Về cõi vĩnh hằng

Đăng lúc: Thứ bảy - 02/05/2015 01:39 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
Về cõi vĩnh hằng
 
Lm. Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
2009
 

 

Lời Ngỏ
Chương I: Tuổi Thọ Là Hồng Ân
Chương II: Tuổi thọ là hồng ân vì không phải ai cũng may mắn được
 Chương III: Tuổi thọ là hồng ân vì là thời kỳ thuận lợi  nhất để đạt mức trưởng thành sau cùng của đời người  là khôn ngoan
Chương IV: Tuổi thọ là hồng ân vì được ơn khôn ngoan để cảm tạ Thiên Chúa và phục vụ giáo hội cũng như xã hội
Chương V:Tuổi thọ là hồng ân vì là thời gian tốt nhất để sống mầu nhiệm Vượt qua, chuẩn bị vào cõi vĩnh hằng
Chương VI: Người cao tuổi làm gì để cộng tác với hồng ân Chúa ban
Chương VII: Chúng ta có thể làm gì cho người cao tuổi ?
Lời Cuối
Kinh cầu nguyện Thánh Giuse, Đấng Bảo Trợ những người đang hấp hối
Kinh cầu nguyện Thánh Giuse, Đấng Bảo Trợ được ơn chết lành

 

Lời Ngỏ

 

 
 Giáng sinh năm 2007 tôi nhận được một món quà rất đặc biệt. Đặc biệt thứ nhất vì là một cuốn sách tiếng Pháp, dày 160 trang, nói về “tuổi già ”, được gửi từ Pháp theo đường bưu chính, do cha François Bouyer thuộc Hội linh mục Xuân Bích Pháp, ngài là cha linh hướng của tôi từ ngày tôi vào Đại chủng viện Xuân Bích năm 1954. Đặc biệt thứ hai là Cha F. Bouyer đang phụ trách Nhà hưu dưỡng của các linh mục Xuân Bích, ngài hạng tuổi 81 còn tôi tuổi 73, cả hai đều quá tuổi“xưa nay hiếm ”. Chúng tôi vẫn thư từ liên lạc với nhau từ khi tôi làm linh mục năm 1961 cho đến sau năm 1975. Tới 1999 tôi lại liên lạc được với ngài tại Pháp, và xin ngài tiếp tục giúp tôi “đào tạo trường kỳ”; ngài đã hoan hỉ chấp nhận bằng cách trao đổi thư từ và gởi cho tôi những bài báo hoặc sách báo “hay” về các vấn đề tu đức, mục vụ ... Cuốn sách ngài tặng tôi, có tác giả là Cha Henri Bissonnier, có đầu đề là “La Vie devant nous” tạm dịch theo nghĩa là “Cuộc sống vĩnh hằng trước mắt chúng ta ”, do Nhà Médiaspaul phát hành dịp lễ Phục sinh năm 2007. Sách tới tay tôi vào lễ Giáng sinh 2007.
 
Cuốn sách được Đức Hồng y Jean Marie Lustiger, tổng giám mục Paris, đề tựa và giới thiệu như là “một sách ‘hay’, dành cho tuổi già, có phong cách thực tế và thực dụng. Mỗi người có thể gặp thấy mình trong đó và hơn nữa còn nhận ra mình trong những trang viết vừa đơn giản vừa nói thẳng nói thật, mà ai đọc chắc có thể rút ra được nhiều kết luận hữu ích” (x. Sách La Vie , trang 7). Còn về tác giả thì bà Marie Hélène Mathieu là sinh viên đã học với cha Bissonnier nhiều năm, được cha mời cộng tác để nối tiếp cha hoạt động cho người khuyết tật, bà cho biết tiểu sử vắn tắt của cha: Cha sinh tại Paris năm 1911, phần lớn tuổi trẻ và thanh niên cha phải sống trong viện lao. Chịu chức linh mục năm 1935, được Đức Hồng Y Verdier cử làm tuyên úy các viện điều dưỡng. Năm 1945 làm giáo sư trường giáo dục chuyên biệt. Năm 1953 tham gia tổ chức quốc tế về người khuyết tật, có dịp đi khắp nơi như Việt Nam, Xênêgal, Canada, Tân tây lan, Stốc hôm, Vênêduêla … Cha đã viết gần 20 cuốn sách, hàng trăm bài báo. Cuốn sách trên là tác phẩm cuối cùng. Cha sống 16 năm cuối đời tại Nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận, và tới tuổi 92 cha về chầu Chúa.
 
Lời giới thiệu của Đức Hồng y Lustiger và tiểu sử của tác giả làm cho cuốn sách hiếm có về tuổi già trở nên hấp dẫn đối với tôi, dù nay tôi đã quá tuổi cổ lai hy, nhưng muộn còn hơn không. Tôi đã dành thời giờ nghiền ngẫm và thấy cuốn sách đầy tính hiện thực lại thấm nhuần đức tin sâu sắc. Tác giả vừa không nhằm lên lớp ai, vừa chỉ muốn cống hiến những gợi ý, những trải nghiệm rất đơn giản, rất chân thành, rất tinh tế, với chủ đích nêu bật tuổi thọ có ý nghĩa và giá trị đặc biệt vì là hồng ân Thiên Chúa ban, vì là thời sống trong “phòng đợi” để vào cuộc sống vĩnh hằng, chứ không phải thời nằm chờ chết, đầy thương đau sầu thảm. Do đó ngài chọn đầu đề cuốn sách là“Cuộc sống vĩnh hằng trước mắt chúng ta ”. Đồng thời tác giả còn có thiện chí giúp người cao tuổi được “chết hao mòn hữu ích hơn là chết như gỉ sét vô dụng” (Mieux vaut mourir usé que rouillé). Tôi rất tâm đắc và nghĩ ngay đến nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân thân quen của tôi, tuổi đã tới hạng  60 trở lên, nếu họ biết được những gợi ý và trải nghiệm quý báu này chắc sẽ rất hài lòng để sống tuổi thọ. Vì thế, tôi không muốn chuyển dịch, nhưng thu thập, chọn lựa, và lấy hứng từ đó để còn có thể kết hợp với các tài liệu khác, đồng thời cũng góp thêm chút kinh nghiệm của mình hầu chia sẻ lại cho mọi người cao tuổi cũng như những ai có trách nhiệm lo cho người cao tuổi. Những chia sẻ này chỉ muốn giúp cho người cao tuổi và những ai chăm sóc họ luôn nhất trí với nhau làm cho tuổi thọ vừa thực sự là hồng ân Chúa ban, vừa trở thành thời gian thuận lợi để người cao tuổi chuẩn bị từ biệt cõi đời này mà về cõi vĩnh hằng. Do đó mà tôi chọn đầu đề sách này là:“Về cõi vĩnh hằng”.
 
 Sau hết cuốn sách nhỏ này sẽ ra đời trong Năm Thánh linh mục thế giới, kỷ niệm 150 năm Thánh Vianney cha sở xứ Ars qua đời, và Năm thánh 2010 của giáo hội Việt Nam, tôi muốn góp ý với các Kitô hữu cao tuổi, mà trước tiên là các linh mục và tu sĩ cao tuổi, có dịp học hỏi về giáo hội mầu nhiệm, giáo hội hiệp thông, giáo hội truyền giáo, cố gắng làm thế nào để hai thế hệ cao tuổi và thế hệ trẻ có tình liên đới với nhau. Đây là điều mà 2 tài liệu của Tòa thánh về người cao tuổi (1999) và cả sách của cha Bissonnier đều hết sức mong muốn là thực hiện được 3 điều: thứ nhất là hai thế hệ chủ động xây dựng tình liên đới với nhau, vì “không ai là một hòn đảo” (thi sĩ John Donne); thứ hai là ngăn chặn và gạt bỏ mọi thái độ dửng dưng, cách biệt đối với nhau; thứ ba là cộng tác với nhau phục vụ giáo hội và xã hội. Bởi vì, một người không phải Kitô hữu là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn nghĩ rằng: “Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ. Hãy nói rằng: Tôi với em là 2 kẻ đồng hành trong cuộc đời này … Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi người đều là bạn của nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu … Có những thứ tôn ti trật tự cần giữ gìn, nhưng cũng có những tôn ti cần xóa bỏ. Xóa bỏ để cuộc đời trở nên thân ái hơn”(xem trong sách này, trang 15). Còn Kitô hữu nghĩ sao? Có thể bắt đầu trong Năm Thánh này không?
 
 
 
Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
                          
Cựu sinh viên Xuân Bích

 

 

 

 

 

 

 Chương I: Tuổi Thọ Là Hồng Ân

 

 
 
Bước vào hạng tuổi 75 tôi đã tham dự rất nhiều lễ phong chức và mở tay của giám mục, linh mục; nhiều lễ khấn dòng; nhiều lễ kim khánh, ngân khánh của giám mục, linh mục, tu sĩ, các đôi hôn phối; nhiều lễ khánh thành Nhà thờ, Tu viện ... Ngoài ra còn các lễ mừng Lục tuần, Thất tuần, Bát tuần … Nếu có xếp các thứ thiệp mời cũng phải dài hơn hai thước; còn các bài giảng, bài chúc mừng cũng phải tới hàng ngàn. Có một điều đáng chú ý là không có thiệp mời nào, bài giảng nào, hay bài chúc mừng nào mà không nói tới hồng ân Thiên Chúa, không nói tới “tất cả là hồng ân ”.
 
Tất cả là hồng ân ” là câu kết luận của thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu sau khi nhìn lại mọi sự việc xảy đến trong cuộc đời thánh nữ. Cuộc đời ấy như sau: là một bé gái út trong gia đình chín anh chị em: hai trai (chết sớm), bảy gái thì năm vào tu trong Dòng kín - chưa đầy bốn tuổi đã mồ côi mẹ - mới lên tuổi 15 đã dám xin miễn tuổi để vào Dòng kín, đáng lẽ phải 21 tuổi, nhưng đã được nhận. Tới tuổi 23 bị ho lao thổ huyết không chữa được và mới 24 xuân xanh đã phải lìa đời. Cuộc đời thánh nữ là như thế đó, một thiếu nữ mới tuổi trăng tròn đã dám hiến thân cho Thiên Chúa để thờ phượng yêu mến Ngài và cứu rỗi các linh hồn. Người không có đức tin có thể nghĩ rằng sao Thiên Chúa tàn nhẫn thế, nhưng thánh nữ với con mắt đức tin và lòng yêu mến Thiên Chúa thì lại thấy “Tất cả là hồng ân ”. Hồng ân nghĩa là ơn lớn. Thiên Chúa ban ơn cho làm giám mục, làm linh mục, thay mặt Thiên Chúa để phục vụ Dân Chúa, quả thật là ơn lớn. Thánh nữ Têrêxa được khấn dòng để làm tu sĩ cũng là ơn lớn, nhưng lại mắc bệnh ho lao thổ huyết và phải lìa đời đang độ xuân xanh thì ơn lớn ở chỗ nào? Nói “tất cả là hồng ân” nghĩa là nói sinh lão bệnh tử, bốn cái mà người ta vẫn coi là bốn cái khổ ở đời, thế mà đều là hồng ân cả, như vậy là hồng ân ở chỗ nào? Còn tuổi thọ nữa, ta ăn mừng lục tuần, thất tuần, bát tuần, ăn mừng thọ là ăn mừng được sống lâu, nhưng sống lâu rồi cũng đến lúc xế chiều, bệnh tật, yếu mệt, lão hóa và kết thúc bằng cái chết. Vậy hưởng thọ mà mắt mờ, tai lãng, liệt giường, chờ chết ... thì tuổi thọ là hồng ân ở chỗ nào? Đây là những câu hỏi rất lý thú, nhất là cho người cao tuổi, để tìm hiểu xem tại sao lại được sống tới tuổi thọ, và được sống tới tuổi thọ để làm gì, phải chăng chỉ để chờ chết là hết. Những câu hỏi này cũng đã có những người được sống tới tuổi già suy nghĩ và tìm ra câu trả lời. Bên Á đông chúng ta có Đức Khổng Tử, chúng ta xem câu trả lời của ngài.
 
 Đức Khổng tử sinh sống bên Trung Hoa từ năm 551-479 trước Chúa Kitô. Là nhà văn, nhà triết học, nhà đạo đức học về gia đình và xã hội. Ngài đã trải qua bao nhiêu vinh nhục, thăng trầm, mãi đến khi về già, nhờ sự khôn ngoan từng trải, ngài đã có những nhận định rất đúng và rất hay về mỗi độ tuổi của đời người. Ngài đã được tặng danh hiệu là “Thầy của một vạn đời” (Vạn thế sư biểu). Ngài đã nói rằng:
Ngô thập hữu ngũ nhi chí ư học: tôi mười lăm tuổi , để chí vào việc học, quyết tâm theo đuổi sự khôn ngoan.
Tam thập nhi lập: ba mươi tuổi biết tự lập, đạt được sự quân bình.
Tứ thập nhi bất hoặc: bốn mươi tuổi chẳng còn nghi hoặc, thoát khỏi mọi lo âu.
 
Ngũ thập nhi tri thiên mệnh: năm mươi tuổi biết mệnh Trời, biết được ý Trời.
Lục thập nhi nhĩ thuận: sáu mươi tuổi nghe gì hiểu ngay, thuận phục ý Trời trọn vẹn.
Thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ: bảy mươi tuổi theo ý muốn của lòng mình mà không vượt qua khuôn phép, chiều theo ý muốn của lòng mình mà vẫn ở trong giới hạn của sự thiện. (Sách Luận ngữ 2,4).
Đức Khổng Tử không bàn đến sinh lão bệnh tử, vì đối với ngài bốn cái đó đều là mệnh Trời, là ý Trời, nhưng ngài thấy khi tới tuổi 50 ngài biết được ý Trời, tới tuổi 60 ngài thuận phục ý Trời, tới tuổi 70 ngài có thể chiều theo ý muốn của lòng mình nhưng không vượt qua khuôn phép là ý Trời. Đó là đạo Tri Hành (biết và làm) mà ngài đã trải nghiệm được và muốn dạy người cao tuổi tìm biết ý Trời và thuận theo ý Trời trong mọi sự: sống, chết, thành công, thất bại … để làm cho tuổi thọ có ý nghĩa và giá trị, vì có biết mệnh Trời mới có thể trở thành hiền nhân quân tử giúp ích cho đời. Đạo Tri Hành của Đức Khổng Tử không xa với lối sống mà Chúa Kitô đã sống nêu gương và dạy cho các môn đệ Ngài, đó là luôn làm theo ý Cha trên trời, luôn vâng phục ý Thiên Chúa (x Ga 4,34; Dt 5,9). Biết sống thuận theo mệnh Trời đó là cảm nghiệm của Đức Khổng Tử, ngài chưa biết gì về Chúa Kitô, nhưng cảm nghiệm của ngài là do hồng ân Chúa ban.
 
Tôi cũng có dịp đọc hai cuốn sách mỏng nói về tuổi  già của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc , phát hành nhân dịp Năm quốc tế người cao tuổi (1999), đó là cuốn “Già ơi, chào bạn” (1999), Nhà xuất bản Trẻ; và cuốn “Gió heo may đã về” (2000), Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh. Đọc có ý xem người đời nghĩ gì về tuổi già. Trong cuốn “Già ơi, chào bạn” bác sĩ cho rằng già là giai đoạn tất yếu … là chuyện đương nhiên … già là điều phổ quát … già thường đi đôi với bệnh hoạn … với tiến trình lão hóa … Ông đã viết sách cho tuổi mới lớn, sách cho các bà mẹ sinh con đầu lòng; và trong sách viết cho tuổi già, ông chia sẻ cho biết những khó khăn về sinh lý, về tính dục, về tâm lý, về xã hội … khi chớm già, và góp ý cho người cao tuổi biết thích nghi, điều chỉnh, “sống chung với lũ ”, để sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc. Trong cuốn “Gió heo may đã về” nói về tuổi chớm già còn có bài viết thêm của Trịnh Công Sơn, có đầu đề là “Áo xưa dù nhàu ”. “Áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” là lời trong bài hát Hạ Trắng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ có một ý nghĩ rất riêng là “Tóc trắng tóc xanh đáo cùng cũng chỉ là một màu hư vô mây nước trong trời đất mà thôi ”. Vì thế nhạc sĩ viết: “Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ. Hãy nói rằng: tôi với em là hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này. Sống trong cùng thời đại tôi nghĩ rằng, không có già không có trẻ ”. Do đó, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt ”, dựng lên những ngăn cách không cần thiết giữa già và trẻ là không nhân ái, hãy xóa bỏ những ngăn cách để cuộc đời trở nên thân ái hơn. Nhạc sĩ có giấc mơ riêng của mình là: “Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi người đều là bạn của nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thêm thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu ”. Nhạc sĩ có bài viết thêm không phải là thêm chuyện về tuổi già mà bác sĩ Ngọc đang bàn tới trong sách, nhưng thêm về cái cốt lõi nhất của cuộc đời, đó là “tấm lòng” của người già và người trẻ, thêm về cái tình bạn và tình liên đới mà hai thế hệ già và trẻ phải vun đắp cho nhau để cuộc đời luôn là Mùa Xuân bất tận (x, Gió heo may đã về , trang 121-122). Tình liên đới giữa các thế hệ là điều mà các tài liệu của Tòa thánh, nối tiếp sau đây có đề cập đến. Ở đây đạo và đời gặp nhau trong khát vọng làm cho thế hệ già không ngăn cách với thế hệ trẻ nhưng liên đới với nhau để tuổi già thực sự trở nên hồng ân.
 
Trong Năm quốc tế người cao tuổi, Giáo Hội đã có hai tài liệu : một của Hội đồng giáo hoàng về giáo dân nói về “Phẩm giá và sứ mệnh của người cao tuổi trong Giáo Hội và thế giới” (1988); và tài liệu kia là “Thư của Đức Gioan Phaolô 2 gởi người cao tuổi” (1999). Cả hai tài liệu đều có nhận định chung là trước đây tuổi thọ con người rất thấp, số người cao tuổi không nhiều, và xã hội thường coi họ là hạng già yếu, bệnh tật, sống bên lề xã hội, vô dụng, chỉ chờ chết … Gần đây, nhờ các tiến bộ về y tế và khoa học giúp cho tuổi thọ được kéo dài hơn, và số người cao tuổi chiếm tỷ lệ cao hơn, cần phải dẹp bỏ thành kiến cũ, và quan tâm giúp người cao tuổi hội nhập vào xã hội, để họ trở nên những tác nhân cho công cuộc phát triển trong giáo hội cũng như trong xã hội. Vì thế, cả hai tài liệu đều muốn mọi người phải theo ánh sáng đức tin và dựa vào Sách Thánh để nhận ra rằng tuổi thọ có ý nghĩa và giá trị đặc biệt theo ý định của Thiên Chúa tình yêu, tuổi thọ là hồng ân, là sứ mệnh Thiên Chúa trao ban để người cao tuổi mưu ích cho giáo hội và xã hội. Hai tài liệu còn nối kết tuổi thọ với giai đoạn cuối cùng của đời người là tiến trình lão hóa dẫn đến cái chết, chính cái chết cũng có ý nghĩa và giá trị của nó như tuổi thọ. Nắm được ý nghĩa cũng như giá trị của tuổi thọ và cái chết, hai tài liệu của Tòa thánh đưa ra những định hướng cho vấn đề mục vụ đối với người cao tuổi.
 
Ngoài ra, mười năm trước đây còn có cuốn “Chỉ dẫn tổng quát về Huấn giáo” của Bộ Giáo sĩ (1997), trong phần Huấn giáo theo lứa tuổi, có đề cập đến vấn đề huấn giáo cho người cao tuổi.“Chỉ dẫn” đó coi tuổi thọ là hồng ân Thiên Chúa ban cho giáo hội và xã hội, và dạy rằng phải soạn Huấn giáo riêng cho người cao tuổi để họ hiểu biết ý nghĩa và giá trị của chặng sau chót trong cuộc lữ hành ở trần gian, để sống thời gian này cho tốt đẹp.
 
 Tóm lại , “tất cả là hồng ân ”, đó là niềm tin và hi vọng của mọi Kitô hữu khi lữ hành trên trần gian. Niềm tin và hi vọng dựa vào tình yêu và quyền năng của Chúa Kitô, Đấng đã trải qua cuộc đời trần thế với sinh lão bệnh tử, với những thành công và thất bại, với vinh nhục và sướng khổ … để đạt tới cuộc sống sung mãn hạnh phúc vĩnh hằng. Tất cả là hồng ân vì Thiên Chúa có ý định như vậy cho mọi người. Được làm giáo hoàng, làm hồng y, làm giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân với những thành tích nổi tiếng cũng như những thiếu sót yếu đuối, rồi được sống tới tuổi thọ, được bước vào tiến trình lão hóa, bệnh tật, và kết thúc bằng cái chết … Tất cả là hồng ân. Tất cả nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Quan phòng có nghĩa là Ngài tạo dựng, sắp xếp mọi sự không được hoàn chỉnh ngay từ đầu nhưng hãy còn ở trong tình trạng phải biến hóa và tiến hóa dần dần cho tới mức hoàn chỉnh toàn vẹn sau cùng; do đó mà có các sự dữ, sự ác, sự xấu, cả về thể lý lẫn luân lý có thể xảy ra trong quá trình đang biến hóa đó. Thiên Chúa lại còn có thể từ những sự dữ, sự xấu, sự ác đó mà rút ra những sự tốt sự lành. Chính Thiên Chúa có thể “làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người ”. (Rm 8,28). Tuổi thọ là hồng ân là như thế đó. Vậy ta sẽ dựa vào các tài liệu của giáo hội để tìm hiểu xem tuổi thọ là hồng ân ở chỗ nào, Thiên Chúa muốn cho người cao tuổi hưởng thọ để làm gì, và người cao tuổi phải sống tuổi thọ thế nào cho đúng ý Cha trên trời.
 
 
 
 

 

 Chương II: Tuổi thọ là hồng ân vì không phải ai cũng may mắn được

 

1. Lời mở đầu cuốn sách của cha Bissonnier cho biết rằng: vào tuổi 77 ngài đã bắt đầu viết sách về tuổi già, và khi tới tuổi 80, được về hưu, cha viết tiếp và hoàn thành. Cha thấy bước vào tuổi thọ là bước sang khúc quanh quan trọng của đời người, và ngài muốn các người cao tuổi đón nhận tuổi thọ như một đặc ân quí báu Thiên Chúa dành cho mình. Vì thế sách của ngài gồm 16 chương, thì chương đầu tiên ngài trình bày: “Tuổi thọ là hồng ân ”. Ý thức tuổi thọ là hồng ân Chúa ban thì người cao tuổi như ngài phải cảm tạ Thiên Chúa, nên khi kết thúc đề tài thứ nhất, ngài cầu nguyện“Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa về đời sống đã qua của con. Con cám ơn Chúa đã ban cho con sống tuổi thọ để con làm cho nó thành món quà cao quí dâng lên Chúa” (x. Sách La vie , trang 28). Ngài ý thức tuổi thọ là hồng ân vì lý do rất đơn giản và dễ hiểu, đó là vì Thiên Chúa đã ban cho nhiều người, nhưng không phải là ban cho tất cả mọi người . Đây là điều mà nhiều người cao tuổi chẳng quan tâm gì, kể cả nhiều Kitô hữu, bởi vì chuyện họ sống tới tuổi thọ được coi là chuyện tự nhiên, đương nhiên quá quen thuộc. Ngày xưa, ở Á đông được sống tới tuổi 70 là chuyện “cổ lai hy” nghĩa là xưa nay hiếm có. Nhưng ngày nay, nhờ tiến bộ về y tế và khoa học, con người đã có tuổi thọ cao hơn xưa nhiều. Dẫu thế, xưa cũng như nay, không phải là ai cũng đương nhiên sống tới tuổi thọ. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc trong lời ngỏ của cuốn “Già ơi chào bạn” đã viết,  “Già là một hiện tượng sinh lý tự nhiên, một giai đoạn phát triển bình thường của vòng đời. Già là điều tất  yếu, là chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, thêm tuổi. Già cũng là điều phổ quát. Như vậy già không riêng ai, không riêng thời nào, không riêng xứ nào…” (Sách Già ơi , trang 7). Hiện tượng già là như thế, nhưng đâu có phải người nào cũng đương nhiên sống tới tuổi già. Chỉ cần nghĩ đến chiến tranh, thiên tai, tai nạn, bệnh tật … đã cướp lấy sự sống của biết bao người chưa kịp tới tuổi già, và đồng thời đang khi đó biết bao người vẫn sống tới tuổi thọ. Người ta thường cho là tử sinh hữu mệnh mà thôi; còn Kitô hữu, nhờ ánh sáng đức tin, chúng ta nhận biết rằng đó không phải là chuyện ngẫu nhiên hay đương nhiên, mà đó là mệnh Trời, đúng hơn cả đó là hồng ân của Chúa.
 
 2. Chính Đức Gioan Phaolô 2 , trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân đã khẳng định rằng: “Sống tới tuổi thọ phải được coi là một đặc ân, vì không phải ai cũng may mắn được sống tới tuổi này”(Tông huấn số 48). Vì thế trong thư gửi người cao tuổi, ngài chia sẻ rằng ngài cảm thấy mỗi ngày càng hiểu biết hơn giai đoạn sống tuổi thọ của ngài. Được làm giáo hoàng ở tuổi  58, ngài đã trở thành giáo hoàng của nhiều kỷ lục: về ban hành các văn kiện đủ loại, về công du nước ngoài, về phong thánh, về gặp gỡ các nhân vật đạo đời khắp thế giới … Khi tới tuổi 80 ngài đã nắm được ý nghĩa sâu sắc của đặc ân sống tuổi thọ, và ngài sống tuổi thọ rất hồn nhiên trong niềm tin cậy và lòng biết ơn, đồng thời vẫn luôn phấn khởi chu toàn sứ mệnh người kế nghiệp thánh Phêrô cho tới cuộc vượt qua cuối cùng.
 
 Còn cha Bissonnier , tuy sức khỏe mong manh và chỉ hoạt động trong phạm vi các nhà điều dưỡng, thấy mình vẫn khỏe và làm việc được, cha rất phấn khởi và dấn thân vào nhiệm vụ. Làm tuyên úy các viện điều dưỡng, cha đã chứng kiến nhiều người khỏe mạnh, giỏi giang, chưa đến tuổi già, nhưng đã phải bỏ cuộc và lìa đời. Vì thế cha càng ý thức hơn về hồng ân mình được may mắn vẫn đang sống để có thể phục vụ. Khi tới hạng tuổi 42 cha tham gia các cơ quan quốc tế về người khuyết tật. Cha có dịp đi nhiều nước như Việt Nam, Xênêgal, Canada, Tân Tây Lan ... Cha kể rằng “trong thời kỳ này tôi thường phải đổi giường trung bình cứ hai đêm trên ba” (Sách La vie , trang 11). Cha còn dạy học ở các đại học công giáo Paris, và Luvanh, viết gần 20 cuốn sách, nhiều bài báo. Được sống tới hạng tuổi 62, cha cảm thấy tuổi già đã ngấp nghé, nên chọn câu châm ngôn “Mieux vaut mourir usé que rouillé” nghĩa là thà chết hao mòn mà hữu ích còn hơn chết như gỉ sét vô dụng, và cha quyết tâm thực hiện câu châm ngôn này trong suốt 16 năm cuối đời tại nhà hưu dưỡng linh mục giáo phận. Cha đã là ngọn nến sẵn sàng hao mòn để cháy sáng cho tới ngày tàn lụi năm 2004 ở tuổi 92.
 
 Về phần tôi , tôi cũng có cảm nhận như cha Bissonnier khi tôi nghĩ tới các bạn hữu là linh mục, tu sĩ, giáo dân, học cùng lớp hay lớp trên lớp dưới, đã phải đứt gánh giữa đường để ra đi trước tuổi già. Thực ra, theo đức tin, được sớm về với Chúa cũng là hồng ân, vì được thoát khỏi trần gian đầy phức tạp và khổ đau, thoát khỏi cảnh già yếu, bệnh tật, liệt giường, nằm chờ chết, cô đơn, ảm đạm … mặc dầu giai đoạn nào của cuộc đời cũng có những thăng trầm, những bóng tối và ánh sáng. Đặc biệt tôi nhớ đến bốn anh em linh mục cùng chịu chức một lượt với tôi do Đức Cha Philipphê Nguyễn Kim Điền, vừa mới lên làm giám mục Cần Thơ, đã mở tay phong chức năm 1961. Thế mà chỉ 9 năm sau, linh mục Đôminicô Hà Ngọc Châu đã bị lửa đạn cướp đi bất ngờ vào năm 1970; rồi đến năm 1979 linh mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Chung cũng đã phải nhắm mắt lìa đời vì căn bệnh ung thư. Cả hai đang tuổi sung sức, đang dấn thân hoạt động, sự nghiệp dang dở, để lại muôn ngàn tiếc thương … Tử sinh hữu mệnh, chết sống do mệnh Trời là như thế. Còn lại Cha Matthêu Nguyễn Mạnh Thu và tôi, hai người còn sống, riêng tôi hằng năm đến dịp kỉ niệm chịu chức linh mục lại nhớ tới hai người bạn nay không còn nữa, lòng thấy bâng khuâng. Hai cha đã vào cõi vĩnh hằng thì an phận rồi, còn mình sẽ sống sao đây! Chúng tôi mỗi người phải gánh vác trách nhiệm bề trên đã giao phó.
 
Đến năm 1975 Cha Thu được đưa lên tận gần biên giới Bắc Việt là vùng Yên Bái để được cải tạo, rồi di chuyển về gần Hà Nội, ròng rã 13 năm trời mới xong và được về Sài Gòn. Ở Sài Gòn ít năm rồi được làm cha sở một xứ ven đô Sài Gòn là xứ Bình Thới năm 1992. Xứ Bình Thới ở trong xóm lao động, nhà thờ nhà xứ được cất tạm bợ, mùa mưa nước ngập cần phải sửa toàn bộ. Thế mà cha đã dành thời giờ đi bôn ba nước ngoài tìm đường kiếm tiền để năm 2002 nhà thờ nhà xứ mọc lên từ vũng lầy của xóm lao động như một bông hoa đẹp do bàn tay của ông già đã huốt hạng tuổi 70. Xây xong ít năm thì trí nhớ của cha bất ổn, cha về ẩn mình nơi Nhà Hưu Dưỡng linh mục cho đến nay. Còn tôi, năm 1975 được sai đi làm cha sở ở một xứ vùng sâu vùng xa là Trà Cú, nhiều nữ tu đã biết Trà Cú bảo tôi rằng về Trà Cú thấy là phải hú. Xứ ấy có đặc điểm là ở vùng ba không: không điện, không nước ngọt, không đường bộ. Tôi còn phải đem theo 17 thầy đại chủng viện  lớp Triết 1, về để vừa lao động sinh sống vừa tiếp tục học hành. Nhưng ít năm sau phải giải tán các thầy, còn tôi ở lại đó tròn 20 năm. Trong 20 năm, tôi vừa lo coi xứ, vừa dành thời giờ để “tự đào tạo ”. Nhờ sau thời đổi mới năm 1987, có những tài liệu tôi mượn được như Tông huấn về gia đình Kitô hữu (1981), tôi dựa vào đó soạn cuốn Chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình; năm 1993 tôi soạn cuốn Đức Giêsu Kitô Đường hạnh phúc, dựa theo Sách giáo lý Hội Thánh Công Giáo, phát hành năm 1992. Giữa năm 1995 được đổi sang xứ khác, là xứ Trung Hải, bớt sâu và xa hơn, có đủ cả ba là: điện, nước ngọt, đường đi. Tôi cùng ban giáo lý giáo phận soạn chương trình giáo lý theo lứa tuổi cho toàn giáo phận, dựa theo cuốn “Chỉ dẫn tổng quát về Huấn giáo” (1997), cho tới năm 2002 thì sức khoẻ không cho phép tiếp tục nữa. Năm 2003 lụt lớn đã làm nhà thờ xứ hư hại nặng, nền ngập, tường nứt, bó buộc phải xây mới. Chỉ còn một năm nữa, tôi lên hạng tuổi 70, tôi liền nhắm mắt đưa chân, và xin ơn trên phù hộ để bắt tay vào việc xây nhà thờ mới. Nhờ các em thiếu nhi khấn Lòng thương xót Chúa, Đức Mẹ, và thánh Giuse; và nhờ tiếp tay của các bạn đường học cùng lớp, nhà thờ được hoàn thành mau chóng vào cuối năm 2004. Quả thật là hồng ân.
 
       Cả hai chúng tôi được hồng ân sống tới tuổi già, được trải qua một quá khứ đặc biệt, chứng kiến những đổi thay quan trọng của đất nước và giáo hội vào những năm 1945, 1954, 1975. Và cho đến hôm nay, cha Thu thì trí nhớ đã lão hóa phải nghỉ hưu; còn tôi cũng bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, chưa được nghỉ hưu; chúng tôi được hồng ân sống lâu tới tuổi thọ. Nay cha Thu 79 tôi 75, rồi mai mốt còn liệt giường và cuối cùng là cái chết, chúng tôi phải chấp nhận tất cả là hồng ân.
 
 
 4. Còn về các Kitô hữu nói chung: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, những người hiện đang sống tới tuổi thọ, từ tuổi 55 trở lên, nếu chúng ta so sánh mình với những bạn bè đã phải ra đi trước chúng ta lúc họ còn trung niên, hẳn sẽ thấy rõ nét rằng mình còn được sống lâu tới nay không phải do mình tài khéo, mà có nói do mình may mắn, thì nghĩ đến cùng đó là do hồng ân Chúa ban. Họ và chúng ta cùng sinh sống trên trần gian, mỗi người một ơn gọi, một bậc sống, cùng làm việc, cùng trải qua những thăng trầm buồn vui trong xã hội và giáo hội. Thế mà họ chỉ được sống trong một thời gian ngắn ngủi và nhất định. Đặc biệt là trong thời chiến tranh trước đây, nhiều người đã phải sớm nằm xuống gởi xác trong lòng đất, và sau chiến tranh cũng nhiều người phải vùi thân trong lòng biển, họ không còn sống với chúng ta để hưởng hoà bình, thống nhất, không được cùng chúng ta gian khổ ngậm đắng nuốt cay để góp phần xây dựng và phát triển xã hội cũng như giáo hội hôm nay.
 
 
 5. Người đời không tin có Thiên Chúa coi việc mình thoát chết là may mắn, là do cơ duyên nghĩa là duyên nợ tạo hoá dành cho. Tôi biết qua truyền hình và báo chí có nhiều cựu chiến binh sống sót sau cuộc chiến kể lại, chẳng hạn trong đơn vị có 100 quân, sau một cuộc đụng độ chỉ còn lại 20, và số sống sót cũng có người bị thương và tàn phế, nhưng tinh thần yêu nước và tinh thần đồng đội rất cao. Họ được giải ngũ về địa phương, tích cực tham gia các công tác phát triển xã hội, quan tâm giúp đỡ thân nhân các bạn đồng đội đã nằm xuống, như là họ mang một món nợ phải trả vậy. Đang khi đó cũng có những người sống sót có địa vị chức quyền, làm ăn giàu có, tìm mọi cách bù lại những ngày gian khổ, hoặc là “thảnh thơi thơ túi rượu bầu ”, du lịch khắp năm châu bốn bể, hoặc là chỉ lo cho “vinh thân phì gia ”. Xưa nay người ta thường nghĩ rằng con người sinh ra trên đời là mang nợ với gia đình, với xã hội, với non sông đất nước, vì những người đi trước đã gây dựng nên cơ đồ sự nghiệp thì những người đi sau phải lo bảo vệ giữ gìn và làm cho phát triển hơn trước. Cho nên khi gia đình, xã hội, đất nước lâm nguy, mọi người già trẻ trai gái đều có trách nhiệm phải cùng nhau cứu nguy, đó là dấu hiệu của lòng yêu nước thương nòi, là trả món nợ cho đời. Đây là món nợ mà những người trai trẻ có trách nhiệm hàng đầu phải trả cho xong, còn người già trước đây chỉ là số  ít và đau yếu nên được nghỉ hưu. Nhưng ngày nay thời gian sống tuổi thọ kéo dài và tỉ lệ người cao tuổi cao hơn, không còn hiếm có như trước, nên người cao tuổi phải tìm xem Thiên Chúa cho mình sống lâu trong tuổi thọ để làm ích gì cho giáo hội và xã hội.
 
 
 6. Để kết : Đức Gioan Phaolô 2 đã sống tuổi thọ trong hồn nhiên với tâm tình tạ ơn Chúa, và vẫn đảm nhiệm sứ mệnh của người kế vị thánh Phêrô cho đến khi Chúa gọi về vào tuổi 85. Còn cha Bissonnier đã sống tuổi thọ trong tâm tình tạ ơn và phục vụ anh em linh mục ở Nhà Hưu dưỡng, sẵn sàng hao mòn cách hữu ích trong tiến trình lão hóa, dẫn tới cõi chết vào tuổi  92. Sống được như thế là các ngài vừa ý thức được tuổi thọ là hồng ân, vừa nắm bắt được ý nghĩa và giá trị của tuổi thọ. Chúng ta nhờ trải nghiệm của các ngài cũng như tài liệu của Toà thánh để tiếp tục tìm hiểu phải sống tuổi thọ thế nào cho đúng là hồng ân của Thiên Chúa.
 

 

 

Chương III: Tuổi thọ là hồng ân vì là thời kỳ thuận lợi  nhất để đạt mức trưởng thành sau cùng của đời người  là khôn ngoan

 

 
           
 1. Tuổi thọ là hồng ân vì không phải ai cũng may mắn được. Lý do này rất đúng, nhưng nó liên quan đến số mệnh, tử sinh hữu mệnh, có người được sống có người phải chết, có muốn cũng chẳng được. Vì thế những người được may mắn sống tới tuổi già cần tìm hiểu xem Thiên Chúa muốn cho mình không chết sớm trước tuổi già để mình được cái gì, hay là chỉ để mình được sống lâu hơn họ rồi cũng đi vào tiến trình lão hoá và cuối cùng bệnh tật rồi chết, “Người Trung Quốc thời xưa, 30 tuổi đã coi là già. Ở Việt Nam thời Pháp thuộc, tuổi thọ bình quân là 32” (x. Già ơi, chào bạn , trang 28). Ở Á Đông người được sống tới tuổi 70 là hiếm có (cổ lai hy). Trong Cựu ước, tác giả Thánh vịnh than rằng:
 
        “ Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,
          Mạnh giỏi chăng là được tám mươi.
          Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi,
          Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ.”
                                                                   (Tv 90,10)
 
Sách Giảng viên thì tưởng tượng tuổi già như toà nhà đang suy sụp và cái chết làm cho nó bị phá huỷ hoàn toàn (xem Thư gửi người cao tuổi , số 15). Như vậy tuổi thọ đã thấp và thời gian tuổi thọ không dài, vì sớm bệnh tật, yếu đau và phải lìa đời.
 
  Nhưng ngày nay, nhờ những tiến bộ về y tế, nhờ các cải thiện về kinh tế và xã hội, trong nhiều địa phương, tuổi thọ được nâng cao, số người cao tuổi tăng hơn, và thời gian hưởng thọ lâu dài hơn . “Ngày nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng đáng kể, nam 63 nữ 67 và còn có thể tăng nhanh trong thời gian tới, kèm với kế hoạch dân số, sinh suất sẽ giảm, tháp tuổi sẽ ngày một phình to phía trên và người già sẽ càng ngày càng đông trong xã hội, đặt ra những vấn đề mới” (x, Gió heo may , trang 15). Bên Tây phương ngày nay, tuổi già được chia thành hai hạng: hạng “tuổi đời thứ ba” (troisième âge) là giai đoạn từ nghỉ hưu, khoảng từ tuổi 60 đến tuổi 70; hạng “tuổi đời thứ tư” (quatrième âge) là giai đoạn tiếp theo từ tuổi 70 trở đi. Các nhà nhân khẩu học ngày nay cũng chia tuổi già thành hai hạng: hạng “young old” từ tuổi 65 đến tuổi 75, và hạng “oldest old” từ tuổi 75 trở lên. Hạng young old tạm dịch là tuổi thọ “mới sang thu” và hạng oldest old là tuổi thọ “đã vào đông ”, bắt chước Đức Gioan Phaolô 2 thích so sánh đời người với bốn mùa: bắt đầu vào tuổi già là mùa thu, chặng cuối của tuổi già là mùa đông (x. Thư gởi người cao tuổi , số 5). Mùa thu có nắng hanh vàng, có gió heo may, thời tiết không còn nóng bức như mùa hè, lại chưa rét đậm rét hại như mùa đông, nhưng mát mẻ se lạnh và dễ chịu. Như vậy tuổi thọ là hồng ân trước hết vì ngày nay người cao tuổi có thời gian dài để sống tuổi thọ, khác với trước đây. Thời gian này bắt đầu khi nghỉ hưu từ lúc 55, nó có thể kéo dài huốt 80 nơi nhiều người. Mặc dầu về hưu có thể cảm thấy như bị sốc, bị hụt hẫng hoang mang khi chưa có nghề ổn định, không biết làm gì với vô số thời gian nhàn rỗi, bị đẩy ra bên lề xã hội … Nhưng lại có rất nhiều thuận lợi: được giải thoát không còn bị ràng buộc trong công việc của xã hội, được tự do tìm kiếm công việc thích hợp … Ngoài ra tuổi thọ còn là hồng ân vì là thời gian rất thuận lợi: trước hết là sức khoẻ còn dẻo dai, có khi càng già càng dẻo càng dai hơn, vì bệnh tật chưa dám quấy rầy, và không hiếm người còn hoạt động năng nổ, biến báo, sáng tạo ... Thuận lợi nữa là có thời gian đọc sách, nghiên cứu, học hỏi, du lịch, tham quan … làm giàu cho kho tri thức. Bên Á Đông, tới tuổi 50 được coi là tuổi “tri thiên mệnh ”, hiểu được ý Trời. Ta thấy ngày nay các nhân vật quan trọng đạo đời thường được chọn khi vào tuổi  50 trở lên, vì họ đã tích luỹ được những trải nghiệm về con người, về xã hội; họ biết suy nghĩ, đánh giá đầy đủ và chín chắn hơn, lại có tinh thần trách nhiệm và ý thức về tình bạn. Nhờ đó người cao tuổi hoàn thành dần dần cuộc lữ hành trên trần gian.
 
 2. Bước vào tuổi thọ ngoài việc sức khoẻ còn dẻo dai, người cao tuổi có thời gian lâu dài để tích luỹ hoặc rút tỉa kinh nghiệm qua các công việc và qua các tiếp xúc với mọi người, nhờ đó dần dầntiến tới mức trưởng thành sau chót của đời người, đó là khôn ngoan . Theo Thánh Kinh, một trong các đặc sủng của tuổi thọ là sự khôn ngoan. Người đời hiểu khôn ngoan là có khả năng suy xét trên mức trung bình trong việc xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không hay. Ca dao có câu:
 
 Khôn ngoan đối đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
 
 Đây là câu ca dao rất có ý nghĩa đối với người Việt Nam chúng ta, để không một ai dại dột gây cảnh huynh đệ tương tàn, hoặc cõng rắn cắn gà nhà. Tôi rất thích một câu ca dao khác mà khi còn là thiếu nhi, một cha tuyên úy trẻ đã dạy tôi học thuộc và nhắc đi nhắc lại:
 
Người khôn ai nỡ roi đòn,
Một lời nhè nhẹ hãy còn đắng cay.
 
 Câu ca dao này rất hay vì vừa răn dạy người giáo dục vừa răn dạy cả người được giáo dục nữa. Người có trách nhiệm giáo dục mà khôn ngoan thì biết lấy lời nhè nhẹ mà răn bảo, chứ không nỡ dùng roi đòn. Nỡ có nghĩa là đành lòng làm một việc mà biết rằng người có lòng thương không thể làm. Còn người được giáo dục mà khôn ngoan thì chỉ cần nghe một lời răn dạy nhè nhẹ thôi là biết ăn năn sám hối và sửa lỗi rồi, không để người ta phải dùng đến roi đòn … Tuy nhiên đây chỉ mới là khôn ngoan trong cách ứng xử giữa đời thường. Tài liệu của Hội đồng về giáo dân cho biết rằng, theo Thánh Kinh, “một trong các đặc sủng của tuổi thọ là khôn ngoan, nhưng khôn ngoan này không phải đặc quyền hễ tới tuổi già là tự động có, mà là hồng ân của Thiên Chúa. Hồng ân này người cao tuổi phải biết đón nhận và đặt cho mình mục tiêu là tiến tới ‘khôn ngoan trong lòng’ . Khôn ngoan trong lòng giúp mình biết ‘đếm năm tháng của mình’ nghĩa là biết sống thời gian Thiên Chúa quan phòng dành cho mình với tinh thần trách nhiệm. Điểm cốt yếu của khôn ngoan này là khám phá về ý nghĩa sâu xa nhất của đời người và về định mệnh siêu việt mà Thiên Chúa dành cho  con người” (Tài liệu , số II).
 
Đức Gioan Phaolô 2 theo chiều hướng trên, giải thích thêm rằng: “Theo ánh sáng giáo huấn của Kinh Thánh, và theo ngôn ngữ Kinh Thánh, tuổi thọ chứng tỏ là thời kỳ thuận lợi để con người hoàn thành cuộc lữ hành, và theo ý định của Thiên Chúa tuổi thọ là thời kỳ mà mọi sự đều gộp vào để giúp con người có thể nắm bắt ý nghĩa cuộc đời tốt hơn, và đạt được khôn ngoan trong lòng. Sách Khôn ngoan lưu ý rằng: tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do số tuổi. Đối với con người sự khôn ngoan còn quí hơn tóc bạc và sống không tì ố mới là sống thọ”(Kn 4,8-9 ). “Tuổi thọ là chặng đường mà con người đạt được mức trưởng thành sau chót, và là dấu chỉ Thiên Chúa chúc phúc” (xem Thư gởi người cao tuổi , số 8). Tuổi già có nhiều thuận lợi như thánh Hierônimô nói: “tuổi già được nhẹ bớt đam mê, được tăng thêm khôn ngoan, và có những lời khuyên góp ý chín chắn hơn ”. Tuổi già là thời kỳ đặc quyền của khôn ngoan, là hoa quả của trải nghiệm, vì “thời gian là bậc thầy vĩ đại” (xem Thư gởi người cao tuổi , số 5).
 
 3. Tóm lại tuổi thọ là hồng ân không những vì không phải ai cũng may mắn được, mà còn vì Thiên Chúa dành cho nhiều đặc ân thuận lợi như thời gian hưởng thọ kéo dài, sức khoẻ còn dẻo dai, tích luỹ nhiều kiến thức nhiều trải nghiệm, đạt tới mức trưởng thành sau cùng của đời người làkhôn ngoan trong lòng (sagesse du coeur). Khôn ngoan này không phải do trí khôn con người mà do Thần khí của Thiên Chúa ban trong lòng con người, khôn ngoan này vừa sâu sắc vừa đạt tới đỉnh cao là biết được ý định của Thiên Chúa để sống tuổi thọ cho xứng đáng với hồng ân Ngài đã ban cho. Vậy công việc của ta là dùng lấy sự khôn ngoan trong lòng mà Thiên Chúa đã ban và nhờ hướng dẫn của các tài liệu Tòa thánh cũng như trải nghiệm của cha Bissonnier để tìm hiểu cho rõ hơn mệnh Trời là gì, và Trời muốn cho người cao tuổi làm gì trong thời gian lâu dài và có nhiều thuận lợi của tuổi già.
 
 

 Chương IV: Tuổi thọ là hồng ân vì được ơn khôn ngoan để cảm tạ Thiên Chúa và phục vụ giáo hội cũng như xã hội

 

 
 
Người cao tuổi đang sống hôm nay nếu so với nhiều người cùng trạc tuổi với mình đã phải “đi xa” trước khi vào tuổi già, thì không có lí do gì để nghi ngờ tuổi thọ là hồng ân Chúa ban. Hơn nữa, người cao tuổi còn đang được hưởng dùng bao nhiêu tiện nghi, văn minh, kỹ thuật, về mọi mặt: giao thông, truyền tin, sinh sống … mỗi ngày một mới mẻ, một kỳ diệu hơn. Đó là chưa kể những thuận lợi về kiến thức, về tư cách trưởng thành, nhất là về khôn ngoan, mà tài liệu Tòa thánh còn gọi là khôn ngoan trong lòng. Người cao tuổi thường thích ôn lại dĩ vãng, sống với dĩ vãng, giống như con hổ ở sở thú, trong bài thơ của Thế Lữ:
        
         Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
         Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa.
         …. Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối …
         … Đâu những ngày mưa chuyển động bốn phương ngàn …
         … Đâu những bình minh cây xanh nắng gội …
         … Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng …
 
    để rồi cuối cùng chỉ biết than thở nuối tiếc:
 
         Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!
                                        (trích bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ)
 
Nhưng phải khôn ngoan để mỗi khi ôn lại dĩ vãng mà không mặc cảm, buồn sầu, vì mất mát, tiếc thương, trái lại có thể nhận ra tất cả là hồng ân. Và khi người cao tuổi đã ý thức sống tuổi thọ là hồng ân, thì khôn ngoan trong lòng đòi hỏi họ phải uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Nguồn và kẻ trồng cây ở đây chính là Thiên Chúa Đấng ban hồng ân cho họ. Người cao tuổi có lúc có thể coi việc mình được sống tới tuổi thọ là chuyện đương nhiên, nhưng họ không được quên câu chuyện 10 người cùi được Chúa Giêsu chữa khỏi, mà chỉ có một người ngoại đạo biết trở lại cám ơn, còn 9 người kia là Do thái thì không, khiến Chúa phải bỡ ngỡ hỏi: không phải cả 10 người được khỏi sao? (x. Lc 17,12-17). Vì thế được hưởng hồng ân sống trong tuổi thọ, được có sự khôn ngoan trong lòng thì phải làm một việc rất tự nhiên, rất đơn sơ và có ý nghĩa, mà tôi nhớ khi còn là thiếu nhi đã được dạy là:
          
 Ai cho ai giúp của gì
Tay thì đỡ lấy miệng thì cám ơn.
 
 Sách “Chỉ dẫn tổng quát về giáo lý nói rằng: phải giúp người cao tuổi sống trong tâm tình tạ ơnvà chờ đợi trong hi vọng ” (x. Sách Chỉ dẫn , số 187).
 
Vậy mệnh Trời hay ý định mà Thiên Chúa muốn người cao tuổi phải làm là nhận ra Thiên Chúa là cội nguồn, là người trồng cây, để biết ơn và cảm tạ tôn vinh. Tuy nhiên, nếu người cao tuổi chỉ cảm tạ tôn vinh Thiên Chúa bằng lời nói mà thôi thì thật sự là cần nhưng chưa đủ, vì người cao tuổi còn có thời gian dài, và nhiều thuận lợi: như lúc đầu vào tuổi thọ họ còn khoẻ mạnh dẻo dai, với những kinh nghiệm hoặc của cải đã tích luỹ, chắc chắn là Thiên Chúa còn muốn họ phải làm gì khác hơn thế nữa.
 
Người cao tuổi ngày nay đã được đánh giá khác trước đây. Tài liệu của Bộ giáo dân cho biết rằng: ông Kofi Anan, tổng thư kí liên hiệp quốc đã nói trong ngày thế giới về người cao tuổi năm 1998 rằng: xã hội ngày nay không còn coi người cao tuổi vào hạng yếu đau, nghỉ hưu mà thôi; trái lại mỗi ngày họ chiếm tỉ số đông hơn và phải coi họ là những tác nhân của phát triển, không thể để cho những kiến thức và trải nghiệm họ đã tích lũy bị mai một. Tài liệu cũng thuật lại lời Đức Gioan Phaolô 2 nói với 8000 người cao tuổi đến gặp ngài hôm 23-3-1984 rằng “Mặc dầu các vấn đề của tuổi thọ thật là phức tạp … sức lực dần dần yếu kém, các tổ chức xã hội còn nhiều thiếu sót, pháp luật chính thức còn chậm trễ, sự không thấu hiểu của một xã hội ích kỷ; anh em không được nghĩ rằng mình ở bên lề giáo hội như những phần tử thụ động trong một thế giới biến động quá mức, nhưng phải tự coi mình như những thành phần chủ động trong một giai đoạn phong phú cả về mặt nhân bản lẫn mặt thiêng liêng của cuộc sống nhân loại. Anh em còn có một sứ mệnh phải chu toàn một đóng góp phải đem đến” (xem Tài liệu , phần Nhập đề và số I). Như vậy, ý định của Thiên chúa muốn người cao tuổi phải sử dụng thời giờ và số vốn kinh nghiệm mình đang có để làm ích cho giáo hội và xã hội . Mỗi người cao tuổi cũng giống như những người đầy tớ của ông chủ trong dụ ngôn mười yến bạc. Ông chủ trao cho các đầy tớ người 10 yến, người 5 yến, người 1 yến, để làm ăn sinh lời. Khi ông chủ thanh toán sổ sách, người sinh lời được 10 yến, ông chủ khen và cho cai trị 10 thành; người sinh lời được 5 yến, ông cũng khen và cho cai trị 5 thành; còn người có 1 yến đem bọc vào khăn giữ kỹ và trao trả nguyên vẹn, ông chủ mắng anh là đầy tớ tồi tệ, ông thu hồi nén bạc đó và trao cho người có 10 yến (xem Lc 19,15-25).
 
Để giúp ta xác tín hơn tuổi thọ vừa là hồng ân vừa là sứ mệnh, Đức Gioan Phaolô 2 còn kể tên 12 nhân vật trong Kinh Thánh mà Thiên Chúa đã dùng và trao sứ mệnh trong lịch sử cứu độ : ông Abraham và vợ ông là bà Sara tổ phụ dân Israen; ông Môisê lãnh đạo dân ra khỏi Ai cập; ông Tôbi chôn xác kẻ chết; ông già Elêada chịu tử đạo chứ không ăn thịt heo; ông Dacaria và vợ ông là bà Êlidabét cha mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả; ông Simêon và bà Anna được ẵm Chúa Giêsu trong Đền thờ; ông Nicôđêmô là một biệt phái đã gặp riêng Chúa Giêsu ban đêm và táng xác Chúa; thánh Phêrô và thánh Phaolô chịu cầm tù và chết vì Chúa Giêsu. (xem Thư gởi người cao tuổi , số 6,7,8).
 
Vì thế, người cao tuổi phải noi gương các nhân vật trong Kinh Thánh để tuỳ theo bậc sống và khả năng của mình, là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, lúc nào cũng lo sống đúng căn tính của mình, lúc tuổi trẻ, lúc vào tuổi trung niên, khi tới tuổi thọ, không nên lấy cớ đã về hưu về già để thôi làm giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hoặc từ chối những công việc mà mình còn sức khoẻ và khả năng đảm nhận.
 
 Để kết . Cầu mong các Kitô hữu cao tuổi không cho rằng mình đương nhiên được hưởng thọ, chẳng cần phải nhớ ơn ai, nhưng luôn ý thức mình đang nhận được nhiều “đặc sủng” Thiên Chúa ban cho: từ việc được sống tới tuổi thọ, không phải sớm “đi xa” như nhiều người khác, đến việc có thời gian thuận lợi tích luỹ nhiều kinh nghiệm, đạt được mức trưởng thành của đời người là khôn ngoan trong lòng, để biết mệnh Trời và thuận theo ý Trời. Không gì đẹp và đáng mong ước cho bằng một Kitô hữu cao tuổi khoẻ mạnh, hiền hậu, minh mẫn, hằng ngày cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân được hưởng thọ và dùng mọi thuận lợi vật chất cũng như tinh thần, không phải để co cụm lại tập trung lo cho bản thân, làm cho mình thành gỉ sét vô dụng, nhưng để tích cực sống và làm việc hữu ích cho mình cũng như mọi người. Tuy nhiên, người cao tuổi thế nào cũng phải bước vào khúc quanh sau cùng của cuộc đời, đầy gian nan và thử thách, cần phải bình tĩnh, khôn ngoan để tìm hiểu và đối phó.
 
 
 
 
 
 
 

Chương V:Tuổi thọ là hồng ân vì là thời gian tốt nhất để sống mầu nhiệm Vượt qua, chuẩn bị vào cõi vĩnh hằng

 

 
 
1. Bước vào tuổi thọ, người cao tuổi có thời gian dài để nhờ trải nghiệm và suy niệm có thể tiến tới mức trưởng thành sau chót của đời người là khôn ngoan trong lòng. Nhờ đó biết ý Trời và thuận theo mệnh Trời để cảm tạ Thiên Chúa và đem khả năng phục vụ giáo hội cũng như xã hội. Nhưng khi bước vào tuổi thọ, người cao tuổi bắt đầu cũng đối mặt ngay với những vấn đề của tuổi xế chiều , tuổi suy tàn dần dần theo dòng thời gian. Bởi vì nếu đời người là cuộc lữ hành về quê Trời, thì tuổi thọ là giai đoạn cuối cùng tiến gần đến ngưỡng cửa của vĩnh hằng. Đức Gioan Phaolô 2 đã trải nghiệm điều này và Ngài mời gọi người cao tuổi tập làm quen với “tư tưởng suy tàn” (pensée de déclin), như ta quen nói là tập “sống chung với lũ” vậy. Còn Tài liệu của Hội đồng về giáo dân thì nêu lên một số vấn đề của tuổi thọ. Trong các vấn đề này, vấn đề trước hết tác động đến nhân phẩm con người.
 
 1.1  Vấn đề người cao tuổi bị đặt ra lề xã hội . Xã hội tân tiến hôm nay coi sự thành bại tùy thuộc ở hiệu năng và sức trẻ, nên dễ loại trừ những gì không đạt tiêu chuẩn đó, chẳng hạn tuổi già. Khi về hưu, người cao tuổi phải thôi việc theo cơ chế, thu nhập do lương hưu thấp không bảo đảm nhu cầu sinh sống, phải xa rời môi trường xã hội mình làm việc trước đây. Và điều thảm thương nhất là thiếu sự tương quan giữa người với người trong xã hội, khiến người cao tuổi không những đau khổ vì bị tách lìa khỏi xã hội mà còn bị bỏ rơi, cô đơn và cô lập, dẫn đến không còn ý thức là mình thuộc về cộng đồng mà mình là thành viên. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng có ý tưởng tương tự: “về hưu là một biến cố, một cú sốc, nặng nhẹ tùy người. Có người là sự hụt hẫng do thu nhập thấp, sức khỏe kém, tiếng nói hết trọng lượng, bạn bè xa dần, sinh ra chua chát đắng cay ”( x. Già ơi , trang 41).
 
 1.2  Vấn đề thứ hai là xã hội ngày nay chưa trợ giúp người cao tuổi đủ điều kiện kinh tế để tự lực mưu sinh, chưa quan tâm thích đáng về nơi ăn chốn ở, về sức khỏe, y tế … người cao tuổi phải tự chèo chống mà vượt qua.
 
 1.3  Vấn đề thứ ba là thiếu chương trình huấn luyện người cao tuổi là một điều kiện cần thiết để họ không bị tụt hậu, và có thể thích ứng với những tiến bộ kỹ thuật mới. Do đó họ khó kiếm được công ăn việc làm để sử dụng các tài năng và thời giờ của mình, đây là một khó khăn nữa phải vượt qua.
 
 1.4  Vấn đề thứ bốn là xã hội còn thành kiến lệch lạc gây trở ngại cho người cao tuổi tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, văn hóa, dân sự … tham gia các hiệp hội người cao tuổi để có tiếng nói chính thức trong xã hội, có cơ hội sống vui, sống khỏe với nhau (xem Tài liệu , số III).
 
Những vấn đề mà người cao tuổi phải đối mặt ngay từ khi bước vào tuổi thọ do xã hội hoặc gia đình có thể gây nên là một cú sốc, một khó khăn thử thách mà người cao tuổi phải chấp nhận vượt qua. Những vấn đề nêu trên có thể đúng với xã hội Âu Mỹ hơn là ở Việt Nam. Vì xã hội Âu Mỹ có nền văn hóa của một xã hội công nghiệp tân tiến, theo chủ nghĩa cá nhân mạnh hơn, dành ưu tiên cho hiệu năng và sức trẻ, nên không mặn mà với tuổi già. Xã hội cũng trợ giúp cho người cao tuổi theo cơ chế, có nhà ở, có tiền tiêu, có chăm sóc y tế … nhưng tách biệt với con cháu, con cháu chỉ lâu lâu đến thăm thôi, đó là một văn hóa tách biệt hai thế hệ già trẻ. Còn văn hóa Việt Nam đối với người cao tuổi cho đến nay vẫn kính lão đắc thọ, kính già già để của cho, của đây không hẳn là tiền bạc mà là những trải nghiệm khôn ngoan quí giá. Người cao tuổi vẫn còn chung sống với con cháu có khi cả ba bốn đời, và xã hội đang cố gắng tổ chức Hội người cao tuổi để họ giúp nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Tuy nhiên, với đà toàn cầu hóa ngày nay, văn hóa Âu Mỹ có thể ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam và người cao tuổi có thể bị bỏ rơi, cô độc, cô đơn và cách biệt.
 
 2. Ngoài những vấn đề khó khăn bề ngoài do tác động của xã hội hay gia đình gây nên, còn có những vấn đề khác do từ chính bản thân người cao tuổi phát xuất. Cha Bissonnier là tuyên úy cho các viện điều dưỡng đã có nhiều trải nghiệm khi gặp gỡ các người cao tuổi, và chính cha cũng đã từng phải đối phó nhiều vấn đề mà cha đã chia sẻ trong các đề tài số 3 và số 4 (x. La Vie , trang 37-49).
 
 2.1  Vấn đề thứ nhất là tiến trình lão hóa và các thứ bệnh tật. Thường bắt đầu có những dấu hiệu bề ngoài như cụ Nguyễn Khuyến tả, là:
 
                   Mái tóc chòm đen chòm lốm đốm,
                  Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
 
 Rồi đến mắt mờ mắt kém, cận thị viễn thị, cườm nước cườm khô, đọc sách lâu mắt kèm nhèm. Bộ máy tiêu hóa xuống cấp: bao tử, tụy, lá lách, gan, thận … không điều hòa tốt lượng đường, lượng mỡ trong máu, không lọc máu sạch chất bẩn … Hô hấp khó khăn. Mất dần khả năng thích ứng với thời tiết thay đổi, đau khớp, dễ nóng lạnh, chân tay cột sống nhức mỏi. Già không phải là bệnh nhưng già thường đi đôi với bệnh. Các bệnh tật do tiến trình lão hóa hay do thoái hóa của các cơ quan như dạ dày, tụy, gan, thận, tim, phổi … thường dẫn đến bệnh đau bao tử, tiểu đường, mỡ trong máu, huyết áp cao hoặc thấp, suy thận, suy tim, yếu phổi … còn có thể đau cột sống, phì đại tiền liệt tuyến gây bí tiểu hoặc tiểu luôn luôn … Mắc mỗi bệnh là phải nhờ bác sĩ, phải uống thuốc cho đúng, phải ăn uống kiêng cữ, thường là tốn kém, nhiều phiền phức. Nhất là chẳng may bị tai biến não, phải nằm liệt giường thì còn khốn khổ hơn.
 
 2.2  Vấn đề thứ hai là các khả năng đang sử dụng bình thường như bị tước đoạt dần dần, chẳng hạn trí nhớ kém hẳn, hay quên, nhắc đi nhắc lại một chuyện hoài; lý trí mất sáng suốt, lú lẫn; ý chí cố chấp không chịu thay đổi cho hợp tình hợp lý, hoặc ngược lại là hay thay đổi, gàn dở. Tất cả bệnh tật hay thoái hóa đều gây đau khổ.
 
 2.3  Vấn đề thứ ba là chứng rối loạn  tâm trí hay thần kinh, chứng trầm uất, suy sụp, hoặc do bị“sốc” bởi những người trên người dưới người ngang đã kỳ thị, hất hủi, thành kiến, bất công, thù nghịch … mỗi lần có dịp nhớ lại thì bất mãn, tự ái, và có thể nghĩ “Tôi muốn tha thứ mà không thể nào quên được” (x. La Vie , trang 116-118) cũng làm cho đau khổ phiền sầu.
 
 2.4  Vấn đề thứ bốn là giờ phút sau chót của đời người, đó là hấp hối và chết. Hấp hối là trạng thái sắp tắt thở, sắp lìa đời. Tiếng Hy Lạp là agonia nghĩa là chiến đấu, con người chiến đấu với cái chết. Chết là cái khổ sau cùng trong 4 cái khổ, và là cái khổ dễ sợ nhất, làm cho con người buồn khổ nhất, bởi vì nó trái nghịch với bản năng sâu xa nhất của con người là bản năng sinh tồn. Chắc chúng ta còn nhớ câu chuyện ngụ ngôn của ông La Fontaine về người tiều phu. Chuyện kể rằng có một tiều phu vác củi từ rừng về nhà. Đường thì xa, củi thì nặng, và sức người thì yếu, ông than thở hoài và sau cùng ông kêu Thần Chết đến lấy phứt cái mạng sống của ông cho rồi. Tiếng kêu vừa dứt thì Thần Chết đến với hình dáng ghê sợ, tay cầm lưỡi hái thật lớn. Thần Chết hỏi người tiều phu: ngươi gọi ta đến làm gì? Người tiều phu thấy thế sợ hết hồn, quên cả đòi chết, và vội vàng thưa: xin Thần làm ơn đặt bó củi này lên vai giùm … Bản năng sinh tồn đã làm cho ông sợ chết. Như vậy ai ai cũng sợ chết, và thường là không muốn chết, nhưng rồi cũng phải chết, như câu nói: “người dù có muốn Trời nào đã cho ”, tử sinh hữu mệnh, dù muốn chết hay muốn sống cũng vậy. Ta cũng thường thấy trong Tivi báo tin buồn về cái chết của các nhân vật quan trọng rằng: mặc dầu tập thể bác sĩ giỏi nhất đã tận tình cứu chữa, nhưng cũng không qua khỏi, nghĩa là phải chết. Và người ta tránh không nói đến “chết” mà nói “đi xa ”. Đi xa là đi đâu, cái gì đi? Ta thấy rõ ràng: cái xác thì cho vào áo quan rồi đem chôn hay hỏa táng, còn cái gì đi xa? Chết thật là buồn, vừa bi hùng vừa bi đát. Nếu chết chỉ là đi xa, mà không biết cái gì đi, và đi đâu, thì chết là bế tắc, là ngõ cụt và là tuyệt vọng.
 
Những vấn đề của tuổi thọ vừa kể trên mà người cao tuổi phải đối mặt là lão, bệnh, rồi tử, toàn khổ là khổ, thế mà Kitô hữu quả quyết tất cả là hồng ân, là ơn lớn của Thiên Chúa, thì những người không phải là Kitô hữu buộc phải cho rằng đó là chuyện “khó nghe” khó hiểu. Và có thể cả những Kitô hữu chưa thấm nhuần giáo lý Kitô giáo cũng phải thắc mắc rằng tuổi thọ gặp những vấn đề khó khăn, thử thách, đau khổ đến thế thì phải hiểu như thế nào để có thể quả quyết đó là hồng ân.
 
 3. Tám vấn đề của tuổi thọ đã nêu lên trong các số 1 và 2 mà người cao tuổi phải trải qua đều có ý nghĩa và giá trị riêng của nó trong cuộc sống con người. Đức Gioan Phaolô 2 so sánh rằng có một sự giống nhau chặt chẽ giữa nhịp sinh học của đời người với chu kỳ xoay vần của thiên nhiên. Thiên nhiên có bốn mùa xuân hạ thu đông, tương đương với tuổi trẻ, tuổi thanh niên, là thời gian con người được hình thành hướng về tương lai với các khả năng xây dựng các dự án cho tuổi trung niên, sau đó đến tuổi già là thời gian đã xế chiều, người già phải làm quen với suy tàn, để chuẩn bị vượt qua cõi chết mà về cõi vĩnh hằng. Tử sinh hữu mệnh, cho nên sinh ra là do mệnh Trời, và theo ông Trang Tử là “sinh ký tử qui ”, sinh ra là từ cái nhà thiên nhiên bước vào cõi trần gian để sống tạm gởi, và chết là vượt qua cõi trần gian để trở về với cái nhà thiên nhiên đó. Kitô hữu chúng ta thì tin rằng cuộc đời trần gian là cuộc lữ hành về nhà Cha, về quê thật ở trên trời.
 
Nắm được ý nghĩa và giá trị của đời người như một cuộc lữ hành về quê trời, ta hiểu được ngay ý nghĩa và giá trị của các vấn đề trên.
 
 3.1  Ý nghĩa và giá trị của việc người cao tuổi phải nghỉ hưu và bị đặt ra lề xã hội . Việc người cao tuổi phải nghỉ hưu và bị gạt ra lề xã hội có ý nghĩa và giá trị của nó, đó là để người cao tuổi bắt đầu được ngừng nghỉ công việc do cơ chế xã hội tính toán tùy theo hiệu năng và lợi nhuận, thoát khỏi xã hội chỉ toan tính vụ lợi; đồng thời xã hội đặt ra lề là để giải thoát họ khỏi bó buộc của cái xã hội vị kỷ, vô tâm, dửng dưng với tuổi già; như thế nó giúp người cao tuổi hướng tới những thúc đẩy của tâm tình vị tha, quảng đại để phục vụ giáo hội và xã hội: tuổi già nhờ từng trải việc đời cũng như lịch sử, còn có thể giúp giáo dục thế hệ trẻ tránh những vết xe cũ sai lầm, có tương quan xã hội tốt với mọi người, có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc đời. Tài liệu gọi đây là những đặc sủng của tuổi thọ (x. Tài liệu , số I).
 
 3.2  Ý nghĩa và giá trị của tiến trình lão hóa, bệnh tật, các cơ năng thoái hóa, các khả năng bị tước đoạt . Con người ta có sinh có tử, mà tử sinh thì hữu mệnh, nghĩa là do mệnh Trời. Trong đời người, ai cũng phải trải qua sinh lão bệnh tử, và sinh ký tử qui. Như vậy con người được sinh ra, lớn lên, già đi, bệnh tật rồi chết để trở về nguồn. Bệnh tật giúp con người cảm nghiệm sự bất lực và giới hạn của mình. Nó có thể làm con người nổi loạn chống Thiên Chúa, nhưng cũng có thể giúp họ tìm đến Thiên Chúa. Bệnh tật có liên hệ đến tội lỗi, nên Chúa Kitô muốn chữa khỏi. Và tuổi thọ chính là thời gian chuyển tiếp đưa con người sang một thế giới khác. Người cao tuổi đừng nghĩ rằng Thiên Chúa ban cho các khả năng và cơ năng để sử dụng rồi đến tuổi già lại tước đoạt một cách tàn nhẫn. Thiên Chúa không tước đoạt và bỏ rơi đâu, nhưng Ngài đã quan phòng cho con người có thời gian thuận lợi để được giải thoát khỏi những gì còn là khiếm khuyết, còn là nhất thời, còn là trần tục, nhờ đó họ được thanh luyện sẵn sàng cho cuộc vượt qua cuối đời, và có thể đón nhận những gì là mới mẻ, là toàn hảo trong vĩnh hằng. Vì thế, người cao tuổi phải dùng sự khôn ngoan trong lòng mà Thiên Chúa đã ban cho để hiểu biết và vui vẻ chấp nhận những vấn đề của tuổi già do Thiên Chúa quan phòng đã sắp đặt, chấp nhận với tâm tình biết ơn cảm tạ. Vậy còn vấn đề đau khổ do già yếu bệnh tật, nhất là cái chết thì sao?
 
 3.3  Ý nghĩa đau khổ và chết . Đau khổ và chết dường như là những cái gắn liền với thân phận con người. Cụ Nguyễn Công Trứ đã có một câu thơ dí dỏm:
 
                      Thoạt sinh ra thì đã khóc chóe
                      Đời có vui sao chẳng cười khì
 
 Cụ cho rằng vừa sinh ra đã phải khóc chóe vì đời là khổ, nếu đời vui thì đã cười khì. Rồi lão bệnh tử sẽ xồng xộc theo sau, toàn là khổ cả; và từ ba bốn ngàn năm nay con người đã tìm mọi cách để diệt khổ, nhưng khổ vẫn còn đó. Hai cuốn sách về tuổi già của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không đả động gì đến đau khổ và chết cả, vì cho rằng lão bệnh tử cứ đương nhiên tới, đó là điều tất yếu, là chuyện phổ quát, không riêng ai, không riêng thời nào, không riêng xứ nào (xem Già ơi chào bạn , trang 7). Nhưng đau khổ và chết vẫn là vấn đề “sinh tử ”, nghĩa là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn, mà vấn đề này lý trí lại không thể nào giải đáp được, cho nên nó không còn là vấn đề nữa mà trở thành huyền nhiệm hay mầu nhiệm. Đã là mầu nhiệm thì chỉ có thể suy nghĩ, tìm hiểu, hít thở và “sống” mà thôi, chứ không giải đáp được. Tuy nhiên, Kitô hữu chúng ta đã quả quyết tất cả là hồng ân Thiên Chúa ban thì ta phải tìm cho ra ý nghĩa và giá trị của đau khổ và chết. Thực ra, giáo lý công giáo đã cho biết rằng đau khổ và chết nằm trong vấn đề sự dữ sự ác , là một mầu nhiệm mà lý trí con người không giải đáp được, nhưng phải nhờ đến toàn bộ đức tin Kitô giáo mới có thể hiểu được phần nào. Vậy ta tìm hiểu xem bởi đâu mà có sự dữ sự ác? Giáo lý dạy rằng Thiên Chúa khôn ngoan và tốt lành vô cùng đã tạo dựng một thế giới trong tiến trình biến hóa tới hoàn hảo tối hậu. Trong tiến trình đó vật này xuất hiện, vật khác biến đi, có cái tốt hơn, có cái xấu hơn, do đó vừa có sự tốt thể lý vừa có sự dữ thể lý. Còn các thụ tạo thông minh và tự do là thiên thần và con người cũng phải tiến tới cùng đích bằng lựa chọn tự do cho mình nên tốt hơn hay xấu hơn. Thế mà thật sự họ đã chọn lựa sai lầm để phạm tội, gây ra sự dữ luân lý. Như vậy chắc chắn Thiên Chúa không bao giờ trực tiếp hay gián tiếp gây ra sự dữ sự ác. Tuy nhiên, Thiên Chúa lại có thể cho phép sự dữ xảy ra khi Ngài rút được sự lành từ chính sự dữ đó. Và Thiên Chúa đã làm việc đó một cách tuyệt vời khi cử Chúa Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai xuống thế làm người để chịu đau khổ, chết trên thập giá, rồi từ cõi chết đã sống lại vinh hiển và về cõi vĩnh hằng; nhờ đó mà Chúa Kitô cứu chuộc được tất cả loài người. Từ sự dữ do tội lỗi mọi người mà Thiên Chúa rút ra được sự lành lớn lao nhất đó là Chúa Kitô được vinh hiển và loài người được cứu chuộc (xem Sách giáo lý công giáo số 310-312). Việc Chúa Kitô chịu khổ nạn, chết và sống lại, giáo hội quen gọi là mầu nhiệm Chúa Kitô vượt qua khổ nạn, chết, để sống lại, hoặc gọi vắn tắt là “Mầu nhiệm Vượt qua ”.
 
Tại sao lại gọi là mầu nhiệm Vượt qua? Gọi là mầu nhiệm vì việc đau khổ và chết vốn là một mầu nhiệm mà lý trí không hiểu hết được; gọi là Vượt qua vì Chúa Kitô đã vượt qua khổ hình, chết, và sống lại để cứu chuộc loài người, đây cũng là mầu nhiệm mà lý trí không hiểu được. Chính nhờ Mầu nhiệm Vượt qua này mà đau khổ và chết có ý nghĩa và giá trị vô song, đó là Chúa Kitô được tôn vinh và mọi người được cứu chuộc khỏi tội. Mầu nhiệm Vượt qua này Chúa Kitô đã thực hiện một lần trên thập giá, nhưng Ngài đã cử hành trước một cách “bí tích” trong Bữa Tiệc ly với các tông đồ, đó là Bí tích Thánh Thể; và Ngài còn truyền cho các tông đồ không những phải tưởng nhớ mà còn cử hành Mầu nhiệm ấy cho đến khi Ngài lại đến, nghĩa là Ngài muốn cho cả giáo hội phải tiếp tục “sống” Mầu nhiệm Vượt qua ấy. Sống Mầu nhiệm Vượt qua nghĩa là mỗi Kitô hữu dùng chính đau khổ và chết của mình, kết hợp với đau khổ và chết của Chúa Kitô để đền tội cho mình và mọi người nữa. Vì thế Tài liệu của Hội đồng về giáo dân dạy rằng: “Tuổi thọ là thời gian để người cao tuổi sống Mầu nhiệm Vượt qua một cách mãnh liệt hơn ”, khi mang trong mình bệnh tật và đau khổ. Thánh Phaolô còn nhận thấy một ý nghĩa nữa lý thú hơn khi Kitô hữu phải đau khổ vì Chúa Kitô, đó là “Tôi mang những thống khổ trong thân xác tôi để bù đắp những quẫn bách mà Chúa Kitô còn phải chịu vì lợi ích cho Thân mình Ngài là giáo hội” (Col 1,24). Dĩ nhiên Chúa Kitô đã chịu đau khổ đủ để chuộc tội cho cả loài người rồi. Tuy nhiên, Ngài chỉ sống trong một thời và một nơi nhất định, có giới hạn; vì thế tôi nghĩ đến các linh mục, tu sĩ, giáo dân cao tuổi, đã phải chịu gian lao cực hình do các cuộc bách hại của các chế độ thù nghịch với Chúa Kitô từ xưa đến nay, bằng mọi hình thức mà Chúa Kitô chưa phải chịu, như bị gông cùm, tù trong “xà lim ”,lao động khổ sai, cải tạo biệt giam, bỏ đói cho chết, chích thuốc cho chết dần … hoặc nhớ đến những Kitô hữu mắc những bệnh hiểm nghèo ngày nay như ung thư các loại, đều gây đau nhức kinh khủng. Các Kitô hữu đau khổ như vậy là chính Chúa Kitô đang đau khổ và hấp hối trong họ, như văn hào Pascal đã nói: “Chúa Kitô sẽ còn hấp hối cho tới ngày tận thế ”. Ngoài ra cha Bissonnier cũng gợi lên một ý nghĩa và giá trị sâu sắc khi người cao tuổi cảm thấy đau khổ vì bị tước đoạt các khả năng dần dần, như: bị mù lòa, điếc, chân tay bại liệt; hoặc đau khổ vì bị “vắt chanh bỏ vỏ ”, bỏ rơi, hất hủi, cô đơn, cô độc, chẳng khác anh nghèo Ladarô ở cổng nhà ông phú hộ (xem Lc 16,19-21); hoặc có lúc lú lẫn không còn làm chủ mình nữa, trên bảo dưới chẳng nghe lại còn tự do thoải mái … Đây là cơ hội để người cao tuổi suy niệm và cảm thông với bao người mù, què, điếc, bất toại, bị đặt ra lề xã hội, bị bỏ rơi cô đơn cô độc; cảm thông sâu sắc tự chính bản thân mình, để vừa thương mình, thương người, vừa chuyển cầu xin Thiên Chúa đoái nhìn và thương xót an ủi. Như tác giả cuốn Qui luật của muôn đời viết: “Mỗi người nên bệnh nặng một lần trong đời để biết thương mình hơn, thương người hơn ”( xem Già ơi , trang 90).
 
 4. Tới đây ta không thể không suy nghĩ đến giai đoạn sau chót của tuổi thọ , với bệnh tật, đau khổ, mệt mỏi, nhức nhối, hấp hối rồi chết, có khi qua mau, có khi triền miên, không thể tả được. Chính cha Bissonnier phải thú nhận rằng “đây là vấn đề tôi không dám đả động tới. Có lẽ ngày nào đó tôi mới biết được” (xem La Vie trang 144). Quả thật “đoạn trường ai có qua cầu mới hay ”. Chúa Kitô là Thiên Chúa làm người đã không sống tới tuổi già, nhưng trước cuộc khổ nạn và chết, Ngài cảm thấy hãi hùng xao xuyến đến nỗi phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được ”. Ngài phải xin Chúa Cha “Xin cho con khỏi uống chén này, nhưng xin đừng theo ý con” (Mc 14,33.34.36). Rồi Chúa Kitô đã tự nguyện vâng phục thánh ý Chúa Cha để nộp mình cho quân lính đem đi đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Trước khi tắt thở, Ngài đã thưa với Chúa Cha“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Chúa Kitô còn như thế, vậy Kitô hữu chúng ta sẽ thế nào? Đức Gioan Phaolô 2 đã trải nghiệm và xác nhận rằng trong cuộc chiến đấu cuối cùng này có bóng tối do tội lỗi gây ra làm cho chúng ta buồn sầu sợ hãi. Ai cũng biết mình phải chết, chết là chấm dứt cuộc sống, chết là thù nghịch của bản năng sinh tồn, nên con người vừa sợ vừa tìm cách trốn tránh. Nhưng Kitô hữu chúng ta được Kinh Thánh cho biết ngay từ đầu con người được tạo dựng để sống. Cái chết không có trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, nó đến bất thần sau khi con người phạm tội (xem Thư gởi người cao tuổi , số 14). Chúa Kitô khi còn ở trần gian đã tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta dù có chết cũng sẽ sống, ai sống và tin Ta sẽ không bao giờ chết” (Ga 11,25-26). Và đến cuối đời Ngài đã vâng phục ý Chúa Cha để chịu chết trên thập giá, Ngài đã đảo ngược ý nghĩa của cái chết, chết không còn là án phạt, không còn là chấm dứt sự sống trong hư vô, nhưng chết là để sống với Chúa Kitô, sống đời sống mới, sống trong cõi vĩnh hằng. Và phụng vụ của giáo hội dạy rằng đối với các Kitô hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, họ được về hưởng hạnh phúc vĩnh hằng trên quê trời (xem Kinh Tiền Tụng 1, lễ các linh hồn). Trong bữa Tiệc ly, trước khi chịu tử nạn, Chúa Kitô còn nói với các tông đồ rằng: khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình, nhưng khi sinh rồi thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui, vì một con người đã sinh ra trong thế gian (xem Ga 16,21). Thánh Gioan đã lấy hình ảnh đàn bà sinh con đau đớn và sinh xong thì vui mừng, để áp dụng cho việc Chúa Kitô chịu tử nạn và được phục sinh vinh hiển; cũng áp dụng cho việc các môn đệ chịu đau khổ và chết với Chúa Kitô thì phải đau khổ rồi được chứa chan niềm vui (theo chú giải của TOB). Và Đức Gioan Phaolô 2 còn thêm một tư tưởng làm sáng tỏ ý nghĩa cái chết là: trong Chúa Kitô, cái chết bi đát và gây xáo trộn đã được “chuộc tội” và biến đổi thành “người chị” dẫn đưa chúng ta vào trong tay Cha trên trời (thánh Phanxicô khó khăn gọi chết là Chị Chết) (xem Thư gởi người cao tuổi , số 15).
 
 5. Để kết thúc phần này người cao tuổi vượt lên trên những vấn đề của tuổi già vừa được quan tâm tìm hiểu và giải quyết, để chú ý đến một định hướng cốt yếu và quan trọng cho cả cuộc đời mình. Cha Bissonnier chọn đầu đề sách của ngài là: cuộc sống sung mãn trước mắt chúng ta, và ngài khai triển trong chương thứ hai có đầu đề là: “Tôi có cuộc sống sung mãn trước mắt tôi”(xem La Vie , trang 29). Còn tôi đã chọn cho sách của tôi đầu đề là “Về cõi vĩnh hằng ”. Đó là cùng đích cốt yếu và quan trọng mà Kitô hữu đang lữ hành trên trần gian này luôn luôn phải nhắm tới. Thiên Chúa đã ban hồng ân sống tuổi thọ, đạt mức trưởng thành và được khôn ngoan trong lòng thì phải nắm vững mệnh Trời và điều chỉnh đời mình thuận theo ý Trời, đó là luôn hướng tới cuộc sống sung mãn trong cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, không nên vì thế mà người cao tuổi đánh giá thấp những gì là tốt đẹp, lành mạnh, sung sướng và hạnh phúc ở đời này, nhưng đánh giá cho thật đúng rằng chúng chỉ là nhất thời, chóng qua, dầu chúng có hấp dẫn tuyệt vời đến đâu đi nữa cũng không thể sánh kịp với những gì đang chờ đợi chúng ta trong cõi vĩnh hằng. Bởi thế, sách Giảng viên trong Kinh Thánh luôn nhắc đi nhắc lại điệp khúc: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả là phù vân: Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Ngài truyền, đó là tất cả đạo làm người”(Gv 12,8.12). Do đó những vấn đề người cao tuổi bị xã hội đặt ra lề, bị gia đình bỏ rơi, bị tước đoạt các khả năng hay cơ năng, bệnh tật đau khổ và cả chết nữa, tất cả là phù vân sẽ qua đi như mây trôi không có gì đáng nuối tiếc. Chỉ có điều quan trọng và cần thiết là người cao tuổi luôn ý thức trách nhiệm của mình để sử dụng tất cả những gì là phù vân như sức khỏe, thời giờ, tiền bạc, khả năng còn lại, như là những hồng ân Chúa ban, để điều hành chúng thuận theo ý Chúa và phục vụ giáo hội cũng như xã hội. Thực ra “phù vân liền với hồng ân một vần ”, tất cả là phù vân nhưng tất cả cũng là hồng ân, bởi vì như thánh Phaolô dạy “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
 
Còn cuộc sống sung mãn hay cõi vĩnh hằng là những kiểu nói có thể gọi là tương đương với nhiều kiểu nói khác như: cuộc sống vĩnh cửu, cuộc sống đời đời, thiên đàng, cõi Trời, Trời mới đất mới … Đây không phải là một nơi nào ở đâu đó hoặc ở trên bầu trời; sách giáo lý công giáo cho biết rằng: “những ai chết trong ơn nghĩa Chúa, được thanh luyện trọn vẹn, thì được sống luôn mãi với Chúa Kitô … Cuộc sống viên mãn, cuộc sống hiệp thông trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức trinh nữ Maria, với các thiên thần và tất cả các thánh, được gọi là thiên đàng. Thiên đàng là cùng đích tối hậu và là sự thực hiện các nguyện vọng sâu xa nhất của con người, là tình trạng hạnh phúc tuyệt đỉnh và cuối cùng” (Sách giáo lý số 1023-1024).
 
Nhờ vậy, muốn cho tuổi thọ là thời gian tốt nhất để chuẩn bị về cõi vĩnh hằng, Kitô hữu cao tuổi hãy nhớ câu châm ngôn mà cha Bissonnier khi bước vào tuổi thọ đã chọn cho mình là “thà chết hao mòn mà hữu ích còn hơn chết như gỉ sét vô dụng ”. Muốn chết hao mòn mà hữu ích không gì tốt hơn là luôn tâm niệm hai câu Kinh Thánh:
 
 “Phù vân, quả là phù vân, tất cả là phù vân: Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các mệnh lệnh Ngài truyền, đó là tất cả đạo làm người” (Gv 12,8.12).
 
Tất cả là hồng ân đối với những ai có niềm tin và sống thuận theo ý Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 

 Chương VI: Người cao tuổi làm gì để cộng tác với hồng ân Chúa ban

 

 

Cho tới đây chúng ta đã dựa vào các tài liệu và các trải nghiệm để tìm hiểu về tuổi thọ và những vấn đề cụ thể mà người cao tuổi phải tiếp cận. Tài liệu Tòa thánh nhận xét rằng chất lượng của tuổi thọ có tốt hay không là tùy thuộc người cao tuổi có nắm bắt được ý nghĩa và giá trị của tuổi này cả về mặt nhân bản cũng như về mặt đức tin hay không (xem Tài liệu , số 1). Bởi vì có nắm bắt được ý nghĩa và giá trị, ta mới sẵn sàng dẹp bỏ được những thành kiến sai lầm của xã hội hôm nay thường coi tuổi già là thời gian suy tàn, vô dụng; và cũng dẹp bỏ được mặc cảm tự nhiên muốn thu mình co cụm lại cho an thân, và từ chối mọi tham gia vào sinh hoạt hiện tại. Khi vượt qua những trở ngại trên, người cao tuổi sẽ phấn khởi chọn một lập trường nhất định, một hướng sống tích cực dấn thân, sẵn sàng vâng theo mệnh Trời, quyết tâm không để cho xã hội gạt mình ra bên lề, và noi gương 12 người cao tuổi trong Kinh thánh đã kể trên (xem sách này trang 46), mỗi người tùy khả năng và hoàn cảnh, sẵn sàng vâng theo mệnh Trời, thi hành bất cứ việc gì mình có thể để phục vụ giáo hội và xã hội. Tài liệu Tòa thánh đã nêu lên những lĩnh vực thích hợp với người cao tuổi hơn cả để họ cộng tác và hành động. (xem Tài liệu số V)
 
 Hoạt động bác ái . Chúng ta biết hoạt động bác ái thì mênh mông và đa dạng. Tài liệu chỉ góp ý là: “Phần lớn người cao tuổi có đủ nghị lực thể lý, tinh thần, và thiêng liêng để dùng thời giờ rảnh và tài năng một cách quảng đại trong các hoạt động và chương trình thiện nguyện (tình nguyện làm việc thiện )”. Mỗi người cao tuổi sẽ tùy hoàn cảnh và khả năng mình ở thành thị hay nông thôn, tùy theo các tổ chức trong xứ đạo, tùy theo tình trạng kinh tế gia đình, để tham gia rất nhiều hoạt động bác ái; chỉ cần nhớ đến kinh Thương người có 14 mối, có từ thế kỷ 13, nay sách giáo lý của giáo hội vẫn nhắc đến, vì luôn luôn hợp thời:
 
 
 Thương xác bảy mối                       Thương linh hồn bảy mối
 Cho kẻ đói ăn.                                  Lấy lời lành khuyên người.
Cho kẻ khát uống.                            Mở dạy kẻ mê muội.
Cho kẻ rách rưới ăn mặc.                Răn bảo kẻ có tội.
Cho khách đỗ nhờ.                           An ủi kẻ âu lo.
Thăm viếng bệnh nhân.                   Tha kẻ khinh dể ta.
Thăm viếng kẻ tù rạc.                      Nhịn kẻ mất lòng ta.
An táng kẻ chết.                                Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
  
 (Trích toát yếu – sách giáo lý Công Giáo).
 
Trong thực tế, trước hết người cao tuổi có thể thi hành bác ái đối với người cao tuổi là bạn bè quen biết bằng cách liên lạc, thăm viếng nhau, có thể bằng điện thoại, giúp đỡ nhau phần hồn phần xác, chia sẻ tin tức về giáo hội, về xã hội, về sức khỏe ... Tôi vẫn làm công việc này với một số linh mục cũng như giáo dân cao tuổi cùng lớp, cùng quê; và các bạn đó cũng làm như thế với tôi, chúng tôi đều cảm thấy vui sướng khi gặp nhau, trao đổi với nhau nhiều chuyện, giúp nhau giải tỏa nỗi cô đơn cô độc. Sau nữa, người cao tuổi có thể thi hành bác ái đối với những người khác cách trực tiếp khi có cơ hội; hoặc có thể hợp tác với các linh mục, tu sĩ trẻ mình quen biết, hay các nhóm làm việc bác ái để tiếp tay với họ. Cũng có thể giới thiệu cho những người hảo tâm mình quen biết, các địa chỉ từ thiện hay nhân đạo để họ có thể tiếp xúc và giúp đỡ. Kinh nghiệm cho biết có nhiều người có tấm lòng vàng nhưng không gặp cơ hội thuận tiện và đáng tin cậy để mở rộng lòng quảng đại, nên khi họ được giới thiệu tôi thấy họ rất hoan hỉ và sẵn sàng ngay. Ngày nay đất nước chúng ta còn nghèo, kém phát triển, lại gặp thiên tai lũ lụt hàng năm, giới bình dân lao động hoặc nông dân gặp khó khăn thường xuyên, phải lo có công ăn việc làm, lo cho con cái đi học ... Người cao tuổi có cả một ngàn lẻ một cách để chia sẻ và giúp đỡ ...
 
 3. Việc tông đồ . Tài liệu gợi ý vắn tắt: “Người cao tuổi có thể góp phần lớn trong việc tông đồ bằng cách nhận làm giáo lý viên, hoặc lấy chính đời sống mình để làm chứng cho Chúa ”. Ai cũng biết, mọi người đã lãnh Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức đều có nhiệm vụ làm tông đồ, dù sống ở bất cứ bậc sống hay hạng tuổi nào. Có nhiệm vụ thì phải lo thi hành. Tôi xin chia sẻ một việc tông đồ đã làm từ 1993 tới nay. Từ 1975, tôi ở một xứ đạo vùng quê, gặp nhiều người xin học đạo là nông dân, giáo viên, học sinh … thường là theo đạo để kết hôn. Lúc đó các xứ theo thói quen chung là học đạo theo sách giáo lý hỏi thưa gồm khoảng 400 câu (gọi là sách giáo lý in ở nhà in Tân Định), trẻ con người lớn có đạo hay dự tòng đều học như vậy. Vào thập niên 1980. Tôi có được tập “Chỉ dẫn tổng quát về Huấn giáo” cũ năm 1971, trình bày hai tiêu chuẩn chính của Sách giáo lý là phải đặt Chúa Kitô làm trung tâm, và phải hội nhập văn hóa phù hợp với người học giáo lý; thế mà Sách giáo lý Tân Định thì còn quá xa hai tiêu chuẩn đó. Tôi lại có được một số tập giáo lý thử hội nhập văn hóa để trình bày về “Vấn đề hạnh phúc ”, “Tôi theo Đạo Trời ”, “Căn bản Đạo Trời” ... Tôi quyết tâm soạn một sách giáo lý theo hai tiêu chuẩn trên. Đến khi sách giáo lý của Giáo hội xuất bản năm 1992, tôi thấy mình đang đi đúng đường của Giáo Hội, và tôi hoàn thành cuốn “Đức Giêsu Kitô Đường hạnh phúc” năm 1993, nhắm mục đích giới thiệu Đức Giêsu Kitô cho Kitô hữu cũng như người Việt Nam hôm nay. Tôi gởi cho các bạn ở Cần thơ, Long xuyên, Sàigòn, Đà lạt Đà nẵng, Huế, Thanh hóa, Hà nội. Năm 1994 một linh mục Cần thơ gặp một nữ văn sĩ và thi sĩ tên là N.T.T.H. tuổi hạng 56, có tiểu thuyết và truyện ngắn được giải thưởng báo Hậu giang, bà xin tìm hiểu đạo Công giáo. Cha đưa cho bà cuốn “Đức Giêsu Kitô đường hạnh phúc ”. Đọc xong bà xin cha cho vào đạo. Cha cho tôi biết câu chuyện và hỏi tôi nên làm gì? Tôi trả lời: nếu bà thiệt tình muốn thì xin bà đọc lại cuốn đó một lần nữa, và trả lời các câu hỏi nêu ở cuối mỗi bài. Mấy tháng sau, bà đem lại cho cha một cuốn tập 200 trang, ghi lại tất cả 80 câu trả lời theo mỗi bài. Cha đã trao cuốn tập của bà cho tôi xem và xin cho biết ý kiến. Tôi đã đọc hết cuốn tập rồi viết cho bà một thư, và trả lời cho cha rằng tôi không thấy có gì trở ngại để tiếp nhận bà vào Đạo Chúa. Và lễ Chúa Giáng sinh 1994, bà đã lãnh các bí tích khai tâm vào Kitô giáo. Cho đến nay bà vẫn cộng tác với các bà mẹ công giáo để làm việc tông đồ và bác ái. 10 năm sau, một nữ giáo lý viên ở Sàigòn cho tôi biết đã dùng cuốn giáo lý của tôi để giúp nhiều nam nữ sinh viên học đạo. Tôi có kể cho nữ giáo lý viên chuyện theo đạo của nữ văn sĩ N.T.T.H. Nữ giáo lý viên nghe rất mừng và năn nỉ tôi mượn giúp cuốn tập ghi các câu trả lời. Tôi tìm gặp bà và cho biết ước vọng của một nữ giáo lý viên ở Sàigòn. Bà cho tôi biết bà rất quý cuốn tập như một kỷ niệm bà đã đi tìm và gặp Chúa, nhưng bà cũng sẵn sàng để giúp ích cho người khác. Tôi trao tập vở, chữ viết đã hơi nhòe, cho chị giáo lý viên, chị đã đánh lại vô máy và nhân ra cho các học viên của chị để giúp họ kiểm tra vốn giáo lý về đạo Chúa. Năm 2005 sách đã được giáo quyền và chính quyền cho phép xuất bản - Ngoài ra tôi còn biết rõ các linh mục xấp xỉ tuổi 80, có vị vẫn cưỡi xe Honda 50 đi làm việc tông đồ cho các làng thượng, có vị vẫn sẵn sàng đi giảng tĩnh tâm cho các xứ ... Cũng có nhiều giáo dân cao tuổi đảm nhận làm giáo lý viên cho các người lớn dự tòng, hoặc chuẩn bị Hôn nhân, từ nhiều năm nay; thỉnh thoảng họ liên lạc với tôi và tâm sự là giúp học đạo và học chuẩn bị hôn nhân vui lắm, vì mình trao đổi kinh nghiệm với họ, nhưng giúp nhiều thì mệt... và tôi luôn động viên rằng còn nước còn tát, đừng để mình như cục sắt gỉ chờ chết thì buồn lắm! Tôi tin chắc còn nhiều Kitô hữu, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân cao tuổi có nhiều sáng kiến khác nữa để làm tông đồ cho Chúa.
 
 4. Việc phụng vụ: Tài liệu nhắc đến: “Đã có nhiều người cao tuổi góp phần đắc lực vào việc bảo trì các nơi thờ phượng. Nếu được đào tạo thích đáng, nhiều người cao tuổi có thể trở thành cácphó tế vĩnh viễn , lãnh nhận chức đọc sách và giúp lễ , làm thừa tác viên ngoại thường để trao Mình Chúa , làm người dẫn giải phụng vụ , dẫn giải các hình thức tôn sùng Thánh Thể , nhất là các việc tôn sùng Đức Maria và các thánh ”. Đó là những việc cụ thể trong phụng vụ mà sau Công đồng Vatican 2, giáo hội dành cho giáo dân. Ở trong nước, tôi chưa nghe nói có phó tế vĩnh viễn, còn ở nước ngoài có nhiều Kitô hữu Việt Nam đã làm phó tế vĩnh viễn từ nhiều năm rồi. Xin nhắc đến trường hợp một phó tế vĩnh viễn đáng để các người cao tuổi suy nghĩ, đó là phó tế vĩnh viễn Vũ Thành An. Tôi biết nhạc sĩ Vũ Thành An qua các bản nhạc “Bài ca không tên ”, sáng tác vào thời trước, cả nhạc và lời đều rất lâm ly thống thiết. Sau đó tôi lại nghe trong một cuốn băng nhạc của ca sĩ Khánh Ly, thuật lại câu chuyện ca sĩ Khánh Ly hỏi nhạc sĩ Vũ Thành An là: “Tại sao các bài hát của anh buồn bã quá như vậy?” Nhạc sĩ trả lời: “Lý do rất giản dị là tôi bị thất tình, người yêu của tôi đã bỏ tôi ra đi không một lời. Nỗi buồn cứ thấm mãi vào tâm khảm tôi để rồi thoát ra những âm thanh bi thảm ấy ”. Rồi vào thập niên gần đây tôi lại nghe tin đài phát thanh công giáo cho biết ông Vũ Thành An đã làm “phó tế vĩnh viễn” ở nước ngoài, và ông đang tích cực dấn thân vào việc trợ giúp các người cao tuổi gặp khó khăn ở Việt Nam. Tôi mừng vì tuổi cao đã giúp ông làm lại cuộc đời bằng chọn con đường phục vụ giáo hội và xã hội.
 
 5. Hoạt động của các hiệp hội và các phong trào giáo hội . Tài liệu cho biết: “Sau công đồng Vatican 2, người cao tuổi tỏ ra quan tâm nhiều đến chiều kích cộng đồng của đời sống đức tin. Nhiều phong trào và hiệp hội đã làm cho giáo hội được phong phú thêm, đặc biệt là nhờ một sự tham gia làm cho các thế hệ tháp nhập với nhau, và làm phát hiện ra những đặc sủng khác nhau của Thánh Thần, vừa dồi dào vừa sinh ích lợi ”. Ở Việt Nam có nhiều hiệp hội và phong trào đạo đức đang hoạt động, nhưng đáng chú ý nhất là Hội đồng mục vụ hay Hội đồng giáo xứ. Hội này tập hợp những người nam nữ trung niên hay cao tuổi, cùng làm việc chung với nhau và được cha xứ hướng dẫn để xây dựng và phát triển xứ đạo. Nhiều bạn bè cao tuổi cùng lớp với tôi, nhiều học trò đã vào hạng tuổi 50, 60 đang là thành viên trong các Hội đồng giáo xứ. Đặc biệt có một bạn đường cùng học ở Đại chủng viện Xuân Bích với tôi hai năm, rồi về lập gia đình, làm nghề giáo viên dạy môn văn. Gia đình anh ở xứ Đaminh Ba Chuông. Anh được bầu làm chủ tịch Hội đồng giáo xứ, từ khi giáo xứ được thiết lập vào 24-06-1967, lúc đó mới 39 tuổi. Sau đó cả giáo xứ và các cha xứ tiếp tục theo nhau, đã nhất trí tái cử anh làm chủ tịch Hội đồng giáo xứ xuyên suốt cho đến năm 2006, anh đã 78 tuổi và đau bệnh mới được nghỉ, sau 39 năm làm việc. Vừa làm chủ tịch Hội đồng giáo xứ anh còn kiêm dạy giáo lý cho người lớn dự tòng, và chuẩn bị hôn nhân. Và sau khi nghỉ làm chủ tịch, anh vẫn tiếp tục dạy giáo lý cho tới hôm nay. Anh tâm sự với tôi anh không được chọn làm linh mục nhưng lại có cơ hội dành quãng đời dài của mình để phục vụ giáo hội, đó thật là một hồng ân.
 
 6. Gia đình. Người cao tuổi có nhiều lợi thế nhất để góp phần mình vào lãnh vực gia đình. Tài liệu Tòa thánh rất quan tâm đến vai trò người cao tuổi đối với thế hệ trẻ nên đã chỉ dẫn rằng“Người cao tuổi làm thành “bộ nhớ” về lịch sử cho thế hệ trẻ, và chuyển mang những giá trị nhân bản nền tảng. Khi “bộ nhớ” đó vắng bóng. thì gốc rễ cũng không còn mà gốc rễ đã không có thì khả năng mong ước phóng mình vào một tương lai vượt ra ngoài giới hạn của hiện tại cũng chẳng còn. Vậy thì gia đình và tất cả xã hội sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi biết đánh giá đúng vai trò giáo dục của bậc cao tuổi ”. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng: thời nay vai trò của người cao tuổi trong gia đình ở phương Tây có điểm khác với phương Đông. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, trong sách “Già ơi ... chào bạn” có nói đến chuyện “già Tây già Ta ”. “Già Tây kể như hết thời bởi vì ở đó xã hội tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc ... Trừ những người giàu có còn thì phải sống cách ly với con cháu, thường được gởi vào nhà nuôi người già, thỉnh thoảng con cháu ghé thăm mà thường thì bỏ quên. Trong những nhà đó, họ sống quanh quẩn với những người già khác, có người tàn phế, tật nguyền, ngày nào cũng chỉ thấy rụng rời tàn úa. Già Ta thường được xã hội tôn trọng với tập quán “kính lão đắc thọ”... Già Ta thường sống chung với con cháu, đôi khi cả ba bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà (tứ đại đồng đường), hằng ngày người già được chơi đùa với trẻ con, được thấy những mầm non vươn lên. Già Ta tuy có bận bịu, vất vả nhưng vui, thấy mình có ích ”. (Sách Già ơi , trang 33-34). Ở Việt Nam, thường người cao tuổi có ảnh hưởng trong gia đình và xã hội, vì những truyền thống văn hóa về gia đình và xã hội như: lịch sự lễ độ, tiên học lễ hậu học văn, cần kiệm liêm chính, công dung ngôn hạnh, đạo ông bà, đạo vợ chồng, đạo thầy trò, lòng yêu nước ... đều do người cao tuổi đã tiếp nhận từ thế hệ trước, đã trải qua nhiều năm kinh nghiệm để có thể đánh giá đúng hơn cũng như tốt hơn những tác động do thời cuộc đổi thay, và có thể giúp cho con cháu nhận ra sự thật và chọn định hướng cho tương lai. Khi vì một lý do nào đó, những truyền thống trên không được nhắc đến trong gia đình hay xã hội, thậm chí còn bị cho là lạc hậu cần dẹp bỏ, thì hậu quả là cả một thế hệ mất gốc, mất nền tảng gia đình và xã hội không còn nề nếp, nhiều chuyện lố lăng, kém văn hóa văn minh ... Vì thế mà Hội đồng Giám mục Việt Nam quan tâm giáo dục cho con cái về mọi mặt nhân bản cũng như đức tin, đây là việc đặt nền tảng cho thế hệ mai sau có những con người trưởng thành thực sự. Công việc này người cao tuổi ở nhiều nơi đã chủ động làm với kết quả tốt đẹp. Trong xứ đạo vùng quê của tôi, từ khi có chương trình chấn chỉnh môi trường giáo dục gia đình năm 2008, và cùng với phong trào đọc kinh “Lòng thương xót” lúc 3 giờ chiều, có mấy ông bà cao tuổi ở xa nhà thờ không đi dự với mọi người ở nhà thờ, nên các ông bà kêu con cháu và bà con lối xóm đến nhà ông bà đọc kinh. Các ông bà cho biết rất vui vì con cháu và bà con tíu tít tới gặp nhau, các ông bà nhắc nhớ về chuyện lễ độ, lịch, sự, hiếu thảo với ông bà cha mẹ thầy cô. Nhất là các em thường xuyên cầu nguyện lòng thương xót Chúa cho các người đau khổ, bệnh tật, linh hồn mồ côi ... nhờ thế lòng thương xót Chúa thấm nhiễm vào tâm hồn các em để các em biết “thương xót người là phúc thật ”. Mong ước các người cao tuổi là gia trưởng hay hiền mẫu noi gương thánh tử đạo Emmanuel Lê Văn Phụng, để “Biến gia đình thành đền thờ của Thiên Chúa” và “Biến ngôi nhà của mình trở thành Nhà tạm của Hội Thánh” (Đây là lời tóm tắt rất súc tích của Đức Cha Trần Xuân Tiếu, giám mục Long Xuyên về cuộc đời làm gia trưởng của ông câu Phụng).
 
 7. Chiêm niệm và cầu nguyện. Đây là lãnh vực rất phù hợp với khả năng người cao tuổi, vì vừa có bề dày kinh nghiệm ở đời, vừa có nhiều thời giờ tự do. Tài liệu của Tòa thánh hướng dẫn rằng:“Cần phải khuyến khích người cao tuổi dành năm tháng ngày giờ Chúa cho còn sống để thực hiện một sứ mệnh mới, được Chúa Thánh Thần soi sáng, đánh dấu sự bắt đầu của một giai đoạn đời người mà theo ánh sáng của mầu nhiệm Vượt qua, đó là giai đoạn phong phú nhất và hứa hẹn nhất”. Về điểm này, khi ngỏ lời với những người tham dự Hội nghị quốc tế về tuổi già năng động, Đức Gioan Phaolô 2 tuyên bố rằng: “Những người cao tuổi với sự khôn ngoan và trải nghiệm là kết quả của cả một đời người, họ đã bước vào một giai đoạn ân sủng khác thường, tạo cho họ cơ hội chưa từng có để cầu nguyện và hiệp nhất với Thiên Chúa. Nhiều nghị lực thiêng liêng mới dành cho họ, và họ được mời gọi dùng những nghị lực đó phục vụ người khác, làm cho đời họ trở nên hiến lễ nồng nàn dâng lên Thiên Chúa là Đấng ban sự sống ”. Đây là dịp tốt nhất để chúng ta ôn lại việc chiêm niệm và cầu nguyên. Sách giáo lý công giáo phần 4 có nói đến 3 cách diễn tả cầu nguyện mà mọi người lớn nhỏ đều có thể dùng, đó là cầu nguyện bằng lời (khẩu nguyện), cầu nguyện bằng suy gẫm (trí nguyện), cầu nguyện bằng chiêm niệm (tâm nguyện). Khẩu nguyện và trí nguyện thường được nói đến và sử dụng nhiều hơn, còn chiêm niệm ít được khai triển. Khẩu nguyện là thói quen lâu đời trong các tôn giáo, khẩu nguyện riêng hay chung đòi có điều kiện để đọc kinh hay hát kinh; trí nguyện là dùng trí tuệ suy gẫm tìm kiếm, cần có phương pháp để đào sâu cho có kết quả, như lần chuỗi. Như thế không phải lúc nào cũng khẩu nguyện hoặc trí nguyện được. Còn chiêm niệm thì mọi hạng người trí thức bình dân, trẻ em người lớn, đều thực hiện được, vì không đòi các điều kiện như khẩu nguyện và trí nguyện, mà lúc nào cũng có thể chiêm niệm được bất chấp tình trạng sức khoẻ hoặc công việc và tâm tình, bởi vì nơi mà ta tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa trong khiêm tốn và tín thác, đó chính là tấm lòng của ta . Chiêm niệm là ở một mình với Chúa để đơn sơ nhìn Chúa trong thinh lặng và yêu mến, để lắng nghe và nhiều khi chỉ để nhìn ngắm thôi. Chiêm niệm là cách đơn sơ nhất để diễn tả cầu nguyện, đồng thời là đỉnh cao của đời cầu nguyện. Cha Bissonnier có kinh nghiệm rằng chiêm niệm là thực hiện trước ở trần gian việc sẽ xảy ra trên trời. (xem sách La Vie , trang 65).
 
            Ngoài ba cách diễn tả cầu nguyện là khẩu nguyện, trí nguyện và tâm nguyện, giáo hội nhờ Chúa Thánh Thần khởi hứng còn tạo ra những hình thức để biểu lộ tâm tình và thái độ trong cầu nguyện, đó là: chúc tụng và thờ lạy , cầu khẩn và chuyển cầu , tạ ơn và ngợi khen. Những hình thức biểu lộ này được chứa đựng và diễn tả trong Thánh lễ, người cao tuổi có thể chọn hình thức nào thích hợp với tâm tình và khát vọng của mình để cầu nguyện: chẳng hạn ta chúc tụng và thờ lạy khi nghĩ đến Thiên Chúa cao cả và toàn năng đã ban muôn hồng ân trong đời ta dù ta chỉ là một thụ tạo bất xứng; ta cầu khẩn và chuyển cầu khi ta nhận biết mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa, không làm chủ được những nghịch cảnh như bệnh tật, tai họa ...; cầu khẩn là xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi yếu đuối, hoặc xin Chúa ban cho mọi nhu cầu tinh thần vật chất; còn chuyển cầu là cầu khẩn cho người khác, giáo hội vẫn xin Đức Mẹ và các thánh cầu thay nguyện giúp nghĩa là chuyển cầu cho ta. Người cao tuổi biết nhiều người, thấy nhiều việc là cơ hội để chuyển cầu, cho bạn bè và người thân, và mở rộng đến mọi người, kể cả những kẻ thù nữa; sau hết ta còn tạ ơn và ngợi khen Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh vì Thiên Chúa là Chúa tể hằng thương xót mọi loài và đáng ngợi khen ca tụng tôn vinh muôn đời.
 
Ta hãy thưởng thức mấy vần thơ của thi hào người Pháp Paul Claudel diễn tả lời cầu nguyện dâng Đức Mẹ vào giờ ngọ (LaVierge à midi):
 
Đã trưa rồi, thấy nhà thờ mở cửa
Con bước vào, Lạy Mẹ Chúa Giêsu
Con đến đây không phải để nguyện cầu
Chẳng dâng gì mà cũng chẳng xin gì
Con chỉ đến để nhìn ngắm Mẹ thôi.
 
Và một câu chuyện nữa về cầu nguyện của một nông dân bổn đạo của Cha Thánh Vianney xứ Ars, câu chuyện được sách giáo lý công giáo, và cả sách của Cha Bissonnier có nhắc đến (xem Sách Giáo lý số 2715; xem La Vie trang 66). Chuyện kể rằng Cha Vianney thấy ông ở trong nhà thờ lâu giờ trước mặt Chúa và hỏi ông: ông thưa gì với Chúa, hay ông đọc kinh gì? Ông  đáp : “Thưa cha, Chúa nhìn con và con nhìn Chúa. Thế là đủ rồi ”. Tác giả cuốn sách viết về Cha Vianney có nhận xét rằng: một nhà thần học uyên thâm cũng chẳng thể nghĩ ra một công thức đơn giản, chính xác, hoàn thiện như thế, để nói về sự đối thoại giữa một linh hồn với Thiên Chúa. (xem sách “Cha Gioan Maria Vianney” của Henri Ghédon, trang 48).
 
 8. Những thử thách, bệnh tật, đau khổ. Tài liệu Toà thánh coi những kinh nghiệm này là “dấu chỉ người cao tuổi đang hoàn thành trong thân xác và tâm hồn mình cuộc thương khó của Đức Kitô vì lợi ích cho giáo hội và thế giới (x. Cl 1,24). Cho nên điều quan trọng là giúp người cao tuổi - và không phải chỉ họ mà thôi - nắm bắt được tầm vóc của việc họ làm chứng rằng mình phó thác trong tay Thiên Chúa, theo gương Chúa Giêsu. Việc này người cao tuổi chỉ có thể làm được khi họ cảm thấy được yêu thương và kính trọng. Vì thế việc quan tâm chăm sóc người yếu kém, đau khổ, không còn khả năng tự lo cho mình, là một bổn phận của giáo hội, và là bằng chứng về tình mẫu tử đích thực của giáo hội. Cần phải liệu cho có nhiều loại chăm sóc và dịch vụ để những người cao tuổi không cảm thấy mình là vô dụng hay gánh nặng, để họ chấp nhận đau khổ như phương thế được tiếp xúc với mầu nhiệm của Thiên Chúa và của con người ”. Chương thứ 5 của sách này đã cố gắng giúp người cao tuổi nhận thức được những vấn đề của tuổi già, đồng thời đã trình bày nhiều ý nghĩa và giá trị của những thử thách, bệnh tật, đau khổ nhằm giúp người già có thể sống Mầu nhiệm Vượt qua để chuẩn bị về cõi vĩnh hằng. Công việc của người cao tuổi là vui vẻ mở lòng đón nhận những thử thách đó với thái độ thanh thản bình an, không áy náy lo lắng, hoàn toàn phó thác hồn xác cho lòng thương xót Chúa. Tốt nhất là bắt chước gương mẫu của thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Chị mới lên U 15 đã xin được vào dòng kín ở Lisieux bên Pháp, tới tuổi 23 thì mắc bệnh ho lao thổ huyết rất đau đớn. Chị được giáo dục rất tốt và đã tìm ra đường thơ ấu thiêng liêng, hết mình phó thác cho Chúa và yêu thương mọi người. Khi ngã bệnh, nữ tu coi phòng bệnh khuyên chị mỗi ngày nên đi bộ 15 phút. Một hôm, một nữ tu thấy chị bước đi vất vả quá, thương hại bảo rằng chị về nằm nghỉ có lẽ tốt hơn, đi thế chỉ thêm mệt. Têrêxa trả lời: vâng, đúng thế. Nhưng chị có biết em lấy sức mạnh ở đâu mà đi được như vậy không? Em đi để cầu nguyện cho một vị truyền giáo, với ý nghĩ rằng ở nơi xa xăm đó có một vị truyền giáo đang kiệt sức vì miệt mài lo mở mang Nước Chúa. Em muốn dâng lên Chúa những bước đi mệt nhọc này để cho vị tông đồ ấy đỡ mệt mỏi. Tới áp ngày Têrêxa qua đời, nữ tu coi phòng bệnh vào thăm, thấy chị chắp hai tay lên ngực, mặt ngửa lên trời, liền hỏi chị: Têrêxa làm gì thế? Phải nhắm mắt ngủ đi chứ. Têrêxa trả lời: chị ơi, em đau đớn quá sức mình không thể nào ngủ được nên em cầu nguyện. Chị cầu nguyện gì nữa? Em chẳng cầu xin gì, em chỉ yêu mến Chúa thôi. Đến chiều, khi chị em trong dòng đứng vây quanh giường, Têrêxa mỉm cười và giã từ chị em rất thiết tha, hai bàn tay nắm chặt tượng chịu nạn, ráng hết sức để chiến trận lần sau hết. Rồi cất tiếng hỏi Mẹ Bề Trên: Mẹ ơi, phải đây là giờ hấp hối không, con sắp chết ư? Mẹ Bề Trên nói: phải, con ơi, giờ hấp hối đấy, nhưng Chúa Giêsu muốn con chịu cơn hấp hối thêm ít phút nữa. Têrêxa thưa: vâng, vâng ... con xin vui lòng chịu. Rồi nhìn ảnh chuộc tội nói: Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, và gục đầu thiếp đi.
 
 9. Dấn thân bảo vệ nền văn hoá sự sống. Đây là một lãnh vực về sự sống mà cả xã hội và giáo hội đang phải quan tâm. Vì thế Tài liệu Toà thánh muốn giúp người cao tuổi hiểu biết và có thái độ phù hợp với ý Chúa. “Thời kỳ bệnh hoạn và đau khổ là thời kỳ tốt nhất để nhớ đến một nguyên lý bất diệt, đó là sự sống có tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm. Sứ mệnh của chính Đức Giêsu với nhiều lần chữa lành các bệnh hoạn chứng tỏ Thiên Chúa coi trọng sự sống phần xác của con người (xem Lc 4,18). Con người không thể tuỳ tiện chọn lựa sống hoặc chết, hay là cho người khác được sống hoặc chết; chỉ một mình Đấng mà “ở nơi Người, ta sống, cử động, và “hiện hữu” (Cv 17,28), mới có quyền chọn lựa như vậy. Việc loại trừ chiều kích siêu việt là tiêu biểu của thời nay, đang không ngừng cổ võ thêm khuynh hướng chỉ đánh giá cao sự sống khi nó đem lại vui sướng và thoải mái dễ chịu, và đánh giá đau khổ như một thất bại không thể nào chấp nhận được, cần phải loại bỏ bằng bất cứ giá nào. Sự chết được coi là “vô lý” nếu nó chấm dứt một cuộc sống đang mở ra một tương lai đầy trải nghiệm lý thú; nhưng ngược lại sự chết trở thành lối giải thoát mà ta có quyền đòi hỏi một khi sự sống đó được coi như không còn ý nghĩa vì tràn ngập đau khổ. Đó là một bối cảnh văn hoá thảm hại dẫn đến việc gây chết êm dịu (euthanasia) mà giáo hội kết án, vì nó xúc phạm nặng tới luật Thiên Chúa, đó là cố ý giết người trái với luật luân lý ”. Như vậy người cao tuổi cộng tác với hồng ân Thiên Chúa ban cho mình bằng cách luôn tôn trọng và yêu mến sự sống, dù có phải trải qua những thử thách, bệnh hoạn, đau khổ, hay chết đi nữa, nhưng nếu hiệp nhất với sự đau khổ và chết của Đức Kitô thì chết chỉ là thay đổi sang cách sống mới, sống vĩnh hằng với Đức Kitô, như lời Ngài dạy: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta dù có chết cũng sẽ sống; và ai sống và tin Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11,25-26).
 
 10. Để kết thúc chương 6 này, xin mượn lời bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhắn nhủ rằng: “Người cao tuổi thà chấp nhận có một tuổi già chủ động tích cực, chuẩn bị chờ đón nó, tìm hiểu nó, không tốt hơn là để cho nó đến đột ngột như cơn gió mùa đông làm lộ những cành cây khẳng khiu ư? Dĩ nhiên nhờ có bước chuẩn bị tốt, ta có một kế hoạch già, một nghệ thuật già hẳn hoi, để hưởng một hạnh phúc trời cho mà người xưa ở Đông phương gọi là “hưởng lạc dư niên” không hay hơn sao” (sách Già ơi, chào bạn , trang 14). Mới đây năm 2008 bác sĩ còn viết thêm cuốn “Chẳng cũng khoái ru?” để mách cho người cao tuổi biết cách “già sao cho sướng ”. Nhưng đây chỉ là sướng về mặt nhân bản ở đời này; còn Kitô hữu Việt Nam chúng ta tin có Trời, có mệnh Trời, có cõi vĩnh hằng, và đã được giáo hội cho biết ý nghĩa và giá trị của tuổi già theo ý định của Thiên Chúa, thì chúng ta vừa có thể theo những gợi ý của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để “già sao cho sướng”về mặt nhân bản ở đời này, vừa còn theo chỉ dẫn của giáo hội để làm cho già được sướng cả xác lẫn hồn ở đời này, và còn tiếp tục sướng trong cõi vĩnh hằng ở Thiên Đường nữa.
 
 
 
 
 
 
 

 

 Chương VII: Chúng ta có thể làm gì cho người cao tuổi ?

 

 

1. Những chương trên đã trình bày về người cao tuổi và tuổi thọ, giúp người cao tuổi nắm bắt được ý nghĩa và giá trị của tuổi thọ về mặt thuần túy nhân bản cũng như về mặt đức tin để họ cộng tác với hồng ân Thiên Chúa ban mà sống tuổi thọ như chặng chót trên con đường Đức Kitô dẫn chúng ta về cõi vĩnh hằng. Còn chương sau chót này, trước hết sẽ trình bày một số gợi ý thực tế của cha Bissonnier để giúp cho người cao tuổi nói chung; sau là một số gợi ý khác giúp cho các bạn linh mục cao tuổi; ngoài ra cha cũng có một số gợi ý dành cho những ai có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi; cuối cùng sẽ tìm hiểu xem Giáo Hội làm gì giúp người cao tuổi.
 
 2. Một số gợi ý thực tế của Cha Bissonnier giúp cho người cao tuổi nói chung . Cha đã dành chương 10 trong sách của Cha để nêu lên những việc sau đây (xem sách La Vie , trang 87-95).
 
 2.1 Trả lời thư từ và điện thoại . Người cao tuổi dễ có khuynh hướng khép kín, thu mình lại để an thân, nên ngại trả lời các thư từ, hoặc ngại dùng điện thoại. Thói quen này có thể dẫn tới hậu quả là dần dần không còn ai muốn thư từ, điện thoại nữa, vì có thể nghĩ rằng người được thư hoặc điện thoại ngại ngùng không muốn nhận nên không hồi âm. Không thư từ trả lời thì ít ra cũng dùng thiếp viết mấy chữ hoặc điện thoại vắn tắt mấy câu cám ơn, báo tin đã nhận. Dù một hồi âm nhỏ cũng gây cảm động và khuyến khích người liên lạc muốn tiếp tục. Nếu không có đi có lại, người cao tuổi sẽ trở thành “tủ lạnh ”, lúc nào cũng lạnh lùng và khép kín, vừa cô đơn vừa cô quạnh.
 
 2.2 Thăm viếng . Việc liên lạc bằng thư từ hay điện thoại là tốt và cần, nhưng không thể thay thế được việc thăm viếng gặp mặt trực tiếp. Tuy nhiên, việc thăm viếng nên thực hiện cách thận trọng, tế nhị, chân thành và khéo léo, không khách sáo mà cũng không kéo dài. Cha Bissonnier kể lại khi cha thăm viếng một nhà hưu, có một người đang hưu ở đó dặn cha rằng, cha đến đây phải tập thói quen chào hỏi mọi người cha gặp, dù có người sẽ không đáp lại. Cha đã theo lời dặn, và cảm nghiệm rằng chào hỏi mọi người mình gặp dù chỉ một lời chào ngắn gọn hoặc một câu hỏi thăm sức khỏe cũng làm cho tình người tự nhiên nở ra nơi mình cũng như nơi mọi người. Việc đi thăm người khác, hoặc mời người khác lại thăm giúp người cao tuổi thoát ra khỏi tình trạng sống đơn điệu, cô quạnh, xơ cứng. Và cha đề nghị hãy cố gắng đừng trở thành người-được-mời-nhưng-chẳng-mời-ai-bao- giờ . Sống ở đời phải có đi có lại mới toại lòng nhau.
 
 2.3 Sắp xếp công việc và đồ đạc cho gọn gàng . Cha nhắc nhở rằng người cao tuổi thường tích lũy nhiều đồ đạc và dễ bị cám dỗ hoãn lại để sắp xếp sau, khiến đồ đạc hay công việc dồn đống lộn xộn dở dang, mà thường là để về sau thì không kịp vì bệnh tật hay cái chết ập đến, để lại cho thân nhân phải bối rối trước cả đống công việc và đồ đạc ngổn ngang. Vì thế cần sắp xếp giải quyết gọn gàng ngay khi đang còn tỉnh táo và có thể; người cao tuổi sẽ cảm thấy quãng cuối đời được an bình, không bối rối bận tâm. Một việc cần làm hơn cả là viết di chúc rõ ràng, và trao cho người chắc chắn tin cậy. Đây là dấu hiệu tình yêu của người cao tuổi đối với những người thân còn sống sau mình, một công việc hữu ích cho cả đôi bên. Việc thứ hai cũng quan trọng là sẵn sàng chia sẻ . Chia sẻ đồ đạc, tiền bạc, những gì mình thấy không còn cần thiết cho hiện tại và tương lai nữa; chia sẻ giúp mình vừa được tự do, nhẹ nhàng, thanh thoát đúng theo ý mình, vừa đem lại niềm vui cho những người được chia sẻ.
 
 2.4 Thể dục . Cha Bissonnier có nhận xét rằng người cao tuổi thường quen ngồi giu giú, giam hãm mình trong phòng... rất hại cho sức khỏe. Nếu vì bệnh tật, bác sĩ có dặn phải vận động như đi bộ, thở, uống nước... cha mách nước là người cao tuổi hãy tuân theo các chỉ dẫn đó như để thay thế việc ăn chay hãm mình mà tuổi già đã được Giáo Hội miễn trừ. Ở đây tôi xin góp ý đặc biệt về việc thở . Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dành 10 trang trong sách “Già ơi chào bạn” (1999) từ trang 62-71, để bàn về thở; rồi trong sách “Chẳng cũng khoái ru” (2008) ông còn dành 25 trang nữa, từ trang 22-46 để bàn kỹ hơn về thở, vì ông coi “Thở là một điều quan trọng ”. Xin tóm tắt ý kiến rất đáng lưu ý của ông. Ông đã quan tâm đến chuyện thở là nhờ quen biết bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Bác sĩ Viện sinh năm 1913, tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa tại Pháp năm 1941. Năm 1942 bị lao phổi nặng. Năm 1948 ông chịu mổ 7 lần, cắt toàn bộ phổi bên phải và 1/3 phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ sống thêm chừng 2 năm. Ông đã tìm ra phương pháp thở, và kết quả ông đã sống tới U 85 mới chết (1997). Phương pháp thở của bác sĩ Viện tổng hợp từ khí công, thiền, Yoga, dưỡng sinh của Phương Đông, và được giải thích bằng y học Phương Tây. Bác sĩ Viện tóm tắt phương pháp thở của ông trong bài vè 12 câu:
 
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
 Đứng ngồi hay nằm
 Ở đâu cũng được
 Lúc nào cũng được
 
 
Còn bác sĩ Ngọc, sau khi học và thử nghiệm thì tóm gọn rằng: chỉ cần nhớ và thực hành hai điều: một là thở bụng, hai là dõi theo hơi thở. Để tập thở bụng chỉ cần đặt bàn tay lên bụng rồi thở ra thở vào bằng bụng tự nhiên, thấy bàn tay lên xuống nhịp nhàng là được, không cần phải chú ý đến thót bụng hay phình bụng; tập quãng 6 tháng thì mới quen có phản xạ. Còn để dõi theo hơi thở thì lúc thở vào theo dõi luồng hơi đi vào mũi đến ngực bụng đến huyệt đan điền ở dưới rún; lúc thở ra thì theo dõi ngược lại. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1 cm là đủ hút hoặc đẩy 250 cm3 không khí, mà cơ hoành có thể nhích từ 1-7 cm, nên khi thở sâu và đều là có thể thở từ 1 lít đến 1,5 lít không khí. Thở bụng làm cơ hoành đưa lên đẩy xuống ép ruột già ruột non, làm tăng thêm nhu động ruột, chẳng khác nào ta nhồi bột, phân muốn cứng cũng khó. Chỉ có vậy làm ta ăn ngon hơn, ngủ dễ hơn, bớt bón, và giảm căng thẳng (stress). Bác sĩ Ngọc hỏi rằng như thế chẳng cũng khoái ru (xemChẳng cũng khoái ru, trang 27-32).
 
 2.5 Trí dục . Cha Bissonnier cho rằng trí dục vẫn cần thiết và người cao tuổi lại có thì giờ rảnh rỗi hơn. Do đó không nên chỉ bằng lòng với việc xem báo chí thông thường cho biết thời sự... mà nên tìm sách hoặc bài báo nào có chất lượng, giúp mình động não, vận dụng trí óc để suy nghĩ nhiều và sâu. Đặc biệt cha mời gọi mọi người cao tuổi tiếp tục học hỏi Kinh Thánh , vì cha nghiệm thấy rằng dù cha đã học Kinh Thánh ngay từ trên đầu gối mẹ, cho đến nay già rồi mà vẫn còn khám phá nhiều điều mới lạ trong Lời Chúa. Ngày nay có nhiều sách giúp học hỏi Kinh Thánh mới xuất bản, như bộ sách 4 cuốn “Để làm giàu kiến thức Kinh Thánh ”, 2009, do linh mục cao tuổi Phanxicô Xavie Lã Thanh Lịch, dịch từ tiếng Pháp, sách do nhiều tác giả nổi tiếng về Kinh Thánh viết; hoặc sách “Đường về Emmaus ”, “Học Thánh kinh trong 100 tuần ”, 2008, của giám mục Phêrô Nguyễn Khảm.
 
            Nhân tiện bàn về Kinh thánh tôi muốn góp ý với các người cao tuổi, đặc biệt là các giáo sĩ tu sĩ, thực hiện một việc rất ích lợi và rất thích hợp vừa giúp trí dục vừa giúp đức dục nữa, đó làviết Phúc âm thứ 5 . Viết Phúc âm thứ 5 là việc mới lạ với nhiều người. Tôi cũng mới học viết Phúc âm thứ 5 từ năm 2008. Tôi học từ một bài báo mà Cha François Bouyer, linh hướng của tôi đã gửi để giúp tôi tự đào tạo trường kỳ. Bài báo có đầu đề là “Lire pour vivre” (đọc để sống), do Cha André Fossion giáo sư dòng Tên, đăng trong “Báo mới về thần học” (Nouvelle revue théologique), số 129 năm 2007, trang 254-271. Trong bài báo, cha đã trình bày Phúc âm thứ 5 là gì và hướng dẫn cách viết Phúc âm thứ 5. Cha cho biết rằng qui điển của Giáo Hội chỉ gồm 4 Phúc âm, còn những dấu vết lịch sử khác về Chúa Giêsu ở ngoài 4 Phúc âm thì thường được gọi là Phúc âm thứ 5, chẳng hạn Phúc âm thứ 5 của Thánh Tôma. Về sau này, nhiều tác giả viết sách lấy đầu đề là Phúc âm thứ 5, nhưng hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, chẳng hạn ông Rudolf Steiner bên Đức, năm 1913-1914 có các bài nói chuyện về Phúc âm thứ 5; ông Mario Pomillo năm 1975, và ông Bernard Marie năm 1998 cũng ra sách lấy đầu đề là Phúc âm thứ 5. Sau cùng ông Alain Marchadour xác định Phúc âm thứ 5 là Phúc âm mà mỗi Kitô hữu sau khi đọc Bốn Phúc âm của Chúa thì viết lại Phúc âm Chúa trong đời sống mình, hoặc bằng đời sống mình, chứ không phải là viết trên giấy tờ. Cha Fossion rất tâm đắc về ý nghĩa này và đã viết bài báo để khai triển ý nghĩa và cách viết Phúc âm thứ 5. Xin tóm tắt như sau: muốn viết Phúc âm Chúa trong đời sống mình thì Kitô hữu phải vận dụng tài trí với kinh nghiệm có tính sáng tạo (compétence Chrétienne) để tìm hiểu (thế giới của bản văn Lời Chúa (thế giới có nghĩa là tổng thể gồm nhiều thứ như: chủ thể, xã hội, môi trường, sự vật, hiện tượng, tình huống...); (thế giới của người đọc bản văn Lời Chúa; ( rồi ghép hai thế giới vào nhau giống như ghép cây vậy, nghĩa là gắn một mắt hay chồi của một cây vào cây khác để thành một cây mới. Cha Fossion dùng chữ ghép, mà từ-nguyên Hy lạp của nó là grafein có nghĩa là viết. Như thế, Kitô hữu vận dụng để chuyển động Lời Chúa vào đời sống mình với óc sáng tạo để Lời Chúa được sống trong hoàn cảnh và theo khả năng của mình, đó là ghép hoặc viết lại Lời Chúa trong hay bằng đời sống mình. Xin đơn cử một ví dụ (không phải của Cha Fossion). Kitô hữu đã đọc dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo khó (x. Lc 16,19-31) thì thấy thế giới của bản văn Lời Chúa này có ông nhà giàu mặc toàn lụa là và ăn tiệc linh đình, có anh Ladarô mụn nhọt đầy mình, nằm ở cổng nhà ông nhà giàu, thèm ăn mà chẳng có gì ăn; rồi cả hai chết: anh nghèo được ở trong lòng Abraham, còn ông giàu ở trong hỏa ngục chịu cực hình lửa thiêu phải xin ông Abraham cho Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi cho mát, nhưng ông Abraham bảo rằng suốt đời con đã sướng nay con phải chịu khốn khổ, còn suốt đời Ladarô đã khổ nay được an ủi, và Ladarô không làm như con xin được... Còn thế giới của người đọc, ta có thể chọn bất cứ Kitô hữu nào già trẻ lớn bé mà ta biết thế giới của họ và họ đã đọc dụ ngôn. Tôi xin chọn ông Albert Schweitzer (1875-1965) một người Pháp làm giáo sư thần học, thích chơi phong cầm, và rất vui sướng trong cuộc sống của mình, không còn mơ ước gì khác nữa. Thế rồi ông có dịp đọc dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô nghèo. Ông suy niệm và ghép hai thế giới lại với nhau: ông thấy mình đang là ông nhà giàu, còn đám dân chúng khốn khổ ở Gabon, một thuộc địa của Pháp ở Phi Châu, đang là những anh nghèo Ladarô hết sức bức thiết cần bác sĩ chăm sóc. Tài trí sáng tạo của ông, và chắc chắn có Chúa Thánh Thần soi sáng đã làm ông nảy sinh quyết định sẽ đi học y khoa để trở thành bác sĩ và sang Gabon làm việc. Đậu bác sĩ, ông cưới một người vợ cùng chí hướng với ông và năm 1913, lúc tuổi 38 vợ chồng ông sang Gabon lập một bệnh viện cho những Ladarô nghèo khổ. Họ đã tặng ông danh hiệu “Bác sĩ của rừng rậm” và năm 1952 ông lãnh giải thưởng Nobel. Ông đã viết Phúc âm thứ 5 của ông - Đến khi có dịp từ Gabon về Pháp, trên chuyến máy bay có nhiều người Phi châu cùng đi, lúc tới phi trường và xuống khỏi máy bay, ông lại có dịp viết Phúc âm thứ 5 của ông. Xuống sân bay ông thấy một số thân hữu ra đón ông, nhưng cũng thấy một thiếu phụ Phi châu khệ nệ xách túi nhẹ túi nặng, ông liền đi tách ra đến xách giúp cái túi nặng đem vào nhà ga sân bay rồi mới tới gặp các thân hữu. Mọi người bỡ ngỡ chăm chú dõi theo việc ông làm. Ông là Kitô hữu, chắc chắn ông đã thừa biết dụ ngôn người Samari tốt lành, và khi gặp người thiếu phụ mang cái túi xách nặng ông mau mắn có sáng kiến ghép thế giới của ông vào thế giới của bản văn Lời Chúa để ông đã trở thành người Samari tốt lành, người thực thi lòng thương xót đối với thiếu phụ Phi châu một cách rất tự nhiên. Như vậy, trong cả hai trường hợp vừa kể, ông đã viết Phúc âm thứ 5 trong đời sống hoặc bằng đời sống của mình, mà mọi người chung quanh có thể đọc dễ dàng. - Từ khi học được cách viết Phúc âm thứ 5, tôi đọc Lời Chúa rồi động não để ghép thế giới của bản văn Lời Chúa và thế giới của tôi lại và làm nảy sinh một lối sống Lời Chúa vừa đúng ý Chúa vừa phù hợp hoàn cảnh và khả năng của mình. Nếu người cao tuổi đọc Lời Chúa rồi dùng tài trí ghép và viết lại trong đời sống mình cho phù hợp khả năng và hoàn cảnh độc đáo của mình thì đó là cách chuẩn bị tốt nhất để về cõi vĩnh hằng. Tuy nhiên, Kitô hữu phải tìm hiểu Lời Chúa và viết Phúc âm thứ 5 của mình đúng với truyền thống của Giáo Hội, nghĩa là để sống hiệp thông thực sự với Chúa Kitô, chứ không theo ý riêng mình để làm chuyện gì lập dị.
 
 3. Một số gợi ý của Cha Bissionnier giúp cho các bạn linh mục . Cha Bissonnier có nhận xét rằng các người làm việc ngoài đời đến tuổi hưu là được nghỉ luôn, còn các linh mục thường vẫn làm việc khi tuổi đã vượt xa những người ngoài đời về hưu; có khi còn giữ những chức vụ quan trọng hơn như coi xứ lớn, đảm trách địa vị cao trong giáo phận. Tuy nhiên cha cũng góp ý rằng:
 
 3.1 Các linh mục cao tuổi thường nghĩ rằng không ai có thể thay thế mình vì đã có kinh nghiệm coi xứ lâu năm, sợ đoàn chiên không có chủ chăn xứng hợp, nên không muốn rời bỏ chức vụ. Nhưng dù thế nào, cũng nên vui vẻ nhường chỗ cho các linh mục khác, bởi vì có nhường chỗ mình vẫn tiếp tục là linh mục như ai...
 
 3.2 Các linh mục cao tuổi về hưu, khác với những người đời nghỉ hưu ở chỗ các linh mục có về hưu vẫn tiếp tục là linh mục , linh mục đến đời đời, đó là hạnh phúc của linh mục nhưng cũng là trách nhiệm của linh mục. Linh mục dù cao tuổi rất nhiều vẫn có thể làm lễ, giải tội, làm cố vấn hoặc linh hướng tùy theo khả năng và hoàn cảnh mình. Do đó, nếu linh mục lấy cớ đã về hưu mà từ chối không thi hành các trách nhiệm trên là không thể chấp nhận được.
 
 3.3 Các linh mục cao tuổi đều phải trải qua tình trạng cô đơn cô quạnh như các người cao tuổi khác . Hơn nữa các linh mục còn tự nguyện sống độc thân, không lập gia đình, nên dễ cảm thấy cô đơn cô quạnh hơn, may ra mới có họ hàng bà con cháu chắt thỉnh thoảng nhớ đến bác, cậu, chú hay anh em là linh mục nên đến thăm rồi cũng để lại linh mục lẻ loi. Nhưng thực ra, khi làm linh mục triều hay dòng là nhập vào gia đình giáo phận hay dòng, có đức giám mục giáo phận là cha, hoặc bề trên dòng là viện phụ, và các linh mục giáo phận hay các linh mục trong dòng là anh em với nhau. Vậy dù cao tuổi đã về hưu, đều vẫn có quyền tìm được thuốc giảm cô đơn cô quạnh nơi anh em linh mục của mình, nhất là nơi giám mục giáo phận hay cha bề trên dòng. Cha Bissonnier cũng gợi ý với các linh mục nên duy trì liên lạc cách nào đó với các linh mục cao tuổi, nhất là các linh mục còn khỏe mạnh, để nhờ các ngài làm lễ và coi xứ cho ít bữa, hoặc mời dự lễ lạt nào đó. Cha cũng mong ước các linh mục cao tuổi có thể chung sống với các linh mục trẻ trong xứ, nhưng bảo đảm không gây phiền hà cho nhau, linh mục trẻ được tự do chu toàn nhiệm vụ của mình. Dịp cấm phòng hạt Đại Hải, giáo phận Cần thơ, các linh mục trong hạt đã cùng với Đức Cha Phó bàn đến việc làm sao các linh mục về hưu không cảm thấy bị cô đơn cô quạnh, và thấy giải pháp “ưu việt” là các xứ lớn trong hạt đón nhận linh mục trong hạt về hưu, với sự bảo trợ của Tòa giám mục, như thế các linh mục về hưu vẫn gần gũi anh em linh mục, vẫn gần gũi giáo dân và vẫn có thể làm một số việc mục vụ tùy theo thỏa thuận với cha xứ. Thực ra, dù linh mục đã tự nguyện sống độc thân vì Nước Chúa, nhưng linh mục vẫn là người, thì về phương diện con người thế nào cũng không tránh khỏi cô đơn cô quạnh, ngay cả khi còn trẻ chứ chẳng phải đợi tới tuổi già. Nhưng về phương diện linh mục, linh mục có Chúa Giêsu là bạn chí thiết, nếu linh mục luôn gắn bó với Chúa thì Chúa sẽ luôn ở cùng, không để linh mục cô đơn cô quạnh. Tôi sực nhớ đến một bài thơ rất cảm động và sâu sắc mà một bạn đường của tôi gửi tặng vào một dịp lễ. Bài thơ bằng tiếng Pháp của Ademar de Barras, Brésil, xin tạm dịch:
 
 Một hôm một người tới Thiên đàng hỏi Chúa
Cho được nhìn lại toàn bộ đời sống mình
Cả những niềm vui cũng như những lúc khó khăn.
Chúa đã chấp thuận.
Chúa cho người nhìn xem toàn bộ đời sống mình
Như được phóng chiếu dọc theo bãi biển.
Còn người thì đi dạo dọc theo bãi đó,
Người nhìn thấy suốt dọc con đường
Có bốn dấu chân in trên nền cát,
Những dấu chân của người và của Chúa.
Nhưng vào những lúc khó khăn
Chỉ còn hai dấu chân mà thôi.
Rất bỡ ngỡ và rất khổ tâm,
Người nói với Chúa:
Con thấy đúng những lúc khó khăn
Là Chúa đã để con một mình...
Chúa đáp lại người rằng: không phải đâu.
Trong những lúc khó khăn
Chỉ còn hai dấu chân là dấu chân của Ta mà thôi,
Vì lúc đó Ta đã ẵm người trên tay Ta.
(Parce qu’ alors je te portais dans mes bras).
 
 Những lúc khó khăn đây chính là tình trạng về hưu, bị xã hội đặt ra bên lề, tiến trình lão hóa, bệnh tật, khả năng bị tước đoạt dần... người cao tuổi hãy nghĩ rằng Chúa đang thanh luyện để chuẩn bị đem ta về cõi vĩnh hằng, Chúa không để ta cô quạnh.
 
 4. Một số gợi ý của Cha Bissonnier cho những ai có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi . Cha Bissonnier là tuyên úy chuyên nghiệp cho các viện điều dưỡng và trong 16 năm cuối đời cha ở Nhà Hưu Dưỡng của giáo phận, cha có kinh nghiệm rằng chất lượng đời sống của những người cao tuổi tùy thuộc phần lớn vào những người có trách nhiệm gần gũi chăm sóc họ. Cha đã dành chương 11 để trình bày một số gợi ý (xem La Vie , trang 97-105).
 
 4.1 Sai lầm phải tránh . Những người chăm sóc người cao tuổi thường muốn cho người cao tuổi được nghỉ ngơi, và tìm cách tránh cho họ khỏi phải làm gì, hoặc phải cố gắng. Sự ân cần như thế làm cho cảm động nhưng có khi làm cho nực cười. Cha kể chuyện khi cha được mời tới thuyết trình trong một hội nghị, các người mời đã chú ý chăm sóc bao bọc cha đủ cách: họ đỡ cha đi xuống các bậc, họ dìu cha bước lên bục giảng... đang khi cha vẫn còn đi trượt tuyết được. Cha thấy nhiều nhà hưu dưỡng muốn làm tất cả mọi sự thay thế cho người cao tuổi, chẳng khác gì lo cho các em bé chưa đi vững, chưa tự mình làm lấy được, như thế chỉ làm cho khả năng của người cao tuổi cùn yếu đi và xuống cấp. Trái lại, có nơi thì tổ chức những hoạt động ồn ào náo nhiệt không phù hợp với nhu cầu và lợi ích của những người đang nội trú, chẳng hạn những bữa tiệc đông người và kéo dài, những buổi hòa nhạc kích động chói tai không thể chuyện trò gì với nhau được, những cuộc dã ngoại lâu giờ trên xe buýt làm mọi người mệt nhoài...
 
 4.2 Những việc phải làm . Điều cần thiết là giúp người cao tuổi nhận ra rằng mọi người cần đến họ, họ luôn có ích cho người này người kia, cho việc này việc nọ. Không gì tệ cho bằng biến họ thành những con người lạc hậu, lỗi thời, vô dụng, không còn xài được. Một sai lầm rất lớn là không dám nhờ họ việc gì cả. Cần phải biết phát huy tài trí của họ bằng cách nhờ người này nói chuyện về vấn đề là sở trường của họ, như chính trị, xã hội, văn hóa, phim ảnh, nghệ thuật, thể thao... hoặc nhờ họ đến thăm bệnh nhân nằm ở gia đình hoặc ở bệnh viện... Tóm lại là làm bất cứ việc gì giúp người cao tuổi tránh khỏi thói quen thu mình, khép kín, ở yên một chỗ, vì cho rằng mọi người gạt bỏ mình ra bên lề. Cái nhìn của một người đối với người cao tuổi, cũng như cái nhìn của một người dù trẻ hay già đối với người khác đều có thể quyết định cho thái độ và cách ứng xử của họ. Cha đã kết luận khôi hài rằng nếu muốn các nhà hưu cho người cao tuổi không biến thành “nhà cho các em bé ba tuổi” (pouponnières) thì cần phải tránh ba cái thiếu sót sau đây:
 
 Thứ nhất là thiếu sót thông tin cần thiết cho những người trong nhà hưu. Phải nhớ loan báo chung hoặc bằng bản thông tin... Nhiều khi những chuyện thời sự ngoài xã hội hay trên thế giới ai cũng biết được ngay, qua truyền thanh truyền hình, còn chuyện xảy ra trong nhà thì người trong nhà lại mù tịt, chẳng hạn có người đi vắng xa, đi bệnh viện, hoặc có sự cố gì quan trọng, hoặc có chương trình thay đổi trong ngày hay trong tuần...
 
 Thứ hai là thiếu sót bàn tính trao đổi để thống nhất hòa hợp với nhau, chẳng hạn về chương trình sống chung, về các món ăn, về các loại giải trí... nếu những việc đó được nhiều người đồng ý tán thành thì vui biết mấy.
 
 Thứ ba là thiếu sót cơ hội để cộng tác tham gia, bởi vì mọi sự đã được tổ chức sắp đặt sẵn sàng trước, không còn gì để làm, chẳng hạn vườn bông, cây kiểng... Và cha nhắc lại một điều vốn đã quen là muốn làm tất cả mọi sự cho người hưu, lấy cớ để họ được nghỉ ngơi an nhàn không còn phải vất vả gì nữa, bù lại quãng đời nhọc nhằn đã qua. Tốt nhất là tạo cơ hội cho người hưu tham gia việc nào đó tùy theo khả năng và sở thích của họ.
 
 5. Một số gợi ý của Cha Bissonnier cho các người phụ trách các Nhà hưu . Cha còn viết thêm trong Phần phụ của sách mấy gợi ý sau đây nữa
 
 5.1 Cha mong ước nhà hưu là cộng đồng mà mọi người thương yêu nhau như anh em , cầu nguyện cho nhau, mọi người sống dường như đang sống trong cõi vĩnh hằng cách nào đó. Cộng đồng yêu thương nhau như anh em là khi người ta có dịp tiếp xúc với cộng đồng ấy người ta thấy rõ nét là cộng đồng không ước mong gì khác hơn là được chung sống trong an bình, được tập để chấp nhận nhau, được quý mến nhau, được chia sẻ với nhau mọi công việc. Cha cũng công nhận đây là chuyện khó, vì người cao tuổi thường muốn khép kín và thu mình lại. Hơn nữa, trước kia nhiều anh em linh mục đã quen sống cô quạnh, nay lại phải tập để sống chung. Do đó cũng phải nhờ ơn Chúa giúp mà tập cho quen.
 
 5.2 Cha mong ước mọi người có trách nhiệm và những người sống trong nhà hưu đều quan tâm để nhất trí với nhau về quan niệm đối với nhà hưu, cũng như về quan niệm đối với việc tổ chức nhà hưu . Tất cả đều phải tạo thuận lợi cho việc gặp gỡ nhau, trao đổi và liên kết giữa những người hưu với nhau, cũng như giữa họ với các nhân viên phụ trách nhà hưu. Việc này chỉ có thể có được khi mọi người đều sống hiệp thông với Chúa, và chấp nhận rằng người có khác biệt với tôi là để tôi với họ bổ túc cho nhau trong tình thương yêu.
 
 6. Giáo Hội làm gì cho người cao tuổi ? Sau khi đã thu thập các gợi ý thực tế của Cha Bissonnier cho người cao tuổi, tới đây ta tìm hiểu Giáo Hội làm gì cho người cao tuổi. Như đã nói ở trên, năm 1998 Hội đồng giáo hoàng về giáo dân, nhân dịp Năm quốc tế về người cao tuổi (1999) đã phổ biến tài liệu “Phẩm giá và sứ mệnh của người cao tuổi trong giáo hội và thế giới ”, trong đó bàn về ý nghĩa và giá trị của tuổi già, tuổi già trong Thánh kinh, những vấn đề của tuổi già, giáo hội và người cao tuổi, và những mục tiêu mà mục vụ cho người cao tuổi phải hướng tới. Các vấn đề về ý nghĩa và giá trị của tuổi già, người già trong Thánh kinh, ta đã có dịp khai triển trong các chương bốn, năm, và sáu; trong chương này ta tóm tắt những gì giáo hội làm cho người cao tuổi trong hai việc:
 
 6.1 Giáo Hội phải lo huấn giáo cho người cao tuổi . Lòng đạo đức của người cao tuổi phải chiếm chỗ trọng yếu trong đời sống của họ. Nhưng lòng đạo đức này dễ gặp những cái “định mệnh”không thể tránh khỏi đó là đau khổ, là những giới hạn, những bệnh tật, những mất mát ở giai đoạn già yếu... những định mệnh này dễ bị coi là những dấu hiệu Thiên Chúa không còn nhân từ, hoặc như là Thiên Chúa trừng phạt vậy. Cộng đồng giáo hội có trách nhiệm thanh luyện cái quan niệm định mệnh sai lầm đó bằng việc lo huấn giáo cho họ, nhằm xóa đi hình ảnh về một Thiên Chúa đáng sợ, và giúp họ khám phá ra Thiên Chúa là tình yêu. Huấn giáo của giáo hội phải giúp người cao tuổi làm quen với Kinh Thánh, để hiểu sâu hơn về đức tin, để có đức cậy vững vàng, giúp họ trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cháu về đức tin. Tài liệu nhắc đến các phụ nữ cao tuổi ở Nga (babouchkas) đã có thể gìn giữ đức tin Kitô giáo luôn sống động cho mình và còn truyền lại cho con cháu, trong suốt những thập niên ở trong vùng mà ai có đức tin tức là người phạm tội ác. Giáo hội cần đào tạo các linh mục và tình nguyện viên đặc trách người cao tuổi để giúp người cao tuổi trở thành những tông đồ không ai thay thế được.
 
 6.2 Những mục tiêu mà mục vụ cho người cao tuổi phải nhắm tới . Tài liệu đưa ra nhiều mục tiêu, chỉ xin tóm tắt những gì là thiết thực và cần thiết hơn.
 
- Thứ nhất : Giúp người cao tuổi vượt qua thái độ dửng dưng hoặc nghi ngờ và không muốn tích cực tham gia hoặc lãnh trách nhiệm đối với các việc chung, bằng cách hội nhập họ vào cộng đồng các tín hữu mà không phân biệt đối xử; và khơi lại trong họ ý thức rằng Kitô hữu là phải luôn đổi mới ơn Bí tích Rửa tội và sống cho trọn vẹn hơn, không được lơ là với việc loan báo Lời Chúa, với việc cầu nguyện, với ơn Chúa, với việc làm chứng bằng bác ái.
 
- Thứ hai : Tổ chức sao cho nếp sống cộng đồng ở các nhà hưu vừa cổ võ vừa khuyến khích người cao tuổi tham gia bằng cách làm nổi giá trị của khả năng mỗi người. Các giáo xứ giúp phát triển các hoạt động thiêng liêng, hoạt động cộng đồng và hoạt động giải trí cho người cao tuổi; giúp họ tham gia các hội đồng giáo xứ và các hoạt động kinh tế. Tạo cơ hội để họ dễ tham gia việc cử hành Thánh Thể, cử hành Bí tích giao hòa, dự các cuộc hành hương, tĩnh tâm, linh thao; làm sao cho các hoạt động đó không bị ngăn trở vì thiếu người tháp tùng hoặc thiếu tổ chức sắp đặt.
 
- Thứ ba : Quan tâm đặc biệt đến những người cao tuổi bệnh tật hoặc không còn làm chủ về thể xác lẫn tâm trí, lo cho họ cả về mặt thiêng liêng như giúp lãnh Bí tích Xức Dầu bệnh nhân và Bí tích Thánh Thể như của ăn đường. Phải chống lại khuynh hướng bỏ rơi người hấp hối, không giúp họ cả phần hồn và phần xác. Đây là trách nhiệm căn bản trước hết của các cha Tuyên úy, của thân nhân, gia đình, và của cộng đồng.
 
- Thứ tư : Xã hội và gia đình phải dành chỗ xứng đáng cho người cao tuổi. Đặc biệt khi người cao tuổi phải sống trong những nhà công hay tư thì cộng đồng giáo xứ là “gia đình của các gia đình”phải trở thành một cơ quan phục vụ (diaconia) cả về mặt nhân bản lẫn tôn giáo.
 
- Thứ năm : Các linh mục cao tuổi là thừa tác viên của giáo hội và là chủ chăn của các cộng đồng Kitô hữu phải được giáo phận chăm sóc cho xứng hợp, và cả cộng đồng giáo xứ cũng phải cộng tác với giáo phận mà lo cho các linh mục. Ngoài ra, các tu sĩ cũng cần được đối xử tương xứng như vậy. (Về vấn đề này Cha Bissonnier đã góp ý trong số 3 của chương này).
 
- Thứ sáu : Thế hệ trẻ cần được đào tạo để biết liên đới với thế hệ già, nghĩa là phải có trách nhiệm với nhau, gắn bó ràng buộc với nhau, chứ không dửng dưng. Nhất là trong một xã hội hưởng thụ ngày nay, tính ích kỷ, và chủ nghĩa cá nhân duy vật đang thắng thế, trong đó các phương tiện truyền thông lại không giúp gì để ngăn chặn sự cô lập ngày càng tăng giữa hai thế hệ, thì những giá trị như lòng vị tha vô vụ lợi, sự cống hiến tận tâm, sự cùng chung hợp tác, sự đón nhận và tôn trọng người yếu kém hơn, quả thực là những thách thức, nghĩa là những vấn đề khó khăn đòi hỏi cả những người mong ước khai sinh được một nhân loại mới, và cả thế hệ trẻ nữa, phải làm sao cho có được những giá trị đó.
 
- Thứ bảy : Tài liệu Tòa thánh không nói tới nơi ở của người cao tuổi, nhưng Thư của Đức Gioan Phaolô 2 có gợi ý là nơi tự nhiên nhất để sống thân phận tuổi già là nơi mà người cao tuổi cảm thấy như “nhà mình ”, như được sống giữa những người thân quen, bạn bè, và nơi mà họ có thể làm được điều gì hữu ích. Lý tưởng là người cao tuổi được ở nơi gia đình, với trợ giúp về sinh sống và thuốc thang. Nếu có phải ở nhà hưu để có bạn già chung sống và được trợ giúp thì cũng tốt. Nhưng các nhà hưu phải lo sao không những để tổ chức quản lý hữu hiệu, mà còn tạo ra bầu khí có tình có nghĩa, làm cho người cao tuổi cảm thấy luôn được yêu mến quí trọng, và vẫn hữu ích cho giáo hội và xã hội (xem Thư gửi người cao tuổi , số 13).
 
 

 

 Lời Cuối

 
 
 Bổn phận của Kitô hữu còn đang sống trên đời này, giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, già hay trẻ, là bước đi cùng với người cao tuổi và bước đi đến với người cao tuổi. Cho nên trước hết phải lo liệu sao để mọi người thay đổi tâm tư hay tâm thức đối với tuổi già để không ai dửng dưng xa cách, nhưng thật tình muốn liên đới với nhau. Xin nhắc lại lời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói: “Sống trong cùng thời đại, có cùng một ngôn ngữ, một phong tục tập quán, theo tôi, nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ. Hãy nói rằng: Tôi với em là hai kẻ đồng hành trong cuộc đời này. Sống trong cùng một thời đại, tôi nghĩ rằng không có già không có trẻ. Nếu không thì làm sao cảm thông nhau được. Tất cả mọi người là bạn dù đó là con của bạn đi nữa. Nếu cuộc đời này ai cũng nghĩ rằng mọi người đều là bạn của nhau chắc là cuộc sống sẽ thêm da thêm thịt đẹp đẽ biết bao nhiêu... Có những thứ tôn ti trật tự cần giữ gìn nhưng cũng có những thứ tôn ti cần xóa bỏ. Xóa bỏ để cuộc đời trở nên thân ái hơn” (xem Gió heo may đã về , trang 121-122). Xã hội và giáo hội phải chung sức làm cho hai thế hệ già trẻ liên đới với nhau, tùy thuộc vào nhau, chứ không loại trừ nhau. Nếu thế hệ trẻ được đào tạo tốt để “thảo kính cha mẹ” bằng ba bổn phận: tiếp nhận, trợ giúp, và đánh giá đúng phẩm chất của tuổi già; còn người cao tuổi nắm vững được ý nghĩa, giá trị, và những đặc sủng đã làm cho mình trở nên “bộ nhớ” về lịch sử và về những giá trị nhân bản nền tảng để truyền lại cho thế hệ trẻ, thì như thế hai thế hệ sẽ liên đới với nhau làm thành một nhân loại mới.
 
Riêng đối với Kitô hữu cao tuổi đã bước sang tuổi vào đông, xin mượn lời kết thúc bức thư gởi cho người cao tuổi của Đức Gioan Phaolô 2, như lời cuối cho tập sách về cõi vĩnh hằng này: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì thật là tuyệt vời khi được hao mòn đến tận cùng vì sự nghiệp Nước Trời. Đồng thời tôi nghiệm thấy được bình an lớn lao khi nghĩ đến giờ Chúa gọi tôi từ cuộc sống này sang cuộc sống khác. Vì thế môi tôi thường mấp máy một lời kinh mà không chút buồn phiền, lời kinh linh mục hay đọc sau khi dâng lễ: đến giờ con chết xin gọi con, và dạy con đến với Chúa, (in hora mortis meae voca me, et jube me venire ad Te). Đó là lời kinh của niềm hy vọng Kitô giáo, lời kinh không lấy mất niềm vui của giây phút hiện tại, nhưng lại phó dâng ngày mai cho Chúa nhân lành che chở. Xin cho con biết thưởng thức cả bốn mùa xuân hạ thu đông của cuộc đời... và khi tới giây phút vượt qua cuối cùng, xin cho con đối mặt với giây phút đó với một tâm hồn thanh thản mà không nuối tiếc những gì phải để lại ”. (xem Thư gửi người cao tuổi , số 17,18).
 
Sau hết, xin cầu chúc các Kitô hữu cao tuổi vừa theo gợi ý của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc để “già sao cho sướng” về mặt nhân bản ở đời này, vừa theo gợi ý và hướng dẫn của Cha Bissonnier và của giáo hội để làm cho “già sao cho sướng” cả xác lẫn hồn ở đời này bằng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội và giáo hội, và còn được tiếp tục sướng hơn thế nữa trong cõi vĩnh hằng ở Thiên đường. Như vậy chẳng cũng khoái hơn bội phần ru ?
 
 
 
Linh mục Ant. Nguyễn Mạnh Đồng
      Cựu sinh viên Xuân Bích.
 
 

 

 

Kinh cầu nguyện Thánh Giuse, Đấng Bảo Trợ những người đang hấp hối

 

 
 
Lạy Thánh Giuse, Đấng đã hân hạnh được Chúa Giêsu và Đức Maria ân cần chăm sóc khi đến giờ trở về Nhà Cha trên trời, người thật xứng đáng để Kitô hữu chúng con kêu cầu như Đấng Bảo Trợ và An ủi những người đang hấp hối.
 
Hôm nay chúng con nài xin người trợ giúp chúng con trong những giây phút sau cùng chúng con sống ở trần gian. Xin cầu cho chúng con được ơn sống trên đời này trong công chính và ngay thẳng như người, trước mặt Chúa Giêsu và Đức Maria, không bao giờ lìa xa các ngài. Để khi những ngày sống của chúng con chấm dứt, cuộc sống trần gian của chúng con được biến đổi thành cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Amen.
 
 
 

Kinh cầu nguyện Thánh Giuse, Đấng Bảo Trợ được ơn chết lành

 

 
Lạy Thánh Giuse, khi đến giờ chết người được Chúa Giêsu và Đức Maria âu yếm ở kề bên, người thật xứng đáng để tất cả Kitô hữu chúng con khẩn cầu người như Đấng Bảo Trợ và An ủi những người đang hấp hối.
 
Vì thế hôm nay con xin người trợ giúp con trong những giây phút sau cùng của đời con. Xin cầu cho con được ơn sống thanh thản và lương thiện như người trước mặt Chúa Giêsu và Đức Maria, không bao giờ con lìa xa các ngài, để khi những ngày sống của con tàn tạ, con được đón tiếp vào nhà Cha trên trời. Xin cho con được sống hạnh phúc vĩnh hằng trước nhan Chúa. Con cầu xin cho con và cho mọi người thân yêu của con. Amen.
 
(Đây là bản dịch hai kinh cầu nguyện Thánh Giuse do Nhà nguyện Thánh Giuse ở Montréal, Québec, Canada phổ biến)
 
 Sách tham khảo
 
 Henri Bissonnier, La Vie devant nous , Médiaspaul, 2007.
Conseil pontifical pour les laics, Dignité et mission des personnes âgées dans l’Eglise et dans le monde , 1998.
Jean-Paul II, Lettre du pape Jean Paul II aux personnes âgées , 1999.
Đỗ Hồng Ngọc,
- Già ơi chào bạn , NXB Trẻ, TP.HCM, 1999.
 - Gió heo may đã về , NXB Văn nghệ, TP.HCM, 2000.
 - Chẳng cũng khoái ru , NXB Văn nghệ, TP.HCM, 2008.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận