Suy Tư về Mầu Nhiệm Thập Giá

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/04/2014 10:40 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM THẬP GIÁ
 
 
Trong giờ của “đế chế bóng tối”, điều gì đã xãy ra nơi Đức Giêsu quê làng Nadaret ? Đó là vấn nạn liên quan đến mầu nhiệm của cuộc chiến đấu một mất một còn với sự hữu hạn, đến cơn hấp hối và cái chết của Ngài *. Thái độ dè dặt mà khả năng hữu hạn vốn đòi hỏi, ở đây, trở thành ngập ngừng và bối rối : toan tính muốn đưa ra một nền thần học về thập giá đòi hỏi phải kinh qua thập giá của thần học. Theologia crucis, theologia crucifixa (Thần học về thập giá là thần học bị đóng đinh vào thập giá) ! Tuy nhiên, những thứ ngôn từ trì độn, vốn được làm cho sinh động nhờ tình yêu, không thể dừng lại ở đó : chúng vẫn còn phải đồng hành với con người quê làng Nadaret, bởi vì mầu nhiệm cái chết của Ngài là một quá trình vượt qua bắt buộc nếu muốn đi sâu vào trong mầu nhiệm cuộc đời của Ngài. Một nền thần học về thập giá  muốn tránh những nguy cơ sa vào một thứ hệ thống biểu tượng mang tính võ đoán và đôi khi bảo thủ, chỉ có thể là một tường thuật có tính phê phán về hành trình cuối cùng của Đức Giêsu mà thôi, và như vậy phác thảo ra một “nền kitô-luận tường thuật” về cuộc thụ nạn và về cái chết của Con Người *.
 
Vì tình yêu, cách tự do và ý thức về bước đi của mình, Đức Giêsu hướng về cái chết : với một tâm thái hoàn toàn dâng hiến, Đức Giêsu tự để mình bị giao nộp, từ tay người nầy qua tay người khác *. Sự phản bội và bỏ rơi của những người thân đã giao nộp Ngài * cho các đối thủ của Ngài : “Lúc bấy giờ, Giuđa Itcariôt, một trong số mười hai, đi gặp các thượng tế và giao nộp Đức Giêsu cho họ.” (Mc 14, 10) *. Sự thù hận cháy bỏng của những người đại diện Lề luật giao nộp Ngài cho những người đại diện của hoàng đế Xêda : “Ngay từ sáng sớm, các thượng tế, cùng với các Kỳ lão, kinh sư và toàn thể Thượng Hội đồng, sau khi đã bàn bạc với nhau, trói dẫn Đức Giêsu đi và giao nộp Ngài cho Philatô.” (Mc 15, 1 ss). Quan tổng trấn Philatô, tuy biết Ngài vô tội, nhưng vì áp lực của đám đông đã lùi bước : “Sau khi cho đánh đòn Đức Giêsu, Philatô giao nộp Ngài cho họ để họ đem đi đóng đinh vào thập giá” (Mc 15, 11). Đối diện với cả một chuỗi những phản bội, hận thù và sợ hãi, Đức Giêsu không ngừng làm chứng cho sự thật, khi vẫn lặng thinh, điều vốn làm cho Philatô phải sững sờ kinh ngạc. Chính trong thinh lặng vốn là chiến thắng của cuộc đấu tranh cùng cực của Ngài chống lại sự hữu hạn : cái chuỗi liên tiếp “những giao nộp” (livraisons) đó sẽ không diễn ra nếu như không có hành vi “giao trả lại” (remise) chính bản thân mình của Ngài, như lễ vật dâng hiến cho Cha trong tự do và cách quảng đại vì loài người chúng ta ! “Lạy Cha, con xin giao trả lại thần khí của con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Bị loài người bỏ rơi, Đức Giêsu đích thực là Đấng tự trao ban chính mình. Cộng đoàn sơ khai sẽ giải thích hành vi “giao trả lại chính bản thân mình” nầy như hành vi trao ban chính mình đến tột cùng vì chúng ta của Đức Giêsu : “Sự sống trong thân xác nầy tôi sống nó trong niềm tin nơi Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và tự giao nộp mình vì tôi” (Ga 2, 20). Lịch sử cuộc thụ nạn như vậy xuất hiện ra như là sự hoàn tất hành vi dâng hiến cho Cha của Đức Giêsu : trong ánh sáng Mầu nhiệm Phục sinh, đó là lịch sử của Con trong xác phàm, là hành trình hướng về tha thể của Ngài, là sự tự hủy mình đi để hiến mình cho Cha và cùng với Ngài đưa chúng ta vào trong sự sống của Ngài. Cơn hấp hối trên thập giá trong thời gian của chân trời hữu hạn là hành vi mặc khải cho thấy sự dâng hiến mình của Con cho Cha trong vĩnh hằng, được đóng ấn bởi hành vi “giao nộp lại” Thần Khí : “Gục đầu xuống, Ngài giao nộp lại Thần Khí.” (Ga 19, 30).
 
Thập giá là lịch sử của Con. Nhưng còn Cha ? Một dấu chỉ cho thấy sự hữu hạn mà Đức Giêsu tỏ ra trên thập giá cho phép chúng ta nói đôi lời về lịch sử của Cha trong giờ Con bị bỏ rơi : đó là tiếng kêu xé lòng mà các tác giả Tin Mừng Maccô và Matthêu truyền đạt lại cho chúng ta : “Lạy Thiên Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con, tại sao Ngài lại bỏ rơi con ?” (Mc 15, 34; Mt 27, 46). Tiếng kêu đó có vẻ như đi ngược lại cách mạnh mẽ với vận hành trước đó của cuộc thụ nạn, vốn là quá trình lần lượt đi từ sự “giao nộp” nầy đến sự “giao nộp” khác mà đích đến đó là hành vi “giao nộp chính bản thân mình” của Đấng bị đóng đinh trên thập giá. Lời nói về sự bỏ rơi từ phía Thiên Chúa nầy vang vọng lên như điều gì đó gây gai chướng và như một lời báng bổ phạm thượng : một đàng, nó chứng tỏ cho thấy tính chân thực của nó, và đàng khác, nó gây ra rất nhiều khó khăn cho nỗ lực giải thích *. Khuynh hướng chú giải truyền thống, lập căn trên sự kiện cho rằng đó là câu đầu tiên trong Thánh Vịnh 22, vốn là lời kinh bày tỏ niềm tín thác nơi Thiên Chúa trong cơn thử thách, đã muốn thấy ở đấy sự bày tỏ niềm tín thác hoàn toàn nơi Cha : nhưng trong giả thuyết nầy, người ta không hiểu rằng công thức bày tỏ niềm tín thác của Maccô và Matthêu không giống như công thức của Luca (23, 46). Vả lại, khi Đức Giêsu sử dụng một phạm trù hay một biểu thức nào đó của Cựu Ước, Ngài luôn sử dụng theo nghĩa đen : “Thay vì giải thích tiếng kêu của Đức Giêsu trong nghĩa của Thánh Vịnh 22, vì thế, tốt hơn nên giải thích các lời của Thánh Vịnh trong ý nghĩa phát xuất từ hoàn cảnh của Đức Giêsu.” *. Các tường thuật Tin Mừng về cuộc thụ nạn che đậy ý nghĩa nầy cách khá kỹ : điều nầy giải thích cho thấy tại sao phần lớn các nhà chú giải không muốn thừa nhận nơi những lời nầy ám chỉ một kinh nghiệm thực sự của Đấng bị đóng đinh về việc Ngài bị Thiên Chúa bỏ rơi *. Trái lại, một số người khác lại tin rằng họ có thể đọc thấy ở đấy mặc khải đích thực về một sự bỏ rơi của Thiên Chúa, và vì thế, về một cái chết trong Thiên Chúa, Con tách rời khỏi Cha với một khoảng cách mênh mông : “Thập giá của Con làm cho Thiên Chúa xa rời Thiên Chúa, đến độ trở nên thù địch của nhau và khác xa nhau hoàn toàn.” *. Cái khó khăn của lối giải thích nầy đó là khởi đi từ một dấu chỉ cực kỳ kín đáo bắt buộc phải tái dựng lại lịch sử của Cha, vốn hoàn toàn siêu việt xác thể và máu huyết. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một số người xem ra có khuynh hướng muốn nhìn lịch sử của khổ đau và của cái chết của loài người trong lịch sử tam vị của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi lúc bấy giờ xuất hiện ra như một lịch sử không đầy đủ, vốn được xây dựng thông qua sự hiện diện của Con nơi lịch sử bởi Thần Khí, cuối cùng sẽ dẫn đến chỗ Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi là “tất cả trong mọi sự” *. Ở đây, cần phải nhắc nhớ lại ý nghĩa của vực sâu thăm thẳm  ngăn cách giữa trời và đất, và cần phải ý thức rằng giữa “biến cố thụ nạn” của con người và “biến cố thụ nạn” của Thiên Chúa – Unus de Trinitate passus est (Chỉ một Đấng trong Ba Ngôi thụ nạn) * - cũng có cùng một sự khác biệt như vậy, tức là khác biệt giữa sự hữu hạn của thế giới và sự vô hạn thần linh. Lịch sử của thế giới không thể nào đồng hóa được với lịch sử của Thiên Chúa * ! Tuy nhiên, người ta không được tưởng tượng ra rằng Cha lại hờ hững trong giờ thập giá : “Trong thiên hạ vẫn có không ít người hẳn cảm thấy dễ dàng hơn khi thừa nhận một vị Thiên Chúa mẫn cảm (pathos), như khổ đau của Đức Kitô bị đóng đinh thập tự giá, so với một vị Thiên Chúa vô cảm (apathie).” *. Có cả một chuỗi những bản văn Tân Ước có thể, trong mầu nhiệm tiếng kêu xé lòng của Đức Giêsu cảm thấy như bị bỏ rơi khi sắp chết, cho phép nhìn thấy một “sự giao nộp” tận cùng : chính Cha là Đấng “giao nộp” Đức Giêsu, là Đấng “cả Con đích thực của mình cũng không nương tay, nhưng đã giao nộp Ngài vì tất cả chúng ta.” (Rm 8, 32). “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian biết bao, đến độ đã thí ban Con Một của Ngài, để bất cứ ai tin nơi Con thì không phải chết, nhưng có sự sống vĩnh hằng” (Ga 3, 16). Sự “giao trả lại” cuối cùng nầy, sự Con bị Cha bỏ rơi nầy cách gián tiếp được ghi nhận do việc thể thụ động được sử dụng trong những loan báo về biến cố Thụ nạn : “Con Người sẽ bị giao nộp trong tay người đời và họ sẽ giết chết Ngài” (Mc 9, 31 ss; 10, 33 ss.). Ngài sẽ bị giao nộp bởi ai ? Không phải bởi con người, vì họ chính là nơi Ngài bị giao nộp cho, không phải bởi Ngài, vì Ngài chính là đối tượng bị giao nộp, nhưng là bởi Thiên Chúa, bởi Cha ! “Những thể thụ động ‘bị giao nộp vào tay phường tội lỗi’ chứng tỏ cho chúng ta thấy Đấng hành động đó vẫn còn là Thiên Chúa chứ không là ai khác, và hơn nữa còn cho thấy đó là Đấng không hề lay chuyển trong hành vi xét xử của mình.” *.
 
Như vậy, cách hợp pháp, người ta có thể nói về một sự bỏ rơi từ phía Cha : đau khổ sâu xa nhất của Đấng bị đóng đinh thập giá trước tiên không phải là do những lỗ đinh của loài người : nỗi đau khổ thực sự của Ngài, thánh giá của Ngài, đó chính là kinh nghiệm về việc bị Thiên Chúa bỏ rơi ! Cả một đời Đức Giêsu luôn sống trong tương quan thường hằng mật thiết với Cha : “Tôi chẳng làm gì do tự mình cả, nhưng tôi nói điều mà Cha đã dạy bảo tôi. Đấng đã sai phái tôi hằng ở với tôi, và Ngài không để tôi một mình bởi vì tôi hằng luôn làm điều đẹp ý Ngài.” (Ga 8, 31). “Tôi và Cha, chúng tôi là một.” (Ga 10, 30). Thế mà giờ đây, trên thập giá, sự hiệp thông với Cha nầy hình như không còn : Thiên Chúa như nghìn trùng cách ! Ngõ lời với vị Thiên Chúa trở nên xa lạ nầy,  Đấng bị đóng đinh thập gía đã đặt một câu hỏi hàm chứa tất cả gánh nặng khổ đau của loài người, hàm chứa cái gây gai chướng căn cơ nhất trong thân phận hữu hạn : “Tại sao Cha lại bỏ rơi con ?”. Đó chính là vấn nạn của tất cả mọi con người nghèo khổ, của tất cả mọi con người bị bóc lột và bị đàn áp trên trái đất nầy : sững sờ trước điều đang xẫy ra, và khổ đau trước sự bị bỏ rơi. Tại sao Cha, Đấng vẫn hằng luôn nâng đỡ Ngài và là Đấng mà Ngài vẫn hằng hoàn toàn phó thác cho vì tình yêu, bây giờ lại lặng thinh bỏ rơi Ngài ? Cha Ngài đang ở đâu, Thiên Chúa đang ở đâu ? Sự thinh lặng nầy của Cha đối diện với Con đang chết là “cái chết của Thiên Chúa” trên thập giá : hay đúng hơn là mặc khải về thập giá như là “cái chết trong Thiên Chúa”. Con chết, tự đáy thẳm sâu tan nát vì sự xa cách của Cha. Cha “chết” bởi vì trong đớn đau Ngài “giao nộp” chính Con của mình, cũng như một ngày kia Apraham cũng “sẽ giao nộp” Isaac *. Thần Khí hiện diện trong lặng thinh, “được Con giao nộp” cho Cha trong khoảnh khắc Con chết. Thập giá là lịch sử của Con, của Cha và của Thần Khí, lịch sử tam vị Thiên Chúa ! Nhưng tại sao sự chết lại hiện diện trong lịch sử của Thiên Chúa-Ba Ngôi ? “Tại sao Đức Kitô lại phải đau khổ như vậy mới vào được trong vinh quang của Ngài ?” Lc 24, 26). Câu trả lời phần lớn còn nằm trong sự thinh lặng từ trong “những cõi thẳm sâu của Thiên Chúa” (1 Cr 2, 10) : người ta đơn giản chỉ có thể đưa ra một vài định hướng tư duy, chúng ta, những con người vốn được rọi sáng bởi ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh.
 
Việc bị Cha bỏ rơi và nỗi khổ đau cùng cực do bị bỏ rơi, trước tiên, “trên cơ sở luận chứng phản đề” (par antithèse), được coi như là mặc khải cho thấy sự hiệp nhất khôn thấu vốn nối kết Ba Ngôi với nhau. Như vậy, Đức Giêsu đau khổ, và quả thật đây là trường hợp độc nhất vô nhị, chính bởi vì Ngài phải trãi qua nỗi cô đơn vắng bóng Đấng mà cùng với Ngài vốn là một trong tình yêu. Thập giá là absconditas Dei sub contrario [Thập giá là sự ẩn dấu của Thiên Chúa theo chiều đảo ngược](Luther) : trong sâu thẳm của nỗi khổ đau vì xa cách, Cha và Con mặc khải cho thế gian thấy sự hiệp nhất thần linh của các Ngài. Đối diện với Đức Giêsu chết trên cây thập giá, người ta sẽ có thể nói rằng “Hãy xem Con yêu Cha biết bao !” (Ga 11, 36). Đau khổ mặc khải cho thấy tình yêu : hố thẳm do đau khổ khoét ra mặc khải cho thấy sự hoàn hảo của tình yêu. Trong khổ đau, mặc khải cho thấy trái tim của Thiên Chúa-Ba Ngôi. Vì thế, không phải là tình cờ khi Maccô ngay sau khi tường thuật về cái chết của Đức Giêsu, đã viết : “Lúc bấy giờ, viên sĩ quan bách quân đội trưởng, vốn có trách nhiệm canh gác Ngài, thấy Ngài chết như vậy, đã thốt lên : con người nầy đích thị là Con Thiên Chúa !” (15, 39). Biểu thức thần học hậu-phục sinh nầy, cùng với tước hiệu “Con Thiên Chúa” và ý muốn ghi nhận lại ý nghĩa của thập giá đối với những người ngoài Do thái giáo, dẫu sao vẫn còn mang nhiều ý nghĩa : khi khẳng định một người ngoại giáo nhận ra khuôn mặt của Thiên Chúa nơi khổ đau của Đấng bị đóng đinh thập giá, biểu thức nầy chứng tỏ cho thấy nơi con người đang chết đó, Con Thiên Chúa tự mặc khải mình ra như vị Thiên Chúa  hướng tha, đi ra khỏi chính mình vì tình yêu đối với thế gian. Dưới chân thập gía, nơi Đức Giêsu tự bỏ mình cho Cha cũng như là Đấng bị Cha bỏ rơi, bóng tối đang khiến ánh sáng vận hành, cái chết tức tưởi trở thành công cụ chiến thắng, đau khổ để lộ cho thấy trái tim tam vị Thiên Chúa. Thập giá biện minh cho việc người ta dám bạo gan sử dụng cái từ gây gai chướng nầy : Thiên Chúa đau khổ * ! Nếu trên thập giá của sự bỏ rơi, Con đã không phải đau khổ vì phải xa cách Cha, thì Con không phải đích thực là Con; và nếu Cha đã không phải đau khổ vì phải xa cách Con, thì Cha không phải đích thực là Cha. Nếu Thiên Chúa-Ba Ngôi đã không phải đau khổ vì thập giá như là Thiên Chúa, thì Ngài sẽ không phải là tình yêu tam vị, là sự hiệp nhất sâu xa nối kết Cha với Con trong Thần Khí. Đâu có thể là giá trị của nỗi khổ đau của Thiên Chúa vì chính Thiên Chúa ? Liệu người ta có thể nói rằng trên thập giá “Thiên Chúa tự định nghĩa mình hay tự cấu tạo nên mình” (E. Jüngel) ? Rằng Thiên Chúa mặc khải cho thấy điều mà Ngài là hay trở thành điều mà Ngài không phải là ? Thập giá là mặc khải về hữu thể tam vị  của Thiên Chúa “trên cơ sở luận chứng phản đề” (“par antithèse”) : điều đó muốn nói lên rằng giữa Thiên Chúa trong nội thân và Thiên Chúa được mặc khải ra trong khiêm hạ của thập giá, giữa Thiên Chúa siêu việt và Thiên Chúa nội tàng trong lịch sử của biến cố thụ nạn, vốn có một tương quan trên cơ sở căn tính trong tình trạng đảo nghịch mà sẽ được tỏ lộ ra cách đầy đủ nơi biến cố Phục Sinh. Ngày mà Thiên Chúa chết, như vậy, đưa trở về lại với ngày của Thiên Chúa hằng sống : cái vô cùng tự hiến dâng mình trong vương quốc của cái hữu hạn; sự chết tự hiến dâng mình trong sự sống; ân sủng tự hiến dâng mình trong tội lỗi; ánh sáng tự hiến dâng mình trong cõi tối tăm; lịch sử của Thiên Chúa tự hiến dâng mình trong lịch sử của loài người. Cõi lưu đày hé lộ cho thấy nơi quê hương : nỗi đau khổ vì bị giao nộp tiên báo cho thấy niềm vui của ân huệ Ba Ngôi trao hiến cho nhau; sự khiêm hạ và nghèo khổ của Đấng bị đóng đinh thập giá để lộ cho thấy sự tự do của Thiên Chúa-Ba Ngôi, vẫn hằng luôn đi ra khỏi mình để hiến dâng mình cho tha thể trong hành vi hoàn toàn tự hủy mình đi. Trên thập giá, Thiên Chúa trở thành : nhưng hành vi trở thành nầy chỉ là sự hiện thực hóa ra trong lịch sử cái trở thành vĩnh hằng của sự thông hiệp thần linh mà thôi, của sự hiệp nhất mà chẳng có gì có thể so sánh với. Thập giá là biểu thị hữu hạn của điều được sống nơi thực tại vô cùng là Thiên Chúa : vì thế, thập giá là cửa ngõ khiêm hạ mở ra cho con người cửa vào thế giới của Thiên Chúa, là cửa ngõ của những người khiêm hạ để lộ cho những người nghèo biết được những mầu nhiệm sự sống vĩnh hằng.
 
Mặc khải “trên cơ sở luận chứng phản đề” nầy (par antithèse) đồng thời cũng còn là sự phán xét và sự cứu độ thế gian : ở đây, chúng tôi đề cập đến một hướng suy tư khác theo đó người ta có thể thử suy tư xem điều gì đã xẫy ra Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Thông qua thập giá, Thiên Chúa của Đức Kitô, với một tiếng “không”  không thể đảo ngược, đóng đinh sự xấu ác của thế gian và công bố tiếng “có” có khả năng giải thoát. Đức Giêsu “bị giao nộp” cho sự chết bởi loài người, đó là chiến thắng bên ngoài của cái tiêu cực, là sự khải hoàn của “vương quốc bóng tối” : nhưng “hành vi giao nộp lại mình” của con người quê làng Nadaret đó, cái hiện hữu vì tha nhân đó của Ngài đã làm bối rối mầu nhiệm bất công. Sự tuân phục vô điều kiện của Ngài đối với Cha, niềm tin và niềm hy vọng không suy suyển của Ngài, vốn đã tạo nên bản án xét xử vị chúa tể của thế gian nầy. Đấng bị đóng đinh thập giá đã uống đến tận cùng chén đau thương của loài người, đặc biệt, chén đau thương tuôn chảy ra từ sự bất công và tội lỗi của tất cả các đao phủ của lịch sử loài người : nhưng Ngài đã uống chén đau thương đó cách hoàn toàn có một không hai. Nếu Ngài kinh qua bóng tối và vấp phải tình trạng bị bỏ rơi, nếu nỗi khổ đau của Ngài vượt xa tất mọi nỗi khổ đau khác, Ngài cũng không chịu đựng bóng tối của tương lai và sự xé rách của cái chết cách thụ động. Ngài đã đón nhận những điều đó trong tâm trạng hoàn toàn phó thác cho Cha, Đấng mà trong tay Ngài Con đã “giao nộp lại thần khí của mình”, vẫn hy vọng khi không còn cơ sở nào để mà hy vọng, và vẫn yêu thương vượt qua tất cả mọi khổ đau. Đau khổ của Ngài không mang tính thụ động, hay phải chịu trận, mà là mang tính chủ động, được chọn lựa cách tự do do bởi tình yêu và vì thế mang tính giải phóng. Trong nghĩa nầy, đau khổ của Ngài xét xử tội lỗi thế gian, vốn là suối nguồn của thất vọng và sợ hãi, và trao tặng chứng từ có tính lây lan về tình yêu cứu độ : đau khổ mang giá trị tiêu cực của thập giá trở nên khả thể của ơn cứu độ, cơn hấp hối của sự chết được biến đổi thành bình minh sự sống. Khi tự “giao nộp” mình, Con xét xử những bóng tối khước từ và trong những bóng tối đó hé lộ cho thấy bình minh ân sủng : “Ngài đã đến giữa những người nhà của Ngài, nhưng những người nầy đã không đón nhận Ngài. Tất cả những ai đón tiếp Ngài đều được Ngài ban cho quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1, 11).
 
Nếu hiến lễ là chính bản thân mình mà Người Khiêm tốn tự dâng lên xét xử sự kiêu căng của những người quyền lực và khiến cho trí khôn con người bối rối, thì việc Cha “giao nộp” Con xem ra không mấy rõ ràng là sự xét đoán thế gian hiện tại. Chính Cha bỏ rơi Con mình vào tay những phường tội lỗi : tại sao ? Niềm tin phục sinh trả lời bằng cách ghi nhận rằng Cha “đã giao nộp Con vì tất cả chúng ta” (Rm 8, 32). Ý định của Cha khi “giao nộp” Con vì thế là để cứu độ chúng ta : “Cha là Đấng đã không nương tay với Con của mình, nhưng đã giao nộp Con vì tất cả chúng ta, làm sao mà với Con của mình Cha lại không ban cho chúng ta mọi sự ?” (Rm 8, 32). Tuy nhiên, tình yêu nầy đi ngang qua một sự kết án : “Khi sai Con của mình đến  trong một xác thịt giống như xác thịt tội lỗi và vì tội lỗi, Cha đã kết án tội lỗi trong xác thịt” (Rm 8, 3). Vì thế, làm thế nào mà sự kết án tội lỗi và sự cứu độ chúng ta lại được hoàn tất trong cái chết của Con ? 
 
Tư duy kitô đã triển khai nhiều lối giải thich về mầu nhiệm nầy * : khuynh hướng thứ nhất muốn nhìn cái chết của Đức Kitô như tế hiến  để chuộc tội thay (sacrifice de rédemption) vì nhân loại tội lỗi *. Khá nhiều bản văn Tân Ước có vẻ như yểm trợ cho cách đọc nầy : cái chết trên thập giá được hiểu như tế hiến đền tội thay cho (thí dụ : Dt 9, 1-10; Rm 3, 25; Ga 2, 2; 4, 10; v.v.) và như hiến tế của Giao Ước (Dt 9, 15-28; Ep 5, 2, và những bản văn liên quan đến việc thành lập Bí tích Tạ ơn). Một đàng, hiến tế được hiểu như tế vật là chính Đức Giêsu được dâng lên Cha với cuộc đời hoàn toàn tuân phục, đến phải đổ máu mình ra, như là dấu chỉ của một sự hoàn toàn trao ban sự sống (Dt 8-10; về “máu” Đức Kitô, Cv 20, 28; 1Pr 1, 19; Kh 5, 9; v.v.). Đàng khác, tế hiến đó còn bao gồm việc “hoàn trả lại” mà Cha thực hiện cho Con của Ngài. Ở đây, chẳng có gì là công việc của loài người cả, tế hiến mang lại giao hòa đó là một ân huệ do tự trời cao : chính Thiên Chúa thiết lập giao ước mới trong máu của Đấng bị đóng đinh thập giá và “đền thay” cho tội lỗi của loài người, khi tha thứ cho họ và tự hiến dâng mình cho họ *. Thật là chính đáng khi nói rằng trong công trình cứu độ, vinh quang chỉ dành cho Thiên Chúa mà thôi ! Người ta gặp thấy ưu tiên dành cho thần linh nầy trong việc sử dụng những phạm trù cứu chuộc và mua lại : đề tài Cựu Ước Đức Chúa là Đấng biện hộ (goel) và là Đấng giải thoát dân Ngài cho phép hiểu rằng việc mua lại (rachat) là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của loài người, nhằm mục đích thực hiện công cuộc giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết và thiết lập một giao ước mới (Mt 20, 25 tt; 1 Tm 2, 6; Tt 2, 14; v.v.). Sự cứu chuộc như vậy đồng nghĩa với hành vi giải thoát con người, được thực thi không phải do một thứ quyền lực của thế gian nầy, mà là do sáng kiến tình yêu nhưng không của Cha, Đấng đã hiến ban mạng sống của chính Con Một Ngài. Một khuynh hướng giải thích kitô khác muốn coi cái chết của Con, Đấng “bị giao nộp” vì chúng ta như sự hoàn tất hành vi nhằm thỏa mãn (satisfaction) cho đòi hỏi của đức công bằng : vì công nghiệp vô cùng của Đấng chết trên thập giá vì chúng ta và thay cho chúng ta, hành vi làm thỏa mãn cho đòi hỏi của đức công bằng nầy tái lập lại trật từ vốn đã bị bẻ gãy bởi tội lỗi. Việc gây tổn thương vốn vô cùng vì xúc phạm tới chính Thiên Chúa, vì thế, việc sửa chữa lại cũng chỉ có thể thực hiện được bởi Đấng có khả năng vô cùng như thế. Khuynh hướng thần học nầy, đã được Thánh Anselme d’Aoste hệ thống hóa lại, mang nhiều khía cạnh đầy gợi ý : nền thần học nầy coi trọng tính chất nghiêm trọng của tội lỗi, đề cao phẩm giá của con người, làm nỗi bật công trình của con người quê làng Nadaret trong tư cách là con người, Đấng đã chết liên đới với những người tội lỗi, chết thay cho họ (người ta sẽ gọi đó là sự “đền tội thế cho ai đó” [satisfaction vicaire]). Những khía cạnh nầy đã được qui tụ lại, thí dụ, trong bản văn nầy của Thánh Anselme : “Liệu người ta còn có thể tưởng tượng ra được ai giàu lòng thương xót hơn là Cha, Đấng đã nói với tội nhân, vốn đã bị kết bản án vĩnh hằng không thể nào còn có thể tự giải thoát mình ra được : con hãy giữ lấy người Con duy nhất của Ta và hãy hiến tế Ngài vì con. Còn Con thì lại nói : hãy giữ lấy Ta và hãy dùng Ta như cái giá để mua lại con ?”*. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận những nguy cơ có thể có của lý thuyết nầy của Thánh Anselme : một đàng, khuynh hướng thần học này quá đề cao những đòi hỏi của đức công bằng, đến độ trên thực tế biến sự công bằng thành một điều gì đó tuyệt đối khiến sự tự do của Thiên Chúa có vẻ như cũng phải uốn chiều theo. Đàng khác, nền thần học nầy có khuynh hướng lập lờ nước đôi, hoặc sự công chính hóa phải được hiểu theo nghĩa liên quan đến hình phạt, hoặc công trạng phải được hiểu như một thứ tương quan giữa cái được ban cho và cái được nhận (relation de donné-reçu), thay vì như là một tương quan đối thoại trong tình yêu và tự do với Thiên Chúa (người ta hãy nghĩ tới tương quan giữa Đức Giêsu và Cha của Ngài, thí dụ : Ga 10, 17; 17, 4-5; Pl 2, 5-11; v.v.).
 
Vì thế, dù đọc theo cách nào đi nữa, cần phải thừa nhận sự “giao nộp” của Con vì chúng ta là động cơ của tình yêu tam vị : Thiên Chúa tam vị chết trên thập giá không phải nhằm để thỏa mãn một trật tự những giá trị trừu tượng nào đó, hay vì một nhu cầu “cần thiết” nào đó : mà duy nhất chỉ vì tình yêu đối với chúng ta, nhằm để tỏ ra tình yêu của Ngài cách nhưng không và cách nhưng không đón nhận chúng ta vào trong Ngài, bằng cách giúp chúng ta thoát khỏi điều vẫn cản ngăn chúng ta đến với Ngài.
 
Nếu đau khổ của Cha và của Con trong giờ bỏ rơi mặc khải cho thấy chiều kích sâu thẳm của tình yêu của các Ngài có với nhau, thì cũng còn mặc khải cho thấy sự “điên rồ” của tình yêu của các Ngài đối với chúng ta : “Không có tình yêu nào vĩ đại hơn tình yêu dám trao ban chính mạng sống mình cho những người mà người ta yêu mến” (Ga 15, 13). Điều dưới con mắt của thế gian là “điên rồ và “gây gai chướng”, thì đối với kẻ tin vào tình yêu, trở thành “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1 Cr 1, 23). Trong sự “giao nộp” đầy đớn đau đó, Thiên Chúa hoàn toàn nghiêng mình hướng về phía con người : đó là dấu chỉ “hữu hạn” cho thấy tình yêu vì chúng ta của Ba Ngôi Thiên Chúa khi các Ngài tự tước lột mình đi “cách vô cùng vô tận”. Thiên Chúa chết để tự trao ban chính mình : Con  hiến mình cho sự chết nhằm liên đới với những kẻ chết; Cha chết trong trong thinh lặng khi bỏ rơi Con, để từ nay bất kỳ ai khi đối diện với lặng thinh của sự chết biết rằng Cha vẫn hiện diện ở đấy trong bóng tối đang ngập tràn ánh sáng; Thần Khí được “giao nộp lại” để bất kỳ ở đâu có một con người “giao nộp thần khí”, người ta hãy biết rằng Thiên Chúa vẫn đang ở gần bên người đó, và đang cùng với người đó hoàn tất hành trình đi từ sự chết dẫn đến sự sống. Trong sự chết, cuộc xuất hành cuối cùng của con người đi ra khỏi chính mình để hướng về tha thể, lịch sử vĩnh hằng của Thiên Chúa mặc khải cho thấy đặc tính nghịch lý nơi việc lịch sử của khó nghèo lại chính là lịch sử của sự giàu sang; lịch sử của cùng tận lại chính là lịch sử của một khởi đầu; lịch sử của bóng tối lại chính là lịch sử của ánh sáng; lịch sử của sự chết lại chính là lịch sử của sự sống. Chân trời của thực tại nơi “điều không có thể lại trở thành có thể” (l’impossible possibilité) được mở ra, màn trong Đền Thờ bị xé toạc, các nấm mồ được mở ra toang hoác. Cùng với Đức Giêsu, ngay cả những cái chết hằng ngày, ngay cả khổ đau và bóng tối nơi những ngày tháng của con người, cũng có thể trở thành một “bản tóm tắt cuộc thụ nạn của Thiên Chúa”, trở thành những mãnh vụn của thực tại hữu hạn trong đó tình yêu cứu độ của Thiên Chúa vẫn hiện diện và vẫn được hiến ban cách mãnh liệt. Nơi Đức Giêsu đang chết, “việc Ngài bị Thiên Chúa bỏ rơi trong giờ của sự chết đã được chiến thắng vẻ vang có lợi cho tất cả mọi người : kể từ nay, không một ai còn phải chịu đựng cái chết của mình cách đơn độc và thiếu vắng niềm hy vọng. Khi thông hiệp với Đức Giêsu, nền móng của niềm hy vọng là mỗi người sẽ được tham dự vào sự sống tương lai, vốn đã hiện diện nơi Ngài, tức là sự thông hiệp với Thiên Chúa, cũng được thiết lập.” *. Cơn hấp hối trên thập giá giải phóng con người khỏi những quyền lực vốn biến họ thành những nô lệ. Chính biến cố thụ nạn diễn ra trong lịch sử của con người quê làng Nadaret “cách nghịch lý” chỉ cho chúng ta thấy đâu là những tự do đã được ban cho chúng ta và đâu là những xích xiềng đã bị bẻ gãy *. Nếu cái chết của kẻ báng bổ phạm thượng đã là chiến thắng khải hoàn của Lề Luật, và cái chết của kẻ gây rối an ninh trật tự xã hội đã là chiến thắng khải hoàn của quyền lực, thì “cái chết của sự chết” sẽ là sự chấm dứt của Lề Luật và của quyền lực (xem thí dụ Rm 10, 4). Nơi con người vô tội chết, thực ra đó cũng chính là “các thủ lĩnh và các quyền lực” đang chết; những lỗ đinh xuyên qua Đấng Bị đóng đinh thập giá cũng đâm xuyên qua các đao phủ (Cl 2, 14-15). Câu trả lời “phủ định” (le “non”) của con người đã phải đi đến tận cùng của sự khốn cùng, để câu trả lời “phủ định” (le non) mà Thiên Chúa bao phủ nó triệt tiêu hết quyền lực của sự chết mà nó mang trong mình : “Sự chết đã bị khải hoàn vinh quang nuốt trững. Hỡi sự chết, chiến thắng vinh quang của ngươi ở đâu ? Hỡi sự chết, nọc độc của ngươi ở đâu ? Nọc độc của sự chết là tội lỗi, và sức mạnh của tội lỗi chính là Lề Luật” (1 Cr 15, 54-56).
 
Nơi tất cả điều đó đã ngời lên ánh sáng của Biến cố Phục Sinh : quả thực, không thể nào có thể nghĩ về thập giá và toan tính đào sâu mầu nhiệm thập giá mà trong cùng lúc lại không nhìn thấy mầu nhiệm phục sinh. Sự xa cách Con và xa cách Cha, đó là niềm khổ đau của Thiên Chúa được hiến tặng để đảm nhận cho đến tột cùng nỗi khổ đau của thế giới, và để sự cứu độ tỏa lan được đến tận “xác thịt” và “máu”; nhưng khổ đau nầy không phải là chung cục của lịch sử của Con Người. Thập giá vẫn còn là một vấn nạn mở toang : câu trả lời “phủ định” (le “non”) của những đại diện Lề Luật và quyền lực chỉ bị triệt tiêu ra không bởi câu trả lời “phủ định” (le “non”) của Thiên Chúa đối với họ, khi Ngài phục sinh Đấng bị đóng đinh trên thập gía. Khi “giao nộp” Thần Khí của mình cho Cha, Đức Giêsu kêu gọi một sự “giao nộp” khác : Thần Khí được “giao trả lại” cho Ngài ngày phục sinh. Với biến cố Phục Sinh, Cha nói “phủ định” đối với tội lỗi của con người và nói “đồng tình” với tình yêu của Con. Nhưng, sự phục sinh không phải chỉ là phản đề của thập giá : mà đó còn là sự phục sinh của Đấng bị đóng đinh trên thập giá ! Thập giá không phải chỉ là mầu nhiệm được mặc khải ra “qua luận chứng phản đề”, mà còn là thập giá của Đấng được phục sinh ! “Ở nơi sâu thẳm của cái chết của Ngài, dung mạo của Đấng được phục sinh tỏ lộ ra và dẫn chúng ta cùng với Ngài vào trong sự sống của Ngài. Sự giàu có của Thiên Chúa dành cho chúng ta được tỏ lộ ra nơi Đấng tự làm ra nghèo khó vì chúng ta; sự tự do của Ngài được tỏ lộ ra nơi Đấng trở thành nô lệ vì chúng ta; bởi vì Ngài đã mặc lấy thân phận tội lỗi vì chúng ta, nên các tội nhân từ nay trở thành sự công chính của Thiên Chúa *.” Nếu Đức Kitô được phục sinh, lời cuối cùng của lịch sử chẳng phải là khổ đau, cũng chẳng phải là sự chết : được đón nhận vào trong lịch sử tam vị của Thiên Chúa, cuộc phiêu lưu của con người được hứa hẹn sẽ có niềm vui, sự công chính và sự sống. Người kitô-hữu sống trong thời gian, vì thế, không còn lựa chọn nào khác là phải làm sao để tình trạng đối kháng đó nơi Đấng được phục sinh lan tỏa ra đến tận tất cả mọi thập giá của lịch sử. Dù cho vẫn còn đó những thất bại chua cay, dù cho vẫn còn đó những lấn lướt của của sự chết và tội lỗi, mầu nhiệm Phục Sinh đã là một bảo chứng cho chúng ta biết rằng ở bên kia Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh của những khổ đau của nhân loại, đã nhú lên bình mình của Ngày Lễ Vượt Qua cuối cùng, trong đó những lời hứa của Thiên Chúa sẽ được hoàn tất. Vị Thiên Chúa được hé lộ ra nơi Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh thập giá-Được Phục sinh, có thời gian dành cho con người, và cùng đồng hành với con người hướng về nơi quê hương đích thực của con người. Tương lai của con người cũng là tương lai của Thiên Chúa, bởi vì thời gian của con người từ nay cũng là thời gian của Thần Khí. Và niềm hy vọng hướng về một cuộc sống không còn nước mắt và không còn lụi tàn, nếu niềm hy vọng đó tràn ngập trái tim của mỗi con người, đó cũng là niềm hy vọng của Thiên Chúa…
 
Gm. BRUNO FORTE
(Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
chuyển ngữ)

 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận