Thập Giá Cuộc Đời

Đăng lúc: Thứ tư - 29/03/2017 20:13 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

THẬP GIÁ CUỘC ĐỜI

 

Đã là con người, ai cũng từng trải qua những đau khổ. Người thì phải gánh chịu những căn bệnh hiểm nghèo. Người thì phải chứng kiến người thân yêu của mình ra đi một cách đau đớn và đột ngột. Người thì luôn phải sống trong cảnh túng thiếu đủ điều. Người thì suốt ngày bị người chồng vũ phu đánh đập… Mỗi người mỗi cảnh và chúng ta thường gọi những đau khổ hay bất công đó là những “thập giá cuộc đời.” Chúa Giê-su đã nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta” (Mt 8,34). Vậy có phải chăng những “thập giá” này là do Chúa gửi tới cho mỗi người? Có lẽ rất nhiều người tin như vậy. Nhưng nếu đó là sự thật thì Lòng Thương Xót và Tình Yêu Chúa dành cho con người ở đâu? Yêu mà sao lại cho nhau đau khổ và thập giá? Điều này đưa đến một câu hỏi muôn thuở của loài người: Tại sao lại có đau khổ và sự dữ? Tại sao Thiên Chúa toàn năng mà lại để sự dữ tồn tại? Thật khó có thể đưa ra một câu trả lời xác đáng cho những câu hỏi này. Tuy nhiên, nếu như suy xét thật kỹ tại sao có đau khổ và thập giá trong cuộc đời, ta sẽ thấy rằng Thiên Chúa không có lỗi nhưng do sự lựa chọn sai của con người mang lại đau khổ cho chính họ và cho tha nhân.  

 

Nguồn gốc của sự dữ:

          Theo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 310, “Xét theo quyền năng vô biên Thiên Chúa vẫn có thể tạo dựng [một thế giới thật hoàn hảo] ( x. T. Tô-ma A-qui-nô tổng luận. 1,25,6). Nhưng trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Người, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong "tiến trình" hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chƣa đạt đƣợc sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý ( x. T. Tô- ma A-qui-nô, s.gent 3.71).” Thêm vào đó, vì yêu thương một cách tuyệt đối, Thiên Chúa để cho con người tự do chọn lựa mọi sự bằng khả năng của lý trí và ý chí mà Ngài đã ban cho con người. Nhưng vì sự bất toàn, con người thường chọn sai. Chính vì thế, nguồn gốc của sự dữ đến từ những chọn lựa sai ấy của con người. Chúng ta có thể thấy được điều này qua dụ ngôn Người Con Hoang Đàng. Thiên Chúa yêu con người cách tuyệt đối như người cha trong dụ ngôn, Thiên Chúa đã ban cho con người quyền tự do chọn lựa giữa cuộc đời. Trong dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, chúng ta có thể thấy rằng người cha thừa biết tính tình của đứa con thứ. Ông thừa biết cậu ấy sẽ chẳng làm được gì với khối tài sản được chia. Và có thể ông cũng đoán được kết cục của cậu ấy sau khi tiêu tan hết đống tài sản.  Một cách chắc chắn, có thể ông cũng đưa ra những lời khuyên cho cậu ấy trên cương vị một người cha. Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn tôn trọng tự do của người con mình, không buộc cậu ấy làm theo ý mình. Về phía người con thứ, có thể cậu ấy cũng biết được khả năng của mình đến đâu, và có thể cậu cũng biết rằng cậu sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi rời khỏi nhà và cũng tiên đoán được nguy cơ “sạch túi” sau này của mình. Thế nhưng cậu vẫn chọn lựa ra đi với số tiền được trao và sau này phải trả giá cho chọn lựa ấy. Cậu đã thiếu chín chắn trong quyết định của mình và đã lạm dụng tự do của mình để làm theo những gì cậu muốn.

Trong cuộc sống thường ngày, con người cũng phải đối mặt với biết bao chọn lựa dù lớn hay nhỏ, và những chọn lựa ấy có thể mang đến hạnh phúc cũng như đau khổ cho con người. Lựa chọn đúng cho ta niềm vui và sự thành công. Lựa chọn sai tạo nên những khó khăn, nhưng chúng thường để lại cho ta những bài học kinh nghiệm cho lần chọn lựa sau. Đứng trước những chọn lựa, chúng ta luôn luôn dùng lý trí Chúa ban giúp ta suy xét nên làm hay không. Chúng ta còn có lương tâm như lời thì thầm của Chúa để nhắc nhở chúng ta phải chọn thế nào cho đúng. Chọn lựa sai thường là do chúng ta suy xét chưa kĩ hoặc do chúng ta ơ hờ với lời nhắn nhủ của lương tâm để chiều theo “mong muốn” của mình, giống như người con thứ trong dụ ngôn. Tóm lại, bởi vì sự bất toàn trong nhân tính và sự lạm dụng tự do nên chúng ta dễ chọn lựa sai, chúng ta gặp nhiều khó khăn để phân định một cách tuyệt đối rõ ràng sự “đúng sai” và “nên hay không nên” trong cuộc sống hằng ngày. Và những chọn lựa sai đó nhiều lúc tạo nên những khó khăn hay thậm chí khổ đau không chỉ cho chính mình mà còn ảnh hưởng đến tha nhân.

 

Nhìn từ Thánh Kinh:

Nhìn lại dòng lịch sử, có thể thấy rõ những chọn lựa sai của cha ông chúng ta. Trong câu chuyện của Adam và Eva, mặc dù đã được căn dặn và cảnh báo về trái cấm, nhưng vì một phút chiều theo tham vọng của mình, bà Eva đã ăn trái cấm theo lời dụ dỗ đường mật của con rắn, và kéo theo Adam phạm tội. Từ đó con người mất đi sự thánh thiện nguyên thủy mà Thiên Chúa đã ban, và từ đó con người trở nên yếu đuối hơn và dễ dàng hướng mình theo đàng tội. Đặc biệt, kể từ đó con người đã đánh mất đi mối tương quan đích thực với Chúa, với các thụ tạo và với chính mình. Đó chính là hậu quả của tội nguyên tổ. Trong câu chuyện của Cain và Abel, có thể vì chọn sai khi dâng lên Chúa những của lễ không tốt bằng Abel, Ca-in đã không được Thiên Chúa chấp nhận của lễ:  "Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt?7 Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không?” (St 4,6). Và chính sự chọn lựa sai đó dấy lên trong anh lòng ganh ghét và giết em mình. Trong câu chuyện của Giu-đa, vì không lắng nghe để thấu hiểu những lời Chúa Giê-su đã tiên báo về cái chết của Người, ông cho rằng quân lính sẽ không làm được gì Chúa Giê-su vì Ngài quyền phép, nếu vậy thì ông sẽ được 30 quan tiền và Chúa Giê-su sẽ dùng quyền phép của Người mà tự cứu chính mình. Nhưng điều đó không xảy ra như những gì ông nghĩ. Chính vì sự lựa chọn sai lầm này nên ông trở thành “kẻ bán Chúa”.

 

Nhìn từ cuộc sống đời thường:

Nhìn vào những câu chuyện đời thường, chúng ta cũng nhận ra những ví dụ tương tự về chọn lựa sai lầm của con người gây nên hậu quả cho chính mình cũng như cho người khác. Trong trường hợp một người bị bệnh ung thư, nếu suy xét cho rõ ngọn nguồn thì nguyên nhân có thể do mình hoặc do người khác. Do mình, chẳng hạn nhiều người biết rõ hút thuốc hoặc uống rượu bia quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Thế nhưng họ vẫn không chịu từ bỏ để rồi kết cục là mắc bệnh ung thư. Do người khác, chẳng hạn những người dân sống trong vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, nhưng hằng ngày họ phải sinh hoạt bằng nguồn nước đó vì không có sự lựa chọn nào khác, lâu ngày thì nhiều người trong làng mắc bệnh, và đó là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trước sự sống còn của người dân. Trong trường hợp tai nạn giao thông, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ hai phía, do mình hoặc do người khác lái xe không cận thận hoặc lái xe lúc đang say xỉn, hay tại vì những khúc đường quá nguy hiểm mà chưa được nâng cấp sửa chữa. Trong trường hợp kinh doanh, có thể do mình chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc không cẩn thận, hoặc quá liều lĩnh trước những dự án quan trọng; cũng có thể do đối phương chơi trò lừa gạt hoặc vi phạm hợp đồng. Thật vậy, thiên tai xảy ra cũng do con người hủy hoại môi trường: phá rừng, chất thải công nghiệp và sinh hoạt, sử dụng hóa chất quá mức quy định trong canh tác trồng trọt,...

Đôi nét như thế để thấy rằng những khó khăn trong cuộc sống này là do sự lựa chọn sai của con người, những chọn lựa thiếu vắng tình yêu với Chúa, với tha nhân, thụ tạo và với chính mình. Thế mà nhiều lúc chúng ta, vô tình hay cố ý, đỗ lỗi cho Thiên Chúa là tác giả của những đau khổ đó và oán trách Người. Và quy chiếu tất cả những đau khổ đó thành “thập giá cuộc đời” mà Chúa ban cho mỗi người nếu như họ muốn làm môn đệ của Người. Thật vậy, chính Chúa Giê-su đã nói: “Ai muốn theo Ta, từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mc 8,34). Nhưng nếu tất cả mọi khó khăn đau khổ trong cuộc sống là thập giá Chúa trao thì lòng nhân từ của Chúa ở đâu? Chúa có phải là Đấng Giàu Lòng Thương Xót mà chúng ta hằng tuyên xưng không? Có thể chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa “thập giá cuộc đời”.

 

 

“Thập Giá” và Lời Chúa Giê-su:

Chúa không phải là tác giả của đau khổ, chính những chọn lựa sai của chúng ta tạo nên đau khổ. Do đó, chính con người tạo nên thập giá chứ không phải Thiên Chúa. Nhưng tại sao Chúa mời gọi chúng ta vác “thập giá” mà theo Chúa? Thập giá đích thực mà Chúa trao là gì? Trước hết, vì sự bất toàn nơi con người, chúng ta không thể tránh khỏi những lần chọn sai gây nên những khó khăn hay đau khổ. Do đó, thay vì oán trách hay gục ngã trước những đau khổ ấy, Chúa mời gọi chúng ta hãy vác lấy những đau khổ ấy trên vai và bước theo Chúa, bước theo con đường thập tự mà Chúa đã đi qua và đã chiến thắng, vì Chúa luôn luôn ở bên và nâng đỡ ta nếu như ta có lòng tin tưởng phó thác. Quay lại với dụ ngôn Người Con Hoang Đàng, khi người con thứ hối hận quay về với cha mình, thì người cha đã thấy cậu từ đằng xa. Điều này cho thấy rằng mặc dù để cậu con trai ra đi với những gì cậu muốn, và tiên đoán được cậu sẽ thất bại, nhưng ông vẫn hằng ngày chờ đợi cậu quay về thay vì “mặc kệ nó”. Và ông còn vui mừng biết bao khi cậu ấy chịu quay về mà không cần nghe bất cứ một lời giải thích nào. Chúa cũng thế, đôi khi chúng ta cũng muốn rời khỏi nhà như người con thứ vì một phút nông nổi chọn sai, nhưng Chúa vẫn luôn luôn đợi chờ một ngày chúng ta quay về và Ngài sẽ ôm chúng ta vào lòng như người cha nhân hậu trong dụ ngôn. Chúa là thế, Ngài không bao giờ bỏ chúng ta, Ngài không bao giờ trách chúng ta vì những lần bỏ quên Chúa để chọn lựa một điều sai, Ngài sẵn sàng tha thứ. Nhưng quan trọng là chúng ta có can đảm đứng lên quay về sau những lựa chọn sai lầm hay không, đứng lên để chọn lại. Vác thập giá theo Chúa là thế đó. Và hai từ “thập giá”sẽ nhẹ nhàng hơn nếu như chúng ta tin rằng Chúa ở cùng, đi cùng và thậm chí vác cùng chúng ta. Tất cả các thánh đã kinh nghiệm điều này. Và chúng ta cũng sẽ tìm thấy được những anh chị em xung quanh chúng ta đã và đang sống theo lý tưởng này. Sống bằng một niềm tín thác tuyết đối vào Chúa.

Thêm nữa, thập giá mà Chúa Giê-su muốn nói đến đó là những hi sinh của chúng ta khi trở thành môn đệ của Chúa. Quả thế, thay vì có thêm được một hai tiếng đồng hồ cuối tuần để nghỉ ngơi, vui chơi thì người môn đệ của Chúa lại phải đến nhà thờ để dâng lễ. Thay vì tự do phóng khoáng trong quan hệ nam nữ theo thói đời thì điều răn thứ sáu đòi hỏi người môn đệ phải giữ gìn tình yêu ấy thật trong sáng và lành mạnh. Thay vì được quyền li dị và tìm một tình yêu khác một cách dễ dàng nếu thấy bất đồng với người bạn đời, thì người môn đệ được mời gọi sống chung thủy và cố gắng gìn giữ hạnh phúc đến cùng. Thay vì thoải mái ghen ghét người khác nếu như họ làm hại mình thì người môn đệ phải biết yêu thương cả đến kẻ thù. Thay vì chỉ cần lo cho con cái đầy đủ về vật chất thì người môn đệ còn có một trọng trách quan trọng hơn là bồi dưỡng đời sống tâm linh cho con cái, việc này đòi hỏi nhiều hy sinh hơn nữa. Tóm lại, thay vì tự do làm những gì mình thích bất kể tốt hay xấu thì người môn đệ theo Chúa được mời gọi tuân giữ luật Chúa và Hội Thánh dạy. Đây chính là “thập giá” mà Chúa Giê-su muốn chúng ta vác trên bước đường nên Thánh. Và Chúa Giê-su đã bảo đảm với chúng ta rằng “Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29). Phần thưởng lớn nhất cho những hi sinh từ bỏ này là Nước Trời, còn phần thưởng lớn nhất ngay tại đời này chính là sự bình an nội tâm. Quả vậy, nếu trở thành một người môn đệ đích thực bước theo Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận sự hiện diện của Chúa trong từng giây phút cuộc đời vì Người đang bước cùng ta trên con đường “thập giá”. Và điều này cho ta sự bình an nội tâm, sự bình an trong Chúa. Như các tông đồ ngày xưa cũng như các vị thánh qua các thời đại, vì luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời,  các ngài đã can đảm sống chứng nhân cho đức tin đến cùng, thậm chí chấp nhận chết vì đức tin. Và phần thưởng các ngài nhận được đó chính là hạnh phúc Thiên Đàng.

 

Tóm Kết:

 

Thiên Chúa không bao giờ là tác giả của đau khổ hay “thập giá cuộc đời”. Chính những sự lựa chọn sai của con người, sự lựa chọn mà thiếu vắng đi tình yêu với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình, tạo nên những thập giá đó. Và vì sự bất toàn và lạm dụng tự do của mình nên con người không thể tránh khỏi những lần chọn sai gây nên đau khổ cho mình cũng như cho người khác. Và như thế, đau khổ trở thành một phần của kiếp người, và Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta hãy đón nhận những đau khổ ấy với một niềm tín thác vào Đấng đã từng gánh chịu biết bao đau khổ từ khi sinh ra cho đến khi rời bỏ cõi đời. Hãy tin rằng Chúa không để chúng ta vác thập giá một mình, Ngài luôn đồng hành và ban ơn trợ giúp ta, quan trọng là ta có mở lòng mình để nhận ra Ngài hay không. “Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết của nó”, hãy bình tĩnh, kiên trì, tín thác và biết chấp nhận trong mọi hoàn cảnh để tìm thấy Chúa trong chính những thập giá của cuộc đời. Đặc biệt, khi đứng trước những quyết định quan trọng của cuộc đời, như lựa chọn ơn gọi và bậc sống chẳng hạn, chúng ta nên suy xét thật kĩ càng. Không nên tự mình quyết định nhưng hãy bàn hỏi với những người khôn ngoan, đặc biệt là tìm Thánh Ý Chúa trong cầu nguyện. Hãy lắng nghe một cách thật sự những lời ấy. Có thế chúng ta mới hạn chế được phần nào những chọn lựa sai giữa cuộc đời. Hãy tin rằng Chúa luôn ở cùng ta, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ về những lựa chọn quyết định trong đời sống: CÓ ĐỨC TIN, CHÚA SẼ KHÔNG BỎ RƠI BẠN.”

 

Nguyễn Hoài Huy

 

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 37 trong 10 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận