Bàn thờ: lịch sứ, ý nghĩa (2)

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/06/2017 04:00 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

BÀN THỜ : LỊCH SỬ - Ý NGHĨA - THỰC HÀNH (P2)

II] Ý nghĩa bàn thờ trong phụng tự

Bàn thờ trước hết được hiểu là bàn tiệc của Chúa. QCSL giải thích rằng Hy lễ Thập giá được hiện tại hoá dưới những dấu bí tích trên bàn thờ, cũng là bàn tiệc của Chúa, mà Dân Chúa được mời đến tham dự trong thánh lễ (QCSL 296). Bởi thế, trong nơi thánh, thánh lễ phải được cử hành trên một bàn thờ; còn ngoài nơi thánh thì có thể cử hành trên một cái bàn xứng đáng, nhưng luôn phải có khăn phủ bàn thờ và khăn thánh, thánh giá và đèn nến (QCSL 297).

Trong lịch sử Giáo hội, người ta tìm thấy có hai ngoại trừ sau đây: thứ nhất, thánh Lucian (312) được kể là đã cử hành thánh lễ trong nhà tù trên ngực của ngài; thứ hai là Đức Giám mục Theodore của Tyre cử hành ngay trên tay những thầy phó tế của mình.1

Trong Lời nguyện Cung hiến nhà thờ và bàn thờ: sau khi gợi lại bàn thờ được lập bởi Noe, Abraham và Môsê, Đức Giám mục cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho bàn thờ sẽ được dành riêng cho “hy tế của Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Người, để ở đó Dân Chúa được tiệc thiêng liêng bổ dưỡng” (LNGM 945). Ý tưởng bàn thờ là bàn tiệc của Chúa cũng được đề cập đến trong kinh Tiền tụng thánh lễ Cung hiến nhà thờ và bàn thờ:“Đây thật là nơi cao cả, ở đó hy lễ của Đức Kitô mãi mãi được tiến dâng một cách mầu nhiệm, lời ca ngợi hoàn hảo được dâng lên Chúa và ơn cứu độ chúng con được biểu hiện. Đây là bàn tiệc của Chúa được dọn sẵn để con cái Chúa khi được Mình Thánh Đức Kitô bổ dưỡng, biết tụ tập đến đó thành Hội Thánh duy nhất và thánh thiện. Tại đây các tín hữu cũng lãnh nhận được Thánh Thần Chúa bởi các dòng nước vọt ra từ Đức Kitô là Tảng Đá linh thiêng, đề nhờ Người chính họ cũng được trở nên của lễ thánh thiện và bàn thờ sống động” (LNGM 952).

Bàn thờ là biểu tượng của chính Chúa Kitô đang hiện diện giữa và ở trong cộng đoàn tín hữu. Người hiện diện như hy lễ dâng lên để giao hòa chúng ta với Thiên Chúa và như của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Thánh Ignatiô thành Antiôkia nói: “Tất cả chúng ta được hướng dẫn đến với Đức Giêsu Kitô, Đấng nhiệm xuất từ Chúa Cha, Đấng làm một với Chúa Cha...Tất cả chúng ta phải đến với Ngài như đến với một đền thờ và một bàn thờ” (Ad. Magnes. 7. Edition of Funk, Apostolic Fathers, 236). Thánh Irênê cũng nhắc đi nhắc lại chủ đề này, ngài viết: “Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng chính mình Ngài, Ngài hủy bỏ hy lễ của luật cũ khi hiến dâng cho toàn thế giới một của lễ giao hòa hoàn hảo và sống động hơn; vì Ngài chính là của lễ giao hòa, là hy tế, là tư tế và là bàn thờ” (Adver. Haers. 55, 4 (MPG, 41, 980). Thánh Ephraem thường ca ngợi bàn thờ bằng những lời như sau: “Ôi nơi hồng phúc, nơi đã nhìn thấy những điều không ai khác thấy: Chúa Kitô là bàn thờ, tư tế, bánh và chén đích thực... Ngài là bàn thờ và con chiên, là của lễ giao hòa và thánh hóa, là tư tế và thần lương” (Hymnus de Crucifixione Tertius, Str. 10, Ed. Lamy, I, 660). Thánh Ambrôsiô dạy: “Bàn thờ của Chúa Kitô là gì, nếu không phải là chính Thân Mình Người sao? Bàn thờ tượng trưng thân Mình Chúa Kitô và Thân Mình Người được đặt trên bàn thờ” (Các Bí tích 5,7;4,7 ; GLCG 1383). Nhiều giáo phụ Hy Lạp và Latinh đều khẳng định bàn thờ là chính Chúa Kitô. Truyền thống này tiếp tục ở thời Trung cổ và kéo dài đến thời của thánh Tôma Aquinô, ngài đề cập đến trong Summa Theologica rằng: “Bàn thờ ám chỉ Chúa Kitô. Các bàn thờ vật chất được gọi là bàn thờ, theo loại suy, là bàn thờ duy nhất của Chúa Kitô.”2 Truyền thống này cũng xuống đến thời đại hiện nay: kinh Tiền tụng thứ V của mùa Phục sinh tung hô rằng: “…Nhờ việc hiến dâng thân xác mình làm hy lễ thật trên thập giá, Người kiện toàn các nghi lễ xưa, và khi phó mình cho Chúa để cứu độ chúng con, Người đã tỏ mình là tư tế, là bàn thờ và là Con Chiên”.

Chính vì bàn thờ là biểu trưng cho Chúa Kitô, nên bàn thờ (nếu bằng đá) được Đức Giám mục cung hiến bằng dầu thánh; được các tín hữu dành cho những cử chỉ tôn kính như: cúi chào, hôn ...; và đối với bàn thờ đá, người ta còn đục 5 dấu thánh giá trên mặt bàn để biểu trưng 5 dấu đinh của Chúa3 biến tảng đá thành biểu tượng của Đức Kitô, Đấng đã được xức dầu Thánh Thần. Thực hành này đã có ít là từ thời thánh Grêgôriô Cả. Người ta làm bàn thờ bằng đá hay chất liệu cứng là muốn thể hiện “Đá tảng là Chúa Kitô”.

Bàn thờ là trung tâm của thánh đường, trên đó “hy tế Thập giá được hiện tại hóa dưới những dấu Bí tích. Bàn thờ cũng là bàn tiệc Dân Chúa được mời đến tham dự”.Trong một số nghi điển Ðông phương, bàn thờ còn tượng trưng cho ngôi mộ của Ðức Kitô vì Người đã thực sự chết và sống lại (GLCG 1181). Nói bàn thờ là trung tâm, không phải chỉ theo nghĩa không gian, nhưng còn theo nghĩa cuộc hội họp của cộng đoàn. Bàn thờ là nơi đáng kính nhất cho nên ngoài những cử chỉ tôn kính dành cho Thánh Thể, bàn thờ cũng xứng đáng được các tín hữu biểu lộ sự cung kính thậm chí còn hơn cả thánh giá. Việc các giáo sĩ hôn bàn thờ khi cử hành thánh lễ cũng biểu tỏ sự tôn kính và hiệp thông. Khi cung hiến thánh đường, Nghi thức Cung hiến bàn thờ được coi là nghi thức quan trọng nhất.

Bàn thờ là lối đường dẫn đưa con người - từ xa xôi, tách biệt với Thiên Chúa và là thọ tạo - trở về với Đấng Tác Tạo; từ nơi sâu thẳm của tội lỗi, con người bước lên sự thánh thiện của Thiên Chúa, tất nhiên không phải bằng sức lực nhân loại nhưng bằng ân sủng của Thiên Chúa tình thương. Ngài đã bước xuống để lôi kéo loài người sa ngã lên. Ngài là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). 

(còn nữa)

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể, SSS

_________________________________________

1 Xc. Augustin Joseph Schulte, “Altar (in Liturgy)” trong The Catholic Encyclopedia, Vol. 1 (New York: Robert Appleton Company, 1907) [24 Apr. 2017] từ <http://www.newadvent.org/cathen/01346a.htm>.

2 Summa Theologica, III, q. 33, art. 3, ad 5.

Xc. Nguyễn Văn Trinh, Thánh Lễ 2, 150.

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận