Suy Tư Về Mầu Nhiệm Phục Sinh (2)

Đăng lúc: Thứ tư - 23/04/2014 08:16 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
SUY TƯ VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH (2)
 
 
2. Ngày nay tuyên xưng Đức Giêsu-Kitô là Đấng độc nhất vô nhị như thế nào ? 
 
Tuyên xưng về tính độc nhất vô nhị nơi Đức Giêsu-Kitô vẫn tiếp tục vang lên trong thời gian qua niềm tin và chứng từ của các kitô-hữu : tuyên xưng nầy đã bao thầu nhiều hình thái khác nhau, đôi khi đối diện với cả những quan niệm khác nhau về thế giới và về cuộc sống từ những môi trường mà người kitô-hữu phải cùng sống với. 
 
Kitô-luận mang màu sắc vũ trụ của các Giáo phụ đã nhìn thấy trong Logos nền tảng của trật tự và sự hòa điệu của công trình tạo dựng, vốn hiện diện nơi tất cả mọi sự,  qua một trình tự ngày càng lên cao (loại suy) vốn đi từ “câu chữ” (Thánh Kinh hay lịch sử) lên đến “tinh thần” của mầu nhiệm : vũ trụ toàn thể, như vậy, đã có thể được thánh hiến, khi tự hiến dâng mình thành như một đền thờ tràn ngập vinh quang Thiên Chúa, trong một hòa điệu mà ý nghĩa vốn nằm nơi sự hiệp nhất của Giáo Hội và của vương quốc. Kitô-luận qua lăng kính nhân loại học của thời hiện đại đã nhận ra nơi Đức Kitô chính là hành vi thông ban chính mình của Thiên Chúa cho nhân loại, và vì thế, là sự hoàn tất việc con người mở toang lòng mình ra cho Đấng siêu việt (hay “sự tự siêu việt mình”). Sau cùng, Kitô-luận qua lăng kính lịch sử nhìn thấy nơi Đấng bị đóng đinh thập giá-đã được phục sinh chính là chìa khóa để hiểu biết về cái đang trở thành, hoặc trong chiều hướng duy tâm (Hégel), hoặc trong chiều hướng tiến hóa (Teilhard de Chardin), hoặc trong chiều hướng cánh chung luận (biến cố Phục Sinh được nhìn như sự mặc khải trước về sự hoàn tất cùng tận). Trong tất cả những giải thích nầy, nội dung ý nghĩa phổ quát của Đức Kitô được ghi nhận : nhưng tất cả những lối giải thích nầy đều có nguy cơ biến Đức Kitô thành chỉ còn là một phạm trù hay một cấu trúc trừu tượng, chẳng còn gì đặc tính độc nhất vô nhị cụ thể nơi con người quê làng Nadaret. Như vậy là người ta đã hy sinh đặc tính mới mẻ không thể nào tả được của mầu nhiệm nhập thể, điều vốn không thể nào rút ra được từ bất cứ niềm hy vọng nào của con người; và người ta không ngó ngàng gì tới đặc tính phức tạp của lịch sử loài người, một lịch sử, - cùng với những bóng tối và thất bại, - vốn tuân thủ nghiêm nhặt một đồ án luôn có khả năng lập lại tình trạng thăng bằng hài hòa, trong đó những mâu thuẫn sẽ hướng về cách giải quyết dành riêng cho chúng *. 
 
Hạn chế về mặt lý thuyết của những quan niệm nầy được phản ảnh trên bình diện thực tiễn nơi hai hình thức giản lược sứ điệp kitô đối nghịch nhau. Một đàng, đó là khuynh hướng bảo toàn [giữ nguyên mọi sự không thay đổi] (intégrisme), muốn dẫn đưa toàn thể thực tại con người đến chỗ phải có một tương quan minh nhiên với Đức Kitô và khiến cho bộ môn nhân loại học trở thành một thứ biến thiên theo kitô-luận, mong muốn cung cấp một giải pháp “kitô” cho mọi vấn đề nhân loại. Đàng khác, đó là khuynh hướng duy tục (sécularisme), trái lại, muốn biến kitô-luận thành một thứ có thể biến thiên và biến nhân loại học thành như một hằng số bắt buộc, và do đó dẫn đến chỗ giản lược Đức Kitô vào nơi những niềm hy vọng của con người, tước lột khỏi sứ điệp của Ngài mọi sức mạnh gây gai chướng *. Thái độ thứ nhất biện minh cho việc sử dụng bạo lực tàn khốc trên các cá nhân và trên các dân tộc để làm cho họ phải chấp nhận tin mừng kitô *. Thái độ thứ hai gây ra tình trạng đánh mất căn tính nơi không ít tín hữu, đang dấn thân trong những môi trường thuần túy nhân loại. Nếu hoa trái của khuynh hướng bảo toàn là sự bất khoan dung, thì hoa trái của khuynh hướng duy tục là thái độ hờ hững bất cần; khuynh hướng thứ nhất dẫn con người đến chỗ dám tử vì đạo nhân danh Đức Kitô; khuynh hướng thứ hai làm mất đi ý nghĩa của việc tử vì đạo cũng chính vì danh đó. Để khỏi rơi vào những lập trường đối nghịch qúa khích đó, cần phải suy tư cái phổ quát được dâng hiến nơi Đức Kitô theo một cách thức cụ thể hơn, tôn trọng hơn “đặc tính có một không hai” (singularité) của Ngài : mô mẫu mang tính phổ quát của tin mừng thực ra là một hành trình phiêu lưu mạo hiểm đầy ắp tính người của tự do và của thân phận hữu hạn, của sự chết và sự sống, trong đó ánh sáng của mầu nhiệm phục sinh mặc khải cho thấy sự hoàn tất của lịch sử Thiên Chúa giữa loài người. Biết được điều đó, nên các kitô-hữu không bao giờ được quên rằng tin mừng vốn đầy nghịch lý, gây gai chướng và hàm hồ. “Con người khiêm hạ, là đấng cứu độ và là đấng cứu chuộc nhân loại đó” đích thị là “dấu chỉ của cái gây gai chướng và là đối tượng của niềm tin” (Kierkegaard). Chính vì thế, kế hoạch của Ngài “được định vị nơi giao lộ phân tách sự chết ra khỏi sự sống : một trong những con đường đó dẫn đến cái gây gai chướng và con đường kia dẫn đến đức tin, nhưng người ta sẽ không bao giờ đạt đến được niềm tin nếu không biết được khả thể của cái gây ra gai chướng” *.  
 
Cái gây gai chướng vốn đã hiện diện ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên của lịch sử bên ngoài có vẻ như tầm thường của con người quê làng Nadaret. Để có thể đánh giá hết được tầm vóc của vấn đề nầy, chúng ta cần phải gạt qua một bên cái khoảng cách phân cách chúng ta ra khỏi những biến cố nầy, và “tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của những kitô-hữu đầu tiên… Cần phải tưởng tượng ra Đức Giêsu, Đấng vốn có nghĩa là ơn cứu độ của thế giới đó, trong những bộ áo quần tân thời và bình thường như của chúng ta ngày hôm nay, sống như chúng ta trong khung cảnh một đất nước hiện đại, xuất thân từ một gia đình mà chúng ta biết rõ các thành viên của gia đình, và rằng mọi sự đều diễn ra bề ngoài như chúng ta vẫn thấy Ngài trong cuộc sống bình thường ngày lại ngày của chúng ta. Lúc bấy giờ chúng ta mới có thể hiểu được vấn nạn mà Natanaen đã đặt ra : “Từ Nadaret, liệu có thể xuất phát ra được cái gì hay ?* ”. Lúc bấy giờ, người ta sẽ hiểu hơn tại sao dân Itraen lại từ chối ! 
 
Cái gây gai chướng nầy vẫn còn tiếp tục, như trong trường hợp của chúng ta ngày nay, nếu như hàng thế kỷ đã ngăn cách chúng ta với những biến cố nầy : không chỉ bởi vì đặc tính độc nhất vô nhị của con người quê làng Nadaret, chính nó, vốn đã là nghịch lý, mà còn bởi vì việc tưởng niệm về Ngài ngày nay tồn tại trong một dân vẫn còn bị đè nặng trên vai cái gánh nặng của biết bao sai lầm và tội lỗi, cũng như của biết bao ân sủng. Nếu tình trạng mập mờ tồn tại trong trường hợp Đức Kitô, thì đối với Giáo Hội của Ngài, sự mập mờ nầy vẫn tỏ ra không kém đi chút nào ! Nếu Giáo Hội chịu khó ngoái nhìn lại con đường mình đã đi qua, với việc tạ ơn, Giáo Hội chắc chắn có một điều không thể không làm, đó là ăn năn hối hận : “Một thoáng nhìn lại quá khứ của mình, làm thế nào mà chúng ta không cảm thấy đắng cay ! Con đường chúng ta đã đi qua chẳng phải là dẫy đầy những sai lầm và thất bại đó sao ? * ”. Và cái Giáo Hội đó lại dám loan báo cái Danh mà ngoài Danh đó ra chẳng có ơn cứu độ nào khác cả ! Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi người ta dám mắng thẳng vào mặt Giáo Hội nầy : “Anh có đức tin, còn tôi, tôi có những việc làm; hãy chứng tỏ cho tôi thấy đức tin không có việc làm của anh, còn tôi qua những việc làm của mình tôi sẽ chứng tỏ cho anh thấy đức tin của tôi” (Gc 2, 18). Khi nỗ lực loan báo của Giáo Hội trở thành chứng tá cụ thể phục vụ tha nhân, chỉ lúc đó người sứ giả mới có thể nói lời quyết định : “Hãy đến và xem !”. Chỉ tình yêu mới đáng tin : dù sứ điệp có mang tính phổ quát, điều đó cũng chẳng thể biện minh cho sự bất bao dung, nhưng đó là một sứ vụ, một ân sủng được đón nhận trong đức tin và được đáp trả lại trong phục vụ *. 
 
Cái gây gai chướng vẫn còn là điều có thể xẫy ra, nếu như người ta nghĩ rằng Đức Kitô có thể còn có những con đường khác để tự hiến dâng mình cho con người : những con đường mà Thần Khí vẫn mở ra trong trái tim con người, nhất là qua cuộc gặp gỡ với kiếp nhân sinh hữu hạn trong đó Đấng bị đóng đinh thập giá vẫn hiện diện cách nhiệm mầu (Mt 25, 31 tt) : “Khi Ngài xuất hiện ở vùng Giuđê, dân vẫn không tin rằng Thiên Chúa nói nơi Ngài, bởi vì Ngài vẫn tỏ ra như một con người nghèo khổ chứ không như thông thường phải tỏ ra là một kẻ có quyền. Nhưng nếu Ngài trở lại, Ngài sẽ vẫn còn tỏ ra cách thảm thương hơn nữa, trong thân phận một bệnh nhân phong cùi, một người hành khất dị dạng, một người câm điếc, một em bé tật nguyền…”. Và chính vì thế mà con người vẫn không thôi cảm thấy gai chướng và không thôi tiếp tục từ chối đón nhận Ngài : “Phần Ta…Ta không bao giờ xa cách anh em. Chính anh em, anh em vẫn hành hung ta hằng ngày, hay còn tệ hơn nữa vẫn đi ngang qua mà chẳng nhận ra Ta, như thể Ta chỉ là một cái xác rửa thối dưới lòng đất. Hàng ngàn lần mỗi ngày Ta vẫn đi ngang qua anh em, vẫn tiêu hao chính bản thân mình cho tất cả anh em, những dấu chỉ của Ta tràn ngập từng ly tấc của vũ trụ – còn anh em những con người khác, anh em không nhận ra được những dấu chỉ đó, cứ mãi mê đi tìm, nào ai biết được, những dấu chỉ bình dân gì đâu khác…* ”. Tin nơi Đức Kitô, thừa nhận đặc tính độc nhất vô nhị tuyệt đối của Ngài lúc bấy giờ có nghĩa là đón nhận cái tiêu cực, cảm nhận được sức nặng của thập giá nơi cái gây ra gai chướng. Có lẽ bởi vì thế mà chính Đức Giêsu đã đặt ra câu hỏi xé lòng nầy : “Nhưng Con Người, liệu khi Ngài đến có còn gặp thấy được niềm tin trên trái đất nầy nữa chăng ?” (Lc 18, 8). Tin nơi con người độc nhất vô nhị nầy, vốn là mô mẫu và là sự cứu độ của lịch sử đòi hỏi phải chấp nhận cái nguy cơ phải luôn trung thành nhưng đồng thời phải luôn đổi mới. Đối với Ngài, đức tin, cũng như tình yêu, “nếu không có một sự dấn thân mỗi ngày, thì đó là một nỗi  tiếc nuối suốt cả một đời…”. Chỉ kẻ nào dám liều mới không biết đến nỗi ân hận nầy. 
 
Có hai hệ quả có thể có xuất phát ra từ cái khả thể có thể có cái gây gai chướng nầy, cái khả thể vốn liên kết với tuyên xưng về đặc tính độc nhất vô nhị nơi Đức Giêsu-Kitô. Trước tiên, vì biết đức tin là gì, nên người kitô-hữu phải chấp nhận việc người ta có thể khước từ điều mà mình loan báo, với niềm kính trọng sâu xa nhất. “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán” (Mt 7, 1). Những con đường đi của ân sủng không phải là những con đường luôn có sự đồng tình cách rõ ràng với Đức Kitô : “Những người anh em thổ dân da đỏ” kia, phải chăng là họ đã từ chối Đức Kitô, khi chẳng thà cứ để cho người ta giết chết mình còn hơn là chấp nhận một thứ tin mừng mà những người Tây ban nha đi chinh phục đã dùng vũ lực đế ép buộc họ ? “Gió thổi đến nơi nào mà nó muốn. Anh nghe được tiếng gió, nhưng anh không biết được gió đến từ đâu và sẽ đi đâu : cũng như vậy nơi bất cứ ai được sinh ra bởi Thần Khí” (Ga 3, 8). Không một quyền lực nào của con người có thể ép buộc được tự do của Thần Khí của Thiên Chúa khi Ngài hành động trong lịch sử và trong trái tim của con người ! Điều nầy không có nghĩa muốn nói người kitô-hữu có thể không quan tâm gì tới việc loan báo tin mừng : Đức Chúa không đòi hỏi những người thân của mình phải tính sổ về con số những người được cứu độ, mà là về con số những người được loan báo tin mừng. Bổn phận của các tín hữu là loan báo, chứ không phải là cưỡng bức, là đề nghị chứ không phải là áp đặt ! Các kitô-hữu phải là những người nghèo khi nhìn từ phía điều mà họ trao ban, là những người có khả năng gieo giống nhưng không mong đợi kết quả. “Nếu tôi biết ngày mai sẽ là ngày tận cùng của thế giới, tôi vẫn không ngần ngại hôm nay sẽ gieo trồng một hạt giống” (Luther). Chính yêu cầu cấp bách của tình yêu mới giục giã người ta phải loan báo lời “trong tất cả mọi dịp, thuận cũng như không thuận” (2 Tm 4, 2), nhưng không bao giờ được áp đặt. Người loan báo tin mừng biết mình là tiếng nói của Đấng vẫn hằng mời gọi mà không áp đặt : “Nầy đây, Ta đang đứng nơi của nhà, và Ta gõ cửa. Nếu có ai đó nghe được tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào nhà nó và sẽ ăn uống với nó, nó với Ta” (Kh 3, 20). 
 
Đây là hệ quả thứ hai : người ta chỉ cởi mở lòng ra chấp nhận tính độc nhất vô nhị nơi Đức Giêsu-Kitô qua một quyết định mang chiều kích cá vị : quyết định đó là khoảng không gian tự do của chúng ta khi đối diện với tin vui, khi nó đến với chúng ta cách khả tín qua một truyền thống sống động. Đây không phải vấn đề một quyết định mang tính nội tâm bên trong, thuần túy chủ quan, “giữa linh hồn và Thiên Chúa” : mà đây là một xác định lập trường, với ý thức và tự do, khi đối mặt với một dữ kiện nằm bên ngoài chủ thể, và được hiến dâng qua trung gian một cộng đoàn nhân loại *. “Làm sao họ kêu cầu Ngài, khi họ không tin vào Ngài ? Và làm sao họ tin, nếu chẳng ai rao giảng Ngài ? Và làm sao rao giảng Ngài, nếu không được sai đi ?” (Rm 10, 14-15). Chính trong dân Thiên Chúa hiệp thông với nhau mà lời đó vang vọng lên, mà đức tin đón nhận lời đó, và mà người ta học được thứ ngôn ngữ qua đó lời nầy luôn có thể được hiểu hơn và có thể thông truyền cho người khác hơn. Quyết định tiếp theo sau loan báo là một chọn lựa, mà tin mừng vốn không ngừng lưu ý tầm quan trọng của nó : “Thời gian đã hoàn tất và Nước Thiên Chúa đang ở gần : hãy sám hối và tin vào tin mừng” (Mc 1, 15). “Người ta kể lại rằng có một ông Kitô (chẳng quan trọng đó là ai, đó là một ông Kitô là được) đi ngang qua một cánh đồng, ngài đói và đi đến cây vả đẻ hái một trái ăn. Nhưng, bởi vì chưa đến mùa vả, nên cây chẳng có quả nào : chẳng có gì ngoài những lá cây không ăn được… Và lúc bấy giờ ông Kitô nguyền rủa cây vả đó, kết án nó phải khô héo đời đời… Ý nghĩa quả là rõ ràng : đối với bất cứ ai nhận ra Đức Kitô khi Ngài đi ngang qua, thì đó luôn là mùa thu hoạch. Và bất cứ ai, không nhận ra Ngài, từ chối không tặng ban cho Ngài hoa trái, viện cớ là chưa phải lúc hay mùa màng chưa tới, đều bị chúc dữ * ”. Quyết định đứng về phía Đức Kitô mang lại giá trị cho thời gian và cuộc sống của con người : nếu quả thực đúng là “người ta có thể sống mà không cần biết tại sao, nhưng người ta không thể sống mà không biết là sống vì ai”, thì quyết định đứng về phía Đức Kitô quả có thể mang lại ý nghĩa cho hiện sinh của một con người. 
 
Giá trị được ban cho thời gian nầy không được chỉ dừng lại nơi chiều kích thuần túy nội tâm : bất cứ ai quyết định đứng về phía Đức Kitô đều là đã xác định một lập trường trong tương quan với một dữ kiện khách quan vốn kèm theo một hệ thống các tương quan cụ thể. Điều nầy, trước hết, bao hàm “sự thay đổi não trạng”  (la métanoia của Tin Mừng) để trong khoảng không gian trống rỗng thời gian (l’éon của Thánh Kinh) nhận ra được giờ của Thiên Chúa, thời gian cứu độ (le kairos, một thời gian mang một nội dung rõ rệt *). Khi tự mình quyết định đứng về phía Đức Kitô, không chỉ cái “hôm nay” của chúng ta trở thành một cái “hôm nay” mang lại sự giải phóng và ơn cứu độ, mà cả cái quá khứ và cái tương lai đều mang một ý nghĩa mới : con đường đã đi qua được thẩm định tùy theo tương quan với cái “mô mẫu”, là Đức Giêsu-Kitô, cách sâu xa vốn qui hướng về giờ của ân sủng; tương lai được trưng bày ra như thời gian của sự hoàn tất: luôn trở thành điều gì đó còn hơn cả điều mà người ta đã là, căn cứ trên Thần Khí. Đối với ai đã nhận ra được Đấng Khiêm Hạ tuyệt vời đó là trung tâm của lịch sử và quay đầu lại với Ngài, thì giữa cuộc hành trình phiêu lưu mạo hiểm của con người và lịch sử của ơn cứu độ không còn phải là hai thế giới xa lạ đối với nhau : không chỉ hai thế giới đó ăn khớp với nhau nơi nhiều điểm, mà chúng còn có với nhau một thứ tương quan mật thiết. Lịch sử cứu độ cho phép giải thích lịch sử phổ quát và ban cho lịch sử phổ quát giá trị của mình (K. Rahner). Lịch sử phổ quát, đến lượt mình, phải được biến đổi thành lịch sử cứu độ nhờ sức mạnh của Thần Khí và sự dấn thân của con người (J.B. Metz) *. Để được như vậy, sự “thay đổi não trạng” phải được cụ thể hóa thành những chọn lựa cụ thể vì loài người : lịch sử đầy nước mắt và máu, vốn tàn phá trái đất, sẽ chỉ trở thành lịch sử cứu độ do nỗ lực không ngừng giải phóng ra khỏi cái ác xấu cá nhân và xã hội, vốn là nguyên nhân của tình trạng bất công hiện tại. Lúc bấy giờ, có vẻ như quyết định đứng về phía Đức Kitô trở thành một quyết định vì con người, “người anh em mà vì anh ta Đức Kitô đã chết” (xem 1 Cr 8, 11). “Tiến trình lịch sử giải phóng những người nghèo và bị áp bức là trung gian cụ thể của ơn cứu độ của Thiên Chúa diễn ra trong lịch sử * ”. Tin đặc tính độc nhất vô nhị của con người quê làng Nadaret có nghĩa là tin vào phẩm giá của mỗi con người và có nghĩa là dấn thân cách cụ thể để thăng tiến và làm cho người ta thừa nhận phẩm giá đó của mỗi người *. Và lúc bấy giờ người ta sẽ hiểu ra rằng chỉ tuyên xưng đặc tính phổ quát của Đức Kitô cách trừu tượng thôi không đủ : cần phải khẳng định điều đó bằng cách ra sức làm việc để giải phóng con người một cách toàn diện. Mỗi người, như vậy, là phải ý thức về mình bằng cách đối diện với quá khứ và tương lai của mình, để có thể cách hoàn toàn tự do quyết định về cái hiện tại của mình. “Không phải những kẻ nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là sẽ vào được trong Nước Trời đâu, nhưng đó là kẻ thực hiện thánh ý của Cha ngự trên Trời” (Mt 7, 21). Không phải những kẻ tuyên xưng nơi môi miệng đặc tính độc nhất vô nhị của Đức Giêsu là sẽ được vào trong Vương quốc, mà đó là những kẻ đấu tranh cho quyền chủ tể của Ngài trong công lý và hòa bình ! 
 
Vì thế, quyết định đứng về phía Đức Kitô khiến con người cách chủ động dấn thân đứng về phía con người : nếu không, quyết định đó sẽ mất đi tính khả tín của nó, và sẽ dẫn người ta đến chỗ tìm cách biện minh cho việc từ chối Đức Kitô nhân danh Đức Kitô *. Sự dấn thân nầy được nâng đỡ bởi niềm hy vọng : lời hứa như vốn được mặc khải ra nơi Biến cố Phục Sinh khẳng định cho thấy rằng một cuộc đời “đi theo Đức Kitô”, ngay cho dù có vẻ như bị mất đi, trên thực tế lại được tìm thấy ở nơi một mức độ cao hơn. Và rằng số phận của lịch sử, dù với bất cứ trở ngại nào đi nữa, vẫn là một số phận được phục sinh và mang lại sự sống. “Sự phục sinh Đức Kitô như là sự chúng ta được tiền dự (anticipation) vào sự phục sinh của chính mình, và sự phục sinh chúng ta như là sự được tham dự vào sự phục sinh của Đức Kitô vốn đã được hoàn tất : đó là mầu nhiệm của việc số phận của loài người được vùi vào trong số phận của Đức Kitô *. Đó mới là nền tảng cho thấy rằng tuyên xưng đặc tính độc nhất vô nhị của Đức Kitô phải luôn sẵn sàng liều trao gửi thân mình cho niềm hy vọng, vốn là nét đặc trưng của đời sống kitô. Bất cứ ai tuyên xưng Đức Giêsu quê làng Nadaret như là Đức Chúa và là Đấng Kitô, mô mẫu và là sự cứu độ của lịch sử, đều biết rằng “việc phục hồi như đã được hứa ban mà chúng ta vẫn hằng ngóng đợi đã được bắt đầu ở nơi Ngài… Đối với chúng ta, thời gian cùng tận đã đến, việc canh tân thế giới đã được thiết định, và thực sự đã được tiền dự trong thế giới nầy…” (Lumen Gentium, số 48). Đức Chúa Giêsu “là cùng tận mà lịch sử hướng về…Được làm cho sống động và được làm cho hiệp nhất lại trong Thần Khí của Ngài, chúng ta cùng tiến về lúc lịch sử loài người được thành toàn” (Gaudium et Spes, số 45) : điều mà bây giờ chúng ta đang công bố trong tình trạng cứng ngắc đầy gai chướng và trong đêm tối của đức tin, lúc bấy giờ sẽ được mặc khải ra cho toàn thể thụ tạo cách đầy đủ. Lúc bấy giờ, một tuyên xưng Đức Kitô chỉ có nơi môi miệng bên ngoài không thể nào cứu độ được chúng ta : chỉ có tình yêu mà cùng với nó chúng ta công bố Ngài qua đời sống chúng ta mới cứu độ được chúng ta. Chính vì thế, niềm hy vọng kitô không phải là một sự trốn chạy trần gian, để tự an ủi mình, mà là liên tục một chuỗi những chọn lựa được thực hiện ngày lại ngày trong ý hướng phục vụ con người. 
 
Sau cùng, cần lưu ý rằng quyết định đứng về phía Đức Kitô không bao giờ chỉ là một thứ hoa quả của xác thịt và máu con người : chính trong ân sủng mà Đức Kitô tự mặc khải mình ra cho ai biết đón nhận Ngài. Điều nầy thúc đẩy người tín hữu không ngừng cầu nguyện, để đáp trả lại “câu trả lời tích cực” của Thiên Chúa (le “oui” de Dieu) là “câu trả lời tích cực” của con người (le “oui” de l’homme). Những luận chứng nhằm đề cao tính chất tuyệt đối của kitô-giáo chẳng ích lợi gì cả, nếu không có cuộc gặp gỡ hành động của Thần Khí với một trái tim đói khát ánh sáng, sẵn sàng chiến đấu bên cạnh Thiên Chúa và sẵn sàng bảo đảm chiến thắng. Trước hết, các tín hữu mỗi ngày sẽ cầu xin cho có được ánh sáng để vượt quá được cái gây gai chướng : “Lạy Đức Chúa, xin hãy ban cho chúng con đôi mắt cận thị khi nhìn tất cả những sự vật qua đi, và một cái nhìn rõ ràng đối với từng sự thật trong những sự thật của Ngài” (Kierkegaard, La Maladie mortelle). Và đối với những ai không tin, nhưng vẫn kiếm tìm với một trái tim chân thành, cái nghịch lý sẽ tự để lộ mình ra vào lúc mà họ sẵn sàng chấp nhận vượt qua khỏi một lời về Đức Kitô để đến được với một lời thân thưa với Đức Kitô : “Lạy Đức Chúa, nếu Ngài hiện hữu, xin hãy làm cho con biết Ngài” (Charles de Foucauld). Sự đồng tình của đức tin, sự đón nhận “cái không thể nhưng lại có thể” (l’impossible possibilité) đã được thực hiện nơi Đức Giêsu, là mầu nhiệm của ân sủng và tự do, cả hai vẫn gặp gỡ nhau trong đối thoại và thinh lặng của một trái tim nguyện cầu, trong lao động vất vả của một đời sống tràn đầy ý nghĩa và nỗi đam mê…
 
Gm. BRUNO FORTE
( Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
chuyển ngữ )
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận