Lan man về bệnh “sĩ”

Đăng lúc: Thứ ba - 28/04/2015 02:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Lan man về bệnh “sĩ”

Bất cứ dân tộc nào, con người nào cũng có sĩ diện. Tuy nhiên, sự sĩ diện này cao hay thấp, có ở mức cực đoan hay không lại tùy thuộc từng nền văn hóa và tùy thuộc từng giai đoạn phát triển của nhân cách mỗi người.

 Vậy, thế nào là sĩ diện? Sĩ diện nói nôm na nghĩa là biết cách để giữ thể diện, điều chỉnh hành động, lời nói, suy nghĩ phù hợp với tiêu chuẩn cuộc sống để người khác coi trọng mình. Như vậy, nói cách khác, sĩ diện chính là tự trọng. Thử hỏi trên đời nếu con người không biết tự trọng bản thân thì làm sao người khác có thể đánh giá cao mình?. Sĩ diện quá đáng là việc dùng những vẻ bề ngoài, những thao tác khoa trương trước người khác và dĩ nhiên, cái thao tác đó không phản ánh đúng tính chất con người đó mà chỉ để thỏa mãn sự khoe mẽ mà thôi. Tuy nhiên, ít nhiều điều đó cũng khiến họ khoan khoái. Còn về phía người đối diện thì đầu tiên họ bị nhầm, sau đó phát hiện ra bản chất của họ thì bực. Do đó, sự sĩ diện mang tính tiêu cực nhiều hơn và được gọi là bệnh “sĩ”.

Nguồn gốc: trong một xã hội như phương Tây đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, họ được tự do, tùy thích trong việc lựa chọn lối sống mà không nặng nề chuyện xem thái độ của những người xung quanh như thế nào thì chuyện sĩ diện đối với họ có chừng mực và thường dừng lại ở sự tự trọng. Ngược lại, ở những dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể như Việt Nam mình thì mình sống trong mối quan hệ đan xen, chằng chịt với gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong xã hội đó có những quy chuẩn đạo đức chung và mọi người cần tuân theo, chỉ cần anh đi chệch quỹ đạo đó sẽ bị người ta dò xét, thậm chí lên án. Văn hóa tập thể một mặt làm tăng tính cộng đồng, cộng cảm. Mặt khác, nó làm cho con người ta không dám thể hiện cái tôi rõ nét, từ đó mà sự đột phá, sáng tạo không cao, đúng hơn là nhiều khi người ta không dám sống thật với bản chất con người mình mà phải lựa theo tập thể.

Khi một người có lỗi lầm và bị phát hiện, dù họ có ân hận song cũng không thể xóa đi được mặc cảm, nỗi xấu hổ với gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm. Thậm chí, ở chiều ngược lại; người ta vẫn đề phòng, nghi kỵ anh, dù lỗi đó của anh đã qua rồi. Vì thế, nhiều người có xu hướng cố gắng giấu kín lỗi lầm mình mắc phải vì sĩ diện, vì xấu hổ. Bệnh sĩ còn được đưa vào cả thành ngữ như “con gà tức nhau tiếng gáy”; nhẹ nhàng hơn cũng là làm sao cho “bằng chị bằng em”. Người này thấy người kia sắm được xe sang, xây được nhà to thì cũng sống chết vay mượn, mua sắm để tỏ ra rằng ta không thua kém gì nó. Thấy người ta lo cho con học trường này, trường nọ thì cũng bằng mọi cách “chạy trường, chạy lớp, chạy điểm” cho con mình. Rồi bệnh sĩ còn thể hiện trong câu “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại” – nghĩa là cố che đậy những khiếm khuyết của mình để lấy oai với thiên hạ.

Và cũng chính bệnh sĩ đã đẻ ra chủ nghĩa thành tích: Bấy lâu nay người ta cứ lên án chủ nghĩa thành tích trong ngành giáo dục, nhưng thực ra nếu như soi cho kỹ thì ngành nào, nghề nào cũng có chủ nghĩa thành tích.

Dưới góc độ cá nhân, bệnh “sĩ” thể hiện nhiều trong lối sống của người Việt ta, nhưng điều đáng quan ngại hơn là có trong một bộ phận giới trẻ muốn tự “nâng giá” bản thân, muốn người khác nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Đó là thái độ cố tình làm ra vẻ mình không thua kém ai để người ta coi trọng, hoặc muốn che giấu sự thua kém của mình để người khác khỏi coi thường. Đây trước hết xuất phát từ quan niệm chuộng hình thức, những cái không phải là giá trị thực chất. Sự khoe khoang sẽ khiến người nghe lúc đầu có thể rất thán phục, nhưng dần dần sẽ dẫn tới khó chịu. Và luôn luôn coi cái “tôi” là nhất. Không ít vụ án đau lòng xảy ra bởi tính sĩ diện hão. Chỉ vì một ánh mắt, một nụ cười mà bị coi là “đểu”, mà người ta sẵn sàng dùng hung khí để giải quyết. Rồi biết bao người được gọi là “đại gia”, trong khi nợ nần chồng chất, quỵt lương, bảo hiểm của công nhân, nhưng vẫn bỏ ra tiền tấn để mua xe siêu sang, xây nhà to vật vã… Nhiều bạn trẻ tuy chưa làm ra tiền nhưng vẫn rất thích đến những quán café ghế mềm, máy lạnh sang trọng. Miệng luôn đòi hỏi, yêu cầu này nọ với người phục vụ. Nhất là khi có “girl (hoặc boy) friend” đi cùng thì bệnh sĩ càng “bùng nổ”. Tuy chiều lòng “thượng đế” nhưng không mấy chủ quán café, các cô phục vụ cảm thấy thoải mái khi phục vụ. Tiền uống café có khi là tiền nhịn ăn sáng cả tuần liền mà vào đây thì rất thiếu lễ độ, yêu cầu cái này, đòi hỏi cái kia, tỏ vẻ “ta đây” không tôn trọng, thậm chí coi thường người phục vụ!. Ít ai biết được rằng đằng sau những tiểu thư xinh đẹp, công tử sành điệu lại là những người mẹ sớm hôm tần tảo ngoài chợ với từng mớ rau, là những người cha lam lũ với chiếc xe ôm. Những bộ quần áo mới, những di động style, những lọ nước hoa đắt tiền của cô cậu “sành điệu” lại có được bằng những đồng tiền cóp nhặt của cha mẹ. Ấy thế mà mỗi lần về quê, các cô cậu chẳng đụng tay đụng chân đến một việc gì, vì “sợ bẩn”, “sợ xấu”… Có điện thoại gọi đi nhậu là đi, không đi sẽ bị cho là không nhiệt tình, sợ tốn tiền, ki bo. Ăn nhậu xong đứng dậy thì bàn nhậu còn đầy thức ăn, đồ uống nhưng chẳng ai dám cho vào túi mang về vì ai cũng sợ sẽ bị nghĩ này, nghĩ nọ, một căn bệnh sĩ diện cố hữu của phần đông người Việt.

Chúng ta hãy nhìn người Nhật, họ là một đất nước phát triển, nhưng đi làm hay đi chơi không bao giờ họ mua đồ ăn ngoài. Tất cả đều do họ tự nấu và mang đi. Họ chỉ đi nhậu vào những ngày cuối tuần, nhưng những  người này đa số là còn độc thân. Những người có gia đình họ dành những ngày nghỉ đưa gia đình đi mua sắm, picnic… Nhiều người Việt chúng ta lại cho cuộc sống như vậy là cuộc sống đày ải, chỉ là tồn tại, không biết tiêu tiền, không bà con, bạn bè ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế…”. Cuộc sống như vậy là đày ải thì phải chăng chỉ là sau ngày làm việc họ phải tự đi chợ, nấu ăn như vậy sẽ không có nhiều thời gian rảnh như những người ăn cơm người quán.

Cũng đừng nghĩ rằng sống như vậy sẽ không ai giúp đỡ khi mình khó khăn. Bạn hoàn toàn sai, những người biết tiết kiệm họ hoàn toàn có thể giúp đỡ được  bạn bè lúc họ cần. Như thế thì đến lúc họ có khó khăn thì cũng sẽ có người sẵn sàng giúp thôi.

Bạn không tiết kiệm, không có khả năng giúp đỡ ai thì bạn đừng nghĩ là khi bạn khó khăn sẽ có nhiều người giúp đỡ bạn. Vì cuộc sống bây giờ mọi người đều thực dụng, có vay, có trả. Người ta có nhìn thấy khả năng bạn trả nợ được thì người ta mới cho bạn vay. Vì đấy cũng là đồng tiền mồ hôi, xương máu của họ làm ra.

Rõ ràng, có những sự sĩ diện gây ra phiền toái. Thế nhưng nếu không có sĩ diện thì cũng đáng lo, vì có thể người ta sẽ hành xử không theo một quy chuẩn nào, khiến những người xung quanh coi thường, lên án. Vậy, sĩ diện mức nào thì đủ? Rất khó để định lượng được rằng mỗi người cần bao nhiêu sĩ diện và cần trong những trường hợp nào vì “mỗi cây mỗi hoa”. Cũng cần thấy rằng, sĩ diện còn tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Có thể cùng một việc là để được nhận vào làm trong công ty nọ, nhân viên A sẽ lo quà cáp đến biếu sếp còn nhân viên B thì không vì anh ta chỉ muốn dựa hoàn toàn vào thực lực, không muốn mang tiếng quỵ lụy nhờ cậy ai. Điều này là do tính cách quyết định. Mà đã là tính cách thì khó sửa lắm, tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Góc nhìn đó thường gắn với lợi ích. Trong nhiều trường hợp, khi người ta biết gạt đi tính sĩ diện để vì tập thể, vì lợi ích chung thì khi đó, sự sĩ diện được cho là đủ.

Có lẽ, ở một khía cạnh nào đó, không chịu thua kém người khác là một tâm lý tích cực, nó thúc đẩy người ta cạnh tranh, phấn đấu vượt qua chính mình, giúp xã hội ngày càng phát triển. Nhưng đó là khi người ta sợ thua kém nhau về trình độ, năng lực, phẩm cách, về mức độ thành đạt thực sự. Nhưng buồn thay, bây giờ nhiều người chỉ sợ mình thua kẻ khác những vàng son đắp điếm bên ngoài mà thôi, và để có cái Iphone cùng lướt web với thiên hạ, dù có phải ăn cơm chan mắm họ cũng cam lòng. Tự hào về khả năng của bản thân cũng chính là thể hiện sự tự tin và bản lĩnh của bạn. Song có đôi lúc, sự tự hào về những thứ không có thật lại có tác dụng ngược lại. Mọi người mất niềm tin với những lời nói, những hành động sáo rỗng, không có giá trị, thậm chí là chính “bệnh nhân” cũng tự gây hoạ cho chính mình.

Tóm lại, để “ngừa” bệnh sĩ, phải chấn chỉnh nhân cách. Tính cách của mỗi người được tạo ra từ phản xạ cảm xúc mang tính tự nhiên; hình thành cái tôi khi ý thức được vị trí bản thân trong các mối quan hệ, chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa để hình thành nên những giá trị; do văn hóa, giáo dục chi phối. Do đó, thay đổi tính cách không dễ. Để người ta bớt đi tính sĩ diện thì có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là giáo dục. Nhưng đáng buồn thay, chuyện “chạy trường, chạy lớp, chạy điểm” là một dạng bệnh “sĩ” của phụ huynh học sinh và chuyện “bệnh thành tích” là một dạng bệnh “sĩ” của ngành giáo dục.

Bác sĩ Lê Trung Ngân

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận