Học Viện Dòng Đa Minh Việt Nam Hành Hương Mẹ Tàpao
Lúc 11g30, ngày 21-4-2014, Cha Giuse Đặng Văn Tiếp - Tu đoàn Bác Ái Xã Hội đã dâng Thánh lễ tại linh đài Mẹ Tàpao cùng 50 thầy đang học tại học viện Đa Minh Mân Côi và quý khách hành hương.
Dòng Đaminh với danh xưng là Dòng Anh Em Thuyết Giáo, OP, do Thánh Tổ phụ Đaminh sáng lập năm 1216 tại Toulouse-Pháp. Dòng Đaminh đến Việt Nam từ thế kỷ 16 (1550), trong sứ mạng truyền giáo.
Năm 1967, Tỉnh dòng Đaminh Việt Nam được thành lập với tên gọi Tỉnh Dòng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, lễ bổn mạng kính thánh tổ phụ 8-8, với châm ngôn “Chiêm niệm và truyền thông chân lý”.
Năm 1986, Cha GioaKim Nguyễn Văn Kim, OP, Đại diện Bề trên Tổng quyền Việt Nam lúc đó đã quyết định mở lại Học Viện Đaminh và đặt cơ sở mới tại Tu Viện Mâm Côi-Gò Vấp.
Năm 2003, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo đã chập nhận cho khoa Thần học của Trung Tâm Học Vấn Đaminh được sát nhập vào Phân Khoa Thần học thuộc Đại Học Giáo Hoàng và Hoàng Gia Santo Tomas (UST), Manila, Philippines, từ đây Trung tâm có tính cách quốc tế và quyền hạn để đào tạo Cử nhân Thần Học.
Mở đầu Thánh lễ, Cha Giuse đã có lời chào anh em học viện vì trước đây cha cũng từng học tại đây và ngài rất vui khi cùng được dâng Thánh lễ với anh em tại linh địa Mẹ Tà-pao linh thiêng này.
Trong bài giảng ngày Thứ Hai tuần Bát Nhật Phục Sinh theo Thánh Mát-thêu “ Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: Các Bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta”, Cha Tiếp mời gọi quý thầy và quý khách hành hương hãy học theo tinh thần loan báo Tin mừng Chúa Phục Sinh mà Chúa Giê-su đã mời gọi những người phụ nữ trong những ngày Chúa sống lại. Trong xã hội lúc bấy giờ, người phụ nữ chưa được coi trọng, Chúa Giê-su lại mời gọi họ trong sứ mạng loan báo Tin mừng. Điều này cho thấy người phụ nữ có một vai trò quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giê-su, cũng như đối với các Tông đồ và trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người ta có thể lý giải theo nhiều cách vì sao Chúa lại hiện ra với những người phụ nữ trước mà không hiện ra với những người môn đệ Chúa yêu. Chúng ta không thể kết luận một cách chính xác được nhưng có một điều không thể chối cải là những người phụ nữ này là người thân tín với Chúa, là những người gắn bó với Chúa khi người còn ở trần thế trong công cuộc rao giảng của Ngài, nghĩa là những phụ nữ này đã sống kết hiệp khi Ngài còn ở trần gian. Vì thế chúng ta thấy những cuộc gặp gỡ của Đấng Phục Sinh là những cuộc gặp gỡ của tình yêu, phải có tình yêu thì Chúa Giê-su mới có thể các chị em và trao cho các chị em một sứ vụ là loan báo về chính Ngài đã phục sinh.
Hôm nay, chúng ta quây quần dưới chân Đức Mẹ Tà-pao, có lẽ trong những người phụ nữ thân cận với Đức Giê-su nhất, mặc dù Kinh thánh không nói nhiều nhưng chúng ta công nhận rằng đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Trên lộ trình lên đường Gôn-gô-tha để chịu chết của Chúa Giê-su thì Kinh thánh cũng không nói nhiều về phản ứng của Mẹ Maria và sau khi Chúa Giê-su sống lại cũng không thấy Kinh thánh nhắc tớ việc Đức Giê-su nói với Mẹ điều gì. Nhưng mà, qua những chặng đường và những lộ trình như thế, chúng ta gặp được nơi Đức Maria một con người sống chiều kích nội tâm. Kinh thánh diễn tả rằng: “Đức Maria nghe và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Lẽ ra, khi thấy con mình chịu đóng đinh trên Thập giá thì theo lẽ thường tình của người phụ nữ, Mẹ đã phải vật vã và gào khóc lên nhưng mà Mẹ vẫn không phản ứng hay tỏ thái độ như bao người đã thể hiện khi con mình gặp đau khổ, khi con mình bị giết. Phải chăng Đức Mẹ đã cảm nhận được chương trình Cứu độ của Thiên Chúa qua Đức Giê-su và ngang qua Mẹ. Mẹ với một phần nhạy bén của một người phụ nữ, Mẹ có thể hiểu được và có thể linh cảm được mặc dù Chúa Giê-su không nói kết cho Mẹ về lộ trình Ngài sẽ đi nhưng bằng cảm nhận sâu sắc bằng đời sống đạo của Mẹ và sự gắn bó với Đức Giê-su Con Mẹ thì Mẹ đã hiểu được phần nào chương trình Cứu độ của Đức Giê-su. Vì thế , con thiết tưởng rằng hình ảnh Đức Maria mà chúng ta quy tụ nơi đây cũng là hình ảnh trở thành biểu tượng cũng như là mẫu gương trong đời sống dâng hiến của mỗi Thầy đang có mặt nơi đây.
Kết thúc Thánh lễ, quý thầy đã cám ơn cha Giuse đã đến để cùng dâng lễ và cha cũng cầu chúc quý thầy gặp được những thành quả tốt đẹp trên con đường học vấn cũng như con đường thực tập mục vụ. Nguyện Xin Mẹ Maria Tàpao giàu lòng yêu thương con cái Mẹ, luôn mãi đồng hành với quý thầy trên con đường dâng hiến.
Gioan Trần Chính Trọng.
Ý kiến bạn đọc