Tóm Lược Chương II và Những Nguyên Tắc Hướng Dẫn Suy Tư Của Đức Thánh Cha Phanxicô Trong Tông Huấn Niếm Vui Của Tình Yêu

Đăng lúc: Thứ tư - 05/07/2017 01:23 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

TÓM LƯỢC CHƯƠNG II VÀ NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN SUY TƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ TRONG TÔNG HUẤN NIẾM VUI CỦA TÌNH YÊU

 

Tông huấn được công bố ngày 19-3-2016 gồm 325 số và được phân bố như sau:

- Lời dẫn nhập ( số 1- 7 ) cho thấy văn kiện là giáo huấn của Đức Thánh Cha và đồng thời cũng là thành quả của hai khóa Thượng hội đồng Giám mục thế giới về gia đình.

- Chương I ( số 8-30 ) duyệt lại các bản văn Kinh Thánh để thấy ý nghĩa nguyên thủy và nét đẹp của hôn nhân

- Chương II ( số 31-57 ) trình bày thực trạng của gia đình hôm nay,

- Các chương III, IV, V ( số 58-198 ), giáo lý của Giáo Hội về hôn nhân, tình yêu và sinh sản,

- Chương  VI ( số 199-258 ), việc chuẩn bị hôn nhân, đồng hành với các đôi vợ chồng trẻ,

- Chương VII ( số 259-290 ) nói về việc giáo dục con cái,

- Chương VIII ( số 291-312 ), những trường hợp rối,

- Chương IX ( số 313-325 ), chương cuối cùng, bàn về linh đạo gia đình.

Tông huấn không có phần kết luận, nhưng có lời cầu nguyện với Thánh gia.

Bài học hỏi này được chia thánh hai phần:

  • Phần I: Tóm lược chương II của Tông huấn Niếm vui của tình yêu.
  • Phần II: Những nguyên tắc hướng dẫn suy tư của đức thánh cha trong tông huấn.

 

PHẦN I

 

TÓM LƯỢC CHƯƠNG II CỦA TÔNG HUẤN

         Trước khi tìm hiểu chương II của văn kiện, xin nói sơ qua về chương I. Trong chương này, văn kiện duyệt lại các bản văn Cựu Ước và Tân Ước, văn kiện cho thấy ý nghĩa nguyên thủy và nét đẹp của hôn nhân: đó là sự vui tươi đầm ấm của cảnh gia đình sum họp vốn là biểu tượng của mầu nhiệm thông hiệp giữa Ba Ngôi TC và của sự kết hiệp giữa linh hồn với Thiên Chúa.

Qua chương II, văn kiện được chia làm hai mục: thực trạng (số 32- 49) và những thách đố (số 50-57) của đời sống hôn nhân và gia đình ngày nay. 

 

  1. THỰC TRẠNG

Nền văn hóa thế tục hóa ngày nay đưa đến việc nhiều người chọn đời sống độc thân, hoặc sống chung chạ mà không có hôn phối, hoặc người ta tìm đến với gia đình như một nơi trú chân, nơi nương tựa khi cần, và vì thế các mối  quan hệ giữa các thành viên của gia đình cũng héo tàn khi người ta có những mơ ước khác hay gặp những hoàn cảnh khó khăn. Việc này đưa đến việc li thân, li dị.

  1. Tình trạng sống độc thân hoặc sống chung chạ không hôn phối, vì những lý do sau đây:

a. Các gia đình ít nhận được sự nâng đỡ từ các cấu trúc xã hội. Ngày nay các gia đình hưởng nhiều quyền tự do, có “sự phân công hợp tình hợp lí hơn các gánh nặng, trách nhiệm và công việc, và nhờ sự “ thông giao nhận vị” giữa vợ chồng, cuộc sống chung trở nên  nhân văn hơn trước đây. Nhưng chiều hướng thay đổi về nhân học và văn hóa này lại mang theo hệ quả là các thành viên của gia đình hiện nay ít nhận được sự nâng đỡ về mặt tình cảm từ phía người thân và xã hội như trước đây (số 32).

b. Ngại lập gia dình vì quá đề cao chủ nghĩa cá nhân. Mỗi người chỉ biết sống cho riêng mình, quan tâm đến dự phóng của bản thân, sống hưởng thụ. Người ta sợ rằng lập gia đình cũng đồng nghĩa với việc đeo gông vào cổ, không còn được tự do như trước. Người ta tính toán hơn thiệt: liệu gia đình có đem lại cho họ sự an ủi, sự che chở, sự phục vụ khả dĩ bù đắp được những mất mát thiệt thòi không. Từ đó, con người dần dần đánh mất khả năng sống trao ban, hiến dâng và dấn thân (số 33).

c. Cuộc sống hối hả vội vã và công ăn việc làm bấp bênh khiến nhiều người không dám nghĩ tới những chọn lựa lâu dài, những dấn thân triệt để vốn là những đòi hỏi của đời hôn nhân (số 33).

d. Nhiều  bạn trẻ phải trì hoãn việc kết hôn vì lý do kinh tế hoặc vì bận rộn học hành,  vì “ ảnh hưởng của những ý thức hệ xem thường hôn nhân và gia đình, hoặc vì muốn tránh kinh nghiệm thất bại của những đôi hôn nhân đi trước […] hoặc vì quan niệm rằng tình yêu chỉ là cảm xúc và lãng mạn. […] hoặc vì dị ứng với những gì có tính định chế và thủ tục hành chính.” (số 40).

2. Tình trạng li thân, li dị.

a. Tình trạng này phát sinh một phần do tác dộng của một thứ văn hóa mà văn kiện gọi là “ văn hóa tạm bợ”, “ văn hóa ăn xổi ở thì”: Mọi sự đều có thể vứt bỏ sau khi dùng. Ngay cả trong lãnh vực tình cảm cũng thế : họ coi quan hệ hôn nhân như một món hàng. Khi không còn thích nhau  nữ, người ta chia tay (số 39).

b. Tình trạng li thân, li dị còn phát sinh một phần khác do các cặp vợ chồng có cái nhìn lệch lạc về hôn nhân. Vì bị tiêm nhiễm bởi những hình ảnh khiêu dâm với mục đích thương mại, nhiều đôi bạn lắm lúc “ có khuynh hướng dừng lại ở những giai đoạn ban đầu của đời sống tình cảm và tính dục”. Khi không được thỏa mãn, hoặc có sự bất đồng nào đó, và vì thiếu kiên nhẫn để tìm hiểu, để tha thứ và làm hòa với nhau, và hậu quả là li thân và li dị (số 41).

Trách nhiệm của Giáo Hội

Văn kiện nhìn nhận rằng, về phần mình, Giáo Hội có phần trách nhiệm đối với tình trạng hôn nhân và gia đình trên đây.

  1. Vì Giáo Hội đã không trình bày các “ lí do và các động cơ cho việc chọn lựa hôn nhân và gia đình”, một phần vì Giáo Hội muốn tỏ ra “hợp thời”,  không dám “ đi ngược dòng cảm thức” của con người thời đại, phần khác vì “ mặc cảm tụ ti” (số 35).
  2. Vì lắm lúc Giáo Hội, khi trình bày về giáo lý hôn nhân, quá nhấn mạnh về “ bổn phận sinh sản” như mục đích duy nhất,  mà xem nhẹ mục đích của hôn nhân là hiệp thông giữa vợ chồng, là giúp nhau lớn lên trong tình yêu và tương trợ.
  3. Vì Giáo Hội lơ là với việc “ đồng hành với những cặp vợ chồng mới cưới trong những năm đầu đời hôn nhân của họ” để giúp họ thích nghi với cuộc sống mới.
  4. Vì Giáo Hội nhiều khi đã trình bày giáo lý hôn nhân một cách quá lý tưởng và trừu tượng  theo cái nhìn thần học vốn “ xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn” của họ, và điều này khiến họ thấy hôn nhân không “ hấp dẫn hơn và đáng khao khát hơn”,  mà trái lại là đàng khác (số 36).
  5. Vì Giáo Hội thường nhấn mạnh “những vấn đề đạo lí, đạo đức sinh học và luân lý” mà thiếu sót trong việc khuyến khích các đôi vợ chồng mở rộng lòng đón nhận ân sủng của Chúa. Giáo Hội cũng thường trình bày hôn nhân như một “ gánh nặng” hơn là một “ chặng đường phát triển và thăng hoa” bản thân, và ít để cho lương tâm các tín hũu, trong những tình huống không có lối thoát, được tự phân định theo tinh thần của Tin Mừng (số 37).  

Dù thực trạng tống quát của hôn nhân và gia đình hiện nay là như thế, nhưng phần đông người ta vẫn còn đề cao các “ mối quan hệ gia đình”, mong chúng kéo dài với thời gian và củng cố sự kính trọng tha nhân. Bởi thế, họ mong mỏi Giáo Hội tiếp tục đồng hành và giúp đỡ họ trong việc phát triển tình yêu, giải quyết các xung đột và giáo dục con cái. Giáo Hội cũng vui mừng vì có nhiều người đã cảm nhận được sức mạnh của Bí Tích Giao Hòa và Thánh Thể giúp họ đương đầu được với “ những thách đố trong đời sống hôn nhân và gia đình”. Giáo Hội cũng cảm kích khi thấy nhiều dân tộc thế giới, bất chấp sự lôi cuốn của phong trào tục hóa, vẫn giữ vững “ một số giá trị truyền thống” và hôn nhân trở thành chiếc cầu nối giữa hai gia đình thông gia vốn “ còn giữ được một hệ thống khá rõ ràng” nhằm giải gỡ “những tranh chấp và những khó khăn”. Ngoài ra, còn có không biết bao nhiêu cặp vợ chống sống thủy chung trong tình yêu. Tất cả những dữ kiện trên đây thôi thúc Giáo Hội “ mở ra một hướng mục vụ tích cực, ân cần niềm nở, có thể từng bước giúp các đôi bạn đào sâu những đòi hỏi của Tin Mừng” thay vì cứ ngồi đó mà lên án cảnh suy đồi của thế giới (số 38).

  1. Tình trạng thứ ba:Não trạng không muốn sinh con

Não trạng này “ được khuyến khích bởi chính sách toàn cầu về sức khỏe sinh sản” (ngừa thai, triệt sản, phá thai),  bởi công nghệ tạo sinh trong ống nghiệm, bởi những nhân tố khác như “công nghiệp hóa, cách mạng tình dục”, những khó khăn kình tế. Ngoài ra, nếp sống tiêu thụ ngày nay cũng khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn có con: Họ muốn sống tự do và không bị ràng buộc (số 42).Não trạng không muốn sinh con dẫn đến việc suy giảm dân số vốn bất lợi về nhiều phương diện (kế tục giống nòi, thiếu người lao động)

  1. Các gia đình gặp hoàn cảnh bi đát, cơ cực

Lắm gia đình rơi vào tình cảnh bi đát vì không có nhà ở, vì bệnh tật, thất nghiệp (số 44). “Trẻ em đường phố ngày càng gia tăng” chỉ vì chúng sinh ra ngoài hôn nhân hoặc sống trong các vùng có chiến tranh, nhiều em làm mồi cho việc khai thác tình dục hoặc bị lạm dụng tình dục (số 45). Nhiều gia đình phải di cư vì chiến tranh, vì bách hại,vì nghèo đói, vì bị đối xử bất công. Ngoài ra có những  người phải rời quê cha đất tổ cách bất hợp pháp do các mạng lưới buôn người quốc tế tổ chức. Nói chung những di dân này phải sống trong những trại tạm trú, trại tị nạn và không thể hội nhập một cách dễ dàng (số 46). Những gia đình có những người con khuyết tật (số 47), có cha mẹ cao tuổi không được chăm sóc ( số 48). Cuối cùng Đức Thánh Cha nhìn về những gia đình sống trong cảnh nghèo cơ cực. Người kêu gọi con cái của Giáo Hội đặc biệt quan tâm, an ủi những gia đình ấy(số 49)

  1. Tông huấn cũng ghi nhận một số THÁCH ĐỐ

Tình trạng thì âm ỷ và cần thời gia để giáo dục, còn thách đố thì khẩn trương, cần có giải pháp ngay.

Trong thời gian làm việc, Thượng Hội Đồng Giám mục Thế giới đã gởi đi hai bản câu hỏi và đã nhận được những câu trả lời. Những câu trả lời đề cập đến những hoàn cảnh đa dạng và cho thấy những thách đố mới:

  1. Bậc phụ huynh không có thời gian giáo dục con cái, nhất là giáo dục đức tin vì công ăn việc làm đòi buộc phải đi làm sớm về tối (số 50).
  2. Nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc trở nên nguyên nhân hoặc hậu quả của bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội (số 51).
  3. Kiểu sống chung trước hôn nhân, lối sống chung tạm bợ không có ràng buộc pháp lý và hôn nhân đồng tính chắc chắn đưa tới sự phá hoại định chế gia đình (số 52- 53).
  4. Những số cuối cùng của chương II ( số 54-56) đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ ( bạo hành, khai thác tình dục, buôn bán thân xác) cũng như người nam (sự vắng mặt về thể lý, tình cảm , tri thức và tinh thần trong đời sống gia đình); và đặc biệt là ý-thức-hệ gender muốn phá hủy sự khác biệt giữa giới tính nam và nữ.

 

 

PHẦN II.

NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN SUY TƯ

CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Chương II nói về thực trạng và các thách đố trên đây có thể được xem như bối cảnh để ĐTC áp dụng giáo lý ngàn đời vào hoạt động mục vụ của Hội Thánh. Nhưng vì tính chất đa dạng và phức tạp của thực trang hôn nhân và gia đình, ĐTC vẫn dụng một số nguyên tắc trong suy tư của người. Những nguyên tắc ấy là: nhãn quan lạc quan và tích cực; lòng thương xót, con đường của để đem lại niềm vui cho những hôn nhân và gia đình tan vỡ, và sau đó là những phương thức giúp giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình ngày nay.

  1. Nhãn quan lạc quan và tích cực của ĐTC

Đây là nét nổi bật nơi dung mạo và tinh thần của ĐTC. Trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng ĐTC đã định nghĩa người loan báo Tin Mừng là người đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, niềm hân hoan và chia sẻ niềm vui ấy cho tha nhân. Do đó lời rao giảng phải là lời loan báo những điều vui tươi nhất, cần thiết nhất và lôi cuốn nhất ( X. Niềm vui của Tin Mừng, số 35), chứ không là trách móc, phàn nàn về thực trạng tiêu cực, đen tối của thế giới ( Niềm vui của Tin Mừng, số 159).

Tinh thần lạc quan và tích cực của ĐTC được tỏ lộ và ứng dụng trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu. Thật thế, ĐTC không chỉ thấy những thách đố và khó khăn của đời sống hôn nhân và gia đình, nhưng người còn coi đó như một cơ may: “ Gia đình không phải là một vấn đề, nhưng trước tiên là một cơ hội.” ( Niềm vui của Tình yêu, số 7). Gia đình là tổ ấm, là  cái nôi nuôi dưỡng tình yêu; và ở đâu có tình yêu, ở đó cũng có niềm vui và hạnh phúc. Vì thế chủ đề của Tông huấn không bàn về hôn nhân và gia đình như một định chế, cũng không dừng lại ở những khó khăn của thực tại ấy, nhưng nhấn mạnh niềm vui của tình yêu: một tình yêu đích thực luôn mang lại niềm vui và hạnh phúc lâu dài.

  1. Nguyên tắc thứ hai được ĐTC vận dụng trong Tông huấn, đó là: lòng thương xót. Đây là con đường đem lại sự khích lệ, đỡ nâng cho những hôn nhân và gia đình tan vỡ.

Đứng trước những thách đố và khó khăn của các gia đình, các chủ chăn có hai khuynh hướng giải quyết đối lập nhau: Một số các thừa tác viên của Giáo Hội quyết liệt bảo vệ các nguyên tắc tín lý, luân lý và giáo luật về đặc tính một vợ một chồng và bất khả phân ly của đời sống hôn nhân và gia đình. Trái lại, một số khác muốn “ thay đổi tất cả mà không suy tư đầy đủ, hoặc thiếu nền tảng”. Họ có “tham vọng muốn giải quyết tất cả mọi sự bằng cách áp dụng những nguyên tắc chung hoặc bằng cách rút ra những kết luận không thích đáng từ một số suy tư thần học cá biệt.” ( số 2)

ĐTC không phải là người tiên phong mở ra con đường này, nhưng người lấy lại cảm hứng của thánh Giáo hoàng Gioan XXIII. Thật thế Đức  Gioan XXIII, vào ngày khai mạc Công đồng Vatican II đã nói: “ Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng lòng thương xót như là phương dược hơn là sử dụng sự nghiêm khắc như là vũ khí … Khi giơ cao ngọn đuốc chân lý tại Công đồng đại kết nảy, Hội Thánh công giáo muốn thể hiện mình là một người mẹ yêu thương mọi người, kiên nhẫn, dịu dàng, từ tâm với những con cái xa rời mẹ.” ( Dung mạo lòng thương xót, Sắc lệnh khai mạc Năm Thánh ngoại thường, số 4; và Gaudet Mater Ecclesia, Diễn từ khai mạc Công đồng chung II, ngày 11- 10-1962, 2-3)

ĐTC mời gọi Hội Thánh đi vào con đường của lòng thương xót như một nối dài của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Người khích lệ mỗi kitô hữu trở thành “ dấu chỉ của lòng thương xót và gần gũi với những nơi mà cuộc sống gia đình không thể hiện trọn vẹn  hay còn thiếu vắng bình an và niềm vui.” (số 5), bởi vì “ Hội Thánh có sứ mạng loan báo lòng thương xót của TC vốn là trái tim sống động của Tin Mừng”(số 309).

Đâu là nét độc đáo của con đường của lòng thương xót ?

Con đường này vượt lên trên hai thái độ cực đoan: nghiêm khắc và dễ dãi. Thái độ nghiêm khắc của các chủ chăn sẽ khiến người ta xa rời TC và Hội Thánh, thái độ dễ dãi sẽ che lấp đi những nét đẹp lý tưởng cũng như những đòi hỏi của Tin Mừng. Trái lại con đường của lòng thương xót là con đường vừa trình bày những nguyên tắc đạo lý được mặc khải, vừa gần gũi với những khó khăn của con người hầu nâng đỡ họ trong những lúc khó khăn trong cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Về việc trình bày những nguyên tắc đạo lý,  ĐTC viết:

 Để tránh mọi lệch lạc, tôi nhắc lại rằng dù sao đi nữa Hội thánh cũng không được từ bỏ đề nghị lí tưởng trọn vẹn của hôn nhân, kế hoạch của Thiên Chúa … Thái độ lãnh đạm, chủ nghĩa duy tương đối dưới bất cứ hình thức nào, hoặc sự dè dặt thái quá khi đề xuất lí tưởng này, sẽ là một sự thiếu trung thành với Tin Mừng, và cũng là thiếu tình yêu của Hội Thánh đối với chính những người trẻ. Cảm thông với những hoàn cảnh ngoại lệ không bao giờ hàm nghĩa che giấu ánh sáng của lí tưởng trọn vẹn nhất và cũng không cắt bớt những gì Đức Giêsu đã trao cho con người. Ngày nay, điều quan trọng hơn cả của mục vụ dành cho những cuộc hôn nhân thất bại là nỗ lực mục vụ để củng cố hôn nhân và nhờ đó mà ngăn ngừa hôn nhân gãy đổ.” ( số 307).

Như ĐTC đã nói, con đường của lòng thương xót có hai mặt: vừa trình bày đạo lý, nhưng cũng vừa gần gũi với những con người đang gặp khó khăn. Do đó,con đường của lòng thương xót, theo ĐTC, đòi hỏi người mục tử phải quan tâm tới từng hoàn cảnh cụ thể của từng con người “sống trong những hoàn cảnh bất quy tắc”, bởi vì trong lãnh vực luân lý, người mục tử không chỉ xét lỗi phạm theo luật khách quan mà còn phải dựa trên tâm thái của người phạm tội, tức là phải quan tâm tới những hoàn cảnh chi phối hay những hoàn cảnh giảm khinh. Trong trường hợp này, tội nhân “có thể sống  trong ân sủng của Chúa, có thể yêu thương, và cũng có thể tăng trưởng trong đời sống ân sủng và bác ái” (số 305). Vì thế, người mục tử không thể với “ cõi lòng khép kín, thường ẩn nấp sau những giáo huấn của Hội Thánh … ngồi trên tòa ông Môsê và phán quyết đôi khi với thái độ tự tôn và hời hợt đối với các trường hợp khó khăn và những gia đình bị thương tích” (số 305), trái lại các mục tử cần có lòng thương xót và kiên nhẫn ( số 308).

  1. Những phương thức giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình ngày nay.

ĐTC đề nghị ba phương thức sau đây

  1. Trước tiên Hội Thánh cần trình bày nét cao cả, niềm vui của tình yêu trong đời sống hôn nhân và gia đình

Đối diện với thực tại hôn nhân và gia đình hôm nay với nhiều thách đố, Hội Thánh cần phải trình bày vẻ đẹp cao cả, thánh thiêng và phong nhiêu của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa. ĐTC mong muốn mọi người mặc lấy nhãn quan vui tươi và tích cực mà Lời Chúa gợi lên về gia đình: Gia đình là tổ ấm chan hòa hạnh phúc gồm có cha mẹ và con cái (số 8-9). Tính phong nhiêu của hôn nhân là hình ảnh sống động của TC, Đấng Sáng Tạo. Hôn nhân và gia đình là hình ảnh TC Ba Ngôi vốn là mầu nhiệm tình yêu, hiệp thông giữa các Ngôi Vị (số 11) khi vợ chồng kết hợp thành một với nhau cả về thể xác lẫn tinh thần (số 13).

Nhưng, cũng như mọi thực tại trần thế khác, cuộc sống hôn nhân không luôn đầy ắp miềm hoan lạc mà còn bao nhiêu bất trắc và khổ đau ( số 19- 20). Ngay cả Thánh gia cũng không là ngoại lệ. Thánh gia đã trải qua “những vất vả thường ngày và thậm chí những cơn ác mộng” của cảnh trốn sang Ai-cập (số 21). Để có thể vượt qua những cảnh đau thương ấy, Chúa Giêsu dạy phải có lòng yêu thương, phải biết trao hiến bản thân và có lòng thương xót (số 27), và lòng yêu thương ấy, trong bối cảnh gia đình, được gọi là sự “dịu dàng” (số 28).

Một số người trẻ ngày nay ngại hoặc trì hoãn việc lập gia đình vì chưa có việc làm ổn định, vì đã có lần thất bại trong hôn nhân, vì sợ mất tự do. Vì thế Giáo Hội cần cho họ thấy rằng hôn nhân vốn bao hàm cả ánh sáng lẫn bóng tối, và giúp họ khám phá niềm vui hôn nhân ngay cả khi họ ngậm phải bồ hòn ( số 126).

  1. Phương thức thứ hai là tái hòa nhập

Dựa trên linh đạo của lòng thương xót, ĐTC đưa ra giải pháp hòa nhập thay vì loại trừ đối với các gia đình đang sống trong “ những hoàn cảnh chông chênh”(số 291), “ bất quy tắc” (số 297), tức là những hôn nhân dân sự, li dị và tái hôn, sống chung chạ không hôn phối. Phải thành thực thú nhận rằng trước đây Giáo Hội đã đi theo con đường loại trừ, và vì thế nhiều người đã trở thành nạn nhân của con đường ấy. Nhưng từ sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã trở về với “con đường của CGS, con đường của lòng thương xót và tái hòa nhập” (số 296), bởi vì “ không ai có thể bị kết án vỉnh viễn” (số 297). Do đó, Giáo Hội “không nên phân loại xếp hạng mục hoặc khép họ vào những phạm trù quá cứng nhắc …” (số 298), trái lại phải “ đón nhận họ, ân cần trìu mến chăm sóc họ và khích lệ họ trên hành trình cuộc sống và Tin Mừng.” (số 299). 

Khi đề nghị phương thức tái hội nhập, ĐTC trung thành với nguyên tắc “ Toàn thể lớn hơn thành phần”.Theo gương CGS, Giáo Hội chăm sóc cả 100 con chiên, chứ không phải là 99 con (số 309). 

  1. Phương thức thứ ba là đồng hành và phân định

Con đường của lòng thương xót bao hàm việc đồng hành và phân định. ĐTC kêu gọi các mục tử đồng hành với những những người trên đây. Đồng hành là để trình bày và giải thích chân lý mặc khải cho họ, giúp họ phán đoán hợp với những tiêu chuẩn khách quan của luật mặc khải và luật tự nhiên. Tất nhiên họ sẻ cảm thấy một sự giằng co nơi lương tâm của chính mình. Nói cách khác, đây là tình trạng xung đột giữa hai khuynh hướng của lương tâm; khuynh hướng muốn làm theo giáo lý mặc khải và khuynh hướng duy trì tình trạng hiện tai của họ. Đây kà lúc người mục tử giúp họ phân định những gì có thể làm được và nên làm trong trường hơpt của họ.  

Như thế không thể chờ đợi một lời giải đáp của ĐTC liên quan đến những người đang sống trong hoàn cảnh rối: hôn phối họ có được nhìn nhận không, họ có được rước lễ không, bởi vì đồng hành và phân định là để hướng dẫn luơng tâm họ giúp họ sống ơn gọi của mình trong từng hoàn cảnh, từng trường hợp cụ thể đặc thù của từng người : “ Chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm” (số 37).  

Vì thế, không nên mong đợi nơi Tông huấn của ĐTC “một khoản luật chung mới về giáo luật khả dĩ áp dụng cho tất cả mọi trường hợp” (số 300). ĐTC xác định rằng trong Giáo Hội có những khoản luật và qui tắc chung. Nhưng trong thực hành, không thể dựa trên các tiêu chuẩn ấy để khẳng định sự trung tín của một ai đó với Thiên Chúa trong cuộc sống cụ thể của từng người ấy, không thể áp dụng luật lệ cho các cá nhân cách giống nhau (x. số 304). Vì thế, các linh mục có nhiệm vụ đồng hành cần phân định từng trường hợp dựa trên giáo huấn của Giáo Hội và sự hướng dẫn của Giám mục” (số 300).

Sở dĩ ĐTC mở ra con đường của lòng thương xót và đề nghị ba phương thức giải quyết những thách đố về hôn nhân và gia đình là vì Người dựa vào định luật tăng trưởng tiệm tiến. Mỗi một con người, dù là kitô-hữu hay không, tội lỗi hay thánh thiện, đều là hình ảnh của TC, cùng hít thở ân sủng của TC trong lịch sử cứu độ. Luật này được Thượng Hội đồng Rôma năm 1980 đề cao. Tầm quan trọng của nó được hồng y Joseph Ratzinger (Pape Benoit 16) nhấn mạnh như sau :

« Tính tuần tự là một ý tưởng mới của Thượng Hội đồng, và đã trở thành một trong những viễn tượng sâu sắc nhất, đang có mặt trong mọi vấn đề đặc biệt…Người ta công bố rằng con đường ki tô giáo là cả một con đường hoán cải diễn ra xuyên qua những bước tiệm tiến…Hoán cải đó là một quá trình năng động…từ từ vươn tới cho hội nhập các ân sủng của TC và các đòi hỏi của tình yêu tuyệt đối và chung cục của Người trong suốt chiều dài của cuộc sống cá nhân và xã hội của con người …Chính vì vậy, cần phải có một tiến triển mang tính sư phạm cho phép người ki tô hữu kiên nhẫn vươn tới một hiểu biết tròn đầy hơn huyền nhiệm và một hội nhập trọn vẹn hơn huyền nhiệm đó trong cuộc sống và trong thái cử của họ. » ( Documentation catholique  1981, trang 387-388).

Luật ấy được thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết như sau: Con người “ hiểu biết, yêu mến và thực thi sự thiện luân lí theo những giai đoạn phát triển khác nhau.” Đó không phải là một “sự tiệm tiến của luật”, nhưng là một sự tiệm tiến trong việc thực hiện cách khôn ngoan những hành động tự do nơi những chủ thể không ở điều kiện hiểu biết, đánh giá hoặc thực hành cách đầy đủ các đòi hỏi  khách quan của luật.” (số 295).

Sống đạo là đăng trình lâu dài với những bước đi chập chững tiến về phía trước, đôi khi thụt lùi, rồi lại tiế tục bước tới. Vì thế, cần trân trọng những nỗ lực của con người, ĐTC viết: “ Chúng ta hãy nhớ rằng ‘ một bước nhỏ, giữa những giới hạn của con người, có thể làm đẹp lòng Chúa hơn là một cuộc sống bên ngoài êm ả trôi qua từng ngày mà không phải đối mặt với những thực tại đáng kể nào.” (số 305) Kẻ sính dạy đời không chấp nhận kẻ khác bước những bước tiến nho nhỏ. Nhưng thử hỏi có ông nào đã hoàn thành được một nửa những điều ông ấy đòi hỏi người khác khong.

 Xem ra Tông huấn không khẳng định điều gì mới về mặt giáo huấn, nhưng đổi mới về mặt mục vụ nhờ nhãn quan đầy ắp niềm hy vọng và lòng thương xót. Tông huấn mời gọi một “cuộc hoán cải mục vụ” ( Niềm vui Tin Mừng, số 25) để mọi người thấy được Giáo Hội là người mẹ ôm ấp mọi người con trong kiên nhẫn và nhân hậu.

 

Lm Giuse Nguyễn Văn Lừng

 

 

 

 

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận