giáo Hội và của các môn đệ của Vị Thiên Chúa-Ba Ngôi vẫn hằng đau khổ vì chúng ta nầy ?

Giáo Hội và các môn đệ cấu thành dân đi theo dấu chân thập giá (sequela crucis) *. Được Đức Kitô làm gương khi từng đi trước trong vực thẳm thử thách, những người kitô-hữu biết rằng họ cũng phải sống những công việc và những ngày tháng của cuộc hành trình của mình dưới dấu chỉ của thập giá : “Được đóng đinh vào thập giá cùng với Đức Kitô, chẳng còn phải là tôi sống, mà chính là Đức Kitô đang sống trong tôi. Cuộc sống trong xác thịt nầy, tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và đã hiến dâng mình vì tôi” (Gl 2, 20). “Vẫn còn là lữ khách trên trái đất nầy, trong khi chúng ta sống trong thử thách và bắt bớ, chúng ta được liên kết với những khổ đau của Đức Kitô và chúng ta đau khổ với Ngài như thân thể hiệp nhất với đầu, để cùng đươc vinh quang với Ngài” (Hiến chế ÁNH SÁNG MUÔN DÂN, 7). Chẳng hình ảnh nào xa rời khỏi hình ảnh người môn đệ của Đấng Bị đóng đinh thập giá cho bằng một Giáo Hội im lìm, tự đủ với những phương tiện và quyền lực hiện có của mình : “Một cộng đoàn kitô đã được định hình đâu vào đấy cả rồi (La chrétienté établie) trong đó tất cả mọi người đều là kitô-hữu, nhưng chỉ loanh quanh trong phạm vi nội bộ của mình, chẳng giống chút nào với một Giáo Hội chiến đấu, cũng giống như sự thinh lặng của sự chết chẳng giống chút nào với sứ điệp phong phú của biến cố thụ nạn” (Kierkegaard). Giáo Hội dưới chân thập giá là dân bao gồm những ai như Đức Kitô, hằng nỗ lực phấn đấu đi ra khỏi chính bản thân mình và hội nhập vào trong con đường đau khổ của tình yêu : đó là cộng đoàn của những người nghèo khổ nhằm phục vụ những người nghèo khổ, với khả năng qua cách sống của mình làm bối rối những con người khôn ngoan và quyền lực trên trái đất nầy. Một Giáo Hội dưới chân thập giá cũng còn có nghĩa là một cộng đoàn được làm phong phú hóa bởi khổ đau của các chi thể của mình. Đi theo con người quê làng Nadaret, suối nguồn của sự sống vốn còn mạnh hơn sự chết, đó là cùng với Ngài rão qua khắp con đường tối tăm của cuộc thụ nạn : “Nếu ai muốn đi theo Ta, hãy từ bỏ chính mình đi, hãy vác thập giá và hãy đến mà đi theo Ta. Ai muốn bo bo giữ lấy mạng sống mình, sẽ mất nó, còn ai dám liều đánh mất mạng sống đó vì cớ Ta và Tin Mừng, sẽ giữ được mạng sống đó” (Mc 8, 34-35). “Ai không vác lấy thập giá mình mà theo Ta thì không xứng đáng với Ta” (Mt 10, 38). Người môn đệ sẽ phải “hoàn tất nơi xác thịt mình điều vẫn còn thiếu nơi cuộc thụ nạn của Đức Kitô” (Cl 1, 24) : người môn đệ sẽ làm được điều đó nếu như anh ta vác được cái thập giá nặng nề nhất trong tất cả mọi thập giá, đó là thập giá của cái hiện tại mà Cha vẫn gọi mời người môn đệ vác; vẫn tin dù không thấy, vẫn chiến đấu và hy vọng dù chẳng thấy kết quả bên ngoài, trong sự liên đới với tất cả mọi người đau khổ (1 Cr 15, 26). Thập giá của cái hiện tại nầy trong cùng lúc còn là nỗi nhọc nhằn của những tín hữu phải luôn tín trung và là sự bắt bớ từ phía “những thù địch của thập giá của Đức Kitô” (Pl 3, 18). Con đường thập giá sống đức tín trung được đan dệt nên bởi cuộc chiến đấu nội tâm và bởi cơn hấp hối lặng thinh nơi những khoảnh khắc thử thách, cô đơn và nghi ngờ. Con đường đó được nâng đỡ bởi kinh nguyện kiên gan và bền chí trong tâm tình nghèo khó vẫn luôn đợi chờ lòng thương xót của Cha : đó là con đường thập giá tín trung của Đức Giêsu, chỉ với một sự khác biệt nầy đó là trong trường hợp Đức Giêsu thì Ngài phải một mình vượt qua con đường đó, trong khi chúng ta thì luôn có sự hiện diện của Ngài trước và trong cuộc hành trình !
Còn về thập giá của bắt bớ, đó là hậu quả của tình yêu công lý. Niềm hy vọng nơi Vương quốc đang đến thúc đẩy các môn đệ của Đức Kitô phải có một thái độ phê phán đối với những thiển cận nơi những người có quyền lực trong lịch sử. “Nầy Ta sai các con đi như những con chiên giữa bầy sói…các con sẽ bị mọi người chống đối vì cớ danh Ta” (Mc 10, 16 tt). Những chọn lựa căn cơ của một Giáo Hội thực sự mang Tin Mừng là những gì những hệ thống quyền lực và sang giàu không thể nào chấp nhận được : “Tôi đã yêu thích công lý, tôi đã chống đối bất công, và chính vì thế mà tôi sẽ phải chết nơi cõi lưu đày” (ghi chép nơi mộ chí của Grégoire VII).
 
Giáo Hội dưới chân thập giá, như vậy, vì quay quắt với nỗi đói khát thế giới mới của Thiên Chúa, trở nên một dân giúp đỡ những người bị áp bức vác lấy thập giá của mình và chiến đấu chống lại điều gì vốn ở nơi cội nguồn của những thập giá nầy : Giáo Hội đó sẽ phải đương đầu với những ngục tù và với những thứ ách nô lệ do những luật lệ và những quyền lực tạo ra và, cùng với Đức Chúa của mình, Giáo Hội đó sẽ phải tỏ mình ra trong tư thế lựa chọn là khiêm hạ và can đảm. Đấng bị đóng đinh thập giá vốn không ngại ngần gì khi tự đồng hóa mình với  tất cả những con người bị đóng đinh thập gía trong lịch sử : “Ta đói và các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát và các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp Ta; Ta mình trần và các ngươi đã cho Ta áo mặc; Ta bệnh hoạn, và các ngươi đã viếng thăm Ta; Ta bị lao tù và các ngươi đã viếng thăm Ta” (Mt 25, 35-40). Nơi những kẻ mà người ta bắt bớ, chính Đức Kitô hiện diện ở đấy : “Saolê, Saolê, tại sao ngươi bắt bớ Ta ?” (Cv 9, 4). Yêu mến Đức Kitô và đi theo Ngài, đó là luôn mong muốn làm dịu bớt đi những thập giá nơi những người đang đau khổ và mong muốn, nhờ lời và cuộc sống của mình, chiến đấu chống lại điều gì là nguồn gốc của những thập giá đó. Thập giá giải cứu được khỏi tội lỗi và sự chết đòi phải có sự giải phóng ra khỏi tất cả mọi thập giá chết chóc và tội lỗi : “Bắt chước Đức Kitô” không bao giờ có thể là một sự bắt chước thụ động, không đá động gì tới những ác xấu hiện tại ! Sự bắt chước Đức Kitô, trái lại, được hoàn tất nơi nỗ lực dân thân chủ động và cảnh giác để làm sao khiến cho những đỉnh đồi Canvê của chúng ta biến thành hiện trường của sự phục sinh, của công lý và của sự sống. Lòng trắc ẩn đối với Đấng bị đóng đinh thập giá phải được diễn dịch ra thành một thứ lòng trắc ẩn chủ động đối với những chi thể của Thân Mình của Ngài trong lịch sử. Giáo Hội, vốn đang chiến đấu trong cuộc chiến bảo vệ căn tính của mình, sẽ tìm gặp được mình khi tự đánh mất mình đi : chính xác hơn, Giáo Hội sẽ tìm ra được căn tính của mình khi lấy căn tính đó mà phục vụ tha nhân, để rồi tìm gặp lại được căn tính đó nơi mức độ mới vốn xứng hợp với tư cách những môn đệ của Đức Kitô : mức độ tình yêu.  
 

Người môn đệ, bị đè bẹp dưới sức nặng của thập giá hay kinh hoàng khi phải đối diện với những đòi hỏi của thập giá, phải biết cậy dựa nơi những lời hứa vốn đã được chứa đựng trong biến cố Phục Sinh : đó là những xác tín chắc chắn vốn đã nâng đỡ cuộc sống, khổ đau và sự chết của tất cả những ai đã đi trước chúng ta trong cuộc chiến bảo vệ đức tin : “Chúng tôi đã bị thử thách tư bề, nhưng đã không bị đè bẹp; bị thử thách, nhưng đã không bị làm cho nản chí; bị bách hại, nhưng đã không bị bỏ rơi; bị đánh đập, nhưng đã không bị giết chết; luôn luôn và khắp nơi chúng tôi mang nơi thân thể mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện ra nơi thân xác của chúng tôi” ((2 Cr 4, 8-10). Đối với ai cố gắng sống như thế, thập giá của Đức Kitô đã không trở nên luống công vô ích.
 
Gm. BRUNO FORTE
(Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
chuyển ngữ)
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận