Suy tư về mầu nhiệm Phục Sinh (1)

Đăng lúc: Thứ bảy - 19/04/2014 09:19 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH (1)
 
Cộng đoàn kitô sơ khai, khi đọc lại lịch sử của Đức Giêsu quê làng Nadaret dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Phục Sinh, đã tìm cách làm lan tỏa nguồn ánh sáng nầy lên toàn bộ cuộc hành trình phiêu lưu của nhân loại. “Việc đọc lại lịch sử qua lăng kính mầu nhiệm Phục Sinh” nầy diễn ra theo một lộ trình kép : đi từ cái hiện tại của cộng đoàn hướng về Đức Kitô, trước tiên, người ta tự hỏi tại sao Đức Kitô lại chiếm một vị trí trung tâm lợi ích như vậy. Từ Đấng được phục sinh đến cái ngày hôm nay của các tín hữu, người ta tìm cách để nhận ra được những dấu chỉ và những công cụ giúp phát hiện ra được sự hiện diện của Ngài. Vận hành thứ nhất, đi từ hiện tại đến qua khứ, như chứng từ Tân Ước cho biết, dẫn người ta đến chỗ tuyên xưng thực tại duy nhất giữa Đấng bị đóng đinh thập giá-Đã được phục sinh, trung tâm của thời gian và là mô mẫu của lịch sử; vận hành thứ hai, đi từ quá khứ đến hiện tại, dẫn người ta đến chỗ nhận ra Ngài vẫn hiện diện trong mỗi “cái hôm nay”, trong sức mạnh của Thần Khí. Đặc tính độc nhất vô nhị (singularité) và đồng thời (contemporanéité) nơi Đức Kitô, như vậy, cấu thành hai chiều kích nền tảng theo đó cho thấy tầm quan trọng của biến cố Phục Sinh đối với mọi thời *. Việc tuyên xưng đặc tính độc nhất vô nhị nơi Đức Giêsu-Kitô được cộng đoàn sơ khai liên kết với sự kiện Ngài là Đấng được xức dầu của Cha, tràn đầy Thánh Thần (sự tràn đầy mà Thời Trung Cổ ám chỉ dưới danh xưng là gratia unionis [ân sủng hiệp nhất]). Việc thừa nhận tính đồng thời nơi Đức Giêsu-Kitô sẽ được tái liên kết với hành vi mầu nhiệm nhờ đó Thần Khí làm cho Đức Kitô hiện diện nơi tất cả mọi thời gian để dẫn đưa thời gian đến với Cha (mầu nhiệm mà Thời Trung Cổ sẽ gọi là gratia capitis [ân sủng của đầu]) *. Trong nỗ lực quan tâm đến Đấng được phục sinh và Thần Khí nầy, trong tư thế cởi mở ra với chiều kích Ba Ngôi của nó, việc đọc lại qua lăng kính mầu nhiệm Phục sinh của Tân Ước có thể được coi như một mẫu mực nhằm giải đáp cho vấn nạn liên quan đến vấn đề nội hàm ý nghĩa của Đức Giêsu-Kitô. 
 
1. Tuyên xưng nguyên thủy về đặc tính độc nhất vô nhị nơi Đức Giêsu-Kitô
 
Nhằm giải đáp cho vấn nạn thứ nhất – tại sao Đức Kitô lại “có liên quan tới”, hay đúng hơn lại “quan trọng” đối với con người – cộng đoàn sơ khai đã trả lời qua chính những tuyên xưng phục sinh của mình : Đức Giêsu là Đấng Kitô, là Đức Chúa ! Trong Đức Giêsu-Kitô, con người có thể đến gần được với Thiên Chúa, một lần là vĩnh viễn : “Đức Kitô đã đến, vị thượng tế mang lại phúc lộc của thế giới tương lai… nhờ máu của mình Ngài đã đi vào trong cung thánh một lần là vĩnh viễn, nhờ đó Ngài đã dành được sự giải thoát vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9, 11-12). Ngài “đã chết cho tội lỗi một lần là vĩnh viễn, Đấng công chính cho những kẻ bất lương, nhằm dẫn đưa chúng ta về lại với Thiên Chúa” (1 Pr 3, 18) *. Chính vì thế, “chẳng có ơn cứu độ ở nơi nào khác ngoài Ngài; vì dưới gầm trời nầy, chẳng có một danh nào khác được ban cho loài người mà lại cần thiết cho ơn cứu độ chúng ta” (Cv 4, 12).  
 
Làm thế nào mà cộng đoàn kitô sơ khai đã có thể, với một niềm xác tín như thế, khẳng định ơn cứu độ duy nhất chỉ có nơi Đức Giêsu-Kitô mà thôi ? Do đâu mà có chủ đề solus Christus (chỉ một mình Đức Kitô) bàng bạc, thí dụ, trong toàn bộ nền thần học của Thánh Phaolô, với một sức mạnh có vẻ như “đầy tính ghen tuông”  (xen thí dụ Pl 3, 7-11) ? *. Đặc tính “độc nhất vô nhị” nơi con người quê làng Nadaret * được lập căn trên công bố phục sinh rằng Ngài là Đức Chúa và là Đấng Kitô, được phục sinh đồng thời nhận cách tràn đầy Thần Khí, Đấng vốn là sự hoàn tất những lời hứa của Thiên Chúa : “Trong những ngày đó, Ta sẽ tuôn tràn Thần Khí của Ta” (Ge 3, 2, xem Cv 2-16 tt), “Ta sẽ ban cho các ngươi một quả tim mới, Ta sẽ đặt vào trong các ngươi một thần khí mới, Ta sẽ cất khỏi các ngươi quả tim bằng đá và sẽ ban cho các ngươi quả tim bằng thịt. Ta sẽ đặt vào trong các ngươi Thần Khí của Ta và các ngươi sẽ sống theo những giới răn của Ta, và các ngươi sẽ tuân giữ các luật lệ của Ta và đem ra thực hành các luật lệ đó” (Ed 36, 26-27). Dưới ánh sáng của Mầu nhiệm Phục Sinh, cộng đoàn đọc lại toàn bộ lịch sử của con người quê làng Nadaret và nhận ra ở đấy những dấu chỉ cho thấy có một sự hiện diện liên tục của Thần Khí, Đấng đã làm cho con người quê làng Nadaret đó trở thành hiện trường trong đó Thiên Chúa tường thuật lại lịch sử của Ngài cho con người. Người ta đã lưu ý rằng Tân Ước vốn bàng bạc một nền thần học về Thần Khí (christologie de l’Esprit [hay pneumo-christologie]) khác với nền thần học về Ngôi Lời : theo nền thần học về Thần Khí nầy, Đấng An Ủi cách đặc biệt đóng vai trò làm cho các chức vụ của Đức Kitô được hiện hành hóa ra trong thời gian *. Người ta có một chứng từ về cách đọc trên cơ sở niềm tin nầy trong tường thuật về việc Đức Maria thụ thai Đức Kitô nhưng vẫn còn đồng trinh, nơi cảnh Ngài được thánh tẩy, nơi hành động của Đức Giêsu trong sức mạnh của Thần Khí, nơi việc Đức Giêsu “giao nộp lại” Thần Khí trên thập giá, nơi việc Ngài được phục sinh trong sức mạnh của Thần Khí. Trong những bản văn nầy, vốn ám chỉ Đức Giêsu như là Đấng đón nhận Thần Khí cách độc nhất vô nhị, “kitô-luận trên thực tế xem ra là một phần vụ của thần khí-luận” (W. Kasper). Nhưng, cộng đoàn phục sinh lưu ý rằng con người quê làng Nadaret đó vốn là “Đấng được xức dầu” (Oint [Christ]) tràn đầy, bởi vì Ngài cũng là Đấng đã đón nhận ân huệ của Thiên Chúa như xưa nay chưa từng có ai đã lãnh nhận được như vậy. Hiện hữu của Ngài là hiện hữu hoàn toàn do “được đón nhận”, luôn có thể từ bỏ mình cách tự do, có thể từ chối một “thời gian”cho mình để có “thời gian” cho Thiên Chúa *. Chính vì thế mà trong con người quê làng Nadaret đó, Thiên Chúa đã chọn có thời gian cho con người, khi tự trao ban chính mình cách vô điều kiện trong việc tuôn trào Thần Khí xuống trên Ngài. Và chính vì có sự hiện diện hoàn toàn, độc nhất vô nhị đó của Thần Khí nơi mình mà Đức Giêsu quê làng Nadaret mới có một nội dung ý nghĩa và một tầm quan trọng đối với toàn bộ lịch sử. Để trả lời cho vấn nạn muôn đời vẫn được đặt ra : “Chúng ta có thể tìm gặp được Thiên Chúa ở đâu ?”, cộng đoàn Giáo Hội sơ khai không ngần ngại trả lời cách nghịch lý : Thiên Chúa ở nơi Đức Kitô ! (xem thí dụ 2 Cr 5, 19, bản văn Hy ngữ : “Thiên Chúa ở trong Đức Kitô, giao hòa thế gian lại với mình”). Đức Giêsu là Emmanuen, Thiên Chúa ở với chúng ta và đứng về phía chúng ta. Lịch sử của con người quê làng Nadaret là mãnh vụn trong đó cái toàn thể tự tạo cho mình một không-thời gian để mà hiện diện, đó chính là “cái Phổ Quát cụ thể và có ngã vị” *, là cái nghịch lý cội nguồn một vị Thiên Chúa trong vóc dáng xác thịt loài người : “Việc một con người độc nhất vô nhị là Thiên Chúa, việc con người đó nói mình là Thiên Chúa và tỏ ra mình như là Thiên Chúa, điều nầy quả tạo ra một điều gây gai chướng hết sức kinh khủng… Điều vô cùng quan trọng đó là sự kiện Thiên Chúa đã sống dưới trần gian nầy như một con người độc nhất vô nhị” (Kierkegaard). Đặc tính độc nhất vô nhị nầy trao ban cho cuộc sống và cái chết của Ngài một giá trị độc nhất vô nhị *. Đức Kitô, như vậy, đối với cộng đoàn sơ khai, trở thành tiêu chí thông qua đó toàn bộ hành trình phiêu lưu mạo hiểm của con người có thể được đọc và được lượng giá : con người độc nhất vô nhị nầy là mô mẫu của lịch sử ! Xác định lập trường trong tương quan với quá khứ và tương lai, các kitô-hữu tiên khởi đã khẳng định rằng, trong Đức Giêsu-Kitô, lịch sử đã được sống đó là một lịch sử có tính thâu tóm toàn bộ lịch sử loài người (récapitulée), và rằng nơi Ngài sự hoàn tất cuối cùng trong Thiên Chúa đã được hứa ban. Nơi con người “độc nhất vô nhị nầy” (singulier), “khúc quanh” thời gian đã hoàn tất : Đức Giêsu-Kitô là đỉnh điểm và là khởi đầu mới của lịch sử cứu độ. “Đức Giêsu-Kitô cũng là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi !” (Dt 13, 8); “Ta là Đấng đầu tiên và là Đấng cuối cùng, là Đấng hằng sống” (Kh 1, 17; 2, 8; 22, 13) : là Đấng Đầu tiên nơi cội nguồn của thời gian trôi qua, là Đấng Cuối cùng nơi tận cùng của thời gian đó và lúc mà sự hoàn tất diễn ra như đã hứa, là Đấng Hằng sống trong cái hôm nay của Giáo Hội và của thế giới. “Mô mẫu tuyệt đối của Đạo Kitô không phải, như đối với triết học, là một dữ kiện siêu việt ở bên kia mọi lịch sử, mà chính nó và trong nó, là lịch sử *.” 
 
Quá khứ sẽ được đọc lại qua lăng kính ánh sáng của mô mẫu nầy, mô mẫu phổ quát chính bởi vì là có một không hai : Đấng được phục sinh đã hiện diện ngay nơi hành vi sáng tạo thưở ban đầu. Đấng khai mào thời gian cuối cùng không thể vắng mặt trong thưở khai nguyên (“cánh chung luận” dội ngược trở lại “khai nguyên luận”) : “Đức Giêsu-Kitô là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, được sinh ra trước mọi tạo thành; bởi Ngài mà mọi sự được tạo thành, mọi sự trên trời và dưới đất, hữu hình và vô hình…Mọi sự đã được tạo thành bởi Ngài và vì Ngài. Ngài có trước mọi sự, và mọi sự đều trụ tồn trong Ngài” (Cl 1, 15-17). Đấng hoàn tất ý nghĩa công trình tạo dựng, vì thế, cũng ở nơi cội nguồn của lịch sử : bởi vì Ngài đã thâu tóm mọi sự nơi Ngài (Ep 1, 10), nên các ân sủng được chọn lựa cho nhân loại đã được giao trả lại cho Ngài từ thưở khai nguyên : “Cũng nơi Ngài, chúng ta đã nhận được gia tài của chúng ta : chúng ta đã được tiền định theo kế hoạch của Đấng dẫn dắt mọi sự tùy theo ý muốn của Ngài…” (Ep 1, 11). Mầu nhiệm Phục Sinh mặc khải ra cho thấy thân phận của lịch sử ngay từ thưở ban đầu : “Khái niệm về sự thật của người Do Thái luôn liên quan đến cánh chung luận : đối với quan niệm nầy, bản tính của một sự vật không được định nghĩa trước (pré-définie), mà được quyết định theo điều mà nó trở thành. Trong nhãn giới nầy, sự tiền định nơi Đức Giêsu, việc thâu tóm tất cả mọi sự nơi Ngài, cũng đồng nhất với việc chúng được tạo dựng bởi Ngài * .” Thời gian cuối cùng, vốn được mặc khải ra do việc tuôn đổ Thần Khí trên Đức Giêsu, cho phép đọc lại lịch sử khởi đi từ cái tận cùng và thừa nhận rằng mọi sự được tạo thành đều được qui hướng về Đức Kitô ngay từ thưở khai nguyên. Một sự đối kháng giữa bản tính và ân sủng hoàn toàn không có cơ sở nền tảng nào trong Tân Ước : Đức Kitô không bao giờ xui khiến người ta coi khinh thế gian. Trái lại, Ngài mặc khải ra cho thấy ý nghĩa và số phận cuối cùng của mọi sự. Đối với thế hệ những kitô-hữu thưở ban đầu, công trình tạo dựng và công trình cứu chuộc có một mối tương quan trong cùng lúc vừa bổ túc cho nhau vừa hoàn toàn mới mẻ : ơn cứu độ không triệt phá điều do bản tính tự nhiên “thuộc về thế gian”, nhưng giả thiết phải có nó và dẫn nó đến chỗ hoàn hảo thông qua một quá trình phủ định và vượt quá : “Ân sủng không triệt phá bản tính, nhưng giả thiết phải có nó và hoàn tất nó” khi vượt quá nó *.  
 
Khuynh hướng “kitô-luận mang chiều kích vũ trụ” nầy liên kết với lối đọc trên cơ sở kitô-luận về quá khứ của dân Itraen : Đức Kitô là Đấng mà nhờ sự tuân phục của Ngài đã khiến trở thành khả thể điều mà sự bất tuân phục của Itraen đã ngăn cản không thực hiện được : “Con Thiên Chúa, Đức Giêsu-Kitô, đã không vừa ‘có’ lại vừa ‘không’, nhưng nơi Ngài chỉ có ‘có’ mà thôi. Thật vậy, tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa đã tìm gặp được câu trả lời ‘có’ nơi Ngài” (2 Cr 1, 19-20). Thông qua sự từ chối của dân Itraen, như được diễn tả nơi việc người ta “giao nộp” con người quê làng Nadaret và cái chết của Ngài, “Thiên Chúa đã hoàn tất điều mà Ngài đã loan báo qua miệng tất cả các ngôn sứ” (Cv 3, 18). Từ nay, trong những bản văn các ngôn sứ, người ta có thể nhận ra lịch sử của Đấng bị hạ nhục và đã được tôn vinh : toàn bộ lịch sử của dân Itraen đều qui hướng về Ngài (xem diễn từ của Stêphanô trong Cv 7, 2 tt). Chính nơi Ngài mà Thánh Kinh được hoàn tất : Kinh Thánh đã được viết ra “cho chúng ta”, những con người của “thời gian sau cùng” (Rm 15, 4). Lịch sử dân Itraen và toàn thể công trình tạo dựng, như vậy, liên kết với nhau trong mặc khải duy nhất về Thiên Chúa, mà đỉnh điểm là việc sai Con : “Thưở xưa, sau nhiều lần và với nhiều cách, đã nói với cha ông chúng ta nơi các ngôn sứ, trong thời kỳ sau hết nầy là thời của chúng ta, Thiên Chúa đã nói với chúng ta nơi một người Con mà Ngài đã thiết lập làm Đấng thừa hưởng mọi sự, Đấng mà cũng bởi Ngài Thiên Chúa đã tạo dựng nên các thế giới” (Dt 1, 1). Quá khứ, khởi đi từ thưở khai nguyên của công trình tạo dựng và thông qua lịch sử của dân Itraen, tự xuất trình ra như một vận hành duy nhất hướng về con người độc nhất vô nhị nầy. Trong Ngài, sự hiện diện của Thiên Chúa được hiến dâng cho loài người : qua Ngài, cuộc đối thoại diễn ra giữa con người và Cha, trong Thần Khí, Đấng đã nói qua các ngôn sứ (Mt 22, 43; Cv 1, 16; 1 Pr 1, 10-12; v.v.). Kế hoạch thần linh diễn ra trong lịch sử nầy vốn là “mầu nhiệm”, bây giờ được hoàn tất trong Đức Kitô và được Giáo Hội loan báo cho toàn thể vũ trụ (Ep 3, 3-12). 
 
Trong cái hiện tại, cộng đoàn sơ khai nhận được “thời gian viên toàn” (Gl 4, 4); điều đã diễn ra trong lịch sử của Đức Giêsu được phục sinh vốn ở ngay “trung tâm thời gian” : đó chính là “chỗ ngắt mang tính quyết định” mà khởi đi từ đó hành trình nhân loại từ nay sẽ được đo lường thẩm định *. Nơi Đức Kitô, sự hiến dâng của Thiên Chúa hoàn toàn và có tính dứt điểm được thực hiện, nơi Ngài, cuộc chiến đấu vì sự cứu độ chúng ta hoàn toàn thắng lợi : “Từ lúc anh em được phục sinh với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những sự trên cao, nơi Đức Kitô ngự trị bên hữu Thiên Chúa; chính nơi cao đó mới là đích nhắm của anh em, chứ không phải là trái đất nầy. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống của anh em được ẩn dấu với Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, sự sống của anh em, xuất hiện, cả anh em nữa, anh em cũng sẽ xuất hiện với Ngài ngập tràn vinh quang” (Cl 3, 1-4). Khác với dân Itraen, Giáo Hội không chỉ sống trong nỗi đợi chờ cái tương lai : Giáo Hội tuyên xưng rằng trong Đấng bị đóng đinh thập giá và đã được phục sinh đó, ơn cứu độ đã (déjà) cái hiện tại, cho dù sự cứu độ đó vẫn chưa (pas encore) được hoàn tất hoàn toàn. Giáo Hội xác tín chắc chắn về chiến thắng khải hoàn đó, cho dù con đường nhân loại đang đi vẫn còn phải kinh qua trong nhọc nhằn khổ ải của một Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh dài. Cái đã đó đã được ban cho trong mầu nhiệm phục sinh Đấng đã bị đóng đinh thập giá, một biến cố của quá khứ nhưng đồng thời vẫn luôn là cái hiện tại : Đức Kitô, được Cha phục sinh, là Đấng hằng sống, “luôn luôn vẫn sống để cầu bầu cho chúng ta” (Dt 7, 25) và để lan tỏa chiến thắng khải hoàn của Ngài cho đến tận chúng ta. Trong ý nghĩa nầy, Đức Kitô không chỉ là trung tâm thời gian “theo kiểu biên niên”, mà lịch sử của dân Itraen và của nhân loại qui tụ về và vốn ghi dấu ấn giờ khắc cuối cùng trước lúc cùng tận : Ngài cũng còn là trung tâm “của mầu nhiệm cánh chung”, Đấng vốn “hằng ngự trị bên hữu Cha” (Rm 8, 34; 1 Cr 15, 25; v.v.). Cái hiện tại của ơn cứu độ lúc bấy giờ đạt đến chỗ thấm nhập được vào cái hiện tại của cộng đoàn : cái hôm nay của các tín hữu trở thành cái hôm nay của Thiên Chúa : “Bây giờ chính là lúc thuận tiện, bây giờ chính là ngày cứu độ” (2 Cr 6, 2). Đấng được phục sinh trở nên chính sự sống của kẻ sống trong đức tin : “Không còn phải là tôi sống, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20; Pl 1, 21; v.v.).  
 
Khởi đi từ con người độc nhất vô nhị đã được Thiên Chúa phục sinh nầy, cả cái tương lai (le futur) nữa cũng được rọi sáng : cộng đoàn sơ khai, khởi đi từ Mầu nhiệm Phục sinh, đã giải thích ý nghĩa của thời gian nằm giữa cái đã làcái chưa là, giữa “mùa xuân và mùa hạ” của ơn cứu độ. Đó là thời gian mà quyền năng của Đấng được phục sinh phải được lan tỏa ra đến tận tất cả mọi thập giá và tất cả mọi kẻ bị đóng đinh thập giá trong lịch sử loài người : “Đức Kitô đã được phục sinh khỏi những kẻ chết, là hoa quả đầu mủa của những kẻ đã chết. Thật vậy, bởi vì sự chết đã đến do một con người, thì sự phục sinh khỏi những kẻ chết cũng đến do bởi một con người : như tất cả đã chết trong Ađam, trong Đức Kitô, tất cả sẽ được nhận lại sự sống; nhưng mỗi người tùy theo thứ bậc của mình : trước tiên là những hoa quả đầu mùa, đó là Đức Kitô, rồi đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, khi Ngài đến; sau đó sẽ là cái cùng tận, khi Đức Kitô giao trả lại vương quyền cho Thiên Chúa Cha… để Thiên Chúa là tất cả nơi tất cả mọi người” (1 Cr 15, 20-24.28). Đức Kitô, vốn là sự hoàn tất lời hứa, cũng còn là lời hứa bảo đảm cho sự hoàn tất cuối cùng * : “Hỡi những người quê vùng Galilê, tại sao còn đứng đấy nhìn trời ? Đức Giêsu, Đấng đã được cất lên khỏi các ông mà về trời đó, sẽ đến theo cũng cùng cách thức mà các ông đã thấy Ngài về trời hôm nay” (Cv 1, 11). Cái đã là của Đấng được phục sinh phản chiếu cho thấy cái chưa là của cuộc trở lại của Ngài : thời gian ở giữa đó là thời gian của Giáo Hội, thời gian của đợi chờ và của sứ vụ. Thời gian mở ra vào buổi sáng ngày Phục Sinh không thể đơn giản chỉ có nghĩa là để chiêm ngắm Đấng được phục sinh mà thôi, mà còn phải trở nên lịch sử của một công cuộc giải phóng mà Thiên Chúa hứa sẽ xây dựng cùng với chúng ta. Là kinh nghiệm về lịch sử của Thiên Chúa trong lịch sử của con người, lịch sử tam vị thâu tóm vào Ngài toàn bộ lịch sử của con người. 
 
Ánh sáng của Mầu nhiệm Phục Sinh, nếu có chứng thực đã có chiến thắng cuối cùng rồi, vẫn không loại bỏ đi nỗi lao nhọc dẫn đưa đến vinh quang đó. Lời hứa của Đấng được phục sinh là một thứ “lời hứa mang đầy lo âu xao xuyến” “kích thích cái hiện tại và mở toang cái hiện tại hướng về cái tương lai” *. Mầu nhiệm phục sinh không đóng khung thời gian vào trong việc mặc khải trước về cái cùng tận thôi, mà còn mở toang thời gian ra hướng về một tương lai mà Thiên Chúa vẫn chuẩn bị cùng với con người. Người ta đã đưa ra nhiều lối giải thích rất khác nhau về tình trạng căng thẳng nầy nơi cộng đoàn nguyên thủy đang hướng về một tương lai đã được hứa ban nầy : đó là sự đợi chờ một cùng tận sắp xẫy ra (“cánh chung luận về hệ quả được rút ra từ nguyên nhân” [eschatologie conséquente] : J. Weiss; A. Schweitzer), đó là thái độ hiện sinh quyết định đứng về phía Đức Kitô khi đối diện với hiến vật ơn cứu độ do Ngài mang lại (R. Bultmann), đó là cánh chung luận “đã được hiện thực hóa” (C.H. Dodd) hay “đã được tiền dự” (O. Cullmann). Để có thể trung thành hơn với kinh nghiệm của cộng đoàn sơ khai, người ta sẽ nói về một thứ “cánh chung luận đã được bắt đầu” hay đúng hơn “đã được khai mào” : biểu thức nầy diễn đạt khá hơn cái ý thức mà thế hệ những kitô-hữu đầu tiên vốn có đó là luôn ở trong tình trạng căng thẳng giữa cái đã được hoàn tất trong Đức Kitô, và cái chưa được hoàn tất *. Đối với cộng đoàn sơ khai, thời gian đã được bắt đầu nơi Mầu nhiệm Phục Sinh là “một thứ cánh chung luận đang trên đà được hiện thực hóa”  (J. Jeremias). Cho dù vẫn chưa hiện diện cách đầy đủ, những thực tại sau cùng đã có ở đấy. Ơn cứu độ, đã được hiến dâng ở Giêrusalem, sẽ lan tỏa ra từ đấy đến tận cùng trái đất cho đến lúc Đấng phải đến trở lại (1 Cr 11, 26). Lịch sử của loài người sẽ tiến lên theo bước chân của Thiên Chúa, cho đến lúc mọi sự đều qui phục Con, và sau cùng Thiên Chúa là “tất cả nơi tất cả mọi người” (1 Cr 15, 28). Lúc bấy giờ, lịch sử loài người sẽ mãi mãi nghỉ yên trong lịch sử của Thiên Chúa : nhưng chính lịch sử thần linh nầy – và ở đây là giới hạn cuối cùng của khả năng suy lý của lý trí con người – sẽ phải kinh qua một giờ mà lịch sử thần linh vẫn chuẩn bị và đợi chờ mong ngóng dọc dài qua suốt quá trình cứu độ, và mà vốn đã được hứa ban cho công trình sáng tạo từ khi Đấng đã bị đóng đinh thập giá, qua mầu nhiệm phục sinh, giao hòa lại với Cha của Ngài *. Vinh quang chung tận, mầu nhiệm thân phận tột cùng của con người, cũng vậy, sẽ ôm lấy quả tim của Thiên Chúa tam vị…
 
Gm. BRUNO FORTE
( Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
chuyển ngữ )

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận