Tĩnh Tâm Giáo Triều 2018

Đăng lúc: Thứ năm - 22/02/2018 16:56 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

 

TĨNH TÂM GIÁO TRIỀU 2018 (1)

 

  

BÀI 1: HÃY TÌM CHÍNH MÌNH TRONG SỰ KHÁT CỦA CHÚA GIÊSU

BÀI 2: CHÚNG TA HÃY ĐẶT NƠI CHÚA CƠN KHÁT CỦA CHÚNG TA

 

 

BÀI 1: HÃY TÌM CHÍNH MÌNH TRONG SỰ KHÁT CỦA CHÚA GIÊSU

 

Chiều Chúa Nhật 18/02/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô và các cộng tác viên của ngài trong Giáo triều Roma đã từ Vatican đến Nhà Tĩnh tâm Thầy Chí Thánh ở Ariccia để dự tuần tĩnh tâm Mùa Chay. Cha Josè Tolentino de Mendonça người Bồ Đào Nha, một thần học gia và thi sĩ, viện phó Đại học Công giáo Lisbon, sẽ thuyết giảng trong tuần tĩnh tâm này về chủ đề “Ca ngợi sự khát”.

 

Cha Josè cho biết chủ đề này nảy sinh từ khía cạnh nhân chủng học của đức tin. Đức tin không phải là một hệ tư tưởng nhưng là một kinh nghiệm. Sự khát không phải là một ý tưởng nhưng nó trình bày cuộc sống trong thực tại của nó. Trong Tin mừng Chúa Giêsu nói rằng Người khát. Cái khát này là gì? Nó có ý nghĩa gì đối với chúng ta đang sống trong mùa cụ thể trong đời sống của Giáo hội? Con người có những cái khát nhiều khi không trùng với cái khát của Thiên Chúa. Cái khát của con người cần được thanh tẩy và định hướng lại. Những cái khát nhỏ của chúng ta cần được biến đổi để sống cái khát lớn lai: khát ý nghĩa, sự thật, vẻ đẹp, sự hoàn hảo và vô tận.

 

Trong bài suy niệm thứ nhất mở đầu tuần tĩnh tâm “Học ngạc nhiên”, Cha Josè suy tư về phần thứ nhất của đoạn Phúc Âm Thánh Gioan 4,5-24 – cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ xứ Samari ở giếng Giacóp. Chúa Giêsu ngồi ở giếng Giacóp, xin người phụ nữ Samari: “Xin cho tôi uống.” Điều này làm chúng ta ngạc nhiên, làm chúng ta bất ngờ. Một người Do thái nói chuyện với một phụ nữ xứ Samaritanô thuộc dân đối kháng với người Do thái. Chúng ta ngạc nhiên như thể Chúa Giêsu hướng đến chúng ta và xin: “Cho Ta điều con có. Mở trái tim của con. Cho Ta điều là con.” Cha José Tolentino de Mendonça đã bắt đầu bài suy niệm thứ nhất như thế.

 

Học ngạc nhiên

 

Lời yêu cầu của Chúa Giêsu khiến chúng ta bối rối và không chắc chắn bởi vì “chúng ta là những người đến để uống” ở giếng, và chúng ta biết rằng khát là điều khó khăn và cần thiết. Nhưng Chúa Giêsu cảm thấy mệt mỏi vì cuộc hành trình, và ngồi gần giếng nước. Và trong Tin Mừng, những người đang ngồi để xin là những người ăn xin. Ngay cả Chúa Giêsu cũng cầu xin bố thí; “thân thể Người nếm trải mệt nhọc nhiều ngày: hao gầy vì yêu thương chăm sóc cho người khác”. Không chỉ con người là hành khất của Thiên Chúa. “Thiên Chúa cũng là một người ăn xin của con người.”

 

Với sự yếu đuối của Người, Chúa đến tìm kiếm chúng ta

 

Với yếu đuối của mình, Chúa Giêsu “đã đến để tìm kiếm chúng ta”. “Trong vực thẳm sâu nhất và đêm tối nhất của sự yếu đuối mỏng giòn của chúng ta, hãy để chúng ta được sự khát của Chúa Giêsu hiểu và tìm kiếm.” Nó không phải là sự khát nước, nhưng là cái khát lớn hơn: “Nỗi khát đến với các cái khát của chúng ta, đi vào tiếp xúc với các vết thương của chúng ta.” Người yêu cầu chúng ta: “Hãy cho Ta uống.” Cha José đặt câu hỏi: “Chúng ta sẽ cho Người uống không?” Chúng ta sẽ cho nhau những điều tôt chứ?”

 

Chúng ta nhận ra mình được kêu gọi, bởi vì chính Chúa là Đấng chủ động đến gặp chúng ta. “Khát khao của chúng ta lớn bao nhiêu thì mong muốn của Thiên Chúa thậm chí còn lớn hơn thế.” Và khi Chúa Giêsu nói với người nữ sự thật của cuộc đời bà, “điều này không hạ nhục hay làm tê liệt bà ấy; trái lại, bà cảm thấy được gặp, được thăm viếng bởi ân sủng, được giải thoát nhờ chân lý của Chúa”.

 

Chúa biết rằng chúng ta ở đây và Người ôm choàng chúng ta

 

Cha giảng thuyết kết luận: Chúng ta hãy cảm thấy mình được Chúa ôm choàng, vì “Thiên Chúa biết chúng ta ở đây”. Và trong những ngày này, “hãy dừng việc học hỏi, để học biết rằng ân sủng sẽ cho cuộc sống có thể trong con người chúng ta”. Trong sâu thẵm cõi lòng mình, chúng ta hãy nói: “Lạy Chúa, con ở đây không chờ điều gì cả.” Giống như nói rằng: con ở đây chỉ chờ đợi Ngài, “chờ đợi điều Ngài cho con”.

 

Từ thứ hai hôm nay cho tới thứ sáu 23/02, những ngày tĩnh tâm của Đức Giáo Hoàng và các cộng tác viên của ngài sẽ bắt đầu với việc cử hành Thánh lễ lúc 7,30, và sau đó  nghe bài suy niệm thứ nhất vào lúc 9 giờ 30. Vào 4 giờ chiều, sẽ có bài suy niệm thứ hai trước giờ Kinh Chiều và chầu Thánh Thể. (Vatican News 18/02/2018)

 

BÀI 2: CHÚNG TA HÃY ĐẶT NƠI CHÚA CƠN KHÁT CỦA CHÚNG TA

 

Chủ đề của bài suy niệm thứ hai của tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma có chủ đề “Khoa học của sự khát”.

 

Lời hứa của Chúa trước cơn khát của con người

 

Câu cuối cùng được Chúa Giêsu nói trong sách Khải huyền là một lời mời: “Ai khát, hãy đến!” Từ câu Thánh Kinh này, Cha Josè Tolentino de Mendonça, vị giảng thuyết của tuần tĩnh tâm, phát triển suy tư của ngài để giúp chúng ta hiểu những nét chính của sự “tràn đầy”, của “sự nhưng không” của sự sống mà Con Chúa ban tặng con người và để đánh giá câu trả lời của con người ngày nay.

 

Chúa Giêsu hứa xoa dịu cơn khát của chúng ta khi nhận rằng chúng ta “bất toàn và trong tiến trình xây dựng”: Người biết có “bao nhiêu chướng ngại ngăn chúng ta lại và “bao nhiêu tranh luận làm chúng ta chậm bước”. Chúng ta “gần với nguồn như thế và chúng ta cũng đi xa nó như thế”. Mong ươc và cơn khát, thực tế, là hai tình cảm trái ngược nhau: một bên là sự thu hút, còn một bên là khoảng cách, một đàng là di chuyển đến còn đàng kia là sự quan sát cảnh giác. Câu hỏi được đặt ra là chúng ta có ao ước Thiên Chúa không? Chúng ta có nhận biết cơn khát của chúng ta không? Chúng ta có dành thời gian để giải mã nó không?

 

Không dễ nhận ra cơn khát của Chúa

 

Từ những câu hỏi trên, vị thuyết giảng đi vào một hành trình đi từ Kinh Thánh, đến các văn bản của nhà soạn kịch Ionesco, tới các trang sách Hoàng tử nhỏ của Saint-Exupéry, để làm nổi bật những nét thực sự của cơn khát như nhu cầu về thể chất, như sự nhìn nhận những giới hạn của chúng ta, nhìn nhận rằng chúng ta thật dễ bị tổn thương. Cha Josè nói: “Cơn khát làm làm chúng ta nghẹt thở, cạn kiệt, kiệt sức. Nó để chúng ta bị bao vây và không có sức mạnh để phản ứng, và dẫn chúng ta đến một giới hạn vô cùng.” Nếu chúng ta muốn nói về dụ ngôn cơn khát của chúng ta, có lẽ sẽ nổi lên chân dung của Gioan, nhân vật nam chính trong tác phẩm “Nỗi khát và cơn đói” của Ionesco. Đó là một con người bị nuốt chửng bởi “sự trống rỗng vô hạn”, bởi một sự bồn chồn mà không có gì có thể làm dịu đi và làm cho anh ta trở thành “một người không có nguồn cội, không nhà, không thể tạo ra các mối liên kết, bị chìm mất đi trong sự trống rỗng của mê cung, nơi anh ta chỉ nghe tiếng ồn ào đơn độc của các bước của chính mình”.

 

Tinh thần theo chủ nghĩa tiêu thụ của con người hôm nay

 

Đây là cơn khát của con người ngày nay. Một cơn khát “biến thành sự bất mãn đối với những điều thiết yếu, biến thành sự bất lực trong việc phân định”. Ngày nay, chủ nghĩa tiêu thụ không chỉ là về vật chất, mà cả khía cạnh tâm linh, và “những gì người ta nói về tinh thần/vật chất giúp ta hiểu được vật chất/tinh thần”. Thực tế là các xã hội của chúng ta, “áp đặt việc tiêu thụ như là một tiêu chí của hạnh phúc và biến ao ước thành một cái bẫy”: mỗi khi chúng ta nghĩ đến việc làm thoả mãn khát khao của chúng ta trong một “cửa hàng”, trong việc “mua” món đồ, trong một “đồ vật”, sự sở hữu ngụ ý sự mất giá của nó, và điều này làm cho sự trống rỗng lớn lên trong chúng ta. Đối tượng của mong muốn của chúng ta là một “thực thể vắng mặt”, là một “đối tượng dường như luôn bị thiếu”. Tuy nhiên, “Chúa không ngừng nói với chúng ta: ‘Ai khát, hãy đến; ai muốn, uống nước sự sống mà không phải trả tiền’”.

 

Chúng ta hãy đặt nỗi khát của chúng ta nơi Chúa

 

Có nhiều “cách để lừa dối những nhu cầu và chấp nhận một thái độ trốn tránh tinh thần mà không bao giờ nhận ra rằng chúng ta đang trốn chạy”. Cha José kết luận: “Chúng ta đưa ra các lý do phức tạp về lợi nhuận và hiệu quả” để thay thế cho “chiều sâu không gian nội tâm của chúng ta và sự phân định về cơn khát của chúng ta.” Ngược lại, không có “viên thuốc nào có thể giải quyết cách máy móc các vấn đề”.

 

Cuối cùng, Cha José mời gọi: Chúng ta hãy chậm bước lại, ý thức về nhu cầu của chúng ta; chúng ta hãy ngồi ở bàn của đức tin, không vì lý do vật chất hay kinh tế, nhưng vì lý do của cuộc sống. Cơn khát của các mối quan hệ, của sự chấp nhận và tình yêu hiện diện trong mỗi con người, là một di sản “tiểu sử” mà chúng ta được kêu gọi để nhận ra và để cảm ơn. Đó không phải là điều tầm thường và sau đó “chúng ta hãy đặt cơn khát của chúng ta nơi Thiên Chúa”. (Vatican News 19/02/2018)

TĨNH TÂM GIÁO TRIỀU 2018 (2)

 

Bài 3: Khám phá và giải thích cơn khát Thiên Chúa

Tĩnh tâm giáo triều, bài 4: Chống lại sự ù lì, yêu thương như Chúa Giêsu

Tĩnh tâm giáo triều, bài 5: Cơn khát của Chúa Giêsu trên đồi Canvê: ước mong ơn cứu độ của chúng ta

Tĩnh tâm giáo triều, bài 6: Chúa Giêsu đón nhận tất cả nước mắt của thế giới

 

 

Bài 3: Khám phá và giải thích cơn khát Thiên Chúa

 

Khao khát về sự vô biên, vô cùng, vô tận là mong muốn của tất cả mọi người. Trong bài suy niệm thứ 3, cha José Tolentino de Mendonça,  giảng thuyết viên trong tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha và Giáo Triều, đã giải thích làm thế nào để giáo dục “sự khao khát Thiên Chúa của chính mình.”

 

Khao khát Thiên Chúa và khả năng nhận ra nó là trọng tâm của bài suy niệm chiều ngày thứ hai với tựa đề “Tôi nhận ra mình khát.” Cha giảng thuyết chỉ ra trạng thái tâm hồn thích hợp và các công cụ cần thiết để giải thích sự mong muốn Thiên Chúa trong chúng ta, để suy niệm và giáo dục mong muốn này, để phát triển chiều kích thiêng liêng của cơn khát. Cha giải thích rằng “tiếp cận với khát khao của một người không phải là một công việc dễ dàng, nhưng nếu chúng ta không làm thì đời sống thiêng liêng sẽ mất sự gắn kết với thực tại của chúng ta.”

 

Ý thức về cơn khát của chúng ta

Do đó, chúng ta phải bỏ đi sự sợ hãi khi nhận ra cơn khát và sự khô khan của chúng ta. Cha Josè mời gọi đừng lý trí hóa quá đức tin:

“Chúng ta đã tạo nên một lâu đài hùng vĩ của các ý niệm trừu tượng. Không phải ngẫu nhiên mà nền thần học trong các thế kỷ gần đây đã mất nhiều giờ để thảo luận các vấn đề được phong trào Ánh sáng (duy lý trí) đặt ra, nhưng lại bị trượt ra khỏi những  vấn đề được đặt ra, ví dụ, bởi chủ nghĩa lãng mạn, như các vấn đề về bản sắc, tập thể và cá nhân, về sự nổi lên của chủ thể hay chán sống. Chúng ta quan tâm đến sự đáng tin của lý trí về kinh nghiệm đức tin hơn là sự đáng tin của sự hiện hữu, của nhân học và tình cảm. Chúng ta quan tâm nhiều đến lý trí hơn là đến tình cảm. Chúng ta để lại phía sau chúng ta sự phong phú của thế giới tình cảm của chúng ta.”

 

Trên thực tế, con người là “hỗn hợp của nhiều yếu tố cảm xúc, tâm lý và tinh thần, và tất cả chúng ta đều phải có sự nhận thức.” Cũng thế, cuộc sống tinh thần không phải là đúc sẵn, nhưng “tham gia vào sự đơn nhất căn bản của mỗi chủ thể.”

Nói về khao khát là nói về sự tồn tại thực sự chứ không phải về cuốn tiểu thuyết về chúng ta mà quá nhiều lần chúng ta thích ứng với nó, là làm sáng tỏ một trải nghiệm hơn là một khái niệm. Vì thế, cần phải dẹp bỏ sự cứng nhắc hàng ngày bởi vì “có thể xảy ra là chúng ta có khó khăn lớn nhất ngay cả khi thừa nhận rằng chúng ta đang khát.” Một trong những yêu cầu để nhận nước của cuộc sống là nhận ra mình khát.

 

Giải thích cơn khát

 

Sau khi nhận thức được cơn khát của chúng ta, chúng ta cần phải giải thích nhu cầu đó trong chúng ta. Cha José Tolentino de Mendonça nhấn mạnh rằng ở giai đoạn này chúng ta phải phân biệt ước muốn với sự cần thiết thật, cái làm dịu đi và thỏa mãn với việc sở hữu một đồ vật:

 

“Chúng ta sẽ không lẫn lộn giữa mong muốn với nhu cầu. Ước muốn là một điều còn thiếu mà không bao giờ hoàn toàn hài lòng, nó là một căng thẳng, một vết thương luôn mở, một sự mở ra liên tục với điều khác. Mong muốn là một khát vọng vượt lên trên chúng ta và không cố định trong khi sự cần thiết là một chấm dứt và kết thúc. Sự cần thiết là một thiếu sót tiềm ẩn của chủ thể. Sự vô cùng của ước muốn là ước muốn điều vô biên.”

 

Cha giảng thuyết nói: “Ước muốn của con người khác biệt so với ham muốn của động vật”, là con người nghĩa là  “cảm thấy sự tồn tại phụ thuộc vào nhận thức này hơn bất cứ điều gì khác". Niềm khao khát này bị các xã hội tư bản khinh khi, vì các xã hội này vội vã khai thác sự thúc đẩy đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, trong khi loại bỏ khát khao và ước muốn của con người. Trong thực tế, tư bản chủ nghĩa hứa hẹn giải phóng ao ước khỏi những ức chế luật pháp và đạo đức dưới tên gọi của sự hài lòng không giới hạn. Và khi điều đó xảy ra, “những yêu thích, niềm đam mê, niềm vui bị tiêu tan trong một sự tiêu thụ vô độ, đồ vật cũng như con người”, và người ta đi đến chỗ dập tắt đi sự khao khát, đến với đau khổ của ao ước. Cuộc sống mất đi định hướng của nó.

 

Khao khát Thiên Chúa

 

“Như con nai mong về suối nước”. Dựa trên Thánh Vịnh 42, cha José tập trung vào việc tìm cách làm cho mình dịu cơn khát Thiên Chúa. Nếu người ta chiêm ngưỡng thế giới bằng tình yêu, người ta khám phá ra rằng “tất cả thụ tạo sẽ đi qua mong muốn thiết yếu này.” Cha trích dẫn lời của Thánh Augustinô:

 

"Chạy đến nguồn nước, khát khao về nguồn nước; nhưng không chạy một cách ngẫu nhiên, không chạy như bất kỳ con vật nào; chạy như một con nai ... Đừng chậm ... con nai rất nhanh.”

 

Cha cũng mời gọi chúng ta phát triển chiều kích tinh thần của khao khát hơn là các cấu trúc: “Có lẽ chúng ta cần phải khám phá lại mong muốn, hành trình và sự cởi mở của nó, chứ không phải là những hệ thống, trong đó tất cả mọi thứ đều được lên kế hoạch, thiết lập, bảo đảm. Kinh nghiệm của ước muốn không phải là một tiêu đề của tài sản hoặc một hình thức sở hữu: nó thực sự là một tình trạng khất thực. Tín hữu là một kẻ ăn mày lòng thương xót.

 

Tóm lại, cha giảng thuyết đặc biệt kêu gọi hòa giải với tình trạng dễ bị tổn thương của mỗi người và nhắc nhở mọi người về lời khuyên của Đức Giáo hoàng Phanxicô: “Một trong những cám dỗ tồi tệ nhất là tự cảm thấy đủ và tự tham chiếu.” Ngược lại, ôm lấy sự dễ bị tổn thương của chính mình là tiếp cận mong muốn được nhận biết và xúc động như người phong cùi đã đến với Chúa Giêsu (Mt 8,3), như mẹ chồng của Phêrô trên giường với cơn sốt (Mt 8,15), như người đàn bà đã mười hai năm bị xuất huyết (Mt 9,20), giống như những người đã kêu lên “Con của Đa-vít, xin thương xót chúng tôi!” (Mt 8,27) (Vatican News 20/02/2018)

 

Tĩnh tâm giáo triều, bài 4: Chống lại sự ù lì, yêu thương như Chúa Giêsu

 

Sự ù lì biếng nhác đối ngược với sự khao khát, trái ngược với ước muốn sự sống. Sáng thứ ba, 20/02, cha Josè Tolentino de Mendonça, giảng thuyết tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Roma, đã bắt đầu bài suy niệm thứ 4 về chủ đề: sự lười biếng làm mất đi hương vị của cuộc sống; đôi lần nó là tấn công chúng ta và làm chúng ta bị suy yếu, nó ngược lại với lòng khát khao.

 

Khi chúng ta ngừng khát, lúc đó chúng ta bắt đầu chết. Khi chúng ta thôi mong muốn, thôi tìm thấy hương vị trong các buổi gặp gỡ, trong các cuộc đối thoại, trao đổi, trong việc đi ra khỏi chính mình, trong các dự án, trong công việc, trong sự cầu nguyện của mình. Khi sự tò mò của chúng ta đối với người khác và sự cởi mở của chúng ta đối với những điều chưa được công bố giảm đi, và mọi thứ đối với chúng ta giống như một sức nóng mà chúng ta đã thấy, và chúng ta cảm nhận nó như một gánh nặng vô ích, vô lý và phi lý nghiền nát chúng ta. Khi đó, theo triết gia Kierkegaard, cuộc sống mà tôi sống giống như là của một người khác, còn Evagrio Pontico nói đến “quỷ lười”.

 

Người ta không chữa các tình trạng tuyệt vọng chỉ với thuốc thang

 

Thời hiện đại ngừoi ta “y học hóa sự lười biếng khi chữa trị nó như một chứng bệnh phải được điều trị từ chiều kích tâm lý”. Cha thuyết giảng cảnh báo: “Ngay cả trong một bức tranh lâm sàng, rõ ràng là trạng thái suy nhược hoặc trầm cảm không thể chỉ chữa khỏi bằng “thuốc men” mà phải “bao gồm toàn thể con người trong việc chữa trị.” “Có rất nhiều đau khổ ẩn chứa mà chúng ta phải khám phá nguồn gốc của nó; các đau khổ bắt nguồn từ mầu nhiệm của sự cô độc của con người.” Và vì vậy chúng vẫn là một chủ đề của hành trình thiêng liêng.

 

Sự suy kiệt cảm tính

 

Còn có một vấn đề nữa “trải dài hơn”: đó là sự thiêu cháy,  nghĩa đen là “tự thiêu hủy”, một sự cạn kiệt cảm xúc, mà một linh mục cũng có thể bị ảnh hưởng. Nói chung, khi chúng ta cảm thấy bị bỏ rơi, chỉ còn lại một “sự trống rỗng tràn đầy “đau đớn hoặc với sự xoa dịu giả tạo như thế gian trần tục, rượu, các mạng xã hội, chủ nghĩa tiêu thụ hoặc quá hiếu động. Có những người mang vết thương của tang tóc hoặc phá sản, những người bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng khi còn là trẻ em, những người nghèo đói kinh tế, người đau khổ vì chiến tranh.

 

Giôna, Giacóp và người thanh niên giàu có

 

Có hai con nhân vật có thể giúp hiểu về năng động này. Trong câu chuyện của Giôna, chúng ta thấy mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa giống như cuộc đối thoại giữa những người điếc mà trong cuộc đối thoại đó người ta không nghe vì chúng ta “không thích những gì là ý Chúa”, theo luận lý lòng thương xót của Người. Ngược lại, Giacóp chiến đấu với Chúa cho đến khi bình minh: trong ông có ước muốn sự sống, trong khi Giôna lại thất thường, va chạm với ước muốn sự sống của Thiên Chúa, Đấng muốn đưa tất cả vào một mối quan hệ hiện hữu mới. Sự buồn sầu gắn buộc với sự lười biếng nhắc đến chàng trai trẻ, người đã giữ các điều luật nhưng trong giờ quyết định thì lại chọn gia sản của mình thay vì một hành trình mở ra để sống trong sự tín thác. Cha José nói: “Không phải là điều hiếm hoi khi nỗi buồn của chúng ta xuất phát từ sự bất lực này.”

 

Câu hỏi của lòng ao ước

 

Do đó cần kiểm tra sự thiếu sức sống của ao ước: không phải lý do luôn là sự hoạt động quá mức cho bằng là không có động lực thích hợp

 

Yêu thương như Chúa Giêsu

 

Câu trả lời cho tất cả điều này là Chúa Giêsu. Mối quan hệ với Người nhất thiết phải trải qua sự chia sẻ với Người  trong cuộc Thương khó: “trái tim của chúng ta trưởng thành trong khả năng đó để đạt đến mức đau khổ vì điều này và cho những người yêu mình theo cách riêng của họ.” Trong lời của tân nương trong sách Khải huyền “hãy đến”, bộc lộ nhu cầu sâu thẳm mà Giáo Hội trải nghiệm khi Chúa Thánh  Thần đến, như Simone Weil đã nhấn mạnh. (Vatican News 20/02/2018)

 

Tĩnh tâm giáo triều, bài 5: Cơn khát của Chúa Giêsu trên đồi Canvê: ước mong ơn cứu độ của chúng ta

 

 

Cơn khát của Chúa Giêsu”, dấu hiệu của cơn khát hiện sinh của con người, là ý tưởng được cha Josè Tolentino de Mendonça suy tư trong bài suy niệm thứ 5 của tuần tĩnh tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô và gíao triều Roma.

 

Cha Josè nhấn mạnh rằng cơn khát của Chúa Giêsu, cơn khát thể lý Người trong giờ thương khó trên đồi Canvê, “thử thách của sự nhập thể” và “dấu hiệu của cái chết thật của Người” và cơn khát thiêng liêng là “chìa khóa quan trọng” để hiểu được ý nghĩa sâu xa của sự sống và cái chết của Người.

 

Cha Josè giải thích: ngoài trình thuật đồi Canvê, thánh sử Gioan còn có 3 lần khác dung thành ngữ diễn tả động từ “khát”. Khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ xứ Samari, Người nói với bà: ‘Ai uống nước này sẽ không khát nữa; nhưng ai uống nước ta sẽ ban, không bao giờ khát nữa.’ Rồi trong diễn từ bánh sự sống, Chúa Giêsu xác nhận: ‘Ai đến với Ta sẽ không đói và ai tin vào Ta sẽ không bao giờ khát.’ Cuối cùng, trong ngày lễ Lều, Chúa Giêsu công bố: ‘Nếu ai khát, hãy đến với Ta và ai tin vào Ta, hãy uống.’

 

Cơn khát của người phụ nữ xứ Samaria

 

“Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ xứ Samaria, có một sự thay đổi vai trò mà chúng ta không được bỏ qua”: Chúa Giêsu xin nước uống nhưng mà chính Người là người sẽ ban nước uống.

 

Cho nên, người phụ nữ xứ Samaria không hiểu ngay lập tức những lời của Chúa Giêsu. Bà ta giải thích chúng như là nói đến cơn khát thể lý. Nhưng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã dùng nó với ý nghĩa thiêng liêng. Mong ước của Người luôn ám chỉ đến một cơn khát khác, như Người đã giải thích cho người phụ nữ: ‘Nếu bà biết món quà của Thiên Chúa và người nói với bà ‘xin cho tôi nước uống’ là ai, bà sẽ xin người ấy và người ấy sẽ cho bà nước sự sống.

 

Chúa Giêsu xin nước uống nhưng lại nhận giấm

 

Cũng thế trên đồi Canvê, Chúa Giêsu bày tỏ ngay lập tức Người muốn uống, nhưng Người không được hiểu và thay vì nước Người nhận giấm, và Người đã nhận nó và nói ‘Mọi sự đã hoàn tất!’, Người cúi đầu và trao phó linh hồn. “Như thế, cơn khát là dấu ấn của sự hoàn thành sứ vụ của Người và đồng thời mong ước cháy bỏng trao tặng Chúa Thánh Thần, nước sự sống thật sự có khả năng làm nguôi cơn khát cách tận căn trong trái tim con người.”

 

Khát là tin vào Chúa Kitô

 

Cũng chính trong ngày lễ Lều, Chúa Giêsu nói rõ rằng khát là “tin vào Chúa Giêsu” và uống là “đến với Chúa Kitô.”

 

Thật sự, cơn khát mà Chúa Giêsu nói đến là cơn khát hiện hữu mà Người làm dịu đi bằng cách quy hướng cuộc sống của chúng ta về Người. Khát là khát Chúa. Như thế chúng ta được mời gọi sống với trọng tâm là Chúa Kitô: đi ra khỏi chính mình và tìm kiếm nơi Chúa Kitô thứ nước dập tắt cơn khát của chúng ta, thắng vượt chước cám dỗ của sự tự quy chiếu là điều làm cho chúng ta trở nên đau bệnh và độc tài.

 

Sự thiếu vắng ý nghĩa và mong ước cứu độ

 

Cơn khát của Chúa Giêsu cho phép “hiểu cơn khát có trong trái tim con người và chuẩn bị chúng ta phục vụ cho cơn khát” bằng cách đáp lại “cơn khát Thiên Chúa, sự thiếu vắng ý nghĩa và chân lý, mong ước được cứu độ tồn tại trong mỗi con người, ngay cả khi nó là một ước mong bị che dấu hay chôn vùi dưới các mảnh vụn hiện sinh.”

 

Bẻ gãy xiềng xích và giải phóng năng lượng để mang lại hy vọng

 

Như Mẹ Têrêsa Cancutta dạy, những lời của Chúa Giêsu: ‘Ta khát’ nổi bật trong tất cả các nhà nguyện của các tu sĩ dòng Thừa sai Bác ái, “họ không quan tâm chỉ đến quá khứ nhưng họ đang sống hiện tại.” Nên chúng ta phải luôn luôn khám phá lại Chúa Thánh Thần, bởi vì đôi khi chúng ta là một Giáo hội mà trong đó thiếu sự sinh động, sức trẻ, sự hân hoan của Chúa Thánh Thần, Đấng “làm cho chúng ta thành một Giáo hội đi ra khỏi chính mình. Đây là ý nghĩa của cơn khát của Chúa Giêsu:

 

Khát khao của Người là bẻ gãy những xiềng xích đóng kín chúng ta trong tội lỗi và ích kỷ, ngăn cản chúng ta tiến lên và phát triển trong tự do nội tâm. Khát khao của Người là giải phóng những năng lượng sâu thẳm nhất ẩn chứa trong chúng ta để chúng ta có thể trở thành những người nam nữ có lòng thương xót từ bi, những người thợ xây dựng hòa bình như Người, không chạy trốn những đau khổ và xung đột trong thế giới bị đập vỡ của chúng ta, nhưng nhận lấy trách nhiệm của mình và tạo ra những cộng đồng và nơi chốn của tình yêu, để mang lại hy vọng cho trái đất này. (Vatican News 20/02/2018)

 

 

Tĩnh tâm giáo triều, bài 6: Chúa Giêsu đón nhận tất cả nước mắt của thế giới

 

Sáng thứ tư 21/02, cha José Tolentino Mendonça, giảng thuyết viên tuần tĩnh tâm dành cho Đức Thánh Cha và giáo triều Roma, đã bắt đầu bài suy niệm thứ 6 với tựa đề “Nước mắt nói lên cơn khát.” Trong suy niệm, cha José giải thích rằng nước mắt của các phụ nữ trong Tin mừng diễn tả cơn khát Chúa Giêsu. Cha đọc lại ý nghĩa của nước mắt trong cuộc sống con người và trong mối quan hệ với Thiên Chúa.

 

Nước mắt của các phụ nữ trong Tin mừng

 

Bà Maria, bà góa thành Naim, người phụ nữ tội lỗi. Không thể phủ nhận rằng có nhiều phụ nữ trong Tin mừng với những cảnh đời, tuổi tác, điều kiện kinh tế, cách sống khác nhau, rao giảng Tin mừng. Cách thế của họ là phục vụ; họ không bao giờ đặt câu hỏi để gài bẫy Chúa Giêsu. Điểm chung liên kết tất cả họ là nước mắt, đầy cảm xúc, xung đột, niềm vui và thương đau.

 

Nhưng nước mắt nói rằng Thiên Chúa nhập thể trong cuộc sống chúng ta, trong các thất bại của chúng ta, trong các cuộc gặp gỡ chúng ta. Trong các Tin mừng, Chúa Giêsu cũng khóc. Chúa Giêsu mang lấy thân phận của chúng ta, Ngài trở thành một người trong chúng ta, và vì điều này, nước mắt của chúng ta được kết hợp trong nước mắt của Người. Người thực sự mang lấy những giọt nước mắt. Khi Người khóc, Người thu nhận và cách liên đới, lau đi tất cả nước mắt của thế giới.

 

Ước muốn sống

 

Chính các phụ nữ trong các Tin mừng đã trao quyền công dân cho nước mắt khi tỏ cho thấy tầm quan trọng của dấu hiệu này. Cha Josè đến nhận định của nhà nhà tâm lý học Julia Kristeva: khi một bệnh nhân tuyệt vọng đến phát khóc trên ghế sofa, một điều rất quan trọng đã xảy ra. Đó là anh ta bắt đầu đi xa khỏi cám dỗ tự tử, bởi vì những giọt nước mắt không nói lên ước muốn chết mà là “khao khát sống.”

 

Thiên Chúa biết nỗi đau khóc lóc

 

Ngay từ những đứa bé, tiếng khóc cho biết khát mong mối liên hệ. Nhiều vị thánh, như Inhaxiô thành Loyola, đã khóc rất nhiều. Triết gia Cioran nói rằng trong cuộc phán xét cuối cùng sẽ chỉ nước mắt được coi trọng vì nó đem lại cảm giác vĩnh hằng cho tương lai chúng ta, và món qua của tôn giáo chính là điều dạy chúng ta khóc: nước mắt là thứ có thể đưa chúng ta trở thành thánh sau khi là con người.

 

Tiểu sử của chúng ta có thể được kể lại qua nước mắt: của vui mừng, của ngày hội, của cảm xúc rực sáng; và của đêm tối tăm, khóc lóc, bị bỏ rơi, ăn năn và hối cải. Chúng ta nghĩ đến những giọt nước mắt của chúng ta đã đổ ra, và đến những người vẫn còn nghẹn trong cổ họng và sự thiếu thốn của họ đã khiến chúng ta cảm thấy nặng nề hay cảm thấy nặng nề. Sự đau đớn của những giọt nước mắt đó không phải nước mắt đổ ra vì khóc. Thiên Chúa biết tất cả và đón nhận chúng như một lời cầu nguyện. Do đó, chúng ta tin cậy. Đừng che giấu những giọt nước mắt với Ngài.

 

Tìm kiếm mối tương giao

 

Theo Gregorio Nazianzeno, nước mắt theo một nghĩa nào đó là phép thanh tẩy thứ năm. Khi ở trong tù, Nelson Mandela đã khôi phục lại được đôi mắt bị hư, mất đi khả năng đổ lệ, chứ không phải là khao khát công bằng. Cuối cùng, khi người ta khóc, thậm chí là cố gắng không để cho người khác thấy chúng ta khóc, sự thật là chúng ta luôn luôn khóc để người khác nhìn thấy. “Đó là nỗi khao khát  người khác làm cho chúng ta khóc”:  một người bạn đến và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta có thể để cho bản thân mình rơi vào những cảm xúc sâu thẳm nhất của chúng ta.

 

Cuối cùng, cha Josè đề cập đến người phụ nữ đã khóc và rửa chân Chúa Giêsu bằng nước mắt của bà. Cha lưu ý là nhiều lần, người ta giữ thái độ xa cách và phê bình lòng đạo đức bình dân, trong đó người ta thể hiện mình với vô vàn nước mắt. Đôi khi các mục tử khó có thể nhận ra tôn giáo của những người đơn giản, không dựa trên ý tưởng, mà chỉ dựa vào cử chỉ. Ngược lại, đôi khi người ta có thể sống theo cách dửng dưng lạnh lùng. Chính phẩm chất ấn tượng của những gì người phụ nữ mang đến cho Chúa Giêsu cho phép chúng ta thấy rằng Simon, chủ nhà, đã không cho bất cứ điều gì. Cha Josè kết luận: “Đó là lòng hiếu khách chưa từng thấy mà Chúa Giêsu muốn khen ngợi”. Cơn khát này, mà nước mắt là dấu chỉ, là điều đến lượt chúng ta cần phải học hỏi. (Vatican News 21/02/2018)

 

 

Hồng Thủy

 

Nguồn: RV

Từ khóa:

cộng tác, tĩnh tâm

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận