Thế nào là Lòng Chúa Thương Xót ?

Đăng lúc: Thứ bảy - 22/04/2017 22:14 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Thế nào là Lòng Chúa Thương Xót ?

Khi Stacy thông báo tiểu luận về Lòng Chúa Thương Xót (LCTX) và việc sát nhân, trong trí tôi có ngay mấy từ này: Hình phạt khủng khiếp.
 
 

 

Có thể đó là những năm tôi đã hoạt động chống lại án tử hình, hoặc thời gian tôi nói với gia đình các nạn nhân và những người bị kết án, nhưng hai chữ “an tử” (làm chết êm ái) xuất hiện trong đầu tôi, nhưng chắc chắn đó là “hình phạt khủng khiếp”.

 

Tôi không thể viết một bài phác họa giáo huấn của Giáo hội về hình phạt. Tôi chỉ có thể phác họa về nhiều lý do để phản đối hình phạt khủng khiếp này. Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này rất hay. Rất quan trọng để nói về những lý do mà hình phạt khủng khiếp là ý tưởng tồi tệ. Nhưng những điều này hiếm khi thay đổi được lòng người ta. Nếu tôi viết điều gì như vậy, nó sẽ đem lại những cái gật đầu của những người đồng ý với tôi, và tôi bị chống đối từ những người không đồng ý. Nghĩa là hoàn toàn trái ngược nhau. Thế nên tôi sẽ làm điều gì đó hoàn toàn khác.

Tôi xin kể một chuyện về việc sát nhân và một chuyện về LCTX…


Bạn có thể nghe thấy cây kim rơi trong phòng tĩnh mịch thì cô ấy bắt đầu nói. Người đàn bà khiêm tốn này là một người ăn nói nhỏ nhẹ, theo tôi là vậy. Sau đó tôi mới biết đó là một “sư tử của sự thật”. Chị đưa chúng tôi đến với một bé gái có mái tóc xoăn vàng, với nụ cười sáng như nắng hè. Chúng tôi cảm thấy rất vui.


Lửa trại bập bùng ở khu rừng Montana. Nhưng câu chuyện và những bài hát râm ran. Các lều đã được dựng lên. Ai nấy vào lều của mình.

 

Tiếng kêu ré trong đêm làm mọi người hoảng hốt. Đứa nhỏ nhất, đứa có mái tóc xoăn vàng, đã biến mất. Xé toạc lều ngay giữa đêm khuya, một lỗ thủng cho biết là có chuyện. Năm 1979, không có điện thoại di động. Chỉ có tiếng nức nở kêu cứu và cầu xin Chúa.


Những cơn ác mộng đã làm nên điều này. Đứa bé đã bị người lạ bắt cóc. Marietta Jaeger Lane không thức giấc vì cơn ác mộng. Con của chị đã mất. Chị ngồi đó bất lực. Cảnh sát được gọi đến. Những ngày sau đó nặng nề trôi.


Chị nói với chúng tôi: “Tôi đã nói với chồng rằng dù người bắt cóc có đem Susie trở lại, vẫn sống khỏe, tôi vẫn có thể giết anh ấy bằng tay không với nụ cười mãn nguyện. Không có cha mẹ nào biết chuyện như thế lại không thể thông cảm với những cảm xúc đó. Ai trong chúng ta là cha mẹ cũng nghĩ sẽ giết họ nếu họ làm hại con mình”.


Đó là lý do những gì xảy ra sau đó rất kỳ diệu. Chị tha thứ cho anh và tha thứ cho mình. Và anh ta đi mất.

 

Marietta đã sống trong sự giằng co giữa Thiên Chúa và lương tâm. Chị muốn nổi điên và muốn giết chết người đàn ông đã làm điều đó, nhưng vẫn biết đức tin của mình là người Công giáo thì phải đấu tranh để tha thứ cho kẻ thù. Làm sao chị có thể làm được? Không thể. Nếu không có Ơn Chúa, điều mà chị cầu xin hằng ngày. Chị xin Chúa giúp chị làm điều chị cần để tha thứ cho người đàn ông đã bắt cóc và coi như đã giết đứa con yêu quý chị.

 

Một năm sau, đúng giờ Susie bị bắt cóc, người bắt cóc đã gọi điện đến nhà Marietta. Cơn giận sôi lên trong lòng chị. Tuy nhiên, chị đã vượt qua bằng sự bình tĩnh và lòng trắc ẩn, chị nói với người giết con gái mình: “Anh phải chịu dằn vặt nhiều”.


Người đàn ông kia bật khóc và tiếp tục nói chuyện với Marietta cả tiếng đồng hồ. Lúc đó, anh ta nói rằng anh ta đã bị bắt, bị kết tội bắt cóc và giết Susie, con gái của chị. Anh ta không thoát khỏi án tử hình, điều mà Marietta rất muốn. Tuy nhiên, có điều gì đó đã thay đổi trong suốt một năm chị cầu nguyện.


Đây là điều chị nói với chúng tôi: “Tôi thấy rằng giết anh ta vì Susie cũng chẳng lấy lại sự sống cho nó; chỉ gây đau khổ cho một nạn nhân khác và một gia đình khác... Trả thù là bất xứng với Thiên Chúa và coi thường nhân phẩm của người khác. Mới đầu gia đình nạn nhân có thể nghĩ đến việc trả thù, nhưng công lý không nên dựa trên sự khát máu. Chúng ta nên áp dụng các quy luật luân lý cao hơn để có lợi cho các nạn nhân của mình”.


Thật vậy, khi Marietta yêu cầu công tố viên bỏ án tử hình, người đàn ông đó đã được tha chết. Người ta có thể phát hiện điều gì đó đã xảy ra trong Marietta, đó là lời cầu xin tha thứ cho kẻ thù.

 

Đó là lúc tôi nhân biết lòng thương xót là thế nào ngay giữa thế giới sa đọa này, tôi hiểu Lòng Chúa Thương Xót là gì khi chúng ta trao tặng lòng thương xót ấy cho nhau., cho những người xứng đáng đón nhận lòng thương xót. Tôi nghĩ đó là điểm mà Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã làm khi ngài tái cấu trúc sự thảo luận về án tử hình từ việc “cho người khác điều họ xứng đáng nhận” tới việc “kiềm chế sự khát máu để xã hội bình an”. Vì các tiêu chuẩn trần thế của chúng ta, vì cách phản ứng theo bản năng của chúng ta, nên những người gây tội ác vẫn phải chết.


Chúng ta phải tự hỏi xem mình muốn là người thế nào. Chúng ta nghĩ mình không phải cho người khác cái mà họ không xứng đáng nhận, nhưng Chúa Giêsu đã đổ Máu và Nước ra vì thương xót chúng ta và tha thứ cho chúng ta thì sao? Chúng ta có xứng đáng nhận không? Hoàn toàn không. Không ai trong chúng ta thực sự xứng đáng nhận, mà chỉ vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.


Một trong những điều cuối cùng Marietta nói với chúng tôi là… “không lời”. Điều đó như là câu nói thật và cơ bản nhấ mà tôi đã từng nghe. Chị nói: “Khi tôi nhận biết Chúa Giêsu đã chịu chết vì tôi thì tôi yêu mến Ngài nhiều như Ngài đã yêu và chết cho Susie, tôi không thể cố ý yêu cầu Ngài chết thêm lần nào nữa”.

 

Đó là đêm mà tôi nhận biết thế nào là LCTX.

 

Tác giả Sarah Babbs 

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

 

 

Ý NGHĨA LỊCH SỬ NGÀY LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA

 

 

Năm 1931, Chúa hiện ra với thánh nữ Faustina trong một thị kiến. Thánh nữ nhìn thấy Chúa Giêsu mặc một chiếc áo trắng với cánh tay phải giơ lên như đang chúc lành. Tay trái của Ngài đụng vào áo nơi trái tim, nơi mà hai ánh sáng chiếu tỏa ra, một tia màu đó và một tia màu trắng lạt. Thánh nữ nhìn không chớp mắt thẳng vào Chúa trong thinh lặng, linh hồn thánh nữ tràn ngập lòng kính sợ, nhưng cũng tràn đầy niềm vui khôn tả. Chúa Giêsu nói với thánh nữ:

Hãy vẽ một bức ảnh theo mẫu thức mà con nhìn thấy, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Cha mong ước bức ảnh này được tôn kính, trước hết, tại nguyện đường của con, sau đó, ở khắp nơi trên thế giới. Cha hứa là, linh hồn nào tôn kính bức ảnh này sẽ không bị hư mất. Cha cũng hứa cho linh hồn thắng được các kẻ thù ngay khi còn sống trên thế gian, nhất là trong giờ lâm tử. Chính Cha sẽ bảo vệ linh hồn ấy như là bảo vệ vinh quang của riêng Cha.

Khi con nói điều này với cha giải tội của con, con nhận được câu trả lời thế này: "Điều ấy có ý chỉ về linh hồn của con". Người bảo con là: "Đúng đấy, hãy vẽ hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn của con". Ra khỏi toà giải tội, con lại nghe thấy những lời như sau: Hình ảnh của Cha đã sẵn có nơi linh hồn con rồi.

Cha mong có một Lễ Kính Lòng Thương Xót. Cha muốn bức ảnh mà con vẽ bằng cây cọ này phải được long trọng làm phép vào ngày Chúa Nhật Thứ Nhất sau Lễ Phục Sinh. Ngày Chúa Nhật này phải là ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót. Cha ước mong các linh mục loan truyền tình thương vĩ đại này của Cha cho các linh hồn những tội nhân. Để tội nhân đừng sợ tiến đến với Cha. Những ngọn lửa tình thương đang nung nấu Cha - bừng bừng muốn toé ra, Cha muốn tuôn đổ những ngọn lửa tình thương này xuống trên các linh hồn ấy. Cha muốn bức ảnh này phải được trưng bày nơi công cộng vào ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh. Chúa Nhật này là Lễ Kính Lòng Thương Xót.

Nhờ Ngôi Lời Nhập Thể, Cha tỏ vực sâu vô đáy của tình thương Cha ra. Hỡi con gái của Cha, hãy nhìn vào vực thẳm của tình thương Cha để chúc tụng và tôn vinh tình thương này của Cha. Con hãy làm như thế này: Hãy tụ họp tất cả các tội nhân từ khắp nơi trên thế giới lại, dìm họ vào vực thẳm của tình thương Cha. Con gái của Cha ơi, Cha muốn ban mình Cha cho các linh hồn, Cha khao khát các linh hồn. Vào ngày lễ của Cha, Lễ Kính Lòng Thương Xót, con sẽ đi khắp thế gian mà mang các linh hồn mệt nhược về suối nguồn của tình thương Cha. Cha sẽ chữa lành và tăng sức cho họ.

Có một lần, cha giải tội của con bảo con hỏi Chúa Giêsu về ý nghĩa của hai tia sáng trong bức ảnh, con trả lời với ngài là: "Dạ vâng, con sẽ hỏi Chúa". Đang khi cầu nguyện, con đã nghe thấy trong con những lời này: Hai tia sáng biểu hiệu cho Máu và Nước. Tia sáng nhạt là biểu hiệu của Nước, để làm cho các linh hồn nên công chính. Tia sáng đỏ là biểu hiệu của Máu, để ban sự sống cho các linh hồn... Hai tia sáng này phát xuất từ những thẳm sâu nhất của tình thương êm ái Cha, lúc mà Trái Tim đau thương của Cha bị lưỡi đòng chọc mở ra trên cây Thánh Giá. Những tia sáng này bao che các linh hồn cho khỏi cơn thịnh nộ của Cha Cha. Phúc cho kẻ nào được ẩn náu trong những tia sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa sẽ không giáng xuống trên họ.Cha mong ước ngày Chúa Nhật thứ nhất sau Lễ Phục Sinh là ngày Lễ Kính Lòng Thương Xót.

Nguồn gốc tấm hình lòng thương xót Chúa Ngày 22/02/1931, tại tu viện Plock sơ Faustina được Chúa Giêsu hiện ra. Trong nhật ký sơ ghi: "Ðêm đó, tôi được nhìn thấy Chúa Giêsu hiện ra. Ngài mặc áo trắng, một tay Chúa giơ lên ban phép lành, tay kia đặt trước ngực. Từ nơi ngực Chúa có hai luồng ánh sáng chiếu tỏa ra. Một luồng màu đỏ, luồng kia màu trắng nhạt. Chúa phán với tôi: "Con hãy vẽ một bức hình, theo những gì con trông thấy đây, với lời ghi chú: Giêsu, con tín thác vào Chúa" (gốc tiếng Ba Lan là Jezu, Ufam Tobie, ta thường thấy bản dịch ra tiếng Anh là Jesus, I trust in you)

Sơ có hỏi về ý nghĩa của 2 luồng sáng đó, Chúa nói:

"Những luồng ánh sáng trắng nhạt biểu hiện Nước, sẽ làm cho các linh hồn nên công chính đạo đức. Những luồng ánh sáng màu đỏ biểu hiện Máu, là sự sống của các linh hồn. Hai luồng ánh sáng này, phát xuất từ chốn sâu thẳm của lòng xót thương dịu dàng và êm ái nhất của Ta, lúc trái tim hấp hối Ta bị lưỡi thâu mở rộng ra. Phúc cho ai ẩn náu trong sự che chở của những luồng ánh sáng này, vì bàn tay công thẳng của Thiên Chúa không giáng phạt họ."

Sơ đi hỏi mẹ bề trên, và bà đã trả lời: "Con hãy vẽ Chúa đi". Nhưng vì khả năng hạn hẹp, nên dù đã cố gắng, không có bức vẽ nào đẹp.

Năm 1934, cha linh hướng Michal Sopócko của sơ liên lạc với 1 họa sĩ tên là Eugeniusz Kazimirowski ở Wilno, để vẽ lại ảnh Chúa theo sự mô tả của sơ, nhưng không được như ý lắm.

Đêm sau Chúa phán: "Giá trị của tấm ảnh này không căn cứ trên nét đẹp của màu sắc, nét vẽ, nhưng là ơn phúc của Ta. Đó là một nhắc nhở về lòng thương xót của Ta, Ta ban cho loài người con tàu để đưa họ tới nguồn suối xót thương và múc lấy mọi ơn phúc. Con tàu đó là tấm ảnh này."

Sau khi người nữ tu Maria Faustina qua đời ngày 05/10/1938, hương thơm thánh thiện của sơ lan tỏa nhiều nơi cùng với sự phổ biến rộng rãi việc thực hành lòng tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa. Ngoài ra, nhiều người đã được những ơn lành Thiên Chúa ban cho qua lời cầu bầu của sơ Maria Faustina.

Tuy nhiên, tiến trình dẫn đến việc phong thánh cho nữ tu Maria Kowalska gặp phải nhiều thử thách. Mặc dầu tại Ba Lan nhiều tín hữu rất sùng mộ và học hỏi sứ điệp Lòng Thương Xót Chúa được ghi lại trong nhật ký của sơ, Toà Thánh đã từng lên án cuốn sách này là "lạc đạo" vào năm 1959. Ðiều đó cũng dễ hiểu bởi vì Toà Thánh Roma nhận được một bản dịch nhật ký từ tiếng Ba Lan và được viết từ một người mới học hết lớp 3 (nữ tu Faustina là một người ít học nên nhật ký của sơ hầu như chẳng có ghi dấu chấm phết gì cả).

Khi Ðức Cha Karol Wojtila (Ðức Gioan Phaolô II tương lai) trở thành Tổng Giám mục Krakow năm 1964, ngài đứng trước một tình trạng tế nhị. Dầu sao đi nữa, ngài rất quen thuộc với sứ điệp nữ tu Faustina phổ biến vì lúc còn là chủng sinh "chui" trong thời Ðệ Nhị Thế chiến khi Ðức Quốc Xã cai trị Ba Lan, ngài đã thường xuyên viếng thăm Ðền Lòng Thương Xót Chúa ở đồi Lagiewniki, Krakow, nơi nữ tu Faustina từng cư ngụ và qua đời.

Ðức Tổng Giám mục Karol Wojtila cho điều tra sự việc và sau đó cho dịch lại một bản mới nhật ký của sơ Faustina để gửi cho Toà Thánh. Nhờ đó, vào năm 1978 Toà Thánh đã rút lại lệnh cấm cuốn nhật ký của Faustina, chỉ sáu tháng trước khi Ðức Tổng Giám mục Karol được bầu làm Giáo hoàng.

Ngày 18/04/1993, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã phong Chân phước cho Nữ tu Faustina Kowalska sau khi một người phụ nữ tên Maureen Digan được chữa lành khỏi một bệnh di truyền về máu nhờ lời cầu bầu của nữ tu Faustina. Và cuộc phong thánh vào ngày 30/04/2000 với rất nhiều người tham dự là kết quả của một phép lạ chữa lành cha Ronald P. Pytel (Baltimore, Hoa Kỳ) khỏi bệnh tim.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II gọi Thánh nữ Maria Faustina là "món quà của Thiên Chúa ban cho thời đại chúng ta".

Trong bài giảng của buổi lễ phong thánh, Ðức Thánh Cha nói: "Tương lai của nhân loại trên mặt đất này sẽ ra sao? Chúng ta không được biết. Tuy nhiên, con người có thêm tiến bộ thì không may cũng không thiếu kinh nghiệm đớn đau. Nhưng ánh sáng của lòng thương xót Chúa. sẽ chiếu sáng đường đi cho con người trong thiên niên kỷ thứ ba. Ðức Thánh Cha cũng đã chính thức công bố từ nay về sau Chúa nhật II Phục sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cho rằng chỉ khi nào con người cảm nhận được lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại thì con người mới có thể "nhìn vào anh chị em của mình với đôi mắt mới, với thái độ vị tha và liên đới, đại lượng và tha thứ".

Việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa hiện nay được phổ biến trong nhiều quốc gia khắp thế giới qua sự cổ võ hoạt động của khoảng 2 triệu thành viên trong tổ chức "Tông đồ Lòng Thương Xót Chúa" gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Quyển nhật kí của sơ Maria Faustina sau này được biên tập và xuất bản lại dưới tựa đề: Divine Mercy in My Soul: The Diary of St. Faustina.

Vào năm 1943, một họa sĩ tên là Adolf Hyla đã vẽ lại bức tranh Lòng Thương Xót Chúa, và đây là bức tranh chính thức thứ hai (được treo trên mộ của Thánh nữ Maria Faustina trong tu viện Our Lady of Mercy ở Cracow-Lagiewniki, ba Lan), sau bức đầu tiên của họa sĩ Eugeniusz Kazimirowsk, bức này được lan truyền và sao chép lại khá giống với các bức hình mà ta thấy ngày nay. Ngoài ra, người ta còn cho rằng bức vẽ thứ ba cũng khá phổ biến là của họa sĩ người Mỹ - Robert Skemp, vẽ Chúa đứng trước một cánh cửa hình vòm.

nguồn: banthothienchua.com

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận