Nỗi Đau Ngày Mất Cha

Đăng lúc: Thứ tư - 18/02/2015 02:15 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong
NỖI ĐAU NGÀY MẤT CHA
 
Cha tôi ra đi vào ngày mồng hai tết, giữa mùa xuân đang mọng chín ngọt lành. Sáng thức dậy, đang chuẩn bị cho giờ kinh đầu ngày và thánh lễ cầu nguyện cho ông bà tổ tiên, nhân dịp đầu năm mới. Bất chợt, chuông điện thoại reo lên. Tôi nhận được tin từ đứa cháu: “Ông mất rồi, chú về đi”. Trời đất như sụp đổ, tôi gào lên và gọi trong nghẹn ngào hai chữ: “ Ba ơi”.
 Gắng gượng dậy để che dấu đi một nỗi mất mát quá lớn lao, tưởng chừng như không sao vượt qua được. Tôi kết những dòng lệ thành lời kinh ban mai của một ngày đầu xuân dâng lên Thiên Chúa, tôi tin Ngài và mãi mãi tín thác vào Ngài. Thế nhưng, trong phận người bất tất, tôi không sao cản nỗi trên hai gò má, những dòng lệ tuôn rơi. Tội nghiệp các em lễ sinh, chúng không sao hiểu được, sao cha lại khóc? Lời của bài hát : “ Ngày đầu xuân bao người đi xa, cũng về với gia đình”, càng làm tim tôi se sắt. Tôi chưa kịp về để mừng tuổi ba, thì ba đã ra đi vĩnh viễn khỏi cỏi đời này. Phải chăng trong trách nhiệm của một vị Mục tử, tôi phải làm tròn sứ mạng mà Chúa và Giáo hội đã uỷ thác. Tôi dâng Thánh lễ trong nhạt nhoà nước mắt, và có lẻ, đó là một thánh lễ tôi cử hành với một niềm xác tín mãnh liệt nhất trong đời. Cầu cho ông bà tổ tiên, những người đã ra đi, hay còn ở lại. Tất cả là hồng ân lớn lao mà Thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương con người đã ban tặng. Ba mất, chúng tôi cảm thấy hụt hẫng vô cùng, từ đây, mỗi lần về thăm nhà, tôi không thể nhìn thấy bóng hình cha yêu nữa. Công đức sinh thành, dưỡng dục, suốt đời làm sao tôi quên được. Dù rằng đã lớn khôn, nhưng với ba tôi vẫn thấy mình như trẻ thơ ngày nào.
 Trong đời, ba mong ước được ra đi bình an, và điều đó đã được toại nguyện. Ba còn mong sao thánh lễ có nhiều cha đồng tế, và chắc rằng ba đã thoả mãn những ước mơ. Khép lại nỗi đau riêng để bước vào một hành trình thiêng liêng, của Mùa chay và Năm đức tin. Tôi cảm thấy một niềm bình an nhẹ nhàng, và một thoáng gió xuân mang theo niềm tri ân, và niếm cậy trông vào sự quan phòng của Đấng là Cha hết mọi loài.
 
Lm Giacobe Tạ Chúc

 
Chợ tết!
Xôn xao con ngõ chào mới,
Chợ ba mươi tết nói cười uyên thuyên.
Phải em chốn ấy bình yên,
Ngày hai buổi chợ quê mình vẫn hơn.
Trong anh vẫn nỗi giận hờn,
Ngày cuối năm cũ buông đàn tìm xuân.

CHỢ TẾT

Hình như đã thành một tập quán, hay là văn hoá của người Việt, đó là chợ tết. Ai cũng có thể nhận ra rằng: những ngày cuối năm, các phiên chợ trở nên đông đúc hơn, kẻ bán người mua, kẻ cười người khóc. Từ thành thị cho tới nông thôn, các siêu thị lớn nhỏ, các chợ có tên tuổi hay tự nhóm họp, nằm rải rác khắp nơi, những dịp mùa xuân về, nhộn nhịp người đi mua sắm.
Một năm vất vả ngược xuôi, ky cóp dành dụm, cuối năm hối hả đi mua sắm. Cũng vỉ lẻ đó mà các mặt hàng thi nhau tăng giá một cách chóng mặt. Nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, nhất là trong mỗi độ xuân về, ai cũng muốn có những vật dụng, trang trí nhà cửa một cách khang trang hơn. Đi chợ tết,  là một điều hết sức thú vị, chợ hoa, chợ hàng hoá, hàng trăm thứ chợ, nếu những ngày bình thường qua lại ít người mua, thì trong những ngày cuối năm, những con đường, các phố phường bỗng trở nên chật hẹp. Trăm người bán, vạn người mua, cứ thế thoả lòng trong ba ngày tết. Những người thân yêu trong gia đình, về chung vui trong những ngày xuân. Họ cùng nhau mua sắm tết, cũng thật hay khi mọi người có được những giây phút chia sẻ cho nhau từ những phiên chợ tết.
Chợ ba mươi tết trong ngày lễ Tro, người tín hữu càng có cơ hội để thực thi bác ái, giúp đỡ cho những người nghèo cũng hưởng mùa xuân an lành, trong niềm hân hoan vui như những phiên chợ ba mươi tết.

Lm Giacobe Tạ Chúc 

 
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận