Chuyện cổ tích nơi Suối Máu

Đăng lúc: Thứ bảy - 24/10/2015 23:10 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

Chuyện cổ tích nơi Suối Máu

Suối Máu - tên thôn dân tộc Rai tại xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, dễ thường tạo cảm giác tò mò khi mới thoạt nghe. Trái với cái tên nghe rờn rợn, cuộc sống nơi đây là bức tranh bình lặng, yên ả. Nhưng ít ai biết rằng, đã có thời mảnh đất này chồng chéo bao gian lao, trắc trở nếu không có sự hỗ trợ của các nữ tu thuộc Tu hội Thừa Sai Bác Ái.

ÁNH SÁNG CUỐI ĐƯỜNG

Trên quốc lộ 55, cách giáo xứ Thánh Linh chừng ba cây số, quây quần những nếp nhà của thôn Suối Máu. Nhịp sống hôm nay diễn ra êm đềm, song hồi ức về năm tháng nhà nhà loay hoay, lận đận khó thể nào quên.

Mái nhà lá xập xệ thời kỳ khó khăn

Hay biết hoàn cảnh khó khăn của thôn đã lâu, ngày 20.7.1992, bốn nữ tu thuộc Tu hội Thừa Sai Bác Ái đặt chân tới Tân Hà với ước mong có thể san sẻ gánh nặng cùng bà con. Liền ngay đó, các chị vào thôn đi thăm từng gia đình. Đâu đâu cỏ cây cũng mọc um tùm, nhà lá lụp xụp và rơm rạ vương vãi khắp ngã đường. Lần đầu trông thấy, ngỡ chừng nơi đây là vùng đất hoang lạnh. Nhiều em nhỏ nhìn khách lạ với cặp mắt tròn xoe, ngơ ngác. Khét nắng, trần truồng, chân đất là điểm chung của hầu hết lũ trẻ. Và họa hoằn lắm mới được một em biết chữ. Cũng từng có thầy giáo vào dạy phổ cập nhưng không kéo dài được lâu, nên thời điểm ấy, bốn nữ tu dốc lòng lấy chương trình xóa mù chữ mở đầu cho kế hoạch “phục sinh” Suối Máu.

Trong mấy gian phòng do chính quyền xây tại thôn trước đây, dần dần rộn vang tiếng trẻ con đánh vần, học đếm, ca hát. Tới lớp, đứa mặc quần áo vá chằng vá chịt, đứa mang dép đứt, tóc cháy nắng vàng hoe. Thấu hiểu sự thiệt thòi của trẻ dân tộc, càng gần, càng gieo vào lòng những nữ tu niềm thương cảm thẳm sâu. Nhiều em quá tuổi, cao lêu nghêu ngồi học lớp 1 nên hay thẹn thùng, ngượng ngập. Đến bên động viên, tâm tình, các “cô giáo” giúp em xóa đi tâm lý xấu hổ, mặc cảm. Qua thời gian kiên trì phổ cập, lũ trẻ cũng dần quen biết mặt chữ. Lúc này, các chị mở thêm lớp 3 và 4 để nâng bước những em chăm chỉ, ham học. Trung bình mỗi lớp như vậy có chừng 20 em. Đến năm 2000, chương trình phổ cập kết thúc. Học trò giờ đây có thể ra trường ngoài học bình thường. Không còn trực tiếp giảng dạy nhưng “người cô” năm xưa vẫn lặng lẽ đồng hành. Từ năm 2002 đến 2012, các cô mở lớp dạy phụ đạo cho cấp 1 ngay tại nhà. Ánh sáng tri thức nhờ thế ngày một rạng tỏ. Quang cảnh Suối Máu dần bớt tối tăm.

Gia đình nhỏ bên căn nhà tường được xây tặng

Song song việc vun trồng giáo dục, các nữ tu Thừa Sai tình cờ phát hiện vấn đề khác, cũng cần trợ giúp từng phút giây. Khi đến thuyết phục phụ huynh cho trẻ đi học, họ mới hay trong thôn có 20 người mắc bệnh phong. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và sự chăm sóc của y tế, bà con đành “lơ” trước các biến chứng phức tạp. Can thiệp tức thời, hằng tháng, một nữ tu lên bệnh viện Phan Thiết lấy thuốc về phát cho bà con. Mặt khác, cách vài ngày, họ tới lau rửa, băng bó vết thương và gởi thuốc bổ kèm theo. “Hiện trong thôn còn 13 người bệnh, các vết thương cũng đã khô và lành lặn. Có điều những di chứng như co quắp tay chân, lòa mắt... gây trở ngại nhất định tới cuộc sống. Phía chúng tôi thì vẫn gởi thuốc đều đặn và vào thăm họ thường xuyên.”, nữ tu Trần Thị Tuyết cho hay.

Nhằm giúp bà con tránh tái phát bệnh và nhiễm trùng thương tích, thông qua nguồn hỗ trợ khác nhau, các chị thực hiện dự án xây nhà cho họ. Nhờ căn nhà tường cao ráo, kín gió, những người già lết tới lui sạch sẽ và dễ dàng hơn so với đất cứng lồi lõm. Từng có lúc, các chị gởi người bệnh lên trại phong Di Linh để được chăm sóc toàn diện nhưng rồi họ trốn về do nhớ thôn, nhớ nhà. Về Suối Máu có khổ hơn, thiếu tiện nghi hơn nhưng không thấy cô đơn, buồn bã, không thể quên cuộc sống đơn sơ, hồn hậu của riêng mình.

TAY NẮM LẤY TAY

Đồng hành cùng thôn dân tộc suốt 23 năm, dìu dắt nhau qua tháng ngày gian khổ, từng niềm vui nỗi buồn trở thành kỷ niệm khó phai với những người dấn thân. Và rồi hôm nay, Suối Máu đang trên đà chuyển mình, tạo nên niềm hạnh phúc vô song với các chị. Đầu tiên, phối hợp cùng chính quyền địa phương và sự trợ giúp gần xa, các chị dựng xây được nhiều căn nhà tình thương lần hồi thế chỗ các mái tranh cũ kỹ, mục nát. Bên tổ ấm mới, chị Hồ Thị Bảy khoe: “Nhà cao cửa rộng mình chẳng dám mơ tới, được như vầy là quá sức mong mỏi rồi, giống như phép màu vậy…!”. Mới đây, nhờ những người có thiện chí, Tu hội giúp ba gia đình mua bò về nuôi để có thêm điểm tựa kinh tế, bởi phần nhiều đồng bào sống nhờ nghề chích cá, làm rẫy hay trồng bắp nên cuộc sống thường bấp bênh. Ai cũng mong nguồn thu nhập mới sẽ cho kết quả khả quan.

Cho trẻ con uống sữa tươi để cải thiện sức khỏe

Cạnh đó, những con đường bêtông dần thay thế những đoạn đường đất đá nhấp nhô xưa kia. Có đường mới, trẻ đi học cũng dễ, xe tang di chuyển cũng thuận tiện, êm ái hơn. Còn trước nay, bà con chuyên dùng xe bò để tiễn đưa người khuất, xe lắc lư, giật nảy liên hồi. Liên hệ với giáo xứ Thánh Linh, các chị mượn được chiếc xe tang mỗi khi cần đến. Từ chỗ mượn, Tu hội bước tới việc mua hẳn một xe riêng cho đồng bào Rai. Rồi chương trình hỗ trợ áo quan cho hộ nghèo cũng được thực hiện. Chuyện bắt đầu khi một cụ già mất đột ngột vì ngộ độc nhưng nhà không xoay sở nổi một cỗ quan tài. Cám cảnh thực tế đắng cay, sau lần ấy, Tu hội và xứ Thánh Linh quyết định cùng sớt chia gánh nặng trên đôi vai bà con.

Thi thoảng trong năm, các nữ tu chuyển gạo, quần áo, nhu yếu phẩm... từ các tấm lòng hảo tâm vào trong Suối Máu. Chăm chút mọi mặt đời sống thể ấy, “người đồng hành” không mong gì hơn về một tương lai sáng sủa cho toàn thôn. Tương lai ngày mai đến từ hôm nay, nhận thức rõ điều trên, các chị lại không ngừng vun đắp, đỡ nâng lớp trẻ. Xin học bổng giúp học sinh, sinh viên nghèo, phụ cấp sinh hoạt phí cho trẻ mẫu giáo đã trở thành hoạt động thường xuyên. Hơn nữa, hằng tuần vào Hai – Tư - Sáu, trên đường đi học về, học trò cấp I còn ghé nhà các chị uống hộp sữa tươi. “Ở đây, tụi nhỏ bị thấp còi, thiếu dinh dưỡng rất nhiều vì bữa cơm của người dân tộc thường không đủ chất. Cứ “muối sả” (sả băm trộn muối) thì làm sao các em có đủ sức khỏe để học tập và phát triển trí tuệ. Bởi thế, chúng tôi muốn giúp các em thêm phần dinh dưỡng”, nữ tu Trần Thị Tuyết cho biết.

Các nữ tu dạy kèm trẻ con tại nhà

Ngoài việc chu toàn ấm êm các nhu cầu ăn, mặc, ở, Tu hội còn lưu tâm về đàng thiêng liêng cho bà con trong thôn. Suối Máu có hơn 150 hộ với khoảng 600 nhân danh, số nhận biết Chúa ước chừng vài chục. Cứ ngày thứ Năm, một nữ tu vào thôn trao Mình Thánh cho người già cả. Những người còn lại đi lễ ở xứ Thánh Linh hoặc Đông Hà. Hạt giống đức tin nơi đây đang dần nẩy mầm…

Bước qua bao chông gai, những thay da đổi thịt của Suối Máu tưởng như chuyện cổ tích trên mảnh đất thôn quê với cốt chuyện là dân tộc Rai và các nữ tu Thừa Sai Bác Ái.

Phú Khang


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Tin Giáo phận