Bài 3: Lịch Sử Cứu độ

Đăng lúc: Thứ năm - 25/05/2017 12:57 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

BÀI THỨ BA

CHUẨN BỊ DÂN THIÊN CHÚA

 

Trong bài này, dựa trên sách sáng thế từ chương 12 – 50, chúng ta cùng nhìn vào cách Thiên Chúa chuẩn bị cho việc thiết lập dân của Người qua con người của các tổ phụ, trong đó, Abraham có một địa vị quan trọng.

 

I – KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA

 

“Khi đến giờ đã định, Thiên Chúa gọi Abraham, để qua ông, Ngài tạo lập một dân tộc lớn mạnh, một dân tộc mà sau thời các tổ phụ, Ngài đã dùng Môsê và các tiên tri dạy dỗ, để họ nhận biết Ngài là Thiên Chúa duy nhất, hằng sống và chân thật” (Mặc Khải, 3).

 

Kế hoạch quy tụ đoàn dân tản mác khắp địa cầu thành một dân tộc thờ phượng Ngài trong tinh thần và chân lý được dựa trên sự tuyển chọn nhưng không của Thiên Chúa và lời đáp trả trong tự do của một con người: ABRAHAM. Abraham được mời gọi rời bỏ quê cha đất tổ đến đến một vùng đất Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Hành trang của ông không là gì khác ngoài lòng tin tưởng và cậy trông vào uy tín và lời hứa của Ngài (x. St 12,1-3).

 

II – LỜI HỨA VÀ GIAO ƯỚC.

 

1. Lời hứa

Lệnh lên đường được ngỏ với Abraham kèm theo lời hứa về một đất, một dân tộc, và một lời chúc phúc (x. St 12,1-2.7). Lời hứa này không ngừng được Thiên Chúa lặp lại với một mình Abraham (x. St 13,14-17). Tuy nhiên, Abraham không giấu những lo lắng của ông với Chúa về những rào cản từ phía mình khiến cho lời hứa khó thành hiện thực (x. St 15,1-5). Đáp lại, Thiên Chúa chứng tỏ cho ông thấy Ngài là vị Thiên Chúa trung tín. Ngài đã hứa và Ngài sẽ thực hiện. Abraham tin vào Thiên Chúa, vì thế Thiên Chúa kể ông là người công chính (x. St 15,6).

 

2. Giao ước

Giao ước với Abraham là bảo đảm cho sự tín trung của Thiên Chúa. Trong giao ước thứ nhất, Thiên Chúa lặp lại lời hứa về việc ban cho dòng dõi Anbraham một vùng đất rộng lớn (x. St 15,17-18). Khi Abraham đã 99 tuổi mà vẫn chưa có con nối dõi, Đức Chúa hiện ra và thiết lập giao ước với Abraham. Ngài hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc (x. St 17,1-3). Giờ đây, ông không còn được gọi là Abram nhưng là Abraham (cha của vô số dân tộc). Giao ước này là vĩnh cửu: với Abraham và con cháu của ông ấy, từ thế hệ này qua thế hệ khác (x. St 17,4-8), trong đó, việc cắt bì cho mọi con trai như một dấu chỉ của việc tuân giữ giao ước về phía Abraham và con cháu của ông (x. St 17,9-14).

 

3. Niềm hy vọng bừng sáng

Lời hứa về một dòng dõi được Thiên Chúa lặp lại, trong đó, Ngài khẳng định với Abraham về một người con, không phải là ISMAEL, con của một nô lệ HAGAR, nhưng là ISSAC, người con của chính ông ấy được sinh ra bởi SARA vợ ông mới là đứa con của lời hứa và giao ước (St 17,15-22). ISSAC chào đời, niềm hy vọng bừng lên trong Abraham về một dòng dõi của lời hứa khi ông đã được 100 tuổi.

           

III – THỬ THÁCH VÀ TRUNG TÍN

 

Abraham đã chứng tỏ lòng tin vào Thiên Chúa khi rời bỏ những gì thân quen nhất nơi quê cha đất tổ để lao vào một hành trình vô định “tới vùng đất Chúa sẽ chỉ cho” (x. St 15,1). Ông cũng đã vượt qua những bóng tối của nghi nan vào lời hứa của Thiên Chúa. Giờ đây, khi hy vọng vừa hé lộ, Thiên Chúa lại một lần nữa chứng tỏ niềm tin tuyệt đối của ông vào Ngài qua mệnh lệnh: chính ông sát tế ISSAC, người con duy nhất của ông bà trong lúc tuổi già, đứa con của lời hứa và giao ước trên một ngọn núi Chúa sẽ chỉ cho (x. St 22,1-2). Dầu tan nát con tim, ông vẫn thi hành mệnh lệnh của Chúa (x. St 22,3-10).

 

Chứng giám lòng tin và sự vâng phục của Abraham, Thiên Chúa long trọng lặp lại lời thề hứa trong đó, lời hứa về phúc lành được nhấn mạnh một cách đặc biệt (x. St 22,15-19).

 

IV – HOÀN THÀNH VIỆC CHUẨN BỊ DÂN THIÊN CHÚA

 

Lời hứa về một đất được thực hiện với việc Abraham sở hữu một khu đất riêng tại Khéprôn, xứ Canaan làm nơi chôn cất Sara, vợ của ông (x. St 23,1-20). ISSAC không phải rời đi nơi khác trong cơn đói khổ vì Thiên Chúa ban cho ông một giếng nước, nơi ấy, con cháu của ông sẽ sinh sôi trên đất đó (x. St 26,22). Trong khi Giacop, ông cũng đã mua được một miếng đất ở Sichem. Theo lệnh của Thiên Chúa, ông lên đường tới Bethel, chính nơi đây, Thiên Chúa hứa ban đất này cho ông và dòng dõi ông sau này (x. St 35,1-13).

 

Trong khi lời hứa về một dòng dõi tương lai đông đúc bắt đầu với hôn ước giữa Issac, đứa con của lời hứa và Rêbêca. Cuộc hôn nhân do Thiên Chúa dàn xếp và hai đứa con sinh đôi ESAU và GIACOP là kết quả của việc Thiên Chúa nhậm lời cầu của người Cha (x. St 25,21). Thay vì ESAU, GIACOP được Thiên Chúa tuyển chọn để mang lời hứa đến sự hoàn thành qua việc lặp lại lời hứa với ông trong một giấc mơ về việc ban cho ông một phần đất, một dòng dõi đông đúc, một phúc lành và nhất là, cho dù ông đi đâu, Thiên Chúa sẽ đem ông về đất hứa. Đặc biệt với Giacop, Thiên Chúa lần lượt đoái nhìn đến hai người vợ của ông là LÊA và RAKHEN (x. St 29,31-33; 30,22) và ban cho ông 12 người con làm nền tảng cho dân tộc mà Ngài sẽ tuyển chọn: ISRAEL. GIACOP được Thiên Chúa đổi tên thành ISRAEL.  

 

            Thay cho lời kết: tác giả trong thư gửi tín hữu Do Thái: “Bởi tin, Abraham được kêu gọi đã vâng lời ra đi; bởi tin, Abraham đã hiến dâng Issac. Bởi tin, Issac đã nhắm về tương lai mà chúc lành cho Giacop và Esau. Bởi tin, Giacop sắp chết đã chúc lành cho mỗi người con của của Giuse” (Dt 11,8.17.20.21). Chính với lòng tin vào lời hứa của Thiên Chúa, từ một đôi vợ chồng già son sẻ như Abraham và Sara, qua Issac và Giacop, một gia tộc đã lớn mạnh ngay trên đất ngoại bang khiến dân Ai Cập khiếp sợ. Trong bài tới, chúng ta sẽ nghiên cứu thế nào dân ấy trở thành một dân tộc hùng mạnh trong ý định và sự can thiệp của chính Chúa.

 

Lm Augustinô Nguyễn Đức lợi

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận