Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đến Hà Nội

Đăng lúc: Thứ năm - 18/01/2018 10:43 - Người đăng bài viết: Ban Truyen Thong

 

Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đến Hà Nội

T4, 17/01/2018 - 14:28

 
WHĐ (16.01.2018) -- Thứ Ba, ngày 16/01/2018 phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh đã tới Hà Nội trong chương trình gặp gỡ và làm việc với nhà nước Việt Nam. Phái đoàn do Đức Ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tòa Thánh làm trưởng đoàn. Hai thành viên còn lại là Đức Ông Phanxicô Cao Minh Dung, Tham Tán Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Ông Yovko Genov Pishtiyski, Tham Tán Xử Lý Thường Vụ Sứ Thần Tòa Thánh tại Singapore.
 
Phái đoàn đã tới Tòa Tổng Giám mục Hà Nội vào đầu giờ chiều. Vào lúc 18h00 phái đoàn đã đồng tế Thánh lễ tại nhà thờ Chính tòa Hà Nội cùng Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, một số Đức giám mục trong Giáo tỉnh Hà Nội, linh mục, nam nữ tu sỹ và anh chị em giáo dân tại Hà Nội.
 
Trước Thánh lễ, Đức Hồng Y Phêrô đã ngỏ lời giới thiệu từng thành viên trong phái đoàn với cộng đoàn hiện diện. Sau đó ngài đã ngỏ lời với phái đoàn bằng tiếng Pháp: “Thưa quý Đức Ông, Tổng Giáo phận Hà Nội cùng các giám mục trong Giáo tỉnh Hà Nội đang hiện diện rất vui mừng về chuyến viếng thăm của quý Đức Ông. Chúng tôi gửi tới quý Đức Ông lời chào thân ái. Qua quý Đức Ông chúng tôi muốn gửi tới Đức Thánh Cha lòng kính trọng. Chúng tôi rất biết ơn quý Đức Ông vì cùng đồng tế với chúng tôi trong Thánh lễ tối hôm nay.  Cùng với quý Đức Ông, chúng tôi cầu xin Chúa chúc lành cho quý Đức Ông và đồng hành với quý Đức Ông trong suốt quãng thời gian tại Việt Nam, và nhất là làm cho sứ vụ của quý Đức Ông được sinh hoa kết quả.”
 
Thánh lễ được cử hành theo phụng vụ trong ngày. Đức Hồng Y Phêrô chủ tế Thánh lễ và chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ. Cộng đoàn đã hiệp ý cùng cầu nguyện cho công việc của phái đoàn tại Việt Nam đạt được kết quả như lòng Chúa mong ước.
 
Cuối lễ, Đức Ông Antoine Camilleri đã bày tỏ lòng vui mừng vì được đồng tế trong Thánh lễ cũng như được chứng kiến đời sống đức tin sống động của cộng đoàn. Sau khi giới thiệu các thành viên, ngài chuyển lời chúc lành của Đức Thánh Cha tới cộng đoàn. Ngài cho biết, Đức Thánh Cha luôn quan tâm tới niềm vui, sự thành công, cũng như những âu lo của Giáo hội Việt Nam, của người dân Việt Nam.
 
Nhắc đến chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha đang diễn ra tại Chile và Beru, ngài mời gọi cộng đoàn cùng đồng hành với Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện. Ngài cho biết: “Tôi diễm phúc là người được gần gũi với Đức Thánh Cha. Tôi biết ngài, nhìn chung, cách mà ngài chú tâm đến thẩm quyền đạo đức cũng như sự lãnh đạo của ngài trên toàn thế giới ở mọi khía cạnh.”
 
Về vai trò tiên tri và lãnh đạo, Đức Ông cũng đã gợi lại mối tương quan căng thẳng giữa vua Saun và tiên tri Samuel trong bài đọc Cựu Ước trong Thánh Lễ. Theo ngài, Đức Thánh Cha là người đã luôn sống hai vai trò đó cách rõ nét với tình phụ tử, và sứ vụ của Đức Ông tới Việt Nam cũng không đi ra ngoài chiều hướng đó.
 
Đức Ông cho biết mình cảm nhận được bầu khí gia đình tại Hà Nội khi, cảm thấy ở Hà Nội như “ở nhà”.
 
Được biết Phái đoàn sẽ làm việc trong 5 ngày tại Việt Nam, trong đó sẽ có buổi làm việc cùng Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội. Phái đoàn sẽ rời Việt Nam từ sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày làm việc cuối cùng.
 
Chúng ta cùng cầu nguyện cho chuyến viếng thăm này của Phái đoàn đem lại những hoa trái tốt đẹp trong tình thương của Chúa.
(Nguồn: WHĐ)
 

 

Xin click vào hình để xem hình phóng to

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 
Antoine Camilleri

Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh tới Hà Nội

Thực sự đây là đặc ân cho con được cử hành Thánh lễ trong ngôi nhà thờ Chính Tòa Hà Nội. Thật là vinh hạnh cho con được đồng tế với các Đức Giám mục ở đây trong Thánh lễ này, và cùng với các linh mục, các tu sỹ, các chủng sinh, và các giáo hữu.

Tôi rất cảm kích về đức tin và sự sống động của anh chị em trong ngôi nhà thờ này. Điều đó khích lệ tôi rất nhiều.

Đến từ Roma cũng có nghĩa là đến từ Đức Thánh Cha, từ nhà của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha đã được thông báo về chuyến thăm của tôi cũng như sứ vụ của tôi tới Việt Nam, và Ngài gửi  lời chúc lành của ngài cũng như cầu nguyện cho tất cả mọi người.

Anh chị em biết Giáo hội Việt Nam rất gần gũi với trái tim Đức Thánh Cha. Ngài đồng hành rất sát sao với niềm vui, sự thành công, nỗi băn khoăn của Giáo hội Việt Nam. Tôi muốn xác định hơn rằng ngài đồng hành với niềm vui, sự thành công, nỗi băn khoăn của người dân Việt Nam. Và trong tình phụ tử, ngài mong ước sự tốt đẹp nhất cho Xã hội và Giáo hội Việt Nam. Một cách tự nhiên, tôi không muốn chuyến viếng thăm của tôi làm sao lãng sự quan tâm tới một chuyến viếng thăm khác đang diễn ra trong lúc này.

Anh chị em biết là bên kia đại dương, vào lúc này Đức Thánh Cha đang viếng thăm hai quốc gia là Chile và Peru. Đúng giờ này tại Santiago thủ đô của Chile, Đức Thánh Cha đang gặp gỡ với giới chính quyền tại đó. Và tôi mời gọi anh chị em đồng hành với Đức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ này, đồng hành với ngài trong tinh thần và lời cầu nguyện cho chuyến viếng thăm của ngài được thành công.

Tôi diễm phúc là người được gần gũi với Đức Thánh Cha. Tôi biết ngài, nhìn chung, cách mà ngài chú tâm đến thẩm quyền đạo đức cũng như sự lãnh đạo của ngài trên toàn thế giới ở mọi khía cạnh.

Trong bài đọc hôm nay tôi thấy có một chi tiết nhỏ rất đáng chú ý. Tiên tri Samuel đã nói rằng vua Saul có thể cầm gươm giết chết ngài, một vị vua cầm gươm giết một tiên tri. Đó là sự căng thẳng, sự xung đột giữa vị mục tử và vị tiên tri. Có sự sợ hãi từ cả hai phía: Samuel sợ Saul và Saul tìm cách giết Samuel vì sợ Samuel.

Anh chị em biết chức năng tiên tri và lãnh đạo trong Giáo hội là rất quan trọng. Thực sự, mỗi người chúng ta đều mang sứ mạng tiên tri và lãnh đạo. Chúng ta phải thi hành nghĩa vụ đó tùy theo chức năng của mỗi người trong Giáo hội. Cách đặc biệt, một số người trong chúng ta thi hành hai chức năng mục tử và tiên tri. Không thể có sự căng thẳng giữa vai trò mục tử và vai trò tiên tri. Điều đó được áp dụng cho tất cả chúng ta, bao gồm cả xã hội, cả Giáo hội, tôi muốn nói cho tất cả mọi người. Chính Đức Thánh Cha đã dấn thân rất nhiều hai lãnh vực này trên thế giới ngày nay vì ngài gắn kết chặt chẽ lối sống của ngài với hai vai trò này trong sứ mệnh của ngài.

Ngài thực sự là vị mục tử, ngài chỉ dẫn, ngài cai quản, ngài chăm sóc. Là một người tiên tri bởi vì trong các biến cố xảy ra trên thế giới ngài phân định ý muốn và hành động của Thiên Chúa. Và tôi nghĩ điều đó đã cho ngài vai trò lãnh đạo tinh thần và vì đó mà tôi là nhân chứng trong thế giới hằng ngày.

Tôi gặp gỡ nhiều người trong bổn phận hằng ngày từ mọi hoàn cảnh sống. Tôi gặp thành viên của các chính phủ; tôi gặp các chính trị gia; tôi gặp các giám mục; tôi gặp các linh mục; tôi gặp các tu sỹ; tôi gặp các giáo dân. Thú vị hơn là tôi gặp cả những người Công giáo, những tín hữu; tôi gặp những người không công giáo và rất nhiều người không có đức tin. Với tất cả những người này, chúng tôi đã đối thoại với lòng kính trọng và tôn trọng sự lựa chọn cá nhân. Nhưng có một điều tôi xác quyết là tất cả họ đều có lòng kính trọng đối với Đức Thánh Cha, cho dù trạng thái tôn giáo của họ như thế nào. Và tôi nghĩ bổn phận của chúng ta, với tư các là cộng đoàn Ki-tô hữu, cầu nguyện cách chăm chỉ cho Đức Thánh Cha để Thiên Chúa ban cho ngài sức khỏe và sức mạnh để ngài hoàn tất sứ mệnh theo ý Chúa.

Trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi của tôi tại Việt Nam lần này, trong 4 ngày rưỡi, tôi mang theo sứ mệnh đó của Đức Thánh Cha, một cách thức tôi trợ tá cho sứ vụ của ngài.

Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn tất cả anh chị em về tấm thịnh tình của anh chị em chiều nay đã dành cho phái đoàn Tòa Thánh. Từ lúc tôi đến đây chiều hôm nay, Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn luôn nhắc tôi là hãy coi đây như là ở nhà của mình. Tôi thấy không có gì khó khăn khi coi ở Hà Nội như ở nhà mình.

Anh chị em biết là, ở nhà nghĩa là nơi mình cảm thấy an toàn; Ở nhà nghĩa là không cảm thấy có gì khác biệt. Ở nhà nghĩa là mình được nhìn thấy những khuôn mặt thân thương, những tiếng nói thân thương. Và ở Hà Nội thực sự tôi cảm thấy như ở nhà, mặc dù đây mới là lần thứ hai tôi đến Hà Nội. Tôi nghĩ rằng buổi cử hành Thánh lễ tối nay đã toát lên tâm tình mạnh mẽ này, tâm tình được như ở nhà mình. Ngôn ngữ là vấn đề đối với tôi. Tôi nên dành thời gian ở Việt Nam nhiều hơn để học tiếng Việt. Vâng, các bài thánh ca, những hát tiếng Latinh đã dùng trong Thánh lễ, việc cử hành Thánh lễ, cấu trúc của việc cử hành Thánh lễ được nhận thấy giống nhau ở mọi nơi trên thế giới. Ở đây cũng giống như ở quê hương tôi; Ở đây cũng giống như ở Roma, Ở đây cũng giống như ở Mỹ, Ở đây cũng giống như nước Úc.

Giáo hội Việt nam là một phần của Giáo hội hoàn vũ. Và sự hiện diện của tôi ở đây cho thấy điều đó. Sự hiệp nhất và nên một của Giáo hội trên toàn thế giới.

Một lần nữa xin cảm ơn anh chị em và cầu chúc anh chị em cùng gia đình và người thân được mọi điều tốt lành.

Video - Thánh lễ cầu nguyện cho phái đoàn Tòa Thánh đang làm việc tại Việt Nam

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 
Tin Giáo phận